Bút ký - Tản văn
Xuân sang trẩy hội
08:52 | 12/02/2018

LÊ VŨ TRƯỜNG GIANG   
                          Bút ký  

Tiếng hát năm xưa bay vào không trung, se lại những mùa hoa vàng mấy độ. Trong màu xuân dát cả đất trời, người mở cửa bước ra, diễu chân qua từng ngõ từng nhà, lên đồi xuống phố, băng đồng sang sông…

Xuân sang trẩy hội
Bay trong trời xuân - Ảnh: Phạm Bá Thịnh

Từng hơi thở bừng hương mới. Hai từ “trẩy hội” đầy quyến rũ, như tinh thể xuân xanh trong vắt treo chốn hồng trần. Xống áo khoác lên vai, nhịp bước gót xuân theo bạn, thả mình vào dòng hội tưng bừng ngoài song cửa. Ngày ấy, câu thơ Hàn “bao cô thôn nữ hát trên đồi” bay theo từng nhịp đập của mùa xuân chín mọng, đeo mang cuộc mộng của những người trong tuổi ngọc. Đã bao lần mỗi mùa xuân tôi leo đồi quê, dưới bóng thông nhìn đồng xa chớm mạ, nhìn mây trắng bay qua đầu. Một lúc nào đó chợt hiểu vì sao Phạm Công Thiện viết “tôi đứng trên đồi mây trổ bông”. Chí hồ hải trải xa nghìn dặm, cũng chỉ thu về một thoáng dừng chân bến mộng. Đồi đương buổi sớm, cảnh vật chìm trong ảo ảnh sương mù giao mùa dịu ngọt. Những hành trang ý nghĩ trôi cùng thơ dại.

Tôi thức dậy trên chiếc chõng tre, thoáng nghe tiếng vịt bơi trên mặt nước xa xa. Mắt nhìn lên tấm bạt căng vội hôm qua giữa bốn chiếc cọc đóng vững chải bên bờ sông Vực. Hôm nay là ngày đua ghe của làng Thần Phù. Tôi đang ở trong lều bạt o tôi dựng để bán bún cho người xem hội đua. Trời hãy còn sớm, mùi bùn đất, mùi mạ non, mùi bèo mục len vào trong lều. Cùng lúc đó, lửa bếp nổi lên trên chiếc kiềng to nấu nước xáo. Khói um lên từng dải, bay là là mặt sông ấm. Hàng năm cứ đến đầu xuân, làng tôi lại tổ chức đua ghe, là ngày hội vui, thu hút các ghe tranh tài của từng thôn Phù Tây 1, 2, Phù Nam 1, 2, 3, Chánh Đông, Lợi Nông và cả thôn ở núi Châu Sơn… Trước đó mấy ngày, làng đã căng dây chọn khúc sông thẳng nhất giữa bàu làm chặng đua. Một nhóm thanh niên chặt tre tươi, ngọn lá còn xanh làm vè hai đầu. Trên bờ, người làng đăng ký đất nền dựng chòi, cắm bạt bày bán ăn uống. Đêm trước ngày hội đua, các đội bơi đã mang thuyền về tập kết, thanh niên bày cuộc rượu vui hết năm canh. Lâu lắm, tôi mới ngủ dậy giữa đồng, giữa nước, người lâng lâng như trôi vào giấc Lương Sơn. Chút nắng tháng Giêng le lói soi xuống mặt sông, một vài cánh chim kiếm ăn đầu ngày dáo dát chao qua hàng dương cuối bàu. Nồi nước xáo o tôi nấu đã sôi sùng sục, khói thơm bay nghi ngút. Người đi xem đua ghe đã bắt đầu tấp nập. Kẻ đi xe máy, bô nổ đùng đùng trên đường đê, người lội bộ từ tốn đi từ trong những ngõ xóm ra. Nhiều nhà có ghe cũng chở cả nhà kịp đến tìm vị trí đẹp để xem hội. Không khí tết kéo dài ra đến hôm nay, với xiêm áo mới, với mùi mứt còn đọng nếp hương. Lều bắt đầu có khách ghé ăn sáng. Tiếng tô chén loạng xoạng, tiếng hít hà ấm áp hòa cả vào tiếng chân người hối hả trên đường đê. Tiếng chiêng đánh khua vang động, tiếng trống dồn từng hồi lăn trên mặt nước. Chỉ trong vài nhịp thở, sông Vực dậy những tiếng hò reo, người nghìn nghịt, kín chật cả mặt đường, tràn xuống cả bờ sông thoai thoải. Tám chiếc ghe dàn hàng trên sông. Tôi bỏ lều o chạy ra xem. Một chiếc loa cầm tay thuộc loại hiện đại hồi ấy được Ban tổ chức của làng đọc thể lệ cuộc thi, mấy vòng mấy tráo cho các đội ghe biết. Sau màn thắp hương, khấn vái của làng và các đội ghe, mọi người về vị trí. Tiếng chiêng, tiếng trống vang lên báo hiệu giờ phút chuẩn bị. Bắt đầu. Các tay chèo vào vị trí, ngay từ phút đầu tiên đã ra sức đánh dầm tưởng chừng tan cả mặt nước bơi vọt về phía trước. Nước bắn tung tóe khắp nơi, vần vũ như một trận thủy chiến lướt trôi về một chiều vè. Sóng gợn lăn tăn trên sông, dập dềnh đến tận chỗ tôi đứng. Trên bờ bà con ra ủng hộ đội mình la hò inh ỏi. Cảnh tượng rất náo động. Cả mặt sông tràn tiếng trống, tiếng hò, tiếng nước. Xuân sang mở hội đua bơi, thật đúng với cảnh ngoạn mục tôi thấy trên sông Vực quê nhà. Những tay chèo lực lưỡng phóng dầm bơi, thoăn thoắt chèo, vụt vụt trôi, trôi…

