NGUYỄN VĂN UÔNG
Tùy bút
Chuyện làng thì nói mãi vẫn có người thích nghe. Thơ nhạc cũng không ít lời ca ngợi.
“Làng tôi có cây đa cao ngất từng xanh, có sông sâu lờ lững vờn quanh, êm xuôi về Nam. Làng tôi bao mái trang san sát kề nhau, bóng tre ru bên mấy hàng cau, đồng quê mơ màng…”(1). “Chiều hôm đón mát cổng làng. Gió hiu hiu đẩy mây vàng êm trôi. Đồng quê vờn lợn chân trời. Đường quê quanh quất bao người về thôn”(2). Cảnh làng thế đó. Nhưng đó là làng miền Bắc. Làng miền Trung ít có cây đa mà có nhiều cây sanh. Mái tranh làng miền Trung không “san sát kề nhau” mà yên bình trong những vuông xanh cây trái vườn tiếp vườn. Ít làng có cổng làng vì là miền quê mới của những người bỏ xứ Bắc vào khai khẩn, lập nghiệp sau ngày di dân mở nước. Nhưng làng vẫn là làng quê, có con sông để người quần cư, có cánh đồng để cày bừa nuôi sống, có lũy tre bao bọc cuộc sống bình yên, và từ đó có đình, có chùa ghi dấu ấn tâm linh trở thành nếp văn hóa làng muôn đời bền vững. “Sau lũy tre làng” là cụm từ chỉ một cái gì đó rất đỗi thân thương, trìu mến và cũng mang nhiều tục lụy khó bỏ.
Nói chuyện làng không thể không nhắc chuyện của những ông già. Có ông già xa quê từ tấm bé, thời gian sống ở làng chỉ vẻn vẹn đếm không hết đốt ngón bàn tay thế mà sao ông cứ nhớ mãi về làng. Cái sức thu hút kỳ quặc này cứ gắn ông với những cảnh, những người, những việc không đâu vào đâu mà nói mãi vẫn nói được. Làng ông sông bao bọc gần như bốn phía, có thế đất kiểu “Tứ thủy triều quy” thuận lợi cho việc phòng thủ, vì vậy một thời là thủ phủ của xứ Đàng Trong và sau này là làng kháng chiến. Nhưng ông ít nhớ về chuyện kháng chiến vì khi đó ông còn bé quá và đã qua phố lánh cư. Ông chỉ nhớ những cảnh đời, những kiếp người, những đau thương mất mát cạnh bên những vui vầy hạnh ngộ. Ông yêu cái làng ấy và có dịp là tìm về. Thú này mới có khi ông đã xa làng rất xa. Tuổi thanh thiếu niên, niềm yêu mến làng quê kéo ông đi quanh các làng bạn bè vui chơi, thăm thú. Ông đã qua làng Bao La thúng mủng, làng Phú Lễ thịt heo, làng Phù Lai chột nưa, củ kiệu, làng Cại Lừ có người hay cãi. Ông đã theo nôốc gặt lúa, bứt toóc dưới làng ruộng bàu Đồng Xuyên, Mỹ Xá. Ông xuống đến làng quýt Hương Cần, làng bún Vân Cù, làng cốm An Thuận. Ông ngược lên làng La Chữ xem đình làng, qua làng Nguyệt Biều ăn thanh trà nhà bạn. Con đường về làng ông qua đò chợ Kệ làng Thanh Lương. Dọc sông Bồ bên kia làng ông là làng đạo Dương Sơn giữa hai làng Xuân Đài, Cổ Lão không có người theo đạo. Phía dưới làng ông là làng Lương Cổ chỉ vẻn vẹn hai xóm, nối làng La Vân Thượng với nhà thờ họ Chế, hậu duệ cư dân Chiêm Vương ngày người Kinh mới vào đây hổn cư cùng xây dựng làng mạc. Còn nhiều làng khác nữa ông đã đi qua, hoặc tình cờ hoặc có chủ định. Mỗi nơi ông đều cảm thấy không khác làng mình nhưng tình yêu làng ông vẫn không vì thế mà suy giảm.
