HOÀNG PHỦ NGỌC TƯỜNG
Ông Giám đốc Viện Nghiên cứu Du lịch lấy từ trong cặp ra một cái kính đeo mắt hơi lạ, mắt kính đen kịt như mực, bấm nút nghe có tiếng rè rè như máy ảnh, bảo tôi mang thử.
Tôi mang vào, thấy trời đất tối tăm, hiện ra những dấu âm dương ngũ hành loạn xạ. Tôi thất kinh, ném kính xuống bàn suýt làm vỡ. Ông giám đốc giải thích, vẻ mặt vừa bí mật, vừa khiêu khích tính tò mò của tôi.
- Đây là Chiếu Ma kính, một phát minh mới của Nhật để phục vụ năm quốc tế du lịch 1990. Tôi mới nhập một cái để thử nghiệm.
- Tác dụng của nó thế nào? Tôi hỏi, giọng lơ là bởi vốn ít tin cậy nơi những mặt hàng quảng cáo du lịch.
Ông giám đốc hạ giọng:
- Kính này chỉ dùng ban đêm, mang vào sẽ nhìn thấy ma!
Tôi nhổm người, la lên:
- Vô lý!
- Chính vì thế, tôi cần nhờ anh - ông ta mở bia Hainêken mời tôi - Số là khách du lịch đến thành phố ta vẫn than phiền là ban đêm họ không có gì để sinh hoạt cả. Tôi nghe ở Huế người ta hay đồn về chuyện ma. Tôi mạnh dạn suy nghĩ như thế nào: nếu có ma thật, thì ma cũng là tài nguyên du lịch hiện đại. Do đó, tôi nhờ anh dùng kính này kiểm tra giúp cho.
Tôi giẫy nẫy:
- Anh cứ đi mà chơi với ma. Tại sao lại định giao cái việc nguy hiểm này cho tôi?
- Ma là con người của nhiều dĩ vãng xa xăm còn tồn tại, có thể là những nhân vật đặc biệt. Trình độ tôi có phần hạn chế nếu tiếp xúc trò chuyện với họ. Tôi nhờ anh chính vì lý lẽ đó.
Tôi chưa hề thấy ma nên thường tuyên bố với vợ tôi rằng tôi cóc sợ ma. Bây giờ nghe ông ta bảo rằng chắc chắn sẽ gặp ma, thú thật là tôi thấy ớn xương sống. Tuy vậy, tính tò mò cũng có sức lôi cuốn con người ta không kém gì danh lợi, nên cuối cùng tôi không thoái thác yêu cầu của ông bạn tôi.
Khoảng giờ tuất đêm ấy, tôi mang kính chiếu ma ra đi. Ngoài đường vẫn còn ít người qua lại, nên đến chỗ nào nghi là có ma tôi mới mang kính vào để coi thử. Quả nhiên dọc đường đi, tôi gặp khá nhiều ma: có vị ngồi vắt vẻo trên cây bồ đề, vị khác ngồi rũ tóc bên bờ sông, vài ba gã cô hồn ăn vụng chuối trong cái miếu thờ đức Thánh Trần. Xem ra thì toàn là chúng ma tầm thường, tôi nhún vai đạp xe đi thẳng.
Tới trước Ngọ Môn, thấy đang chiếu phim video Hồng Kông, tôi ghé vào dòm qua xem chúng nó đấm đá tới mức nào, tiện thể lấy kính lướt qua một chút. Không ngờ, ở chiếc ghế trống phía sau, tôi phát hiện ra một người mặc long bào màu vàng đang ngồi xem, mày xếch lên vì giận dữ. Nhìn vẻ mặt lạnh lùng sắt đá của ông ta, tôi đoán biết đó là vua Minh Mạng. Tôi nhẹ bước tới trước nhà vua, kính cẩn chào:
- Kính chào Pie đại đế của nước Việt Nam.
