Bút ký - Tản văn
Ớt mọi, hay những mẩu nhớ về A Hươr
17:44 | 16/04/2008
1. Cô bạn cùng cơ quan nghe nói tôi “có tay nuôi người”, lại quen biết giao du rộng rãi nên có ý nhờ tìm một người giúp việc nhà cho vợ chồng cô em gái.

Tình hình có vẻ cấp thiết lắm, do cô đang nuôi con mọn mà suốt ngày lại buôn bán ngoài chợ. Thời buổi này tìm người giúp việc khó lắm. Tìm cho được người ưng ý lại càng khó. Tôi nghĩ ngay đến Azis, vì vừa lên thăm bà con ở trên đó về, buột miệng nói: “Một cô bé người dân tộc Tà ôi ở A Lưới. Giỏi giang, ngoan, hiền. Đồng ý không?”. Như vớ được cọc, cô bạn nhanh nhảu gật đầu. Tôi lập tức gọi điện thoại lên A Hươr, nhắn Azis sửa soạn về. Đêm cuối năm trời núi rừng lạnh căm, bên bếp lửa bập bùng, trong căn nhà của Hồ Văn Đỏ, phó bí thư Đoàn xã Nhâm, chúng tôi ngồi râm ran trò chuyện, ánh lửa và hơi rượu nồng nàn. Hôm đó anh em nhà Đỏ, Dấu đãi chúng tôi một đĩa cá xanh chiên mọi thơm lừng. Lại thêm món gà vườn luộc xé đúng khoái khẩu của tôi. Mẹ Kăn Dư nấu một nồi cơm gạo Rà-dừ bắt “phải ăn cho đầy bụng mới được uống rượu”. Thứ gạo rẫy dẻo thơm này được bà con trồng rất công phu, mỗi năm chỉ có một vụ, từ tháng năm cho đến tháng mười một. Đây là đặc sản của đồng bào dân tộc, “chỉ dành để tiếp đãi con rể và khách quý”. Mẹ Kăn Dư nói: “Con về dưới xuôi thấy có việc chi làm, nhắn cho Azis về làm với”. Ngồi khép bên mẹ, Azis mỉm cười. Azis cười trông thật hiền, nhưng cũng thật buồn. Khuôn mặt của em bập bùng trong ánh lửa rừng sâu, bập bùng trong gió rét. Còn nhớ cách đây hai năm, tôi cùng một đoàn nhà văn Huế đi thực tế sáng tác ở A Lưới. Huyện giới thiệu về xã Nhâm, cắm chốt ở thôn A Hươr này. Hồi đó, Azis và bạn gái A Phen được cử làm cấp dưỡng cho cả đoàn. Chúng tôi đã có những bữa cơm ngon không thể chê vào đâu được chính nhờ tài nấu nướng của hai chị em cùng với những món ăn dân dã núi rừng. Hóa ra hai chị em đã từng được cử đi học nấu ăn ngoài thị trấn để về phục vụ khách du lịch. Thôn A Hươr này đang là một trong những thôn làm du lịch sinh thái thí điểm của huyện mà. Những bữa cơm ngon một phần cũng nhờ gặp lại mùi khói khét của bếp củi lửa rừng nồng đượm. Đã nhiều năm rồi, chúng ta - những người thành phố - dường như đã quên mất mùi khói bếp, vì đã có sẵn bếp điện bếp ga. Giờ đây, chính bát cơm canh bầu bí khét nồng từ trong chái bếp đen xịt khói than bỗng dưng trở thành lạ miệng, thành “đặc sản”. Và đặc biệt, bữa cơm nào hai chị em Azis, A Phen cũng dọn lên mâm một nắm ớt mọi hái dọc bờ rào quanh vườn. Những quả ớt nhỏ như chuồn chuồn kim, cắn vào một miếng nghe cay lừng khắp cả miệng lưỡi. Còn nhớ, chúng tôi đã có một cuộc tranh luận nảy lửa về cái tên ớt mọi. Sao lại là mọi? Đó có phải là ớt do đồng bào dân tộc trồng? Cũng giống như dê nướng mọi - cái món khoái khẩu của quý ông đồng bằng mỗi khi chiều về - chính là món dê nướng theo kiểu dân tộc? Cái từ mọi nghe sao mà xa lánh, thậm chí đầy miệt thị. Có lần đọc tin trên báo Thanh Niên, viết rằng có lãnh đạo tỉnh miền Trung nọ cấm tiệt các quán ăn nhậu từ nay không được dùng từ mọi để gọi những món nướng theo kiểu dân tộc. Một lệnh cấm quyết liệt và cụ thể, dù muộn màng và có vẻ đơn độc, vẫn chưa thể nào che lấp được một thái độ khinh khi vô lối, dù chỉ vô tình, với cả những cộng đồng dân tộc thiểu số vùng núi cao.