Những năm gần đây, hội đua trải mở rộng trên sông Vực quê nhà được tổ chức quy mô hơn, mở ra cấp thị xã với nhiều phường, xã tham gia và lệ định diễn ra vào ngày mồng 9 tháng Giêng. Đoạn sông Vực được chọn đua trải chảy qua miếu Bà Hồ là nơi thực hiện các nghi lễ cúng tế cầu cho mưa thuận gió hòa. Thường mỗi năm có 9 trải đua đến từ 9 xã, phường thuộc thị xã Hương Thủy gồm: Phú Bài, Thủy Châu, Thủy Lương, Thủy Phương, Thủy Dương, Thủy Thanh, Thủy Tân, Thủy Vân, Thủy Phù. Các trải đua cùng nhau tranh tài ở 9 độ: 1 độ cúng, 7 độ tiền và 1 độ phá. Các độ tiền thi 2 vòng 4 tráo, độ cúng và độ phá thi 3 vòng 6 tráo. Trước khi tiến hành giải đua, Ban tổ chức cùng các bậc cao niên, tộc trưởng đại diện cho 9 xã, phường thực hiện nghi lễ cúng tế rất trang nghiêm trước miếu Bà Hồ. Người về xem đông nghìn nghịt, xe cộ gửi dọc đường Nguyễn Tất Thành dài hàng đoàn. Những lần ấy, dù đã gần hết ba ngày tết, bảy ngày xuân nhưng lòng tôi cứ hoài rộn rã.

*

Trở về với ngày hội trên đồi, hội của gió, của mây, lời cây cỏ tư lự giữa muôn trùng. Gió mang những lời ca xa xôi, mây chở lời nguyện lành vào thiên thu. Nhớ chiều giao mùa, tôi về làng Sình, nhớ những lần chở em lang thang khắp chốn quê mộc ngắm hoa tết trong vườn ươm, ngắm những bức tranh chân phương, màu sắc mộc mạc như tấm lòng của người nông dân chân chất khắc trên mộc bản trăm năm. Đây bức 12 con giáp làng Sình sinh động, một mặt trời cách điệu ở giữa trung tâm là biểu tượng âm dương, xung quanh là những tia ánh sáng rẻ quạt, ngoài cùng là 12 con giáp bao quanh được chia ô, kẻ chỉ ngay ngắn. Kia một chú gà trống kiễng chân đi, dáng điệu hùng dũng, oai phong. Chú có mào đỏ, chân vàng, lông cánh được phối ba màu đỏ, vàng, xanh lá cây nổi bật lên giữa những nét đen thuần hậu. Ngắm tranh làng Sình như soi thấu được tâm hồn bình dị của những người nông dân chân lấm tay bùn, gửi một chút tình, chút nghệ vào những mộc bản và màu sắc quyện mùi cánh đồng.

