Bút ký - Tản văn
Nhật ký Đặng Thuỳ Trâm
08:58 | 14/04/2009
LTS: Phát hành tới hàng trăm ngàn bản, Nhật ký Đặng Thuỳ Trâm là cuốn sách duy nhất (có thể nói như vậy) gây được xúc động cho các thế hệ độc giả trong và sau chiến tranh, cho cả hai phía xâm lược và chống xâm lược nhờ tính chân thực của nó.Sông Hương trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc một số trang trong cuốn Nhật ký Đặng Thuỳ Trâm và hai bài viết liên quan đến cuốn sách
Nhật ký Đặng Thuỳ Trâm







Nhật ký Đặng Thuỳ Trâm

...

8.4.68

Mổ một ca ruột thừa trong điều kiện thiếu thốn. Thuốc giảm đau chỉ có vài ống Novocaine nhưng người thương binh trẻ không hề kêu la một tiếng. Anh còn cười động viên mình - nhìn nụ cười gượng trên đôi môi khô vì mệt nhọc, mình thương anh vô cùng. Rất đau xót rằng sự nhiễm trùng trong ổ bụng không do ruột thừa vỡ. Tìm kiếm gần một giờ không thấy nguyên nhân, mình đành đóng lại, cho đặt dẫn lưu và đổ kháng sinh trong ổ bụng. Nỗi băn khoăn của một người thầy thuốc + nỗi thương xót mến phục người thương binh ấy làm mình không thể yên bụng. Vuốt nhẹ mái tóc anh, mình muốn nói với anh rằng: với những người như anh mà tôi không cứu chữa được thì đó là điều đau xót khó mà phai đi trong cuộc đời phục vụ của một người thầy thuốc.

22.4.68

Hường ơi! Hường đã chết rồi sao? Mình nghe tin mà bàng hoàng như trong cơn ác mộng. Bao giờ cho hết những đau xót này - nay một người ngã xuống, mai lại một người ngã xuống. Xương máu đã chất cao như ngọn núi căm thù sừng sững trước mắt chúng ta. Bao giờ! Bao giờ và bao giờ hỡi các đồng chí? Bao giờ mới đuổi hết lũ quân uống máu người không tanh ấy khỏi đất nước chúng ta.

Vậy là hết, những đêm rì rầm tâm sự bên nhau không bao giờ có nữa. Bên tai mình còn nghe rõ giọng Hường trầm trầm tình cảm, Hường khen ngợi động viên hết mình, ca ngợi mối tình chung thuỷ của mình. Vậy là hết, những buổi cùng nhau tắm dưới suối nước, cùng nhau ăn một chén chè. Mình bỗng nhớ hôm nào gặp Hường bên bờ suối ở Nghĩa Hành, Hường ôm mình trong tay, hôn lên mái tóc, hôn lên má mình và cả hai cùng rưng rưng nước mắt.

Nhìn chú Công vẫn bình thản không hay biết gì về tin sét đánh ấy, mình thấy xót xa như ai xát muối vào trong ruột. Mất một đứa con như Hường còn đau hơn mất cả khúc ruột. Chú ơi, hãy nén đau thương lại đi chú, nếu biết tin này! Và anh Quang, người con trai đã thuỷ chung chờ đợi Hường trong bao nhiêu năm nay cũng không bao giờ thực hiện được ước mơ nữa. Hường của anh đã vĩnh viễn nằm yên dưới nắm đất quê hương anh rồi.

25.5.68

Những ngày u uất của tâm hồn. Có gì đè nặng trên trái tim ta? Đâu phải chỉ có một nỗi buồn của vết thương rỉ máu của con tim đó đâu? Mà còn có những gì nữa kia? Những sự thiếu công bằng vẫn còn trong xã hội, vẫn diễn ra hàng ngày; vẫn có những con sâu, con mọt đang gặm dần danh dự của Đảng, những con sâu mọt ấy nếu không bị diệt đi nó sẽ đục khoét dần lòng tin yêu với Đảng. Rất buồn mình chưa được đứng trong hàng ngũ của Đảng để đấu tranh cho đến cùng. Có lẽ vì thế mà những người đó vẫn chần chừ không dám kết nạp mình mặc dù tất cả Đảng viên trong chi bộ và rất nhiều người có trách nhiệm trong huyện, trong tỉnh này đã đôn đốc, thúc giục việc giải quyết quyền lợi chính trị cho mình. Càng nghĩ càng buồn. Muốn tâm sự với những người thân về nỗi bực tức ấy nhưng rồi mình lại lặng thinh. Nói ra liệu có ai hiểu hết cho mình hay không? Có ai phải sống những ngày nặng nề, u uất như mình hay không? Sống giữa yêu thương mà không hề cảm thấy hạnh phúc, bởi vì luôn luôn có người ghen ghét trước lòng yêu thương mà nhiều người đã dành cho mình. Đã đành rằng đời bao giờ cũng có hai mặt tốt và xấu, không bao giờ có toàn một mặt tốt, vậy mà sao Thuỳ cứ xót xa cay đắng mãi hở Thuỳ?

27.9.68

Kết nạp Đảng.
Cảm giác rõ nét nhất của ngày hôm nay là: Phải phấn đấu để sống xứng đáng với cái tên “một người cộng sản”.
Còn niềm vui, sao nhỏ quá so với ý nghĩa của ngày vui. Vì sao vậy hở Thuỳ? Phải chăng như hôm nào Thùy đã nói: như một đứa con khát sữa mẹ khóc đã mệt rồi, miếng sữa nuốt vào không còn nguyên hương vị thơm ngon và cái thú vị của nó nữa.
Và trong giờ mặc niệm những người đã hy sinh vì sự nghiệp của Đảng, mình đau xót nhớ thương những người thân yêu trên đất Đức Phổ đã ngã xuống trong cuộc đấu tranh sinh tử này.

