Bút ký - Tản văn
Vén mây quá Hải Vân Quan
09:30 | 09/08/2017

LÊ VŨ TRƯỜNG GIANG
                Bút ký  

Trong những giấc mơ buổi giao mùa, tôi bồng bềnh trôi trên những đám mây trắng bay qua con đèo quanh co, khúc khuỷu. Một bên là núi rừng xanh thẫm, một bên đại dương mênh mông không bến bờ.

Vén mây quá Hải Vân Quan
Ảnh: internet

Tôi trôi trong mây, tóc tung theo gió, nghe tiếng lục lạc của đàn dê nhởn nhơ bờ đá, tiếng hát của người qua đèo chơi vơi trong sương mù. Ký ức về con đèo, về Hải Vân Quan gieo trong lòng tôi lốm đốm những bóng hình dần trôi vào quên lãng, vào quá khứ không thể thả móc câu cho khỏi tuột.

Muốn vào Nam, muốn vào Đà Nẵng phải qua đèo, hàng chục chuyến đi đi về về như thế của tôi qua Hải Vân bằng ô tô, bằng tàu lửa để đổi lấy nhận diện một thắng cảnh qua ô cửa, nhạt thếch không gì hơn. Tôi muốn những cuộc phiêu lưu, chinh phục gió mây, mặc sức hả hê giữa trời xanh lồng lộng. Đầu năm 2009, anh bạn rủ tôi vào Đà Nẵng chơi trong một ngày âm u mưa gió. Đợt đó, anh đi nhận giải truyện ngắn của tạp chí Non Nước. Tôi vẫn còn nhớ tác phẩm “Bộ sưu tập hàng xóm” của anh đã gây ấn tượng về những người hàng xóm thân quen với những bí mật che giấu. Đằng sau đó là thân phận con người chìm nổi trong màn mê dày đặc của thực tại nhiều phiền não. Tôi vẫn nhớ câu rất gợi của anh trong truyện ấy: “Rượu là triết lý của nỗi buồn chứ không phải dòng kinh nguyện cầu sự chán”, nên chúng tôi cứ tỉnh queo chạy xe và bàn luận về những chân dung vượt qua bức tường hàng xóm, tới Tây Tạng, Ấn Độ, Pháp rồi quay trở lại với đỉnh đèo sừng sững trước mặt.

Tới Lăng Cô đã 5 giờ chiều, cảnh vật buồn hiu buồn hắt. Thời điểm này, hầm đường bộ Hải Vân đã thông tuyến nhưng chúng tôi vẫn chọn đi đèo. Đây là lần đầu tiên tôi chinh phục con đèo huyền thoại, gieo lắm nỗi hoang mang cho người lữ hành dọc đường thiên lý. Xe chạy giữa dòng sương bạc trắng, đây đó lốm đốm những đóa hoa rừng trên những hẻm núi ngát màu xanh. Vừa mới chạy xe lên được một đoạn dốc vài cây số, bỏ lại sau lưng sóng biển Lăng Cô dập dềnh chân sóng. Trong ánh sáng cuối ngày, cánh cò trắng lả lướt đập trước mắt chúng tôi, lượn mấy vòng chao đảo nghiêng nghiêng trên nền trời ủ dột. Những đốm tuyết trắng lúc chập chờn, lúc rõ mồn một, từ từ bò lên mớ tóc xanh nghìn cội của dãy núi già. Cánh chim như thách thức gã ngựa trắng khổng lồ đang ngủ phục trước mặt mình, câm lặng của nghìn thu không động tiếng thanh thành. Bạch Mã nằm đó, đăm đắm nhìn ra biển Đông dậy sóng, còn biển Đông như người mẹ hiền cứ mãi vuốt ve bàn chân ngựa cũng lâu rồi không được rửa móng, chải bờm. Chợt nhớ lời thơ Trịnh Hoài Đức danh sĩ Nam Bộ thời Nguyễn, có lần đi qua đèo đã cảm tác: “Vén mây muốn bước lên trên tột/ Đoái lại dì trăng lẽo đẽo theo. Cánh cò bung thật nhanh, xuyên qua đám mây sương lì lợm ngung ngang bám dính một bên sườn núi. Ở đồng bằng thấy cò bay không lạ, lên đến đèo gặp cò phiêu dạt tìm đất trú mới thấy thương thân cò sao đến tội. Nhom nheo, héo hoắt, mò cua bắt ốc dưới đồng sâu mà còn có máu lãng du đan tâm vượt núi đèo. Lên cao, trông xuống nghìn trùng, miền sơn khê hiện lên với vẻ đẹp kì vĩ, điệp trùng non ngàn xanh phủ. Suối khe hòa quyện trong những tán rừng nghi ngút khói sương, lơ thơ như những sợi tóc bạc quá thì, điểm chấm trên mớ tóc xanh rú đợi. Chút xuân còn vương mơ màng trong dáng vẻ núi non điệp trùng. Đến đỉnh đèo, trời mù đặc, chúng tôi chỉ thấy khối đen lù lù trong sương, trong mây. Bên kia ánh đèn Đà thành rực một quần sáng, xe từ từ thả dốc, những ý nghĩ hoang vu dần trôi dạt.

