Bút ký - Tản văn
Nhật ký “về nguồn”
15:13 | 09/12/2008
TRUNG SƠNĐoàn văn nghệ sĩ Thừa Thiên - Huế (TTH) lên đường “đi thực tế” một số tỉnh phía Bắc vào lúc lễ giỗ Tổ ở đền Hùng (10 tháng 3 âm lịch) vừa kết thúc. Tiền có hạn, thời gian có hạn chưa biết sẽ tới được những đâu, nhưng ai cũng “nhất trí” là phải lên Phú Thọ thăm Đền Hùng, dù lễ hội đã qua.

Cả những “vị” sức lực có hạn như các “lão trượng” tuổi “xưa nay hiếm” - nhà viết kịch Ngọc Tranh, nhà văn Hồng Nhu - và hai nhà văn luôn đeo túi thuốc bên mình là Hà Khánh Linh, Nguyễn Quang Hà, cũng rất hăng hái với chương trình lên Đền Hùng. Vậy nên chuyến đi cũng đáng gọi là cuộc hành hương “về nguồn”.
Hoạ sĩ Đặng Mậu Tựu, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp VHNT TTH đóng vai “trưởng đoàn”. Trong Đoàn còn có nhà thơ Ngô Minh, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Thừa Thiên Huế (TTH) Phạm Văn Tí, kiến trúc sư Nguyễn Nguyến, nhiếp ảnh gia Hữu Tư, Chủ tịch Hội Văn nghệ Dân gian TTH Triều Nguyên. Các nhà văn ở Tạp chí “Sông Hương”, nhà văn Tô Nhuận Vĩ và nghệ sĩ ưu tú La Thị Cẩm Vân vì bận rộn lo in “Tuyển tập Thơ Huế” cũng như cho việc khai trương Nhà nghệ thuật Lê Bá Đảng và chuẩn bị cho Festival, đến phút chót phải “rút lui”; nếu không đội hình Đoàn Huế xuất quân cũng gọi được là hùng mạnh. Tất nhiên là anh chị em Văn phòng Hội luôn “sát cánh” với các văn nghệ sĩ trên đường hành hương để lo công việc “ngoại giao” và “hậu cần”. Chuyến đi một tuần qua nhiều địa phương, gặp gỡ giao lưu với rất nhiều bạn bè đồng nghiệp, kể cũng có đôi điều đáng ghi lại”

Ngày - đêm 11 - 12/4/2006. Vinh - Cửa Lò.
Nắng chiều gay gắt. Chiếc xe “hợp đồng” 24 chỗ ngồi nép tạm dưới bóng cây bên đường Nguyễn Thị Minh Khai. Hình như là trụ sở Hội Văn nghệ Nghệ An và Tạp chí Sông Lam suốt mấy chục năm qua không có gì thay đổi, dù cơ quan đã mấy lần “đổi” thủ trưởng, dù cho “thiên hạ” đua nhau xây trụ sở mới và tư dinh “đàng hoàng hơn to đẹp hơn”. Chúng tôi nối bước nhau lên tầng hai ngôi nhà xây đơn điệu theo kiểu thời bao cấp, nhưng rồi phải lộn trở xuống vì “Hội bận làm việc với Tỉnh”, còn Q.Tổng biên tập Nguyễn Thị Phước đang ở Xưởng in. Thế là chúng tôi “gọi” Thạch Quỳ, nhà thơ hầu như ít khi phải bận rộn với công vụ, luôn sẵn sàng “rong chơi” với bạn bè; lại còn một địa chỉ nữa mà chủ nhân đã vĩnh viễn thoát khỏi vòng danh lợi là căn phòng nhà thơ Xuân Hoài đã sống những tháng ngày cuối đời, sau khi rời chức vụ Chủ tịch Hội văn nghệ, Giám đốc Sở Văn hoá thông tin Hà Tĩnh. Chị Thước, vợ nhà thơ Xuân Hoài, đặt đứa cháu đích tôn xuống nôi, mở cửa đón các bạn văn nghệ xứ Huế. Chúng tôi thắp nén hương lên bàn thờ người bạn hiền vừa đi xa, cầu mong anh ở bên kia thế giới vẫn tiếp tục làm được thơ hay...

