VĨNH NGUYÊN
Cung đờn - nghĩa nôm này ở vùng này là tiếng gió. Mùa hè nóng bức, về phá Tam Giang, ngồi lên sàn nhà chồ của dân chài cắm giữa phá, ta mới thấy thắm thía tiếng gió ấy.
Ai không tin thì cứ về đây. Những người thường sống trong phòng điều hòa nhiệt độ, cứ tưởng như thế là lý tưởng nhất trần đời! - Không đâu. Những cung đờn ở phá Tam Giang sẽ làm bạn hài lòng hơn. Càng hài lòng hơn với những ai có sao thiên di chiếu mệnh. Bởi thiên nhiên thoáng đãng và người dân thủy điện tấm lòng cũng thoáng đãng tựa thiên nhiên, mà phá Tam Giang chiều dài - Tính từ cửa sông Ô Lâu đến cửa Tư Hiền trên trăm cây số và chiều ngang trên mười cây số, có sức thu hút bạn vào những cuộc du lịch bổ ích. Bạn có thể thuê đò máy hoặc bồng bềnh cả tháng đò chèo để đến với những ngóc ngách, những cung đờn của Tam Giang rộng lớn.
Đến thủy điện Phú An, tôi leo lên ngôi nhà chồ của Đặng Tấn, phụ trách an ninh khu vực. Hút chưa tàn điếu thuốc, Tấn đã xuống ghe đi đổ nò. Tôi đi theo Tấn, mẻ nò chiều nay được nửa rổ vừa cua vừa ghẹ và nửa rổ cá gồm cá bống, cá ong hương, ong thẻnh, thờn bơn và nhiều loại cá vụn khác. Số cá Tấn cho vào oi đại trôống dưới nước để sáng mai đem bán, còn rổ cua, ghẹ thì vẫn để nguyên. Chống ghe trở lại nhà chồ, Tấn nhóm bếp bắc nồi và đổ cả rổ cua ghẹ vào luộc. Lấy nửa bát muối sống, cho vào mấy trái ớt tươi chín, Tấn giã đập hai thứ trộn vào nhau và để bát muối ớt giữa cái mân nhôm đại ạng. Các bạn chài đẩy ghe tới buộc quanh dưới nhà chồ, có hai anh thanh niên tay xách hai chai rượu. Tấn đổ cua ra rổ rồi xếp lên quanh mâm. Những con cua để úp, mai cua đỏ rực lên như những cánh hoa, bát muối ớt ở giữa như là nhụy hoa. Cả một mâm cua lẫn ghẹ như một "bông hồng" thật là đẹp mắt. Tấn rót rượu đầy các ly rồi bảo mọi người cầm lấy ly của mình. Khách chủ chúc nhau sức khỏe rồi uống hết một hơi. Thấy mọi người hết, tôi cũng phải cố cho xong để khỏi mang tiếng là làm trái lệ làng. Thủ tục ban đầu xem như xong xuôi vui vẻ. Tấn mỉm cười rồi cầm lấy chai rượu rót đầy lại các ly như trước.
- Thật tình đi anh - với tôi, Tấn nói.
Một anh thanh niên xách rượu khi nãy có tên là Ngà không hiểu được cái sướng trong tôi là muốn nhìn ngắm mâm cua lâu hơn chút nữa - mâm cua như một "bông hồng” mà ở thành phố thì "bông hồng" này quả là quá hiếm... Tưởng tôi rụt rè, Ngà bẻ một càng cua to nhất đặt vào tay tôi, giục: Thực tình đi anh, thực tình đi, mấy khi anh đến, ở đây chúng tôi ăn thường xuyên mà!
Và, tất nhiên là tôi ăn thật tình và uống cũng thật tình.
Thịt cua, ghẹ tươi với rượu gạo làng bên tự cất lấy uống rất đằm. Và, với ngọn gió hết ý - ngọn gió như một cung đờn tuyệt diệu của thiên nhiên ru tôi, mà lời ru như mãi ngàn năm cho tôi vào giấc say trên sàn nứa nhà chồ...
- Cộc!
Nghe tiếng ghe va vào cọc nhà bên dưới, tôi mở mắt. Bốn phía nhà chồ không có phên che nên thấy rõ chân trời đã hửng lên khắp mọi phía. Gió liu điu lành lạnh ở dưới lưng. Sàn nứa thưa. Gió luồn từ mặt nước lên và luồn từ trên xuống qua những lỗ tò vò của sàn. Tôi cảm thấy ở bụng có ấm hơn. Hóa ra, sợ tôi lạnh hoặc sợ tôi chưa ăn quen cua nhiều có thể đau bụng, Tấn đã đắp vắt ngang bụng cho tôi tấm chăn chiên gấp làm ba. Tấn không đắp gì. Tấn đang ngủ.
