Bút ký - Tản văn
Đi qua mấy hiệu sách ở Hà Nội
09:21 | 05/03/2009
ĐÀO XUÂN QUÝĐã lâu lắm, có đến hơn hai năm, kể từ khi bị tai nạn ở chân tôi chưa đi vào các hiệu sách, kể cả các hiệu sách ở Nha Trang. Đi tới các hiệu sách thì xa quá, đi bộ thì không đi nổi, mệt và nóng lắm, mà đi xe thuê thì cũng khó, vì họ không phải chỉ đưa mình tới nơi mà còn phải đợi hàng giờ khi mình phải tìm chọn sách nơi này nơi nọ, quầy này quầy khác v.v...

Nay có dịp ra Hà Nội, tôi nhờ mấy cháu đưa đi thăm mấy hiệu sách lớn Tràng Tiền, Đông Tây và Đông Đô (tuy không lớn nhưng cũng nhiều sách) – Riêng về phần văn học, triết học thì ở các hiệu sách này có một hiện tượng chung rất đáng suy nghĩ. Suy nghĩ hay lo nghĩ cũng được. Hầu hết sách bày ở đây, có đến 95% đều là sách dịch, từ những sách cổ nhất như Tứ thư, Ngũ kinh đến những quyển sách mới nhất như H.Potter mà các nhà xuất bản đang kiện nhau dành lấy bản quyền, vì nó là loại best seller hiện nay ở Việt Nam. Còn văn học Việt thật vô cùng vắng vẻ. Và trong cái cảnh vắng vẻ đến ghê rợn đó thì phần ưu tiên lại dành cho các vị “tiền chiến”: Lan Khai, Nguyễn Công Hoan, Vũ Trọng Phụng, Nam Cao. Văn học hiện nay chỉ lèo tèo có mấy quyển truyện ngắn của Hồ Anh Thái, nhà văn đang rất ăn khách ở Hà Nội và của Bùi Ngọc Tấn ở Hải Phòng. Đặc biệt trong cả ba hiệu sách này không đâu thấy bóng dáng một tập thơ nào cả. Hội Nhà văn đã vận động tổ chức những ngày hội thơ ở khắp nơi, quảng cáo ầm ĩ, thành tựu lớn lao v.v... Sau đó còn cho xuất bản cả một chuyên san Thơ nữa.Vậy mà tuần báo nào BáoVăn nghệ cũng có những trang thơ kín mít... thế thì nên hiểu hiện tượng này như thế nào đây? Chẳng lẽ độc giả Việt yêu thơ đến nỗi tập thơ nào ra đời cũng vội vội vàng vàng mua hết ngay chăng? Được thế thì may cho các nhà thơ của chúng ta biết bao nhiêu!

Tôi đang cố tìm trên các giá sách thì thấy có quyển sách dày ngót 300 trang,  ngoài bìa in chữ to: Thơ Xuân Quỳnh. Thấy sách đã khó tin rồi: Xuân Quỳnh làm gì có nhiều thơ như thế này! Mở sách ra, lại còn tệ hơn nữa! Suốt cả quyển sách không có bài thơ nào của Xuân Quỳnh cả. Chỉ có những bài theo kiểu “giây leo”  về Xuân Quỳnh tập hợp đem in thành sách và mượn cái tên cho dễ bán!
Sách này ở đây - không rõ nhằm vào đối tượng nào – đều in rất sang, bìa cứng, tên sách mạ vàng, giá bán phải từ 50.000đ trở lên đến 100.000đ/quyển hoặc hơn nữa. Những bộ Tứ thư, Chiến tranh và Hoà bình, Đỏ và Đen v.v... đều như thế cả. Các nhà văn, các nhà trí thức, các sinh viên, học sinh thật khó có thể “đụng” đến những quyển sách như thế này. Nó thật quá xa với tầm tay của họ! Thôi thì cứ nói thẳng ra là quá xa đối với túi tiền, với đồng lương của họ!

Cũng như thơ, trên tất cả các quầy sách, không đâu có thể tìm ra một quyển thuộc loại lý luận, phê bình hay nghiên cứu văn học cả! Mà nghĩ cũng phải thôi. Văn học như thế, thì lấy đâu ra mà phê bình, mà nghiên cứu.
Trở về Nha Trang tôi cũng nhờ đưa đi các hiệu sách ở quê nhà. Tình trạng cũng không hơn gì. Còn có phần tệ hơn nữa: Sách “lá cải” quá nhiều!
Tôi không dám nói tình trạng văn học của chúng ta đúng là như tôi đã thấy qua các hiệu sách. E có vội vàng quá chăng! Biết đâu còn nhiều tiềm lực lớn hơn, còn ẩn náu mà chưa biết hết; và biết đâu không có những kiệt tác đã xuất bản, đã bán hết nên lúc mình đến không còn thấy nữa. Có nhiều giả thiết có thể đặt ra được. Nhưng muốn gì thì muốn hiện tượng này không phải là hiện tượng cá biệt của riêng một hiệu sách nào mà vì vậy tôi vẫn có thể nghĩ rằng đó là hình ảnh ít nhiều chân thực của văn học chúng ta hiện nay: bằng phẳng, vắng vẻ quá! Không có tác phẩm nổi bật lên, làm cho mọi người phải chú ý. Vì sao vậy? Đó là điều chúng ta phải suy nghĩ, phải tìm hiểu.

