Đội tìm kiếm hài cốt trong một đêm trăng tại cánh rừng Sắc Rông. Những cái võng giăng dưới gốc cây rừng. Tất cả lặng lẽ chìm trong giấc ngủ. Chỉ còn người đội trưởng Phạm Tường vẫn thức. Anh trằn trọc ân hận nghĩ đến cái chết oan nghiệt của Hoàng Thao tại khu rừng này. Cái chết do anh lầm lỡ gây nên. Những năm tháng qua, đi tìm hài cốt đồng đội là nghĩa cử và trách nhiệm của người còn sống. Song với Tường, anh còn có trách nhiệm với Hoàng Thao. Hơn 30 năm sau, nhớ lại những giờ phút tuyệt vọng cuối cùng của Thao, Tường vẫn thấy rùng rợn: Cuối mùa mưa 1972, đại đội ba do Phạm Tường làm đại đội trưởng bám chốt trên đồi Mặt Trời. Quả đồi là cửa ngõ phía tây của rừng Sắc Rông. Trên đồi không có cây mọc, mặt trời chiếu nắng quanh năm nên người ta gọi là đồi Mặt Trời. Đóng quân ở đây có thể quan sát cả bốn phía và ngăn chặn được quân địch vượt sông Kông Xa. Phía đối phương luôn có âm mưu đánh chiếm quả đồi để khống chế quân giải phóng tấn công căn cứ Đák Chiêng. Vì thế địch liều chết cố chiếm, ta quyết tử cố giữ.
Trận chiến đấu ngày 15 tháng 7 năm 1972 giữa tiểu đoàn lính ngụy có sự yểm trợ của quân Mỹ, với đại đội 3 của Phạm Tường diễn ra vô cùng khốc liệt. Pháo địch từ cứ điểm Đák Chiêng bắn tới, tiếng nổ ầm ầm, mặt đồi rung chuyển, bụi đất, khói đạn mờ mịt. Sau mỗi trận pháo dồn dập, quân địch dưới chân đồi lại ào lên. Từ những căn hầm đan cài trên sườn đồi, các cây súng của ta đồng loạt rung lên. Lựu đạn tới tấp tung xuống. Quân ngụy có cả lính Mỹ bị thương và chết nằm la liệt. Quân ta 15 chiến sỹ bị thương và hy sinh.
Ngày thứ hai 16 tháng 7 cuộc chiến đấu càng gay go. Địch tiếp tục bắn pháo dọn đường và thúc bộ binh đánh lên. Các chiến sĩ ta tấn công đánh trả liên tục. Mười bảy lần quân địch kéo lên đồi đều bị đánh bật trở lại. Sau mỗi loạt súng và lựu đạn phản kích, Tường nhìn rõ những tên địch trúng đạn quằn quại lăn xuống chân dốc, xác chết chồng lên nhau. Đại đội của Tường hơn một nửa hy sinh. Bị địch vây chặt dưới chân đồi, quân ta không tiếp viện được, đơn vị hoàn toàn bị cô lập. Tường và đồng chí chính trị viên bò đến từng căn hầm động viên anh em cố thủ, quyết tâm chiến đấu. Tới khẩu đội hai, thấy tiểu đội trưởng Thao, trên đầu quấn băng, máu thấm ra ướt sũng, Thao vẫn ghì khẩu súng AK bóp cò. Thao giơ tay ấn vai Tường xuống để tránh đạn bắn lên, miệng kiên quyết: - Đại đội trưởng cứ yên tâm, dù có chết, chúng tôi cũng không bỏ trận địa.