5.10.68

Một cas tử vong phẫu thuật cắt đoạn(1). Đó là một bệnh nhân già sáu mươi sáu tuổi nhưng sức còn khoẻ, đó là một Đảng viên già đã hai mươi ba năm trời liên tục chiến đấu. Gia đình và bệnh xá đã tận tình cứu chữa mà cũng không sao cứu thoát cho ông già. Riêng mình - dù tập thể và chính con trai ông già đã xác định và thừa nhận mình không có lỗi mà chỉ có lòng tận tình cứu chữa - nhưng mình vẫn thấy xót xa. Vì sao ông chết? Vì kỹ thuật? Cũng không phải, tuy là cas đầu tiên cắt cụt nhưng mình cũng vẫn bình tĩnh vẫn đảm bảo thời gian và kỹ thuật. Vậy thì vì sao? Vì không truyền được lọ plasma? Nhưng sự việc này cũng không biết nói sao, cứ truyền đúng vào, ven lại trật ra do ông già quẫy cựa. Buồn vô cùng! Sao một cas tử vong không đáng tử vong lại không rút ra được bài học gì đích đáng cả?

25.11.68

Công việc bề bộn, đau đầu và mệt. Chẳng còn mong gì hơn là được yên tĩnh quay về trong niềm an ủi của tình thương. Nhưng mong ước chỉ là mong ước, thực tế vẫn là thực tế: Tiếng rên la xé ruột, xé lòng của người bệnh nhân vẫn văng vẳng bên tai, công việc vẫn ùn ùn kéo đến trước mắt với mọi vẻ của nó: phức tạp, khó khăn và cả những bực dọc nữa!

9.1.69

Bốn năm nay hai mốt tuổi đầu. Hai mốt tuổi bảy lần bị thương trong chiến đấu. Người trung đội trưởng trinh sát trẻ tuổi ấy đã để lại trong mình những cảm nghĩ không bao giờ có thể quên.

Mình gặp Bốn lần đầu tiên khi Bốn vào nằm bệnh viện với một vết thương nhỏ nơi chân. Mấy hôm sau, chân chưa lành, Bốn đã ra viện và hơn một tháng sau mình lại đón Bốn vào viện. Vết thương xuyên qua khớp vai mất nhiều máu nên Bốn xanh xao mệt lả, nhưng sau khi mổ xong, vừa mới tỉnh, nụ cười tinh nghịch lại nở trên đôi môi nhợt nhạt của Bốn. Vết thương đau đớn nhiều, nhưng Bốn không rên la mà chỉ lo một điều: có còn chiến đấu được nữa hay không? Những lần đi thăm bệnh mình khẽ vuốt trên mái tóc người thương binh trẻ tuổi và nói khẽ với Bốn rằng: Em hãy yên tâm, chắc rằng em sẽ còn cầm súng chiến đấu một cách vững vàng.

Và mới hôm nào đây gặp Bốn trên đường hành quân, vai mang khẩu AK, nhìn thấy mình từ xa nó mừng rỡ reo lên: “Chào Bác sĩ! Báo cáo Bác sĩ, tay em bình thường rồi”, và nó khoa tay lên khoe với mình khớp vai đã hoạt động bình thường. Mình cười vui khi nhìn nước da khoẻ mạnh hồng hào và nụ cười tinh nghịch của chàng bộ đội giải phóng quân ấy.

Hôm nay Bốn lại vào viện, da xanh mướt. Em nằm im lìm không rên la. Một chân đã bị mìn tiện cụt máu thấm ướt hết áo quần. Bằng tinh thần trách nhiệm cộng với tình thương, mình đã cùng các đồng chí hết sức cứu chữa. Cắt cụt chân xong, Bốn cười và nói: “Bây giờ chắc sống 80% rồi đấy”.

Riêng mình, vẫn lo lắng vì Bốn mất máu quá nhiều. Mạch vẫn rất nhanh 140 - 150 nhưng cũng nhiều hy vọng.

Cuối cùng Bốn đã không vượt qua nổi. Máu ra nhiều quá nên em không còn đủ sức. Bốn ơi, máu em đã thấm đỏ trên mảnh đất quê hương, máu em đã chảy dài trên đường em đi chiến đấu. Tim em đã ngừng đập cho trái tim Tổ quốc muôn đời đập mãi.

Bốn chết rồi, hai mắt nhắm nghiền như trong giấc ngủ. Ngồi bên Bốn vuốt nhẹ mái tóc em mà mình tưởng như em còn sống, nước mắt mình từng giọt rơi xuống tóc em. Không! Bốn không chết đâu, Bốn sẽ còn sống mãi trong lòng mình và những đồng đội đang cùng em trong cuộc chiến đấu sinh tử này.

Nỗi buồn lại đến và lòng căm thù với quân xâm lược còn nặng hơn nghìn vạn lần. Nhìn thấy Bốn mình bàng hoàng nghĩ đến những đứa em thân yêu đang ngày đêm vật lộn với quân thù xông pha qua bao nhiêu bom đạn. Mấy hôm nay địch đánh phá Phổ Cường dữ dội, Thuận mấy lần suýt chết... Chao ôi! Còn quân khát máu đó thì chúng ta còn đau khổ. Không có con đường nào hơn là đánh cho giập đầu quân chó đểu đó.

13.3.69

Một đồng chí bộ đội nữa hy sinh. Anh bị một vết thương xuyên thấu bụng. Sau cuộc mổ tình trạng không tốt mà xấu dần, có lẽ vì một sự chảy máu trong, do miếng mảnh không tìm thấy cọ xát làm đứt một mạch máu nào đó. Sau hội chẩn, ý kiến chung không đồng ý mổ lại. Riêng mình vẫn băn khoăn lưỡng lự. Cuối cùng anh đã chết - cái chết của anh làm mình suy nghĩ đến đau đầu. Anh chết vì sao? Vì sự thiếu kiên quyết của mình chăng? Rất có thể là như vậy. Nếu mình kiên quyết, ít ra 100% thì hy vọng sống của anh cũng có thể có 10%. Mình đã theo đuôi quần chúng, bỏ qua một việc nên làm.

