Bút ký - Tản văn
Mắm tôm chà rạch Bà Tàu
15:19 | 01/11/2017

TRẦN BẢO ĐỊNH

Một
Sông Bảo Định có nhiều chi lưu, một trong những chi lưu đó là rạch Bà Tàu. Thủy lộ con rạch lớn ròng tùy thuộc con nước rong kém và nó chảy cũng chẳng thẳng thớm gì cho lắm, có đoạn ngoằn ngoèo cong xoắn.

Mắm tôm chà rạch Bà Tàu
Minh họa: Nhím

Hơn nửa thế kỷ trước, thím Bảy tính nhẩm đã về làm dâu họ Trần chí ít những hai mươi năm. Thời gian đủ độ dài để thím trở thành người bổn xứ quê chồng.

Tuy tiếng là gái Tân Hòa, xứ sở Mắm tôm chà nổi tiếng trước thời Phạm Thị Hằng nghe lời cha lấy Nguyễn Phúc Miêu Tông(1), nhưng thím chẳng rành việc làm mắm tôm chà. Thím phân bua:

- Má chỉ dạy nghề gia truyền cho con dâu, chớ không dạy cho con gái!

Nghĩ cũng lạ, song có lẽ, không lạ bằng chuyện gốc gác ba má của thím vốn quê nội ở làng Truồi, nơi sơn thủy hữu tình. Hữu tình đến đỗi:

“Xứ Truồi ngọt mít thơm dâu
Anh đi làm rể ở lâu không về’’
(Ca dao).

Và, quê ngoại ở chợ Cầu Hai, cách quê nội đôi mươi cây số, cách thành phố Huế về hướng Nam gấp đôi khoảng cách quê nội. Trời phú, thiên nhiên đãi tôm, cá, cua... từ phá Tam Giang hay đầm Cầu Hai đều có mặt tại chợ. Nhất là cua gạch chợ Cầu Hai vỏ mỏng, gạch đỏ au, nổi tiếng trong Nam ngoài Bắc; riêng tôm đất, dù “cứt lộn đầu’’ nhưng làm ra đặc sản tôm chua trứ danh xứ Huế. Thím Bảy hãnh diện và từng khoe:

- Hễ nhắc tới cố thổ gia tộc của mình, thím không thể không nhắc “Cua gạch Cầu Hai, tôm chua kèm thịt luộc, dưa giá’’!

Tôi tin điều thím nói. Bởi lẽ thường, món ăn ngon khiến người ta nhớ lâu. Tò mò tôi hỏi thím:

- Thưa thím! Vậy chớ, ngoài đó có mần món tôm chà như trong mình không, thím?

Thím Bảy cười vả lã:

- Bà cụ đẻ thím ở Tân Hòa, ngoài đó có mần món tôm chà hay không thì thím chả biết!

Rồi, thím nói thêm:

- Phải đợi tới lúc có chồng về rạch Bà Tàu, thím mới tập tành mần mắm tôm chà do má của con chỉ dẫn.

Tháng mười trở đi, tôm đất vô “mùa rộ cứng’’ - nói theo phương ngữ rạch Bà Tàu, nhứt là ngày đầu con nước mồng một, mồng năm và mồng mười trong tháng. Nói tôm đất để không lầm lẩn với tôm thẻ, tôm sú, tôm càng xanh... và cũng là, nói theo cách nhà quê, nhằm phân biệt rạch ròi giữa tôm đồng sống tự do ngoài thiên nhiên với tôm lai tạo giống nuôi trong ao hồ tù túng. Tôm đất vỏ mỏng, thịt mềm, ngọt và dai chẳng thua gì thịt cua. Nó sống bầy đàn không quen sống đơn lẻ. Cho nên, dân rạch Bà Tàu bắt tôm đất bằng rổ, không ai bắt bằng tay từng con bao giờ.

Mỗi miền đất đều có khả năng sanh ra con tôm đất, mang tính đặc thù riêng của miền đất đó. Tôm đất do đất sanh ra, nó sống vì nước và nhờ nước mà nó sống. Từ nước, con tôm đất ăn phiêu sinh vật phù du, hút tinh túy càn khôn mà sinh sôi nẩy nở. Đặc biệt, tôm đất không có con giống.