Buổi xế chiều hôm hai vợ chồng cô em gái bạn tôi đến nhà đón Azis theo hẹn, mẹ tôi và Azis đang ngồi trò chuyện bên thềm. Cô gái thoạt trông thấy Azis mặt liền biến sắc, thốt lên một lời, thật tình, không cưỡng được:
- Ôi trời, mọi đen hả mệ?
Mẹ tôi điếng hồn, nhìn sang Azis, lúc bấy giờ như con nai rừng co rúm người lại vì trúng tên.

2.
Hôm Lyn đưa cháu trai đầu Xuân Hai (vì sinh vào mùa xuân năm 2000) về Huế khám bệnh, tôi nhìn thấy nỗi lo lắng trên gương mặt người thầy giáo trẻ trường huyện vùng núi cao. Cháu bé nổi hạch khắp cổ. Tôi hướng dẫn hai cha con đi làm các thủ tục nhập viện. Không ngờ Lyn hoàn thành các giấy tờ nhanh đến thế, ngay đầu giờ chiều đã có giường nằm ở khoa Nhi rồi. Bệnh tình không đến nỗi phải quá lo lắng, đây có lẽ là chuỗi hạch phản ứng viêm ở trẻ con. Nhưng muốn biết chắc chắn cần làm thêm một số xét nghiệm, trong đó có xét nghiệm tế bào học (chọc kim nhỏ vào hạch xác định bản chất). Tạm thời cháu bé được cho một ít kháng sinh và thuốc bổ. Chuyện chuyên môn không có vấn đề gì.
Nhưng rõ ràng là có vấn đề trong cung cách phục vụ. Thỉnh thoảng tôi ghé rủ Lyn đi uống cà phê ở góc công viên trước cổng bệnh viện. Lyn nói: “Về đây may có bác gần gũi, em cũng đỡ nhớ nhà”. Lyn thường phàn nàn với tôi về một vài việc lặt vặt ở khoa Nhi. Một tối Lyn nằm bên con trai, đọc báo rồi ngủ thiếp đi lúc nào không biết. Giường nhỏ, tờ báo rơi xuống đất. Sáng sớm hôm sau, cô hộ lý vào làm vệ sinh phòng như thường lệ, to tiếng: “Hai cha con thằng này ăn ở lộn xộn quá!”. Lyn bùi ngùi nói với tôi: “Em có muốn thế đâu bác. Chẳng qua do ngủ quên, với lại giường chật quá, lăn qua lăn lại làm rơi tờ báo. Với lại, cả phòng thường rất lộn xộn vào buổi sáng, giường nào cũng thế, nhưng không hiểu vì sao cô hộ lý chỉ quát tháo mỗi bố con em. Khi thì tờ báo, hộp sữa, khi thì món đồ chơi của thằng cu. Hay có phải vì em là người dân tộc?” Tôi nhìn Lyn, sững sờ, đắng đót. Không biết sự thật có đến nỗi nặng nề như thế không, nhưng rõ ràng đã có một cái gì đấy găm sâu vào tâm thức của người đàn ông dân tộc này.
