Có một sức mạnh hãi hùng mà con người phải thường xuyên đối mặt: sự tha hoá. Từ bề rộng cho tới chiều sâu của đời người, từ triết học phương Tây đầy ắp lý trí và lý tính cho tới đạo học Phương Đông rạng ngời minh triết; trong nhân vật văn chương Káp-ka; trong “Thời đại tân kỳ” của sạcly-sáplin (được biết nhiều trong vai vua hề Sạc-lô); trong nỗi ám ảnh của triết gia Trần Đức Thảo về chủ nghĩa “không có con người”... đều có nỗi sợ hãi của sự tha hoá. Chạng vạng đất chạng vạng trời. Tình tôi chạng vạng cái thời xa em. Mắt nhìn chạng vạng hơi men. ..... Đôi khi chạng vạng vần thơ. (Nguyễn Văn Phương)
Vâng, trong kiếp người ai mà chẳng có lúc xây xẩm mặt mày thấy đất trời chạng vạng. Nhưng cuộc đời của Phương Thi Sĩ- Phương Xích Lô “chạng vạng” hơi bị nhiều. Nó sao mà dai dẳng da diết lê thê như mùa mưa xứ Huế. Nguyễn Văn Phương rơi vào một bi kịch mà ít người biết: muốn điên để giũ bỏ đớn đau chất chứa trong lòng, nỗi buồn đè nặng trong tim nhưng không thể nào điên nổi. Cho nên những lúc giả đò điên khùng, trần truồng, bát phố cho thiên hạ ngắm chơi và ngắm chơi thiên hạ; gặp những người mà Phương quý mến, khuôn mặt bụi bặm râu ria của Phương thoáng ngượng ngùng. Tất nhiên cái điên của con người khác với bệnh điên của súc vật. Bởi loài thú đâu phải đối mặt với sức mạnh hãi hùng của sự tha hoá.
Nguyễn Văn Phương không thể ĐIÊN như thi sĩ Bùi Giáng: thơ thới hân hoan-rong chơi lẫm liệt. Bởi Phương chưa thủ đắc được cái “võ công” cao cường lẫn “nội lực” thâm hậu như Trung Niên Thi Sĩ. Nhưng cho dù tâm thế khác nhau, năng lực hành xử cuộc chơi thế mệnh không cùng cấp độ, cả hai Thi Sĩ này cũng đã dấn thân vào cuộc chơi thơ mộng-đớn đau-lẫm liệt. Khi ra về, cả hai đều gởi lại hồng trần vài câu thơ “chạng vạng” đất trời, vài câu chữ đất trời chạng vạng; gởi lại những trận chiêm bao, gởi lại “cô em mọi nhỏ”, gởi lại cuộc truy tìm bản thể, gay cấn éo le giỡn chơi mà thiệt: “Dạ thưa xứ Huế bây giờ, vẫn còn núi Ngự bên bờ sông Hương” (Té ra, bao nhiêu dâu bể, lắm cuộc điên cuồng máu lệ, Huế vẫn cứ nguyên vẹn cái bản thể lẫn bản ngã, bản thân mình).
“Một cõi đi về” của Trịnh Công Sơn có khác hơn. Ông ra về giữa lúc bữa tiệc đời dành cho ông đang hồi rôm rả lời xưng tụng. Ca từ trong nhạc của ông đang chảy vào tâm hồn những người trẻ tuổi, lấp bớt khoảng trống niềm tin, giúp họ bớt bơ vơ trên đường đời quá nhiều sự dối trá hoa mỹ, dối trá tục tằn, có quá nhiều trò lừa đảo phản trắc... Cho nên khi ông ra về, ngoài đám người nồng nhiệt “ăn theo” linh cữu của ông (thôi thì đủ thứ hồi ức, kỷ niệm, nỗi niềm... thật có, dỏm có đăng kín trên những trang báo, viết đầy trong những cuốn sách được xuất bản cấp thời) còn có những người trẻ tuổi trong số người trẻ tuổi ái mộ ông, có mặt trong đoàn người đưa tiễn ông.