Quân Mỹ thay đổi chiến thuật, chúng không nã pháo mà dùng máy bay trực thăng bắn xuống. Hai chiếc sà xuống, cánh quạt quay tít, bụi đất mù mịt. Chúng chà đi, xát lại, chỗ nào tình nghi có phục kích, trực thăng dừng lại trút đạn xối xả. Tường và Thao nhìn rõ những tên lĩnh Mỹ đội mũ sắt, mặt đỏ, cắp đại liên, chĩa súng bắn xuống... Hình như chúng phán đoán lực lượng quân ta đã bị tiêu diệt, chỉ còn lại rất ít. Một chiếc trực thăng sà xuống sát mặt đất, bay rất chậm, vừa phát loa kêu gọi quân giải phóng đầu hàng, vừa tìm kiếm mục tiêu. Nó từ từ lướt tới bụi cỏ, nơi Hoàng Thao đang nằm phục. Bất ngờ Thao đứng phắt dậy, nhảy lên, bám chặt hai tay vào cái càng sắt dưới gầm chiếc máy bay trực thăng. Chiếc máy bay từ từ bốc lên, những tên Mỹ trên máy bay không hề biết có một chiến sĩ quân giải phóng bám dưới bụng chiếc máy bay của chúng. Chỉ có Phạm Tường, anh phát hiện ngay từ khi Thao nhảy lên đu dưới gầm chiếc trực thăng. Rất nhanh, Tường nghĩ tới hành động
đê tiện của Thao. Anh giơ liền khẩu AK chĩa vào Thao, đang đu dưới chiếc trực thăng, bóp cò. Một loạt đạn nổ. Thao rơi từ chiếc máy bay xuống đất. Thấy có hoả lực bắn lên, hai chiếc máy bay vọt lên cao. Tường quàng khẩu súng qua vai, bò tới chỗ Thao đang giãy giụa, vật vã. Những viên đạn găm vào chân, vào vai, máu chảy đầm đìa, lại bị rơi từ trên cao xuống, một lát sau, Thao nằm im, thoi thóp thở. Tường mở vội túi thuốc cá nhân, lấy hai cuộn băng, băng cầm máu cho Thao và nâng đầu cao cho Thao dễ thở. Tường lẩm bẩm: "Cậu vừa mới hứa, có chết cũng không bỏ trận địa. Vậy mà... Hoàng Thao từ từ mở mắt. Hình như anh đã nghe rõ lời oán trách của Tường và hiểu ra sự thật nghiệt ngã của loạt đạn bắn lên "kẻ phản bội" bám dưới chiếc trực thăng. Thao muốn nói với Tường điều gì đó, nhưng hơi thở đã rất yếu. Một lát sau Thao mới thều thào: "Anh Tường ơi, anh hiểu lầm tôi rồi... khi chiếc trực thăng sà xuống, tôi chỉ còn duy nhất một quả lựu đạn. Lúc ấy tôi đã tính ném quả lựu đạn vào trong chiếc máy bay. Nhưng nó đang di chuyển, cửa máy bay thì bé, tôi lo ném không trúng. Thế là tôi nẩy ý lao lên bám vào gầm chiếc trực thăng. Không phải tôi chạy trốn theo địch đâu anh ạ. Lúc ấy tình huống gấp gáp, chỉ tích tắc là mất cơ hội nên không báo được cho anh. Tôi hy vọng từ dưới gầm máy bay, tôi sẽ tìm cách, một là lên hẳn chiếc trực thăng rồi mở chốt lựu đạn. Hai là sẽ quăng quả lựu đạn vào trong chiếc máy bay chắc ăn hơn. Lựu đạn nổ, những tên lính Mỹ trên máy bay sẽ phải tan xác. Chỉ có cách đó mới có thể tiêu diệt được chúng. Tất nhiên khi lựu đạn nổ, máy bay bốc cháy, tôi xác định mình cũng hy sinh... Nói đến đây, một dòng máu từ miệng Thao ộc ra. Thao trúc hơi thở cuối cùng.
Nghe lời trăn trối của Hoàng Thao, Tường thảng thốt kêu lên: "Trời ơi, vậy mà... Tại sao tôi không nghĩ như thế. Tôi hiểu sai về Thao rồi". Tường gục xuống ôm chặt lấy Thao, nước mắt dàn dụa: "Mình đã hại cậu rồi Thao ơi". Một cánh quân của ta tới chi viện, bất ngờ đánh tập hậu lực lượng dưới chân dốc, tiến lên phối hợp với các chiến sĩ còn lại, phản công tiêu diệt quân địch, buộc chúng phải rút khỏi đồi Mặt Trời. Sau trận đánh, Tường có ý định không nói ra những điều rủi ro về cái chết của Hoàng Thao. Coi như Thao chiến đấu quả cảm và đã anh dũng hy sinh như bao đồng đội khác. Hy sinh do viên đạn phía bên kia đã bắn trúng anh. Đơn vị Tường đề nghị cấp trên tặng thưởng Huân chương chiến công cho liệt sĩ Hoàng Thao.
