Bút ký - Tản văn
Sống trong Kinh thành
15:57 | 31/10/2008
NGUYỄN ĐẮC XUÂNAnh em Nguyễn Sinh Khiêm - Nguyễn Sinh Cung sống với gia đình trong ngôi nhà nhỏ trên đường Đông Ba. Ngôi nhà giản dị khiêm tốn nằm lui sau cái ngõ thông với vườn nhà Thượng thư bộ Lễ Lê Trinh. Nhưng chỉ cần đi một đoạn ngang qua nhà ông Tiền Bá là đến ngã tư Anh Danh, người ta có thể gặp được các vị quan to của Triều đình.

Đứng tại ngã tư Anh Danh gọi to tiếng một chút, lính Hộ thành phía sau có thể nghe và chạy đến bắt ngay. Và cũng đứng trên cái ngã tư ấy, hằng ngày người ta gặp biết bao người khăn áo chỉnh tề đi “hầu” các cơ quan Lục bộ nằm kề nhau thành một dãy Lại, Hộ, Lễ, Binh, Hình, Công. Có lẽ hai anh Khiêm, Cung đã loạn tai vì những chức tước lúc ấy: Viên ngoại, Lang trung, Thị lang, Tham tri... Và chắc chắn phải mất nhiều ngày thắc mắc hỏi han hai anh em mới hiểu được vì sao con cháu nhà vua dù trai, dù gái, người mới nhú răng sữa cho đến người tóc bạc răng long, ai cũng được gọi bằng “mệ”!
Bạn bè của các cậu Khiêm, Cung có nhiều. Song đến nay chưa ai biết hết được. Tôi biết được một người tên là Ưng Lệ nhưng không rõ được “tình bạn của cô với hai cậu Khiêm, Cung” ra sao? Cụ Tôn Quang Duyệt, một người có nhiều liên hệ với gia đình Bác, đã nhiều năm nghiên cứu về Thời niên thiếu của Bác, cho biết lúc ấy Nguyễn Sinh Cung có một người bạn cùng quê là Chu Văn Phí - thường gọi là cậu Cu Nậy(1).

Anh em Khiêm, Cung và các bạn hay bắt dế, đuổi bướm, hái hoa cỏ dại chung quanh Hoàng thành. Việc gì cậu Cung cũng muốn biết, nơi nào cậu cũng muốn đến xem tận chỗ. Chuyện đó đã làm cho bà Loan lo ngại. Sống trong Kinh thành nhưng đâu phải nơi nào người dân bách tính cũng được đến đâu!
Nhớ chuyện cũ, cụ Chu Văn Phí đã kể với Tôn Quang Duyệt:
- “Anh Côông nhỏ hơn tôi mấy tuổi, nhưng anh khôn ngoan hơn tôi. Anh sớm phân biệt được phải trái, thiện ác. Một hôm anh thấy tôi chơi với một tốp bướm đủ màu sắc, anh bảo tôi: “Nầy, anh không thả cho chúng bay đi mà lại chơi với chúng?” Vừa lúc đó tôi nổi cơn ho vì phấn của bướm. Tôi nghiệm thấy lời anh Côông nói đúng, tôi ném hộp bướm đi ngay”.

Cậu Cung có óc quan sát rất sớm. Cậu không nhìn lẻ loi một việc gì mà thường đặt sự việc ấy trong hoàn cảnh của nó. Sống trên “đất dưới xe vua”, nhiều lần cậu Cung cũng được cha kể chuyện vua tôi, quân thần. Trên đường Đông Ba hằng ngày nhan nhản các loại xe thùng của các quan đi qua. Xe đen thùng vuông quan nhỏ, xe đen thùng tròn quan to, xe cọng đồng thùng vàng quan đại thần. Xe bánh gỗ niềng sắt người hèn, xe bánh cao-su người sang. Chỉ sống trong Kinh thành mấy năm anh em Khiêm, Cung đã có thể hiểu được các bậc quan, duy chỉ có vua hai cậu náo nức muốn nhìn mà chưa gặp. Thỉnh thoảng Cung theo mẹ ra bến Tượng dưới cầu Đông Ba giặt giũ, thấy ai cũng cúi đầu trước cái tượng đất đặt trên bến, Cung tưởng tượng đến vua, Cung hỏi bạn:
- “Vua có giống như tượng Phật đó không?”
Thời quân chủ còn thịnh, khi vua đi ra ngoài, nhân dân đều phải trốn, nhà ở dọc hai bên đường phải đóng cửa, ai nhỡ gặp vua giữa đường thì phải lập tức phủ phục xuống hai bên đường. Dân không được nhìn “long nhan” của vua. Ai phạm thượng đều phải tội. Sau năm người Pháp chiếm Kinh đô (1885) các ông vua bù nhìn do Pháp đặt lên không đủ quyền hành thực hiện điều cấm đó. Tuy vậy dân bách tính vẫn kiêng. Câu hỏi của cậu Cung vẫn làm cho bạn bè sợ hãi.