Anh chết rồi, trong túi áo trước ngực anh có một quyển sổ nhỏ trong có nhiều kiểu ảnh của một cô gái với nụ cười duyên dáng trên môi và lá thư kiên quyết sắt son chờ anh. Trước ngực anh còn có chiếc khăn nhỏ thêu dòng chữ “Đợi chờ anh”. Ơi người con gái ở hậu phương kia ơi! Người cô yêu sẽ không bao giờ về nữa, trên vành khăn đau đớn mà cô sẽ phải cài lên mái tóc xanh của cô nặng trĩu đau thương, chất đầy tội ác của kẻ giết người là quân đế quốc Mỹ và có cả niềm ân hận của tôi, một người thầy thuốc đã không cứu sống được anh trong khi còn có thể cứu được!

28.4.69

Dù đã dự kiến trước nhưng khi tình huống xảy ra vẫn có những cái lận đận vất vả vô cùng. Sáng nay theo tinh thần cuộc họp ban lãnh đạo bệnh xá đêm qua, toàn bộ số thương binh nặng và đi lại khó khăn chuyển sang trường Đảng vì thấy địch có khả năng lùng sục vào bệnh xá.

Chưa đến sáu giờ mình giục anh em chuyển thương binh đi rồi cũng tay xách nách mang theo anh em. Khiêng lên khỏi dốc trường Đảng, mồ hôi ai nấy chảy dài trên mặt - nhưng không thể chần chừ nghỉ cho ráo mồ hôi được, mình đành động viên anh em quay lại khiêng nốt ba ca thương còn lại ở sau.

Chưa đầy một giờ ba mươi phút sau, mấy loạt súng nổ gần bên tai, mình nghĩ thầm chắc địch đã đến trạm trực nên quay vào báo cho thương bệnh binh chuẩn bị tư thế. Chưa kịp làm gì thì anh em du kích dân tộc hốt hoảng chạy vào báo địch đã vào dến máng nước rồi và tất cả nhân dân hối hả chạy.

Tất cả lực lượng khiêng thương đều chưa về đây, nhìn lại còn năm cas phải khiêng mà chỉ có mình, Tám và mấy đứa học sinh đợt I đang chuẩn bị đi về. “Không thể bỏ thương binh được, phải cố gắng hết sức mình khiêng thương binh, các đồng chí ạ!” - Mình nói mà lòng thấy băn khoăn khi trước mặt mình chỉ là mấy đứa thiếu nhi gầy ốm, mảnh khảnh. Tình thế nguy nan, Tám và Quảng hớt hải chạy đến báo tin địch đã vào đến suối nước chỗ tắm rồi.

Mấy cas thương binh được chuyển đi, còn lại Kiệm(2) một thương binh cố định gãy xương đùi. Không biết làm sao mình gọi Lý - con bé học sinh lại cùng khiêng. Kiệm lớn xác, nặng quá hai chị em không thể nào nhấc lên được. Ráng hết sức cũng chỉ lôi được Kiệm ra khỏi nhà được một khúc, mình đành bỏ đó đi gọi anh em đến chuyển giùm. May quá lại gặp Minh, Cơ hai đứa vừa thở vừa báo tin địch đã bắn chết đồng chí Vận - thương binh. Mấy chị em khiêng Kiệm chạy. Xuống hố trốn tạm một nơi.

Một giờ sau mới tập trung đông đủ được số thương binh lại - chỉ thiếu một mình Vận, còn cán bộ thì vắng chín đồng chí.

Bọn mình quyết định chuyển về Hố Sâu lợi dụng địa điểm và lương thực của đơn vị 120 như dự kiến đã bàn từ hôm trước.

Một cuộc di chuyển cực khổ vô cùng, chắc nó cũng như những lần mà bệnh xá bị oanh tạc hoặc tập kích khác, nhưng có khổ hơn vì không biết nhờ cậy vào ai, mấy đứa xưa nay không khiêng thương vì ốm yếu bây giờ cũng phải lãnh một cas thương, trèo đèo lội suối đi về địa điểm mới.

Mệt, đói run chân nhưng mình và các đồng chí vẫn vô cùng bình tĩnh. Dù sao cũng đã trưởng thành rồi qua mấy năm ác liệt.

Bốn giờ đến địa điểm.

Và đêm đến khu rừng tràn ngập trong ánh trăng. Sau khi thăm lại các thương binh không có gì diễn biến trầm trọng, mình trở về nằm vắt tay lên trán ngắm ánh trăng rực rỡ không thể không suy nghĩ.

Hai năm tròn rồi đó, cũng vào tháng tư, cũng giữa mùa trăng mình về nhận công tác tại Đức Phổ giữa lúc bệnh xá đã tan tành sau một cuộc oanh tạc. Bây giờ lại tháng tư... nắng tháng tư ở miền Nam chói chang. Và nỗi căm thù cũng nóng bỏng như ánh nắng mùa hè đó. Chiều nay đứng trên một đỉnh núi cao nhìn về khu vực bệnh xá cũ thấy khói bốc lên nghi ngút mà mình rưng rưng nước mắt. Vậy là biết bao nhiêu mồ hôi công sức, bao nhiêu của cải tài sản nhân dân đã dành dụm nuôi thương bình từ đó đến nay đã cháy hết thành tro bụi! Biết nói sao đây hở các đồng chí? Biết nói gì khác hơn một câu triết lý bất di bất dịch của mỗi người dân Việt Nam là “Không có con đường nào hơn là phải đánh cho không còn một tên đế quốc Mỹ nào trên đất nước chúng ta, lúc đó mới có thể có hạnh phúc”.