Hừng đông chưa kịp mồi nắng, tôi bơi xuồng đi đổ nò, lọp đặc tôm đất bắt thấy mê và phát ghiền. Tôm huơ râu đỏ nước mặt rạch như mây rán đỏ trời ban mai.

“Con tôm nhảy ngọn nước ròng
Em chẳng lấy chồng ở vậy sao đang’’ (Hò huê tình).

Chắc là thím Bảy xúi Hai Đực hò ướm thử lòng, tôi nghĩ vậy! Hai Đực bạn thân của chú Bảy nên tôi gọi Hai Đực bằng vai vế chú; chớ đời nào, Hai Đực ngang tuổi chú Bảy chỉ hơn tôi nửa chục con giáp nếu tính một chục mười hai, dám bạo gan bạo miệng thả dê qua vườn so đũa của tôi đúng mùa bông trổ.

Má mượn chú Hai ở lại phụ thím Bảy rửa sạch, cắt đầu đóng tôm đất do tôi mang về.

- Liếng! Con vô bếp lấy hủ rượu ngâm muối hột đem ra cho thím Bảy với thằng Hai tẩm ướp tôm.

Rồi, má giục:

- Lẹ lên con!

Tôi vừa đi vừa tức cười, bởi nghe má nhắc chừng thím Bảy, nghĩa là chị dâu nhắc em dâu:

- Đừng lơ là để con tôm thẻ mạo danh con tôm đất, nha thím Bảy!

- Có em đây, chị Tư lo gì!

Anh Hai nhảy ra tiếp lời thay thím Bảy. Tôi nghĩ cái chú này hay chàng ràng cản mũi xuồng.

Má đương chuẩn bị cối đá để quết tôm, nghe chú Hai nói, má la:

- Hôm trước, cũng mấy đứa lựa tôm đất hóa ra tôm thẻ. Bà nội con Liếng đã cằn nhằn một trận, bộ chưa tởn sao?

Và, má nhắc lại:

- Tôm thẻ thịt nhạt, mùi tanh, chưn trắng... Để nó lộn vô mắm tôm chà, coi như mắm mất hương vị.

Tiếng chày quết tôm hòa nhịp tiếng cười giòn tan của mọi người, tạo không khí vui như ngày Tết. Chú Hai nổi hứng, cất giọng nói vè, báo hại đám con nít bu lại nghễnh tai nghe khoái chí.

“...Đầu lớn chôm bôm
là con tôm tít
Bắt người ăn thịt
là con tôm hùm
Ăn ở bụi lùm
là con tôm cỏ
Bắt bỏ vào rọ
là con tôm lươn
Gánh đất lấp đường
là con tôm đất
(Vè con tôm).

Nội nằm võng ở nhà trên, nghe tiếng đặng tiếng được tưởng rằng thím Bảy, chú Hai và tôi đọc lô tô mà bỏ bê việc quết tôm. Bà ngồi dậy, nói vọng xuống nhà dưới:

- Mấy đứa không lo quết tôm để kịp phơi nắng.

Nắng ban trưa nhảy nhót ngoài sân gạch hắt nóng rát mặt mọi người!

Hai

Tôi vốn mồ côi cha từ nhỏ, năm anh em có người chết khi vừa lọt lòng, có người vừa mới tượng hình hài đã chết khô trong bụng má. Nhiều lúc má nói giỡn: “Năm bỏ bốn lấy một, trời còn thương má!’’ Dù tôi là gái, nhưng cả nhà nội cưng tôi như trứng mỏng, bởi chú thím bảy lấy nhau lâu lắm rồi vẫn chưa có con. Mấy bà sồn sồn trong xóm nói lén với nhau: “Vợ thằng Bảy nó bị nâng’’.

Sau cái chết tức tưởi của chú Bảy đạp trái ở ngọn rạch lúc mò bắt tôm đất, bà nội buồn rầu xuống tinh thần sanh bệnh. Cảnh nhà nội sa sút dần... Nhà không có đàn ông, chuyện chi nội cũng mượn chú Hai gánh vác. Nội thường nói:

- Thấy thằng Hai, coi như tau thấy thằng Bảy!

Hồi đương thời, bà nội đẻ một tăng sáu người con, sống hai chết bốn lúc nội chưa tròn tuổi bốn mươi. Giờ thì, cả ba tôi và chú Bảy được bốn người anh em đã chết trước dắt dây dẫn theo. Ở đời, thường khi thiên hạ xót con đẻ hơn con dâu nên mới có câu:

“Trời mưa ướt lá da bì
Con mẹ, mẹ xót, xót gì con dâu’’
(Ca dao).

