Và tôi được biết, đã gần 30 năm qua, năm nào bà Trần Thị Chương - vợ ông, cũng cùng với các con, cháu hoặc là đồng chí, đồng đội của ông đều trở lại Dương Hoà; để được gần ông hơn trong mối dây giao cảm âm dương, để có cơ hội chứng kiến sự hiện hữu linh diệu của đất trời mà tìm ra chỗ ông nằm. Nhưng, hình như ông chưa muốn rời xa "chiến khu", chưa muốn về với ba,ì hoặc như thân xác ông đã hoá thành sương khói cỏ cây, nhoà vào trong ký ức chiến tranh, xoá đi mọi dấu vết thời gian, tĩnh lặng sâu thẳm cùng đất đai núi rừng Trường Sơn huyền ảo ...
Bà Chương vẫn cứ đi tìm ...
Liệt sĩ Ngô Hà, sinh năm 1920, nguyên Bí thư tỉnh uỷ Thừa Thiên thời kỳ 1959-1962, Bí thư thành uỷ Huế giai đoạn 1962-1965, tên thật là Ngô Thúc Trưu, lúc hoạt động cách mạng lấy các bí danh Ngô Hà, Ngô Lén, Lê Hà. Chánh quán làng Thanh Lam Bồ, một ngôi làng thuần nông giàu chất liệu văn hóa dân gian và nổi tiếng đánh giặc của xã Vinh Thái, huyện Phú Vang, Thừa Thiên Huế. Ông xuất thân trong một gia đình nho học, có truyền thống yêu nước. Thân phụ là cụ Ngô Nhượng, đỗ tú tài chữ Hán nhưng không muốn làm quan, mà đi dạy học kiếm sống. Trong thời gian dạy học cụ vừa tích cực tham gia phong trào Duy Tân của Phan Chu Trinh, hoạt động ở Quảng Nam, Quảng Ngãi, sau vì đau yếu rồi bị bệnh mà mất.
Bảy chị em ông Ngô Hà sớm phải chịu cảnh mồ côi cha, bao nhiêu khổ cực vất vả đè lên đôi vai gầy yếu người mẹ goá - Bà vừa phải tần tảo kiếm sống, vừa phải nuôi con ăn học mong cho con sớm trưởng thành như di nguyện của người chồng đã khuất.
Mấy năm lên Huế học chữ, Ngô Hà được bà mẹ chắt bóp lo toan. Năm 1936, ông thi đỗ tiểu học Pháp-Việt, loại ưu. Song, do hoàn cảnh gia đình nên ông đành bỏ dở không thể theo lên những lớp trên, ông trở về làng lao động giúp mẹ chăm nuôi các em. Ở làng, vừa làm nông, ông vừa âm thầm dò la và biết được trong vùng có tổ chức của những người cộng sản hoạt động chính trị bí mật chống Pháp. Ông tìm mọi cách để bắt liên lạc, sau một thời gian kiên trì "thử thách" ông mới tiếp xúc được với những đồng chí như Hồ Nguyên, Đỗ Tram, Hồ Kháng ... là những cán bộ hoạt động cách mạng của Đảng Cộng sản Đông Dương tại Phú Vang lúc bấy giờ. Từ đấy, ông tiếp thu và chịu ảnh hưởng cách mạng, một phần thông qua một số sách báo cách mạng như Nhành Lúa, Dân, Tiếng Dân ... Ông được nhận thức thêm về chủ nghĩa yêu nước, về giai cấp vô sản. Ở địa phương, ông tích cực hưởng ứng tham gia các cuộc vận động quần chúng chống cường hào ác bá. Ông cùng bạn học là Lê Quang Thuyết gia nhập cuộc biểu tình kéo lên Huế đón Gô-đa (Godart) tham gia phong trào đòi dân chủ ; ông ủng hộ tích cực các hoạt động yêu nước chống Pháp nên đã bị thực dân và hương lý truy ráp bắt giam. Ông trốn thoát, bỏ làng vào Nam làm phu đồn điền. Đầu năm 1940, ông biết tin tình hình Sài Gòn, các tổ chức hoạt động cách mạng bí mật đang sôi động, ông liền bỏ đồn điền Cao Nguyên về Sài Gòn tìm cách bắt liên lạc. Thời gian ở Sài Gòn ông kiếm sống bằng nghề giặt ủi, dạy kèm và tự học. Năm 1941, khi quân Nhật nhảy vào Đông Dương, việc truy tìm "tội phạm" chống Pháp tạm lắng xuống, ông quyết định trở lại quê nhà vừa để biết tin tức gia đình, tìm cách bắt liên lạc với những đồng chí cũ, vừa để có thời gian kiếm thuốc trị bệnh.
