HOÀNG PHỦ NGỌC TƯỜNG
Bút ký
Chưa cần đến âm nhạc, Huế từ trong tâm hồn nó đã mang sẵn một mêlôđy của riêng mình.
Là thành phố vườn, Huế tràn đầy thanh âm do thiên nhiên ban cho: dàn đồng ca của ve sầu mùa hè, tiếng hót trong và cao vút của ve kim như tiếng đàn viôlông mùa thu, lời nỉ non của côn trùng trong những khu vườn mùa đông, và cả bốn mùa, ôi Huế bốn mùa đầy tiếng chim.
Hêminguê có lần nhận xét rằng những người già thường ngủ muộn và dậy sớm hơn mọi người chung quanh, để cảm thấy cuộc đời dài hơn. Có lẽ đó là tình yêu cuộc sống theo cách của người Mỹ. Người già ở Huế thường ngủ sớm và dậy sớm, ngồi trước hiên để nghe chim hót. Bằng linh cảm loài chim vẫn đón nhận những tia nắng từ cõi xa xôi, và tiếng ca chào bình minh của loài chim trong những khu vườn Huế là một khúc nhạc kỳ diệu thanh lọc tâm hồn, dọn mình cho những khát vọng vĩnh hằng. Chính con người thi sĩ của Ngô Kha, vừa bắt đầu tuổi trẻ nồng nhiệt của mình, đã phát hiện rất sớm ý nghĩa thẳm sâu đó của bản thông điệp tiếng chim: "Ước mong như người già - Sớm mai thức dậy nghe chim kêu".
Sinh ra ở Huế, trước khi kết bạn với con người, thì người ta đã biết bầu bạn với loài chim, từ thuở chưa vào trường, và cứ thế cho đến lớn đến già. Thế hệ tôi, tôi vẫn còn kịp thấy một Huế đầy chim. Thuở ấy dọc đường Trần Hưng Đạo, khoảng trước trường Pôn-Be cũ còn những rặng bút bút cổ thụ, trên đó vào cuối mỗi chiều đàn cò ở đâu về ngủ, đậu trắng vòm lá, kêu xao xác cả quảng đường trước cửa Thượng Tứ. Giá như bây giờ đàn cò vẫn còn, mỗi chiều trẻ con lại đổ ra lề đường đứng ngóng chim về, thành phố sẽ dễ thương biết mấy!
Quạ không phải giống chim thân mật với con người, những tiếng kêu của nó vẫn vang vọng mãi nỗi nhớ làng quê mùa trái chín. Kỷ niệm tuổi thơ của tôi gắn liền với những ngày việc họ việc làng ở vùng Long Hồ, với lũ quạ xúm xít quanh giếng để rình đánh cắp thịt sống, đuổi không chịu đi, lần khân hơn gà vịt. Quạ rất được kính nể trong tập quán dân gian ở Huế. Nhiều người nghe quạ kêu liền ra hiên đứng chắp tay vái theo, thậm chí ông hoàng Tuy Lý còn vâng theo mẹ mà kiêng tên Quạ, gọi chệch ra là "Quệ". Lòng kính trọng dân giã ở người Huế dành cho loài quạ xuất phát từ một lẽ rất là đạo lý, bởi vì quạ vốn nổi tiếng là con chim có hiếu.
"Ơi đò ca cút! cho qua một chút!" Tiếng chim ca cút gọi đò trên phá Tam Giang kể lại truyền thuyết bi thương của hai người tình chung thủy, đấy là chữ tình, trong khi ở vùng nội ô chim ca cút hạ giọng thành "Ôi thôi rồi cơ cuộc!", kêu sầu về cuộc khởi nghĩa thất bại và vua Duy Tân phải đi đày; đấy là chữ trung. Tâm hồn Huế xưa kia vẫn mang những buồn vui theo bóng chim. Con chim khách nào kêu "chẻo chè chẻo chẹc" trên đọt cau trước ngõ, ấy là niềm vui chờ bạn đến chơi, và nếu con chim chèo bẻo nào không đậu trên ngọn hóp lắt lẻo nơi hàng dậu, thì ô hô! điều ấy có nghĩa là bi kịch đã xảy ra đâu đó nơi cõi lòng: "Ai làm cho đó xa đây - cho con chim chèo bẻo phải xa cây măng vòi ".