Vua nhìn tôi, gật gật đầu:
- Phải. Chính ta đã dày công xây dựng nên kinh đô này cho nước Đại Nam văn hiến. Ta nghe nói ở Liên Xô người ta rất mực kính trọng vị Sa hoàng đã xây dựng cố đô Pêtecxbua của họ. Còn các ngươi, tại sao lại đánh giá ta thấp đến như vậy?
- Muôn tâu bệ hạ, tại hạ nghĩ rằng ấy bởi vì bất cứ ai đã lên làm vua thì dù có công đến đâu, ắt cũng không khỏi có tội đối với quốc dân.
Vua Minh Mạng quắc mắt, phóng điện trường sinh tới tấp vào mặt tôi làm tôi nổi da gà:
- Ta có tội ư? Cho phép mi nói ta nghe thử. Nói bậy là ta chém đầu tức khắc.
Tôi cười thầm, biết rằng ông ta chỉ còn là một cái bóng, làm sao chém được đầu tôi như hồi ông ta còn ngồi trên ngai vàng. Nhưng sực nhớ lại, ông ta vẫn đủ khả năng để bóp cổ tôi chết tươi như không, dám lắm! Bèn xoa xoa hai bàn tay, tìm cách chống chế:
- Dạ dạ!... Tại hạ thiển nghĩ, thí dụ như bệ hạ đã sinh đẻ ra quá nhiều ông hoàng bà chúa, làm bùng nổ dân số.
- Nhưng con cái ta là Tùng Thiện, Tuy Lý, Tương An, Mai Am, Huệ Phố... toàn là tài năng cả, sao gọi là dân số?
- Tâu bệ hạ, sự bùng nổ tài năng nhiều khi cũng không có lợi gì cho quốc gia. Thí dụ Tùng Thiện công lại dính cả vào vụ khởi nghĩa Chày Vôi của Đoàn Trưng, mà Đoàn Trưng ô hô, cũng lại là tài năng!
- Hừm! Vua ngẩn ra một lúc. Lợi dụng thời cơ, tôi định chuồn lẹ cho khỏi rắc rối. Không ngờ vua chụp áo tôi kéo lại:
- Nhà ngươi làm việc chi ở đây?
- Tại hạ là kẻ rong chơi khắp chốn, tự đặt cho mình nhiệm vụ phải quan tâm hết mọi việc trên trời dưới biển.
- Té ra mi là một tên vô công rồi nghề, chỉ được tài ba hoa phách tấu?
- Ấy ấy, tâu bệ hạ, đấy cũng là một nghề hiện đại, gọi là nghề... nhà báo!
Tôi rút thẻ nhà báo đưa cho vua coi.
- Thôi được! - hình như vua có vẻ chờn chờn một chút - Vậy ta hỏi ngươi: ai cho phép các ngươi che tôn che cót, biến Ngọ Môn, Hiển Nhơn thành chỗ chiếu Video, bán cà phê, nấu nướng ăn nằm nhếch nhác? Nhà báo các ngươi sao không dám mở miệng, há chẳng biết rằng hai cái cửa đó là Tả dịch môn và Hữu dịch môn của Hoàng thành à?
Tôi định nói: "Nói mấy rồi cũng nước đổ đầu vịt, thôi ạ". Nhưng nghĩ lại, sợ ông vua nổi tiếng về tài cai trị này lại coi thường thời đại mình, bèn nói liến thoắng:
- Tâu bệ hạ, dịch môn tức là cái cửa để làm dịch vụ. Vậy thì người ta há chẳng đang làm dịch vụ du lịch đó sao?
Nói xong, không để nhà vua kịp hiểu, tôi chuồn gấp ra khỏi cửa Tả dịch.
Lại phóng xe qua Cầu Mới, thấy thấp thoáng hai bóng người lạ lạ nơi một con đường nhỏ. Tôi rẽ vào: một bà mặc áo mệnh phụ dáng rất đài các, còn vị kia mặc y phục tướng quân, có một cái sẹo chạy vòng quanh cổ. Tôi cúi chào:
- Tiểu tử xin bái yết hai vị tiền bối. Xin dám hỏi: Nhị vị là ai?
