NGUYÊN HƯƠNG
Có những ngày tháng đi qua đã để lại nỗi trống vắng hoang tàn cho con người và tạo vật. Và đôi khi ta thấy tiếc nhớ những ngày tháng ấy như tiếc một món vật cổ điển đã mất đi, dẫu biết rằng theo nhịp tuần hoàn mỗi năm, ngày tháng ấy còn quay trở lại.
Như một kẻ tiếc thương quá khứ, ý nghĩ cá nhân luôn đẩy tôi đến một nỗi buồn mông lung khi giờ khắc cuối cùng của tháng Chạp vừa kết thúc. Chạp, trong suy nghĩ của tôi, là tháng đẹp nhất trong năm. Về đường đi của thời gian, đó là tháng cuối cùng của năm, báo hiệu Tết cổ truyền đang đến rất gần và cũng lùi xa... rất vội. Về dáng điệu, tháng Chạp không hiển lộ sự đẫy đà xuân sắc mà khẳng khiu một vẻ mặt buồn bã lo lâu, thâm sâu và riêng chịu. Cây lá úa tàn nhưng không ủy mị, và nhất là khi chìm trong nắng hanh gió bấc, rét tháng Chạp thường gợi cho ta một nỗi rung động về nhan sắc của mùa đông. Ngoài hiên cửa, nắng hanh vàng ruộm qua kẽ lá khế già sà xuống, mang đến cảm giác khô rát da người, nhưng khi đêm xuống, sương muối và gió bấc tràn về, nằm trong tấm chăn bông chần vẫn cảm nhận mồn một khí lạnh xuyên thấu thịt da. Tiết trời ấy, thiên nhiên chỉ ban tặng cho duy nhất mỗi tháng Chạp. Và theo tôi, khi đương Chạp cũng chính là lúc mùa đông đẹp nhất.
Nhớ những năm xưa, khi bà ngoại tôi còn sống, cứ đến Chạp lại nấu nước bồ kết gội đầu. Bồ kết được hái từ một gốc cây già sụ cuối vườn, để trong một chiếc sàng to, phơi dưới nắng đến khô giòn rụm, trái nào trái ấy cong cong khum khum như mảnh trăng non đầu tháng. Bà sẽ nướng bồ kết trên bếp củi, những con sâu nhỏ đục lỗ trong trái vì hơi lửa nóng quá phải tìm đường bò ra bạt trấu để thoát thân. Bồ kết nướng xong được bỏ vào siêu đun cho nước sôi lên. Xong, bà bắc ghế ra bờ giếng gội đầu. Tôi được bà nhờ múc nước giếng pha với nước nấu bồ kết cho đủ độ ấm. Vừa pha bà vừa chỉ dẫn cách vò bồ kết sao cho không bị vụn. Bà bảo, xưa ông bà thương nhau cũng vì trái bồ kết này.
Tôi khoanh tay ngồi xổm nhìn bà gội đầu. Dưới bóng nắng xiên khoai buổi chiều, bà ngoại tôi như người hiện về từ cổ tích. Dáng người nhỏ bé, tấm lưng còng gập được che phủ bởi màu áo nâu xồng rất cũ nhưng sạch sẽ và thẳng thớm vô cùng. Mái tóc trắng phau chảy tràn xuống chậu nước sóng sánh ánh vàng trông như một dải lụa màu cánh gián. Miệng bõm bẽm nhai trầu, lúc lúc lại hỏi chuyện vì lo đứa cháu ngồi cạnh buồn. Nhưng mà bà đâu biết rằng, tôi của khi ấy đã muốn xung quanh thật im lặng, nếu có chỉ là tiếng nước tiếng tóc va chạm vào nhau, để tôi được nhắm mắt hít trọn mùi hương bồ kết bốc lên, lan tỏa và quấn quyện khắp không gian. Đó là một mùi hương mộc mạc vô ngần, được tạo nên từ đồng đất và sương khói củi lửa của thời gian. Sau này khi được đi đến nhiều nơi, nếm trải nhiều vùng đất và phong vị, tôi vẫn không thể tìm thấy mùi hương nào thơm tho và nguyên thủy giống như mùi bồ kết mùa đông của bà tôi ngày ấy.
