Bút ký - Tản văn
Câu chuyện trong rừng thiêng (1)
16:37 | 19/01/2009
MINH CHUYÊN (Tiếp Sông Hương số 12-2008)

Ba ngày sau, tốp chuyển hài cốt tập kết về trạm đã quay trở lại. Phán kể lại những chuyện đau lòng, mắt thấy tai nghe mà các anh gặp trên đường và khuyên mọi người phải hết sức cảnh giác khi đưa hài cốt về nghĩa trang.
-
Hôm ấy khi tới ngã ba gần đài liệt sĩ khu một, tôi và Đức tạt vào một quán cơm bình dân bên đường. Lúc ấy anh nào bụng cũng đói meo. Chúng tôi đang ngồi ăn thì có hai người khách vào quán. Một người chột mắt, sau đó được bà chủ quán cho biết tên hắn là Hảo, Hảo chột. Một tên có chòm râu tỉa nhọn và bộ ria mép rất dày tên là Kiệt, Kiệt râu. Hai tên cứ quẩn quanh bên hai cái ba lô của chúng tôi. Khi chúng ra ngoài, bà chủ quán ghé tai tôi thì thầm: "Các chú có gì phải cẩn thận đấy". Một lát sau Hảo chột và Kiệt râu tới làm quen, ngồi xuống đối diện với tôi và Đức. Không hiểu sao chúng biết được hành trình công việc của chúng tôi, thậm chí biết được trong ba lô có gì? Tên chột lên tiếng trước:
-
Các anh để chúng tôi chuyển giúp những bộ hài cốt này về nghĩa trang cho. Đi tìm kiếm các anh đã mệt lắm rồi.
Tôi sửng sốt và sau đó trấn tĩnh bảo:
-
Xin cảm ơn, nhiệm vụ của chúng tôi phải làm bằng xong, không được phiền hà người khác.
Hảo chột nói thêm:
-
Chúng tôi cũng làm việc nghĩa. Trước đây cũng đi tìm hài cốt đồng đội. Thấy các anh vất vả mới giúp đỡ. Sao lại từ chối.
Đức bảo hắn:
-
Công việc của chúng tôi không nhờ người khác được!
Tên Kiệt râu mỉm cười. Hắn nháy Hảo chột và ý tứ chuyển hướng:
-
Thôi thì thế này, thú thực nhé. Bọn tôi đang cần một số bộ hài cốt. Các ông để những bộ hài cốt này cho chúng tôi, chúng tôi trả tiền cho các ông tiêu, được chứ.
-
Bao nhiêu? Đức hỏi:
-
Trăm ngàn một bộ! Sao! Không được à.Trăm rưỡi xong không?
-
Các anh mua làm gì?
Hảo chột hì hì:
-
Mấy ông chính sách nhờ bọn tôi. Trước kia chúng tôi cũng xuyên rừng, leo núi tìm kiếm, nhưng giờ thì ngán lắm rồi. Mỗi bộ họ xí cho một tí, còn bọn cai thầu ăn tiệt, nên đành bỏ nghề. Thi thoảng nhờ mấy anh, đỡ vất vả tìm kiếm, cũng được tí chút.
-
Mấy ông chính sách thu gom hài cốt để báo cáo thành tích à? Tôi hỏi.
-
Cáo mèo gì đâu. Các ông lập kế hoạch xây dựng nghĩa trang, quy tập liệt sĩ. Có hài cốt mới được duyệt xây. Có xây mới kiếm được chứ. Xây dựng bây giờ là trúng nhất. Xây nghĩa trang lại càng ăn.
-
Thì ra là vậy. Đức nói.
Tên chột bảo:
-
Thế nào, các ông có để cho bọn này không?
Đức nóng mặt:
-
Thôi các anh đi đi.
- Sao, đuổi bọn này hả. Nói cho mà biết nhé, không để thì chúng ông mua của người khác. Thiếu gì kẻ bán xương người. Việc gì phải cáu. Mang tiền đến cho, không biết, ngu! Đức đứng phắt dậy:
-
Này, anh bảo ai ngu!
-
Thôi thôi, mình không bán thì thôi sao phải xỉa xói nhau.
Hai tên không giở trò gì được, đứng dậy rồi lững thững đi ra đường. Bà chủ quán đi lại chỗ tôi và Đức, phủi ghế, ngồi xuống, giọng bà khe khẽ:
-
Trông hai chú lực lưỡng chúng không dám làm gì. Bọn này ghê lắm. Cứ lảng vảng ở ngã ba này. Đón người đi tìm hài cốt ở rừng xuống hoặc chuyển từ nghĩa trang miền trong ra đưa về quê là chúng tìm cách đánh cắp. Không nẫng được thì chúng gạ mua bán như vừa rồi.
Bà dướn người nhìn ra ngoài đường, nói tiếp:
- Gần đây nhà nước có chính sách quy tập mộ liệt sĩ. Chính sách này rất là nhân đạo. Nhưng một số ít người lợi dụng vào chính sách để kiếm chác. Mỗi ngôi mộ cứ có hài cốt để được xây dựng là họ kiếm vài trăm ngàn. Vì thế có bộ hài cốt họ sẻ làm đôi, thế là một anh bộ đội hy sinh được xây hai ngôi mộ. Và họ xếp đó là những ngôi mộ vô danh.
Phán và Đức không thể tưởng tượng và cứ ngồi im nghe bà chủ quán kể: Bà tiếp:
-
Hồi đầu năm có một chị người Định lặn lội vào tận trong này tìm hài cốt chồng, để đem về quê. Hàng tháng trời mới tìm được. Mang ra tới đây bị chúng thó mất. Chị ta vật v• kêu gào suốt mấy ngày đêm, đến nỗi kiệt sức ngất lịm mọi người phải khiêng vào viện nằm.
Bà rưng rưng nói tiếp:
-
Chỉ thương cho anh bộ đội, đã được vợ con tìm thấy, đón về quê mà chẳng được về quê. Chúng cũng đưa vô nghĩa địa thôi. Nhưng đang có tên, có quê hương bản quán lại thành mồ vô danh. Mà vô danh chắc gì đã được nguyên vẹn, có khi chúng chia đôi, sẻ ba thành đôi, ba cái mồ vô danh. Thật tội nghiệp cho anh bộ đội xấu số ấy.
Nghe bà chủ quán nói, lòng Đức căm giận:
-
Sao người ta không gô cổ chúng lại.
Bà chủ quán bảo:
-
Làm việc thất nhân tâm, sớm muộn rồi cũng vô nhà đá.