Một thiếu phụ leo lên sàn nhà. Tôi thấy chị ở trần còn quần thì ướt nhũn xắn lên quá đầu gối. Biết vậy, tôi nhắm mắt lặng lẽ như đang ngủ. Nhưng tôi nhắm hờ để quan sát. Thiếu phụ mở oi đổ cá vào cái rổ đựng cua hôm qua của Tấn. Chắc là, cá mới bắt lên nên đang vùng vẫy trong rổ. Sợ chúng nhảy ra ngoài, chị lấy cái mâm nhôm đậy lại. Và để cho chắc chắn, chị dằn lên trên mâm một hòn đá. Xong đâu đấy, chị xách cái oi không và tụt xuống ghe. Chị mở dây buộc rồi cắm sào chống ghe đi. Tấm lưng và đôi bắp chân của thiếu phụ cùng một màu nâu bóng. Tóc chị vấn cao. Khuôn ngực nở nang khỏe mạnh. Đôi vú căng vồng chúc xuống đung đưa theo nhịp sào chống. Tôi đoán chị chưa đến tuổi ba mươi.
Tấn thức dậy.
Tôi nói với Tấn có chị nào vừa đến đây cho cá hay sao ấy, và sao đã thanh thiên bạch nhật mà đến đây chị lại ở trần? Tấn nói: "chắc là o Lụa, hôm qua tôi có dặn o, tôi có khách, nếu nò o có con gì ngon thì mang đến hộ. Còn chuyện ở trần ở đây vậy là thường. Vùng tôi đàn bà làm việc như đàn ông. Họ ra trần cho đỡ vướng...". Vừa nói Tấn vừa đi lại mở cái rổ đậy mâm. Trong đó, một con cá thẻng độ một cân đang ngáp và bốn con cua đã buộc chân. Tấn giải thích: "Con thẻng mùa này thì không được béo nhưng có bốn con cua, không phải cua như hôm qua đâu, đây là cua khớp hai vỏ, yếm xanh, chút nữa anh được nếm. Cua hai vỏ xương mềm ngon vô kể".
Nói đoạn anh bảo tôi ở nhà còn anh chống ghe đi đổ nò.
* * *
Đó là chuyện tôi gặp Tấn cách đây mười năm về trước.
Lần này, tòa báo phân công tôi viết về vùng đầm phá. Trước khi đi, có bạn hỏi đùa tôi: ông đi viết đầm phá hay đi viết phá đầm? và tôi tự trả lời: mình không viết thì thôi chứ đã viết thì viết thật. Tốt xấu gì mình đều viết tất. Nếu có chuyện phá đầm thì mình cứ viết chuyện phá đầm!
Phó giám đốc Sở Thủy sản Nguyễn Lương Hiền đưa xe đón tôi đi thăm trại giống và một số cơ sở nuôi tôm của tỉnh.
Ngồi trên xe, tôi mang chuyện phá đầm ra hỏi anh và Nguyễn Lương Hiền công nhận đó là một thực tế - người ta đánh bắt vô tội vạ nên đầm phá thành ra phá đầm!...
Về đến nhà, mới tắm qua loa cho hết chất nước mặn, cho vợi đi "cái nắng khùng điên" mà mấy ngày qua, tôi như đứa trẻ ngây dại say bắt châu chấu trên những bờ đê cao của các trại nuôi tôm. Đi hết chu vi mười héc-ta hồ ở Phú Xuân hôm trước, hôm sau lại sang trại Phú Tân. Đến đâu, tôi cũng đều đi vòng rồi tần ngần đứng lại trên các đê cao như một khoái cảm đặc biệt. Tôi đang đứng, đang đi trên hàng nghìn khối đất đắp, không khoái cảm sao được! Đây là trí tuệ là mồ hôi của con người làm nên vinh hạnh. "Cái nắng khùng điên thì dân thủy sản chúng tôi lại càng khùng điên hơn". Đứng trên bờ đê mép phá Tam Giang ở Phú Tân - Kỹ sư Cao Xuân Đắc nói với tôi như vậy. Tôi yêu quí những con người này. Các anh đang ở nơi đầu sóng. Đầu sóng với cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng - một trận địa về khoa học kỹ thuật nuôi tôm. Và tôi hiểu nghĩa cái "khùng điên" của Đắc không có gì ngoài hàm chứa sự dũng cảm say sưa lăn lộn với công việc của ngành mình.