Làng ông có ngôi đình gỗ vào loại bề thế thờ vị thần hoàng lưu truyền là có sắc phong. Nhưng cái đình ấy có thời là kho thóc thuế nông nghiệp và bị cháy rụi trong kỳ tiêu thổ kháng chiến. Sau ngày đình chiến, ngôi đình được dựng lại bằng xi măng sắt thép trên nền cũ. Nhiều người còn truyền miệng với nhau về ngôi nhà Thánh và dinh Ông bên đình làng. Không ai dám bảo hoặc chối được đó là di tích của một thời làng ông là Phủ Chúa. Lại còn bức ruộng Phủ, xưa đó là Phủ Chúa. Ở đó có ngôi miếu thờ vị danh tướng thời Chúa chuyển về làng lập Phủ(3). Bây giờ vị tướng ấy là thổ thần một giáp của làng. Làng ông có bốn giáp, có khi gọi là phe, tên theo hướng là giáp Nam, giáp Tây, giáp Trung, giáp Đông. Cũng còn gọi theo tên khác là phe Biền vì gần biền nương, phe Ngoài, phe Giữa, chỉ phe Đông là một tên. Thành hoàng làng ở đình cai quản mấy ông thổ thần phe. Mỗi phe có một am phe như là tư dinh của mấy ông thổ thần. Con dân họ Trần Văn trong làng còn nhận Đô Đốc Thiêm Sự Trần Văn Nghĩa thời Chúa mới về làng lập Phủ là Cao tổ họ mình, với di tích một mộ táng có nhà thờ bên trên, tọa lạc trong một vuông đất rộng âm u cây cối ở giáp Tây, khác hơn nhiều lăng mộ khác trong làng. Con cháu họ Hoàng Văn thì bảo Huân liệt Công thần Cai đội Đức hầu Hoàng Văn Duyệt (Duyệt Quân Công), người được chúa cử coi giữ Miếu Hi Tông (Bây giờ là miếu Phủ, thờ Nguyễn Hữu Dật), thờ chúa Nguyễn Phúc Nguyên từ năm 1644, là tổ của họ mình.
Ngôi chùa làng ông thuộc loại chùa cổ, có người đã nói tên gọi là “Sắc Tứ Quảng Phước cổ tự”. Vườn chùa, ruộng chùa là Tự điền làng trích ra để chùa sử dụng phục vụ việc cúng bái. Những ngày còn bé ông sợ qua đình mà thích lên chùa. Qua đình chỉ nghe mấy ông già lý sự cãi vã nhau, đôi khi còn thấy những vụ phạt vạ gay cấn. Lên chùa nhìn ánh mắt và nụ cười hiền của Phật tổ cùng lời kinh lâm râm của bà ru cậu bé vào giấc ngủ chập chờn. Tỉnh dậy cậu còn được vắt xôi, trái chuối chín lịm.