Lyn là giáo viên trường trung học cơ sở Hồng Hạ, có vợ là cô Hồ Thị Thủy, phó chủ tịch văn xã của xã Nhâm. Thời gian chúng tôi đi thực tế sáng tác ở Nhâm, Thủy giúp chúng tôi mọi thứ hết sức tận tâm. Thủy vừa bận công tác ở xã vừa theo học lớp tại chức của Đại học Nông Lâm mở ở thị trấn. Cô là một trong những hình mẫu thế hệ lãnh đạo cơ sở mới ở huyện miền núi này, theo chủ trương của ông chủ tịch huyện. Lyn nói: “Bác không thể tưởng tượng được đâu. Làm lãnh đạo ở miền núi khó khăn hơn ở đồng bằng nhiều. Muốn nói cái gì, làm cái gì cho dân không phải nói một lần, làm một lần là được. Trình độ bà con còn thấp, lại hay thủ cựu, cố chấp nữa. Bà con dân tộc mà, bác cũng biết rồi!”.
Nếu đây không phải là câu nói của Lyn, mà của bất kỳ một người nào trong chúng ta, bạn có tin là chúng ta sẽ liên tưởng ngay đến một từ khác? Nó sẽ được nói như thế này: “Mọi mà, bác cũng biết rồi!”. Có đúng thế không?
Lyn bảo: “Em hay nói với vợ. Mình làm lãnh đạo, lại là đảng viên, làm việc phải tận tụy, phải công khai, không được tơ hào một cái gì, ảnh hưởng lắm!”. Vợ chồng cất cái nhà, Thủy đứng tên vay thêm tiền ở Ngân hàng Chính sách Xã hội. Người của Ngân hàng bảo: “Chị cứ vay hai suất đi!” Thủy lắc đầu. Số suất vay có hạn, nếu mình vay hai suất thì bà con mất một suất. Cứ theo tiêu chuẩn thôi. Rồi những dự án triển khai ở xã. Có người bảo: Anh chị cứ làm đi, để tôi đổ đất nền cho. Người khác nói: Phần gỗ đừng lo nhé, để tôi. Lại còn bảo: Tôi đưa một tốp thợ nề đến xây. “Không”, Lyn bảo, “Em xác định rồi, nhà mình mình làm, có bao nhiêu làm bấy nhiêu. Thiếu thì vay ngân hàng. Vay thì trả, sòng phẳng. Đổ đất trả tiền đất. Mua gỗ trả tiền gỗ. Tiền công thợ bao nhiêu cũng trả như mọi người”.
Thế đấy.
…Bệnh tình của cháu Xuân Hai không có gì. Đã đến ngày xuất viện. Hạch cổ dường như đã lặn hết sau hai tuần điều trị. Kết quả xét nghiệm đúng là hạch phản ứng viêm, rất thường thấy ở trẻ con. Lyn bảo: “Nằm ở đây hai tuần em chỉ gặp được cô bác sĩ có hai lần, mà chỉ gặp thoáng qua thôi. Giờ cũng không biết cô bác sĩ tên gì. Buổi sáng cô đi thăm bệnh, hỏi qua một lượt: “Có ai có vấn đề chi không?” Không thấy ai trả lời là cô đi ra. Ông bác sĩ gì là thầy dạy của bác mà hôm đầu tiên bác có ý gửi gắm, thì đến thường hơn vì giảng bài cho sinh viên”. Hôm làm xong các thủ tục, Lyn cầm tờ giấy ra viện, ngẩn ngơ một lúc. Lyn đưa tôi xem tờ giấy ra viện màu xanh. Đúng là không thể cẩu thả hơn! Tờ giấy ghi sẵn đầy đủ các hạng mục cần điền, lại để trống trơn. Địa chỉ: không ghi. Chẩn đoán: không ghi. Bác sĩ điều trị: không ghi. Tuy vậy, ở mục “Lời dặn của thầy thuốc”, ghi rõ “Uống thuốc theo đơn”. Lyn cầm tờ giấy ra viện, hỏi cô y tá phòng hành chính: “Trong này ghi uống thuốc theo đơn, vậy thuốc của cháu đâu cô?” Cô y tá cũng ngớ người, lục lọi một hồi, rồi bảo: “Thôi không có đơn đâu”.