Mãi đến một hôm, mặt trời vừa chiếu xuyên qua cửa thành Đông Ba, trống trên Ngọ Môn đánh liên hồi, súng trên cột cờ ình oàng nổ, đầu đường cuối xóm vang vọng lời rao:
- “Ngài ngự du xuân, Ngài ngự du xuân”.
Anh em Khiêm, Cung không kịp gài cúc áo tất tả chạy ra phía cửa Thượng Tứ xem.
Đám rước “Ngài ngự du xuân” là một đoàn voi thắng bành gấm nhúc nhắc đi giữa hai hàng lính đội nón dấu, chân quấn xà-cạp vàng. Nổi bật trên đám rước là một cái kiệu khảm ngà bên trên có lọng ngũ sắc che. Chiếc kiệu di chuyển trên mấy chục đôi vai lực lưỡng. Hai anh em Khiêm, Cung núp dưới một gốc nhãn liếc mắt nhìn. Vua Thành Thái đầu chít khăn vàng ngồi chễm chệ trong kiệu, nghiêm trang như một pho tượng. Dân chúng đi qua đường, người già thì phải phủ phục lạy, người trẻ quay mặt đi hoặc lấm lét nhìn trộm vua.
Tối hôm đó, đứng bên khung cửi, Cung thỏ thẻ hỏi mẹ:
- “Vua đau chân sao phải khiêng, mẹ?”
Sống trong vòng cương tỏa của giáo lý đạo Khổng, phàm cái gì động đến vua là “phạm thượng”, nghe con hỏi vậy bà Loan rất ngại:
- “Chớ chớ! Làm vua thì được ngồi kiệu, đừng hỏi rứa con!”
Cung gật đầu cám ơn mẹ. Cậu chau mày một chút rồi lại hỏi:
- “Sao thầy không chít khăn vàng như vua cho đẹp, mẹ?”
- “Chỉ có Hoàng thượng mới được chít khăn vàng, con nhớ nghe!”
Cung có vẻ chưa tin, hỏi tiếp:
- “Rứa tại sao con thấy lính chít khăn vàng dưới chân không sợ vua sao, mẹ?”
Bà Loan sửng sốt, định bỏ khung cửi chạy ra bịt miệng con. Bà nói như trách móc con dại:
- “Sao con lại ví như thế? Mẹ van con đừng hỏi như thế nữa!”
Bà Loan cho rằng, sở dĩ các con trai bà ăn nói, hỏi han có thể phạm vào điều cấm, vì các cậu chưa được học hành, suốt ngày chỉ chơi long nhong trong Kinh thành. Cụ Sắc bận dạy học, bận ôn tập để dự thi khoa tới, bà thay chồng dạy các con, tập cho các con rửa chén, quét nhà đi chợ mua các thứ lặt vặt. Bà dạy cho hai cậu lễ nghĩa, dạy ca dao tục ngữ, dạy các câu hát, câu ví.
Trước khi học chữ với cha, hai cậu Khiêm, Cung đã được học văn học dân gian với mẹ. Cậu Cung tỏ ra rất thích văn học dân gian. Đi chơi nghe được câu ca, câu hát, câu hò nào hay về nhà cậu đọc cho mẹ nghe và nhờ mẹ giải nghĩa(2).

