Mẹ Kăn Hốt ngồi giữa nền nhà, lưng còng trên tấm zèng sắp dệt xong, miệng cười trỏm trẻm. Mẹ là người dệt zèng giỏi nhất vùng, là nghệ nhân, nhiều khách đến thăm. Mẹ dệt zèng nhanh, ba ngày xong một tấm. Mẹ cứ cặm cụi ngày qua ngày như thế, được ba mươi tấm zèng thì làm một chuyến qua bán tận xứ Lào. Một mình mẹ băng rừng vượt suối, ngày đi đêm nghỉ, hết năm ngày năm đêm thì qua được đất Lào. Mẹ đi vậy mà không sợ thú dữ ăn thịt à? Không. Mẹ cũng là một con thú giữa rừng mà! Mẹ biết cách tự bảo vệ mà! Zèng của mẹ đẹp, chỉ một vòng quanh bản Lào là hết veo. Bao nhiêu tiền bán zèng mẹ cho hết vợ chồng người con trai sinh sống bên Lào, họ nghèo lắm, cả cho bạn bè của mẹ nữa. Ở xứ Lào mẹ có nhiều bạn, ai cũng thương mẹ. Mẹ lại nheo nheo con mắt cười, chỉ có chồng mẹ là không biết thương mẹ thôi.
Họ không thương mẹ, họ ác với mẹ lắm. Bởi vì họ ác cho nên đời mẹ mới khổ nhiều. Mẹ lấy chồng sớm, năm mười hai tuổi. Nhà họ giàu có nhất vùng, họ đem nhiều heo, nhiều bò đến bắt mẹ đi. Mẹ không ưa họ. Nhà mẹ nghèo nhưng ngày xưa mẹ đẹp lắm, nhiều người ưa mẹ. Mẹ cũng có ưa một người. Nhưng người đó không phải là họ, không giàu có như họ. Họ đến nhà bắt mẹ đi, mẹ sợ quá chạy trốn vô rừng. Mẹ lang thang trong rừng như con mang đói, mệt mỏi, phờ phạc. Mẹ nhai rau rừng, ngủ trong hang tối. Con chồn hoang nhìn mẹ thương cảm bỏ đi. Con ve rừng thấy mẹ tội nghiệp không dám kêu động. Vậy mà họ cũng tìm ra, bắt được mẹ về. Họ trói mẹ vào gốc cây, trói hai tay lên trên, trói hai chân xuống dưới. Vậy là mẹ có con với họ. Mẹ bị trói tám lần, đẻ tám người con. Mẹ buồn hung nên con mẹ cũng buồn mà chết yểu, chỉ còn bốn người: Quỳnh Nâng, Kăn
Năn
, Kăn Lia, Kăn Lát. Quỳnh Nâng lớn lên, lấy vợ rồi đem vợ qua Lào làm ăn. Nhà Quỳnh Nâng nghèo lắm, hay xin tiền mẹ, xin mấy mẹ cũng cho, lại còn gửi cháu về cho mẹ nuôi. Chỉ có ba con gái Kăn Năn, Kăn
Lia, Kăn
Lát lấy chồng quanh đây, họ thương mẹ, hay cho mẹ cơm. Bố Cu Mơl từ trong phòng ngủ bước ra, dáng lưng còng ngật ngà ngật ngưỡng, ho sù sụ. Mẹ nói nhỏ, hôm qua họ qua nhà con rể uống rượu, họ còn say rượu đấy. Bố càm ràm một tràng tiếng Tà Ôi dài. Mẹ phiên dịch: họ nói mẹ già rồi, nói chuyện bố láo bố lếu.