Cuộc ra về của nhà thơ Tố Hữu không rộn ràng như đám tang của nhạc sĩ họ Trịnh, cho dù hầu như bất cứ người Việt
nào có đi học đều biết đến tên tuổi ông. Thói đời vẫn bạc bẽo, người đời thường chóng quên những gì không còn làm cho họ mê mẩn nữa. Nhưng gì thì gì, ông đã từng là một nhà thơ lớn của dân tộc, của cuộc kháng chiến giành lại độc lập tự do cho Tổ Quốc. Phải trở lại và đặt mình vào hoàn cảnh của đất nước trong giai đoạn lịch sử toàn quốc kháng chiến, mới cảm nhận hết chiều kích của những bài thơ ông sáng tác vào lúc đó. Người dân đang mất nước, kẻ thù đang đốt nhà, tàn sát đồng bào ruột thịt của mình, thì không ai có quyền “thương vay khóc mướn”. Với một công dân nghệ sĩ lại càng không có quyền trốn tránh trách nhiệm đối với tổ quốc. Theo lời một trí thức khoa bảng có tầm có cỡ kể lại: “Hồi đó bọn mình như được “tiêm ma tuý” lòng yêu nước lẫn niềm tự hào dân tộc. Dân “Tây học” như bọn mình lấy làm xấu hổ là rất giỏi tiếng Tây tiếng U mà lại dốt tiếng Mẹ Đẻ. (Tất nhiên dù tự nhận là “dốt tiếng Mẹ Đẻ” nhưng trình độ tiếng Việt của những con người ấy chắc chắn giỏi hơn nhiều lần, nếu so với nhiều ông nhiều bà nhà này lầu nọ, cử nhân tiến sĩ kia vào cái thời buổi loạn bằng cấp bây giờ. Cho nên chả thấy ai “lấy làm xấu hổ” cả)
Vâng, phải được sống trong những năm tháng đau đớn mà kiêu hãnh đó mới nhìn thấy được tầm vóc lớn lao của nhà thơ Tố Hữu lúc ấy. Tiếc rằng, giấc mộng lộng lẫy của ông “người yêu người, sống để yêu nhau” mãi vẫn chưa trở thành hiện thực. Tôi yêu bài hát “Đêm Đông” của nhạc sỹ Nguyễn Văn Thương từ khi còn là chú nhóc học nghề sửa xe gắn máy ở đường Phan Bội Châu (nay là Phan Đăng Lưu) thành phố Huế. Đó là những đêm đông đầu tiên tôi xa mái ấm gia đình, xa mái trường thân yêu. Những đêm mùa đông ấy, sau một ngày cạo sườn xe từ sáng sớm cho tới tờ mờ tối, tôi nằm co ro trên căn gác lửng áp mái tôn, bên ngoài mưa phùn gió bấc lạnh căm căm. Bỗng nhiên có tiếng hát cất lên nức nở từ chiếc máy dĩa của một căn nhà ấm cúng nào đó bên kia đường vọng sang: “Đêm đông, ta nghe nhớ thương chạnh lòng cô lữ... Có ai, thấu tình cô lữ đêm đông không nhà...” Tiếng hát buồn như tiếng khóc thầm của nàng ca nhi đơn chiếc sau khi bước ra khỏi sân khấu tràn ngập ánh đèn màu trở về gác trọ. Và mưa. Mưa nhẹ hạt da diết buồn triền miên khiến lữ khách chạnh lòng thương cho xứ Huế, khiến chạnh lòng tôi thương cho thân mình. Tiếng mưa nhè nhẹ không lấn át mất lời ca. Tiếng mưa gõ đều đặn trên mái tôn thành một cung thứ trầm buồn hoà vào bài ca làm tê tái tâm can, khiến đắng lòng nao dạ người nghe.
Nhạc sỹ Nguyễn Văn Thương đã ra về từ một nơi xa quê nhà thân yêu của ông và đến một nơi chốn quê quán rộng lớn hơn dành cho mọi kiếp nhân sinh. Trong lòng đất Mẹ ấm áp, ông có còn thương cảm, có chạnh lòng cho “người cô lữ đêm đông không nhà?”. Cuộc ra về của họa sỹ Bửu Chỉ khá bất ngờ, khá nhẹ nhàng thanh thản. Sáng, như thường lệ, ông đi uống cà phê, gặp gỡ tán chuyện với vài ba người quen kẻ biết; về nhà kêu mệt, bảo là sẽ nằm nghỉ một tí rồi dậy vẽ. Hơn tiếng đồng hồ sau, gia đình nhận thấy sức khoẻ của ông có dấu hiệu không bình thường, liền đi mời bác sĩ. Sau khi chẩn đoán, bác sĩ hối thúc gia đình chở ông lên bệnh viện. Ở đó ông hôn mê suốt mười mấy giờ liền, rồi lặng lẽ ra đi không một lời từ biệt. Lại tai biến mạch máu não! Dễ hiểu thôi, để giữ được mình khỏi rơi vào vòng xoáy của sự tha hoá đang lan rộng cả bề rộng lẫn chiều sâu ở mọi mặt trong xã hội hôm nay, nhiều người đã phải trả giá một cách đau buồn, trả giá một cách lẫm liệt.