Có lúc Tường nghĩ nếu nói sự thật về cái chết của Thao, có thể có người cũng không tin. Có thể đơn vị sẽ xem xét trách nhiệm của Tường về cái chết oan nghiệt ấy. Liệu Tường có tránh khỏi những phiền toái không? Thực ra lúc ấy hành động của Tường rất trong sáng. Bắn bỏ một tên phản bội, đó là việc làm cần thiết, có công chứ không phải có tội. Tường đã trút hết căm phẫn vào cò súng. Oái oăm thay, hành động của Hoàng Thao đâu phải là hành động của kẻ phản bội. Hành động của anh, hành động của một người anh hùng. Mặc dù lo toan mọi việc cho Hoàng Thao thật chu tất. Song từ sâu thẳm cõi lòng, lương tâm của Tường vẫn day dứt không nguôi.
Sau ngày đất nước thống nhất, trở về quê hương miền Bắc, việc đầu tiên, Tường đến thăm gia đình của Thao. Mẹ Thao đang ốm nặng. Khi biết tin có Tường, người cùng đơn vị, cùng sống bên Thao những ngày ở chiến trường, bà tỉnh táo hẳn lên. Bà ngồi dậy hỏi chuyện Tường về Thao. Tường gọi bà là mẹ và xưng là con. Hôm ấy, Tường đã kể lại cho bà cùng gia đình nghe về những ngày Thao công tác, chiến đấu ở đơn vị và sự hy sinh anh dũng của Thao trong trận đánh cuối cùng. Mẹ Thao ngồi lặng lẽ nghe, một lát sau bà hỏi: - Em nó hy sinh như thế nào. Trước lúc nhắm mắt nó có dặn gì tôi không? - Khi đó Thao không nói gì. Nhưng trước đấy, có một đêm chúng con tâm sự với nhau. Thao nói, trong chiến đấu chẳng biết sống chết thế nào, lỡ mình hy sinh, trở về, Tường sẽ đến thăm và báo tin cho mẹ mình nhé. Tường dặn mẹ mình đừng lo gì cho mình, kẻo ốm thì khổ... Mẹ Thao đưa tấm khăn lên chấm mắt. Bà khóc. Một lát sau giọng khẽ thều thào: - Chú có nhớ mộ của em Thao chôn cất ở đâu không? - Dạ nhớ. Khi Thao hy sinh đơn vị chúng con mai táng thi hài của Thao dưới chân một quả đồi thuộc xã Đák Mun ở Tây Nguyên. Mẹ Thao cảm động nói: - Xin cảm ơn chú, cảm ơn đơn vị đã tận tình vì em nó. Mẹ Thao nói rồi thở hổn hển vì cơn ho. Một lát sau lại tiếp: - Tôi chắc cũng chẳng còn được bao lâu nữa. Tôi chỉ có một nguyện vọng làm sao đưa được hài cốt của em Thao về nghĩa trang liệt sĩ quê nhà. Mẹ con tôi sống đã xa nhau. Khi chết được ở bên nhau thì tôi mn nguyện lắm. Bà tiếp: - Về đây có bà con họ tộc và dân làng thường xuyên hương khói, cũng ấm áp hơn. Mẹ Thao nói với Tường: - Chú biết phần mộ của em Thao ở trong ấy, nếu có dịp, chú thương mẹ con tôi, chú đưa em nó về quê thì quý hoá lắm. Tường nhận lời mẹ Thao: - Vâng. Mẹ cứ yên tâm, con sẽ đưa hài cốt Thao về quê nhà. Nhất định con sẽ làm. Mẹ Thao rân rấn nước mắt: - Xin cảm ơn chú trước. Giá em Thao biết được nó có người bạn tốt như chú, hẳn em sẽ vui lắm.
Hai ngày sau Sơn bệnh hiểm nghèo ập tới, mẹ Thao qua đời. Tang lễ người mẹ liệt sĩ được chính quyền xã Tam Quang và bà con họ tộc tổ chức linh đình, chu đáo. Trong đám tang, có một sự kiện làm mọi người hết sức cảm kích. Mẹ Thao duy nhất chỉ có một người con trai đã hy sinh. Ai cũng nghĩ bà không còn người "chống gậy" lúc lâm chung. Vậy mà trong những ngày tang lễ bà, có một người con trai mặc áo vải xô trắng, đầu chít khăn tang, tay chống gậy đứng cạnh linh cữu mẹ Thao, cúi đầu đáp lễ mỗi khi có người vào phúng viếng. Khi đưa mẹ Thao ra đồng, người con trai ấy, vẫn đầu chít khăn tang, mặc quần áo vải xô trắng, tay chống gậy đi giật lùi trước cỗ quan tài mẹ Thao. Người ấy chính là Phạm Tường. rước khi tổ chức tang lễ, Tường đã thưa chuyện với ông trưởng tộc và anh em họ hàng gia đình mẹ Thao. Anh bảo: anh với Thao khi còn sống đã kết nghĩa anh em và thề chiến đấu sống chết bên nhau. Vì thế mẹ của Thao cũng là mẹ của anh vậy. Và anh xin được làm trách nhiệm của một người con, báo đáp người mẹ trong lúc lâm chung.