Lại còn Tòa, một cơ sở thờ tự vị vương phi vua Tự Đức và ông bố là vị tướng đồng triều. Tòa có dựng tấm bia đá bề thế trên lưng rùa, linh thiêng không ai dám vào gần. Năm ấy, một ngày mới ra tết Đinh Hợi (1947), Tây về lùng bắt hết trai tráng trong làng tập trung trước ngõ vào làng để nhận diện. Số là trước đó mấy tháng, đám trai làng cuồng nhiệt tập trung phá hàng rào xanh cây trảy bao quanh nhà thờ đạo, cạnh Tòa bà phi. Ông tướng cha của bà phi thuộc nhóm chủ chiến chống Pháp, cấm đạo. Thất thế, ông bị chuyển ra trấn nhậm nơi xa. Làng chỉ có mấy nhà đạo theo mà có cái nhà thờ Công giáo to đùng, sừng sững, bề thế ra vẻ đắc thắng cạnh bên Tòa thờ các vị. Chuyện ấy là cái gai khó coi trong lòng dân làng. Thế là đám thanh niên có ý triệt phá nhà thờ. Bước đầu, chỉ thử lửa bằng việc phá hàng rào cây trảy bao quanh. Thời thế xoay chuyển, Pháp trở lại, chúng ra sức lùng sục tìm diệt trả thù. Ngày tết chưa nguôi bánh mứt, Tây về lùng, lùa hết trai tráng trong làng tập trung để cho tên tay sai nhận diện. Trước tiên để thị uy, chúng cho bắn ngay trước mặt dân làng 3 người chỉ huy cuộc phá bỏ hàng rào nhà thờ. Hai người chết, xác lăng xuống bờ ruộng. Một người mưu trí thoát thân, bị chúng bắn đuổi theo. Lằn đạn cắt mất một trái tai của ông ấy. Số còn cao, ông thoát. Chúng lùng sục suốt ngày không tìm ra. Ông cán bộ Việt Minh này sau đó vẫn bám trụ địa bàn. Năm 1954 ông tập kết ra Bắc và trở về quê sau năm 1975. Những người còn lại, lính Tây cho dẫn từng người một, đi qua trước mặt tên người làng làm chỉ điểm. Hắn trùm bao che kín đầu, chỉ khoét chừa hai mắt để nhìn. Người nào hắn lắc đầu thì được thả cho về. Người nào hắn gật đầu thì bị trói đem đi. Chúng đem họ về nhốt tại đồn lính làng Vân Cù. Lọc đi lọc lại nhiều lần và sau hơn tháng, chúng bắn mấy chục người cứng đầu và không có ai bảo lãnh. Cái tang tập thể này làm xôn xao dân làng. Sau đó, vào tháng Hai Âm lịch hằng năm, các ngày 26, 27, 28, trong làng gần 30 cái lễ giỗ từ xóm này qua khóm khác nghi ngút khói hương.
Di tích Phủ Chúa, sử sách còn ghi lại làng ông là bước dừng chân đầu tiên của các chúa trên đường chuyển từ Dinh Cát, Quảng Trị vào vùng Thừa Thiên. Ngày Chúa Tiên vào xem xét vùng này, chúa cập thuyền ở ngã ba Sình, lưỡng lự giữa hai nhánh sông. Trên hai nhánh sông này, Chúa đã dựng chùa Sùng Hóa bên dòng Bồ và chùa Thiên Mụ bên dòng Hương. Đến chúa Sãi, thực hiện di chiếu của cha, chúa vào đây, bước chân đầu tiên đặt xuống Phúc An bên dòng Bồ. Sau đó, con cháu chúa chuyển qua Kim Long bên dòng Hương, rồi lại chuyên về Bác Vọng, dòng Bồ cuối cùng chuyển qua Phú Xuân dòng Hương. Ngày đến Phúc An và ngày chạy khỏi Phú Xuân, các chúa đã truyền đời đến thế thứ 9, dài hơn 150 năm. Sau ngày đại định, xưng vương, hậu duệ thế thứ 10 nhà chúa Tiên đã định đô ở Phú Xuân, xây dựng kinh thành Huế, làng ông trở thành hành cung mỗi khi chúa vi hành ra mạn Bắc.
