Bút ký - Tản văn
Lỡ mất cái 'không'
09:31 | 09/07/2018

NGUYỄN KHẮC THẠCH 

Lỡ chuyến đò có thể chờ chuyến đò sau. Lỡ mất cung có thể chuộc lại cung từ người nhặt được. Lỡ mất cái không biết tìm ở đâu đâu?

Lỡ mất cái 'không'
Minh họa: THẢO NGUYÊN

Tôi đã phải bàng hoàng khi chợt nhận ra mình bị mất cái không giữa đám đông ngồi phiếm chuyện “hao tài” cuối năm trong dịp đi dự đám cưới con một người bạn ở Sài Gòn. Ở đấy, mỗi người một kiểu liệt kê sự mất mát của nhà mình trong năm. Nào tiền, nào vật, nào nhà, nào đất, nào số đề, nào chứng khoán... ít nhiều đủ cả. Đến lượt, biết mình không mất gì (bởi không có gì để mất), tôi buột miệng “tôi bị mất cái không”! Mọi người nghe lớ ngớ. Tôi lơ đễnh cười bù. Nhưng chao ôi! Thì ra tôi đã lỡ để mất cái không mà mình có thật. Nếu còn nó thì tôi đã không hiện diện trong những cuộc hội hè bi hoan như thế. Cái không là gì? Chắc mỗi cấp độ thức nhận hẳn có cách nói riêng, ở đây trên bề mặt ngữ nghĩa của nó là không có gì ràng buộc, không có gì dính mắc, không có gì câu thúc bởi sự buông bỏ rốt ráo đến mức tàn nhẫn đối với mọi dục vọng cá nhân. Ai đó cũng đã nói rằng người ta chỉ có thể thỏa mãn dục vọng khi biết từ chối nó. Thuộc tạng người mang di tính hoài cổ, tôi thường bị dính vào vòng “tam cương, ngũ thường” của nho giáo mà trong đó chữ “tín” luôn sỗ sàng chi phối. Cũng vì nó mà tôi đã phải lăn lóc từ trò phù phiếm này đến cuộc duy tha khác. Chuyến đi ăn cưới ấy là một bằng chứng trung tín, bẽ bàng cho cái tôi mơ hồ ngộ sự. Tấm thiệp mời lung linh hạnh phúc đâu đó đã khúc xạ cái bệnh sĩ nghèo hèn tôi sang ngưỡng “tiến thoái lưỡng nan”. Bối rối, trù trừ, xoay trở mãi rồi tôi cũng được “ám trợ” ra đi với tư thế ngạo nghễnh trước một đại gia có quý nữ du học nước ngoài hồi hương trong lễ vu quy. Tôi hí hửng với món quà cưới sang là bức tranh của một danh họa đẳng cấp quốc tế. Lộ phí đi đường ngoài cặp vé bay khứ hồi Huế - TP Hồ Chí Minh còn thêm mấy gói mì chay ăn liền cũng đã tròm trèm tháng lương hưu. Quảng đường từ sân bay Tân Sơn Nhất về nhà bạn 15 cây số thì vô tư cuốc bộ miễn phí. Bình thường đi khoảng hai tiếng rưỡi nhưng lần này tôi đã phải lê lết gần bốn tiếng đồng hồ mới tới được. Số là tại đôi giày mượn - mượn đôi giày đẹp đi cho oai (đám cưới con đại gia mà!); ai dè khi đi thử thì vừa nhưng đến khi hành sự thì càng đi càng co bó rọ. Hai bàn chân bị cọ cứa xây xát, đau không chịu nổi, tôi đành cởi giày ra đi bằng đôi tất. Khi qua cầu Sài Gòn đúng vào giờ ngọ. Nắng ngùn ngụt mặt cầu. Đôi tất nilon bén nhựa đường khét lẹt. Đôi bàn chân bỏng rốp. Các tư thế nhón chân, nhích gót, lò cò đều được thị hiện trên đoạn cầu cong khúc nối qua sông không chịu lụy đò, qua đường không chịu “cúng” cho xe thồ... Rồi tôi cũng bước qua bĩ cực, qua sự bõ hờn trong niềm kiêu hãnh tự tin về món quà cưới mà mình đã nâng niu suốt chặng đường khốn quyện. Và giờ công khai lễ vật, quà tặng của thân quyến trước bái đường đã đến. Tôi thắc thỏm ngồi chờ. Một giọng đọc trọ trẹ của người bồi tế vang lên: “Dì B năm triệu, bác A hai trăm đô, chú C cặp nhẫn hai chỉ, cậu D một sợi dây chuyền nửa cây vàng tây...”. Tôi vừa nghe vừa nhẫm vừa so sánh. Lòng bỗng trào dâng niềm tự mãn:Chưa ai bằng mình. Bức tranh này phải hàng ngàn đô. Ăn đứt đám kia rồi. Có lẽ họ để món quí nhất đọc sau cùng. Cũng như thi hoa hậu ấy mà. Người đoạt vương miện bao giờ cũng dành hạ màn chung cuộc cho thêm phần tò mò long trọng”. Rồi tiếp tục, tiếp tục, lại tiếp tục và cuối cùng “Quà của bác NKT ở Huế là tờ ảnh (bức tranh chứ - giọng người ghi sổ xen vào), ừ bức tranh. Cái này rất hợp với dịp năm mới sắp đến, kiếm lốc lịch dán treo lên tường cho đẹp (!). Sao? Họ nói gì vậy? Chữ tác đánh chữ tộ rồi! Họ coi bức tranh sang trọng như cái bìa lịch quèn ấy sao? Họ không hiểu biết hay có ý giễu cợt báng bổ mình? Từ hí hửng đến chưng hửng, tôi bàng hoàng lần nữa rồi lặng theo âm tần chữ tín...

