Bút ký - Tản văn
Đông kinh mùa lá đổ
08:53 | 29/04/2016

SONG CẦM  
      Bút ký  

Với tôi, nước Nhật không những không xa lạ mà còn rất gần gũi. Tuy vậy, tám năm ở Nhật trước đây chưa phải là dài lắm để tôi đủ thời gian và cơ hội trải nghiệm tất cả.

Đông kinh mùa lá đổ
Minh họa: Nhím

Mỗi lần qua Nhật, tâm trạng tôi luôn thấy bồi hồi đón nhận những điều mới mẻ. Những người bạn quý của chúng tôi yêu đất nước Nữ Thần Mặt Trời, mỗi người mỗi hoàn cảnh khác nhau cùng đến xứ sở Hoa Anh Đào, điểm hẹn của không chỉ cảnh đẹp thiên nhiên mà cả về nền văn hóa độc nhất vô nhị.

Khung trời Narita hiển hiện ra trước mắt. Bầu trời chiều sắp ngả về đêm nghiêng nghiêng chênh chếch vành trăng non mồng 7 với cái khí lạnh của xứ làm cho tâm hồn ai nấy cảm thấy xao xuyến lạ thường. Sau mấy phút làm thủ tục nhập cảnh, chúng tôi nhận hành lý và đợi Michimi chồng tôi ở phía dưới. Phi trường Narita rộng lớn, sạch đẹp, tươm tất. Nhân viên Hải quan lịch sự, nhã nhặn, chu đáo... là nét đẹp văn hóa đầu tiên gieo vào lòng du khách. Do máy bay đến sớm hơn dự tính 40 phút, hơn nữa có sự cố tuyết rơi nhiều ở Tokyo, tàu điện bị trễ nên Michimi đến muộn. Chúng tôi đón bạn quý về nhà. Ngôi nhà xưa nay vẫn vậy, tất cả mọi thứ tập trung lộn xộn trong mấy căn phòng đến nỗi không có cả lối đi. Là những người đã từng trải nghiệm gian khổ, khốn khó trong cuộc sống và trong chiến tranh nên ai cũng dễ dàng thông cảm cho cuộc sống của người đàn ông xa vợ.

Qua một đêm ngủ dậy, mọi người muốn tranh thủ đi thăm viếng càng sớm càng tốt vì hành trình ngắn ngày. Michimi đưa đoàn chúng tôi đến chùa cổ Asakusa ở Tokyo, nơi mà cách đây hơn 50 năm mẹ anh đã từng đưa anh đến thăm lần đầu tiên. Cho đến bây giờ, thời gian và chiến tranh đã đi qua, ngôi chùa vẫn còn giữ nguyên nét phong cách cổ kính. Đền Yasukuni, (tên cũ: Đông Kinh Chiêu Hồn xã), hay còn gọi là “đền gọi hồn người chết”, nằm ở trung tâm của thủ đô Tokyo, thờ Thần đạo, lớn nhất Nhật Bản ở quận Chiyoda-Ku, nơi có 2.466.532 nạn nhân chiến tranh thế giới lần thứ 2. Trời nắng đẹp chan hòa trong cái khí lạnh nhưng dễ chịu làm cho cảnh sắc càng thêm rực rỡ, lộng lẫy. Mọi người tranh nhau chụp hình dưới những tán lá đầy màu sắc của mùa thu còn sót lại chưa phai hết. Trời đã về chiều, tiếng quạ kêu báo hiệu ngày sắp tắt trên những hàng cây ngả bóng dài đan xen trên các lối đi, nhưng ai nấy vẫn muốn níu kéo thời gian để chụp thêm những cảnh mà chút nữa đây thôi, tất cả sẽ mờ trong hoàng hôn, sẽ tan vào sương khói, và sẽ chìm vào bóng tối. Các bạn của chúng tôi: Ông Nguyễn Hồ - nguyên phó giám đốc đài truyền hình thành phố từ Sài Gòn. Nữ thi sĩ Hạnh Ngộ - người phụ tá của ông Hồ trong việc quay phim, chụp hình. Bác sĩ Phan Thiệu Cát từ Canada sang. Phó Giáo sư Hồ Thế Hà ở khoa Ngữ văn trường Đại học Khoa học Huế. Chị Huyền Tôn Nữ Kim Cương, giáo viên đã nghỉ hưu. Chúng tôi nuối tiếc giã từ buổi hoàng hôn đẹp ở Tokyo để lên tàu về nhà. Theo lời hẹn, ngày sau, chúng tôi gặp ký giả Đỗ Thông Minh, một kỹ sư ngành hóa học, người đã sống và học tập làm việc ở Tokyo trên 44 năm tôi được quen biết trong những năm đầu tiên đến Nhật cách đây hơn 20 năm. Đây là một người đàn ông gốc Bắc di cư phong cách giản dị, nhiệt tình, uyên thâm nhiều lĩnh vực. Có thể nói ông Đỗ Thông Minh là biểu tượng tinh thần của người Việt ở Nhật Bản. Ai đến Nhật cần điều gì đều được ông giúp đỡ tận tình.