Kan vào rừng Sắc Rông đẵn củi như thường lệ. Tay cầm con dao, mình trần, cắt rừng, đi về phía người đàn bà tên là Hạnh Dung anh đã gặp 3 tháng trước đó. Lòng Pơ Kan rạo rực, mắt anh chan hoà màu nắng, màu của cây rừng. Leo năm cái dốc, lội mấy con suối, nghĩ đến Hạnh Dung là cái mệt tan biến. Chả hiểu người đàn bà miền Bắc có thần bí chi mà như thể đã hút hết hồn vía của anh rồi.

Kan
nhằm phía trước, vừa đi vừa thầm mong được gặp lại Hạnh Dung như hôm nào. Hôm ấy, Dung nằm thiêm thiếp trên bắp đùi anh. Kan cúi xuống, hai vành môi chạm vào nhau. Những dòng nước thuốc vừa đắng, vừa ngọt từ miệng anh truyền sang miệng Dung. Anh bồi hồi ngắm nhìn, cổ Dung trắng ngần, bờ vai và thân hình tròn trặn. Trong đời Kan chưa bao giờ được chiêm ngưỡng một người con gái như Dung. Một nàng tiên ở cõi trần. Nàng tiên lại nằm trong vòng tay lúng túng, vụng về của anh. Kan hết mình chăm sóc cho Dung tỉnh lại. Hai người e thẹn nhìn nhau. Đôi má Dung ửng hồng. Rồi Pơ Kan đưa Dung về làng mới Trà Tân. Dắt Hạnh Dung lội qua dòng suối Kông Xa. Dòng suối trong veo, chân Dung trắng ngần, Kan bồi hồi. Có lúc Kan mung lung, suy nghĩ, hay là Giàng đã thương, đã ban phước lành cho Kan người đàn bà ấy. Ôi thế thì ở trên đời này Kan là người hạnh phúc nhất. Kan định lựa một dịp nào đó sẽ chọn ngày lành, sẽ tìm lời đẹp giãi bày tình riêng. Kan đã có vợ, nhưng người vợ, ở với anh được hai mùa rẫy thì bị bệnh thương hàn, đã về ngủ với đất. Kan muốn được làm người bạn đời với Hạnh Dung, nhưng không tin Dung sẽ bằng lòng. Vì Pơ Kan là người Kà Tu, Dung là người Kinh miền Bắc. Tính người và tập tục khác nhau. Dung xinh đẹp, cái miệng tươi như hoa núi, chắc Dung không chịu ở chung nhà sàn bập bùng ánh lửa với người Kà Tu.

