Bút ký - Tản văn
Lê Bá Đảng “mặc áo cho cây”
15:40 | 12/06/2009
PHẠM THỊ CÚC                         Ký…Tôi chưa thấy ai hay ở xứ nào làm các tác phẩm mỹ thuật từ cây với dây... Nếu gọi là tranh thì là một loại tranh ngoài trời, lấy tạo hoá, thiên nhiên làm cốt, không giới hạn, dãi nắng, dầm mưa, đu đưa theo chiều gió, màu sắc cũng thay đổi từng giờ, từng phút, tuỳ theo ánh sáng mặt trời hay mặt trăng. Cho nên, tác phẩm rất linh động…
Lê Bá Đảng “mặc áo cho cây”
Tác phẩm

“Ông Vỹ thân mà bà Cúc cũng thân", đó là câu mở đầu trong một bức thư của một "ông già" tuy đã là công dân của "trời Tây" ngót nửa thế kỷ, nhưng những nét phóng khoáng, chất phác, cởi mở... rất Việt Nam trong anh không hề phai nhạt.

Những lúc chuyện trò với chúng tôi, anh luôn tự xưng "tôi là người nhà quê". Cái chất "nhà quê" trong anh, làm cho những ai tiếp xúc với anh, dù chỉ mới lần đầu, đã thấy thân quen, dễ gần, dễ mến...

Trong một bức thư gần đây nhất (2-8-2003) anh gởi cho chúng tôi, có câu: "Nếu rảnh, mời xem "Mặc áo cho cây" có tốt thì khen, có xấu thì chê, đừng có dửng dưng sau nầy lại tiếc".

"Tốt" thì đương nhiên là quá tốt rồi, nhưng "khen" thế nào đây? Tôi sợ mình không đủ trình độ thẩm mỹ, không đủ vốn từ ngữ để khen cho xứng, thôi thì đành nghĩ sao nói vậy.

"... Ở Tây Tạng, người ta chăng dây và treo những mảnh vải màn, nhờ gió đu đưa giữa trời để chào đón và mời mọc linh hồn những người quá vãng". Còn anh, dùng những... chất cây... để tạo nên những tác phẩm độc đáo, đặc trưng tính dân tộc, đặc trưng Việt Nam. Tôi chưa thấy ai hay ở xứ nào làm các tác phẩm mỹ thuật từ cây với dây... Nếu gọi là tranh thì là một loại tranh ngoài trời, lấy tạo hoá, thiên nhiên làm cốt, không giới hạn, dãi nắng, dầm mưa, đu đưa theo chiều gió, màu sắc cũng thay đổi từng giờ, từng phút, tuỳ theo ánh sáng mặt trời hay mặt trăng. Cho nên, tác phẩm rất linh động.

Khi xem tranh "Mặc áo cho cây" có "hai cô tiên" (các tên này do tôi đặt) cầm tay nhau, bay về trời, tôi thấy lòng mình phơi phới, lâng lâng... cũng muốn bám cái dải yếm của các cô bay theo, để lại sau lưng, một dãy (trên lá, dọc theo thân cây) "Phật - Người - Người - Phật". Phật thì ở lại trần gian để "Cứu nhân độ thế". Còn người, ở lại để làm cho tròn nhiệm vụ của kiếp luân hồi sinh - lão - bệnh - tử, để trả "nợ đồng lần", mãi hoài "vay - trả - trả - vay".

Tôi nhờ máy vi tính để "Forward" bức tranh đó cho con gái tôi. Xem xong, cháu cũng có nhận xét giống như tôi: "rất ấn tượng và sâu sắc, giàu tính sáng tạo...".

Tôi hỏi anh: "Anh có định "mặc - áo - cho - cây" ở Huế, trong dịp Festival 2004...?" Anh nói: "Ngụ ý của tôi là nơi nào như Huế hay Sài gòn mà tụ tập được mỗi nơi vài ba người họp lại như một lớp học, tôi sẽ về bày vẽ cho cách làm. Sau đó, họ trở về tỉnh mình làm theo. Nếu một lúc cả nước cùng làm thì Việt Nam sẽ có một bức tranh giài (chữ dài anh luôn viết vậy đó) hơn "Vạn Lý Trường Thành", ít nhất cũng giài như nước Việt.

Chỉ mới tưởng tượng ra "bức tranh siêu dài" đó, tôi đã thấy nó hùng tráng, linh động, ấn tượng... Huống nữa, khi được tận mắt nhìn thấy một bức tranh như vậy, thì còn tuyệt vời biết bao!?

"Nhiều người Việt Nam thích cái "Mặc áo cho cây" như anh chị đó. Ở trong Nam, người ta đã trưng bày, ảnh ở Bình Quới (cây cối um tùm, nhiều khách du lịch). Mấy "ông trùm" ở Sài gòn đến dự thích lắm, và tỏ ý muốn mời về làm cho Tết..."