Trở lại Hội, Nguyễn Thị Phước vừa rót nước mời khách thì điện thoại di động của Ngô Minh rung chuông. Vị cựu Chủ tịch thị xã Cửa Lò Phạm Văn Thìn nhắn lên là Cửa Lò đã sẵn sàng đón các bạn Huế. Phước đang lấy sách ký tặng bạn bè vội nói: “Không... Hội đã bố trí mời các anh chị tối nay”... Giọng của nữ sĩ nghe có vẻ dè dặt và yếu ớt như thân hình gầy mảnh của cô. Cựu Chủ tịch Cửa Lò chắc là cũng hiểu tình cảnh “rộng lòng” mà “hẹp ngân quỹ” của mọi Hội Văn nghệ, mời khách một bữa nhậu cũng là chuyện “đau đầu”, nên đã hào phóng “mời cả anh em văn nghệ Nghệ An xuống giao lưu tại Cửa Lò cho vui!” Chúng tôi đã lỡ hẹn với anh Thìn trong dịp dự Đại hội Nhà văn trở về năm ngoái, nên chỉ còn cách “kéo” Phước và Thạch Quỳ cùng xuống Cửa Lò, sau khi tặng nhạc sĩ Mai Cường - tân Chủ tịch Hội món quà “cây nhà lá vườn” mang từ Cố Đô Huế là mấy tập sách kèm một chai “Minh Mạng thang”!

Rút cục thì chỉ có Thạch Quỳ phóng hôn - đa xuống Cửa Lò cùng một “Nàng Thơ” sắp công bố tác phẩm đầu tay. Tôi nhìn nữ sĩ - Q.Tổng biên tập, sau khi nồng nhiệt “hẹn đón Đoàn lúc trở về”, đã phải bối rối cáo lui vì còn bận” lo cho con nhỏ, mà thấy vừa ái ngại, vừa cảm phục. Đôi vai mảnh mai ấy lấy sức đâu để cùng lúc “gánh” trọng trách Tổng biên tập tờ Tạp chí có rất ít biên chế nhưng vẫn giữ được lượng bản in cao nhất trong số các Tạp chí văn nghệ địa phương của cả nước, đồng thời không ngừng sáng tác, liên tục cho in hết thơ, đến ký và truyện ngắn; lại còn chức trách người vợ, người mẹ nữa! Vậy mà nghe đâu “nàng” đang bị “kiện cáo” rằng không đăng bài của người này người kia”! Khốn khổ cái chức trách tưởng là sang trọng ở các Hội Văn nghệ mà thực chất là “quyền rơm vạ đá”. “Miếng” chẳng có gì, nhưng “tiếng” nghe ra cũng oai! Và cũng khốn khổ thay, con người ta dễ mấy ai không màng đến danh tiếng? “Con gà tức nhau tiếng gáy” mà! Vậy là chỉ một lời, một cử chỉ không khéo, đủ sinh chuyện! (Cũng nghe đâu, những ngày này, ở Hội Văn nghệ Nam Định đang có “cuộc đấu” quyết liệt đến mức đương chức Phó Chủ tịch Lê Hoài Nam phải viết bài kêu cứu trên báo “Tiền Phong” vì sắp bị khai trừ khỏi Hội! Chợt thầm nghĩ: May mà chúng tôi không có kế hoạch thăm Hội Định! Cũng may là anh chị em văn nghệ sĩ Huế còn tổ chức được một chuyến đi chung vui vẻ thế này!)

Điều bất ngờ ở Cửa Lò là khi “tiệc” tàn rồi, một bạn thơ đặc biệt - ông Hồ Phi Phục, nguyên là Uỷ viên Thường vụ Tỉnh uỷ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh Nghệ An - mới từ Vinh xuống để tặng các bạn Huế cuốn sách thứ 5 của ông: tập thơ “Gió mùa”. Có thể nói ông là người làm thơ thứ thiệt hiếm hoi xuất thân từ cán bộ chính trị. (Ông đã hai lần được nhận “Giải thưởng văn học Hồ Xuân Hương”...) Thơ và tập văn ngẫu hứng “Chân trời lạ” của ông với ý tứ táo bạo, phong cách mới mẻ được nhiều nhà văn chuyên nghiệp vì nể. Thử trích một vài câu trong tập thơ mới của ông: “Macxim Gorki từng thổ lộ/ Triết học như người đàn bà xấu/ Nhờ trang điểm tưởng là hoa hậu”/Ta hình dung mơ hồ/ Triết học là nơi ẩn náu tốt nhất/ Cho những ý kiến thiểu số.” (“Triết học”)


Vậy mà ông đến với chúng tôi một cách khiêm tốn, ăn nói nhỏ nhẹ như bậc đàn em. Có bạn đùa rằng vì ông làm “điệu” trước “người đẹp” nào đó trong Đoàn Huế!