Ở một góc rừng Sắc Rông, Hạnh Dung mê mải làm cái công việc thầm lặng như chị đã làm suốt mấy năm qua. Cứ sau mỗi vụ thu hoạch cà phê hoặc việc nương rẫy thư thả Dung lại tranh thủ vào rừng tìm kiếm hài cốt của chồng và đồng đội của chồng. Lần này, Dung không đi theo cái lối mòn  quen thuộc mà rẽ vào một cánh rừng bên trái. Dung bẻ cây, rẽ lối và chăm chú quan sát những mô đất ven đường đi. Càng xa lối mòn, cây cối càng rậm rạp, hoang vắng. Những cây đại thụ cao vút, hai ba người ôm không xuể. Bên dưới dằng dịt những cây mun, lồ ô, dành dành làm khu rừng âm u tĩnh lặng. Bất chợt Dung nhớ tới lời Kan kể trên đường đưa Dung về Trà Tân. Anh bảo: khu rừng này thiêng lắm. Một mình đi rừng hay bị thần rừng gây tai hoạ. Có khi chết vì cây đổ, có khi bị thú rừng ăn thịt, hoặc bị rắn độc cắn... Thời đánh Mỹ, bộ đội ở trong rừng đông lắm và họ cũng chết nhiều lắm. Chết vì bom đạn, vì mìn, vì biệt kích, thám báo mai phục. Khi chiến tranh kết thúc, thằng Mỹ về nước Mỹ, bộ đội xuống hết thành phố và đồng bằng. Khu rừng ít người qua lại, càng thiêng hơn.

Pơ Kan bảo: Những đêm trở gió hoặc trời mưa giông, dân bản Ka Ná gần đó thường nghe thấy tiếng rừng cây ầm ào, có lúc rú vang như thể lẫn cả tiếng kêu u ú, vù vù, có lúc như tiếng người hét vang, não nùng. Hạnh Dung cho rằng đó là tiếng mưa giông, tiếng gió giật của núi. Kan bảo không phải, đấy là hồn thiêng của rừng. Hạnh Dung đi một mình là nguy hiểm lắm. Dung nằm ôm đống đất, mắt không mở được, chân không đứng được, đấy là ma rừng muốn bắt Dung đi. Nếu Pơ Kan không gặp, nó đã mang Hạnh Dung vào rừng sâu rồi. Không biết có đúng vậy, nhưng hôm đó giá không gặp Pơ Kan, chả có ma rừng đón rước thì Hạnh Dung cũng đã gửi thân xuống hố đất có bộ xương của anh bộ đội nào đó mà Dung tìm thấy. Hạnh Dung miên man suy nghĩ và bỗng dưng muốn tình cờ lại gặp Kan ở đây. Không muốn tai hoạ phải nằm trên đùi anh, nhưng muốn được anh ân cần giúp đỡ. Đang rẽ cây lồ ô mở lối đi lên, bỗng gặp gò đất nổi cao, Hạnh Dung dừng lại. Một nửa gò đất lấp trong bụi cây gai. Dung thọc cây gậy lật bụi gai, bất chợt một con chim màu đen, mỏ đỏ vụt bay ra, làm chị giật thót. Tới một cành cây cao vút cách gò đất chừng hơn 100m, nó đậu lại, lẫn vào tán lá xanh. Hạnh Dung dùng con dao quắm mang theo phạt quang cây cối chung quanh. Từ những kinh nghiệm đã gặp, Dung thấy gò đất không bình thường. Những nấm mồ chị đào được chỉ nhỏ bằng cái thúng úp, thậm chí có ngôi chỉ lùm lùm cao hơn mặt đất một tí. Thời gian mưa nắng xói mòn, biến dạng. Có khi bom thả tung lên, quật xuống tan nát không còn gì. Có chỗ gồ ghề chỉ cần gạt lớp đất mỏng đã lộ ra một anh "bộ đội" hài cốt còn nguyên. Gò đất trước mặt Hạnh Dung khá to, như được ai đó đắp lên chắc chắn. Hạnh Dung có linh cảm ở bên dưới là một thi hài chị đang cần tìm.