Vị tướng quân ôn tồn nói:
- Ta là đại tướng Lê Lai.
- Úi trời ơi! - Tôi nhảy thót lên.
- Còn phu nhân đây là Bà Huyện Thanh Quan.
- Úi Trời ơi! - Tôi lại nhảy lên cái tưng! - Xin hai tiền bối có điều gì chỉ giáo?
- Việc như vầy. Phu nhân đây là vị nữ sĩ đáng kính của dân tộc, dẫu tài hoa của nhà Minh cũng khó sánh nổi. Tại sao các ngươi mang phương danh của phu nhân đây đặt cho một con đường ngắn chưa đầy chục bước, bờ bụi um tùm như ải Chi Lăng lại không có một số nhà nào cả. Không có số nhà, sao kể là đường?
- Dạ, có số nhà đây chớ! - Tôi chỉ đại vào con số 02 viết bằng than trên mặt tường - Chắc người ta cũng đang xây nhà ở đây.
- Nhà ngươi đừng hòng lừa ta - tướng Lê Lai quát lên - Đó là chỗ ngồi của mấy thằng sửa xe đạp, nó đề bậy bạ. Còn ta là người liều mình cứu chúa, có tội chi mà các ngươi lấy tên ta đặt cho con đường dẫn vô lao Thừa Phủ? Định bỏ tù ta à, há thành phố này vẫn còn là của nhà Minh?
Tôi thành thật biết lỗi, không dám giở trò láu cá:
- Xin tướng quân và nữ sĩ thông cảm, những con đường đó do bọn thời ngụy đặt tên, chúng tôi không tiện bỏ đi.
Bà Huyện cất tiếng, nhẹ nhàng nhưng rất đỉnh đạc:
- Thế còn Hàm Nghi, Duy Tân đều là những nhà vua vì dân mà chịu tù đày. Tại sao các người cũng lại xóa bỏ tên họ trên đường phố?
- Dám thưa, mai mốt thành phố chúng tôi điều chỉnh lại tên đường, sẽ xin sửa sai đối với các vị tiền bối.
- Ta đã chán ngấy cái "mai mốt" của các ngươi. Mai mốt là bao giờ? - Tướng Lê Lai cất lên một tràng cười làm tôi long óc.
Lại phóng xe lên ngã Nam Giao. Từ đây tới chân núi Ngự Bình, thấy bóng người lố nhố, đông đúc như ngày hội. Biết không nên dẫn thân tới chốn này, tôi quay đầu xe trở lại, nhưng đã muộn. Từ trên đàn Nam Giao, ba bốn thanh niên nam nữ vác súng thoắt cái đã lạng người đến ngay trước mặt tôi. Tôi đứng nghiêm, hô to:
- Đời đời nhớ ơn các liệt sĩ!
Mấy thanh niên bộ đội nghe tôi hô thế thì đều cười rộ lên. Một vị vận thường phục ra hiệu bảo im, tự giới thiệu:
- Ta là Thái Văn Lung, nguyên bí thư Thành ủy Huế bị Diệm bắt ở Sàigòn rồi đánh chết ở nhà lao Thừa Phủ hồi địch tố cọng.
Tôi xúc động, như thể gặp người đang sống thật:
- Thưa đồng chí kính mến, tôi đã có dịp đến thăm ngôi nhà nhỏ của đồng chí tại thành phố Hồ Chí Minh, nơi hẻm Sáu Lèo cũ.
- Được, bây giờ không quên ngày xưa, đó là đạo lý. Nhưng ta muốn biết ai là người đã bày đặt ra việc xây đài liệt sĩ trên đàn Nam Giao này?
Tôi ấp úng:
- Thưa đồng chí, xét thấy đây là nơi tôn nghiêm hùng tráng, xứng đáng dành cho các liệt sĩ.
