Bút ký - Tản văn
Hương Giang quốc gia chi bảo...
17:23 | 05/02/2009
NGUYỄN XUÂN HOÀNGNhân một lần ghé ngang Paris , võ sư người Huế Nguyễn Văn Dũng đã đi thăm sông Seine. Đứng lặng lẽ bên dòng sông thơ mộng bậc nhất nước Pháp, bỗng lòng ông nhớ sông Hương quá trời. Về lại Việt , ngồi bên bờ sông Hương, ông vẫn hãy còn thấy nhớ cồn cào cái dòng chảy thầm thì trong sương mù như một nhát cắt ngọt ngào giữa trái tim đa cảm.
Hương Giang quốc gia chi bảo...

Tôi đã hỏi hàng trăm người Huế và những người yêu Huế về sông Hương rằng cảm giác của họ thế nào khi sống xa dòng sông đã từng gắn bó với họ suốt cả một thời trai trẻ. Câu trả lời mà tôi nhận được là mong ngày trở về Huế được ngồi suốt ngày bên sông Hương, được tắm lội ngược dòng Hương để tìm lại chút kỷ niệm của ngày xưa.

Quả là sông Hương đã chở trên mình nó hình hài và phong vận của cả một vùng đất. Như đôi vòng tay mẹ, dòng sông đã cưu mang những thành quách, đền đài, lăng tẩm và cả những riêng tư nhỏ nhất của từng ấy cư dân... Bà - Mẹ - Lớn tần tảo ấy đã chắt chiu từng hạt phù sa đỏ bậm tận Đại Trường Sơn, gánh trên vai qua bao ghềnh thác, mang lại sức sống trường tồn cho cả một vùng hạ lưu trù phú. Ngần ấy trăm năm, ngần ấy nghìn năm, ngần ấy vạn năm sinh thành, sông Hương từ thuở có tên là Tiêu Kim Thủy, Kim Trà... đã cặm cụi bồi đắp để cho Huế một dãy đồng bằng với những sản vật phong phú: cây thanh trà Nguyệt Biều, con cá ong, cá dìa đầm phá và cả hương vị đắng bùi của loài nấm tràm mỗi năm vài lần có mặt trong những bát canh rau tập tàng... Trong trái măng cụt mà người Huế gọi là giáng châu ở miệt vườn Kim Long, vẫn còn lưu lại hương thơm và vị ngọt của dòng nước Hương Giang. Và trong quả mít nài xù xì lớp vỏ thô dị tận Ngã Ba Sình, vẫn lưu hoài vị đạm thanh của dòng nước thơm đầy hương thạch xương bồ... Tóc con gái Huế dài đen mịn như nhung, dáng con gái Huế thanh như trúc Vỹ Dạ, giọng nói ngọt như đường phèn tháng bảy... khiến bao chàng trai phong tình xứ Quảng phải đổ quán xiêu đình, là có nguyên cớ của nó. Nguyên cớ ấy là dòng Hương Giang đệ nhất phong thủy kia đã làm nên phong vận của vùng đất kinh kỳ...

Có lẽ không cần phải đề cập đến lợi ích kinh tế cụ thể của sông Hương, vì đó là một điều mặc nhiên, mà hãy nhìn sông Hương trước hết là từ lợi ích văn hóa, là những gì còn lại vĩnh cửu sau khi đã mất đi. Nhiều người yêu Huế vẫn nhớ hoài cách đặt vấn đề rất “đau tim” của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường rằng: nếu một buổi sáng thức dậy không còn thấy sông Hương nữa thì thành phố Huế sẽ thế nào? Không còn là hoảng hốt nữa mà thực sự bàng hoàng... như là thành phố Huế đã biến mất một cách bí ẩn và không còn nữa trên trái đất này. Giả định như vậy để thấy sông Hương máu thịt thiết thân đến ngần nào đối với những người Huế và những người yêu Huế. Tiếp cận sông Hương ở bất kỳ góc độ nào, khoảng thời gian nào trong ngày đêm, cũng nhận thấy vẻ đẹp vô cùng đa dạng của nó. Bạn có thể ngắm buổi chiều tà từ một chỗ ngồi trên cỏ ở Bến Me, màu hoàng hôn loang dần và tím ngắt vỉa hè. Ngắm buổi sáng ban mai từ chiếc ghế đá trước trường Quốc Học, nhìn xuôi về Ngã Ba Sình để đợi ánh ngày lên. Những ngày Huế mưa lớn, có thể lên đồi Vọng Cảnh, ngồi bó gối nghe mưa rơi âm vang trên mặt sông rộng mờ sương nghi ngút đến tận thượng nguồn. Ở đây dòng sông sáng như một vết kiếm dài. Có phải là Cao Bá Quát sau những ngày lần đận lao lý, qua dòng Hương buổi ban mai, tức cảnh ông đã viết:
Vạn chướng như bôn nhiễu lục điền
Trường Giang như kiếm lập thanh thiên.
Tạm dịch:
Muôn dãy núi như chạy vòng quanh khu ruộng xanh mướt
Ngọn sông dài như lưỡi gươm dựng giữa trời xanh.