Tôi đã bị tổn thương. Có lẽ đây là lần đầu tiên trong đời tôi cảm nhận được một cách sâu sắc về sự tổn thương của mình từ hệ lụy chữ tín. Tôi lần lần ám thị mình thoát ra khỏi nó. Thay vào đó là chữ tin. Thực ra giữa chữ tín và chữ tin xét về mặt từ loại thì cả hai đều là danh từ mà trong nội hàm của chúng đã có sự “xâm thực” lẫn nhau. Song, chữ tin nghiêng về hướng nội, là tĩnh. Chữ tín ngã qua hướng ngoại, là động. Chữ tín có quan hệ hai chiều, là nhị nguyên, là chấp trước, là thực dụng. Chữ tin thì tự bạch đơn phương, là bất nhị, không đối đãi, không vụ lợi. Nếu chữ tín là thuộc tính của tâm lí phóng chiếu các quan hệ thì chữ tin là thuộc tính của tâm linh ám thị một đối tượng. Vậy là hơn một lần tôi đã lạnh lòng với chữ tín. Và xin được y án “một lần bất tín vạn sự bất tin”. Trong tôi giờ chỉ còn là Tin. Một niềm tin hoang dã. Tin vào Đạo Trời. Tin vào Nhân Quả. Tin vào Cái Không. Không luôn luôn là cái đang là...

Tôi cơ hồ mình đã “đắc” cái không một cách ngẫu nhiên qua một cuộc thoại thỉnh an bề trên. Cũng rất tình cờ, tôi lại gọi Ngài đúng vào lúc 7 giờ sáng ngày 27 tháng 7 năm 2007. Chuông vừa đổ, đầu kia có ngay tiếng ngài hối: “Đang là giờ hoàng đạo nói ngay, chân lí chỉ một không hai, cuối cùng chân lí bằng mấy?”. Bị bất ngờ khiến tôi lúng túng nhưng trực giác kịp âm hao tựa như một thoại đầu hay một công án thiền gì đó. Đã vậy thì không được chần chừ, tôi bạch luôn: “Bằng không!” Lặng giây lát rồi ngài nói: “Bằng không là đúng rồi nhưng phải nói sao cho ra không”. Tôi bị sựng lại. Ngài cúp máy. Qua ngữ cảnh và ngữ điệu, tôi linh cảm là ngài đã không hài lòng về cách trả lời ấy. Thực ra tôi đâu có căn cơ hoặc bản sự gì để nghênh giải một tình huống vi ngôn như vậy. Nhưng dù sao tôi cũng đã được ấn khả một nghi tình chân lí bằng không(?). Sao lại bằng không? Chân lí ở đây hẳn là cái tuyệt đối tối thượng trong vũ trụ mà phật giáo gọi là Chân đế (khác với tục đế là chân lí tương đối). Trên logo của Hội Thông thiên học thế giới, người ta đặt vào đó một sologan là Không tôn giáo nào cao hơn chân lí! Cũng có nghĩa chân lí mới là mục đích còn tôn giáo chỉ là phương tiện. Điều này riêng có trong Phật giáo, chính Đức Phật tuyên, Pháp của Ngài chỉ là cái bè qua sông, là ngón tay chỉ trăng. Chân lí vì thế mà không thuộc phạm trù thước đo hoặc bàn cân hay một ý niệm khả danh nào cả. Cái gì tự đạt tới những “tiêu chí” như nó thì cái đó đã là chân lí rồi. Tôi mang niềm thức ngộ này mà mạo muội chân lí bằng không. Xã hội ngày nay đang ngả ngớn với đa nguyên tôn giáo. Tôn giáo nào cũng xác quyết một tín điều rằng chân lí vũ trụ chỉ có một mà cái một đó lại thuộc về mình, mình là chính giáo. Khi một tôn giáo tự coi mình là chính thì kẻ khác mình ắt hẳn là tà. Lịch sử nhân loại luôn minh chứng sự sai khác này bằng những trang xung đột đẫm máu. Riêng Phật giáo như tôi biết thì không. Ở đây chân lí cũng chừng như vô ngã. Cách nói khác thì chân lí cũng là một pháp thực tướng của các pháp là không - Bát Nhã Tâm Kinh nói vậy (“thị chư pháp không tướng”) nên chân lí cũng là không. Vậy thì chân lí đã thuộc về Phật giáo.