Ở làng Thanh Lam Bồ được một thời gian, mặc dù tích cực dò la nhưng vẫn chưa bắt được liên lạc với tổ chức, gặp lúc hoàn cảnh gia đình quá ư khốn khó, nên năm 1943 ông lại phải rời làng vào Quảng Ngãi làm thư ký cho hãng rượu Sica. Đến khi quân Nhật đảo chính Pháp chiếm Đông Dương, hãng rượu bị đóng cửa, năm 1945 ông trở lại Thanh Lam Bồ - Từ đây một bước ngoặt mới một cách nhìn mới, mở ra giai đoạn hoạt động cách mạng sôi nổi nhiệt thành của cuộc đời ông Ngô Hà.
Giữa tháng 5-1945, ông bắt liên lạc được với tổ chức Đảng bí mật ở Phú Vang do đồng chí Đặng Do, tỉnh uỷ viên Thừa Thiên phụ trách. Ngô Hà được giao nhiệm vụ, hăng hái tích cực vận động quần chúng ủng hộ Việt Minh; các tầng lớp nhân dân Phú Vang hưởng ứng rất đông, nhanh chóng trở thành cao trào cách mạng quần chúng trên toàn huyện. Tháng 8-1945, ông tham gia khởi nghĩa cướp chính quyền ở xã, tổng, rồi kéo lên huyện; cả tỉnh hô vang giành chính quyền về tay nhân dân. Tháng 9-1945, sau Tổng Khởi nghĩa ít ngày, ông vinh dự được đứng vào hàng ngũ những người Cộng sản Đông Dương thuộc chi bộ ghép đầu tiên ở Phú Vang, do đồng chí Đặng Do tổ chức và lãnh đạo. Từ đó ông thoát ly gia đình dấn thân vào con đường hoạt động cách mạng chuyên nghiệp.
Tháng 10 năm 1945, ông tham dự lớp Huấn luyện chính trị do Việt Minh Trung bộ mở tại Huế. Qua năm 1946, Huyện uỷ Phú Vang phái ông đi phụ trách công tác xã, sau đó làm bí thư chi bộ, rồi lại cử ông đi lưu động xây dựng tổ chức Đảng ở các xã trong huyện. Mưu trí nhiệt tình cách mạng, uy tín thủy chung của người Cộng sản, với tài tổ chức tuyên truyền vận động quần chúng nên trong một thời gian ngắn, ông đã tổ chức phát triển được hai Chi bộ mới ở xã Phú Khuông, Phú Ninh và xã Phú Nhuận do ông trực tiếp làm bí thư. Năm 1947, ông được tín nhiệm bầu vào Ban Chấp hành Huyện uỷ, qua năm 1948 là thường vụ Huyện uỷ Phú Vang. Năm 1949, Tỉnh uỷ điều động ông tăng cường cho huyện Hương Trà, sau đó làm bí thư Hương Trà; cuối năm ấy Tỉnh lại điều ông về tham gia Ban Thường vụ Thành uỷ Huế. Năm 1950, ông được bầu vào Ban Chấp hành Tỉnh uỷ, được Tỉnh uỷ bầu vào Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Thừa Thiên, địa bàn hoạt động cách mạng của ông mở rộng ra khắp cả tỉnh.