Sau buổi ăn chiều, chúng tôi được gợi ý đi thăm mộ chí sĩ Trần Đông Phong, một nhà ái quốc thuộc phong trào Đông Du của cụ Phan Bội Châu. Việc viếng thăm tình cờ đã để lại trong tôi nhiều điều suy nghĩ miên man khó tả. Khi tìm được mộ cụ thì trời cũng đã nhá nhem. Từng cơn gió se lạnh làm tê buốt những khuôn mặt, ngón tay của chúng tôi. Dù phong thái nhanh nhẹn, thạo đường, nhưng ông Minh vẫn phải dò từng bước tìm kiếm. Ông dẫn chúng tôi đi băng qua ngôi chùa trong đó có một nghĩa trang thuộc chùa quản lý, rồi xuyên qua một con đường dài vắng vẻ mới đến khu nghĩa trang thứ hai. Sự yên tĩnh, lạnh lẽo là đặc trưng cố hữu của những nơi mà con người đã rũ bỏ mọi thứ đam mê, dục vọng trên dương thế để xuôi tay nhắm mắt về nơi “an giấc ngàn thu” là một lẽ, nhưng sự yên tĩnh trở nên quạnh quẽ, buồn hiu là một lẽ khác. Khu nghĩa trang Yoshigawa Reien nằm gần chùa Hộ Quốc rất rộng. Làm thế nào để tìm được mộ cụ trước khi trời tối? Đang lo nghĩ thì chúng tôi gặp một nhân viên bảo vệ. Ông ta nhiệt tình đưa cho chúng tôi tờ bản đồ duy nhất của ông rồi hướng dẫn tìm. Từng nghe kể rằng cụ Trần Đông Phong rất linh thiêng. Nằm ở dãy 1- A4- 5-14, không khang trang như những ngôi mộ xung quanh, mộ cụ bình dị, đơn sơ ngay ngắn trong khuôn viên được quy hoạch theo kiến trúc bàn cờ như những thôn, xóm ở các làng quê Việt Nam. Trên tấm bia ghi dòng chữ Kanji: “Đồng Bào Chí Sĩ Trần Đông Phong”. Bên trái ghi ngày mất năm Mậu Thân (1908). Tấm bia do cụ Kỳ Ngoại Hầu Cường Để lập tháng 5 năm 1908 vì cảm kích nghĩa khí của nhà ái quốc trẻ. Theo tiểu sử, chí sĩ Trần Đông Phong quê ở Nghệ An, theo phò Cụ Phan sang Nhật Bản hoạt động để tìm đường cứu nước. Lòng ái quốc của cụ Phong được truyền một cách cảm động rằng, hồi đó, khi phong trào Đông Du rơi vào hoàn cảnh khó khăn nhất, cụ cầu khẩn gia đình mình rất giàu có ở Việt Nam giúp đỡ về tài chính để cứu phong trào nhưng không được hồi đáp. Vì cho rằng mình không tròn bổn phận, và, để giữ gìn khí tiết, để bảo toàn danh dự, và để không hổ thẹn với lương tâm, cụ đã tự sát tại chùa Tohoji, quận Toshima, Tokyo. Hiểu về cụ, đứng trước tấm bia mộ của cụ, tôi tự nghĩ con người ta sống chết cũng một đời, dài ngắn cũng như nhau. Ai cũng sẽ trở về với cát bụi. Cái lưu lại cho đời là cốt cách, nhân tâm... Chúng tôi dâng lên cụ bó hoa tươi và những nén nhang lòng tưởng nhớ đến người đã vì đại nghĩa, hy sinh khi đời còn non trẻ ở lứa tuổi hai mươi. Hơn một thế kỷ trôi qua, cụ vẫn nằm đó yên nghỉ, xa lòng đất Mẹ, nhưng vẫn được hương khói thường xuyên của những người yêu mến cụ, cả người Nhật lẫn người Việt.

