NGUYÊN SỸ
Bút ký
Sẽ không mấy người tin những ngọn đồi xanh thẳm, những triền đê dài với dòng kênh miên man hoa nắng mỗi chiều và những khoảnh ruộng đứt quãng nối cùng bãi cỏ thênh thang, mỗi chiều đàn trâu vẫn thong dong gặm cỏ dưới trong vắt mây trời, trước kia là một góc chiến trường ngút lửa và nay di chứng vẫn còn nằm dưới lòng đất sâu.
Bây giờ đã thưa vắng những tiếng nổ, nhưng những tiếng nổ vẫn vang lên trong tâm trí người dân nơi này. Không cứ ngày hay đêm, hễ một tiếng nổ là con người thời hậu chiến lại giật mình thao thức về những số phận không may chạm phải cú tung mình của những quả bom ẩn mặt.
Tôi nghĩ về cuộc chiến đã lùi xa và dường như nó không còn liên lụy đến hiểm nguy tiềm ẩn. Ở đây cũng không ai muốn truy gốc để rồi đổ hận thù lên một cuộc chiến đã bị thời gian phủi rớt lại phía sau. Trong sự ảm đạm của ngọn khói đen ngòm và nỗi ám ảnh về tiếng nổ bất ngờ, nơi đây vùng đồi đã lên xanh, đã phủ lên ruộng nương và lũ trẻ sinh ra đã biết lượm lặt mảnh đạn bom kiếm tiền thêm thắt và số học phí đến trường học lấy con chữ, để mai sau biết đâu hiểu hơn về nguyên nhân sâu xa của cuộc chiến nằm tận đáy của tâm thức con người.
Tôi thích những đứa trẻ vùng đồi Tích Tường (Quảng Trị), hồn nhiên như đây là chốn bình yên nhất. Gần chục năm quay trở lại, nhiều đứa đã rời quê vào Nam làm ăn. Chúng cũng không biết mình đã xa cái nơi đạn bom rình rập, chúng cũng không nghĩ những người thân của mình biết đâu vẫn nằm trong tay của hiểm nạn. Với tôi chúng là những đứa trẻ gan dạ nhất hành tinh bởi từng đào bới mảnh đạn mưu sinh. Tôi nhớ hồi ấy, lần đầu đến nơi này, ngồi uống nước với anh Năm, chợt thấy thằng Hiếu cõng cái bao nặng chịch vào đổ xòa xuống sân. Nó chào, rồi nói: “Mảnh nhỏ quá chú ạ”. Tôi ngạc nhiên tột cùng với công việc mà đứa trẻ đang làm hàng ngày. Với cuốc xẻng, mỗi ngày thằng Hiếu kiếm được khá hơn ngày công của một việc hạng sang. Nhưng mà đáng sợ! Nhưng mà nó là một đứa trẻ hồn nhiên như bao đứa trẻ khác, hồn nhiên mới không sợ. Nó sợ thất học hơn là sợ cuốc phải những quả bom còn sót lại.
Từ ngày những người dân đầu tiên lập nghiệp trên vùng đồi Tích Tường cho tới nay, đêm đêm gió vẫn lùa thông thống vào những ngôi nhà rất ít khi khép cửa. Người dân hiền từ cứ lầm lụi trên cánh đồng. Đồi tràm, ao cá, vườn tiêu, chuối, đồi chè hoa nở trắng… tất cả có trong vườn từng gia đình. Từ tháng 7 âm lịch trời bắt đầu những trận mưa, là thời điểm họ thu hoạch lúa; tháng 11 làm đất gieo sạ cho vụ đông xuân; qua tháng 12 đi dặm, làm cỏ; tháng 1 tháng 2 trồng sắn, bắp, đậu, rau… Dưới các chân đồi, và những vùng đất phẳng chạy dài thường có người rà mảnh bom và vỏ đạn sót lại. Nơi đây thành bãi đất hứa của những người dân nhiều nơi tới rà cuốc mảnh bom vỏ đạn. Giữa lúc đàn trâu vẫn thong dong gặm cỏ. Thời khắc mặt trời chếch hướng giấu vào mây hồng, tôi đã từng nằm dài giữa mênh mông nhìn lên bầu trời rộng xanh ngắt đang dần chuyển màu để nhận lấy cái cảm giác vô cùng nhỏ bé kiếp người. Về Tích Tường là được sống lại trên vùng quê thuần khiết sợ rồi chỉ còn trong ký ức xa thẳm lấm bùn…
Gió mát rượi, một lúc thì nồng, khô rốc. Từ phía dưới đồi vẫn vang lên tiếng leng keng. Cả trưa tôi nằm trên chiếc võng tre sau nhà vừa tránh nắng vừa hưởng dư vị của gió lào trên heo hút; mớ âm thanh nhộn nhạo vang vang tâm não, chập chờn cả trong giấc ngủ. Phải rất lâu tôi mới giật mình, tiếng gì thế nhỉ. Hỏi ra mới hay đó là lục lạc treo ở cổ trâu. Tôi nghe không phân biệt được, song chủ nhân của nó mỗi người đều nhận ra âm thanh riêng đeo ở cổ trâu nhà. Mà cái lục lạc mới ạ. Anh Năm trước nay chuyên gò vỏ đạn làm lục lạc. Mỗi lần thằng Hiếu đào được cái vỏ đạn pháo là anh dành lại, lúc rỗi mang ra gò làm lục lạc. Tôi nghĩ đến một thứ triết lý mơ hồ trong quả lục lạc. Thứ âm thanh sót lại của cuộc chiến ngân lên như một sự gợi nhắc về cuộc chiến đã qua vẫn đổ bóng về những khoảng trời trong vắt.