Sau chiến thắng oanh liệt của quân và dân Thừa Thiên tại làng Thanh Hương, Phong Điền; và trận làng Thanh Lam Bồ, Phú Vang giữa năm 1951 đập tan trung đoàn Soskel chủ lực của Pháp, được Bác Hồ và Đại tướng Tổng tư lệnh gửi thư khen ngợi; năm 1952 ông được cử đi học chính trị tại Đại học Mác-Lê ở Bắc Kinh, Trung Quốc. Học xong, ông trở về Huế hoạt động, trong khi đó bà Chương vợ ông lại bồng bế con tập kết ra Bắc. Tại chiến khu, tháng 8-1954, Trung ương chỉ định ông làm Phó Bí thư Tỉnh uỷ Thừa Thiên. Đầu năm 1959, ông được triệu tập ra Hà Nội dự Hội nghị Trung ương mở rộng; tại đây ông có dịp tiếp xúc, làm việc với Bác Hồ và Bộ Chính trị. Sau Hội nghị, ông trở về Huế truyền đạt Nghị quyết 15, rồi được cử làm Bí thư Tỉnh uỷ Thừa Thiên.
Do thực tế chiến trường cách mạng miền Nam sau đồng khởi Bến Tre 1960, với những chuyển biến mới về tình hình chính trị cũng như vị trí chiến lược của đô thị Huế; năm 1961, Bộ Chính trị quyết định thành lập Ban cán sự đặc biệt để lãnh đạo chỉ đạo sâu sát hơn phong trào cách mạng thành phố Huế. Đồng thời, cử đồng chí Ngô Hà - Bí thư Tỉnh uỷ Thừa Thiên kiêm làm trưởng ban. Thời gian yêu cầu gấp rút hình thành bộ máy, tổ chức nhanh đường dây nội đô để nắm rõ tình hình và các đầu mối cơ sở cách mạng. Qua năm 1962, do yêu cầu công tác mới, ông thôi làm Bí thư Tỉnh uỷ, sang trực tiếp giữ chức Bí thư Thành uỷ thành phố Huế.
Vị trí chiến lược quan trọng, cực kỳ nhạy cảm và phức tạp của thành phố Huế, vốn trước là kinh đô nhà Nguyễn, là trung tâm Phật giáo, Thiên Chúa giáo miền Nam, là hang ổ đảng Cần lao nhân vị miền Trung của Ngô Đình Cẩn, được Trung ương đặc biệt chú ý. Do vậy mà nhân sự, cơ cấu tổ chức Đảng, các đoàn thể cách mạng thành phố được đặt ngang cấp với tỉnh Thừa Thiên - Cả hai cấp uỷ Đảng của tỉnh Thừa Thiên và thành phố Huế lúc ấy đều trực thuộc liên tỉnh Trị- Thiên- Huế, với cương vị trước đó ông đã làm Bí thư Tỉnh uỷ rồi Bí thư Thành uỷ Huế.
Từ năm 1963, ông là Khu uỷ viên Khu V phụ trách phong trào đô thị, trực tiếp lãnh đạo Phong trào đô thị Huế (Từ tháng 3.1966 trở về trước, liên tỉnh Trị-Thiên-Huế trực thuộc Liên khu V). Những hoạt động sôi nổi diễn ra đồng loạt trên khắp thành phố và vùng phụ cận, lan rộng đến các đô thị miền Nam tinh thần yêu nước cách mạng của thanh niên, sinh viên học sinh, giới chức, tiểu thương, sư sãi, Phật tử Huế ... Khiến cho chính quyền Sài Gòn lúc ấy "cặp nhiệt" xem Huế là tâm điểm của phong trào đô thị miền Nam chống "chế độ quốc gia, bài Mỹ". Chúng xếp ông là nhân vật quan trọng cần phải bắt sống, hoặc thủ tiêu.