Dung quyết định đào lên. Dung cố hết sức mình, cái lưỡi xẻng mới bẩy lên được một ít đất. Nắng mưa nén chặt, đất rắn chắc. Hì hục gần một giờ đồng hồ Hạnh Dung mới đào được phần đất nổi. Toá mồ hôi, thở gấp gáp, Dung phải ngồi nghỉ để lấy lực đào tiếp. Làm quá sức, hoặc xúc động quá, Dung rất dễ bị choáng ngất. Như lần trước, bắt đầu từ hai con mắt, như toé ra một đàn đom đóm, rồi trời đất chao nghiêng. Dung có cảm giác như bị hẫng hụt, bị rơi vào một khoảng không, mắt tối sầm rồi chị mê man.
Hạnh Dung nhớ lại Kan người con trai Kà Tu không quen biết đã tận tình cứu giúp chị. Anh đã "mớm chị". Dòng nước lá thuốc hiệu nghiệm từ miệng Kan truyền sang, đưa Dung ra khỏi cái thế giới bóng đen chờn vờn, sâu thẳm. Ra khỏi cơn hôn mê đang sắp sửa vùi chị vào trong cõi vô hư. Lần đầu tiên được một người con trai mớm mình, nghĩ lại ngường ngượng mà lại rất tình người. Không chỉ cứu Dung mà còn như thể truyền cho Dung một sức sống mới. Sau lần ấy, từ trong lòng Dung như thức dậy một tình cảm khác lạ. Đôi lúc Dung cứ muốn nghĩ tới Pơ Kan. Không rõ bây giờ anh đang ở đâu. Dung rất muốn chính lúc này có anh ở bên cạnh. Chị sẽ có thêm sức mạnh...

Nghỉ một lát đỡ mệt, Hạnh Dung tiếp tục đào. Chị đào sâu vào trong gò đất chừng hơn một mét thì gặp một lỗ hổng hình bầu dục. Thuổng rộng ra, Dung phát hiện dưới có một cửa hầm. Hơi nóng từ trong hầm phụt ra nồng nồng hôi hôi. Dung cúi đầu áp ngực vào bờ đất nhòm xuống, thăm thẳm tối om. Lấy đèn pin mang theo soi xuống, căn hầm sâu hun hút. Đào cho cửa hầm rộng ra, Dung quyết định chui xuống căn hầm để xem xét. Hầm được kết cấu kiểu hình chữ nhật, bề ngang chừng hơn một mét. Hai bên vách hầm đóng cọc bằng những khúc gỗ tròn, trên trần được lát cũng bằng những khúc gỗ to hơn bắp chân. Tất cả đều mốc xanh, có đoạn mục ruỗng. Đi vào hầm được mấy bước Dung thấy người dờn dợn. Một cảm giác lạnh và ngột ngạt. ánh đèn pin vừa dọi vào phía cuối căn hầm, bỗng Dung rùng mình. Soi tiếp.