Trái lại, với nội tôi thì khác. Nội xót con nội đẻ bao nhiêu, nội xót con dâu bấy nhiêu và có lắm lúc, tôi cảm giác nội thương thím hơn chú Bảy. Má tôi cũng giống nội, không thương sao má nói:

“Gió đưa cây trúc ngã quỳ
Ba năm chực tiết còn gì là Xuân’’
(Ca dao).

Thời gian còn trong vòng chưa tới giỗ hết, nội gọi là đại tường, còn má tôi thì gọi mãn khó; thím Bảy tự bó mình theo khuôn phép nhà chồng. Biết thím thích coi hát bội, mấy đêm đình làng An Vĩnh Ngãi rước gánh hát bội Nam Đồng về hát cúng lễ Kỳ Yên, thím nhất định không đi là không đi. Chẳng biết tâm trí của thím nghĩ gì, nhưng có điều, hàng ngày thím dồn sức học cách làm mắm tôm chà do má tôi tận tụy truyền nghề.

Má nói:

- Thím lấy chén ăn cơm làm chuẩn đơn vị đo lường đúng phân lượng để tôm không bị trở ươn.

Thím Bảy lấy nửa chén nếp Bà Bóng cấy trên đất biền ông Củ Nghệ ở xóm Bà Sòm, vo sạch và nấu thành cháo đặc. Rồi sau đó, má dặn thím dùng muỗng canh múc một muỗng muối diêm hòa bốn muỗng mật ong, trộn nửa chén củ giềng giã nhừ cùng một muỗng ớt tỏi xắt băm thiệt nhuyễn, một chén muối bọt. Tất cả khuấy đều tan thành chất hỗn hợp gia vị và nước cho mười chén tôm đất.

Nội vui ra mặt, thường đứng coi thím Bảy làm mắm và nội nói với con dâu:

- “Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh’’ đó, nha con!

Mồ hôi tươm ướt lưng áo, thím thấy khỏe ra; có lẽ nhờ lời động viên đúng lúc của má chồng.

Bàn tay thím chà tôm lên mặt rá mạnh vì lực, nhẹ nhàng vì thoang thoát hơn hẳn bàn tay con gái. Má khen bàn tay của thím Bảy là sự kết tinh từ đất Truồi, nước Cầu Hai và người Tân Hòa nên hồ dễ mấy ai có được. Nhưng rồi, một thoáng buồn qua trong lòng, má thầm nghĩ: ‘’Hay là, vì vậy mà thím rơi vào cảnh hồng nhạn bạc phận’’!

- Chị ơi! Sao mình không lấy rổ mà lấy rá chà tôm, hả chị?

Thím thắc mắc hỏi má tôi.

- Rá lỗ khít, rổ lỗ lớn. Chà tôm bằng rá tuy lâu nhưng thịt tôm mau ra nước bột. Đôi khi nếu cần, mình đổ phần tôm đã chà trở lại rá để chà tiếp cho tới nước bột thịt tôm thiệt mịn.

Nội nhai trầu, đứng ngắm nghía từng hũ mắm tôm chà đậy kín được thím Bảy xếp thẳng thớm trên giàn cây phơi nắng. Nội nhắc thím Bảy:

- Nắng tốt như vầy, nếu con muốn mắm thơm và lẹ ăn thì con rang gạo vàng rồi giã mịn, thính mắm, dậy mùi thơm.

- Dạ. Thưa má, con phải thính bao nhiêu? - Thím Bảy dừng tay xếp hũ mắm, hỏi má chồng.

- Áng chừng một muỗng rưỡi tới hai muỗng canh đựng thính là đủ. Độ bốn năm ngày hoặc lâu lắm một tuần trở lại, mắm dậy mùi thơm là ăn.

Nội còn nói thêm:

- Đây là cách mần mắm tôm chà của người ở rạch Bà Tàu, còn ở nơi khác, chẳng hạn như Gò Công thì má không biết.

Ngày tháng trôi qua, thím Bảy nương mình dưới bóng má chồng; đồng thời, thím theo tôi bắt tôm đất và cùng chị dâu, làm mắm tôm chà để cố lãng quên nỗi buồn sương phụ của hai người đàn bà chung số phận.