20.5.69

Suýt chết một lần nữa. Sáng nay mấy chiếc HU-1A và một chiếc tàu rọ quần sát dưới hố sâu. Ngồi quan sát mức độ rà kiếm của nó mình thấy hết sức lo. Quả nhiên sau một vòng quần thấp sát ngọn cây chúng đã phát hiện được một phòng thương binh ở. Tiếng lựu đạn nổ chát tai, lửa loé sáng rực và khói trùm toàn bộ lên nhà. Mọi người vội xuống hầm - Hầm rất cạn nhưng có cách nào khác hơn - Mình thầm nghĩ, chắc lần này khó thoát.

Chiếc rọ vừa quần ra xa, mình vụt chạy lên phòng thương binh, mọi người cũng đã xuống được hầm kể cả các cas cố định. Chiếc rọ lại quần tới nơi, vòng lượn của nó thu hẹp dần, lựu đạn ném tới tấp quanh nhà. Tiếng rocket nổ long trời ngay đầu dốc chỗ phòng I.

Mình quay sang anh Minh - một bộ đội bị thương đang nằm viện:
- Giải quyết sao giờ anh Minh?
- Ngồi đây chứ biết làm sao giờ?
Mình bỗng nghĩ đến những người thân yêu trên cả hai miền và tự nói: Cái chết đơn giản quá! Mọi người chỉ chờ một cách tuyệt vọng rằng pháo bom sẽ giội xuống tan nát khu rừng bé nhỏ này, nhưng sau ba mươi phút bắn phá bọn quỷ kéo nhau đi.

Mình chạy lên, lật đật cho di chuyển thương binh. Cõng thằng Khâm trên lưng mệt nhưng vẫn thấy sung sướng: Qua trận bắn phá không ai tổn thất gì. Đó là điều sung sướng nhất rồi.
Ngay ngày hôm đó toàn bộ chuyển về vị trí mới.
Chao ôi, những ngày gian khổ của giai đoạn cuối cùng!

2.6.70

Một tai nạn bất ngờ (nhưng cũng rất bình thường trong chiến tranh) đã xảy đến với bệnh xá của mình: Một loạt bom đã rơi đúng ngay một phòng bệnh nhân giết chết một lúc năm người. Cả cơ đồ sự nghiệp sau một phút đã tan thành khói lửa! Bom nổ xong mình nghe im lặng, một thứ im ắng đến dễ sợ, chắc là chết hết rồi. Mấy phút trôi qua bỗng chị Lãnh la lên: “Chết hết phòng ông Chánh rồi!”. Mình và mọi người chạy ra. Ôi cái cảnh điêu tàn làm sao! Khu rừng trơ trọi cây đổ ngổn ngang, những mảnh quần áo bay tơi tả dính trên các cành cây, mấy nếp nhà xiêu vẹo... Đào được Niên, Bưởi lên, trời đã sẩm tối. Trong nhà Thảnh - đồng chí thương binh vừa cắt ruột hôm qua - lại bị thêm một số vết thương nặng đang hấp hối. Thảnh nhìn mọi người nói qua hơi thở: “Hãy ở lại, chiến đấu và học tập trả thù cho tôi. Tôi không sống nữa đâu”.

Ôi người đồng chí dũng cảm! Lời dặn của đồng chí là lời thề của chúng tôi, những người còn sống. Phải chiến đấu cho đến hơi thở cuối cùng để trả thù cho những người đã chết.

Gần một đêm thức trắng, sáng hôm sau bọn mình ra đi khi trời vừa mờ sáng. Lại ra đi. ‘Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước còn có thể kéo dài, đồng bào ta còn có thể hy sinh nhiều của nhiều người hơn nữa, song dù sao chúng ta nhất định thắng lợi...”.

Bác Hồ ơi, di chúc của Bác còn vang bên tai con và lúc này lời nói ấy vang lên át tiếng bom đạn, con mang nó trong lòng và ra đi.

10.6.70

Chiều nay sao buồn da diết. Phải chăng vì đây là thời gian cuối cùng anh có thể đến thăm em trước lúc lên đường, nhưng thời gian ấy đã trôi đi và như vậy là không gặp anh trước khi chia tay. Chia tay - những cuộc chia tay trên mảnh đất khói lửa này ai mà biết được ngày gặp lại như thế nào, có hay là không có. Lẽ nào anh lại làm thinh ra đi sao, anh trai thân quý?

Nhưng nỗi buồn còn vì lá thư của mẹ, lá thư ngắn ngủi, cố giấu nỗi đau buồn và thương nhớ nhưng nỗi đau buồn ấy vẫn toát lên dù chỉ trong một vài chữ mẹ chưa cân nhắc kỹ trước khi viết. Mẹ yêu ơi, con hiểu lòng mẹ héo hon, đau xót khi con của mẹ còn phải lăn mình trong lửa đạn, những lá thư của con, của các em gởi đến mẹ chỉ nói lên một phần vạn sự gian khổ ác liệt vậy mà mẹ đã lo lắng như vậy. Nếu như mẹ biết được con và các em đã trải qua những ngày ác liệt như thế này thì mẹ sẽ nói sao? Mẹ yêu ơi, nếu như con của mẹ có phải ngã xuống vì ngày mai thắng lợi thì mẹ hãy khóc ít thôi mà hãy tự hào vì các con đã sống xứng đáng. Đời người ai cũng chết một lần.

Dĩ nhiên lòng con bao giờ cũng ao ước được trở về với mẹ, với ba với miền Bắc ngàn vạn yêu thương.

