Bút ký - Tản văn
29 Tết ra ngồi cà phê quán chợ…
08:45 | 26/01/2017

VŨ DY    
     Tùy bút  

Cuối năm, đó là khoảng thời gian người ta nhiều xúc cảm nhất. Buổi sáng, ngồi nhà không yên, lấy xe chạy lòng vòng thị trấn coi không khí chuẩn bị đón tết của bàn dân thiên hạ.

29 Tết ra ngồi cà phê quán chợ…
Tranh Đông Hồ

Từ chối mấy cuộc gọi mời cà phê quán đẹp, lấy cớ bận tết, bạn bè cũng đành thông cảm. Muốn dạo một vòng quanh chợ để nhìn cảnh đông vui, chen lấn, để có được cảm giác bán mua, hối hả, nhưng rồi ngại. Bèn ghé vào một quán gần lối vào cổng chợ. Quán không tên, bàn ghế cũ, tuyềnh toàng, khách đủ loại, ngồi đủ kiểu, ồn ào nhưng ấm cúng và có thể nghe đủ thứ chuyện trên đời. Hầu hết đàn ông, có lẽ đây là quán quen của các ông chồng đón đưa vợ đi chợ, ngồi nhâm nhi cà phê, hút thuốc, tán gẫu đợi chở vợ về. Xe máy để chật như nêm, tràn ra cả lối đi. Chọn một bàn sát cửa nhìn ra toàn cảnh phố chợ bên ngoài. Cà phê ngon, đá lạnh, hớp một ngụm mới thấy những ai chưa từng thưởng thức cà phê là một thiệt thòi lớn trong đời. Cà phê một mình, ngồi nhìn loài người hối hả trôi theo cuối năm, cũng là một thú vui. Ban mai sương mông lung, tưởng một ngày nắng đẹp nhưng không dưng chút mưa mù hắt tạt về. Lạnh.

29, giáp Tết, những ngày cuối cùng của năm, ai cũng chạy đua với thời gian, chuẩn bị cho một chia tay và chờ đợi. Bỏ lại sau lưng năm cũ bộn bề và đón chờ một năm mới, dẫu, chắc gì ngày tháng tới đã bớt lo toan hơn. Cuối năm, mọi vật trên đời rủ nhau phô diễn hết mình với vô vàn cung bậc. Những sắc màu, tiết điệu, hình thể, âm giai, cả niềm vui rạng rỡ và nỗi buồn giấu lại. Chợ tràn ra cả đường, hoa tràn ra hết phố. Chiếm chỗ. Sắp đặt. Phô diễn và tạp âm. Chợ tết hầu như có đủ mọi thứ trên đời, trên các lối phố nhiều nhất vẫn là hoa. Màu hoa cứ sống động, hồn nhiên, rực rỡ chảy tràn dưới chân đi những người con gái. Nhìn những cô bé quần jean tóc nâu, môi hồng đào, trẻ trung tay vừa ôm hoa vừa lướt điện thoại, làm cứ mơ mộng tưởng mình còn đang hai mươi. Nhìn những cúc vàng, hồng đỏ trên tay các cô gái chợt nhớ câu thơ mình viết thời trẻ dại: “Hoa cháy đỏ tay người cánh mềm biến sắc/ tháng mười hai cháy như tôi không thể nào dập tắt”. Tháng mười hai thường làm người ta vui và cũng làm người ta buồn. Chợ đông, ngang qua tôi là xe máy rú ga, là người đi tay xách nách mang, là chào mời, mặc cả, hỏi thăm nhau, í ới, kẻ vội, người thong dong. Âm thanh chợ không biết từ bao giờ với tôi đã biến thành một hợp xướng với những âm giai ấm áp và thân thuộc, đi xa lâu cứ muốn tìm về nghe lại. Tự hỏi trong xôn xao náo nhiệt ấy có bao kẻ hết năm rồi còn tha phương không kịp về gõ cửa quê nhà, cứ nói cười nhưng trong mắt vẫn thấp thoáng nỗi buồn cố quận?