Hoạ sỹ Bửu Chỉ có một tâm thức văn hoá khá sâu rộng. Ông am tường văn chương, triết học, âm nhạc, tôn giáo, chính trị... Nhờ thế ông tạo cho mình một bản lĩnh sáng tạo, một tiếng nói không hoà lẫn ai, không bắt chước ai. Riêng về tư tưởng triết luận, ông có xu hướng nghiêng về đạo đức phương Đông và chịu ảnh hưởng ánh sáng trí tuệ đầy minh triết của nền văn hoá này. Do vậy, khi tranh ông có điều kiện giới thiệu với người thưởng ngoạn phương Tây, lập tức ông được những tâm thức, bản ngã, cái “tôi” được nhào nặn bởi nền triết học đầy lý trí và duy lý của phương Tây đón nhận nồng nhiệt. Những con người cá nhân này đã quá căng thẳng, đã quá mỏi mệt trong cuộc tranh đua bất tận, với những nhu cầu bất tận trong cuộc sống. Tôi tin nhiều người chịu nền giáo dục lẫn thừa hưởng nền văn hoá Tây phương, tìm thấy được bản ngã lẫn bản thể của mình trong đại ngã lẫn bản thể của vũ trụ, của đồng loại, của muôn loài sinh linh khi tiếp xúc được với đạo học phương Đông. Và ngay cả những người có nhiệt tâm thay thế vai trò Thượng Đế bằng chính sách quốc hữu hoá toàn dân, nếu tiếp cận được với tư tưởng minh triết của đạo học phương Đông, họ sẽ “ngộ” ra rằng Thượng Đế chính là Vật Chất và Vật Chất cũng chính là Thượng Đế. Và, con người mang sứ mạng tự đánh thức bản ngã của mình để có khả năng thể nhập vào đại ngã.
Khi cuộc ra đi hoá ra về thì cái chết bỗng thơ mộng, trầm hùng, bi tráng. Khi ý thức được rằng, cuộc ra đi mơ mòng phen hội ngộ/ cuộc ra về ôm ấp mộng trùng lai thì hẳn sẽ an tâm mà sống an tâm mà chết. Hãy thắp lên ánh sáng trí tuệ để xua tan bóng tối của sự sợ hãi. Niềm tin vào sự phục sinh sẽ hoà giải nỗi tuyệt vọng và niềm hy vọng. Xin được đốt nén hương lòng tưởng nhớ các anh, những người trước khi ra về đã để lại trong tôi ít nhiều thương mến kính trọng gần gũi. Xin kết thúc bài viết dài dòng và tẻ nhạt này bằng lời chỉ bảo của nhà văn Nguyễn Minh Châu, trong cái lần đầu tiên tôi được gặp ông ở quầy sách gia đình của tôi. Ông nói: “Cái nghề văn chương nó bạc lắm; nó cô đơn cô độc lắm! Chịu được thì gắng mà theo, không chịu nổi thì cứ yên tâm mà bán sách vỉa hè như vầy. Trong những cái lưu manh, lưu manh chữ nghĩa là đê tiện nhất. Cái nghiệp chữ nghĩa nó cũng nặng lắm. Cái tội của ngòi bút đứng không thẳng cũng to lắm...” Kính lạy hương hồn anh Nguyễn Minh Châu, xin anh sống minh, hiển thác linh thiêng phù hộ cho em là Dương Thành Vũ đủ sức mạnh tâm linh để giữ ngòi bút luôn luôn đứng thẳng.
Số phận và số mệnh vẫn chưa cho tôi được thong dong ra về. Hay nói theo ngôn ngữ nhà Phật: cái nghiệp của tôi ở kiếp này chưa dứt. Ngày ngày tôi vẫn còn phải đối diện với lương tâm tôi, với con chữ và cái nghĩa của tôi; phải tự vấn xem bản thân mình đã tha hoá hay chưa, đã sống chung với sự dối trá hay chưa... Vẫn còn mang cái xác thân phàm tục này trên chặng đường không lấy gì làm mãn nguyện. Khi được ăn sáng thì no, khi phải nhịn thì đói; khi có ly rượu thì tinh thần vui vẻ thịt xương đong đưa, khi thiếu rượu thì ngồi ngáp vặt. Khi có người quen kẻ biết bằng hữu tới chơi hoặc gặp gỡ họ thì phấn khởi hân hoan bốc phét nói cười, khi chẳng biết ba hoa thiên địa với ai thì cũng ngồi ngáp vặt. Tôi có chờ đợi gì không? À, chờ ngày ra về mà lòng thanh thản. D.T.V
(nguồn: TCSH số 209 - 07 - 2006)
|