Gần như thông lệ, ngày giỗ hết ở xóm rạch Bà Tàu thường nhắc, kể lể không bỏ sót một chi tiết nào hồi còn sống của người đã khuất. Nội nói:

- Nhắc nhớ và kể lể một lần trong giỗ hết rồi thôi. Sau đó, ít ai còn nhắc nhớ tới nữa, kể cả người thân!

Rồi, nội nói luôn cho mọi người cùng nghe:

- Xong lễ trừ phục, vợ thằng Bảy trở lại đời sống bình thường không kiêng kỵ như lúc có tang. Má mừng cho con dâu có được cái nghề làm mắm tôm chà theo kiểu xóm rạch Bà Tàu.

Nghe nội nói như một lời tuyên bố trước thân bằng quyến thuộc. Tôi hỏi má:

- Lễ trừ phục là lễ gì, hả má?

- Là lễ bỏ tang. Nghĩa là, thím Bảy đốt hết quần áo tang, khăn sô và những thứ có liên quan tới tang chế.

Bất ngờ, giọng nói của má tôi chùng xuống:

- Chuyện thím Bảy của con mần bây giờ, má đã mần hồi mười lăm năm trước, lúc con chưa đủ năm tuổi!

Tàn nhang, khói un chiều lãng đãng trên những vòm cây...

Ba

- Khi con ưng anh Bảy và làm dâu của má, là con hoàn toàn thuộc về nhà chồng. Cho dù ‘’Gánh cực mà đổ lên non/ Cong lưng mà chạy, cực còn theo sau’’ thì, con cũng chẳng thay lòng đổi dạ. Huống hồ giờ đây, má già yếu lại nay ốm mai đau... Con bao nỡ thối lui. Tội chết má ơi!

Thím Bảy nói trong nước mắt.

Thâm tâm nội muốn thả chim về rừng cũ, muốn con dâu của mình mạnh dạn bước đi bước nữa và biết đâu, bước nữa sau sẽ hạnh phúc. Với nội tôi, không khi nào có chuyện: “Mẹ chồng nàng dâu/ Chủ nhà, người ở thương nhau bao giờ’’. Nội nói:

- Nội coi con dâu là con gái và nếu, nội có con gái thì là con gái của người ta!

Nội thương má tôi bao nhiêu thì nội cũng thương thím Bảy bấy nhiêu và lắm lúc, nội thương thím Bảy có phần hơn. Tôi hỏi nội: “Sao lạ vậy, nội!’’ Nội rằng: “Dù gì má con còn có con, thím Bảy của con trơ trọi một mình!’’

Đêm tôi ngủ chung với nội để canh thức cho bà, nghe tiếng nội thở dài lòng tôi xốn xang cả ruột gan.

Rạch Bà Tàu trở nước tháng mười. Cánh đồng lúa An Thuận, Vĩnh Bình, Hòa Ngãi đã cắt gặt xong. Mùi rạ mới phản phất mùi bùn dậy mưa chiều, làm ngây ngây niềm nhớ nơi hai người đàn bà góa chồng đang chà tôm đất. Má tôi lúc nào cũng thương em dâu như thương em gái, chớ không như người đời thường nói: “Chị em dâu như bầu nước lạnh’’ hoặc giả “Rái nhau là chị em dâu’’. Thấy vậy, nội tôi yên lòng.

Năm đó, nội đã ngoài tám mươi tuổi đời. Một hôm nội kêu thím Bảy và má tôi lên nhà trên. Chắc là, có chuyện hệ trọng; tôi đoán mò, bởi nhà trên không phải chỗ để cho đàn bà, con gái.

- Mấy năm nay, má suy nghĩ lung lắm! Má còn sống chẳng nói gì, một mai má theo ông theo bà thì mấy đứa bây sẽ ra sao? Nhứt là con Bảy, tuổi hãy còn xuân phơi phới... Má không đành!