Chúng tôi ngồi dựa lưng vào gốc tràm hoa vàng dọc con đường đất đỏ, ngắm màu xanh ruộng đồng, màu vàng cúc trong vườn ươm. Tôi kể em nghe tuổi đôi mươi trôi qua với giấc ngủ tôi luộm thuộm sang trưa, những buổi chiều đứng lặng thinh bên dòng Hương. Nước ngày đó chảy sâu vào lòng, tắm mát ký ức cả mới lẫn cũ, là mơ hay là thực. Bơi thật xa, lấy nước dìm hết những bộn bề mọc lên trong người, lấy dịu mát của nước để xóa cơn bi phẫn trên rong tóc tuổi buồn. Bơi sấp, mặt úp trong lòng nước mát. Màu đen trộn trong ý nghĩ. Màu nước gợi nhớ về điều gì đó phiêu bồng, mùi mẫn xen lẫn bất cần và vô định. Tôi trôi theo những ngày xanh cũng vô định như vậy giữa mùa xuân làng Sình.

Lại nhớ, câu ca “Dù ai đi đó, đi đây/ Ngày Mười hội vật nhớ quay về Sình” thôi thúc tôi về làng Sình để xem hội vật. Làng Sình vốn nằm bên vùng sông nước, án ngữ thủy lộ huyết mạch trước khi vào kinh thành. Nơi đây có ngã ba Sình với vùng nước rộng, xưa được các triều đại dùng làm nơi diễn tập thủy quân. Triều đình cũng khuyến khích quân lính tổ chức vật võ, và về sau ấn định ngày mùng 10 tháng Giêng làm ngày hội thao. Vật võ đã trở thành sinh hoạt văn hóa thường niên của làng Sình, thể hiện tinh thần thượng võ của một vùng sông nước.

Chúng tôi đến khá sớm, nhìn sới vật được dựng ngay trong sân đình. Sới vật làm cao, trải cát và có giăng dây ngăn cách. Các cụ bô lão trong trang phục truyền thống khăn đóng áo dài, có mặt từ rất sớm làm cho không khí hội làng càng thêm phần tưng bừng, trang trọng. Nhiều người muốn xem tường tận phải leo lên các điểm cao, lấy góc nhìn toàn cảnh sới vật. Hội vật làng Sình về cơ bản áp dụng theo nguyên tắc của luật thi đấu vật dân tộc, các đô vật muốn vượt qua vòng đấu loại phải giành chiến thắng trước 3 đối thủ với đòn đánh làm cho đối phương “lấm lưng, trắng bụng”. Bất cứ khán giả nào cũng có thể lên sới vật đăng ký thi đấu. Nếu vượt qua vòng đấu loại, các đô vật sẽ bước vào vòng bán kết. Ở vòng bán kết, các đô vật phải vượt qua một đối thủ nữa mới lọt được vào vòng chung kết. Nghe thì đơn giản nhưng lên khán đài tỉ thí mới biết độ khó của cuộc tranh tài.

Hai đô vật bước ra sân, sau màn chào nhau, họ về vị trí thủ thế. Rồi cả hai lao lên nắm lấy đối thủ mình bằng đôi cánh tay lực lưỡng. Cứ thế ghì nhau, lựa thời điểm thích hợp dùng miếng hạ đối thủ. Mồ hôi nhễ nhại giữa tiết trời đầu xuân lành lạnh cho thấy cuộc so tài khá khốc liệt. Có lần, vào trận chung kết, tôi chứng kiến hai đô vật ghì nhau ở một tư thế dễ đến mười phút, khi một bên thấm mệt mới một hơi đè đối thủ ra đất, giành lấy vinh quang. Tiếng hò reo vang dội.