20.6.70

Đến hôm nay vẫn không thấy ai qua. Đã gần mười ngày kể từ hôm bị bom lần thứ hai. Mọi người ra đi hẹn sẽ trở về gấp để đón bọn mình ra khỏi khu vực nguy hiểm mà mọi người nghi là điệp đã chỉ điểm này. Từ lúc ấy, những người ở lại đếm từng giây, từng phút. Sáu giờ sáng mong cho đến trưa, trưa mong đến chiều... Một ngày, hai ngày... rồi chín ngày đã trôi đi mọi người vẫn không trở lại! Những câu hỏi cứ xoáy trong đầu óc mình và những người ở lại. Vì sao? Lý do vì sao mà không ai trở lại? Có khó khăn gì? Không lẽ nào mọi người lại đành đoạn bỏ bọn mình trong cảnh này sao?

Không ai trả lời bọn mình cả, mấy chị em hỏi nhau, bực bội, giận hờn rồi lại bật cười, nụ cười qua hai hàng nước mắt long lanh, chực tràn trên mi mắt.

Hôm nay gạo chỉ còn ăn một bữa chiều nữa là hết. Không thể ngồi nhìn thương binh đói được. Mà nếu đi, một người đi thì không đảm bảo. Đường đi trăm nghìn nguy hiểm. Còn nếu đi hai người thì bỏ lại một người, nếu có tình huống gì xảy ra thì sao? Và không nói gì xa xôi, trước mắt trời sẽ ập nước xuống, một mình loay hoay làm sao cho kịp. Chăng nylon trước thì sợ máy bay? Cuối cùng cũng phải hai người đi. Chị Lãnh và Xăng ra đi, mình đứng nhìn hai chị quần xắn tròn trên vế, lặn lội qua dòng suối nước chảy rần ràn, tự nhiên nước mắt mình rưng rưng...

Bất giác mình đọc khẽ câu thơ:
                        Bây giờ trời biển mênh mông
                        Bác ơi có thấu tấm lòng trẻ thơ...

Không, mình không còn thơ dại nữa, mình đã lớn, đã dày dạn trong gian khổ nhưng lúc này đây sao mình cảm thấy thèm khát đến vô cùng bàn tay chăm sóc của một người mẹ mà thực ra là một bàn tay của một người thân hay tệ hơn chỉ là một người quen cũng được. Hãy đến với mình, nắm chặt bàn tay mình trong lúc cô đơn, truyền cho mình tình thương, sức mạnh để vượt qua những chặng đường gian khổ trước mắt.
...

(1). Thuật ngữ ngoại khoa: Cắt cụt một chi
(2). Anh Trương Văn Kiệm - Dũng sỹ diệt Mỹ. Sau ngày anh tìm gặp mẹ tôi và viết cho mẹ tôi những dòng vô cùng xúc động nhớ lại những ngày năm tại bệnh xá

 

 


Đằng sau cuốn nhật ký

ĐẶNG KIM TRÂM

N
hật ký chấm dứt ở ngày 20.6.1970. Hai ngày sau, ngày 22.6.1970 chị tôi hy sinh. Mãi mấy tháng sau gia đình tôi mới biết tin dữ. Hôm đó là một ngày đầu đông, có mấy người khách đến gặp gia đình. Mẹ tôi ngã vật xuống giường, lặng đi không nói được câu nào. Nhưng mẹ tôi không khóc. Mẹ tôi là một phụ nữ ít nói, đầy nghị lực và đầy lý trí. Có lẽ nỗi đau đã kết lại trong tim thành một khối rắn chắc, kể từ đó mẹ tôi càng ít nói và hầu như tôi không thấy mẹ tôi cười.

Giấy báo tử không nói rõ hoàn cảnh chị tôi hy sinh. Đồng đội cũng mỗi người nói một khác. Người thì kể trên đường về đồng bằng xin tiếp tế cho bệnh xá, chị tôi gặp ổ phục kích của Mỹ, chị báo động cho đồng đội chạy thoát và ở lại yểm trợ rồi hy sinh. Người khác kể bệnh xá bị địch tập kích, chị hy sinh để bảo vệ thương binh. Có người lại kể toán công tác của chị có bốn người, hy sinh ba, chỉ còn một người thoát, đó là chị y tá Nguyễn Thị Rô. Cuộc chiến tranh quá khốc liệt, sự hy sinh diễn ra từng ngày, từng giờ, chị tôi hoà lẫn trong muôn ngàn người đã lặng lẽ hy sinh vì Tổ quốc, người ta có thể lẫn lộn trường hợp này với trường hợp khác. Có một điều chắc chắn là chị tôi hy sinh trong tư thế đương đầu với giặc. Một vết đạn sâu hoắm, ghim ngay giữa trán chị - điều này khi mẹ và tôi lên vùng núi Ba Tơ để đưa chị về, tôi đã nhìn thấy. Anh Tâm, bí thư Huyện uỷ Đức Phổ hiện nay cho biết anh được nghe kể lại trước khi hy sinh chị còn hô vang HỒ CHÍ MINH MUÔN NĂM. ĐẢ ĐẢO ĐẾ QUỐC MỸ. Tôi cũng không rõ đó có phải là sự thật, hay chỉ là một huyền thoại mà người dân Đức Phổ yêu thương chị kể lại cho thế hệ sau nghe về một nữ bác sĩ người Hà nội trẻ trung, xinh đẹp đã chiến đấu và nằm lại trên quê hương họ - trên mảnh đất Đức Phổ mà chị đã coi là quê hương thứ hai của mình.