Chia tay cụ Phong trở về mà lòng thương cảm không nguôi. Tôi tự hứa, sau này có điều kiện trở về sống ở Tokyo, sẽ thường xuyên đến viếng thăm mộ cụ như một người thân.

Ngày sau, một người cháu nội của cụ Phan Bội Châu là bác sĩ Phan Thiệu Cát dẫn chúng tôi đến thăm ngôi làng Fukuroi, ngày nay là thị trấn Fukuroi, tỉnh Shizuoka, nơi ngày xưa cụ Phan từng sinh sống để lãnh đạo phong trào Đông Du. Thời tiết hôm đó như đẹp hơn bao giờ hết. Bầu không khí sáng trong rực rỡ. Ông Đỗ Thông Minh lại đồng hành cùng chúng tôi với tư cách là người bạn quý của vợ chồng tôi và của bác sĩ Phan Thiệu Cát làm nhiệm vụ giới thiệu và hướng dẫn. Xuất phát từ ga Tokyo, chúng tôi đi bằng tàu siêu tốc Shinkansen về phía Tây. Xa xa đã thấy núi Phú Sĩ hiện ra. Từ ga Mishima chúng tôi nhìn thấy rất rõ toàn cảnh của ngọn núi sừng sững cao chót vót. Tàu chạy vòng quanh một vùng rộng lớn gần 30 phút uốn lượn quanh chân núi ôm lấy trời đất như không có điểm tận cùng. Nét đẹp lộng lẫy của ngọn núi được thu vào trong tầm mắt của mỗi chúng tôi khi mỗi giây phút đi qua. Ai đã từng nghe kể, từng biết về núi Phú Sĩ qua những câu chuyện, qua văn chương, thi ca, nhạc họa, phim ảnh... để từ đó có sự ngưỡng mộ và nuôi dưỡng lòng khát khao được một lần đặt chân đến thăm, thì đây, nếu được chứng kiến tận mắt “dung nhan” của ngọn núi với vẻ đẹp uy nghi, hùng vĩ và kiều diễm phủ tuyết một màu trắng xóa từ chân đến đỉnh hẳn là một niềm hạnh phúc lớn lao trong đời.

Nằm ở phía Bắc thuộc tỉnh Yamanashi và phía Nam là tỉnh Fukuoka, núi Phú Sĩ kiêu hãnh, oai nghiêm sừng sững giữa trời đất như một lực sĩ tráng kiện, oai hùng, với độ cao 3.778m. Từ xa vẫn có thể nhìn thấy rất rõ miệng núi hình phễu rộng trên 780m. Núi phun lửa gần đây nhất là vào năm 1768, để lại bên hông một cái hố rộng 700m. Núi Phú Sĩ được xem là ngọn núi lửa đẹp nhất thế giới. Hiện nay núi vẫn chưa phải là ngọn núi đã tắt, trong nội tại nó vẫn đang còn hoạt động, thỉnh thoảng vẫn còn những cơn rung chuyển nhẹ. Là sản phẩm của thiên nhiên, một kỳ quan mà tạo hóa ban tặng cho Nhật Bản, núi Phú Sĩ được xếp vào di sản văn hóa thế giới, vì lẽ, nó là nguồn cảm hứng của sáng tạo nghệ thuật, thi ca... Cơ quan quản lý di sản độc đáo này là một ngôi đền gần đó.

