NGUYỄN TRƯƠNG KHÁNH THI
Có một ngày nọ tôi nhẹ nhàng đến bên người và hỏi: Đã có bao giờ người đi lạc hay chưa?
Kì thực mà nói, bên cạnh sự có mặt của đồng hồ báo thức, chúng ta đã thức dậy vì nhiều điều khác nhau. Có người vì một tiếng ve sớm mà mở to đôi mắt mình, có người ngẩn ngơ tỉnh giấc vì một luồng gió lạ qua cửa sổ, có người vội bỏ tấm chăn ra vì một tiếng đàn xa… Bao người, bao chuyện, bao tuổi trẻ. Riêng tôi thức dậy để kịp cho cuộc hẹn ấy, cho những ngày đi lạc!
Sẽ có lúc vô tình trên phố ai kia đang hỏi đường vì lạc mất một quán hẹn nào đó, sẽ có lúc vô tư một ai đó lạc mất người bạn mình, sẽ có lúc vô hình nhưng chúng ta lạc cả thế giới… như tôi! Nhẹ nhàng nhất trong những ngày tuổi trẻ của tôi, có lẽ là chuỗi sáng sớm lang thang trên những con đường đã cũ và những buổi chiều chạy qua những cánh đồng, những đoạn đồi lấp lửng. Nếu người là một kẻ xa lạ với thành phố, sẽ chẳng mấy chốc quen ngay với những con đường nhanh đến với địa điểm mình mong muốn. Trước mọi người trong nhà tôi vẫn nói rằng Huế nhỏ lắm, nhỏ đến độ nhiều người tưởng mình chỉ cần dang rộng vòng tay là ôm được cả Huế vào lòng. Mãi về sau khi lớn lên, tôi mới cảm nhận được rõ suy nghĩ ấy được bắt nhịp từ tình yêu cũng như lòng tự hào về Huế của chính dân Huế. Với một người quá quen thuộc với từng tấc đất nơi này như tôi, tôi vẫn đã có những ngày đi lạc thật lòng vòng cho chính mình. Cảm giác thú vị nhất trên đời sẽ không phải là chính phục những thứ mới lạ mà chính là lạc nhịp trong những khúc quanh co quen thuộc của cuộc đời!
Một ngày nọ khi vừa thức dậy, tôi đứng giữa thành phố đông người qua, tay đặt lên tim thành khẩn mà cầu xin thành phố hãy để tôi được lạc trong chính người. Lúc ấy, con phố nhỏ đã hóa thành người mẹ, thành những bản nhạc ngân mãi không thôi. Ngồi trên chiếc xe số cà tàng đã già nhiều theo những chuyến đi, lên số lạch cạch và bắt đầu rẽ vào những lối không dự định. Hơn bao giờ hết, tôi cảm nhận một cách rõ rệt cái hương vị của phố phường, cái cảm giác kì lạ xen lẫn quen thuộc khi đi long nhong không dự định một nơi nào trước để đến. Cảm giác đó, là một chuyến lạc đường! Người Huế có lúc suy nghĩ nhiều, trằn trọc trăn trở nhiều về những hoài niệm, những gì xa xưa và hoài cổ. Người Huế lắm lúc ngại ngần chẳng muốn đi đâu, chỉ muốn được quanh quẩn ở cái phố nhỏ của mình, hít thở bầu không khí của Huế, ăn những món Huế và chỉ để sống một cuộc đời rất Huế!