Trong thâm tâm của Tường, nếu anh không lầm tưởng, nếu không có những viên đạn bay ra từ nòng súng của Tường, thì Thao đã trở về chịu tang bên mẹ. Nhìn Tường chống gậy bên nấm mộ mẹ Thao lúc tạ lễ cuối cùng, ông trưởng tộc cảm kích nói với bà con trong họ: - Chú Thao mà biết được có người anh em kết nghĩa về chịu tang mẹ mình, hẳn chú ấy sẽ rất yên lòng phải không bà con? - Vâng, thật may cho chú Thao. Một người nói. Chú có một người bạn tốt như chú Tường đây thật là quý hoá. Được dân làng cùng bà con gia quyến của Hoàng Thao quý mến, dành những tình cảm tốt đẹp về mình, Tường lại càng suy nghĩ, trăn trở. Về nghỉ phép ít ngày, Tường quay lại đơn vị chính sách để đi tìm hài cốt đồng đội. Trong những ngày trở lại Trường Sơn, Tường sẽ tìm thấy đồi Mặt Trời ở cánh rừng Sắc Rông. Tường hy vọng sẽ đưa Thao trở về quê nhà. Hẳn khi ấy ở cõi âm thế mẹ Thao sẽ được bên Thao. Đó là nguyện ước cuối cùng của mẹ mà Tường đã hứa trước lúc mẹ ra đi.
Phạm Tường cùng các chiến sĩ trong đội tìm kiếm hài cốt suốt 3 ngày đào, lấp dưới chân đồi Mặt Trời, vẫn không tìm thấy mộ Hoàng Thao. Tường đi ngược lên mặt đồi để quan sát xác định lại vị trí. Tình cờ gặp một người đàn bà vai khoác ba lô, tay cầm cây xẻng đang bước tới. Sau một hồi hỏi thăm, trò chuyện, Tường biết được người đàn bà cũng đang đi tìm hài cốt của chồng mình. Thật không ngờ, người đàn bà ấy lại chính là Hạnh Dung, vợ của Quang. Quang cùng đơn vị với Tường, người bị mối xông dưới gốc cây sấu ở cánh rừng Sắc Rông. Tường cho Hạnh Dung biết rõ hoàn cảnh hy sinh của Quang trước kia và hài cốt của Quang đã được các anh quy tập đưa về nghĩa trang 2 Trường Sơn. Dung mừng lắm và cảm ơn Tường đã tìm thấy Quang. Dung kể lại khát vọng của mình mong tìm được hài cốt Quang như thế nào. Và công việc tìm kiếm của Dung từ ngày vào khai hoang ở đây. Dung báo tin cho Tường biết: Dung đã tìm được ngôi mộ tập thể có 9 bộ hài cốt và một bức thư. Đã tìm được bộ hài cốt của một anh bộ đội có tên là Hoàng Thao quê ở xã Tam Quang nhờ tấm bia đá có khắc tên tuổi, quê quán mà Dung biết được.
Thế là hài cốt Hoàng Thao đã tìm thấy. Tường sẽ đưa Thao về an nghỉ bên người mẹ của Thao ở nghĩa trang quê nhà. Hôm ấy Tường cùng mọi người theo Dung về làng mới Trà Tân thăm mộ của Thao. Về đây, Tường không thể ngờ, khu vườn sau nhà của Dung, ngoài ngôi mộ của Hoàng thao, còn có hơn một trăm ngôi mộ khác do Dung tìm kiếm đưa về. Có ngôi mộ Dung mới tìm thấy đắp đất còn mới nguyên. Dung quyết định bàn giao toàn bộ số mộ liệt sỹ cho đơn vị của Tường. Một tháng sau lễ tiếp nhận hài cốt liệt sĩ tại làng mới Trà Tân diễn ra thật cảm động. Dân làng không thể tưởng tượng việc làm thầm lặng của Dung bấy lâu nay. Các đoàn thể chính quyền, ban chính sách của huyện, của xã về dự đông đủ. Đơn vị của Tường cử một đoàn, mặc quân phục chỉnh tề, đưa xe hoa về đón các liệt sĩ.