Giữa năm ấy, toàn quyền Paul Doumer (1897-1902) bãi bỏ chế độ bảo hộ và thay bằng chế độ trực trị. Vua Thành Thái mới hơn hai mươi tuổi chưa thấy được hành động thực dân ấy. Bọn thực dân tổ chức lại bộ máy Nhà nước để phục vụ cho chúng. Chúng đo đạc lại đất đai. Đó chính là thời kỳ mà dân ta nói Tây sang “giăng dây thép họa địa đồ nước ” để bắt đầu khai thác sức người, sức của của xứ An - . Những nấm mồ tập thể của những người Huế bị Pháp giết trong biến cố 23-5 Ất Dậu (1885) bị chúng cho quật lên, lấy đất sửa sang hoặc làm mới lại đường sá. Xương trắng, sọ dừa của những người vô tội chất cao thành đống. Đống xương cao nhất cách nhà cậu Cung không xa. Đồng bào Huế nhìn cảnh ấy vô cùng đau đớn. Họ tự góp tiền dựng một cái miếu thờ phụng những âm hồn không nơi nương tựa. Từ đó, cái ngã tư có cái miếu thờ âm hồn gọi là Ngã tư Âm hồn. Đây là một nơi nhỏ hẹp, không có gì đẹp đẽ so với Kinh thành rộng lớn, tráng lệ. Song ở Thừa Thiên Huế không mấy ai không biết đến nó. Đó là một vết thương không cầm máu trên thân thể một cô gái yêu kiều. Hằng năm, cứ đến ngày 23 tháng 5, nhân dân Huế góp tiền, góp bánh trái, xôi oản, mời thầy đến tế Âm hồn, tưởng niệm những người đã bị Pháp giết. Trong những ngày đó đồng bào yêu nước, những nhà yêu nước mượn lời văn tế Âm hồn để lên án Pháp, kêu gọi đồng bào đoàn kết chống Pháp(3). Trong những ngày lễ tế đó, dưới gốc đa, bên hè chợ đâu đâu cũng nghe dân nghèo vừa lóc cóc gõ sanh vừa hô vè Thất thủ Kinh đô. Đồng bào nghe vè thương xót cho những người đã chết, trách móc các bậc vua quan hèn nhát đầu hàng giặc và căm giận bọn Pháp cướp nước đến trào nước mắt.

Quan niệm ngày xưa trẻ con là “âm hồn sống”, nên cúng xong ông chủ lễ thường phân phát xôi oản, quà bánh cho các cháu. Anh em Khiêm, Cung nhà ở gần nên có mặt ở am Âm hồn sớm. Lúc đầu hai cậu bị xôi oản bánh trái nhiều màu đẹp mắt hấp dẫn. Sau đó hai cậu lại thích nghe hô vè Thất thủ.
Sau nầy, nhân một hôm ông cả Khiêm lên thăm cụ Phan Bôi Châu đang bị giam lỏng ở đỉnh dốc Bến Ngự, nhân ngày tế 23 tháng 5, ông Cả nhớ lại một kỷ niệm thời thơ ấu của hai anh em Khiêm, Cung sống trong Thành Nội, ông kể lại bằng cái giọng oang oang trong ngôi nhà tranh chữ nhất của cụ Phan. Bà Bùi Thị Nữ - người đàn bà trung thành được cụ Huỳnh Thúc Kháng chọn làm người phục vụ nấu nướng và chèo đò cho cụ Phan từ khi cụ Phan mới về Huế cho đến lúc cụ qua đời (1925-1940), chứng kiến chuyện ấy và thuật lại lời ông Cả rằng:
- “Không phải đến tuổi trưởng thành ra ngoại quốc em tôi mới ái quốc - lời ông cả Khiêm - Mà từ khi đầu còn để trái đào đi chơi nghe người ta hô câu vè: “Nay mà mắc phải lâm nguy/ Sự tình nông nổi cũng vì giặc Tây!”(4), về nhà nó thương nước, trằn trọc không ngủ được. Sáng dậy em bắt mẹ tôi kể chuyện giặc Tây dương và ngày Kinh thành thất thủ”. Mẹ tôi kể tiếng được tiếng mất, em ngồi lắng tai nghe, chau mày nghĩ ngợi”.