*

Năm trước, tôi lại có duyên chở anh bạn Tạ Xuân Hải vào Đà Nẵng có công chuyện gấp. Anh Hải hồi đó đã ra trường, thất nghiệp mấy năm, giờ nghe có thông tin tuyển dụng nên vào Đà Nẵng một chuyến. Anh Hải làm thơ, viết văn với bút danh Vị Tĩnh, có lẽ vì thế nên duyên với chuyến đi mây gió này. Chiếc Sirius lê lết bò qua con đèo hai mươi hai cây số. Gã này cũng chưa bao giờ đi đèo, thăm Hải Vân Quan. Chúng tôi rất có duyên với sương mù. Lên đến lưng chừng, mây từ ngoài biển ùa vào, kín đặc đường sá, cây cối. Xe phải bật đèn, gần 3 - 4m mới biết là xe. Chẳng dám chạy nhanh, xe cứ bò từ từ lên đèo. Đến đồn nhì, trước bóng có ánh đèn nhỏ, tôi cứ thế mà chạy vì tưởng chỉ là xe máy. Cách 3m, tôi chết sững vì một cỗ xe bồn chở dầu 24 tấn đang xuống dốc. Tôi bóp phanh, rị xe lại, anh Hải ngồi sau ôm siết tôi. Hú hồn, cả hai kịp dừng lại. Người tôi lạnh toát. Suýt nữa… chẳng dám tưởng tượng. Mệt nghỉ, Tạ Xuân Hải dừng lại châm thuốc rít. Tôi cũng rít, người bớt lạnh. Những bông mua nở bên đường, màu tím ươn ướt khiến lòng tôi dịu lại. Tôi nói với anh Hải rằng tác giả “Ô Châu cận lục” Dương Văn An từng viết rằng: “Núi ở cửa ải Hải Vân huyện Tư Vinh. Chân sát lợi bể, ngọn ngất từng mây; núi chia hai đường nam bắc, mây đưa những khách đi về. Thế núi hiểm trở như thế nên chuyện rắc rối giữa đường xảy ra thường xuyên. Lại nói sách Đại Nam Nhất Thống Chí của Quốc Sử quán triều Nguyễn nói về hệ thống núi khiến cho Hải Vân trở nên hùng vỹ cheo leo: “…ba ngọn liên tiếp xen nhau, trên cao vót đến tầng mây, dưới chạy dăng đến bờ biển, đường đi chín khúc vòng mới vượt qua đèo, hai bên cây lớn um tùm, người đi như vượn leo chim vượt, thật là hiểm trở”. Thôi cứ theo “mây đưa những khách đi về” hưởng cái thú non cao tang bồng. Rồi xe lên đỉnh.

Hải Vân Quan! Nghe cổ danh kỳ thú đã lâu nay mới gặp. Lầm lủi, cô liêu, vẻ hoang tàn lộ ra sau đống đổ lở của tường gạch rêu phủ. Diện kiến cố tích giữa mây chiều và mưa chiều, lòng ngoằn ngoèo tựa con đường đèo dốc thăm thẳm. Cảm giác lạnh thấu xương khi mẹ biển thương con, cho lùa những nàng mây đa tình nặng nước và nàng gió chênh vênh vào tẩy hờn, vỗ về cho núi ngủ. Không khí trần ai như lụi tắt, nhường lối cho sự hùng vĩ của tự nhiên.