Chưa hết, sáng hôm sau, khi chúng tôi đã lên xe chuẩn bị rời Cửa Lò thì nhà thơ Quốc Anh, đầu sùm sụp chiếc mũ bảo hiểm phóng xe máy từ Vinh xuống. Thế là lại xuống xe, ôm nhau, bá vai nhau, ríu ran hỏi han, cười nói. “...Định xuống tối qua, nhưng gần trước nhà có vụ tai nạn...”
Biển Cửa Lò chưa vào mùa khách cũng như tấm lòng bạn văn xứ Nghệ và vị Cựu Chủ tịch thị xã rộng mở, níu kéo; nhưng đường “về nguồn” còn xa, đành “dứt áo” ra đi. Hình như có câu thơ “tình chỉ đẹp khi còn dang dở”...; có lẽ nên viết tiếp: “Tình thật đẹp khi chẳng màng lợi danh”...
Cho dù phải vội đi cho trọn cung đường xa Vinh - Hoà Bình trong ngày, ngang qua thị trấn Diễn Châu, mấy anh em chúng tôi vẫn dừng xe, tìm đến nhà tác giả bài thơ “Thăm lúa” nổi tiếng. Nhà thơ Trần Hữu Thung đi xa đã mấy năm, đến nay chúng tôi mới có dịp thắp nén hương lên bàn thờ anh. Trong căn nhà nhỏ vừa dựng lại cạnh Bệnh viện Diễn Châu, chị Phượng - vợ nhà thơ Trần Hữu Thung, nay sống một mình, bối rối và cảm động trước cuộc thăm viếng khá bất ngờ mà đầy tình nghĩa của các bạn văn xứ Huế...

Ngày-đêm 12- 13/ 4/ 2006. Hoà Bình - Sông Đà.

Tách khỏi Quốc lộ Một từ Ninh Bình, con đường đến Hoà Bình băng qua vùng đồi núi trùng điệp rất ít biển chỉ đường, trời lại nắng gắt, nên tưởng như dài vô tận. Mãi rồi cũng đến Dốc Cun, một địa danh nổi tiếng thời chống Pháp. Và cảm giác mệt mỏi tiêu tan, khi ngoài khung cửa xe vẻ đẹp đặc sắc của Hoà Bình hiện ra với những núi đá vôi sừng sững, hình khối đa dạng, nhiều chỗ sát ngay trên phố xá và vô vàn hòn “non bộ” tự nhiên nổi bật trên thảm lúa ngậm đòng xanh ngắt. Hai nhà nhiếp ảnh xem chừng rất muốn cho xe dừng lại, nhưng các bạn Hoà Bình chắc đang sốt ruột chờ.

Quả nhiên, chiếc xe vừa xuống con dốc vào trụ sở Hội, nhạc sĩ Nguyễn Thành Viên - Chủ tịch Hội Văn nghệ Hoà Bình cùng nhà thơ Lò Cao Nhum “đã niềm nở đón chào. Cũng như ở Hội Nghệ An, trụ sở Hội ở đây là tầng gác hai một căn nhà khiêm tốn, chật hẹp nhưng tấm lòng hiếu khách rộng mở với các bạn Huế. Nhà khách Uỷ ban Tỉnh - nơi Đoàn nghỉ tạm, cùng với Trụ sở Uỷ ban Tỉnh tạo ngay ấn tượng thú vị với chúng tôi - nhất là với kiến trúc sư Nguyễn Nguyến, do đường nét, màu sắc của công trình nhân tạo nổi bật bên khối “thiên tạo” là dãy núi đá vôi cao đen sẫm trên đồi Ông Tượng - ngọn đồi giữ một đầu đập thuỷ điện Hoà Bình, trên đỉnh dựng tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bữa cơm đãi bạn lại càng “ấn tượng” với những món đặc sản như canh lá lồm, quả lạc lày, cơm lam... (nếp được nấu chín trong những ống nứa) và đặc biệt với nữ thạc sĩ - nhà thơ Bùi Thị Tuyết Mai, duyên dáng như một người mẫu, tay nâng chén rượu, mắt đưa tình và miệng không ngớt đưa lời ngọt lịm: “Em xin mời” nhưng uống với nhau phải có tình chứ”... Nhà thơ Ngô Minh là tay bạo ăn nói, cả nhà nghiên cứu dân gian - thạc sĩ Triều Nguyên ngồi cạnh cũng phải cười trừ “chào thua”! Thơ của nhà thơ trẻ người Mường này cũng dễ làm ta “đắm say” như thế: “...Rượu em/  Rượu soi gương/ Xa uống nên thương/ Gần uống thành nhớ/ Mời anh uống với em đừng sợ”/ Uống đi anh/ Uống cho tay nắm tay bén lửa/ Uống cho mắt nhìn nhau nên sấm chớp đổ trời...”