Thời gian chúa ở làng ông chỉ vẻn vẹn 10 năm, điều quan trọng là lỵ sở đã nâng cấp từ Dinh thành Phủ. Thời gian không dài nhưng di tích còn lại khá rõ. Những tuyến đường làng thiết kế vuông vắn bàn cờ theo trục hướng chính Tây Bắc - Đông Nam. Dân cư bố trí vào bốn khu vực cách biệt có thế liên hoàn. Thổ cư ngang dọc ngay ngắn nhìn ra đường xóm thông ra bến sông. Vườn nối vườn chạy dài từng đôi dãy, có xóm nhỏ thông dịch giữa mỗi dãy. Hồ, hói nhân tạo theo thế long mạch phong thủy thông nước ra vào với dòng Bồ. Đất đai phân hai loại điền và thổ. Điền là ruộng thấp, trồng lúa nước. Thổ là dồng cao trồng hoa màu. Về sỡ hữu thì có công điền, mỗi kỳ 3 năm lập bộ trục dân, làng chia đều cho dân chúng canh tác. Số còn lại, hằng năm cho dân đấu nộp tô. Một ít tư điền là ruộng tư nhân. Tộc điền là ruộng đất phân chia từ ngày lập làng cho các họ tộc. Làng còn phân đất lâu dài phục vụ cúng chùa, cúng phe, bổng cho người chức dịch trong làng. Làng có những bức ruộng Lộ Tự, Triệt Điền để chúa làm lễ cày ruộng đầu năm. Về di tích, dân làng còn nhắc tên các địa danh Cồn Kho, Mô Súng, Ụ Voi, cửa Khâu, Phủ, Dinh Ông, Nhà Thánh và 7 cái cống vòm xây gạch bề thế trên các hói. Tất cả những di chỉ này hầu như còn dấu tích rõ ràng đến giữa thế kỷ XX. Sau năm 1975, một số di tích và cơ chế sở hữu đất đai của làng đã bị xóa bỏ.
Thời gian làng ông là Phủ Chúa cũng là thời gian nhà Chúa trọng dụng Đào Duy Từ. Đức Ông tác giả của “Hổ trướng khu cơ” và “Ngọa Long cương vãn” này chỉ phục vụ nhà Chúa 8 năm thì cả 8 năm trong thời gian Phủ Chúa đóng tại Phúc An. Không biết đầu óc vị công trình sư của Lũy Thầy Nhật Lệ và Trường Dục có đóng góp gì cho việc thiết kế lỵ sở Phúc An? Có người còn bảo tục đu chùa hàng năm tổ chức tại làng ông trước tam quan chùa làng vào mấy ngày tết là có từ thời Phủ Chúa và do Đức Ông dạy dân lập ra. Tiếc là sau 2 năm vị quân sư này mất thì lỵ sở này cũng không còn được sử dụng. Vị chúa thứ 3 đã chuyển lỵ sở qua dòng Hương(4).
Về tên gọi làng ông, ông cứ thắc mắc mãi. Trong Phủ Biên Tạp Lục, Lê Quí Đôn viết năm 1776 ở Thuận Hóa có ghi: “Tổng Phúc An, 7 xã, 1 thôn, 2 phường: Phúc An, Đào Cú, Phú Nam, Niêm Phù…”(5). Trong bộ sách Việt Nam Sử Lược của Trần Trọng Kim, tham khảo các tài liệu chính thống, tác giả ghi rõ ràng là “Phúc An” thế mà người ngày nay chỉ dùng nôm na là “Phước Yên”. Đã đành người xưa có tục kỵ húy, chữ Hán viết “Phúc An” nhưng phải đọc là “Phước Yên”. Phúc là Phước và An là Yên. Nhưng “An” nghĩa Nôm là yên lành, bình yên chứ không phải “Yên” chữ Hán là khói. Về đình làng, ông thấy bức hoành ghi tên làng chữ “Yên” với bộ “Hỏa” bên chữ “Tây” và chữ “Thổ”. Thế là thế nào? Có người còn dựa vào đây giải thích rằng chữ “Yên” là “khói” chính là để tôn vinh công trạng làng nghề nấu ăn truyền thống nổi tiếng của dân làng. Trong thời nhà Nguyễn, người làng Phước Yên được ưu tiên tuyển chọn vào đội Lý Thiện, Thượng Thiện lo việc cỗ bàn cúng bái trong triều và phục vụ Ngự Thiện. Nhờ làn khói phước thơm tho của bếp Ngự Thiện mà dân làng hiển đạt. Làng có tên là Phước Yên là vì thế. Có người còn bảo, chữ này đã dùng lâu lắm rồi, thời sinh tiền cụ thượng Cao, đình làng đã dùng chữ “Yên” - Khói này(6).