- Sao lại nghĩ thế - đồng chí Thái Văn Lung cau mày - Chúng ta chiến đấu hy sinh là để bảo vệ mọi di sản văn hóa lịch sử của dân tộc, trong đó có cái đàn Nam Giao này. Huế còn biết bao nơi đẹp đẽ trang nghiêm để xây đài liệt sĩ. Tại sao các người lại buộc cả chúng ta vào cái tiếng xấu phá di tích văn hóa? Vậy ta mong rằng những người trách nhiệm đương thời phải biết lắng nghe ý kiến phê phán của nhân dân, cả ý kiến của chúng ta đây.
Mấy thanh niên bộ đội cùng vỗ tay: "Hoan hô ý kiến của thủ trưởng!". Tôi mừng quá, tìm cách thoát khỏi thế bí để rút lui:
- Thưa đồng chí, tôi sẽ xin báo cáo lại đầy đủ ý kiến của đồng chí. Nhưng giá đồng chí có cách nào báo mộng trực tiếp cho thì lời thiêng hơn nhiều.
Lại quanh xe về phố. Ngang qua một biệt thự, thấy một người Âu đội mũ trái dưa, có chấm râu dưới mũi, thắt nơ đen, ngồi trầm tư trước một cây đèn dầu ở trước hiên. Tôi nhận ra ngay, bèn mở một cuộc tiếp xúc chớp nhoáng vì đêm đã khuya. Đối thoại:
- Kính chào nghệ sĩ thiên tài Sacli Saplin!
- Ta thích gọi ta là Hề Saclô hơn. Bạn là ai?
- Tôi là Epxilon, kẻ đã chào đời năm Ngài đến thăm Huế, và sẽ được nhìn thấy hành tinh này bước vào thế kỷ 21.
- Rất hân hạnh được làm quen. Đúng là trước thế chiến ta đã đến thăm cố đô thơ mộng của bạn. Và đã từng ước mong giá có thể mang cả phim trường của ta ở Hôlyút về dựng ở Huế. Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, không hiểu sao thành phố của chúng ta xuống cấp tội nghiệp thế này. Điện nước tồi tệ như thế (ông chỉ cây đèn dầu, và chỉ bãi nước từ chiếc rôbinê bị bỏng ở phòng trong chảy tràn ra dưới chân) sao đáng gọi là trung tâm văn hóa du lịch?
- Thưa ngài, văn phòng du lịch ở đây đã hợp đồng với nhà máy về việc cúp điện nhằm tạo ra cho thành phố này một vẻ cổ xưa hiếm có, phù hợp với cái tên Cố đô của nó.
- Bạn có nói đúng sự thực không?
- Thưa, có thể là... không!
(Một chị trứng lộn xách đèn vào, mời khách. Saclô nhìn, lắc đầu. Tôi cố gắng quảng cáo món đặc sản quê hương):
- Xin mời ngài dùng thử, đây là trạng thái quá độ từ quả trứng lên con vịt.
- O hô hô! (Saclô cười ngặt nghẽo). Cái món hôvilô hôvilô này, ở đây người ta luộc đi luộc lại nhiều lần quá. Ta đã ăn thử một trái, nói xin lỗi bạn, bị té ra một trận suýt về ngay... bên kia thế giới!
Sáng hôm sau, tôi trở lại gặp ông giám đốc Viện Nghiên cứu Du lịch, thuật lại mọi chuyện rồi chép miệng than: "Không xong rồi! Gặp ma còn rắc rối sự đời hơn cả gặp người!". Ông Giám đốc trầm ngâm một lát, bỏ chiếu ma kính vào cặp da, đứng dậy, nhún vai:
- Thôi khỏi cần nhập cái đồ quỷ này làm gì nữa. Làm chi có ma, ma chẳng qua là hiện tượng hóa học!
H.P.N.T 1-1990
(TCSH40/01-1990)