Càng ấn tượng hơn nữa là khung cảnh công trình thủy điện Hoà Bình trong đêm. Anh Viên cùng mẹ con Tuyết Mai dẫn chúng tôi lên đỉnh đập cùng lúc nhiều người dân thị xã thoát ra khỏi những căn nhà hộp nóng 37 độ lên bờ sông Đà hóng mát. Đường lên đỉnh đập biến thành dãy “phố đêm” xe hon - da dựng thành bãi, các quầy nước giải khát, hoa quả lưu động nối nhau bên dãy chiếu trải rộng trên bờ sông. Cùng lên đỉnh đập cao 128 mét với chúng tôi là những ông và bà xem chừng bụng tích mỡ hơi bị nhiều, phải đi bộ leo dốc hàng đêm để tiêu bớt. Theo bước chân mỗi lúc một lên cao, tầm nhìn mở rộng, khung cảnh hoành tráng của “công trình thế kỷ” hiện ra đầy sức hấp dẫn. Anh Viên chỉ những cụm ánh sáng lấp lánh trên dãy đồi núi trước mặt, “thuyết minh” cho chúng tôi biết đó là Trung tâm chỉ huy điều độ, là nơi đang lưu giữ “Bức thư thế kỷ”... Hướng về cửa xả lũ dưới chân đập khổng lồ đằng xa, anh nói, giọng thoáng vẻ mơ màng: “Bây giờ trông thế, chứ vào kỳ lũ dâng cao, nước tuôn trắng xoá, tung thành sương mù bao phủ cả những ngọn cây ở đây, không khí mát mẻ như Đà Lạt vậy”... Bất chợt, một ông bụng phệ hùi hụi bước vựơt lên khiến vị nhạc sĩ - Hội trưởng bật cười nhẹ rồi nói: “Con người ta nghĩ cũng lạ. Kẻ thiếu thốn, gầy còm mong được miếng ăn ngon cho có da có thịt, người thì béo quay béo núc, khốn khổ không làm cách gì cho gầy bớt đi! Trong khi nhiều vị chán cảnh sống trong các ô vuông bưng bít giữa phố phường chật chội tìm mua trang trại, dựng nhà sàn thì không ít bà con dân tộc lại bỏ nhà sàn về xây các hộp bê tông bên những con đường mới mở”...

Vượt qua 216 bậc tầng cấp, trèo lên tới đỉnh đập thuỷ điện Hoà Bình, làn gió mang hơi nước mát mẻ từ mặt hồ có dung tích gần mười tỷ mét khối lồng lồng thổi tới, mau chóng làm khô lưng áo đẫm mồ hôi. Những gì chúng tôi vừa nhìn thấy mới chỉ là bề nổi của công trình; phần quan trọng nhất, hiện đại nhất của nhà máy lại nằm sâu dưới lòng núi. Chợt nghĩ: mình đi dạo chơi đã đổ mồ hôi thì trong 18 năm xây dựng, mồ hôi của hơn ba vạn cán bộ công nhân cùng 750 chuyên gia Liên Xô đã tuôn thành sông thành suối ở đây. Và cả máu nữa. 118 người đã hy sinh vì công trình Sông Đà để hôm nay có nguồn điện năng toả đến mỗi ngõ hẻm, mỗi căn nhà khắp mọi miền đất nước. Tôi lặng nhìn mặt hồ đen thẫm và như vô tận trong đêm, lòng xốn xang đến khó tả. Cũng có thể nói chúng tôi đã tới nguồn - đầu nguồn ánh sáng...
Trưa hôm sau, những người bạn tận tình ở Hoà Bình dẫn xe chúng tôi đi hết những lối rẽ vòng vèo vùng ngoại vi thị xã đến con đường “tắt” đi tới Việt Trì rồi mới chia tay. Lại chợt nghĩ: Hoà Bình chỉ cách Hà Nội 60km, lại là vùng đất dễ gây ấn tượng như thế, chủ nhà thì hiếu khách, mà sao bây giờ chúng ta mới đến lần đầu?


