BỬU Ý
Suốt trên ba mươi năm hiện diện, Tạp chí Sông Hương hiển nhiên xác lập được sự trưởng thành của mình bên cạnh những tập san, tạp chí uy tín nhất của cả nước.
Sông Hương có tư cách đại diện vì nó được đông đảo độc giả tham chiếu một cách xứng đáng và tiện lợi. Sông Hương có giá trị xã hội, dù không ký kết bản hợp đồng nào nhưng vẫn phải tự xem mình có nợ tinh thần với xã hội. Và, hơn thế nữa, Sông Hương đảm đương một thiên chức văn hóa và tư tưởng kết tinh từ một vùng đất dày dặn truyền thống và lịch sử, kết tinh từ những diễn đàn tiền nhiệm.
Nói đến những diễn đàn trước đây tại Huế, tôi nhớ lại một địa chỉ văn hóa trước 1945: trụ sở Quảng Tri ở đường Hàng Bè (đường Huỳnh Thúc Kháng hiện nay), nơi thường xuyên tổ chức những buổi trình diễn nghệ thuật sân khấu và những buổi diễn thuyết, trao đổi học thuật giữa ba miền đất nước. Tôi nghĩ đến tập san Đô Thành Hiếu Cổ ra đời ở Huế từ 1914, tuy viết bằng tiếng Pháp, nhưng ghi chép, biên soạn, làm bạn với Huế suốt ba chục năm trường. Và, giữa thế kỷ hai mươi, sau khi Đại học Huế thành lập năm 1957, nhu cầu nghiên cứu, giao tiếp phát triển mạnh, khai sinh tập san Đại Học được cả miền Nam chào đón thịnh tình.
Trở lại với Tạp chí Sông Hương trong hiện tình.
Trước hết ta hãy cùng nhau nhận thấy rằng trong thời gian qua, Sông Hương không phải luôn luôn tiến bước trên những lối đi bằng phẳng. Tuy rằng, ở bề mặt, Sông Hương chẳng bị phiền trách gì nặng nề, chẳng bị dạy dỗ gì đến độ phải rụt rè, chẳng tạo xì- căng-đan nào gây tai hại cho ai, mà lại rốt cuộc mở ra được nhiều cánh cửa giải tỏa một khủng hoảng nào đó cho sáng tác, cho tư duy, mở rộng vòng tay và trái tim đối với nhiều mảng độc giả, cộng tác viên và tác giả trước nay bị xã hội đối xử không thuận lợi với nhiều thiên kiến tưởng chừng khó lòng phá vỡ. Ở đây, tôi muốn nói đến, thứ nhất là những tác giả cùng những sự kiện chung quanh một số tạp chí miền Nam trước đây như Sáng Tạo, Văn Nghệ, Thế Kỷ Hai Mươi, Văn, Bách Khoa v.v, và thứ hai là những tác giả hiện đang ở nước ngoài. Cách xử trí của Sông Hương, trong trường hợp này, tỏ ra rất công minh nhưng vẫn gánh lãnh một phần run rủi, rủi ro.
Trên con đường đang mở rộng trước mắt, với những ưu điểm năng động, xông pha, phát hiện tài năng, trăn trở với những tài năng bị oan uổng, bản thân tôi muốn Sông Hương phát huy thêm cái tâm cơ của mình cho đến tận cùng cái biên giới giữa làm được và không làm được để quan niệm rộng thêm rằng Sông Hương không chỉ là một cơ quan ngôn luận, không chỉ là một cơ quan văn hóa, mà nên hóa thân thành một trung tâm văn hóa có khả năng vừa kết hợp vừa lan tỏa những lực lượng tri thức của một không gian càng ngày càng rộng mãi thêm.
Cũng giống như trong ngành du lịch, một thắng cảnh hoặc di tích thu hút được khách tham quan không phải chỉ nhờ vào bản thân thắng cảnh hoặc di tích mà thôi, còn nhờ vào cự ly của di tích, tức là phải nhờ vào một không gian bao quanh di tích cần được chăm sóc luôn thể; thì cũng vậy, Tạp chí Sông Hương ở đây, cần quan tâm hơn nữa đến việc chăm sóc cự ly cho mình. Cái cự ly văn hóa này, tôi xin tạm gọi đó là “vùng ảnh hưởng”. Và muốn gây ảnh hưởng thì phải biết tiếp thu, biết kết hợp nghe, nói, hỏi, đáp. Nói đến vùng ảnh hưởng có thể tạo dựng được của Sông Hương, khởi đầu tôi nghĩ ngay đến trục lộ đẹp nhất của thành phố Huế: đó là đại lộ Lê Lợi. Cùng sống chung với nhau trên đại lộ Lê Lợi là Hội Văn nghệ, là Đại học, là bảo tàng văn hóa và nghệ thuật, là trung tâm trưng bày, là hai trường trung học lớn nhất của thành phố, bao nhiêu lực lượng kết hợp tạo nên tiềm năng sung sức của một thành phố, một kho tài năng tinh hoa cần được phát hiện. Cứ tưởng tượng ngày này qua ngày khác, những thanh niên này qua qua lại lại trước Hội Văn nghệ, dầm mình trong vùng ảnh hưởng của văn học nghệ thuật là cũng đủ để cho Tạp chí Sông Hương mở rộng thêm hoạt động của mình bằng cách, chẳng hạn, thiết kế những buổi nói chuyện, đọc sách, điểm sách tại Tòa soạn hoặc trên vô tuyến truyền hình, tổ chức những bàn tròn trao đổi, thảo luận, góp ý, thỉnh thoảng có thể điểm thêm những buổi bình thơ, bình hội họa, bình nhiếp ảnh, những buổi hồi cố văn chương tiền chiến hoặc dặm thêm những tên tuổi thơ văn từ các chân trời xa lạ. Đó đồng thời là hoạt động bồi dưỡng cho tuổi trẻ và luôn cả cho chính mình.