Trước khi thuật tiếp về thời thơ ấu của Bác sống trong Kinh thành, xin bạn đọc dừng lại một chút cùng tôi nhớ lại mấy dòng lịch sử có liên quan đến Huế trong những năm 1925, 1926. Đó là thời gian cụ Phan Bội Châu bị Pháp bắt về giam lỏng ở Huế. Và đó cũng là lúc cụ Phan Châu Trinh  được Pháp cho về Sài Gòn và mất ở đó. Cả hai cụ Phan đã có mối liên hệ tình cảm với cụ thân sinh của nhà yêu nước Nguyễn Ái Quốc. Trong những lúc nói chuyện với đồng chí hai cụ đều tỏ ra tin tưởng vào tương lai cứu nước của Nguyễn Ái Quốc(5). Nhưng hai cụ, trong những chừng mực khác nhau, đều bóng gió trách “Nguyễn Ái Quốc quá cứng rắn” quá nghiêng theo phe tả”(6). Lời bóng gió đó đã đến tai ông cả Khiêm - anh ruột Nguyễn Ái Quốc - đang bị an trí ở làng Phù Lễ (huyện Quảng Điền). Ông Cả rất kính trọng hai cụ Phan là những người yêu nước đứng vào hàng chú bác của mình, song ông cho nhận xét đó của hai cụ là chưa hiểu hết Nguyễn Ái Quốc. Ông cả Khiêm tâm sự với những người gần gũi với mình ở Phù Lễ - như ông bà Nguyễn Hiệp(7), ông Ấm Hoàng(8), ông Nguyễn Ngọc Bang(9) rằng:
- “Nói như thế là chưa hiểu con người Nguyễn Ái Quốc. Đất Nghệ An đã sản sinh ra cái tính cứng rắn, cái cương quyết có lúc đến quyết liệt của Nguyễn Ái Quốc chứ không phải Nguyễn Ái Quốc qua Pháp theo những người trong phe tả rồi mới như thế đâu!”

Để chứng minh cho điều ông vừa nói, ông Cả kể lại mẩu chuyện nhỏ nầy:
- “Sau khoa thi Hội năm Mậu Tuất (1898) anh em tôi theo thầy tôi về làng Dương Nỗ làm thục sư. Tính thầy tôi rất nghiêm, con cái đi chơi về tối thế nào ông cũng gọi lại quở rầy, có lần ông đánh đòn đến phỏng da. Một hôm hai anh em lên thăm mẹ đúng vào mùa nhãn chín. Thế là thăm mẹ xong, hai anh em lén ra đường Hộ Thành(10) hái trộm nhãn của nhà vua. Mải vui cho đến lúc trống trên lầu Ngọ Môn điểm tâu-tờ-râu-tờ-râu-tờ-râu-tâu-tâu và súng Thần công trên Kỳ đài nổ báo hiệu giờ đóng cửa thành hai anh em mới vội vã trụt xuống chạy về. Khi hai anh em ra đến cửa Thượng Tứ, thì hỡi ôi, đôi cánh cửa gỗ lim chắc chắn như một bức thành đã khép chặt. Bốn người lính tuần sát mặc áo xanh quấn xà-cạp đỏ giương khẩu súng dài đứng gác nghiêm trang như thử nhà vua hay Công sứ sắp đi qua đây. Không về Dương Nỗ kịp tối hôm ấy sẽ bị cha tìm đánh đòn, hai anh em đến van nài xin ông cai tuần sát mở cửa cho về. Nhưng ông cai đáp với giọng dọa dẫm:
- “Không được, chìa khóa đã nạp cho Đề đốc Hộ thành giữ rồi. Sáng mai trống đánh, súng nổ mới vào lấy ra mở cửa được. Bây giờ mà còn mở cửa Thành là trái lệnh vua ban!”