Ngày - đêm 13- 14/ 4/ 2006. Phú Thọ - Đền Hùng.

Từ đầu nguồn ánh sáng thuỷ điện Hoà Bình, theo con đường ven sông Đà, chúng tôi đến Đất tổ Hùng Vương khi chiều đã muộn. Khác với Hội Nghệ An và Hoà Bình, hoạ sĩ Đỗ Ngọc Dũng, Chủ tịch và Ban Chấp hành Hội Văn nghệ Phú Thọ tổ chức giao lưu ngay với Đoàn Huế trong một phòng họp trang trọng mà ấm cúng. Đất Phú Thọ, không chỉ có Đền Hùng mà còn là nơi khơi nguồn, là cái nôi của nền văn học kháng chiến. Số báo “Văn nghệ” đầu tiên in ở đây và những tác giả tên tuổi như Văn Cao, Tố Hữu, Nguyễn Đình Thi “đã khởi đầu nhiều tác phẩm ở đây. Hội Văn nghệ Phú Thọ vừa tổ chức đón Huân chương Lao động và trao giải thưởng “Hùng Vương”. Trụ sở Hội hiện đã khá bề thế, nhưng Uỷ ban Nhân dân Tỉnh vẫn quyết định cấp 1,5 tỷ đồng để xây toà nhà 3 tầng. Hội còn được cấp 300 triệu đồng làm quỹ sáng tác và một chiếc ô tô “mới cứng”!... Cũng nên nhớ là Hội Phú Thọ chỉ vừa mới tái lập sau khi chia tách tỉnh Vĩnh Phú. Vậy mà một số công trình lớn, in ấn rất tốn kém như “Tuyển tập văn học Phú Thọ 1975 - 2005” và “Tuyển tập Nghệ thuật Phú Tho” khổ lớn 25x20 cm dày 220 trang in tranh và ảnh nghệ thuật đã được xuất bản. (Nhiều tỉnh, trong đó có Thừa Thiên - Huế, lâu nay vẫn “ao ước” làm những bộ sách tương tự mà chưa biết lấy tiền ở đâu”) Bỗng nhớ câu ca: “Ở nhà nhất mẹ nhì con...” Mới đi ba ngày đường đã thấy các “đội bạn” còn hơn “ta” không ít điều.

Mặc dù vậy, dàn “đồng ca” ngẫu hứng của Hội Phú Thọ do vị Chánh Văn phòng đa tài “lĩnh xướng”, đã hai lần cất cao bài hát ca tụng Huế: “Đã đôi lần đến với Huế mộng mơ/ Tôi ôm ấp một tình thương dịu ngọt/ Vẻ đẹp Huế chẳng nơi nào có được...” Phải, bài hát ca ngợi Huế không quá lời, nhưng cũng chẳng nơi nào có được vùng đất thiêng như Đền Hùng. Ngày giỗ Tổ đã qua, nhưng người hành hương về Đền Hùng vẫn khá đông. Nói cho đầy đủ thì ở đây còn có đền thờ Mẹ Âu Cơ, được xây dựng từ chục năm nay, cũng trên một ngọn núi có độ cao 175 mét so với mặt nước biển, giữa vùng rừng nguyên sinh có rất nhiều cây cổ thụ. Thật may là bầu trời đang nung nóng gần 40 độ, nhờ có đợt gió Đông Bắc cuối mùa tràn xuống, bỗng trở nên mát dịu, nên chúng tôi mới đủ sức lên dâng hương khắp các đền thờ các vua Hùng và mẹ Âu Cơ, cầu cho đất nước bình an, sớm quét sạch bọn giặc tham nhũng, cầu cho lớp lớp cháu con đang phải ly tán sớm được trở về đoàn tụ trong lòng mẹ Tổ quốc, cầu cho tình bạn tốt đẹp giữa anh chị em văn nghệ sĩ ngày một nở hoa kết trái nhiều hơn...