Gió lào bắt đầu từ tháng 6 âm lịch kéo vài tháng khô hanh, dịp này chưa có hoa màu để mà hư hại. Con đường đê đất khô quánh khiến lớp bùn phía trên thành bụi, gió lào cuốn bay mù phủ lên ruộng lúa đỏ quạch. Hết tháng 7 âm lịch gặp trộ mưa sau một thoáng lúa lại xanh tươi như người nghệ sĩ tự xóa màu trên toan. Có lần tôi đã dừng xe trên đê, ngồi trước con kênh lâu lắm rồi mới gặp. Nước vơi, bóng những chú bò non soi xuống lòng kênh nhấp nhóa một sắc màu khó pha trộn, đỏ sẫm, xanh, và sáng trắng của ánh mặt trời lưng chiều.
Mươi năm về trước lần tôi tới con kênh yên bình đang được nạo vét. Người ta dự liệu phá bỏ những cây cầu vòm cao. Giờ về lại đã thấy hầu hết cây cầu ấy được thay bằng những cầu rộng và dĩ nhiên thấp hơn để người dân dễ dàng qua lại, nhất là mỗi dịp đưa sản phẩm nông nghiệp về bằng gánh, xe đạp thồ, xe trâu. Những cây cầu cong vồng được xây dựng thời gian sau con kênh đào khoảng năm 1978. Kênh sâu, nước xanh lẻo; nguồn nước từ sông Thạch Hãn được dân dẫn vào ao hồ đồng ruộng… Tôi cứ nhớ con kênh thuở xưa chỗ sâu chỗ nông, và dưới lòng kênh rong rêu mọc dày. Chừng nửa buổi chiều mùa hè thằng Quý thằng Hiếu lặn xuống vớt rong về thả trong hồ cho cá ăn dần, rồi những đứa trẻ khác nhảy ùm xuống kênh, các chị các mệ thì ngồi ở bến giặt giũ. Những trâu từ đồng về đã tối mịt cũng tranh thủ lội xuống kênh phì phò ngụp lặn thỏa thuê gội rửa bùn lầy. Ấn tượng hơn lúc đàn trâu trở về trước hoàng hôn, ngang qua những cây cầu cong vồng chúng như đang ngược lên bầu trời - ấy là khoảnh khắc hiếm hoi và vĩnh viễn biến mất cùng với những cây cầu hiện bóng trong mơ.
Con đê được đắp từ bùn, phần trên là đất đỏ nên mưa vừa đã nhão nhoẹt. Xe máy ai giỏi cầm lái cứ vừa chống chân vừa bươn, bùn bắn khắp người. Năm nào đó vào dịp tết, đã tới nơi nhưng tôi chỉ đứng trên chiếc “cầu vồng” mà nhìn con đường lầy lội bấm di động khất hẹn với người thân dịp khác. Chính họ khuyên tôi nếu dấn xe xuống là hết quay lui. Hàng trăm hộ dân sớm tối đi về nhọc nhằn khổ ải. Mùa mưa những đứa như thằng Hiếu thằng Quý đến trường, có bà con anh em thì cha mẹ gửi ở lại, đứa có tiền mua cơm ăn trưa chờ buổi học chiều; đứa nghèo túng sợ đồng phục lấm lem đành cởi ra vắt vai cuốc bộ trở về. Chợt nghĩ chỉ có sự ngây thơ của trẻ nhỏ, chỉ có tâm hồn trong sáng của học sinh và cũng chỉ có sự nhẫn nhịn tuyệt vời của người nông dân xa khuất tầm tay đô thị mới từng ngày vượt qua đường đê khổ ải trong mấy chục năm trời.