Tôi bảo: “Thôi Lyn lên nhà đi, đừng nghĩ ngợi gì nữa. Cháu khỏi bệnh là mừng rồi”.
Hôm uống cà phê chia tay ở bến phà Tuần, Lyn ôm tôi khóc.

3.
Tôi biết, gánh nặng đè lên vai những người lãnh đạo ở xã Nhâm nhỏ bé này thật lớn, từ ông chủ tịch rắn rỏi Hồ Viên Pưa, phó chủ tịch Thủy tận tâm và hiền dịu… cho đến trưởng thôn Hồ A Nhơi, phó bí thư Đoàn xã Hồ Văn Đỏ. A Lưới nói chung, xã Nhâm nói riêng đang từng ngày khởi sắc, nhưng vẫn còn đó bao khó nghèo. Những dự án nối nhau lên đây: phủ xanh đất trống đồi núi trọc, trồng cà-phê, xây nhà tình nghĩa, nhà tình thương, xóa nhà tạm, v.v… đang làm cho bộ mặt những bản làng núi cao thêm nhiều gam màu tươi tắn. Tôi nhìn con đường thảm bê-tông uốn lượn nhấp nhô qua những quả đồi, thầm mong một ngày nó sẽ còn vươn dài hơn, mở ra nhiều nhánh mới để nối lại những bản làng heo hút xa xôi. Hôm chúng tôi vào thăm bà con ở thôn A Bả, đường khó đi vì dốc cao, lởm chởm nhiều sỏi đá. Dọc đường, một đường ống nước chạy dài từ trên núi xuống. Dự án đưa nước sạch về thôn bản hoàn thành từ lâu, nghe nói đã nghiệm thu rồi. Chỉ có một điều oái ăm, là nước vẫn chưa về! Chúng tôi ngao ngán mở những vòi nước khô khốc. Những bể nước to ngập đầy lá rừng. Đã khó nghèo, sao lại càng cay đắng? Lỗi này do đâu? Hôm chúng tôi lên A Lưới, đã nghe râm ran chuyện ông phó chủ tịch huyện cấu kết với đám đàn em thân tín ở phòng kế hoạch ăn dày dự án xóa nhà tạm, công an đang điều tra. Giờ đây mọi chuyện đã ra năm rõ mười, án đã tuyên. Oái ăm thay, lần ấy chính ông phó chủ tịch này đã nhiệt tình giới thiệu chúng tôi về xã Nhâm, “xã ấy đang lên!” Trách nhiệm thực sự hay là một sự giả tạo đến buồn nôn? Tôi ghé vào thăm già làng Cu Xe lúc chiều muộn. Già làng đã ngoài bảy mươi mà khỏe thế, đến giờ này vẫn còn trên rẫy. Trưởng thôn Hồ A Nhơi, con trai già làng, đang bận họp ở nông trường cà-phê. Cô cấp dưỡng A Phen là con gái út của già làng, khoe: “Chiều nay anh trai A Phen về Huế thi bằng lái xe!” Tôi cười bảo: “Anh trai A Phen mấy ngày nay ở đây, có xuống Huế học hành gì đâu mà thi?”. A Phen thật tình bảo: “Anh Thọ đã chạy dưới trường lái rồi, mỗi người về thi nộp 500 ngàn, có người bày cho hết!” Thọ là người yêu của A Phen, theo đám thợ nề từ Huế lên đây xây nhà cho bà con rồi trở nên gần gũi. Lại thế nữa, thói hư tật xấu của người Kinh lan lên đến đây rồi!