Ngày - đêm 14 -15- 16/ 4/ 2006. Bắc Giang -Lạng Sơn.
Với nhà văn Nguyễn Quang Hà, đến Bắc Giang cũng là “về nguồn”. Bắc Giang - Bắc Ninh cũng là nguồn cội của các nhà văn Đỗ Chu , Nguyễn Phan Hách... Mặc dù là ngày nghỉ, nhưng anh em ở Hội Văn nghệ Bắc Giang và người thân của nhà văn Nguyễn Quang Hà vẫn dành cho Đoàn Huế sự đón tiếp ân cần chu đáo. Nhạc sĩ Nguyễn Tuấn Khương - Chủ tịch Hội, đích thân dẫn chúng tôi thăm chùa Vĩnh Nghiêm. Từ lâu, chùa Vĩnh Nghiêm đã trở thành một địa chỉ nổi tiếng ở TP. Hồ Chí Minh, nhưng chùa Vĩnh Nghiêm ở Bắc Giang, một Trung tâm Phật giáo lớn ở xứ Kinh Bắc được xây dựng từ hơn 700 năm trước thì hẳn nhiều người chưa biết. (Có người gọi đây là chùa “Vĩnh Nghiêm 1” còn ở TP. Hồ Chí Minh là chùa “Vĩnh Nghiêm 2”).
Ngôi chùa còn có tên là Đức La, nằm trên một quả đồi thấp nơi ngã ba sông Thương và sông Lục, cách thành phố Bắc Giang hơn chục ki-lô-mét. Tương truyền rằng ba vị Trúc Lâm tam tổ là vua Trần Nhân Tông, Pháp Loa và Huyền Quang đã từng trụ trì và mở trường thuyết pháp ở đây. Cũng có thể nói đây là Trường Đại học Phật giáo đầu tiên của nước ta. Hai dãy Tả vu và Hữu vu gồm 36 gian dành cho cả ngàn “học viên” tạm trú nay không còn nữa, nhưng trên một ngàn bản kinh khắc gỗ hiện còn lưu giữ ở đây là hiện vật quý giá minh chứng cho vai trò quan trọng của chùa Vĩnh Nghiêm trong lịch sử Phật giáo Việt Nam. (Ngày xưa, để in kinh Phật, người ta phải khắc chữ trên những bản gỗ mỏng rồi đem dập lên giấy”). Vì thế mà dân gian có câu: “Ai qua Yên Tử, Quỳnh Lâm/ Vĩnh Nghiêm chưa tới, thiền tâm chưa đành”.

Trải qua nhiều cuộc chiến tranh và chịu tác động của môi trường khí hậu khắc nghiệt, ngôi chùa đã phải sữa chữa lớn đến 12 lần. Chúng tôi đến khi con đường chính vào chùa đang được mở rộng. Bốn khối kiến trúc lớn tuy không còn nguyên vẹn như thuở xưa, nhưng những công trình còn lại và đã được tôn tạo cũng đủ làm cho chúng tôi - những văn nghệ sĩ đến từ vùng đất có lẽ nhiều chùa nhất nước là xứ Huế - phải kinh ngạc và thán phục, nhất là hệ thống tượng Phật, tượng chân dung, trong đó có tượng của ba vị Trúc Lâm tam tổ. Những pho tượng không thể đếm hết, đường nét phong phú, lộng lẫy sắc màu, sinh động mà trang nghiêm, xứng đáng là những tác phẩm điêu khắc có giá trị...
Cho dù bữa cơm “giã bạn” đậm đà và đong đưa ánh mắt ba danh ca đất quan họ tha thiết “người ơi người ở đừng về”, nhưng quỹ thời gian có hạn, chúng tôi cũng phải chia tay để đến với các bạn ở Lạng Sơn. Ải Chi Lăng xưa nay là một đoạn quốc lộ thẳng băng, xe có thể chạy 100 km/giờ, nhưng tấm biển ghi dấu di tích trên dãy núi đá vôi hiểm trở đã níu bước chân chúng tôi, cũng là dịp để hai nhà nhiếp ảnh “hành nghề”. Tôi chợt nhớ: tròn 600 năm trước - năm 1406, chàng thanh niên Nguyễn Trãi đã theo cha là Nguyễn Phi Khanh qua đây rồi trở về với lời dặn: “Con nên trở về lập chí, rửa thẹn cho nước, trả thù cho cha”... Và nhà thơ - người anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi đã làm sáng danh đất Việt với bản hùng ca “Bình Ngô đại cáo”...