Khi bà gội xong phần mình, sẽ đến phần tôi được bà gội cho. Tôi thích nhất khi được bà vừa gãi đầu vừa tỉ tê kể chuyện. Bà thường hỏi bà gãi thế con có đau không? Có thích không? Cái vành tai nhìn ghét quá... Tôi sung sướng với đặc ân ấy của bà nên bà nói chi cũng gật hết, vì trong bầy cháu nhỏ, tôi là đứa duy nhất được bà gội đầu cho. Một cảm giác thần tiên diệu kỳ chảy trong trái tim niên thiếu của tôi khi được bàn tay già cỗi ấy chạm vào da vào tóc, và cho đến tận bây giờ, tôi vẫn đinh ninh đó là sự va chạm thân thể gây nên cảm giác mềm mại và run rẩy nhất cho bản thân mình.
Sau khi gội sạch đầu cho tôi, bà dẫn tôi lên hiên ngồi chải tóc. Làn gió bấc sau vườn thổi vụt qua sân, đâm thủng tấm áo cánh mỏng xuyên khí lạnh vào da thịt khiến tôi sởn gai ốc. Cùng lúc bà tôi “A” lên một tiếng khi chải được một con chấy kềnh trên đầu tôi. Tôi cầm lấy, thả nó xuống bờ hè và nhìn nó bò đi dưới cái nắng hanh tháng Chạp. Nó đẫy đà, căng bóng và ra vẻ là một chú chấy cường tráng. Tôi cứ nhìn mãi về đường đi của nó, cho đến khi tán lá khế rũ xuống hiên nhà để biết rằng, chiều đã xuống thật đậm rồi.
Chiều mùa đông là một trong những khoảnh khắc cô đơn nhất trần thế. Và những buổi chiều tháng Chạp cũng đã để lại nỗi nhung nhớ mơ hồ trong trí nhớ của tụi trẻ nhỏ nhà quê như chúng tôi. Sau giờ tan lớp buổi sáng, về nhà cất cặp sách và ăn tạm bát cơm, tôi và đám bạn rong trâu đi chăn đồng xa. Cánh đồng của đám trẻ chăn trâu chúng tôi ngày ấy tên là Nương Ngọa, cách nhà gần 5 cây số, bạt ngàn niềng niễng và cỏ gừng. Nơi ấy có cả núi và sông bao quanh, thấp thoáng có vài mái nhà tọa dưới chân núi mà những khi khát chúng tôi thường vào đó xin nước uống. Chạp sang cũng là khi lúa đã gặt hết, cả cánh đồng chỉ còn trơ gốc rạ. Gió từ sông thổi vào lồng lộng, tạo thành những cơn sóng rạ trên mặt ruộng khô. Tôi hay ngồi vắt vẻo trên lưng trâu, nơi có thể nhìn rất rõ lũ rận trâu đang bò lổm ngổm. Và trong những lúc vắt vẻo như thế, khi tôi còn đang mải nhìn về cánh đồng ngô phía bên kia sông Vàng thì bị cơn gió tạt tới làm bay mất chiếc nón mê. Tụi bạn nhào tới chạy theo cơn gió để bắt chiếc nón, nhưng càng đuổi theo gió càng đẩy ra xa cho đến khi chúng tôi mệt nhoài và nằm luôn xuống bờ ruộng. Tiếng cười khúc khích vang vọng cả cánh đồng, từ những đứa trẻ có đôi môi khô nứt nẻ đến gần như chảy máu và áo quần chi chít nhựa cây.
Trâu được thả trên đồng bãi ấy, tha hồ gặm cỏ và bơi đẵm mà không lo phạm đến lúa của nhà nào. Chúng tôi phó mặc đàn trâu cho cánh đồng, và hoàn toàn yên tâm với sự chiều chuộng của cỏ non sau gặt sẽ vừa bụng đàn trâu. Để như thế, tụi mục đồng chúng tôi được thả sức làm cái việc rất thú, đó là bắt cá rô đồng.
Rô đồng mùa Chạp rất béo, sau một thời gian trú đông và ăn nhiều thóc lúa. Thằng P. là đứa rất nhạy với việc nhìn ra chỗ rô đồng ẩn nấp. Thường thì những thửa ruộng gần rìa mương, nước xăm xắp, bùn dầy, rong rêu mọc xen kẽ sẽ có nhiều rô. Chúng tôi vun đất be bờ rồi lấy nón tát nước cho cạn. Sau đó cả bọn bì bõm mò móc, không khó để bắt được đám rô mình dày với cánh vây đầy gai sắc. Tôi vẫn nhớ cảm giác sung sướng của mình ngày ấy khi bắt được con rô đồng đầu tiên, nó rất bé nhưng đầy đặn và tròn một bụng trứng. Người quê tôi gọi đó là rô ron.