Trời ơi. Dung thảng thốt định hét lên. Một đống thi hài chồng lên nhau rõ hình từng người. Dung run sợ lao ra cửa hầm, bò vội lên mặt đất. Suýt nữa lại bị choáng. Nhưng lần này, tim đập mạnh, dồn dập, toát mồ hôi, người vẫn tỉnh. Ngồi im, tĩnh tâm, những câu hỏi tò mò hiện lên trong đầu. Sao căn hầm lại chứa nhiều hài cốt thế? Sao các thi hài lại chồng lên nhau? Dung lại bấm đèn pin xuống lần nữa, mắt quan sát những vật dụng ở ngách hầm bên phải, Dung nhận ra những khẩu súng dựa tụm vào nhau đã han rỉ. Dung nghĩ: "có thể đây là hầm của các anh bộ đội bị vùi lấp nên tất cả đều bị chết ngạt". Nghĩ tới các anh bộ đội, tự dưng cảm giác sợ bớt đi. Dung nghĩ đến Quang. Biết đâu trong đống hài cốt dưới hầm có cả hài cốt của anh Quang. Dung quyết định lại chui xuống hầm và sẽ bốc hài cốt các anh bộ đội đưa về chôn cất. Lom khom, nhẹ bước trong căn hầm trống lạnh, Dung có cảm giác như mình đang đi vào cõi tâm linh. Những hốc mắt sâu thẳm từ đống thi hài như đang dõi theo. Dẫu là các anh bộ đội, song linh hồn các anh đã thuộc về thế giới bên kia. Thế giới âm hồn, mà ngàn đời nay người ta gọi âm hồn là bóng ma. Nghĩ thế, Dung lại lạnh toát và sởn hết gai người.

Đặt cây pin cố định, hướng ánh sáng vào giữa căn hầm, ngồi quan sát, Dung nghĩ có thể lúc tuyệt vọng cuối cùng, các anh bộ đội đã ôm nhau, để truyền hơi ấm cho nhau trước khi trút bỏ cõi đời. Tay Dung run run khi chạm vào bộ hài cốt ở ngoài cùng. Quần áo anh bộ đội mặc đã hoai mục. Dung mở túi ni lon lần lượt xếp từng bộ xương vào trong túi. Trong lúc làm, Dung gượng nhẹ, cẩn thận để các đoạn xương vốn đã mục không bị dập, gẫy. Chị cố gắng, cẩn thận từng tí để xương anh này không lẫn vào xương anh kia. Nhưng cũng rất khó vì các bộ xương đầu áp sát vào nhau. Trong ánh đèn pin nửa sáng, nửa mờ, nhìn những hốc mắt tối om trên mỗi hộp sọ, Dung cố hình dung ra Quang. Và cảm thấy hộp sọ nào cũng có nét giông giống anh Quang. Dung gói buộc cẩn thận bộ hài cốt đầu tiên vào một cái túi. Rồi mở bao ni lon bốc bộ thứ hai. Lau xong cái hộp sọ bỏ vào túi, tay Dung nhè nhẹ nâng những rẻ xương sườn lên, bất chợt Dung nhặt được cái bọc nhỏ bên cạnh bộ hài cốt. Giở ra, bên trong là một bức thư, được bọc ni lon cẩn thận, nhưng cũng đã rách lỗ chỗ, có đoạn chữ nhoè mờ. Dung mừng quá, cầm lá thư chui lên khỏi hầm, ngồi đọc. Những dòng chữ xiêu vẹo, ngoằn ngoèo, có dòng nét chữ thấm ướt loang lổ, luận mãi Dung mới đọc được.

Thư viết: "Chúng tôi gồm 9 chiến sĩ đại đội 1, tiểu đoàn 3 trung đoàn 462 đi công tác qua đây, bất ngờ gặp một đại đội biệt kích. Chúng tôi quyết chiến. Mặc dù trận chiến đấu không cân sức, song chúng tôi đã bắn chết và làm bị thương khá nhiều tên địch. Sau đó chúng gọi máy bay tới bắn phá. Anh em chúng tôi tất cả xuống căn hầm này để tránh bom và làm điểm tựa chuẩn bị cho trận đánh tiếp theo. Căn hầm do công binh ta xây dựng trước đó. Vừa ngừng loạt bom, bọn địch ập tới thả lựu đạn xuống hầm. Cuộc chiến đấu quyết tử lại diễn ra. Chúng tôi thay nhau bò ra cửa hầm bắn lên, làm cho hàng chục tên địch tiếp tục bỏ mạng. Anh em chúng tôi 6 người hy sinh, hai người bị thương, còn lại mình tôi. Chúng tôi tiếp tục dựa vào căn hầm khống chế, đánh địch. Đến khi khẩu súng AK chỉ còn một viên đạn, chúng tôi đành ém vào ngách hầm, cùng với quả lựu đạn duy nhất còn lại để chờ bọn địch xuống cùng chết một thể. Nhưng bọn chúng nhút nhát, cứ ở lì bên trên lén lút bắn xuống. Thấy im ắng, tưởng chúng tôi đã chết hoặc bị thương, tiếng một tên vọng xuống hầm: "Đứa nào còn sống lên đầu hàng sẽ thoát chết" tôi và hai chiến sỹ bị thương bảo nhau: Tất cả thà chết chứ nhất định không hàng địch.