Năm nay bão sớm. Tin cơn bão số một ngoài biển miền Trung làm tôi giật mình. Mấy ngày đi lấy tư liệu chắc gì đã ổn? Việc nuôi tôm lồng giữa phá Tam Giang (theo cách nuôi mới của Trung Quốc, Đài Loan, Thái Lan) xử lý ra sao khi gặp bão? Tôi cần biết điều này. Tôi gấp vội chiếc áo mưa buộc sau xe và đạp về đầm Chuồn - Phú An. Tôi muốn về thăm lại gia đình Tấn. Đầm ở đây cũng có cơ sở nuôi tôm bán công nghiệp. Qua Tấn, biết đâu tôi lại có thêm những bất ngờ thú vị.
Và thú vị thật. Dân thủy điện Phú An đã định cư 90%. Sau cơn bão lũ khủng khiếp năm 1985, vợ chồng Tấn Mại cùng ba cháu lên cắm nhà trên đất. Nền nhà được bồi cao vượt lũ. Sau nhà có ao cá. Trước nhà có sân để sửa nghề say sáo. Quanh nhà, ba phía trồng chuối. Những bụi chuối mật, chuối lùn có buồng sắp chín, có buồng mới ra hoa. Đất gần nước mặn được bồi cao hóa ra lại hợp với chuối. Và xung quanh vườn là "vành đai hóp” um tùm. Ở đây, vườn nhà ai hầu như cũng đều trồng hóp làm hàng rào. Loại hóp hợp với đất cát pha sét nên phát triển rất mau. Nó vừa che gió bão vừa làm nhà cửa, sửa sang được đồ nghề đánh bắt sông đầm. Tôi nhìn mái ngói đỏ ba gian nhà Tấn Mại, rồi nhìn sang mái ngói nhà khác thấp thoáng sau hàng rào hóp, xa hơn chút nữa là nhà Đích - anh em cọc chèo với Tấn nhà đã đổ mái bằng vững chãi cho lòng tôi vui sướng bồi hồi... Mới năm năm định cư mà bộ mặt nông thôn vùng sông đầm thay đổi nhanh chóng. Nếu đem so sánh hai vùng định cư đồng bào dân tộc miền núi và đồng bào thủy điện trên phá Tam Giang thì tôi nói rằng: các làng thủy điện định cư phát triển nhanh hơn các làng miền núi định cư. Do tấm lòng yêu mến, do trực cảm về một miền quê mới mà nhận xét của tôi quá chủ quan chăng?
Sáng ra, cơm nước xong, Tấn nói sáng nay không giữ nò nên sang Phú Tân thăm ông bà cụ, luôn thể mua gỗ về làm nhà bếp và hỏi tôi có đi chơi với Tấn không? Ôi, quả là tuyệt vời! Tấn chống ghe nan đưa tôi qua phá Tam Giang. Chuyện nuôi tôm lồng với báo không có gì xảy ra. Đài tiếng nói Việt Nam báo tin: cơn bão số một đi về hướng đông bắc. Đêm qua gió thổi mạnh do ảnh hưởng cơn bão, sớm nay đã ngưng. Nhưng gió cấp 5, cấp 6 là không mùi mẽ gì với người dân thủy điện. Tôi chào từ biệt Mại và ba cháu. Tôi hẹn tôi còn xuống chơi. Nói rồi tôi xắn quần quá gối, vác xe đạp lội theo Tấn. Tôi để chiếc xe nằm gác ngang hai mạn thăng bằng rồi nhảy lên, đặt chiếc dép xuống lòng ghe và ngồi xuống.