Có rô rồi, chỉ cần vơ củi đốt lửa lên là có ngay món cá nướng thơm lừng. Cá sẽ được xiên vào que, hơ trên đống củi nhãn cho đến khi cháy đen rơi hết lớp vẩy bên ngoài. Cầm con cá trên tay, trong khi còn đang xuýt xoa vì nóng thì chúng đã được bẻ ra làm đôi. Màu thịt cá trắng như bông, mùi thịt cá thơm mùi thơm đồng đất quê mùa khiến đứa nào đứa ấy thèm chảy nước miếng. Chúng tôi ăn uống xì xoạp, cười đùa lăn lộn, mặt mũi mồm mép đen sì vì củi than, trông cả bọn không khác gì một đám khỉ con thời còn chưa tiến hóa. Cả cánh đồng mênh mông một màn khói rạ bên trời, nghi ngút, bảng lảng và con người tuồng như mất dấu. Tiếng nghé ọ kêu tìm mẹ, nghe thương thiệt là thương... Ui chao cái con nghé con dễ ghét ấy, tụi tao còn đang chưa tàn tiệc cơ mà!
Trời tháng Chạp tối sớm. Chúng tôi buộc phải tàn cuộc để lùa trâu về nhà. Tôi tìm thấy một lạch nước, trên bề mặt đầy bụi và lá cây khô, nhưng chỉ cần khẽ khàng hớt hết váng bụi ấy sẽ nhìn thấy một màu nước sạch tinh, trong khiết. Tôi vục tay táp nước vào mặt. Nước lạch mùa đông lạnh ngắt, thấm đến từng lỗ chân lông và khiến tôi tỉnh ngủ. Khi ấy, núi đã ở lại phía sau, sông ở lại phía sau, khói trời nghi ngút cũng ở lại phía sau. Chỉ có những mình trâu đen sẫm, đẫy đà vì no bụng ở trước mặt. Trên quãng đường gần 5 cây số lùa trâu từ đồng về nhà, chúng tôi đã cùng nhau hát vang những bài ca tập thể như Lên đàng, Nối vòng tay lớn, Năm anh em trên một chiếc xe tăng... để xua đi cái lạnh đang tràn đẫm vào mình. Trời tối mịt. Một dàn hợp xướng mục đồng kéo dài suốt từ Nương Ngọa về đến làng, với những bóng nón ngắn tũn ngũn trên mình trâu to đùng. Về đến lò vôi, thoáng thấy vài ba bóng điện ló lên, làng đã ở trước mặt, mấy hộ gia đình sốt ruột mãi không thấy con rong trâu về nên đã ra đầu làng ngóng đợi. Mẹ tôi cũng là một người trong số ấy, bà mang áo khoác ra cho tôi, bồng tôi từ lưng trâu xuống, bà vừa mặc áo cho tôi vừa làu bàu “Chúng mày định ngủ ở dưới đấy hay sao mà giờ này mới chịu về?!”
Hội chúng tôi chăn trâu suốt cả năm nhưng vào mùa Chạp là thích nhất. Vì cánh đồng sau gặt khiến chúng tôi không phải canh trâu ăn lúa. Vì mùa Chạp nhiều thức ăn đồng quê có thể tự kiếm và chén ngay tại chỗ. Và nhất là, sau này khi lớn lên, tôi mới nhận ra rằng, tất cả chúng tôi - những đứa trẻ nhà quê nghèo khó ngày ấy, đều rất thích mặc nhiều lớp áo len đi đồng xa, để cởi bớt ra chia sẻ cho đứa thiếu áo mặc cùng...