Cách nhìn lạ hóa của Cao Bá Quát đã cho sông Hương hay là cho chính ông một phẩm chất mới can trường: dòng sông thơ mộng có vóc dáng kiêu dũng của một thanh kiếm dựng đứng giữa trời xanh. Nhưng riêng mình, tôi lại nghĩ đó là phẩm chất tiềm ẩn của một vùng đất giàu văn hóa mà Cao Bá Quát đã nhận thấy. Chẳng phải vậy mà Huế có rất nhiều người đi làm cách mạng. Và những ngày tháng ở Huế đã cho Cao Bá Quát một sự lựa chọn trong cuộc khởi nghĩa Mỹ Lương bi tráng sau này.
Tôi vẫn thường thích ngắm sông Hương những lúc đêm về. Mặt sông lúc này thật lặng lẽ, con nước chảy trễ nải và vô tư như không hề vướng bận bất cứ một điều gì. Bóng tối từ những bờ cây và đám cỏ dại loang dần ra giữa mặt sông. Đêm tối nhung mịn như một tấm khăn choàng lớn phủ lên dòng sông mờ phai nét bí ẩn của bóng đêm. Sắc tím từ ánh đèn bên vài cầu Trường Tiền hắt xuống dòng sông một vùng ánh sáng diễm ảo. Lúc này, lác đác trên gương mặt sông Hương, bóng vài con đò nhỏ trôi trong đêm. Tiếng mạn đò trườn lên mặt nước như một hơi thở dài của ai đó cố nén lại trong lồng ngực.

Nhớ một đêm nào Huế đầy mưa gió, tôi đi qua cầu Trường Tiền và chợt thấy những đám mưa hồng. Ngày Trịnh Công Sơn viết ca khúc “Mưa hồng”, cầu Trường Tiền chưa làm mới, bị gãy một nhịp và cũng chưa có ánh đèn màu. Những ngày ấy ven sông Hương có rất nhiều hoa ti gôn, mà bây giờ ở đường Nguyễn Đình Chiểu người ta vẫn thấy còn sót lại lơ thơ một chút sắc hồng. Có phải là Trịnh Công Sơn đã thấy những đám mưa hồng từ đây, để mấy mươi năm sau tôi một mình qua cầu ướt áo nhớ những cơn mưa hồng tiễn em vào Thành Nội, đường phượng bay rơi đầy một sắc hoa đỏ tương tư.

Có một dạo nước sông Hương trở đục. Báo chí lên tiếng. Hoàng Phủ Ngọc Tường nằm một chỗ xem ti vi rồi buồn suốt mấy ngày trời. Ông bảo tôi giọng đã tròn tiếng là phải làm răng. Tôi cười, nói: “Hết đục thì nó trong, chứ làm răng bây chừ”. Quả thật sông Hương khi đục rất khó chịu. Đi ngang qua cầu Trường Tiền cứ thấy tưng tức trong lồng ngực như một nỗi uất ức không giải tỏa được. Nhìn dòng sông xanh quen mắt rồi nên khi đục thì đâu còn là sông Hương nữa, chỉ là sông Tiền, sông Hậu đó thôi. Rồi có dạo sông Hương đầy lục bình. Cái “vấn nạn” lục bình cùng với nước đục làm dòng sông khổ ải. Không phải là lục bình không đẹp mà là sông Hương tự xưa nay không hề có lục bình. Tìm nguyên nhân thì ra từ lâu, sông Bạch Yến - một chi lưu của sông Hương đầy kín hoa lục bình. Để làm kè Xước Dũ, người ta đã tháo nước từ sông Bạch Yến đổ ra sông Hương và thế là lục bình theo con nước tràn kín sông Hương. Trận lũ cuối năm 2004 đã cuốn đi phần lớn lục bình ra biển, sông Hương trở lại gần như nguyên trạng của gương mặt xưa.