Nhớ nhiều những lần trên chiếc cầu cong vồng đoạn giữa bắc qua con kênh, lúc mặt trời đang lặn và trên mặt nước hoa nắng nhấp nhóa sánh vàng. Gió lào đã dịu, thoảng mát hơi đồng nội. Ngồi với thằng Quý ngắm về thung lũng xa dưới ngọn đồi nay đã được phủ xanh cây tràm và keo. Rồi những bãi đất xanh cỏ sau mùa gặt, đàn trâu an nhiên gặm cỏ, và âm thanh lục lạc vẫn từng khắc thức tỉnh những quả bom sót từ thời chiến thôi dứt hận thù. Thằng Quý lâu lâu lại chạy ào xuống như xe không phanh, chui lủi trong đám năn lút người lấp xấp nước để bắt một loài chim bay sà sà từng đoạn. Tôi từng thấy nó chộp được con chim ấy bằng tay không mới nể. Lần ấy tôi đã lừa, bảo đố Quý thả con chim này mà bắt lại được, chú thưởng. Nó thả liền. Tôi cảm ơn Quý đã vô tình phóng sanh con chim lạ tội nghiệp quanh quẩn những ruộng năm tốt lút; và tôi vẫn thưởng dẫu nó không còn bắt lại được con chim đó. Tôi nói Quý lo học, đừng theo anh Hiếu đi cuốc vỏ đạn nghe. Nó nói cháu không bới được, chỉ đi lượm trên đất về đổi kem thôi.
Những đứa trẻ như Hiếu có nhận thức được công việc đầy hiểm nạn này? Có mối liên hệ nào từ chiến tranh đến thời hậu chiến mà Hiếu là một chấm nhỏ ở giữa? Hiếu có biết rút ra bài học từ vùng đồi còn thưa vắng bóng người này? Hiếu sẽ phải tìm nhiều hơn những mảnh đạn... Lại nhớ cái đêm ngủ lại nhà Hiếu, dậy muộn. Chị Lý ra đồng, anh Năm lên đồi hái chè non om nước. Nắng gay. Mặt trời chếch phía hồ. Dăm tàu lá chuối cá trắm đớp rách tươm lâu lâu lại động đậy trên mặt nước xanh lam. Hiếu từ đồi trụt xuống, theo con đường mòn quanh hồ tiến vào, hớn hở thổ ngược bì mảnh đạn giữa sân. Tôi vội bước ra: “Hiếu bới mảnh bom về đó a?!” Hiếu ngồi lựa mảnh, ngước lên, nheo nheo mắt dưới nắng sớm. Tôi cầm những mảnh lên xem. “Cả chừng này mấy cân?” “Nỏ ăn thua. Họ có máy rà được mảnh to, cả bom nữa”. Tôi chột dạ: “Này, đừng có đụng đến nghe Hiếu”. Hiếu cười mơ hồ: “Bữa cùng mấy đứa bạn đi bò thấy lửa bom lân tinh bốc lên, bọn cháu đua nhau chạy”.
Vùng đồi Tích Tường từ khoảng năm 2001 đến 2008, người trong làng kể cả những xã đồng bằng cũng tới rà mảnh. Ban đầu họ lượm những mảnh nằm trên mặt đất, làm thủ công vậy mà có người mỗi ngày được cả tạ. Sau đó vài năm người ta bắt đầu dùng máy rà những mảnh nằm âm, loại mảnh bom, pháo, vỏ đạn đại liên 50 bằng đồng, AR15, đạn cối 82; loại 72 thường được cắt khúc làm ca uống nước, 105 ly làm độc bình. Đào gặp đạn 79, bom bi, máy dò ra vị trí, cuốc trúng thân nó nên nổ. Những “thợ” rà mảnh đều không qua trường lớp, không được hướng dẫn, với lại cứ ngỡ là mảnh đạn chứ ít ngờ “thần chết” còn nguyên sức sống. Máy bắt mảnh diện tích hơi rộng; cuốc rộng khó tìm và tìm lâu sẽ tốn công nên người rà cứ nhằm chỗ máy kêu nhất mà mổ cuốc, thành ra nên nỗi... Cứ mỗi sáng ở trong nhà anh Năm nhìn ra có đến mấy chục người, họ cùng nhau trên một đò đùm bới cơm nước theo dòng sông, rồi tỏa ra phạm vi hàng chục km. Qua thời dùng máy, công binh bộ đội mới bắt đầu nhập cuộc. Song diện tích rộng và vật nằm rải rác quá nhiều nên trước hết họ tập trung vào những công trình như thủy lợi. Sau khoảng chục năm mới có chương trình ai phát hiện gọi điện; trong lúc người dân hễ thấy liền lặng lẽ đào về tự mở lấy thuốc bán, không mở được thì cưa. Có người phát