Sau bao đêm Fred thức cùng Nguyễn Trung Hiếu để đọc cuốn nhật ký thứ nhất, cuốn nhật ký cùng người viết nên nó đã trở thành điều bí mật riêng của hai người lính. Tháng 10 năm ấy, Fred lại có được một thông tin về tác giả cuốn nhật ký. Một đêm, trong khi chờ trận đánh mở màn, Fred ngồi cạnh người lính Mỹ(1). Hai người kể lại cho nhau nghe những trận đánh mà họ đã trải qua. Người lính nọ kể cho Fred nghe một trận đánh lạ lùng mà anh ta đã tham dự. Đó là một trận đánh không cân sức giữa 120 lính Mỹ với một người phụ nữ. Anh ta tả lại người con gái nhỏ nhắn với chiếc túi vải bạt trên người, trong đựng vài quyển sổ nhỏ có vẽ những sơ đồ vết thương và phác đồ điều trị. Fred sững sờ hiểu rằng anh đang được nghe kể về những giây phút cuối cùng của tác giả cuốn nhật ký ám ảnh anh mấy tháng nay. Liệu đó có phải là sự thật?
Suốt bao nhiêu năm Fred băn khoăn với ý nghĩ ấy. Sau khi liên lạc được với gia đình tôi, Fred viết cho mẹ tôi bức thư sau:

20h 27, Chủ nhật 1.5.2005

Thưa bà Trâm.
Tôi mong rằng thư này sẽ không đem đến cho bà nỗi buồn mà chỉ là niềm tự hào của một người mẹ đã sinh ra một người con gái rất đặc biệt. Tôi cần phải nói lại với bà điều mà bao năm qua tôi vẫn tin: đó là trường hợp hy sinh của con gái bà. Tôi đang ngồi chờ một trận đánh cùng một đơn vị lính Mỹ. Ngồi bên cạnh tôi là một người lính và chúng tôi nói với nhau về những trận đánh đã từng tham dự. Người lính đó kể cho tôi nghe về một trận chiến đấu lạ lùng giữa đơn vị của anh ta gồm 120 người đàn ông với một người phụ nữ. Đơn vị của anh ta gặp nhiều lều trại trong rừng sâu vùng núi phía tây huyện Đức Phổ. Ngay lập tức có một người nổ súng vào họ. Người lính thấy rõ nhiều người đang chạy trong rừng để trốn thoát và muốn bắt họ, vì thế họ kêu gọi người đang bắn hãy đầu hàng, nhưng đáp lại lời kêu gọi đầu hàng là thêm rất nhiều viên đạn bắn vào họ. Đây là một người rất anh hùng bởi vì lính Mỹ được trang bị rất nhiều vũ khí vậy mà phải khá lâu mới có thể chặn lại một tay súng duy nhất. Khi thấy bị bắn tiếp, lính mỹ bèn bắn trả và tay súng kia trúng đạn. Nhưng toán lính Mỹ không bắt được ai khác nữa. Khi đến được nơi người kia nằm toán lính Mỹ nhận thấy người đó đang bảo vệ các bệnh nhân trong một bệnh viện. Trên xác người phụ nữ đó có một khẩu CKC và một cái túi vải bạt đựng vài cuốn sổ và sách vở.

Trong chiến tranh nhiệm vụ của tôi là kiểm tra tất cả các giấy tờ, tài liệu bắt được của địch. Những điều người lính đó kể cho tôi nghe chắc chắn là cái chết của người phụ nữ có cuốn nhật ký tôi nhận được ít lâu sau khi chị hy sinh. Trong thời gian đó không có một tài liệu nào khác giống như người lính mô tả, vì thế tôi tin chắc mình đã được nghe người lính nọ kể về cái chết của tác giả cuốn nhật ký. Đó là cuốn nhật ký thứ hai của bác sĩ Đặng Thùy Trâm.

Các con gái bà kể rằng một tháng sau ngày cuối cùng ghi trong cuốn nhật ký thứ hai thì Thuỳ Trâm hy sinh trong một trận đánh. Và nhờ một người bạn dẫn đường chỉ nơi chôn cất gia đình đã mang hài cốt chị từ Quảng Ngãi về vào năm 1979. Có đúng chị nằm trên một dãy núi cao ở miền tây Đức Phổ? Và các bạn của chị có kể lại chị đã hy sinh ra sao không? Suốt 35 năm nay tôi vẫn nghĩ rằng chắc chắn bác sĩ Đặng đã chết đúng như chị sống, hoàn toàn không vị kỷ, hoàn toàn dâng hiến.

Nếu tôi có xâm phạm vào riêng tư của bà thì cho phép tôi xin lỗi và mong không có điều gì xấu cả. Tôi đã mang điều này trong lòng quá lâu và tôi vẫn đang đi tìm câu trả lời.

Nhận được thư của Fred, mẹ tôi vội gọi điện hỏi lại anh Lê Văn Khương - người cùng công tác trong bệnh xá Đức Phổ về địa điểm chị tôi hy sinh. Anh cho biết nơi chị tôi ngã xuống chỉ cách bệnh xá có năm mươi mét. Hôm đó anh cũng đi công tác, mãi hơn một tháng sau mới về và chỉ được nghe kể lại rằng chị tôi vừa ra khỏi bệnh xá để đi công tác xuống đồng bằng thì phát hiện có địch, chị nổ súng ngay báo hiệu cho các bạn và chiến đấu giữ chân chúng. Mọi người thoát được chết, toán lính Mỹ kia vẫn nằm lại phục thêm ba ngày nữa mới rút lui.
Chị tôi được đồng bào dân tộc địa phương và đồng đội chôn cất ngay tại nơi chị ngã xuống, trên một đỉnh dốc của sườn núi Ba Tơ.
Nghe tôi kể lại những chi tiết ấy, Fred viết cho mẹ tôi:

9h44, Thứ hai, 2.5.2005

Thưa bà Trâm.
Và giờ đây thắc mắc của tôi đã được giải đáp. Trận đánh mà người lính nọ tả lại cho tôi đúng là điều đã xảy ra. Con gái bà đã một mình chiến đấu với 120 lính Mỹ để bảo vệ các bạn mình. Ở bất cứ đất nước nào trên thế giới điều đó đều được gọi là ANH HÙNG và những người anh hùng đều được tất cả mọi người tôn kính, dù người đó là đàn ông hay đàn bà. Thế giới phải được biết về sự dũng cảm của con gái bà và mãi mãi học hỏi được điều gì đó từ tình yêu và những suy nghĩ của chị.