Biết xin không được, Cung bèn nắm tay tôi - Cả Khiêm - kéo vào cái chòi gác bên cạnh nằm khoanh tay làm gối giả đò ngủ. Miệng Cung bảo với lính tuần sát:
- “Không cho anh em tôi về, mấy chú gác cho anh em tôi ngủ vậy!”
Bọn lính tuần sát nghe rất ngang tai, nhưng chúng không có lý gì để bắt bẻ hoặc đuổi anh em tôi ra khỏi chòi gác. Một lúc, họ cắt một tên gác và mấy tên kia vào chòi nằm bên cạnh anh em tôi ngủ. Tôi không ngủ được nhưng sợ vẫn nằm im. Cung giả đò ngủ say, mớ, duỗi chân, sải tay đụng vào người bọn lính. Bọn lính ngọ ngọe mãi không chớp mắt được. Cuối cùng chúng sợ mất ngủ phải lén hé cửa cho hai anh em tôi ra về.
Chạy qua khỏi cầu Thành Thái (tức cầu Trường Tiền) tôi hỏi Cung:
- “Lúc đầu sao em không xin để họ hé cửa cho về mà phải đợi đến lúc ngủ làm cái trò mớ đó kia?”
Cung vừa nhanh chân bước vừa giải thích:
- “Chúng nói mở cửa là trái lệnh vua ban rồi, mình có lạy chúng cũng vô ích. Phải làm cho chúng không mở cửa không xong, chúng mới chịu mở thôi!”(11)

Tôi (NĐX) rất thích mẩu chuyện trên. Mỗi lần đi nói chuyện về thời niên thiếu của Bác, dù thời gian ngắn bao nhiêu tôi cũng cố kể cho được. Nhiều nhà nghiên cứu góp cho tôi thêm những nhận định rằng: Tính tình con người cũng đóng một vai trò quan trọng trong bước đường tìm nhân sinh quan. Cái tính quyết liệt, cứng rắn, triệt để của Bác là một trong những yếu tố đã giúp Bác đón bắt được con đường cứu nước của chủ nghĩa Mác - Lê Nin.  Lúc Bác đọc được những tài liệu đầu tiên về chủ nghĩa khoa học nầy trên sách báo tiếng Pháp, không phải Phan Châu Trinh, Nguyễn Thế Truyền, Phan Văn Trường chưa đọc được những thứ ấy! Sở dĩ những người trong “Nhóm Ngũ hổ” ở Pháp không bắt gặp được chủ nghĩa Mác - Lê Nin một phần vì bản tính “rụt rè” của họ. Miệng nói cách mạng, nhưng lại suy nghĩ mới đến mức cải lương. Điều đó đã đúng hay chưa kính mong độc giả góp ý.
                                    N.Đ.X

(nguồn: TCSH số 236 - 10 - 2008)

 



-----------------------
(1) Sau lớn lên đỗ đạt, có làm Kinh lịch tại Huế. Mất năm 1957 tại quê nhà Nghệ An - Chú thích của TQD.
(2) Thuật theo Thanh Tịnh và Nguyễn Tài Tư (tức Thiếu Lăng Quân).
(3) Cụ Phan Bội Châu cũng có làm một bài văn tế Âm hồn nhân ngày 23/5, qua bài văn tế cụ nung nấu tình cảm yêu nước cho đồng bào. Xem Tập san Văn Sử (ronéo),7.1974, tr.78
(4) Trích trong bài vè Thất thủ Kinh đô
(5) Theo Lê Thanh Cảnh và bà Bùi Thị Nữ
(6) Theo Lê Thanh Cảnh và bà Bùi Thị Nữ
(7) Anh bà Nguyễn Thị Giáng (vợ ông cả Khiêm)
(8) Bà con với vợ ông Cả, người đã được cụ Phan nhờ tìm vợ cho ông Cả. Ông Ấm là ông nhạc của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh
(9) Con ông Nguyễn Hiệp, bạn nhỏ của ông Cả
(10) Đường Đinh Bộ Lĩnh bên trong cửa Thượng Tứ ngày nay
(11) Ghi theo lời ông Nguyễn Ngọc Bang, làng Phù Lễ (xóm sau).

Các bài mới
Các bài đã đăng
Bến mẹ (15/10/2008)
Rời (02/10/2008)
Ký ức xanh (02/10/2008)