Thời kỳ ngắm núi Phú Sĩ đẹp nhất trong năm là mùa đông, nhưng du khách không thể leo núi vì nhiệt độ ở đó rất thấp. Thông thường du khách đến đây để thưởng lãm và leo núi vào mùa hè vì khí hậu mát mẻ và vì sự thuận lợi của nó.

Tàu chạy băng qua nhiều làng mạc để lại sau lưng hình ảnh ngọn núi cảnh sắc đẹp thần tiên nhưng hùng vĩ với bao ngẩn ngơ nuối tiếc trong lòng chúng tôi, một biểu tượng uy nghi của tinh thần Nhật Bản. Đến ga, chúng tôi đi taxi đến thị trấn Fukuroi. Đón chúng tôi là hai vị trong hội Hữu nghị Việt - Nhật tỉnh Shizuoka, ông Asaba và ông Anma (hội trưởng). Sau khi ăn trưa buffet chay, chúng tôi viếng thăm mộ bác sĩ Asaba với tấm bia tưởng niệm do cụ Phan Bội Châu dựng vào năm 1908 để tạ ơn vị ân nhân đã từng giúp đỡ các thành viên phong trào Đông Du những lúc khó khăn nhất. Theo bác sĩ Phan Thiệu Cát, bác sĩ Asaba không phải là thành viên của phong trào Đông Du, cũng không phải là bạn đồng hành của cụ Phan, nhưng vì cảm kích tấm lòng yêu nước của cụ và tinh thần của những thành viên trong phong trào yêu nước Việt Nam nên đã có sự giúp đỡ thiết thực về tinh thần cũng như tài chính một thời gian dài... Sau những chặng đường lịch sử đầy cam go, nguy hiểm, cụ Phan trở lại Nhật với hy vọng gặp được ân nhân của mình để nói lên lòng tri ân, nhưng bác sĩ Asaba đã qua đời. Để tưởng nhớ người tri kỷ, cụ Phan đã cho dựng tấm bia tưởng niệm đặt bên cạnh ngôi mộ của ông. Việc làm đầy nghĩa cử của cụ Phan để lại cho hậu thế những bài học cao cả về tình người. Những câu chuyện lịch sử buồn vui xung quanh cuộc đời của cụ Phan được bác sĩ Phan Thiệu Cát kể lại một cách sống động, chân thực. Ngày nay, nơi đây đã trở thành một trong những điểm du lịch khá nổi tiếng của tỉnh. Tấm bia đơn sơ nằm bên cạnh mộ của bác sĩ Asaba nay đã qua 100 năm vẫn tồn tại dưới nắng mưa như một nhân chứng sống về lòng ái quốc của những con người đã đi vào lịch sử, đi vào lòng nhiều thế hệ không kể sắc tộc, tôn giáo, được người dân nơi đây trân trọng giữ gìn.

Chúng tôi suốt ngày lang bạt bên ngoài với bao điều thu hút lạ lẫm không biết mệt mỏi. Nhà thơ Hồ Thế Hà tuy suốt ngày chạy theo “bắt bóng”, ghi hình, mê hồn với những cảnh đẹp nhưng về đến nhà là chiếm ngay một góc yên tĩnh để ghi chép, làm thơ… Chiều ngày hôm sau chúng tôi xuôi về miền Đông Bắc với chuyến tàu Shinkansen. Càng về xa càng lạnh. Đến ga Sendai chúng tôi phải gởi lại hành lý ở sân ga để đến thăm mẹ chồng tôi trong bệnh viện trước khi về nhà. Mẹ biết trước việc con dâu sang thăm nên rất vui. Tôi nhẹ nhàng đến bên ôm đôi vai gầy của mẹ, hôn lên trán mẹ, nước mắt giàn giụa. Trên giường bệnh, mắt mẹ rưng rưng, xúc động ôm tôi thì thào: “Mẹ cảm ơn con đã không ngại đường sá xa xôi về thăm mẹ”. Chia tay mẹ chúng tôi đi thêm một chuyến tàu nữa để về nhà. Đêm càng sâu, cảnh vật càng yên tĩnh. Ngôi nhà vườn thâm u như chìm trong cổ tích. Trên bầu trời, ánh trăng mờ ảo, lung linh lọt qua những cành lá trơ trụi nhả xuống mặt đất phủ đầy tuyết và hơi lạnh khiến cả không gian như bừng sáng trong đêm.