Ai đó nghĩ rằng Huế trầm mặc, lặng thinh và nhút nhát đến tận cùng. Người ta sai, vì chưa một lần nào hiến dâng trái tim mình để được lạc lối. Những cung đường ở Huế dễ đoán đến lạ kì nhưng cũng dễ bị cuốn mất sự tỉnh táo. Thoạt đầu tôi cũng chỉ đơn thuần là một gã đi đường thờ ơ, nếu khi đó bản thân mình vui thì điều duy nhất tôi suy nghĩ đến đó chính là nơi chốn mình sẽ đến. Đã có khi tôi bỏ qua rất nhiều điều xảy ra hằng ngày xung quanh, chỉ để hướng về một nơi chốn xa xỉ. Khi con người mình bướng bĩnh và buồn rầu, nào hay chính bản thân lại vô tình gieo những u sầu cho thành phố và mắng nó vì sự hiu quạnh và buồn tênh. Có lẽ là chỉ khi trái tim tôi sẵn sàng và đôi chân tôi biết bao dung, tôi mới thật sự biết được thành phố này là ai. Đối với một đứa trẻ thì mỗi lần ra khỏi nhà đi đâu đó hơi xa là một sự đánh cược, một cuộc khởi nghĩa bởi mẹ sẵn sàng thu chìa khóa xe để mình cuốc bộ. Nhưng nếu cứ cuốc bộ sao đi nổi cho hết được những con đường, những cánh đồng? Tôi đã có những chuyến vượt rào ra khỏi chính những gì thường ngày. Nếu mỗi ngày tôi đi siêu thị, đi café, đi loanh quanh những cây cầu ở Huế và đến nhà bạn bè, thì đôi lúc những dự định ấy mang nhiều bất thường! Trên con đường đến trường, đôi lúc tôi đã đi quá trường và chạy thẳng về phía đường Lê Lợi, chạy cho đến bao giờ hết hẳn con đường, rồi mới nhận ra trống đã đánh và thầy cô đã điểm danh… Có những ngày đi siêu thị giúp mẹ, tôi chạy một cách nhẹ nhàng trên con đường, nhường hết xe này đến xe khác và tháo chiếc kính mát ra, trước mắt tôi là biển… Và tôi đã đến tận chân đồi Thiên An khi mà ý định đến nhà đứa bạn ở tận Vỹ Dạ chỉ vừa được hẹn hò nơi cuộc điện thoại cách đó chừng mươi phút… Những ngày ấy tôi từng bị mắng, cũng từng ăn đòn vì bỏ lỡ những điều mà ai cũng mong chờ. Đêm về đang nằm ngủ, tôi nghe thấy đôi chân dưới kia lặng lẽ nói lời xin lỗi mình! Tôi khẽ chạm vào nó, một cô bé nhỏ vất vả đã thôi thúc tôi yêu hơn thành phố của mình. Và thế rồi tôi vẫn đi… những chuyến đi mà lí trí ủng hộ trái tim mình được bình yên, được thoát khỏi những chấp ngã thường ngày không đáng có! Huế mà tôi rong ruổi suốt bao nhiêu năm, khoác lên mình những cảm xúc và những tình cảm sâu sắc đến kì lạ. Nếu là người Huế, chỉ sống quanh nhà mình, chỉ sống ở thành phố, chỉ sống với những gì người ta kể mình nghe… chúng ta thật sự sẽ bỏ lỡ một cuộc đời ở chính nơi chốn rất tuyệt vời này! Bước ra khỏi trung tâm thành phố đầy những xe, vòng xuyến đưa người ta đến những công sở, trường học mỗi ngày, phía trên không xa một quãng đường là đồi Vọng Cảnh, Thiên An, Ngọc Linh và những bãi cỏ xanh đến yêu mê mải. Chúng ta tiếc gì những giờ phút để đặt lưng mình lên đó, để nhìn bầu trời đúng nghĩa hơn, trong xanh hơn. Ai đó đã từng đến biển Hải Dương hay Hàm Rồng, những cái tên chỉ vừa mới xuất hiện về sau nhưng hoang dại đến lạ. Nếu sông Hương trong lòng thành phố dưới ngòi bút của Hoàng Phủ Ngọc Tường là một cô gái Digan man dại thì vùng biển này hẳn là người yêu thương của cô gái ấy! Những bước sóng, những mỏm đá nhấp nhô với rêu phong như vẽ lên những điều kì diệu mà chỉ có tự nhiên mới làm được! Khi buồn người Huế làm gì? Đi hát karaoke, đi café, đi ăn hay shopping và sống cuộc sống thực thụ như họ mong đợi? Đó là những điều có lẽ sẽ mang lại rất nhiều sự cân bằng, tuy nhiên để nỗi buồn khổ ấy có thể vơi đi, hãy cứ đi lạc! Khi chúng ta đến