Gian nhà trở nên im ắng. Những sợi khói lượn cong từ đầu nhang đỏ lửa trên bàn thờ ông nội, dường như có cả ba và chú Bảy của tôi cùng lắng nghe lời bà nội nói. Bằng tấm lòng của mẹ, nội trao trọn vẹn tâm tư mình:

- Thằng Hai Đực nó là đứa con hoang, không biết ai đẻ ra nó rồi bỏ rơi ở gò ông Mới. Mợ tám Chờ cấy mướn đi ngang ngó thấy, lượm nó mang về nuôi. Lúc đó, má đương nằm cữ thằng Bảy, thương tình má cho thằng Đực bú thép. Lớn lên, hai đứa nó thân nhau tựa anh em ruột, chuyện nặng nhọc trong nhà hay ngoài rạch nó đều đỡ đần thằng Bảy. Từ ngày mợ Tám mất, nó sống cu ky, sớm hôm thui thủi và ngại tới nhà má vì nó sợ miệng đời thị phi.

Nội đốt thêm nhang lên bàn thờ ông nội. Gió chướng non bắt đầu thổi nhè nhẹ mái hiên. Đột nhiên, nội tằng hắng:

- Má tính vầy, hai đứa con gái của má nghe có đặng không?

Chẳng đợi má tôi hoặc thím Bảy đáp lời, nội nói luôn:

- Anh chị sui gia với má ở Tân Hòa đã quy tiên, quyến thuộc của vợ thằng Bảy cũng chẳng còn ai. Nói gốc gác Thừa Thiên là nói vậy, chớ ở Truồi hay chợ Cầu Hai chẳng còn ai biết ai và nếu, còn là còn nước cốt Huế trong xương tủy của con Bảy... Má định thế quyền anh chị sui và thằng Bảy...

Nói tới đó, nội nghẹn lời!

Má tôi lấy khăn vắt trên vai lau nước mắt nội, má nói:

- Lúc nào tụi con cũng nghĩ má là mẹ đẻ, là đất sanh con tôm nên gọi tôm đất. Má đừng nghĩ ngợi nhiều mà hao mòn sức khỏe!

Ôm nội, thím Bảy ứa nước mắt. Nội cố cười hắt bóng bấc lụn, rồi nói:

- Má con Liếng đã đi hết một ngươn đời(2), sẽ là người thay má quán xuyến gia đình nầy.

Nội nắm tay thím Bảy, căn dặn:

- Mọi chuyện trong nhà, con làm theo lời chị dâu và thương cháu như thương con ruột.

Ngồi hóng chuyện, nghe nội nói, tôi đâm ra lo điềm gở.

Nội tỉnh táo lập lại lời nói còn bỏ dở:

- ...Má định thế quyền anh chị sui và thằng Bảy... cho phép vợ thằng Bảy cùng sánh bước với thằng Hai Đực đi đoạn đường còn lại của cuộc đời. Được vậy, má nhắm mắt cũng mãn nguyện!

Thím Bảy chết điếng, chuyện quá bất ngờ, ngoài sức tưởng tượng đối với thím.

Nội têm trầu cau kèm chút vôi trong ống ngoáy đồng, nước cốt trầu ửng hồng lên mặt ống ngoái. Nội biểu thím Bảy ngồi xích lại gần nội.

- Tuy mắm tôm chà rạch Bà Tàu không bì kịp mắm tôm chà nơi con chào đời:

“Ai ơi về xứ Tân Hòa
Cho tôi hủ mắm tôm chà Gò Công’’
(Ca dao).

Nhưng, cũng đủ cho con hộ thân trong cuộc sống. Vả lại, tính thằng Hai chịu thương chịu khó thì lo gì sau nầy tụi con thiếu đói, chẳng cơm ăn!

Ánh mắt nội toát ra nụ cười, một nụ cười hiền vượt lên bao tiếng cười từ cửa miệng thế gian.

Và, dường như có tiếng cu gáy đâu đó trên vòm tre ở bến nước rạch Bà Tàu!

T.B.Đ
(SHSDB26/09-2017)

......................................
(1) Tức Nghi Thiên Hoàng thái hậu hay còn gọi Từ Dũ Hoàng thái hậu (con gái Lễ bộ Thượng thư Đức quốc công Phạm Đăng Hưng) lấy vua Thiệu Trị.
(2) Theo dân gian, ngươn đời là sáu mươi năm.   




 

Các bài mới
Lập công (24/07/2023)
Hoa ở Huế (23/06/2023)
Thư cuối năm (31/03/2023)
Các bài đã đăng
K8 - Bản hùng ca (26/07/2017)
Nghe đêm (14/07/2017)