Không cần những ngọn đèn nêông từ cổng vào, ánh trăng phản chiếu trên mặt tuyết cũng đủ dẫn lối chúng tôi vào nhà. Em chồng tôi, Masato đã về trước bật máy sưởi hết công suất nên khi vào nhà chúng tôi cảm thấy ấm áp và quên hết mệt nhọc. Khác với nhà riêng của chúng tôi, nhà cha mẹ ngăn nắp, gọn gàng, sang trọng nên sự thoải mái đều hiện rõ trên nét mặt mỗi người. Chúng tôi thức khuya vừa làm việc vừa nói chuyện. Tôi sửa sang lại một chút bàn thờ Phật và tổ tiên, thắp nén nhang, một việc thường làm để tỏ lòng thành kính mỗi khi chúng tôi đi xa trở về.

Đất nước Nhật Bản đã hội nhập rất sâu rộng bởi các nền văn hóa Tây phương kể từ thời Thiên Hoàng Minh trị (1868). Ngoài sự phát triển mọi mặt về kinh tế, chính trị, khoa học - kỹ thuật một cách ngoạn mục để trở thành siêu cường kinh tế thứ hai thế giới, thì vẻ ngoài, sự xâm nhập của văn hóa Tây phương đã làm cho bộ mặt đất nước này thay đổi tưởng chừng như trong mọi mặt của cuộc sống. Nhưng người Nhật Bản vốn quen với thiên nhiên khắc nghiệt nên dễ dàng hòa mình vào trong cuộc sống luôn vận động và đổi thay từng ngày để chia sẻ với thế giới bên ngoài. Sự thân thiện và ý thức bảo vệ môi trường cũng là một trong những nét đẹp văn hóa cao cả của người Nhật Bản. Tinh thần của người Nhật Bản vẫn hướng về cội nguồn truyền thống. Nhờ các giá trị tinh thần và đạo đức truyền thống tinh hoa không những không bị mai một hay mất đi trong quá trình hội nhập mà còn được gìn giữ, phát triển ở tầm cao hơn theo đà tiến hóa của nhân loại, tạo nên một Nhật Bản với một nền văn hóa độc đáo, riêng biệt.