*

Giữa những ý nghĩ lắp ghép, không hiểu sao tôi vẫn rất ấn tượng với cái đêm trừ tịch của dân làng Phò Trạch (Phong Điền) tổ chức theo định kỳ 12 năm một lần mà cụ Tôn Thất Bình chép lại trong cuốn “Lễ hội dân gian”. Ngày nay, lễ hội này không còn nguyên vẹn như xưa nữa, như chút ngậm ngùi của một quá khứ nhiều màu sắc, là tặng vật của thời gian đã mất. Đêm trừ tịch tự thân nó gợi nhiều ý nghĩa về thời khắc giao thời, giữa cái cũ và cái mới, cái trôi qua và cái sẽ tới, nhắc ta đem bỏ đi hết những điều xấu dở cũ kỹ của năm cũ sắp qua để đón những sự mới mẻ, tốt đẹp của năm mới. Đêm đầm ấm sum họp nhất trong năm, tưởng rằng thời gian lúc ấy không muốn trôi đi.

Thức giữa đêm đông, tôi chợt nhớ tiếng gà trong một đêm giao thừa đầy gió rét và mưa phùn của Huế. Hơi lạnh sánh đặc, dường như lớp lớp nhang khói đóng băng lại trên mâm cúng giao thừa. Hương đèn, hoa quả, dăm chén xôi chè được bày biện trang nghiêm, đó là tất cả vật phẩm cúng đêm giao thừa của gia đình. Tôi ngồi co ro bên hiên nhà, nhìn những giọt nước ngưng đọng trên mái rỉ rả rơi xuống nhánh hoàng mai lấm tấm nụ vàng.

Gió tràn qua mâm cúng, từng xấp giấy vàng mã khẽ lất phất. Bộ đồ cúng giao thừa lung linh trong ánh đèn dầu leo lét. Không gian yên ắng của một ngôi làng ngoại ô trong đêm trừ tịch ngày nào lắp lại từng mảnh ký ức rời rạc những bánh xe chân phương lăn theo lối kể. Các nhà hàng xóm bận rộn với lễ cúng, người đi tới kẻ đi lui, một vài nhà nồi bánh tét còn chưa chín, khói bếp một góc quyện vào sương. Ở một góc làng, bầu trời ửng hồng một dải sáng, sương khói như về đấy tụ hội, ấy là pháo hoa đương bắn bên bờ sông Hương xa chừng dăm cây số, âm thanh đùng đục lay động giữa trời.

Và Phò Trạch, tôi nhớ ly cà phê chiều đông, nhớ tiếng còi tàu trên sân ga vắng, nhớ đêm thơ Nguyên tiêu phiêu lãng của một lớp người khao khát những dòng thơ. Trong lễ hội Sắc bùa Phò Trạch, cách phóng tưởng trên trang viết có lẽ là một cuộc thể nghiệm “trẩy hội” nhiều ý vị. Lễ hội Sắc bùa Phò Trạch được tổ chức từ đêm trừ tịch (đêm 30 Tết) và chấm dứt vào chiều 14 tháng giêng. Thử nghe lời hát sắc bùa bình dị, như một ao ước về cuộc sống khang ninh, xua tà, đuổi quỷ của người làng thuở nọ: Nhà tôi thừa lệnh sắc bùa/ Thỉnh ông Hoàng là thần chủ/ Trừ ác quỷ tà ma/ An táo an cửa, an nhà/ An sàng, an tịch, an hòa thổ công. Theo đó, nhân vật của đội sắc bùa gồm ông chánh cai sắc mặc áo mã tiên có thêu hình rồng, đầu đội mũ ngũ hành, tay cầm huyền trượng, ông phó cai sắc mặc áo thụng xanh, tay cầm ngù. Huyềnngù là hai vật dùng để khai môn trừ tà của đạo giáo. Hai ông tróc quỷ cầm thanh long đao. Tất cả các loại vũ khí đều có gắn lục lạc, để khi nện xuống đất hoặc rung đều phát ra âm thanh. Ngoài ra còn có nhân vật quỉ mang mặt nạ quỷ (do trẻ em đóng), hàng đội từ 10 đến 15 người, có cử người cầm đuốc, đánh trống, não bạt. Không khí xem ra chừng rất nhộn nhịp. Thử nhập vào đoàn hát sắc bùa đi khắp làng, nhấn nhá hương đêm giao thừa, giữa mịt mùng nhan khói u linh và cả những háo hức tiễn mùa cũ kỹ.