Tưởng không cần nhiều hơn để nhận ra rằng có bao nhiêu điều trong đời sống nội tâm của người Huế đã hình thành qua tình bạn lâu dài với chim đến nỗi người ta đã mang theo tiếng chim vào âm nhạc để cố gắng đạt tới nỗi lòng, như trong bài Lý qua đèo. Đó là một khuôn mặt vô vàn của thiên nhiên Huế ba bốn mươi năm về trước.
Bây giờ thì tất cả đã bay về phương trời nào không biết, những đàn cò hoàng hôn, lũ quạ mùa mít chín, con chim ca cút kêu đò, con chim khách lẫn vườn cau, con chim chèo bẻo lẫn cây măng vòi, và sau cùng, cả con chim bói cá sặc sỡ bay vù qua ký ức tuổi thơ của tôi, mê hoặc như ảo ảnh. Bây giờ Thành phố vắng bóng chim, hầu như chim chóc đã bỏ Huế mà đi. Nguồn cơn ấy bởi vì đâu? Vì chiến tranh, vì mùi ét xăng và mùi hóa chất trên đồng ruộng, vì nhiều lý do bất khả kháng. Nhưng điều đáng giận nhất là chính vì người đời đã quên chim, để mặc cho những kẻ vụ lợi tha hồ tàn phá môi trường sinh sống và nỗi bình yên của chúng. Tôi cho rằng đây là một trong những điều đáng giá để suy nghĩ, trong mục đích cứu vãn Huế.
Tôi rất thích đi bộ thong thả dọc theo đường Ngô Quyền, con đường nhỏ yên tĩnh qua trước cổng trường Đại học Y bao giờ cũng thấy loáng thoáng bóng áo trắng của người thầy thuốc, và vào bất cứ giờ nào trong ngày, dưới tầng lá khép kín của hai hàng phượng, con đường vẫn râm mát như đi qua dưới một mái nhà. Và bao giờ cũng thế, tôi vẫn gặp lại chúng, những con chim sẻ nhảy nhót, đùa chơi trên mặt đường, rất dạn người, chỉ khẽ nhảy tránh khi bước chân tôi ngang qua. Vẻ vô tư của chúng làm tôi xúc động lạ thường: hình như tuổi - chim sẻ của tôi vẫn còn lại đâu đó, đang mê mải đánh bi bên vệ đường; tôi nhìn thấy nơi những chú chim nhỏ kia cái mà ký ức mùa tựu trường của Anatole France gọi là "bóng dáng của tôi hai mươi lăm năm về trước”.
Vào khoảng giữa buổi sáng vẫn thường có một bầy sẻ năm bảy con ở đâu bay đến kiếm ăn nơi hành lang trước cửa sổ nhà tôi, ở đó tôi đã vãi một nhúm gạo nhỏ dành sẵn cho chúng; lân la quen dần đến nỗi chúng vào hẳn trong nhà, quanh quẩn ngay chỗ tôi ngồi làm việc. Thế rồi một hôm đang mải viết thình lình tôi nghe một tiếng "đoàng" vang lên nơi vòm lá cây long não trước hành lang, bầy chim sẻ đang nhặt gạo gần đấy cất cánh bay vù đi như những bóng nắng. Nhìn xuống đường, tôi thấy một gã du đãng đang vác súng bắn chim lững thững bỏ đi. Lũ trẻ con nhặt mang lên cho tôi xem chiến lợi phẩm của gã để lại dưới gốc cây long não, một con chim én lạc lõng nào đã bị bắn chết, mấy giọt máu rỉ ra trên cái ức đen xanh của nó. Điều đáng buồn là từ hôm có tiếng súng nổ, bầy chim sẻ đã không trở lại trước cửa sổ phòng tôi nữa, chuyện vừa mới xảy ra trong mùa xuân vừa qua. Mong sao lũ chim nhỏ đáng yêu của tôi đừng giữ một kỷ niệm xấu về tôi, rằng chính tôi đã giăng sẵn một cái bẫy để định giết chúng.