Giữa lòng thành phố thơ mộng lúc này đã tràn ngập mật thám, lính vũ trang và cố vấn Mỹ. Nhưng dưới sự bao bọc chở che của nhân dân Huế, ông Ngô Hà và cán bộ cách mạng vẫn cứ an nhiên bám trụ hoạt động. Hàng ngày vẫn bí mật di chuyển đến từng địa bàn cơ sở, vẫn bao quát được tình hình, vẫn chủ trì giải quyết các vấn đề phức tạp nảy sinh trong thực tiễn đấu tranh của quần chúng. Huế lấy chiều sâu trầm tĩnh trong cái sự tưởng như bình yên ấy mà đánh giặc.
Có một lần về nội đô công tác, ông Ngô Hà nằm ngay sát nách giặc để truyền đạt phổ biến Chỉ thị mới của Trung ương Đảng. Mọi chuyện được cơ sở cách mạng giữ bí mật bảo đảm an toàn. Ngày 21.8.1965, Bí thư Ngô Hà cùng anh Cảnh người cận vệ riêng theo đường giao liên rời thành phố, trở lại chiến khu Dương Hoà. Con đường bí mật (sau này được vẽ lại) dẫn từ làng Nguyệt Biều, vượt qua sông Hương đoạn ngang điện Hòn Chén, vòng sang núi Kim Phụng, nhắm hướng làng Đình Môn, rồi men theo đường khe núi Chuối để ngược con dốc cao dài vài độ, thêm một đoạn thả bộ dưới tán lá rừng Dương Hoà là đến căn cứ ...
Nhưng lần ấy như bao lần trước, khi ngược hết con dốc cao dài, ông Ngô Hà và người bảo vệ ngồi nghỉ lại dưới một gốc cây cổ thụ, lấy sức. Núi rừng chiến khu thâm u yên tĩnh đến lạ thường. Bỗng nhiên, một luồng chớp sáng xanh lè chém ngang lưng chừng núi, những tiếng nổ dữ dội xé toạc không gian làm rung chuyển cả góc trời, hàng loạt chùm bom toạ độ máy bay Mỹ ném xuống quanh vùng chiến khu rơi gần chỗ hai người đang ngồi nghỉ. Anh Cảnh bảo vệ bị mảnh bom phang gãy đôi chân, máu chảy đầm đìa nằm hôn mê bất động .... Còn ông, bị thương rất nặng. Chiều ấy, sau khi gắng gượng yêu cầu những người từ căn cứ đến tiếp cứu, khẩn trương chữa chạy cho anh Cảnh bảo vệ, xong; Ông nằm yên trên cán đặt dưới đất, bình thản đưa mắt nhìn quanh mọi người như muốn nhắn nhủ thêm điều gì nữa, nhưng sức đã kiệt miệng không nói được, rồi từ từ trút hơi thở mà ra đi trong nỗi tiếc thương nấc nghẹn của đồng chí đồng đội. Núi đồi chiến khu ngậm ngùi sầm xuống đưa tiễn người con anh hùng về với Đất Mẹ Thừa Thiên!
Ông Ngô Hà ngã xuống trên chiến trường ở tuổi 45, khi mà tài năng, độ chín, bản lĩnh đấu tranh, kinh nghiệm lãnh đạo chính trị của người cán bộ lãnh đạo cách mạng đang ở vào cung bậc chuẩn nhất của đời người. Đấy là một tổn thất vô giá của gia đình, của Đảng, của phong trào cách mạng đô thị miền Nam, và của nhân dân Huế ...
Sau này, mỗi khi nhớ lại hay nhận xét về ông, nhiều cán bộ chiến sĩ, đồng chí đồng đội đều nói rằng: Đồng chí Ngô Hà là người cán bộ tận tuỵ, người lãnh đạo thông minh, gan dạ thường bám sát cơ sở, một con người có đức tính nhân hậu dễ gần được đồng bào đồng chí tin yêu kính phục. Ông đã hiến dâng trọn đời mình vì sự nghiệp giải phóng thống nhất đất nước.
Với riêng Huế, ông đã xây đắp và để lại nhiều kỷ niệm sống như huyền thoại về tài tổ chức chỉ huy lãnh đạo trong thanh niên học sinh, sinh viên, về công tác dân vận, địch vận, xây dựng cơ sở cách mạng nội thành, về tính chủ động sáng tạo bao trùm lên toàn bộ phương châm đánh giặc "ít tổn thất - giành nhiều thắng lợi" trên mọi chiến trường.