Nhưng có lẽ, Chạp đã là những nốt vui trong sáng nhất trong quãng đời niên thiếu của thế hệ chúng tôi thời đó qua những ngày giáp Tết. Khoảng cữ từ lễ cúng ông Công ông Táo trở đi, làng tôi rậm rịch khí Tết. Nhà tôi có một mảnh nương bên đầm kênh, phía trước là sông Ngô và phía sau là núi Đức. Tôi thả trâu trên bờ đê gần nương nhà mình, tha thẩn tìm cỏ gà tự chơi. Dưới nương, mẹ tôi đang cắt lá dong về gói bánh chưng. Tôi đứng trên bờ đê, mẹ tôi ở dưới nương, hai người nói chuyện tưởng như vẳng lên tận vách núi. Hoa cải đắng nở vàng cả một triền nương, ngay dưới chân núi. Chị cả tôi khi ấy đã thành thiếu nữ, mẹ hay hái hoa cải về cho chị cắm trong phòng.
Hai bên quang gánh của mẹ tôi khi ấy, một bên là lá dong, một bên là hoa cải vàng. Mẹ tôi đội nón mê chít khăn bông, đi trên triền đê đầy gió một chiều cuối Chạp. Tôi vẫn luôn tin, hình ảnh ấy chứa đựng hơi thở hiền dịu nhất của đồng quê.
Thong dong dắt trâu theo mẹ về nhà, nghe tiếng người lớn hỏi han chuyện bánh chưng đụng lợn, tôi biết Tết đến nơi rồi. Những ngày giáp Tết, ruộng nương đã được cày xới xong xuôi, chỉ chờ ăn Tết xong, ra xuân đổ ải là vào mùa cấy. Những con lợn to nhất, béo nhất sẽ được dành để mổ ăn Tết. Có những rạng sáng đã nghe tiếng lợn kêu eng éc từ cuối xóm vọng về, biết rằng có nhà vừa mổ. Xong phút ấy, khi còn đang nằm trong chăn ấm, mấy chị em chúng tôi được mẹ đánh thức dậy để xem cha gói bánh chưng. Mắt môi còn chưa rạng, hai chân líu ríu xỏ dép quàng xiên, cốt để được thấy chiếc bánh đầu tiên cha đã gói xong. Đó là chiếc bánh nhà tôi để dành thờ tổ tiên trong 3 ngày Tết.
Cuối Chạp, khoảng 3 ngày trước Tết, tụi trẻ con chúng tôi rủ nhau đi quanh làng. Hết kháo nhau Tết này được mua áo mới lại dẫn nhau đến nhà nào tụ tập đông người. Đi đến đâu cũng thấy mùi bánh chưng luộc thơm nức bay lên. Tôi hay ngồi trước nồi bánh chưng nhà bà ngoại, nghe tiếng nước sôi ùng ục và tiếng bập bùng của củi thông. Má môi nứt nẻ hồng rực mà tay còn lấn cấn mãi không muốn buông vì mùi bánh chưng luộc. Nó ôm chứa cả một nếp sống và tâm hồn của làng quê ngày Tết. Và những khi ấy, nếu đứng từ trên đỉnh núi Nghè nhìn xuống, làng tôi đượm màu huyền thoại vì khói luộc bánh bốc lên lan tỏa khắp làng trông như những dải mây tiếp từ mặt đất.
Khi tôi viết những dòng này, hoa đào đang nở trong sân. Giêng tới Chạp tan. Mùa xuân vừa nhú sau tay áo người nông dân đi thăm mạ sáng mùng một Tết. Nhưng không hiểu sao, tôi luôn thấy Tết thực sự phơi phóng hồn mình đậm nhất phải là những ngày cuối Chạp chứ không phải Tết của sang mùng tháng Giêng. Tâm trạng háo hức, hồi hộp, thu vén của con người để lo một cái Tết lúc cuối Chạp hẳn là hay hơn khi ăn Tết. Vả lại, Chạp đã vĩnh viễn lưu giữ ở đấy những ký ức âm tính nhất của tôi về bà ngoại, về mẹ, về chị, về một tuổi thơ đồng ruộng nghèo khó mà đầm ấm.
Chạp đã ở lại phía sau, khi đã thở những hơi thở đặc quánh phong vị phương Đông nông nghiệp. Nhưng dẫu đã tan, Chạp vẫn đủ sức tỏa ra những vệt mùi quý mộc và ám ảnh nhất của một năm âm lịch. Bởi lẽ khi ở trong Chạp, người ta ngửi thấy mùi vị của Chính Mình, sau cả một năm chiêm nghiệm những đúng - sai, cho - nhận, được - mất...
N.H
(TCSH337/03-2017)