Theo tôi, sở dĩ loại tranh này được nhiều người thích như vậy, vì tính "quần chúng", dễ hiểu, dễ thưởng thức... Tác phẩm lại đập thẳng vào mắt người qua lại, dù trí thức hay ít học, giàu hay nghèo, già hay trẻ. Cho đến những người khác văn hoá, không cùng giống nòi. Và anh cũng không quên những con người mà số phận rủi ro kém may mắn..., đã mất đi cái "giàu hai con mắt..." khi anh mở ngoặc đơn (...chỉ tiếc là người khiếm thị không thưởng thức được). Tôi hoàn toàn tâm đắc với suy nghĩ này của anh. Cứ từ bản thân tôi mà suy ra, khi xem những bức tranh trừu tượng, lập thể... tôi thấy mình chẳng hiểu được là bao!

Yếu tố tâm linh trong thể loại tranh nầy: "... Ở Việt Nam có những ngày kỵ, ngày lễ của một gia đình, một họ, một làng, một chùa, một nơi du lịch, một tỉnh, thậm chí cho đến cả toàn nước Việt, từ Nam chí Bắc... Vừa là sự cảm thông giữa người sống và người quá vãng ở giữa vũ trụ thiên nhiên". Tôi hỏi anh: "Em chưa thật hiểu...". Sự cảm thông giữa người sống và người quá vãng...?" Anh trả lời: "...Nếu làm vào ngày giỗ Tổ thì có lẽ chị Cúc hiểu được ngay cái cảm thông đó!"

Trở lại câu hỏi của tôi ở trên, ý anh là "Ở Huế cũng vậy, muốn làm cho Festival, tôi cũng phải dạy cho một nhóm trẻ, rồi chúng làm. Tôi muốn làm lớn với những trò có văn hoá, mỹ thuật. Còn làm cái chi bắt chước ngoại quốc thì tôi từ chối. Ở Huế có nhiều vườn đẹp, cây cối hoa quả xanh tươi, nhưng phải thêm vào cái văn hoá và mỹ thuật trong vườn. Đó mới là Huế"

Là một người Huế, tôi rất vui mừng, phấn khởi, khi thành phố Huế được một họa sĩ, một nhà điêu khắc nổi tiếng như anh Lê Bá Đảng, đã có lòng thành, muốn đem tâm sức làm đẹp cho Huế. Không biết tôi có mang tiếng là "đành hanh" hay không, khi tôi thay anh Vỹ, (vì anh Đảng nhờ anh Vỹ, nhưng thời gian nầy anh Vỹ đang đi vắng) thưa lại với anh Nguyễn Văn Mễ, Chủ tịch tỉnh Thừa Thiên Huế lời anh Lê Bá Đảng rằng: "Tôi rất tham lam, tôi muốn Huế trao lại cho tôi cái trường Mỹ thuật cũ, để tôi làm nhà mỹ thuật, và bắt đầu đào tạo một trường phái mỹ thuật Việt Nam, mà không một trường mỹ thuật nào ở Việt Nam làm được... Anh Vỹ nói thử với anh Mễ xem sao. Rồi tôi cũng sẽ nói, không thì tôi về, tôi làm ở quê tôi đó".

Tôi than thở, ở Huế thời gian này nóng lắm, em có mấy chậu hoa, cây cảnh, mỗi ngày phải tưới hai lần, không thì chết khô hết. Năm nay, ở Pháp cũng nóng quá, đến nỗi, người ta phải chở bao nhiêu là cát về đổ dọc hai bờ sông Seine ngay giữa thủ đô Paris, dài hàng mấy km để làm bãi tắm nhân tạo, cho người dân đến vui, chơi, giải trí... và tắm cho đỡ nóng.

Anh Đảng và chị Myshu vợ anh, mới đi nghỉ hè ở Cannes về, để tránh cái nắng ở Paris, tuy "sân thượng nhà tôi cây cối um tùm, nhà rộng mà vẫn nóng. Anh Mễ đến nhà tôi lần đầu tiên, anh ấy muốn đưa cả đồ đạc, nhà cửa như vậy về Huế đó".

Tôi thích đọc thư dài, thường đọc đi, đọc lại nhiều lần; anh Lê Bá Đảng thường viết thư ngắn, thư này dài hơn thường lệ. Anh dừng cuối thư với câu "Thôi hôm nay tôi nói chuyện nhiều quá. Để chị Cúc đi tưới cây" Tôi buồn cười nghĩ bụng "Tưới cây gì lúc nửa đêm..."

P.T.C
(176/10-03)

Các bài mới
Lập công (24/07/2023)
Hoa ở Huế (23/06/2023)
Các bài đã đăng
Lửa tháng năm (29/05/2009)
Một thuở Paris (21/05/2009)
Xuân sơn kỳ bí (12/05/2009)