Bút ký - Tản văn
Chuyện một người tự tử ở Huế
16:47 | 18/03/2009
NGUYỄN QUANG HÀMột buổi sáng vợ chồng anh Thảo, chị Ái đang đèo nhau, phóng xe Honda trên đường Nguyễn Trãi, một con đường lớn của thành phố Huế, bỗng có một người lao thẳng vào xe anh Thảo. Nhờ tay lái thiện nghệ, nên anh Thảo đã phanh xe kịp. Hai vợ chồng dựng xe, ra đỡ nạn nhân dậy.

Đó là một bà già đã ngoài 70 tuổi. Anh Thảo chị Ái chưa kịp nói gì, thì bà già đã nói với vẻ rất tức giận:
- Mi không cho tau chết ở xe mi thì tau sẽ tông vào xe khác mà chết.
Vốn là cán bộ đã về hưu, anh Thảo xác định ngay rằng chắc bà già có điều gì uẩn khúc, đang bị bức xúc mạnh. Hai anh chị liền dỗ dành bà về nhà anh chị đã, rồi có gì sẽ nói sau.
Trong gia đình, anh Thảo trò chuyện thân tình, bà già thấy anh chị không phải là kẻ đáng ghét, ngược lại có thể tin cậy được, bà liền mở nút áo trên, rút trong ngực ra một tập hồ sơ. Giọng nói của bà là giọng nói của người đang tức giận:
- Tau hoạt động cho cách mạng từ năm 1947 đến 1954, rồi từ 1954 đến 1975, mà chính quyền này không giải quyết chính sách chi cả. Sống với chính quyền in ri thì chết đi cho xong.
Thảo cầm tập hồ sơ. Ngay trang đầu là mấy hàng chữ to, nghuệch ngoạc: “Tôi tự tông vào xe này để chết. Xin đừng bắt tội họ”.
Thì ra bà già quyết tự tử chứ không đơn thuần là một tai nạn giao thông thông thường.
Thảo lật từng trang hồ sơ. Bà già lao vào xe anh để chết, tên là Hoàng Thị Giơi, 73 tuổi, trú tại đội 9, thôn Long Khê, xã Hương Vân, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên.

Trong kháng chiến chống Pháp, bà tham gia cách mạng từ 1947 đến 1954. Trong kháng chiến chống Mỹ, bà tham gia cách mạng từ 1954 đến 1975. Những người đứng tên xác nhận lý lịch, lời khai cho bà Giơi là các ông: Nguyễn Hữu Hường - Nguyên bí thư Hương Trà, ông Trần Lại - xã đội trưởng Hương Vân, ông Châu Ngọc Luyến, ông Trần Mậu Hoài, ông Trần Mậu Lực, ông Nguyễn Kế, ông Hà Văn Tuế đều khẳng định bà Giơi có tham gia cách mạng.
Xin trích một đoạn xác nhận của ông Nguyễn Hữu Hường: “Từ năm 1962 đến tháng 3/1975 (bà Giơi) là cơ sở cách mạng tin cậy trong vùng địch tạm chiếm, có công làm hầm bí mật trong nhà nuôi giấu cán bộ cách mạng bám trụ hoạt động trên địa bàn xã Hương Vân và vùng kế cận + làm tình báo cung cấp được nhiều nguồn tin chính xác phục vụ kịp thời yêu cầu chỉ đạo đánh phá có hiệu quả âm mưu của Mỹ Ngụy và bảo vệ cơ sở cách mạng + thu mua lương thực cất giấu tiếp tế cho các lực lượng vũ trang cách mạng  + làm ám tín hiệu cho cán bộ, bộ đội đột nhập vào hoạt động trong vùng địch kiểm soát được bí mật an toàn và có hiệu quả”.