Đời người cách mạng của ông có vô vàn những kỷ niệm đẹp, khó quên, nhưng kỷ niệm đẹp nhất, khó quên nhất đó là những lần ông Ngô Hà ra Hà Nội công tác, ông được Bác Hồ gọi lên thăm hỏi: Bác quan tâm đến mọi chuyện của Huế với một tình cảm đặc biệt. Mỗi lần nghe ông báo cáo tình hình của Huế, Bác rất xúc động. Bác nói chuyện ân cần và biểu dương tinh thần chiến đấu của quân dân Huế. Vào một dịp đầu xuân 1958, Bác Hồ đã tặng cho ông một chiếc áo da, với lời dặn: "để chú mặc chống rét ở chiến khu, giữ gìn sức khoẻ mà đánh Mỹ". Chiếc áo da này ông rất quí nên không dám mặc vì sợ nó hư, cũ. Trước khi trở vào chiến khu ông để lại Hải Phòng dặn vợ con trân trọng cất giữ, xem như kỷ vật vô giá. Sau ngày quê hương giải phóng, gia đình ông rời đất cảng Hải Phòng trở về Huế; những năm 1980, theo đề nghị của tỉnh - Bà Chương đã cẩn trọng trao lại chiếc áo da kỷ vật vô giá của gia đình và vinh dự của người đã khuất cho Bảo tàng tổng hợp Bình Trị Thiên quản lý, cùng lời linh nguyện là để trưng bày kỷ niệm của Bác Hồ với nhân dân.
Do công lao cống hiến vượt bậc cho sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, ông Ngô Hà đã được Đảng, Nhà nước ta tặng thưởng nhiều huân huy chương cao quí; năm 1998 ông được truy tặng Huân chương Hồ Chí Minh.
Bí thư tỉnh uỷ - Liệt sĩ Ngô Hà người đã tạc nên vị trí xứng đáng và quan trọng trong tâm khảm những người yêu nước thành phố, những chiến sĩ quả cảm hoạt động cách mạng của phong trào đô thị, và của nhân dân Thừa Thiên Huế suốt hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc.
Những ngày mưa gió đầu năm 2003, như thường lệ tôi ghé qua nhà thăm bà Chương, mới biết bà đang mệt; bà quấn chăn nằm nghỉ trên giường. Nhưng khi phong phanh nghe được một chút tin thôi - "tin mới" về nơi ông Ngô Hà yên nghỉ, thế là bà liền gượng dậy. Bà giục con cháu gom góp tiền bạc, chuẩn bị cơm đùm gạo bới với hương hoa, hôm sau nhất quyết ngược núi trở lại chiến khu xưa Dương Hoà, tìm mộ chồng ...
Và cũng như mọi lần "nguồn tin chưa chuẩn", bà Chương lại cầu, lại khấn, lại mong manh chờ đợi sự linh diệu của đất trời. Núi đồi Dương Hoà vẫn cứ trầm mặc, gió vẫn thổi như tự ngàn xưa, không một tiếng ai trả lời bà ... Chỉ có khói hương trầm lan toả trên cánh rừng lau trắng và những nương ngô khoai sắn, cả cỏ nữa bây giờ đã lên xanh ngút ngàn.
Có một chiều tháng sáu năm nay, tôi lang thang lên mạn Nguyệt Biều xứ sở của dâu da thanh trà mít ngọt, tìm giống hoa trái. Tôi chợt nhận ra mình đang đi trên con đường làng đã rải nhựa rợp bóng cây, và nghe người dân ở đây truyền rằng, con đường làng này năm xưa người giao liên cách mạng thường đưa cán bộ từ chiến khu bí mật ra vào nội thành Huế. Bây giờ đã có tên đường phố - Đường Ngô Hà.
Huế, 7.2003 D.P.T (175/09-03) |