Từ buổi đầu cho đến nay, hình như Sông Hương được thừa hưởng nhiều thiện cảm đến từ độc giả trong nước cũng như ngoài nước. Sở dĩ được như vậy, thiết tưởng không nhờ hoàn toàn sự đóng góp của nó vào văn học nghệ thuật nói chung, mà một phần nào đó nhờ nó sinh thành trên một mảnh đất ít nhiều huyền thoại là cái xứ Huế này. Bao nhiêu nét tính, thuộc tính trước nay gắn liền với Huế, kể từ nét duyên dáng, sang trọng, quý phái, thông minh, thâm trầm, sâu sắc, tài hoa… cho đến những khía cạnh cổ kính, văn hóa, bản sắc, trí thức, tâm linh… thay phiên nhau vờn lượn trước mắt, khi thì bạ vào câu ca dao, khi thì mốc meo ở một họa tiết trang trí, khi thì nhất thời quá cảnh vào một nhịp sống lập dị…, tất cả ngần ấy thứ như vầy cuộc với nhau trong một không gian chòng chành giữa thực với hư và sẽ mượn những nẻo thông ngoằn ngoèo đi vào tưởng tượng và tình cảm hơn là đi vào phân tích và lý trí.
Đất nước nào cũng trọng vọng anh hùng, núp bóng huyền thoại, như thể chờ được chở che, mở lòng học tập noi gương, hay ít nữa là được thơm lây.
Vùng đất cằn cỗi là xứ Huế này, dù trải qua muôn vàn gian khó, vẫn là vùng đất được “Bà Trời” chỉ điểm, linh ứng với sấm truyền “vạn đại dung thân”.
Ngày xưa sĩ phu Bắc Hà rủ nhau vào Huế đông đảo, chẳng phải để làm gì cụ thể, mà trước mắt là thăm thú Vỹ Dạ theo lời mời gián tiếp của Hàn Mạc Tử, hay là ghé qua Bến Ngự tìm lại bước chân của ông già Bến Ngự, hay là dư âm của một mối duyên bẽ bàng, nếu không phải là đón đợi một câu hò ở bến Văn Lâu… Những bước chân trước nay vẫn giong ruỗi vào kinh mặc dù văng vẳng bên tai lời dặn dò của sư Viên Thành:
Vầng trăng núi Ngự nước sông Hương
Chưa đi tới đó hận muôn đường
Khi đã tới rồi không gì lạ
Vầng trăng núi Ngự nước sông Hương
Huế chẳng là gì, Huế không có gì cả, nhưng nó vẫn có một cái gì đó ở bên trong, nó ấp ủ cái duyên âm thầm, nó chất chứa vài sắc nét trường tồn, nó có một cái gì đó chỉ có thể thổ lộ với người tri kỷ, nó là loại thành phố “ở lâu mới biết…”.
Ta có thể liên tưởng tới trầm hương nức nở từ cây dó: “Trong đau thương, dó biến thành trầm”. Khi nào có vết thương trên thân, cây dó bầu đến lúc ấy vặn mình ứa ra nhựa trầm. Trầm là tích tụ khí thiêng của trời đất. Bom đạn, thuốc khai quang đã làm trầm khô héo, còn lại được cây nào thì cái nghèo đói đã sẵn chực tiếp tay đốn ngã kỳ hết, chỉ lưu lại giữa trời đất những mẩu huyền thoại.
Và cũng là huyền thoại là cái màu “tím Huế”! Tím nào chẳng là tím, hà cớ gì đèo thêm tím Huế! Nó nguyên lai là màu áo Chăm, rồi hóa thân thành màu chủ đạo trong hệ ngũ sắc dân gian Huế, trước khi cư ngụ vào tà áo nữ sinh, nó cũng là màu thâm sơn hay màu nước sâu sông Hương lúc mặt trời sắp lặn. Màu sắc rõ là huyền thoại!
Riêng phần tôi, để vỗ về một cô em họ ở nước ngoài quay quắt nhớ Huế, tôi viết trong thư: “Tôi hiện đang ở Huế và tôi nhớ Huế vô cùng”. Quả tình chúng ta đang bì bõm trong lòng biển vong thân!
Huyền thoại, suy cho cùng, rất cần thiết cho con người. Nó không đơn thuần là một cái gì viễn vông. Nó phát sinh từ thực tế, nhưng từ thực tế nó thoát thân nhanh và bay cao. Có điều huyền thoại của người này không nhất thiết là huyền thoại của người kia vì khác nhau ở điểm xuất phát và cách vun trồng. Dù sao nó cũng là một cái mốc cho kích thước vươn cao của con người. Điều hi hữu là có khi huyền thoại trở thành thực tế, giống như nàng tiên cá trong truyện cổ tích đến hồi mơ tưởng trở thành con người phàm trần, không còn biết đâu là thực tế, không còn biết đâu là huyền thoại, hai thứ đã trở thành nhất thể.
B.Y
(TCSH340/06-2017)