Tôi tìm đọc lơ mơ về lịch sử đệ nhất hùng quan này. Hải Vân Quan xây từ đời Trần, trải qua mấy trăm năm bị hư hại nặng. Đến thời nhà Nguyễn được trùng tu lại và có kiến trúc như ngày nay. Theo lạc khoản một bên góc bảng còn ghi “Minh Mệnh thất niên cát nhật tạo”, tức là làm vào ngày tốt năm Minh Mệnh thứ 7 (1826). Một câu hỏi đặt ra là tại sao phải trùng tu và xây dựng Hải Vân Quan vào thời điểm đó. Cần nhớ lại, đầu thế kỉ XIX, Phú Xuân - Huế trở thành thủ đô của cả nước, vị trí ấy càng trở nên quan trọng, là cửa ngõ đi vào vùng kinh kỳ, cần phải tăng cường phòng ngự. Hải Vân Quan là cửa ải quan trọng, cửa ngõ vào Kinh đô Huế từ phía nam. Hải Vân Quan án ngữ vị trí chiến lược quan trọng nhằm bảo vệ chủ quyền quốc gia, kiểm soát sự đi lại trên con đường thiên lý Bắc - Nam cả thủy lẫn bộ và là công trình phòng thủ đối với Kinh đô Huế dưới triều nhà Nguyễn. Từ đây có thể quan sát, cảnh giới tàu thuyền vào ra vùng biển Đà Nẵng - Quảng Nam. Trong cuốn “Huế xưa tìm lại”, Nhà nghiên cứu Hải Trung nhận định về Hải Vân Quan rằng: Từ những sự kiện lịch sử diễn ra vào thời Tây Sơn đánh chiếm Phú Xuân, rồi Nguyễn Ánh khôi phục Kinh đô Thuận Hóa, rồi những tranh chiến diễn ra giữa quân đội triều Nguyễn và thực dân Pháp đều có thể nói lên rằng mất Hải Vân Quan có nghĩa là Kinh đô Huế sẽ thất thủ trong tầm tay”.

Để quản lí và canh phòng cửa ải Hải Vân, sách “Đại Nam nhất thống chí” của Quốc Sử Quán triều Nguyễn cho biết thêm: “Đầu đặt một viên phòng thủ úy đóng lâu, biền binh thì hàng tháng thay đổi; năm thứ 17 (1836), đặt hai viên phòng thủ úy mỗi tháng thay đổi một lần, biền binh thì cứ 15 ngày thay đổi; lại cấp cho thiên lí kính (ống nhòm) để xem ngoài biển, phàm thuyền nước ngoài vào cửa biển Đà Nẵng thì phải báo trước cho cửa quan này. Năm thứ 17 đúc cửu đỉnh, khắc tượng vào Dụ đỉnh”.

Đứng trên quan ải, thấy rằng, cửa trông về Huế đề ba chữ “Hải Vân Quan”, cửa trông xuống Đà Nẵng “Thiên hạ đệ nhất hùng quan”. Tương truyền, 6 chữ “Thiên Hạ đệ nhất hùng quan” là do vua Lê Thánh Tông ban tặng. Cửa trước bề cao và bề dài đều 15 thước, bề ngang 17 thước 1 tấc, cửa sau bề cao 15 thước, bề dài 11 thước, bề ngang 18 thước 1 tấc, cửa tò vò đều cao 10 thước 8 tấc, bề ngang 8 thước 1 tấc; hai bên tả hữu cửa quan xếp đá làm tường, trước sau liền nhau”. Công trình được xây dựng ở độ cao 490m so với mực nước biển, là cụm bố phòng quân sự với nhiều công trình gồm hệ thống thành lũy, nhà kho, trụ sự, pháo đài thần công.