Hôm qua tôi cùng mẹ, vợ và con gái đi ăn tiệm. Em trai tôi và vợ nó cũng đi cùng. Em trai tôi là Michael, thời gian chiến tranh nó rất nóng lòng muốn được sang Việt Nam tham chiến. Nhưng cha tôi, một sĩ quan Hải quân cao cấp, lại không muốn đưa cả ba con trai sang Việt Nam. Lúc đó anh trai tôi và tôi đã ở Việt Nam rồi. Vì thế ông đã dùng các thế lực chính trị của mình để Michael không tham gia vào cuộc chiến. Michael rất tức giận vì chuyện ấy. Nó vẫn tiếp tục trở thành một sĩ quan quân đội và mới về hưu năm ngoái với hàm Đại tá sau 24 năm phục vụ trong Không lực. Hôm qua lúc ở tiệm ăn nó sẵng giọng nói với tôi rằng thoạt tiên nó rất phản đối những việc mà Robert và tôi làm đối với hai cuốn nhật ký của con gái bà. Nó tức giận trước hành động của chúng tôi. Tôi hiểu. Dẫu sao nó cũng chưa từng phải nếm vị mặn của chiến tranh. Nó chưa từng biết đến cảm giác nát tim khi nhìn thấy những người lính ngã xuống trên trận địa. Vì thế nó mới tức giận. Nhưng trong bữa ăn với mẹ tôi, nó hiểu ra hành động của chúng tôi. Một người mẹ nhất thiết phải được biết về cuộc đời và những suy nghĩ của con gái mình. Vậy là nó chấp nhận. Tôi nghĩ thật buồn biết bao vì nó không biết được Thuỳ Trâm đã dạy chúng ta những gì. Nó không nhìn thấy những gì tôi đã nhìn thấy. Nó và biết bao nhiêu người khác chỉ nhìn thấy vầng hào quang của chiến tranh mà không cảm thấy sai trái đến thế nào khi một dân tộc này đi xâm lược một đất nước khác. Biết bao cuộc đời đã bị huỷ hoại. Nhưng nó là một người lính.

Những lúc không hành nghề luật sư hay khoa học, tôi trở thành một người làm vườn. Những lúc làm việc trong vườn chăm sóc những bông hoa, tôi có thể nghĩ triền miên hàng giờ về những chuyện như thế. Hôm qua những ý nghĩ của tôi tràn đầy về Thuỳ Trâm. Tôi vẫn thắc mắc. Và hôm nay, một bông hoa đẹp từ Hà Nội đã trả lời bao câu hỏi ngày hôm qua của tôi. Thuỳ Trâm đúng là người như tôi đã nghĩ. Chị đã chết đúng như tôi hình dung qua câu chuyện của tôi với người lính nọ bao nhiêu năm về trước. Và giờ đây tôi đã biết. Và Bật khóc để biết.

Đ.K.T

---------------------------

1. Người lính Mỹ này được biên chế ở Đại đội B, Tiểu đoàn 4, Sư đoàn Bộ binh số 21 của Mỹ.

 

 