Ông Trần Mậu Hoài xác nhận: “Bà Giơi tham gia với công tác cách mạng từ 1947 đến 1954. Bà là liên lạc, và mua lương thực thực phẩm nuôi giấu cán bộ nằm vùng. Từ 1954 đến 1965 bà là cơ sở mật nuôi giấu cán bộ nằm vùng. Tôi đều biết. Đến 1972 tôi ra Bắc, tôi không rõ”.
Tất cả những xác nhận đều khẳng định bà Giơi có hoạt động cách mạng từ 1947 đến 1975.
Hồ sơ của bà Giơi được xã Hương Vân và huyện Hương Trà gửi lên ban thi đua tỉnh Thừa Thiên. Hồ sơ ấy được ông Lê An Ninh, chánh văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên đề nghị ban thi đua trung ương khen thưởng cho bà Giơi huân chương chống Pháp hạng nhất, và huân chương chống Mỹ hạng nhất.
Theo chúng tôi, tỉnh đánh giá như vậy là xác đáng.
Điều đáng nói là, không hiểu sao hồ sơ đã có đầy đủ tính pháp lý như vậy không những không được đưa lên trung ương xét tiếp, mà nó lại quay về xã Hương Vân.

Cho mãi đến tháng 10/2004, UBND tỉnh Thừa Thiên mới có công văn cho huyện Hương Trà, với những lời lẽ càng đọc càng thấy tắc trách: “Sau khi kiểm tra, xem xét hồ sơ lưu giữ ở UBND tỉnh nhận thấy: năm 2001 hồ sơ bà Hoàng Thị Giơi đã được HĐTĐKT các cấp xét trình, song do sự kê khai thành tích của bà Hoàng Thị Giơi và những người xác nhận không khớp nên việc thi đua khen thưởng Nhà Nước đã trả hồ sơ về cho đương sự và yêu cầu đương sự bổ túc hồ sơ đầy đủ để tiếp tục trình, xét lại theo thứ tự”.
Thật nực cười, xã, huyện, tỉnh đều xác nhận đúng, ban thi đua trung ương xa vời vợi mà lại đánh giá một văn bản có giá trị pháp lý như vậy, mà không cụ thể sự “không khớp” ấy là chỗ nào. Không rõ chỗ không khớp làm sao đương sự sửa cho đúng yêu cầu.
Anh Thảo hỏi bà Giơi:
- Mệ xem trong quá trình làm hồ sơ cho mệ ở xã có điều chi khuất tất không?
Suy ngẫm một hồi bà Giơi đáp:
- Chỉ có việc vợ anh Thuyên, anh Thuyên là cán bộ chính sách thi đua của xã, đến nói với tui rằng: “Mệ đưa cho nhà cháu một triệu sáu (1.600.000 đồng) để nhà cháu làm hồ sơ cho nhanh”. Tui đáp: “Đến 10 ngàn đồng trong túi tui còn không có thì lấy mô ra một triệu sáu. Chị cứ nói với anh là sau này có bao nhiêu tiền huân chương tui nhận, sẽ đưa cho anh chị hết”.

Thật không thể tưởng tượng được với một cơ sở cách mạng, lại đang nghèo hết chỗ nói, không có 10 ngàn đồng trong tay, mà cán bộ xã Hương Vân vẫn nghĩ đến cách nặn cổ, bóp họng họ như thế thì còn gì là chính quyền của nhân dân. Xã Hương Vân cần làm rõ điều này và chọn cán bộ sao cho dân không phải chịu cảnh nhũng nhiễu đó nữa.
Chưa xong, để trả đũa sự không nghe lời đến tiệt nọc. Bịt tất cả các đầu mối, ông Thuyên chợt nghĩ đến ông Nguyễn Hữu Hường, nguyên bí thư Hương Trà, Thuyên cho thực hiện ngay một kế hoạch: vào một buổi sáng, mẹ Thuyên được em Thuyên chở từ Hương Trà lên Huế, vào nhà ông Hường, bà mẹ Thuyên nói ngay:
- Mấy đứa con tui chết hết ở Hương Vân rồi.
Ông Hường ngỡ ngàng hỏi:
- Chuyện ra răng?
Bà mẹ Thuyên nói liến thoắng:
- Ở xã, ở huyện họ đã làm mọi cách để gạt bà Giơi ra khỏi danh sách khen thưởng rồi. Bây chừ chỉ còn mình ông xác nhận cho bà ấy nữa thôi. Xác nhận của ông chẳng phải là cách giết các con tui đó sao.