Pơ Kan
người cứu giúp Hạnh Dung bị ngất bên nấm mộ đồng đội cũng về dự. Sau lễ dâng hương, lễ động mả, mọi người đến từng ngôi mộ tiễn biệt linh hồn, hài cốt các liệt sĩ được lần lượt đưa lên...
Trong buổi lễ, đại diện đơn vị tiếp nhận hài cốt liệt sĩ đã phát biểu. Bài phát biểu do Phạm Tường đọc, có đoạn: - Kính thưa các hương hồn liệt sĩ. Kính thưa các cơ quan chính quyền đoàn thể cùng dân làng Trà Tân Đắk Min tỉnh Đắk lắc. Cuộc chiến đấu chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta vô cùng khốc liệt. Biết bao chiến sĩ đã đổ máu, hy sinh anh dũng trên mảnh đất này. Sau chiến tranh nhà nước và quân đội đã tổ chức các đoàn tìm kiếm, quy tập mộ liệt sĩ là thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc ta. Song rừng Trường Sơn mênh mông, rừng Sắc Rông bao la huyền bí, dù các đơn vị quy tập mộ liệt sĩ có cố gắng đến đâu, cũng không thể tìm hết được nơi an nghỉ của các anh hùng, liệt sĩ trong rừng sâu, núi cao. Vì thế việc làm của dân làng Trà Tân, của gia đình chị Trần Hạnh Dung vừa qua đối với các liệt sĩ là vô cùng có ý nghĩa.
Hôm nay theo nguyện vọng của dân làng và gia đình chị Trần Hạnh Dung, chúng tôi xin tiếp nhận 135 hài cốt liệt sĩ mà chị Hạnh Dung đã tìm kiếm bao năm trời. Trong đó 9 bộ hài cốt ở một ngôi mộ tập thể là các chiến sĩ thuộc Tiểu đoàn 3 Trung đoàn 426. Chúng tôi sẽ đưa hài cốt đã xác định được tên tuổi địa chỉ quê quán về từng gia đình của liệt sĩ. Còn các thi hài chưa xác định rõ danh tính chúng tôi sẽ đưa về quy tập trong nghĩa trang khu hai Trường Sơn. Một lần nữa chúng tôi xin bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc tới dân làng, tới gia đình chị Trần Hạnh Dung người đã có hành động tốt đẹp đối với các anh hùng liệt sĩ, để họ được trở về cùng với đồng đội, với quê hương. Hạnh Dung theo đoàn xe tiễn đưa các hài cốt liệt sỹ về tận nghĩa trang Trường Sơn. Rồi chị tìm đến thắp hương mộ Quang. Trong làn khói hương là là trước tấm bia, Dung chắp hai tay, lòng chị rung lên những tiếng nấc thổn thức, buồn đau. Chị gọi chồng trong cõi lòng sâu thẳm: - Anh Quang ơi, đã bao năm anh sống cô quạnh trong rừng Sắc Rông. Nhờ có đồng đội đi tìm kiếm anh mới về được đây. Hôm nay em mới đến thắp hương cho anh. Mong anh tha lỗi cho em nghe anh.
Rồi chị khóc, tiếng khóc thay cho mọi nỗi niềm. Tiếng khóc lẫn trong tiếng vi vút của gió ngàn từ bốn phía nghĩa trang dội tới. Sau ít phút lặng lẽ, tiếng chị lại cất lên: - Em định rồi đây sẽ đón anh về làng mới Trà Tân, nơi có mẹ, có con chúng mình đang ở đó. Nơi anh đã từng chiến đấu và hy sinh. Về đó, em và con cùng bà con buôn làng có điều kiện ngày ngày chăm sóc phần mộ cho anh... Nước từ hai khoé mắt Dung lại trào ra. Làn khói hương mờ nhoè. Gió ngàn vun vút thổi. Bó hương trầm trên nấm mộ của Quang bùng lên rừng rực cháy. M.C
(nguồn: TCSH số 239 - 01 - 2009)
|