hiện được quả bom lớn bèn gọi anh em bà con đào khuân về khui ra được cả tạ thuốc nổ. Cái lần lũ thằng Hiếu đi bò thấy bom lân tinh phát lửa, hẳn là ngòi bị thúi nên không nổ, nắng gắt quá nên bốc cháy, về còn kể râm ran như chuyện tiếu lâm. Thằng Quý, cha mẹ quý nó nên đặt tên vậy. Vốn dĩ anh đã đặt vòng, song việc này phải trách bên Y tế. Có lúc anh vừa nói vừa cười vậy, Quý nghe được liền xuống bếp hỏi: Rứa là mẹ không muốn sinh ra con à? Chị Lý lúng túng, bảo “ba mi nói dỡn đó; không muốn sinh sao đặt tên con là Quý”. Tôi có đêm ở lại vùng đồi, mơ giấc thú vị: Quý vẽ mảnh đạn. Hiếu vừa mang bao mảnh đạn về, Quý lựa xem, rồi vẽ. Những mảnh đạn chồng nhau lên trang vở. Những mảnh đạn của Quý như có sức sống, như là những sinh vật biết cựa quậy, nhưng đều là sự cựa quậy của cơn đau; có mảnh thì chĩa lên bầu trời rạn nứt bởi sấm sét. Tôi từng được đến thăm sân bay Tà Cơn, thấy đống vỏ đạn bom lặng lẽ nằm đó giữa um tùng cỏ xanh vút lên bầu trời hôm ấy cũng trong xanh. Những mảnh bom nằm ngủ mệt nhoài qua năm tháng, chúng như đang chụm đầu vào nhau thì thầm về những người lính không còn nơi góc chiến trường thỉnh thoảng người thân của họ vẫn đến kiếm tìm.
Nhiều quả bom lùi, khoan xuống dưới đất mới nổ, mục đích phá địa đạo, được cả hội đào sâu như cái giếng đến sáu, bảy mét. Có trường hợp đào gần chục mét mới thấy nó nằm nghiêng nên phải đào thêm “cái giếng” khác đón đầu. Những quả bom này người kinh nghiệm đều nhắc nhau khéo chừng lọt xuống cái hố chỉ lớn hơn người chút lại sâu như vậy chỉ có nước chết đứng. Tôi từng thấy người thợ, nghe o o liền thả máy cuốc phát là chính ngay mặt mảnh đạn nhỏ bằng vài ngón tay. Càng ngày máy bắt mảnh càng tân tiến, trông như chiếc quạt điện cụt đầu, bắt xuống sâu cả mét. Thế nên mảnh càng ngày càng thưa, ngày công giảm khiến người ta bỏ làm dần. Hồi vợ chồng anh chị ra đây mới 1 đứa con, cuốc đất dựng nhà ngay giữa lúc cơn sốt mảnh đang lên. Tôi hỏi anh không sợ à? Anh bảo sao lại sợ? Mình đang đi kiếm nó mà sợ nó là sao. Trông gặp nó mỏi mắt thì có. Tôi nghĩ anh Năm không lo đến tính mạng là vì cơm áo gạo tiền. Chẳng mấy ai do sợ mà nghỉ cuộc mưu sinh trong lúc đất đai còn cằn cỗi. Mới dựng lập cuộc sống bằng hai bàn tay chai sần và thực tế nhiều người đã phất lên nhờ phế liệu. Chẳng những ban đồi làm móng nhà, anh chị còn đào hồ cá; một phần đất nữa được khai hoang phục hóa trồng sắn, bắp, chuối, bơ, tiêu. Giai đoạn ra ở không có nghề gì ngoài đi lượm mảnh đạn. Làm được dăm năm thì anh nghỉ, chuyển qua canh tác, làm thợ nề. Ngày nào trúng được quả pháo 105 hay 175 ly thì mừng hết vía. Bỏ luôn việc; từ bìa rừng bước ra theo sông mà về, đò vừa cập bến đã có người đứng chờ thu mua. Năm 1994, anh kể có ngày làm vườn, bới theo dấu tích căn hầm bị sập, gặp một lô đạn 12 ly 7. Đào thêm chợt thấy lòi ra cái két đạn, có lẽ là chiến tranh vội quá vác đạn đi không kịp nên bội đội bỏ lại. Anh Năm lấy về bán theo giá đồng rác, tuy rẻ vẫn xem là trúng mánh. Đào thêm thấy B40, 41. Cũng muốn đào nữa, lại sợ dưới hầm có nhiều loại nhạy nổ nên lấp lại. Hồi công binh về, anh có báo với họ, họ rà không ra, hẳn là quá sâu. Cây cối vẫn được canh tác trên hầm đạn và anh chị vẫn ngày ngày cuốc xới mưu sinh trên “nấm mồ” của thần chết ấy.