Đã lâu lắm rồi trong việc quản lý dân số, các đơn vị cư trú dân cư không còn sử dụng đơn vị “Làng”. Ở nông thôn, chế độ hành chánh bốn cấp chỉ dừng lại ở đơn vị “Xã” là cuối cùng. Giấy tờ hành chánh không dành chỗ cho danh từ “Làng”. Thế mà ngoài đời cái “Làng” thân thương trìu mến gắn mãi với người dân quê. Xa quê lâu ngày, khi nghe tiếng “Về làng” là lòng người thấy xốn xang. Ở đó biết bao kỷ niệm ấu thơ, bao điều gắn bó máu thịt, là nơi cắt rốn chôn nhau, là nơi yên nghỉ ngàn đời của tổ tiên dòng họ… Đó là quê hương. Mà quê hương chính là cái gốc của Tổ quốc, của nòi giống.
Đường về làng ông nay đã có cầu bắc qua. Cái ngõ từ bến đò chợ Kệ đi lên ngang qua Tòa, qua cổng nhà ông Tri huyện, qua dinh Ông, qua nhà Thánh, qua đình làng… còn đó mà ít người qua lại. Cầu vạch một đường mới vào làng, được nối dài bằng con đường nhựa xuyên giữa ruột ngôi làng, hằng ngày nhiều xe cộ băng băng. Ngõ xóm hết bóng tre, nhường khoảng trời cho dây điện kéo. Điền thổ đã sung công vào hợp tác xã và bây giờ cấp cho người dân quyền sử dụng dài ngày. “Điền” bây giờ chỉ còn độc canh lúa, một số đã biến thành “thổ”. “Thổ” thì chỉ có rau má. Nước máy về đến từng nhà, các bến sông ngày xưa mỗi ngày trẻ con tắm mát không còn. Giữa trưa hè, cánh đồng làng mướt xanh rau má làm dịu bớt cái nắng oi bức chói chang phản chiếu màu vàng xuộm từ đồng lúa chín. No ấm, sung túc! Điều đó không thể phủ nhận. Nhưng... Xuống nơi bến sông xưa... không còn lối đi… Chỉ rau má! Ông già nhớ ngẩn ngơ những buổi hụp lặn thời niên thiếu.
Theo con đường mới, ông phóng xe qua Dinh. Con đường nhựa thẳng băng! Ông chỉ đi thẳng, không rẽ trái, quẹo phải lần nào, chỉ nhìn phía trước tiến tới. Qua cầu Hương Cần sông Bồ, cầu Bạch Yến sông Đào, cống cửa Hậu hào hộ thành, Cống cầu Kho sông Ngự Hà ra cống cửa Thượng Tứ là đến bến Thương Bạc sông Hương. Con đường chỉ hơn 10 cây số thế mà nhà Chúa, nhà Vua ngày trước mấy trăm năm mới đi hết.
N.V.U
(SHSDB22/09-2016)
-------------------
(1) Bài hát Làng tôi của nhạc sỹ Chung Quân
(2) Bài thơ "Cổng làng" của Bàng Bá Lân
(3) Miếu thờ Chiêu Vũ Hầu Nguyễn Hữu Dật (1603-1681), từ năm 1681.
(4) Đào Duy Từ (1572-1634), Làm quan với chúa Sãi từ 1627 đến 1634 thì mất, thọ 63 tuổi. Đó là thời gian chúa Sãi lập Phủ Phúc An. (1626-1635).
(5) “Phủ Biên Tạp Lục”, Lê Quí Đôn; bản dịch của Đỗ Mộng Khương, Nguyễn Trọng Hàn, Nguyễn Ngọc Tỉnh; người hiệu đính Đào Duy Anh; Nxb. Khoa học, trang 77.
(6) Thượng Thư Cao Đăng Đệ, (1847-1939); Cử Nhân khoa Đinh Mão (1867); Tiến sĩ khoa Ất Hợi (1875).