Mấy ngày sau chúng tôi đáp chuyến tàu siêu tốc Shinkansen ngược lên tỉnh Aomori, mỏm đất tận cùng của phía Bắc Nhật Bản, nơi tiếp giáp với đảo Hokkaidou, một trong 4 đảo lớn của Nhật Bản. Đây là một thị trấn nhỏ nằm trong rừng bạch dương bạt ngàn. Tàu băng băng qua những rừng cây phủ đầy tuyết thật đẹp. Sendai đã lạnh, Aomori càng lạnh hơn. Chúng tôi say sưa, ngây ngất với bao cảnh sắc của trời đất, luôn miệng “Ôi, đẹp quá”! Thật vậy, cảnh đẹp thần tiên này khó diễn tả được bằng lời. Chúng tôi dừng lại ở ga Shichinohe-Towada. Thị trấn Shichinohe chìm trong tuyết nhưng ánh nắng trên cao chói chang không làm cho mọi người bớt lạnh mà chỉ thấy đó là điều kỳ diệu. Những chiếc xe chạy trên đường tạo thành những lối mòn ở giữa mà hai bên như những dãy núi tuyết cao ngất ngưởng che khuất cả tầm nhìn. Cánh tài xế hình như đã quen với các thao tác lái trên những con đường mòn như được vạch sẵn giữa các “núi tuyết”. Chúng tôi đón taxi về nhà người cậu ruột của chồng tôi, giáo sư Minoru Morita, đã 98 tuổi, minh mẫn ngoài sức tưởng tượng. Các người anh của ông đã qua đời khi trên tuổi 100. Người em trai ông là bác sĩ Kudoi Akira, ở tuổi 95 vẫn còn làm việc ở bệnh viện trong thành phố, và một người em gái 93 tuổi còn khỏe mạnh như ông. Là một giáo sư ngành Kinh tế học, sau khi tốt nghiệp trường đại học Hoàng gia Tokyo (Imperial Tokyo) ông về giảng dạy và nghiên cứu ở trường đại học Aomori Yamada. Chiến tranh thế giới lần thứ hai bùng nổ, cả 4 anh em ông đều phải tham gia đội quân Nhật Bản đi tham chiến ở Trung Quốc theo lệnh Tổng động viên của chính phủ. Sau khi Nhật thua trận, ông bị bắt tù 6 tháng ở Trung Quốc. Trở về nước, ông về lại đại học Aomori Yamada tiếp tục công việc giảng dạy, viết sách, nghiên cứu và giữ chức Hiệu trưởng 21 năm. Hiện tại ông đang làm Chủ tịch Hội đồng quản trị học viện Yamadagakuen Aomori ở tỉnh Aomori ken, đồng thời vừa là chủ một thư viện lớn có hơn 5000 đầu sách do ông sáng lập. Từ nhà đến thư viện, ông dắt chúng tôi băng qua một con đường dày đặc tuyết. Ông tự hào giới thiệu với chúng tôi về công việc làm hằng ngày và các công trình nghiên cứu khoa học của ông. Tác phẩm được xuất bản mới nhất của ông gần đây là “Shougai geneki - haran banjou”, cuốn sách đầy triết lý về nhân sinh, đầy sự kiện về lịch sử và sự trải nghiệm thú vị của ông trong cuộc sống đời thường, trong tình yêu, hạnh phúc cũng như trong chiến tranh. Bà vợ Morita Akiya của ông 96 tuổi, rất tinh anh. Nói về bí quyết sống lâu, ông chia sẻ: Đó là nhờ say mê đọc sách, nghiên cứu khoa học, ăn uống đạm bạc, sống lạc quan yêu đời... Ngôi nhà cổ 100 năm với cặp vợ chồng già lúc nào cũng đầy ắp tiếng cười của con cháu bốn thế hệ “tứ đại đồng đường”, một truyền thống văn hóa hiếm thấy trong xã hội văn minh Nhật Bản hiện nay.

Đất nước Nhật Bản gần đây được gọi là đất nước của những người già. “Sự lão hóa” diễn ra âm thầm nhưng nhanh chóng bên trong xã hội Nhật Bản đã tạo nên thế không cân bằng về dân số. Sự chênh lệch giữa hai thế hệ già-trẻ làm mất cân đối trầm trọng về nhân lực. Cho nên vấn đề dân số, vấn đề nhân lực luôn là bài toán nan giải đối với chính phủ. Tuy thế, đối với người Nhật Bản hiện nay, trong suy nghĩ của họ, già chưa phải là hết, là dừng mọi hoạt động, là an nhiên tự tại “sống bám” nhờ vào trợ cấp xã hội. Người Nhật Bản quan niệm giá trị sống và đóng góp nhiều nhất, hiệu quả nhất của đời người kéo dài từ khoảng tuổi 40 cho đến khi nào không còn làm việc được nữa. Việc tiếp tục làm việc, cống hiến cho xã hội không hẳn là vấn đề mưu sinh mà còn có ý nghĩa niềm vui, là cách hưởng thụ tuổi già. Nhật Bản là một dân tộc lạc quan, yêu đời. Họ gắn bó sâu sắc với công việc bên cạnh việc gắn bó với gia đình, thiên nhiên. Tuy thế, sự coi trọng gia đình và trách nhiệm công việc là hai việc rất rạch ròi, không thể đan xen lẫn nhau. Họ không để chuyện gia đình chi phối bởi công việc và ngược lại... Vì thế cụm từ “nghỉ hưu”, theo nghĩa bóng, đối với họ là một sự lãng phí. Tuy già nhưng họ vẫn say mê làm việc, tiếp tục cống hiến. Đó chính là bản lĩnh “kỷ luật phi thường” của người Nhật Bản.