Kế hoạch nằm vạ ấy đã có kết quả. Một tuần sau ông Nguyễn Hữu Hường đã về xã Hương Vân viết một cái đơn xin rút những xác nhận của mình cho bà Giơi.
Tôi nhớ một lãnh tụ có nói: Con người ấy hôm nay là anh hùng được ngưỡng mộ, nhưng ngày mai biến chất, lấy cá nhân mình ra để áp đặt vào việc chung, thì con người ấy đã mất lòng ngưỡng mộ của quần chúng.
Tôi nghĩ, ông Nguyễn Hữu Hường cũng là một trong những con người như thế. Việc xác nhận cho người ta: “là cơ sở tin cậy trong vùng tạm chiến, có công làm hầm bí mật trong nhà nuôi giấu cán bộ bám trụ hoạt động trên địa bàn xã Hương Vân và vùng phụ cận”, vậy mà bây giờ sổ toẹt hết. Tại sao thời gian cách nhau không lâu mà ông Hường lại đổi giọng như vậy? Có lẽ đây đúng là cách bình luận của dân gian: Kẻ ăn cháo đái bát. Ông Hường quên rằng gia đình cơ sở nào trong kháng chiến chống Mỹ có hầm bí mật nuôi cán bộ trong nhà là tự đeo trên ngực mình, vợ con mình cái án tử hình của kẻ thù rồi.

Tôi nhớ có lần về thăm cơ sở cũ ở An - Sơn. Một bà mẹ đến thăm tôi hỏi: “Ông Lục có khoẻ không?”. Có tiếng trả lời luôn: “Hắn chết rồi”, một bà khác liền nói: “Bữa vừa rồi tui đi chợ Đông Ba còn gặp ông ấy mà”, bà mẹ kia lại nói: “Dân ở đây đã nuôi giấu ông ấy trong chiến tranh, bấy nhiêu năm không đáo qua thăm hỏi thì rõ là chết rồi còn gì”. Một bà mẹ giọng rỉ rả nói: “Nếu chừ bọn Mỹ quay lại đây, tau cũng sẽ tiếp tục giấu bọn bay trong ống quần, song không phải để đưa ra giấu trong hầm bí mật, mà tau sẽ nộp cho Mỹ”.
Quần chúng cách mạng vốn từng hy sinh cho cách mạng là thế, sao giờ cách nghĩ của họ lại khác? Điều ấy phải khẳng định là nhiều cán bộ cách mạng cũng đã “ăn cháo đái bát” như Nguyễn Hữu Hường.
Hỏi dân còn biết tin ở ai nữa?
Có dịp về xã Hương Vân, nhóm phóng viên chúng tôi gặp ông Hồ Như Anh, chủ tịch xã, anh Dũng, anh Uý, chủ tịch, phó chủ tịch hội cựu chiến binh xã.
Chúng tôi hỏi:
- Chuyện bà Giơi, các anh tính sao?
Ông Anh đáp:
- Đã xác nhận bà ấy có công trong kháng chiến chống Pháp, và xác nhận bà ấy là thương binh, nhưng kháng chiến chống Mỹ, công lao của bà ấy có nhiều ý kiến.
Chúng tôi nói:
- Trong kháng chiến chống Pháp các anh bảo năm 1947 bà Giơi còn nhỏ sao lại tham gia kháng chiến được. Thực tế đã trả lời năm ấy bà Giơi đã 15 tuổi. Trẻ như Lượm ở Huế, Kim Đồng ở Cao Bằng còn tham gia cách mạng được kia mà. Các anh đã chịu. Còn thành tích chống Mỹ thì sao?
- Có người nói không thấy bà ấy hoạt động.
- Các anh quên mất một điều là trong kháng chiến, chúng ta dùng những cơ sở đơn tuyến, cơ sở của ai thì nấy biết. Mọi người đều biết thì có mà chết cả nút. Người phát biểu ấy là vô trách nhiệm với cơ sở của cách mạng đấy.
- Có người nói năm 1972 bà Giơi lấy chồng. Phía trước nhà chồng là đồn giặc, ai dám tới đó để bắt mối.
- Anh quên là ngay trong thành phố Huế, ngay trong hàng ngũ binh lính địch ta đã chẳng có cơ sở đó sao. Hình thức hoạt
động cách mạng rất phong phú. Hai bên hẹn với nhau một hòm thư mật chẳng hạn. Thế là vẫn thuỷ chung với cách mạng. Chỉ xin các anh đừng nghe dư luận chung chung. Chúng tôi biết trong xã Hương Vân này có một số người vì lẽ này, lẽ khác không ưa bà Giơi, họ tìm mọi cách để hại bà ấy. Trường hợp anh Thuyên cán bộ chính sách của xã là một ví dụ.
Ông Anh đáp:
- Chúng tôi sẽ nghiên cứu lại để làm hoàn chỉnh hồ sơ của bà Giơi.
Chúng tôi đáp:
- Ở xã này người ta đang cố gắng, ấm ớ kéo dài thời gian cho hết năm 2005, không làm xong hồ sơ cho bà Giơi, tức là hết hạn xét duyệt, để bà Giơi không thể được khen thưởng gì hết. Xin các anh quan tâm cho điều đó. Một người như bà Giơi, không thể là người thiếu thành tích, hoặc không có thành tích gì. Các anh cứ xét, công lao của bà Giơi đến đâu thì xét duyệt đến đó.