Nói đúng ra, những năm sau này tôi vẫn còn niềm vui đứng lại bên đường ngắm chim anh vũ bay về. Đó là loài chim keo nhỏ, lông rất đẹp, từ vùng núi về Thành phố vào mùa trái gội chín, thường là vào thời kỳ từ lễ Vu lan đến trước Tết Nguyên Đán. Đàn anh vũ sà xuống những cây gội, và bắt đầu ngắm vũ bộ tuyệt vời của chúng: từng con bước đĩnh đạc dọc theo cành cây đến tận mút cành, xoay nửa vòng nằm ngửa mặt lên trời, chỉ giữ mình bằng hai chân níu cành theo thế đánh đu, và cứ thế nhấp nháp những trái gội chín đỏ. Ăn xong, chim anh vũ buông mình rơi tự do trong không và thoắt một cái, tung cánh bay ngược lên, cả đàn chim như một trận lá bốc lên trong gió, đẹp mê hồn. Thế rồi một lần, tai họa đã đến với chúng, ngay trước mắt tôi. Dưới cây gội đầu đường, một gã cần chất đạm nào đó chợt hiện ra, giương súng săn lia đạn vào đàn chim; chúng hoảng hốt bay tạt sang đường Trương Định nơi có khu tập thể của sở Thể Dục Thể Thao. Thật bất hạnh cho chúng, một gã xạ thủ khác chừng đã phục sẵn lại xả đạn vào bầy chim. Lũ anh vũ hoảng loạn mất phương hướng cứ thế bay lui bay tới giữa hai làn đạn, rơi lả tả xuống mặt đường như khế rụng. Trời ơi! Ước chi có một luật pháp nào của nền văn minh cho tôi quyền tước súng của hai kẻ dã man, và chính tôi sẽ đưa họ ra tòa về tội tàn sát thiên nhiên. Nhưng mà tôi bất lực. Sau cuộc thảm sát lần ấy, ba năm qua mùa thu nào tôi cũng trở lại chốn cũ thử xem: trái gội vẫn chín đỏ trên cành, nhưng giống như bầy sẻ nhà tôi, chim anh vũ không về nữa. Có lẽ đó là đàn anh vũ cuối cùng đã bỏ Huế mà đi.
Có lần tôi đến thăm Schwerin, một tỉnh có thiên nhiên rất đẹp của nước Đức, được du khách gọi là "Thành phố Đồi và Hồ". Mùa đông, Schwerin có hai loài chim đã trở thành bạn thân của con người: Chim nhạn và thiên nga. Cứ vào giờ ăn, bên ngoài cửa kính khách sạn lại xập xòa những chú chim nhạn bầu bĩnh với bộ lông mịn xốp màu xám tro. Tôi phải mở cửa tặng cho chúng một nắm vụn bánh mì, chúng mổ ăn ngay trong lòng bàn tay tôi, ăn xong vẫn đậu yên trên bậu cửa sổ, rất lịch sự, để chờ nhận được quà tiếp theo. Thiên nga thì đông đảo ở ven các hồ, thậm chí trên các lối đi qua công viên, người ta phải cắm những bảng hiệu giao thông vẽ hình một con chim nhỏ, lưu ý người đi dạo cẩn thận để khỏi dẫm phải những thiên nga con đang lẫm chẫm theo mẹ, tìm ăn những quả dâu đỏ kết thành chuỗi dài buông xuống sát mặt tuyết. Giống như những đứa trẻ bán vé số trong các quán ăn ở ta, cứ hễ thấy người lạ vừa đến ngồi nơi ghế đá là mẹ con thiên nga dắt nhau tới đòi ăn, và du khách nào cũng có sẵn trong túi mấy gói thức ăn bán sẵn trong công viên để làm quà cho chim, chim nhạn sinh sống ngay