Những năm gần đây hoa tết nhập về nhiều chủng loại và đẹp hơn. Xuân là thế giới của hoa. Bên cạnh mai, cúc và hoa hồng còn có lay ơn, cẩm chướng, hoa ly, và vô vàn sắc màu lạ lẫm không thể biết hết tên. Mỗi loài hoa là một thông điệp không lời, một tính cách. Kiêu sa, kín đáo, mộc mạc, dịu dàng và cả rờ rỡ gọi mời. Không còn thấy hoa thược dược, cúc vạn thọ và hoa mào gà, những dáng hoa xưa quen thuộc tôi thường thấy thuở nhỏ khi còn theo mẹ đi chợ tết đã vắng dần theo năm tháng. Người ta bảo thiếu nữ giống như hoa, tôi nghĩ hoa giống thiếu nữ hơn. Hoa đang nụ như cô gái còn mang vẻ đẹp ngây thơ, khi nở hết đã chớm thành thiếu phụ. Trong cái hàm tiếu của nụ dường như còn thiếu chút xuân thì, trong mãn khai rực rỡ làm đắm say ấy đã thấp thoáng vẻ tàn phai. Ở thời điểm nào hoa cũng có vẻ đẹp riêng. Ai bảo trong cái chớm úa tàn ấy không có vẻ quyến rũ chết người? Quán đang mở một bản xuân xưa điệu rumba, giọng ca mới, trong lời có pháo đỏ, rượu nồng, có mai vàng và mắt cười lúng liếng, có bước chân hội hè đi chơi, đi chúc. Nghe mà thấy nao nao, mà thấy lâng lâng như vừa uống một lon Sài Gòn xanh ướp đầy thương nhớ hay một ly cognac thật nồng với bạn bè trong một tất niên cũ. Thoảng mùi nhang trong gió sớm làm nhớ da diết những chiều cúng cuối năm ở quê nhà duyên hải miền Trung thời thơ bé. Ngôi nhà nhỏ ấm cúng thơm ngát hương trầm, có căn bếp thơm lừng mùi xào nấu và đỏ lửa suốt giao thừa, mấy chị em xúm xít quanh nồi bánh tét gạt than ủi quần áo tết bằng chiếc bàn ủi đồng lâu ngày đã nâu xỉn, nắp gài có con gà trống và tay cầm bằng gỗ, thỉnh thoảng lại mở ra quạt phành phạch làm hoa lửa bắn tung tóe. Những quần áo mới ấy cùng thằng nhóc tôi suốt đêm không ngủ chờ sáng mồng một tết xúng xính diện vào. Tất cả giờ đã xa lăng lắc. Một chú bé đi ngang qua với món đồ chơi hiện đại trên tay làm tôi nhớ những con tò he bằng bột xanh đỏ ngày xưa trong những phiên chợ sáng 30. Đi chợ tết để được chơi tò he và ăn kẹo ú, cái thứ kẹo quê đơn sơ gói trong giấy báo hay lá chuối khô, một xu được ba viên to gần bằng ngón chân cái, ngậm vào là nghe ngọt lịm nhưng mồm miệng thì dính đầy bột trắng thơm. Những con tò he bây giờ không còn ai về bán nữa và tôi cứ giữ gìn chúng trong ký ức từng con giống đáng yêu đã trở thành nuối tiếc ấy, dù chẳng biết để làm gì. Nhìn qua bên kia đường cơ man là hoa mai và cúc, chậu xếp đều tăm tắp được chở từ Phú Yên, Bình Định lên, vàng với xanh điểm xuyết, rực rỡ một miền, người đi xem đi mua tấp nập. Tự dưng thấy thương chú bé mũ lưỡi trai đứng khép nép bên mấy nhánh mai vườn gầy guộc, mong đợi một kẻ mua. Cầu trời sáng mai sẽ không còn thấy em đứng đó buồn thiu bởi, tôi tin, vẫn còn một ông khách yêu mai tốt bụng nào đó đã dừng lại, đã mang đi cành lộc ấy và mua đi cả nỗi buồn cho em.

Phố núi gần tết mang bộ mặt tươi tỉnh hơn sau những tháng mưa dầm nhão đất. Phố hai bên khoát bộ cánh mới nhiều màu sắc rực rỡ như chưa từng mưa nắng gội. Nhà xây dựng tạp nham và tùy tiện, lô nhô, chen chúc như một sắp đặt ngẫu hứng. Vẫn còn những bức tường rêu xanh, mái tôn rỉ sét ẩn khuất bên mấy ngôi nhà tầng vượt lên cao kiêu hãnh. Những bảng hiệu đã được thay mới, dựng chắn ở mọi góc nhìn, sắc màu tươi mới, lòe loẹt, thời của quảng cáo mà, tội gì không phô trương cho thượng đế mãn nhãn. Quá nhiều khuyến mãi và giảm giá, mua 1 tặng đến 2, 3, lãi suất không phần trăm. Ưu đãi, hấp dẫn, mê hoặc và ám thị. Nghĩ cũng buồn cười, con người đi dụ bắt chim trời, thú hoang còn mình thì dụ mị nhau bằng vô số ngôn từ mĩ miều và chiêu thức tinh vi. Nhìn ra cận cảnh từng mảng phố lắp ghép nhau như một họa phẩm đương đại. Cuối năm người cứ cuốn theo nhau bất tận, một mình ngồi lại, một chút bâng khuâng và thương tiếc, nghe thời gian đi như nước chảy qua cầu, trôi biền biệt không về.