Năm 2005 này, bà Giơi đã 73 tuổi. Không được như phụ nữ thành phố ăn trắng mặc trơn, nếu ai gặp bà, phải nghĩ là bà đã 80 tuổi. Quần áo sơ sài. Đụng nói đến công lao trong kháng chiến là bà khóc. Tiếng khóc ấm ức, ai oán, đau lòng.
Chỉ nghĩ tới việc bà Giơi đặt tập hồ sơ vào ngực rồi quyết nhảy vào xe hon đa để chết, lấy cái chết trả lời cho lòng mình, người đó không thể là người dối trá. Từ năm 1947 đến 1975, gần ba chục năm trời hoạt động bí mật, có người xác nhận đàng hoàng đúng tư cách pháp nhân mà bị một số kẻ định gạt bà ra khỏi danh sách khen thưởng của Nhà Nước, quả là một hành động bỉ ổi, chẳng khác gì tư cách của một kẻ lưu manh.

Trừ ông Nguyễn Hữu Hường đã rút ý kiến xác nhận của mình, còn tất cả các nhân chứng kia đã gửi kiến nghị tới hội đồng thi đua xã, huyện và tỉnh, vào đầu đơn, đã viết:
“Chúng tôi là những người lão thành cách mạng trong 2 cuộc chống Pháp và chống Mỹ xin viết đơn này đề nghị các cấp giải quyết sự việc cho sáng tỏ đối với trường hợp của bà Hoàng Thị Giơi là người đã có công giúp đỡ cách mạng trong thời kỳ chống Pháp và chống Mỹ”.
6 người đã ký vào đơn kiến nghị này.
Theo như tôi hiểu, người đứng ra khai, chỉ cần 2 người xác nhận là đầy đủ. Đằng này trường hợp của bà Giơi có tới 6 chữ ký xác nhận, vậy chẳng đã thừa tư cách pháp nhân rồi sao?
Bà Giơi 73 tuổi, nhưng nhìn bên ngoài đã lụ khụ, chậm chạp. Tôi nhìn bà lại nghĩ tới một ngọn đèn leo lét trước gió, không biết tắt lúc nào.
Từ năm 1975 đến nay đã 30 năm. 30 năm không giúp cơ sở hoàn chỉnh hồ sơ, quả là đã quá chậm chạp.

Để giữ được lòng tin của dân với chính quyền, với Đảng, tôi thiết nghĩ không được lơ là với cơ sở cách mạng, như bà Hoàng Thị Giơi: Đề nghị các cấp chính quyền trả lại sự công bằng cho họ. Họ đã sống chết vì cách mạng, chính quyền uống nước nhớ nguồn, chính là đạo lý của dân tộc ta vậy. Chỉ có những kẻ uống bia, uống rượu ngoại nhiều mới không nhớ tới nguồn gốc của mình.
N.Q.H
(197/07-05)

Các bài mới
Các bài đã đăng
Hoa bên trời (11/02/2009)