Có một điều lạ lùng đáng chê trách là ở miền núi cao này, đàn bà con gái làm lụng cực nhọc suốt ngày: đi rừng lên rẫy, địu sắn địu củi oằn cả lưng, còn đám con trai thì chỉ suốt ngày la cà quán xá. Chín mười giờ sáng còn nhâm nhi cà-phê. Hết cà-phê lại vù xe ra thị trấn chơi. Có đám thì bày rượu ra làm “tăng hai” cho đến tận chiều tối. Bao nhiêu tiền trên trời rơi xuống do đền bù đất đai, tiền nông trường ứng trước cho phân bón, công chăm sóc cà-phê, thậm chí bán luôn cả xi-măng sắt thép nhà nước cấp cho để làm nhà… tất tần tật đều ném cả vào xe máy Tàu, vào bia rượu tối ngày! Tôi nói với phó bí thư Đoàn Hồ Văn Đỏ: “Cậu xem thế nào chứ thanh niên như vậy thì hỏng hết!”. Đỏ phân bua: “Em cũng nói nhiều lắm nhưng chúng nó không chịu nghe!”. Tổ chức Đoàn trong rừng sâu này đang ở đâu? Vấn đề là, hầu như không hề có một sinh hoạt hay một phong trào nào đủ để đánh thức những cái đầu nông cạn của cả một thế hệ đang lớn lên ở đây. Cái khó bó cái khôn, đúng rồi. Nhưng chẳng lẽ cứ để mãi vậy sao, Đỏ? Ngày rồi đêm xuống, núi rừng chìm trong bóng tối thâm u.

4.
Azis đã về lại với núi rừng. Tiếng hát muộn phiền của em vẫn còn vang vọng bên bờ suối Bom, dưới những nếp nhà ám khói chiều hôm.
Đừng khóc các đồng chí ơi
Mình nhớ nhà thì một lời thăm…
Từ dạo đó tôi chưa một lần lên lại A Hươr, gặp lại em và mẹ Kăn Dư, và cả Lyn nữa, để nói một lời xin lỗi. Tôi biết trong đôi mắt em, nỗi phiền muộn ngập tràn. Và rất nhiều khi, em thấy sợ. Hình ảnh người chị gái lấy chồng nhiều khổ cực. Chồng say xỉn tối ngày. Nhà chồng hắt hủi không thương. Chị gái chết sớm vì bệnh vàng da, bụng chướng to. Chị chết sớm trong cô độc, trong tủi hờn. Có một dạo, em đột nhiên đau bụng quằn quại, đột nhiên rùng mình nhớ chị. Vào Bệnh viện A Lưới khám, bác sĩ siêu âm xong, bảo “Thai ngoài tử cung vỡ” rồi chuyển cấp cứu về Huế. Em đau đớn nói với tôi: “Cháu không hiểu người ta nói gì nữa. Cháu đã có người yêu đâu mà bảo cháu có thai?” Tôi đưa Azis đến khám lại cẩn thận ở khoa Phụ Sản. Hóa ra là bệnh buồng trứng đa nang !
Tôi có thể nói gì với em, với Lyn, với mẹ Kăn Dư... về sự ngu xuẩn và ngạo mạn, về thói lưu manh và vô trách nhiệm, về tật tham lam vô độ và hợm hĩnh… mà chúng ta, đang có?
Một thời gian sau khi đoàn nhà văn hoàn thành đợt thực tế sáng tác, tôi nhận được thư Azis. Em viết: “Khi đoàn về rồi, núi rừng như buồn vắng hơn. Núi rừng nhớ chú, nhớ mọi người. Cháu là đứa con gái của núi rừng, đứa con gái A Hươr hay buồn phiền. Nhưng cháu muốn nấu ăn thật ngon, muốn hát thật hay để mọi người vui. Để người dưới xuôi không khinh khi A Hươr của cháu…”
Tôi như vẫn còn nghe tiếng hát của em, “đứa con gái núi rừng A Hươr hay buồn phiền”…
Tôi như vẫn còn thấy đôi mắt đỏ hoe trên khuôn mặt sạm đen rắn rỏi của người thầy giáo trẻ tận tâm của trường Hồng Hạ.
Và tôi nhớ hoài, vị ớt cay lừng nơi đầu lưỡi.
                                  Huế, 12.2007


PHẠM NGUYÊN TƯỜNG
(nguồn TCSH số 230 - 04- 2008)

Các bài mới
Lập công (24/07/2023)
Hoa ở Huế (23/06/2023)