Có phải lực lượng đã đến lúc cạn kiệt, “nhân tài như lá mùa thu” chăng? Đúng là các anh các chị lớp trước và “lớp giữa” đã mất đi khá nhiều trong những năm gần đây. Nhưng số còn lại không phải là quá ít. Có điều là nhiều người đã rất lâu, và có thể là vì nhiều lẽ, không thấy viết gì nữa, hoặc, chính xác hơn là không thấy xuất hiện trên các báo, tạp chí văn học nữa. Nhiều người có thực tài, có tên tuổi, có thanh thế nữa, nhưng xem chừng cũng gặp không ít khó khăn khi muốn xuất hiện. Còn “lớp trẻ”? Xin thú thực tôi chưa biết được gì đáng kể về lớp nhà văn này. Ở xa, lượng thông tin có ít, sách báo không có bao nhiêu ngoài những tờ báo của Hội Nhà văn,  không đủ để giúp đánh giá cao cho chân xác cả một thế hệ kế tục này. Ngoài một số tên tuổi đã quen biết từ lâu rồi – nay chắc cũng không còn “trẻ” nữa – cho đến nay vẫn chưa thấy có người mới tiếp vào.

Những tờ báo của Hội Nhà văn vẫn không đủ giúp đánh giá tình hình văn học hiện nay, ngược lại nhiều lúc đã làm người đọc hiểu sai tình hình văn học nữa. Như đêm Thơ do Hội Nhà văn tổ chức chẳng hạn, theo Tuần báo Văn nghệ thì đó là những thành công rực rỡ, chưa từng có trong hoạt động thơ, trong khi các báo khác thì không tiếc lời chê trách, coi như một đêm thơ ồn ào, lộn xộn mà hết sức nhạt nhẽo, vô vị (Báo An ninh Thế giới ngày 20/2/2000 với bài Thật tiếc, Nàng thơ cũng nhạt của Nguyễn Hà có những tiểu mục Trống Thơ cũng gõ một tiếng buồn Những lời chúc mừng mua sẵn). Hoặc như Hội nghị lý luận phê bình văn học ở Tam Đảo, được coi như một Đại hội nhà văn thu nhỏ, nhưng thực ra chỉ là một nơi để phô trương học hàm, học vị và chửi bới lẫn nhau, không đem lại được một điều gì bổ ích cho người theo dõi cả! Chưa hết! Tiếp theo đó còn những Hội nghị nhà văn phía Bắc, Hội nghị nhà văn phía Nam, Hội nghi Thơ Đồng bằng sông Cửu Long tốn kém thì rất nhiều mà kết quả thật vô cùng đạm bạc.

Trên đây là nói về phần lực lượng sáng tác và lãnh đạo sáng tác. Còn một khâu nữa, một khó khăn không kém phần quyết định đối với các nhà văn. Đó là khâu xuất bản. Kiếm được tiền rồi, nhưng muốn cho bản thảo lọt được vào “mắt xanh” của các nhà xuất bản, thật không đơn giản chút nào. Trước hết bản thảo phải bảo đảm an toàn cho ông Giám đốc: nhìn trước, nhìn sau, nhìn trên, nhìn dưới không thấy có điều gì đáng phải lo ngại thì mới đặt bút ký vào giấy phép. Phần còn lại in ấn, phát hành; tuy cũng không dễ chút nào, nhưng gánh nặng cũng đã đỡ được rất nhiều rồi, và phần đó cũng là phần “khả thi”.
Tất cả những hiện tượng trên đây, phải chăng đã tạo nên diện mạo của nền văn học của chúng ta trong những thập niên vừa qua, và các hiệu sách quả là đã phản ánh đúng cái diện mạo đó: vắng vẻ, lạnh lẽo, và buồn, rất buồn!...