Đoàn sắc bùa đầu tiên đến đình làm lễ cáo với các vị tổ tiên, khai canh, khai khẩn đã dày công tạo lập, mong sự giúp đỡ để họ làm nhiệm vụ diệt trừ ma quỷ, tai ương cho dân làng. Sau đó toàn đội đến sắc ở đình thôn, nhà thờ các họ, phái rồi mới đến các tư gia. Nội dung sắc bùa ở các tư gia được chia thành 4 phần: trước hết là phần tróc quỷ: “Bao nhiêu thằng quỷ/ Phải bắt ra đây/ Thằng ngay thằng vạy/ Đố thằng nào chạy khỏi tay ông”. Nếu chúng ta có trong đoàn hát sắc bùa, nhìn thấy em nhỏ đóng vai quỷ, làm trò ma quái rồi bị “tróc”, vừa u minh vừa vui nhộn. Sau phần tróc quỷ là đến phần cầu an trong gia đình, phần khám nhà, trấn mộc, đóng bùa ở các cửa, chuồng trâu: “Đóng bùa cửa tằm, tằm ăn dâu/ Đóng bùa cửa trâu, trâu sinh đàn sinh nái”. Tiếp đến là phần tróc cột và phần cuối của sắc bùa là phần phong bạch toàn đội xướng, họa... chúc tụng toàn gia năm mới nhiều phúc lộc.

Chuông quả lắc trong nhà rung lên hồi báo sang giờ mới, lanh canh như cuốc xe đạp chở hoa xuân đi chợ sớm. 0 giờ. Giao thừa điểm. Năm mới đến. Điều gì đó vừa lướt qua trong tôi, những hạt mầm của một thực tại mới nảy nở trong cái hình hài vừa được cộng thêm tuổi. Vào lúc ấy, tôi bàng hoàng không biết mình đã đánh mất những gì, chưa làm được gì và đương chờ đợi gì trong vòng quay luôn hiện hữu của thời gian. Những hụt hẫng bùng lên như cỏ khô được mồi lửa rồi bị dập tắt trong cơn mưa hoài bão tuổi xuân.

Tất cả đột ngột dừng lại, nhường chỗ cho một tiếng gà đậm giọng cất lên. Ó o kia tách những đường mưa, xé toang cái lạnh đông đặc, như một ánh lửa lóe trong trời đêm. Tiếng gà cô độc, lay động những nghĩ suy không rõ hình thù, cứ thế lan trên mặt nước đồng xâm xấp rồi từ tốn vang vọng khắp làng.

Tiếng gà ấy vừa nhịp đất trời, chắc hẳn sẽ đánh thức vầng thái dương đương ngủ sâu nhất trong đêm trừ tịch, rồi mai kia ánh nắng sẽ chiếu cho thế gian một năm đủ đầy no ấm. Tiếng gà ấy là tín tâm, là sự biết ơn giống loài đã mang ánh sáng về cho loài người trong một đêm đen dài nhất giao thời cũ - mới. Tiếng gà đã ngừng hẳn, kéo không gian trầm lắng kia lại gần. Sự tịch tĩnh sau tiếng gà gáy và nhang đèn mâm cúng kéo tôi sờ lên một tiếng gà khác của lịch sử. Có những người vĩnh viễn không “bước qua gà gáy”, những chiến sĩ trận vong và đồng bào nạn vong, những người nằm lại trong tiếng nấc của binh đao. Nhang khói lòng người thành tâm dâng niệm phận người đau thương trên tấm bia lịch sử của xứ sở đẹp mà buồn. Giống như những bài thơ về mùa xuân mà Bùi Giáng cho rằng “mang tính chất hàm hỗn: vừa tưng bừng nô nức vui tươi, vừa ngậm ngùi tư lự”, tôi đã trải lòng đồng nhịp với càn khôn, tư lự nhìn mùa trôi qua trong mắt mình và nhớ nhắc ai đó đừng làm vỡ mùa xuân, dù chỉ là một chút nhíu mày.

L.V.T.G  
(TCSH348/02-2018)


 

 

Các bài mới
Lập công (24/07/2023)
Hoa ở Huế (23/06/2023)
Các bài đã đăng
K8 - Bản hùng ca (26/07/2017)
Nghe đêm (14/07/2017)