Cũng trong cảm hứng hồi tưởng về những chiến công và những khúc quanh trong lịch sử dân tộc, cựu Chủ tịch Hội Văn nghệ Lạng Sơn, nhà thơ Hoà An và nhà văn Nguyễn Quang Huy sôi nổi kể cho chúng tôi nghe những biến động ở vùng đất địa đầu Tổ Quốc, khi dẫn chúng tôi lên thăm Mục Nam Quan - À, không phải Mục Nam Quan; Mục Nam Quan là chữ Tàu; nơi biên giới cực bắc ở đây bây giờ chỉ là cột Km số 0 với một ba-ri-e và trạm gác của bộ đội biên phòng. Việc xuất nhập khẩu hàng hoá dồn cả về cửa khẩu Tân Thanh; ở đây, thỉnh thoảng mới có một xe du lịch hoặc khách đi lẻ trình hộ chiếu, rồi thung dung kéo va li đi qua, tất nhiên là sau khi chiếc ba-ri-e được người lính gác cất lên. Bên này bên kia biên giới chẳng khác gì nhau, bầu trời quang đãng, nắng dịu; khung cảnh thật là bình an. Vậy mà vì sao?...vì sao?...
Những câu hỏi chưa tiện viết lên trang giấy. Câu trả lời không sáng tỏ nên miễn luận bàn...
Chiếc xe xuống dốc về xuôi, tiếng máy nhẹ êm không át được tiếng cười đùa vui vẻ trước mấy món hàng Trung Quốc mua ở chợ Tân Thanh - nơi người Trung Quốc chứng tỏ đầu óc sáng tạo và tài buôn bán của mình qua vô vàn chủng loại hàng hoá, trong đó cũng có thứ vừa thử dùng đã hỏng và có cái tưởng rẻ mà có khi lại đắt hơn ở chợ Đông Ba (về chắc phải nói bớt giá cho vợ vui lòng!)...

Trưởng Đoàn Đặng Mậu Tựu và anh chị em Văn phòng Hội vì công việc phục vụ Festival thúc sau lưng, đành phải rút ngắn “chương trình”, chịu lỡ hẹn với Hội Văn nghệ Thái Bình và nhà văn Đức Hậu; cũng “tạm gác” ý định thăm Thái Nguyên, Hải Phòng và Quảng Ninh. Dù vậy, trong đêm nghỉ lại bên Vịnh Hạ Long, nhà văn Hồng Nhu và Nguyễn Quang Hà vẫn “tranh thủ” nhảy xe ôm tới thăm nhà văn Lý Biên Cương đang cố gắng vượt lên bệnh tật và tiếp tục sáng tác...

Trong bước “mã hồi”, còn một đêm vui với các bạn văn nghệ Thanh Hoá nữa, trong đó có hai vị “thủ lĩnh” kỳ cựu là Chủ tịch Lê Xuân Giang, nhà văn - Tổng biên tập “Xứ Thanh” Từ Nguyên Tĩnh và nữ sĩ Hà Thị Cẩm Anh. Mà tình bạn văn nghệ là tình không biên giới, không vụ lợi”gặp nhau ở đâu cũng vui được. Chợt nghĩ: Giá như tổ chức được một chuyến “hành phương Nam”, vào đồng bằng sông Cửu Long - vùng đất vốn phóng khoáng và cởi mở, và hẳn là phải đến thăm “cánh đồng bất tận” của Nguyễn Ngọc Tư ở đất mũi Cà Mau thì niềm vui chắc cũng sẽ là bất tận...
 Trường An-Huế, Tháng 5/2006
 T.S

(nguồn: TCSH số 208 - 06 - 2006)

 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Ngọn đèn xanh (02/12/2008)
Nhớ chim (27/11/2008)
Mùa Chạp (27/11/2008)
Dạy chó (19/11/2008)