trong thành phố nhưng đến mùa sinh đẻ lại bay đi làm tổ ở một vùng thung lũng khác; còn thiên nga chỉ là kiều dân nhưng mùa đông lại về thành phố này để đẻ trứng ấp con. Vì thế cứ đến đầu mùa đông, người dân Schwerin lại tự đề ra thêm bổn phận gia đình phải lo cho chúng, bằng cách đóng những chiếc chuồng bằng gỗ giúp thiên nga trú đông. Quanh các bờ hồ Schwerin những căn nhà gỗ xinh xắn, đủ kiểu màu xếp cạnh nhau rất đẹp mắt, giống như những khách sạn phục vụ không tiền dành sẵn cho những gia đình chim. Ôi người dân Schwerin đã biết đối xử với thiên nhiên một cách có văn hóa như thế, mặc dù tôi đang thăm chơi ở một thành phố nhỏ của nước Đức, đang tiếp tục xây cất, và chưa bao giờ được UNESCO xếp hạng là "di sản văn hóa chung của nhân loại" giống như Huế của tôi.
Tôi có nói rằng thành phố Huế mang một giai điệu tâm hồn riêng, hài hòa tươi sáng như thiên nhiên quả là hơi thở của thiên nhiên, và có lẽ là một cái gì đó thuộc về âm nhạc của MOZART. Thế nhưng bây giờ, suốt một con đường đẹp nhất Huế là đường Lê-Lợi, cứ cách năm bảy chục mét lại mọc lên một điểm viđêô hoặc là một quán nước, từ đó dấy lên tiếng ồn của nhạc disco và nhiêu thứ rền rĩ tái bản của Sài Gòn mấy chục năm về trước: thời đó báo chí miền Nam đã chửi là: "Nhạc mari sến”. Lưu ý rằng đường Lê-Lợi chỉ toàn là cơ quan Nhà nước. Và chính đó là "giai điệu mới" đang chiếm lĩnh thành phố Huế. Chao ôi! Âm nhạc mà đến thế thì cả MOZART cũng phải bỏ đi huống chi là chim! Chợt nhớ lại một câu văn bia của lăng Tự Đức, đại thể: "Ta trồng nơi đây thật nhiều cây để gọi chim về, chim nào thấy vui thì cứ đến ở". Lại lưu ý rằng đây là văn bản được xem là thiêng liêng khắc trên đá hoa cương trước mộ của một trong những ông vua quyền lực nhất của nhà Nguyễn. Dù tàn bạo khét tiếng trong nghề đàn áp, hóa ra trong nghệ thuật kiến trúc của kinh thành Huế, Tự Đức lại là một nhà nhân đạo chủ nghĩa đi trước thời đại của ông biết bao nhiêu.
Dù sao, vẫn còn một cố gắng đơn độc nhằm bảo vệ loài chim ở Huế, nơi Hội những người Nuôi chim, vừa thành lập cách đây hai năm. Buổi lễ ra mắt thật là long trọng, có cả quốc kỳ, khẩu hiệu đỏ và diễn văn yêu cầu "Lãnh đạo quan tâm"; một vị cán bộ hưu trí vừa nhập hội ngồi cạnh tôi lấy thế làm khó chịu, nói càu nhàu: "Chẳng lẽ bây giờ người ta lại còn yêu cầu lãnh đạo luôn cả chim nữa à?" Câu phàn nàn của ông làm tôi bật cười. Nhưng chợt nghĩ lại nhiều điều trên mảnh đất cố đô này, tôi trả lời ông rất nghiêm chỉnh:
- Nhiều khi cũng đúng như thế thật. Cả vua Tự Đức cũng không coi việc chim là việc nhỏ. Chẳng thế mà người ta lại nói: "Đất lành chim đậu".
Huế, tháng 6 năm 1990
H.P.N.T.
(TCSH44/01-1991)