Sông Hương là Bà - Mẹ - Lớn của Huế. Bà mẹ ấy đã cho xứ Huế dòng sữa ngọt ngào nuôi nấng hình hài Huế, cho xứ Huế nét văn hóa căn bản đằm thắm, suy tư và đôn hậu. Nhưng chưa hết, Bà mẹ ấy còn là đời sống tâm linh yên ủy và mang lại sự bằng an cho cư dân Huế giữa thời hiện đại xô bồ. Khó có thể hình dung diện mạo cụ thể của đời sống tâm linh mà người Huế đã nhận được từ sông Mẹ. Giọng nói ấy, tính cách ấy, tâm hồn ấy, nết ăn nết ở ấy, tấm lòng yêu thiên nhiên, biết trân trọng vạn vật và nhìn thấy ở vạn vật một đời sống tâm hồn... tất cả đều có nguồn cội từ cái vết đứt gãy trong quá trình tạo núi ở một kỷ nào đó cách đây hàng triệu triệu năm. Vết đứt gãy ấy có tên gọi là Hương Giang. Người Huế lòng vui hay buồn cũng thường tìm về sông Hương, ngồi bên dòng sông lặng lẽ từ giờ này qua giờ khác, ngắm con nước chảy âm thầm về cuối trời xa. Ở đó, những vết thương lòng sẽ lành, sẽ lên lớp da non êm dịu. Ở đó, những bụi trần được tẩy rửa, không còn nữa những buồn vui hội ngộ, lòng thảnh thơi như vừa đi qua những cay nghiệt của cuộc đời...

Một ngày cuối thu, tôi đọc bức thư của ngài Francesco Bandarin - Giám đốc Trung tâm Di sản Thế giới UNESCO kính gửi Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, thông qua ông Võ Đức Tâm - Đại sứ Việt bên cạnh UNESCO. Lá thư ngắn đề cập đến vấn đề lập hồ sơ đề nghị UNESCO xét công nhận lần hai “Di sản văn hóa Huế với cảnh quan môi trường dọc hai bờ sông Hương”. Bức thư yêu cầu Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế lập hồ sơ, gửi báo cáo cập nhật tiến trình thực hiện những kiến nghị mà chuyên gia UNESCO đã đưa ra trong chuyến công tác tháng 11/2003 đến Ủy ban Di sản Thế giới trước ngày 01/02/2005, để Ủy ban xem xét trong kỳ họp thứ 29 được tổ chức vào năm 2005. Như vậy, bức thư của ngài Francesco Bandarin cho thấy sự nhìn nhận xác đáng giá trị đích thực của cảnh quan hai bờ và sông Hương trong danh mục quần thể di tích cố đô Huế được UNESCO công nhận là di sản văn hóa nhân loại. Rằng sông Hương chính là chiếc trục chính chở trên mình nó một quần thể di tích nổi tiếng của nhân loại. Rồi sông Hương sẽ là di sản văn hóa nhân loại. Ôi! Điều ấy mang lại vinh dự biết bao nhiêu cho vùng đất này. Người Huế đã có thể tính chuyện vuông tròn lâu dài với sông Hương, những phương án cụ thể để bảo tồn, gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa - tâm linh vốn quý báu và trường cửu với thời gian.

Tôi vẫn thường hình dung sông Hương là một nàng tiên nữ đài các. Số phận đã an bài cho nàng một sự truân chuyên. Nhưng mặc cho mưa gió dập vùi, qua bao bể dâu nàng vẫn giữ gìn được vẻ đẹp kiều diễm, những truân chuyên chỉ là tô thắm thêm vẻ mặn mà, nét phong vận hồn nhiên. Tôi tin rồi một ngày nào đó, bên dòng sông Hương di sản văn hóa nhân loại sẽ mọc lên Tượng - Đài - Nữ - Thần - Sông Hương. Nàng mang gương mặt dịu dàng của Huyền Trân Công Chúa và sắc tư dung của Ngọc Hân. Bức tượng ở đó mờ ảo trong sương mù dòng Hương, đẹp rực rỡ vào mỗi buổi ban mai và bí ẩn lúc chiều xuống. Nét u hoài xa khuất như thể những gót chân sen vẫn còn lưu dấu bên thềm cỏ dại tơi bời...
    Huế, ngày 09 tháng 12 năm 2004
N.X.H

(nguồn: TCSH số 191 - 01 - 2005)

 

Các bài mới
Lập công (24/07/2023)
Hoa ở Huế (23/06/2023)
Các bài đã đăng
Bên sông Bồ (19/01/2009)
Mẹ sau núi (06/01/2009)