Cái nghi tình chân lí bằng không ngày ấy mãi đeo đẳng ám ảnh tôi cho đến hơn một năm sau mãn đời công chức trở về thân phận một lưu dân. Ra khỏi vòng “ô nhiễm” của thị phi danh lợi, tôi được sống tùy nghi tự tại theo ý mình bởi “quyền năng bảo chứng” của tấm lương hưu lập lòn bất biến. Buông dần những sở hữu, đoạn dần những quan hệ, tôi như đã tiệm cận vào thế giới ba không của Krishnamurti: không chủ đích, không suy niệm, không thời gian. Một cảnh giới tâm thức “rỗng” đã biến hiện trong tôi mỗi lúc ngồi thiền. Cái không được phóng chiếu vào trạng thái sống tương dung khả kham lòng trắc ẩn. Dù đây chỉ mới là cái không kiến chấp, cái không “đối trọng” với, chưa phải là cái không bản thể, âu cũng đủ phủ dụ tôi “cư trần lạc đạo”. Nhưng rồi đùng một cái, đứa con trai bị vỡ nợ, bị thất tín, bị đe dọa. Thế quẫn cùng, tôi dằn lòng đem cái sổ lương hưu cầm cố mướn tiền giải cứu cho con. Và khi giữ được chữ tín thì nó lại chiếm chỗ cái không. Vậy là hết! Đến cái không muốn giữ được cũng khó, tôi lại phải tang bồng mang món nợ giang hồ vào chốn đa đoan. Hai lần đi làm thuê, hai lần “lợi bất cập hại”. Dính mắc vào tiền, ràng buộc vào việc, trùng trùng niệm khởi duyên sinh. Giữa ngổn ngang tơ vò nhện mắc, bất thần tôi gặp lại cái không. Thì ra nó chẳng mất đi đâu. Nó còn đó. Nó là hằng hữu. Hiềm một nỗi cái không luôn luôn bị cái “tay ba” danh - lợi - tình lù lù che lấp. Người ta sống cũng vì ba thứ đó. Mấy ai buông được? Buông danh thì tiếc, buông lợi thì sầu, buông tình thì xót. Tuồng như tôi cũng đã có phần buông được danh lợi còn tình thì vẫn nhi nhiên, vẫn nằm trong quá trình tróc nã, quá trình thể nghiệm đớn đau. Hai thứ danh lợi đều là vật ngoài thân còn tình lại từ trong xương máu ứa ra. Nó là “thủ túc” của bản ngã. Nhưng đến khi cả tình cũng buông bỏ nốt thì bản ngã chắc trở nên cô độc và nó sẽ không còn “cộng sự” mà vùng vẫy tâm vương, không còn “quyền năng” mà hành sai tâm sở. Rồi bản ngã ấy sẽ được siêu thường hòa đồng vào đại ngã vô biên. Đại ngã vô biên cũng chính là thực tướng cái không của vũ trụ. Muốn tới được thực tướng cái không đó người ta phải bước qua cái không hiện tượng. (Cái không hiện tượng là cái không nhận thức được, trái với cái không bản thể). Bước qua cái không hiện tượng hay buông bỏ cái có giả danh chỉ khác nhau ở ngôn từ biểu đạt. Thực chất của chúng vẫn là “sắc bất dị không, không bất dị sắc”. Bước qua hay buông bỏ ở đây dường như tương ưng với pháp vô vi của Đạo Gia mà ai bén duyên ở đâu thì sẽ đắc ở đấy.

Tôi đang đứng bên này cái không hiện tượng thành khẩn vái chào cáo lỗi mọi cái có giả danh và xin thụ tội thất tín lạc loài ngõ hầu an trụ với niềm tin... mai sau dù có bao giờ...

N.K.T  
(TCSH352&SDB29/06-2018)



 

 

Các bài mới
Lập công (24/07/2023)
Hoa ở Huế (23/06/2023)
Các bài đã đăng
Phù hư (08/05/2018)
Chìm (23/04/2018)
Khói (17/04/2018)
Chùm tản văn (26/03/2018)