Sau một buổi tiệc, chúng tôi được mời thưởng thức trà đạo, gọi là Trà Thất. Trà đạo là “nghề” chính và cũng là niềm say mê nghệ thuật của bà Morita Akiya. Để giữ gìn truyền thống văn hóa của dòng tộc đẳng cấp Thượng lưu, bà đã không mệt mỏi, ân cần truyền dạy cho đàn cháu, chắt, nội, ngoại những kiến thức về lối sống, về những hành xử cao đẹp nhất trong mọi lẽ thường của đạo lý làm người. Điều thú vị là “nghệ nhân” pha trà đạo hôm đó là một cậu bé 15 tuổi tên là Yuzi, cháu trai của ông bà. Chúng tôi “tròn mắt” từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác, ngưỡng mộ cậu bé bởi những thao tác, nghi thức rất uyển chuyển, điêu luyện, những cử động của từng ngón tay như diễn viên múa biểu diễn trên sân khấu. Mỗi động tác có mỗi nghi thức khác nhau, từ cung cách cung kính cúi chào cho đến các thao tác tỉ mỉ của mỗi công đoạn lau chùi dụng cụ, pha chế, nâng cốc mời khách... khiến cho lưu khách chúng tôi có cảm giác như sự kiên nhẫn, tĩnh tâm, ôn hòa của người Nhật được thể hiện qua nghệ thuật Trà Đạo là vô biên, mà bốn nguyên tắc cơ bản không thể thiếu là: “Hòa, Kính, Thanh, Tịch”. Dư vị và sự ấm áp của chén trà nóng, sự ấm áp của tình người làm chúng tôi quên đi cái lạnh tê buốt ở bên ngoài. Sự tiếp đãi nồng hậu, trọng thị của gia đình người cậu làm tôi suy nghĩ miên man về cuộc đời, về nhân tâm pha lẫn chút tự hào về dòng họ nhà chồng.

Bên ngoài trời vẫn không ngừng đổ xuống những đợt tuyết như những rừng hoa trắng. Có lẽ không có ngôn từ nào lột tả hết vẻ đẹp thần tiên của xứ tuyết. Những bông tuyết rơi đậu lại trên những chiếc dù, bám vào tóc, áo quần người đi đường như những bức tranh thêu thật đẹp. Trời ngả về chiều. Tuyết rơi mỗi lúc mỗi nhiều hơn. Tuyết phủ đầy trên hai trụ cổng cổ kính một màu trắng xóa như hai chậu bông cảnh. Nét trầm mặc của ngôi nhà cổ chìm trong tuyết như một bức tranh cổ tích, gợi lại một miền quá khứ xa xưa. Chia tay gia đình ông cậu chúng tôi vẫn còn lưu luyến với tình người, cảnh sắc huyền ảo, bàng bạc nơi đây.

Tàu Shinkansen băng băng qua những cánh đồng, đồi núi đưa chúng tôi trở về lại Sendai. Bầu trời đêm lung linh trong hơi tuyết thật đẹp nhưng do mệt quá chẳng ai màng đến việc ngắm cảnh mà tranh thủ ngủ để lấy lại “năng lượng” cơ thể. Về đến nhà thì trời đã khuya. Cây cối trong vườn đã chìm sâu trong giấc ngủ. Không một tiếng lao xao bởi gió. Không một tiếng động bởi âm thanh sột soạt dưới đám lá của những con sóc nhỏ đi ăn đêm ở đâu đó trong các lùm cây vẫn thỉnh thoảng bò ra tìm thức ăn, là những hạt dẻ rụng đầy trong vườn. Tất cả như đứng im không chuyển động.

S.C
(TCSH326/04-2016)





 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Qua đò Tam Giang (14/10/2015)