Tôi bò ra hướng nòng súng lên cửa hầm chờ đợi. Thấy im ắng, một tên định cúi xuống nghe ngóng, tôi bóp cò, hắn tung người lên. Hình như nó không chết mà chỉ bị trọng thương. Bọn địch tới tấp ném lựu đạn xuống. Hai chiến sĩ nữa hy sinh, tôi bị thương nặng. Bọn địch đợi ở trên, im lặng chừng 30 phút, lại tiếng một tên vọng xuống: "Đứa nào còn sống, muốn về với cha mẹ, vợ con thì lên đầu hàng. Nếu ngoan cố nằm lì dưới đó, chúng tao sẽ lấp hầm, chôn sống chúng mày nghe chưa. Quả nhiên chúng thực hiện ngay hành động d
• tâm ấy. Chúng hô hoán, đào đất lấp hầm. Đất ném xuống hình hịch. Tôi không còn đủ sức bò ra tung nốt quả lựu đạn cuối cùng thì đất đổ xuống kín cửa hầm. Biết mình cũng sẽ mãi mãi cùng đồng đội yên nghỉ trong căn hầm này, tôi ghi vội lá thư này nhắn gửi, nếu sau này ai tìm thấy sẽ báo giùm cho đơn vị tiểu đoàn 3 trung đoàn 426 biết 9 anh em chúng tôi đã quyết tử và tất cả đều hy sinh tại căn hầm trong khu rừng Sắc Rông này"…

Đoạn cuối lá thư mủn rách, Dung không đọc được. Trời ơi. Thì ra các anh bộ đội đây đã gặp một cảnh huống hết sức éo le. Các anh đã dũng cảm chiến đấu đến hơi sức cuối cùng. Gập lá thư cất vào túi áo, Hạnh Dung lại chui xuống hầm tiếp tục bốc hài cốt. Dung thận trọng bóc tách để các hài cốt không dính lẫn nhau, rồi gói lại đưa lên miệng hố, xếp vào ba lô. Cứ mỗi bộ Hạnh Dung đèo một chuyến. Hơn hai ngày vượt suối, xuyên rừng Dung mới đưa hết 9 bộ hài cốt về khu vườn nhà mình. Về nhà, Dung nấu nước lá vang, lá ngũ vị, để nguội, lần lượt rửa từng bộ xương thật sạch sẽ. Mỗi bộ hài cốt được gói trong tấm vải đỏ, bên ngoài bọc túi nhựa ni lon. Dung đào huyệt, đặt gói hài cốt xuống, đắp đất lên thành từng nấm mộ. Xong xuôi, Dung cắm lên mỗi ngôi mộ một bông hoa đỏ và 3 nén hương trầm. Rồi quỳ xuống bên từng ngôi mộ, miệng lẩm bẩm: "Hôm nay ngày đẹp, tháng lành, Dung đón các anh về đây để các anh bớt lạnh lẽo, cô quạnh trong rừng sâu. Khi nào tìm được đơn vị, Dung sẽ báo cho mọi người biết, để đơn vị đón các anh về quê hương. Còn nếu không tìm được, các anh cứ coi đây là quê hương của mình. Dung nguyện thường xuyên chăm lo phần mộ, và hương khói phụng thờ các anh"...

(xem tiếp trang 2)

Các bài mới
Các bài đã đăng
Mẹ sau núi (06/01/2009)