Trong quán cũ kĩ này chỉ chưng một chậu cúc vàng như nắng. Tôi vốn yêu mai và cúc bởi vẻ đẹp giản dị, nồng ấm và cả chút mong manh của chúng. Sắc hoa vàng luôn làm tôi mềm yếu. Ngày còn đi học, nhớ Tô Hoài viết “Mùa thu hoa cúc vàng lưng dậu, lối mòn đầy lá đỏ rơi”, hình như hoa cúc chỉ nở nhiều vào mùa thu, câu văn ấy cứ làm u hoài mãi. Tết đến hoa cúc nở tràn, thậm chí nở đúng ngày theo ý muốn, hoa mọc đều nhau như sắp, từ cúc mâm xôi, cúc vừa, đến đại đóa… trăm chậu giống hệt nhau, nhiều vô kể, hơn bất kì một loài hoa nào khác. Tôi yêu hoa nhưng phải là hoa từng mùa, tôi không thích một thứ hoa nở suốt bốn mùa, tình ấy chỉ nồng nàn trong từng thời điểm. Nhan sắc dù được nâng niu cũng tàn phai để mà tưởng tiếc. Tôi nhớ một khúc thơ của Trần Dạ Từ: Thuở làm thơ yêu em/ trời mưa chưa ướt áo/ hoa cúc vàng bên thềm/ gió mây lưng bờ dậu. Tôi cũng nhớ một câu thơ đã cũ thời trung học: Tháng mấy em về hoa cúc nở/ trong trái tim buồn thương áo phai1. Tôi nghĩ, thuở ấy, tháng ấy chắc là tháng tám, tháng chín mùa thu ngập ngừng heo may, còn màu áo làm thương nhớ đó phải là áo thu phai, và hoa của tôi là những bông cúc vàng, cúc tím mong manh như khói sương của một thời hoa niên mộng mị. Theo thời gian người ta rồi cũng thích nghi dần với đổi thay, bây giờ tôi đã quen với sự hiện diện của hoa cúc ngày xuân, những bông hoa âm thầm giữ nắng suốt mùa đông trong từng cánh nhỏ, và thủy chung đến cả khi úa tàn như người xưa ca tụng: Diệp bất ly thân, hoa vô lạc địa. Chiều 29, 30 Tết mua một chậu cúc vàng nở đầy ăm ắp về chưng trước hiên nhà hay trong phòng khách sẽ làm sáng bừng lên, gợi một no ấm, đủ đầy.

Mùa xuân, tôi đã nói quá nhiều về hoa lá và nắng ấm, về sương khói và thời gian, cả những kỷ niệm đẹp đã vợi xa ngày thơ dại, sao tôi có thể bỏ quên không một lời về những người phụ nữ. Người mà một ai đó đã nói rất hay về họ: Trên đời có này hai tiếng đẹp nhất, đó là tiếng mẹ và tiếng em. Người mà nếu vắng bóng chỉ một giờ thôi trong ngày Tết, cam đoan rằng ngôi nhà sẽ trở nên hoang lạnh. Ngoài kia, họ đang tất bật đi mua đi chọn, đang hối hả bon chen trong khi tôi ngồi thưởng thức cà phê và mơ mộng. Họ im lặng đi qua, cô đơn và khuất chìm đâu đó giữa chợ đời quá rộng, nhưng chính họ như ngọn lửa đang ngời lên ngoài phố buổi tàn đông, bởi họ vốn là một hóa thân tuyệt đẹp. Hóa thân của mùa xuân nồng ấm, tôi nghĩ vậy. Và những đức ông chồng trong cái quán ồn ào xung quanh tôi đây, dù cuộc sống hằng ngày không ít lần bị vợ cằn nhằn, chì chiếc, bây giờ đã bắt đầu ngó nghiêng, đã sốt ruột chờ đợi người phụ nữ của mình.

Năm tháng tận, ra ngồi nhìn đời xôn xao. Bao năm, vui buồn tưởng đã như nước đọng, cớ sao nghe đầy ắp nỗi niềm?

V.D  
(TCSH336/02-2017)

-------------
1. Thơ Đỗ Khánh Hồng Liên  






 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Mưa An Cựu (19/12/2016)
Ký ức Minh Hải (17/11/2016)
Chuyện làng (14/10/2016)