Tôi viết đến đây thì nhận được Tuần báo Văn nghệ số 17 (2004) trong đó có bài Thực trạng đáng lo của Nguyễn Đức Thiện. Ý kiến của anh Nguyễn Đức Thiện, có nhiều chỗ đã gặp ý kiến của tôi trong bài này. Anh Thiện còn nhấn mạnh thêm: Ở một đất nước hàng mấy chục triệu dân, mà sách in ra số lượng cao nhất cũng chỉ đến 1000 quyển, còn thì thông thường là 500 – 700 quyển. Tác giả phải bỏ tiền ra in, khi nhận sách về thì chồng cõng một ít, vợ cõng một ít, con cõng một ít đem đi bán, có khi chỉ tặng thôi cũng đã hết. Nó làm người ta nhớ lại cái cảnh Tản Đà đem văn ra bán Chợ Trời ở một thuở nào quá đỗi xa xôi rồi. Nhưng nay nó đã trở lại, hiện thực và xót xa hơn rất nhiều! Đó là chưa kể khi có một tác phẩm “hơi có máu mặt”, thì lập tức bị “để ý”, bị coi là “có vấn đề” và kèm theo đó là bao nhiêu chuyện rối ren, phiền phức nữa!...
Đúng như anh Nguyễn Đức Thiện đã nói, thực trạng đó thực rất đáng lo ngại! Phải chăng đây là một tình trạng khủng hoảng nghiêm trọng trong văn học mà những người có trách nhiệm không muốn hoặc không dám nhìn ra; tệ hơn nữa, còn muốn che lấp dưới một lớp sơn “phồn vinh giả tạo” nữa!

Đó là về mặt văn học. Còn một điều nữa cũng đáng suy nghĩ khi đi qua các hiệu sách. Sách về các học thuyết Khổng Mạnh bỗng dưng xuất hiện không bình thường trên các quầy sách. Nhà Xuất bản Quân đội nhân dân vừa cho ra bộ Tứ Thư (năm 2003) dày ngót 800 trang, với bốn chương Đại học, Trung Dung, Luận Ngữ, Mạnh Tử, sách in sang trọng, số lượng cao (2.000 quyển). Ngoài ra, nhà nghiên cứu văn học Hoàng Ngọc Hiến, nhà văn Nguyên Ngọc cũng đã dành nhiều công sức dịch mấy quyển của Françoi’s Jullien, nhà triết học Pháp hiện nay, chuyên về Đông phương học. Những học thuyết này cách đây hơn 40 năm, các vị học giả Đặng Thai Mai, Cao Xuân Huy, Đào Duy Anh, Ngô Tất Tố đã có những công trình nghiên cứu, dịch thuật được người đọc chú ý, mến mộ. Bẵng đi một thời gian rất lâu, không mấy ai bàn tới nữa, coi như tất cả đều đã yên vị rồi, thì nay bỗng dưng thấy nó đột ngột xuất hiện trở lại dưới một hình thái mới. Vì sao vậy? Vì lý do học thuật, hay vì lý do nào nữa, như lý do đạo đức, xã hội chẳng hạn? Đó là điều mà người đọc thấy cần phải suy nghĩ.

Phải nói rằng các loại sách này đều không phải là sách đọc trong lúc nhàn rỗi, mà đều là loại “khổ độc” cả. Khó vì những vấn đề, những khái niệm được nêu ra trang sách đã đành, nhất là với những người mới lần đầu tiên tiếp xúc với những học thuyết này. Còn  khó ở nhiều từ ngữ rất xa lạ nữa. Anh Nguyên Ngọc cho biết chỉ với cái tên sách không thôi, anh đã phải bỏ ra không biết bao nhiêu công sức tra cứu, sưu tầm mới dịch thoát ra được là Minh triết Phương ĐôngTriết học Phương Tây, phần nào có rõ hơn, dễ hiểu hơn cái tên trong nguyên bản Un sage est sans idée ou l’autre de la philosophie. Cái tên trong bản dịch đã tạo thành một sự so sánh mà đó có lẽ cũng là dụng ý của tác giả, khi ông nói: “... bằng cách dựng lại minh triết một cách hữu cơ như một cực đối nghịch của triết học (!)...” Có thể là đến nay các nhà triết học phương Tây mới thấy được hết tầm sâu rộng,  phong phú của minh triết phương Đông, nên đã tìm đến để mong “có thể nhìn nhận lại triết học từ một cái bên ngoài nào đó... để có thể lần ngược trở lên những thiên kiến của nó...