Tôi và anh Hải nhìn lên Đệ Nhất Hùng Quan, hiển hiện như cổng trời, bẹn thẹn đứng bên dốc núi trọc đầu, cao cao. Những hàng quán buồn thiu nằm bên đường cái, chỗ xấp xiêu, chỗ cứng vững nương tựa bên cạnh người anh em núi trọc, lè tè nhưng đầy tóc. Ngẩng trông, Thiên Hạ Đệ Nhất Hùng Quan nhắc người Huế xa quê biết rằng mình đang ra khỏi phủ Quảng Đức; và người Đà Nẵng thấu rằng mình đang bước đến Hải Vân Quan danh tích một thời, một cõi. Cái cổng chung hai trời, hai xứ, lối ra lối vào trên cùng đất Việt. Sử vàng ngàn năm mãi còn lưu dấu buổi mở đất, nhất thống, nghiệp thành.

*

Ở Hải Vân, có những ký ức thần thoại rất thú vị, gợi nhớ bao dấu tích của một cuộc núi. Trong “Hải ngoại ký sư”, Hòa thượng Thích Đại Sản chép: “Khoảng tháng 2 tháng 3, hoa ngãi nở, trôi ra biển, cá ăn hoa ấy hóa rồng, tức hoa ngãi ở núi này vậy. Núi cao nắng gắt, trèo qua rất khó, nên đi thuyền theo đường biển tiện hơn”. Trong dân gian, nhắc đến ngải thường là những sinh hoạt thần bí, như bùa ngãi khiến nhiều người hoảng sợ. Bản thân tôi cũng từng thấy một số loài ngải và có đôi chút kiến thức về loại cây dị thường này. Ngải là một loài thực vật đa số là thân thảo và bao giờ cũng có củ. Củ ngải đa dạng khác nhau tuỳ theo họ của nó. Chủ yếu là họ gừng riềng, họ lan chi… còn những loại độc tướng thuộc họ khác. Ngải vốn là loài thực vật có linh tánh sinh hoá không lường. Xưa, cây ngải mọc nơi hiểm trở của sông núi hay những nơi mà có rất nhiều người chết oan, chết bất đắc kỳ tử, nơi xảy ra chiến tranh đẫm máu. Dân gian đồn đoán linh hồn người chết nhập vào trong cây ngải nên mới có những biến hóa bùa chú như thế. Thuật luyện những giống thực vật đặc biệt và truyền cho chúng những khả năng siêu nhiên để sai khiến và thực hiện những nhiệm vụ như đoán biết tương lai, cải tạo số phận, hay chữa trị bệnh nan y... thời xa xưa khá thịnh hành ở nhiều nước châu Á như Trung Quốc, Ấn Độ, khu vực Đông Nam Á và cả Việt Nam chúng ta. Người ta gọi đó là luyện ngải, bùa ngải và họ tin rằng ngải giúp con người chế ngự sức mạnh huyền bí. Các pháp sư vào rừng tìm các loại ngãi mang về luyện phép, tức là vẽ bùa đọc chú, gọi là ‘tom phép’ vào ngãi để cho ngãi được linh. Ở vùng núi Hải Vân, Bạch Mã theo như Hải ngoại ký sự chép ở trên về ngải khiến chúng tôi rất tò mò. Dù sao đó cũng là một thần thoại đẹp trong tâm thức người dân Thuận Quảng. Hình ảnh hoa ngải nở trôi ra biển, cá ăn ngải hóa rồng như cổ tích nhiệm màu.

*

Cuối tháng 5 vừa rồi, Hải Vân Quan được công nhận di tích quốc gia, tôi chở vợ đi Quảng Nam công chuyện, tiện thể ghé Hải Vân Quan ôn chuyện cũ. Sự kiện 24/5/2017 là một sự kiện quan trọng, đánh dấu một chặng đường mới trong công tác bảo tồn di tích Hải Vân Quan. Tại buổi lễ, lãnh đạo thành phố Đà Nẵng và tỉnh Thừa Thiên Huế cùng có mặt, đón nhận bằng Di tích cấp quốc gia Hải Vân Quan từ đại diện lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ngay tại đỉnh đèo Hải Vân. Mừng cũng mừng vì từ nay di tích sẽ được quan tâm chu đáo, đúng mức, có định hướng bảo tồn, tránh tình trạng hoang phế. Nhưng điểm lại lịch sử, chúng ta nhớ rằng, suốt một thời gian rất dài gần cả nửa thế kỷ, Hải Vân Quan không được ai quan tâm quản lý, bảo vệ, tôn tạo và phát huy. Những hoang phế bao lần đi qua khiến chúng tôi chạnh lòng. Di tích xuống cấp trầm trọng với các công trình xây dựng sứt mẻ, bong tróc, đổ sụp theo thời gian. Không chỉ có bảng, biển quảng cáo dựng sát vào di tích mà còn cả am miếu tự tiện mọc lên cộng với vô khối rác của bao đoàn khách du lịch tự phát qua đây.