Tiểu tư sản

THANH THẢO

Tôi đã không cầm được nước mắt khi đọc dòng cuối bức thư chị Đặng Thùy Trâm gửi cho chị Khiêm - người chị kết nghĩa - thư đề ngày 20- 5-1970: “Nếu mai này khi đất nước thanh bình chị trở về vắng bóng em, chị có nhớ đứa em tiểu tư sản này không? Hãy đốt cho em một nén hương chị nhé...”. Hoá ra, cho tới lúc sắp hy sinh, chị Thùy Trâm vẫn nhận về cho mình ba từ “tiểu tư sản”, ba từ mà rõ ràng người ta đã hơn một lần gán cho chị, đến mức chị phải cay đắng mà nhận nó cho mình. Nhưng “tiểu tư sản” là gì nhỉ? Lâu rồi, ít nghe ai nhắc ba từ này, có lẽ vì những người hay gán cho người khác ba từ đó đã “bỏ qua giai đoạn tiểu tư sản” để tiến thẳng lên “tư sản” cả rồi! Bây giờ thì tôi đã nhớ, quả thật, hồi mới chân ướt chân ráo vào chiến trường Nam Bộ, tôi đã rất khó chịu khi người ta hay nói sau lưng mình ba từ đó, dĩ nhiên là để chỉ...kẻ tiểu tư sản này. Nhưng mà “tiểu tư sản” cái gì cơ chứ? Ngày đó, tôi, trên răng, dưới cát-tút, chỉ có hai bộ quân phục, thêm một cái áo lót, vài cái quần đùi, vậy mà nhiều khi phải giặt “trơn” bằng nước lã, không có xà phòng. Đơn giản, vì tiền đâu mua xà phòng. Kiểm lại tài sản của mình, tôi tuyệt không thấy có tí gì đáng giá để được âu yếm gọi là “tiểu tư sản” cả! Chị Thùy Trâm, vào chiến trường trước tôi 4 năm, chắc càng không có gì làm của nả riêng. Lớp được coi là “trí thức miền Bắc” vào chiến trường như chúng tôi khi đó, tài sản duy nhất hình như chỉ là một ít kiến thức nhà trường trang bị, và nhiều hơn một chút, là những suy nghĩ, những xúc cảm. Suy nghĩ độc lập và những xúc cảm cũng từ trái tim mình. Chúng tôi không (hay chưa) biết nói dối, không biết nói theo, ăn... leo. Sống theo khẩu phần ít ỏi được chia, và nói những điều mình nghĩ. Chúng tôi cũng không nghĩ gì sai quấy lắm đâu, có điều, giống như chị Thùy Trâm, chúng tôi dị ứng với sự dối trá, với lối sống hay cách nói cách nghĩ mà chúng tôi cho là không trung thực. Có nhiều cái nhỏ nhen giữa cuộc chiến đấu lớn, điều ấy cũng có thể chấp nhận, vì đó là đời. Có cả những người nhỏ nhen ngay giữa chiến trường mà sự sống và cái chết chỉ cách nhau gang tấc. Cũng đành! Nhưng khi cái nhỏ nhen, người nhỏ nhen mà khoét vào đánh vào rỉa vào người trung thực cả tin hiền lành và không biết tự bảo vệ mình, thì đau lắm. Ác thay, những người hay được gán cho mỹ từ “tiểu tư sản” lại thường là nạn nhân trong các cuộc khoét rỉa không rõ ràng và không quân tử đó. Bản tính hiền nhưng cộc, tôi đã không ít lần nổi khùng vì những cú “rỉa” này. Bây giờ, đọc nhật ký chị Thùy Trâm, càng thông cảm hơn với chị. Không phải ai cũng vượt qua được những “test” đau đớn này. Tôi nhớ một người bạn tôi, một nhà văn hơi... trẻ hồi đó, là cơ sở từ nội thành ra chiến khu. Anh vốn là trung úy lái trực thăng tải thương trong quân đội Sài Gòn, và anh đến với cách mạng một cách hồn nhiên chứ không phải do được “giác ngộ giai cấp” hay gì. Cũng vì hồn nhiên nên anh nghĩ đã vào rừng, cùng đội bom đạn mang sốt rét thì ai cũng như ai, không phân biệt. Nhưng vì là người viết văn xuôi nên anh nhận ra ngay mọi điều không giản đơn như thế. Anh đâm chán, nhiều lúc không còn cảm hứng để viết. Nhưng rồi, khi anh và tôi, hai anh em “tiểu tư sản” từ hai phương trời tình cờ sống chung với nhau, chúng tôi an ủi nhau được một ít, và giữ lửa cho nhau được một ít. Không phải vì nhận suất thực phẩm hay phụ cấp không bằng người khác mà bạn tôi tự ái. Ngược lại là khác. Bạn tôi hưởng phụ cấp khá cao. Nhưng cái cách người ta luôn coi anh là “khách” ngay khi anh ở trong nhà mình, coi anh là “cơn gió tình cờ” lạc vô rừng trong khi chính anh đã chọn những cánh rừng ấy cho đời mình đã khiến anh nhiều lúc thành “người xa lạ”. Cũng chính vì lòng tin được “phân phối không đều”, vì cùng chiến đấu dưới một ngọn cờ nhưng người được xếp vào “ô” chiến lược, kẻ được xếp vào “ô” sách lược mới nên nỗi. Sau này, qua nhà văn lão thành Trang Thế Hy, tôi còn được biết thêm trường hợp bi kịch của nhà văn Thủy Thủ. Theo nhà văn Trang Thế Hy, thì hồi còn ở Sài Gòn “Thủy Thủ là sĩ quan hải quân. Sau cuộc đảo chính lật Diệm không thành công tháng 11 năm 1962, anh cùng hai sĩ quan khác bay qua Phnôm Pênh rồi từ đó gia nhập đội ngũ cách mạng. Không như hai sĩ quan kia, anh khước từ mọi ưu đãi mà chánh sách dành cho các nhân sĩ như tiền trợ cấp hàng tháng, tiện nghi vật chất, có bảo vệ riêng, có vũ khí tùy thân. Với bề ngoài trầm lặng ít nói, anh thuộc người khá cởi mở nhưng có cá tính rất mạnh khó ai chi phối và không thích nghe những lời an ủi động viên không phải từ tấm lòng.”(Trích “Hai người nhìn mưa dầm” - Trang Thế Hy). Thủy Thủ đã chọn cho mình cái chết sau rất nhiều phen thoát chết ở chiến trường, vì như lá thư tuyệt mệnh anh để lại, điều anh đau xót nhất là “trong chiến lược tương lai của các anh không có tôi. Tốt nhất là tôi nên ra đi.” Anh vẫn bị xếp vào “ô” sách lược. Với Thủy Thủ, điều đó là không thể chịu nổi. Ngày còn học ngoài Bắc, tôi đã đọc vài truyện ngắn của Thủy Thủ “từ miền Nam gửi ra”. Tôi yêu cái trong vắt, cái nhân hậu của tâm hồn nhà văn từng khoác áo lính Sài Gòn này. Tôi đã không được gặp anh, một người có lẽ cũng thuộc “thành phần tiểu tư sản” như tôi, dù chúng tôi được hưởng hai nền giáo dục khác nhau, có xuất phát khác nhau nhưng lại có cùng mục đích và lý tưởng giống nhau. Mới đây, đọc bài viết của một vị cựu lãnh đạo trong chiến trường ngày ấy, thấy ông nhấn rất mạnh đến “đoàn kết” và “thực tình”, tôi chợt buồn. Giá mà những người như nhà văn Thủy Thủ, như bạn tôi, như tôi...những người “tiểu tư sản” được hưởng tư tưởng “đoàn kết, không phân biệt” ấy sớm hơn thì tốt biết mấy! Thủy Thủ đã không phải tự tử, bạn tôi đã không phải vượt biên ngay sau hoà bình, và cái thân tôi cũng đỡ cực, đỡ mang những cái tiếng mà mình không có. Bây giờ thì tôi hiểu “tiểu tư sản” là thế nào rồi. Đó là những người không có của cải vật chất gì riêng, nhưng lại có suy nghĩ riêng, có cảm xúc riêng, và chỉ muốn sống là chính mình, không uốn lượn, không tô vẽ, không đổi màu. Cái “chút xíu của riêng” chỉ là thế! “Của riêng còn một chút này” thôi thì cố giữ, như nàng Kiều xưa đã cố giữ một chữ trinh khuất nẻo và mơ hồ nào đó.  

Những ngày cuối tháng Tám 2005
T.T
(200/10-05)

 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Đi tìm anh (18/03/2009)