Nếu sự trở lại này mà đúng là vì lý do học thuật như vậy thì may mắn và đáng quý biết bao nhiêu. Và như thế, thì hãy còn nhiều việc cần phải làm nữa. Một cuộc hành hương trở về nguồn vừa sâu, rộng hơn, lại vừa có thêm rất nhiều điều mới mẻ nữa.
Nhưng bên cạnh đó tôi vẫn còn cứ nghĩ có thể hãy còn có một lý do nữa,  xin cứ được mạnh dạn nói ra, đó là lý do đạo lý. Đạo lý của chúng ta hiện nay đang có nhiều chuyện phải bàn. Quan hệ cha con, vợ chồng, thầy trò, bè bạn v.v..., nói chung là quan hệ giữa người với người từ lâu đã không còn dựa trên cơ sở nhân nghĩa nữa. Tất cả đều lấy đồng tiền làm gốc. Có tiền thì mọi việc đều êm đẹp. Còn không thì thôi, đừng nói chuyện gì nữa, vô ích. Đến như khi vào bệnh viện, nếu không có phong bì thì dù có là cấp cứu cũng cứ phải nằm đợi đó, còn nếu có phongthì một ca bình thường cũng được cứu chữa ngay. Ở trong cơ chế thị trường này như GS. Hoàng Tụy có lần đã nói: tất cả đều trở thành hàng hoá, từ học hàm, học vị, bằng cấp đến chức tước và những thứ bên ngoài trông có vẻ cao cả, thiêng liêng nữa cũng vậy.

Và còn những tệ nạn xã hội nữa! Thật không sao kể hết. Chưa bao giờ những tệ nạn mại dâm, ma tuý, tham nhũng, trộm cắp, lừa bịp, cướp đường, cướp chợ nhiều và trắng trợn đến như thế cả. Mà cũng chưa phải là hết. Giờ đây lại còn thêm những hình thái mới lạ “cơm tù” “mãi lộ” nữa. Người dân thật đã phải chịu đựng quá nhiều!
Tôi nói như vậy, e có quá bi quan chăng? Nhưng sự thực cứ hàng ngày hiển hiện ra trước mắt thì biết làm sao bây giờ! Mà đó cũng mới chỉ là những điều tôi biết được “công khai” trên các phương tiện thông tin Nhà nước và trong cuộc sống đó thôi. Còn biết bao nhiêu chuyện “trong thâm cung” nữa! Ai cũng biết “bên trong còn lắm điều hay”, nhưng vì đã được giữ “quá kín” nên không ai biết được đó là những điều gì. Chỉ riêng trong dịp bầu cử Hội đồng nhân dân vừa rồi thì cũng đã thấy. Đề xướng ra việc kê khai tài sản, nhưng rồi không ai dám kê khai cả! Và khó chịu nhất là cách lý giải của những người có trách nhiệm. Họ khinh dân quá! Họ coi dân như một đám trẻ con, muốn nói sao cũng được. Thực ra, không có ai nhầm cả. Ai cũng biết các ngài đang lâm vào thế bí, và cứ nói liều đi cho xong chuyện, dù biết rằng đó là đã quá trơ trẽn rồi.

Có phải vì cái lý do đạo lý đó mà phải mời đến các thầy Khổng, Mạnh trở về để chấn chỉnh lại trật tự xã hội và thức tỉnh lương tri của con người không? Trên bìa bốn quyển Tứ thư, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân đã có ghi rõ: “... Từ những đấng quân vương thời xưa đến những chính trị gia ngày nay đều đã biết tận dụng và phát huy giá trị căn bản trong Tứ thư để thu phục nhân tâm. Từ bậc túc nho thuở trước tới giới trí thức ngày nay cũng căn bản dựa vào đó  để sửa mình và xác định hướng tiến thủ. Cha mẹ dựa vào Tứ thư để dạy dỗ con cái, con cái nhờ đọc Tứ thư mà trở nên hiếu đễ với người đã sinh thành ra mình. Vợ chồng dựa vào Tứ thư để sống hoà hợp. Thầy dựa vào Tứ thư để luyện trò, làng xã dựa vào Tứ thư để duy trì sự ổn định...”

Dụng ý và thiện chí nữa của Nhà xuất bản đã rõ. Và cái lý do thứ hai như trên kia tôi đã nói, lý do đạo lý, là một lý do có thật. Tuy nhiên những lời hay, ý đẹp, những lời dạy bảo khuyên răn thì chúng ta không thiếu, mà thiếu cái khác kia. “Tri và hành” cũng như “ngôn và hành” có “hợp nhất” thì mới có thể đem lại được kết quả mong muốn. Còn nếu mỗi bên cứ rẽ theo một lối thì cuối cùng sẽ chẳng đi tới đâu cả. Ở đây, dù sao những thiện chí đó cũng hãy còn nằm trên trang giấy, trong quyển sách. Mà những loại thiện chí như vậy, thì từ lâu chúng ta đã quen, quá quen rồi!
Qua các hiệu sách đã thấy lộ rõ cái “tình trạng đáng lo ngại” là như vậy đó. Tình trạng khủng hoảng văn học, tình trạng khủng hoảng đạo lý!
Nha Trang, 30/4/2004
Đ.X.Q

(nguồn: TCSH số 195 - 05 - 2005)

Các bài mới
Các bài đã đăng
Hoa bên trời (11/02/2009)