Nguyên nhân nào khiến 2 địa phương Đà Nẵng và Thừa Thiên Huế chưa “ngồi lại được với nhau” để bàn bạc thấu đáo, mở hướng cho di tích Hải Vân Quan thoát khỏi tình cảnh hoang phế, nhếch nhác trong một thời gian dài như thế. Sự muộn màng trong việc xếp hạng di tích có lẽ do di tích Hải Vân Quan nằm ở ranh giới giữa Thừa Thiên Huế và Đà Nẵng (nằm trên đỉnh đèo Hải Vân thuộc thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế và phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu, Đà Nẵng). Cũng chỉ vì khúc mắc này nên thiệt thòi cuối cùng là sự tàn tạ của Hải Vân Quan.

*

Nghe tiếng di tích quốc gia, vợ tôi chưa đi qua Hải Vân Quan bao giờ nên háo hức phiêu lưu. Chúng tôi lại phi xe lên đèo, trải nghiệm cho vẻ hùng vĩ của con đèo, của Hải Vân Quan... Đường vắng, xe chạy thênh thênh giữa nắng vàng, biển dưới chân và núi trên đầu. Xe đi không nhanh khi lên đèo và càng chậm rì khi con đèo đạt năm độ dốc. Đi đèo Hải Vân nhiều lần nhưng cảm giác nghiêng chao vẫn lạ lẫm vô cùng. Chiếc xe như nghiêng đi. Đường nghiêng, người nghiêng, núi rừng nghiêng, biển nghiêng… Nghiêng, mới thấy gạch rêu ló mặt ẩn hình trong đám mây mù tối, phía đầu xa ánh tà dương. Bóng mây tím đậu bên sườn đèo, thông xa reo lời biển gọi.

Chúng tôi ngồi uống cà phê một quán cóc trên đỉnh, ngắm nhìn Hải Vân Quan, ngắm mây bay về Huế, ngắm thành phố rực nắng Đà Nẵng. Vị đắng cà phê hòa cùng chút mát lạnh của không khí trên cao khiến tâm hồn tôi phấn chấn. Những đóa hoa cúc áo thấp thoáng màn sương, lập lòe như ánh lửa vàng. Một chú sóc nâu leo treo trên nhành mít dại, mắt thao láo nhìn người. Bên kia hẻm núi, bông lau nở, trắng bài hoài giữa bao la trời. Non nước trắng dập dềnh, như bay, như lay, như say trong trầm lãm. Tiếng cuốc kêu xa vắng gọi về những nhớ thương. Có lẽ, Thu Bồn khi “Tạm biệt Huế” đã đứng nơi đây chiêu cảm:

“Hải Vân ơi xin người đừng tắt ngọn sao khuya
tạm biệt nhé với chiếc hôn thầm lặng
anh trở về hoá đá phía bên kia.”


Thu Bồn với tình yêu dung dằng của mình với người đẹp Huế đã vĩnh biệt tất cả để “hóa đá phía bên kia”. Tôi yêu bài thơ và sự lãng mạn bi thảm của Thu Bồn. Nhưng ánh đèn bên kia đã bật lên, tôi lại phải rời Hải Vân Quan để xuống đèo cùng câu thơ Bích Khê hoài cảm cho cả Hải Vân:

Nhìn cảnh nước non non nước ấy
Ngàn xưa dâu bể chạnh lòng đau
”.

Bút ký của Lê Vũ Trường Giang


(TCSH341/07-2017)





 

Các bài mới
Lập công (24/07/2023)
Hoa ở Huế (23/06/2023)
Các bài đã đăng
K8 - Bản hùng ca (26/07/2017)
Nghe đêm (14/07/2017)
Mưa An Cựu (19/12/2016)