Tôi mơ có lần vào ngày mưa bão về với thằng Hiếu thằng Quý, xe chạy vèo từ trên “cầu vồng” xuống thẳng nhà, đường bê tông thoáng rộng, chẳng còn nhớ trước kia mình từng cuốc bộ chênh vênh bên bờ kênh lấm bết, chẳng nhớ nơi đây dưới những thảm cỏ bãi ruộng đồi cây vẫn còn ẩn mặt những vết thương nhưng nhức theo năm tháng. Dừng ở chính giữa cầu nhìn con kênh uốn mình duyên dáng, hai bên rải rác những ngôi nhà nhấp nhô thật khiến khách lạ muốn ở lại luôn với khoảng xanh miên man. Những cây cầu cong vồng với mục đích thuyền buồm nhỏ có thể đi phía dưới; những cây cầu cao lêo nghêu, mỗi lần về tôi thường ngồi chơi với trẻ nít, nhìn nắng nhấp nhóa mặt sông. Mai sau hình ảnh những người nông dân gánh lúa thồ hàng qua cầu như đang bước lên trời sẽ không còn nữa; những học sinh đua nhau ai đủ sức nhanh nhất chạy qua cầu hay một ông già đẩy xe lên giữa cầu chợt dừng lại châm điếu thuốc riết mạnh rồi ngó quanh mơ hồ sẽ không còn nữa...
Lại nhớ sao những người cầm máy rà qua rà về, lâu lâu thì ngừng, rồi cuốc, rồi cúi nhặt mảnh đạn tung vào cái giỏ phía sau lưng một cách chính xác. Tôi nhớ những chiếc lục lạc đeo ở cổ trâu bây giờ cũng đã ít đi. Anh Năm không còn gò nữa, mà cũng hiếm ai rà được vỏ đạn vừa tầm; và anh cũng mất đi sự nhẫn nại ngồi gò mảnh đạn làm lục lạc như lưu dấu kỷ niệm một thời quân ngũ, một thời anh là thợ rà mảnh ơn trời vẫn còn sống sót… Hình ảnh đứa nhỏ đeo lục lạc vào cổ trâu, lần đầu tiên thấy và tôi đã trố mắt nhìn rồi đỡ cái lục lạc vào lòng tay, rất thô trong từng nhát búa song có sức thu hút lạ kỳ và cảm giác quý hơn một thứ đồ cổ. Đứa nhỏ dắt trâu ra khỏi nhà, tiếng leng keng nhộn dần, vang óc. Tôi ghi nhớ. Giữa mớ âm thanh dưới cổ hàng chục con trâu khác, tiếng lục lạc ấy vẫn trong ngân. Dường như nó đã được đeo vào não tôi tự bao giờ... Tôi nhớ những con trâu vào chiều lừ đừ bước lên gần giữa những cây cầu xưa, rất gần với đám mây hồng thấp xuống và mặt trời đỏ ói dưới lòng kênh. Tôi không hề lưu được tấm ảnh nào từ khung cảnh hiếm hoi đó, nhưng nó như những bức ảnh đã hoàn thiện cả khung và được treo ở nơi trang trọng nhất nơi tâm trí.
Nhớ những hình vẽ mảnh đạn trong mơ của thằng Quý. Những mảnh vỡ sinh động đủ hình dạng nó lưu vào ký ức của giấy, như chính nó đánh bóng rồi thay đổi số phận cho những mảnh đạn oan khiên. Tôi thích gam màu đất đỏ sậm mà vẫn tươi rói hòa trộn giữa màu bùn với màu sắt ghỉ sét lâu ngày dưới đất. Thằng Quý hồn nhiên vẽ như một sự thôi thúc mà nó không hề biết, nhờ vậy những mảnh đạn với gam màu ngây thơ tạo nên giá trị thật của nỗi đau sót lại từ cuộc chiến mơ hồ, rất mơ hồ trong tâm trí của nó. Rồi thời gian sẽ xóa đi tất cả. Chỉ là thời gian không xóa được nỗi đau của những người từng chứng kiến và từng nghe về nỗi đau đâm chồi trên những vùng đất tưởng đã bình yên.
N.S
(TCSH343/09-2017)