Bố Cu Mơl là anh trai của già làng Cu Xe. Khi mẹ có con trai đầu lòng thì Cu Xe vào bộ đội. Thời đó trai làng ai cũng vào bộ đội theo Đảng theo Bác Hồ. Cu Xe đi lâu hung, đi không có tin tức. Rồi một hôm Cu Xe đột ngột về làng, rủ mẹ cùng đi, rủ thêm nhiều người nữa. Anh Uôn vào bộ đội chủ lực, anh Ôm vào du kích. Mẹ rủ thêm mấy chị em Blôm, Bliêu, Blâng cùng đi. Mẹ thấy đi vui. Vả lại đời mẹ buồn tủi nhiều rồi. Chồng lười nhác không thương, con chết lần lượt... Cu Xe bảo mẹ đi để đổi đời. Mẹ tham gia Hội Phụ nữ, đi gùi gạo cho bộ đội ăn, đi tải đạn cho bộ đội giết giặc. Những ngày đó thật vui. Mẹ được các anh bộ đội dạy cho tiếng phổ thông. Ngày công tác mệt nhọc, tối liên hoan ca hát quây quần. Mẹ như được sống lại, như điệu cha chấp gọi bạn rạo rực trong đầu mẹ, trong bụng mẹ. Những đôi trai gái yêu nhau hát lời cha chấp tình tứ. Người con gái hát rằng: Ơ... em dệt tấm zèng này làm mái nhà đón anh... em đan sợi teng này cột lên xà nhà đón anh về... Người con trai ngậm cây arèng thổi say sưa, rồi hát đáp: Ơ... anh về đan cái gùi cho em đi rừng... anh đan cái giỏ cho em đi suối... Ừ, những ngày đó thật vui. Cu Xe nói đúng, mẹ đi để được đổi đời. Mẹ đi liền một mạch, được cấp trên tặng cho nhiều nhiều cái giấy khen thì hết sạch giặc thù. Hòa bình rồi, bà con trên núi cao lại gọi nhau về đây lập làng, dựng nhà phát rẫy. Cu Xe làm già làng. Mẹ dệt zèng.
...Bố Cu Mơl ngồi bệt bên thềm, đờ đẫn, hơi rượu còn chưa tan... Mẹ nói: mẹ già rồi nhưng tóc mẹ không bạc. Bởi vì lòng mẹ to, tình cảm mẹ to. Mẹ thương người, thương mấy con. Mai kia mấy con về lại đồng bằng mẹ nhớ, mẹ sẽ khóc. Khi nào mấy con quay trở lại thăm mẹ? Khi đó chắc mẹ chết rồi. Cu Xe làm già làng, sẽ cúng cho mẹ. Bố Cu Mơl lại càm ràm một tràng tiếng Tà Ôi dài. Mẹ già rồi, nói chuyện bố láo bố lếu. Thật, mẹ không bố láo bố lếu. Ai rồi cũng chết. Ai rồi cũng sẽ về sau núi. Việc đó Cu Xe rành lắm. Cu Xe sẽ chôn mẹ xuống đất, sẽ làm lễ cải mả cho mẹ sau ba năm theo đúng tục lệ của người Tà Ôi. Ngày cải mả là ngày cúng gọi linh hồn. Người ta lấy một ít máu lợn hay máu gà, thêm một dúm gạo rẫy cho vào một cái đĩa, đặt trên mộ. Rồi hát: mời anh mời chị ở đâu trong rừng sâu ở đâu bên bờ suối thì về với chúng tôi, về với làng để ăn một bữa no say. Một lúc sau có con châu chấu nhảy vào đĩa, người ta bắt lại bỏ vô một ống nứa. Mỗi con châu chấu là một linh hồn. Bao nhiêu con châu chấu bay vào đĩa là bấy nhiêu linh hồn người thân trở về tụ họp. Không cứ là châu chấu, nhiều khi linh hồn theo về trong con kiến li ti, con đom đóm lập lòe. Xong xuôi, đem ống nứa đặt vào một manh chiếu con, cuộn tròn lại, hai người gánh hai đầu. Cứ thế mà đi quanh, vừa đi vừa khóc, hò tưởng nhớ. Đêm hôm đó, người ta sẽ đánh trống, đánh la mời bà con thân thích đến chơi, ăn uống, hát hò suốt đêm. Người Tà Ôi mà đánh trống thì nghe buồn lắm, không như tiếng trống của người Pa Kô. Sáng hôm sau, trời còn tờ mờ sương, người ta mở ống nứa cho đàn châu chấu bay đi... Mẹ nói: mẹ không thích làm con kiến vì kiến rù rì, chậm chạp. Mẹ không thích làm con đom đóm vì đom đóm khi sáng khi tối lập lòe. Mẹ chỉ thích làm con châu chấu để về, vì châu chấu về nhanh mà bay đi cũng nhanh... Thôn A Hươr, Nhâm, A Lưới - 9/8/2006 P.N.T
(nguồn: TCSH số 212 - 10 - 2006)
|