một quán quen nào đó, gặp những người bạn và chia sẻ mọi thứ, điều đó có thể làm chúng ta cảm thấy ổn hơn, nhưng đêm về có lúc lại nghi hoặc lời động viên của ai, hay sự quan tâm của ai có chăng là thật thà? Nhưng nếu ta dũng cảm rời xa những chuyện đời thường ấy và cho phép bản thân mình nghỉ ngơi, chạy một quãng bất chấp xa gần để ngồi trên cát biển mà hét với chính mình về cuộc đời ngày hôm nay… niềm tin vào bản thân lại sẽ được sóng xô vào bờ cát, những gì của tạo hóa sẽ gồng hết những thiên niên kỉ sống của nó lên để ấp ôm tâm hồn mình, để sẵn sàng yêu thương và che chở. Không gì có thể mạnh mẽ bằng tự nhiên, đó là chân lý, là sự thật muôn đời! Mà có hay ở những quả đồi hay bãi cát ấy, một Huế rất mạnh mẽ, rất ga lăng đã ở sẵn đó bao bọc con người của xứ sở mình. Những dáng hình, những thanh âm, những tác động quanh chúng ta chính là quê hương, chính là đất mẹ. Khi ta đi lạc, điều kì thú đã thật thà chờ sẵn đó cho một chuyến xe vui. Chúng ta buồn bã quá đỗi là vì sự đầy đủ và sự đòi hỏi của chính bản thân nhưng mảnh đất này nơi chúng ta thành người thì nó không vậy... Đã bao giờ người chạy về những cánh đồng, những thửa ruộng thênh thang phía xa xa thành phố để ngắm nhìn những chiếc lưng còng đang cặm cụi cho cuộc sống của mình? Đã bao giờ người rơi nước mắt trước những nụ cười không có đôi chân, những nụ cười trên chiếc xe lăn mỗi ngày đều ước mơ về một lần đi lạc? Cuộc sống đâu phải ai cũng được mơ và ai cũng đến được với đích mà mình đã vạch sẵn? Nếu chúng ta không vài lần lạc lối, phải chăng cuộc sống sẽ trở nên dễ dàng và vô nghĩa. Nếu chúng ta chỉ mãi ngồi ở quán café, thi thoảng buồn cho vài người nghèo khổ bán những tờ vé số, liệu chúng ta đã đủ thương yêu để giúp đỡ hay sống được cho tất cả quê hương mình? Nếu những chuyến đi là cuộc hẹn, một ngày nó sẽ thành hình. Nhưng nếu những chuyến đi đơn thuần chỉ là cuộc chơi, chiếc xe sẽ hóa bàn café bốn bánh và đẩy người ta vào cõi mê man, ma mị…
Khi có những nỗi buồn tự nhiên mà không ai hiểu nổi hay chính mình cũng không hiểu nổi, hãy đến với những điều mà không ai có thể tạo ra nó hay bản thân mình không bao giờ có thể làm ra được nó? Khác với tất cả các loại café, ô tô hay đèn điện, chưa ai nói mình đã tạo ra đại dương, chưa ai nói mình đã tạo ra mặt đất, chưa ai nói mình là người trồng núi… Chưa! Vốn dĩ những điều khó hiểu nên đến với những sự hiện diện không bao giờ có thể hiểu được, những yếu tố tự nhiên mà khoa học có giải thích một cuộc đời cũng không bao giờ chạm đến được… Nỗi buồn của loài người đáng quý lắm, đâu thể vì một cuộc vui xa xỉ mà thỏa mãn hết được trái tim và những hạt giống tâm hồn nơi sâu thẳm. Vì lẽ đó mà… nếu một ngày sự trống trải gõ cửa, kể cả khi lòng lưỡng lự giữa hai bờ buồn vui, hãy cứ đi lạc! Đi đâu cũng được, thành phố nơi mình sống còn nhiều bí mật của riêng nó, sẵn sàng đi rồi gió sẽ dẫn đường! Lạc bao lâu cũng được, nhưng đừng là suốt đời!
Một buổi sáng tôi ngồi lại bên một quán café có võng nằm ở Lăng Cô, có anh bạn nằm võng ở bên kia đang nhắm mắt đong đưa theo tiếng sóng biển. Tôi nghe hơi thở của mùa màng, của những cung đường, của chú cá nào ngoài xa đang sống vẫy vùng nơi quê hương nó… bất giác cũng nằm lên một chiếc võng, đung đưa theo nhịp thở đã hòa mất vào nhịp đời tự bao giờ… Người ta ở kế bên cũng tự dưng mà hỏi:
- Cô gái đi đâu thế?
- Em lạc đường.
N.T.K.T
(TCSH347/01-2018)