Tấn chống sào đẩy ghe đi. Nò sáo giăng chằng chịt. Tấn cho ghe đi hình chữ chi qua các trộ nò. Lâu lâu ghe mới đi thẳng một đoạn rồi lại lượn chữ chi vì gặp những trộ đấu khác. Mỗi trộ nò đấu đều có ống cắm hương buộc lưng chừng giữa một cây tre và trên cao tít là lá cờ phướn thờ thần Biển phấp phới bay. - Đây là một dạng phá đầm? Tôi tự hỏi và tự trả lời: - Không, dù sao thì các trộ nò đều có đấu thầu. Một hoặc hai ba triệu/ năm tùy diện tích trộ đấu rộng hẹp khác nhau. Những người đấu thầu trả tiền mặt hàng năm cho nhà nước. Nhưng ở phá Tam Giang đâu phải chỉ có một nghề nò sáo? Có gần 20 nghề. Những gia đình làm nghề nò sáo vì nhìn thấy sáo giăng chiếm diện tích mặt đầm nên phải chịu, chứ còn những nghề khác thì đâu có tốn gì, như: nghề câu, nghề bủa, nghề săm, nghề te, nghề xẻo... toàn những nghề làm về đêm. Tắt mặt trời chuẩn bị đồ nghề ra đi, bốn giờ sáng đã đưa cua, tôm, cá về nhà rồi, được ít được nhiều đố ai mà biết được. Bởi vậy sinh ra so bì nghề này nghề kia. Mà so bì là phải. Vì không công bằng. Nò sáo truyền thống là đan thưa. Bắt con cá to còn để con cá con cho nó lớn lên mà còn bắt. Vì tốn tiền đấu, vì so bì, nhiều trộ nò người ta sinh ra chơi cả sáo mùng nên những con tấm mén cũng không thể lọt. Có người còn chơi te máy. Ra giữa phá mênh mông, buộc te phía sau ghe rồi cho máy chạy. Máy chạy càng nhanh tạo ra luồng chảy càng mạnh, và, cá - tôm - cua - rạm - tấm - mén tuôn hết vào cổ tùng mà vào đáy te. Đáy te đan dày và bền hơn cả sáo mùng. Cá tôm vào đó là chết ngạt luôn sau mỗi mè vì tốc độ của máy. Khốn nạn hơn, ở phá Tam Giang vẫn chưa chấm dứt được các vụ nổ mìn. Nghe một tiếng nổ, những ghe ở gần đâu đó vội chống tới. Người ta thi nhau lặn hụp bắt lấy con cá to, chỉ một chốc là tất cả ghe lớn ghe nhỏ tẩu tán mất tăm. Một tiếng mìn nổ đã giết chết hàng nghìn sinh vật và hàng triệu triệu con khác đang còn trong trứng nước. Tiếng mìn nổ nhỏ, nổ to tùy theo lượng thuốc. Thuốc càng nhiều, gói càng chặt, tiếng nổ càng to sức chấn động càng lớn thì sự hủy diệt càng nhiều hơn. Trách nhiệm thuộc về ai? Ai là người quản lý? Người quản lý lấy phương tiện gì để đi bắt những kẻ phạm pháp? Không nói ra thì thôi, nói ra lại thấy lòng đau như muối xát! Đài báo ta nói có hiệu lực đến đâu? Luật pháp ta đã nghiêm trị được những ai? Cả nhân loại đang quan tâm về môi sinh - một chủ đề được liệt vào hàng số một và nóng bỏng. Ta có đầm phá rộng. Độ mặn trung bình của mùa hè là 15/1000 rất thuận lợi cho việc nuôi trồng động vật, thực vật thì chính ta lại phá ta. Tạp chí thông tin UNESCO cho biết: "chi phí quân sự thế giới trên 1,5 triệu đô la trong một phút. Và chỉ cần 1/5 số chi tiêu về quân sự hàng năm là có thể xóa bỏ được nạn đói trên thế giới vào năm 2000" (thông tin Unesco số tháng 8-1986)
Sự đánh bắt vô tội vạ và những quả mìn nổ trên phá Tam Giang là ta có lỗi với môi sinh thế giới. Hiện ai có thể tính được hàng năm có mấy quả mìn nổ trên phá Tam Giang và các sông, đầm, biển khác trên toàn cả nước? Nhân loại quan tâm xóa bỏ nạn đói thì chính ta lại đang dấn thân vào nạn đói ấy. Chẳng phải nói chuyện vòng vo tam quốc, chứ ta đang dấn thân vào nạn đói mà thế giới đặc biệt quan tâm thì có thể nói rằng chính ta đang âm thầm châm ngòi nổ đối kháng với sự sống của thế giới loài người?
* * *
Ghe cập làng thủy điện Phú Tân. Ông Đặng Cử (bố Tấn) thấy chúng tôi thì bỏ say sáo đang đan giữa sân đứng lên, hai tay phủi phủi vào đũng quần cụt. Tấn nói qua loa đôi câu với bố rồi bỏ đi liên hệ mua gỗ. Cụ mở tủ xách ra chai rượu thuốc và hai cái ly. Cụ nói:
- Anh là bạn của nó. Nó bận theo gỗ lạt thì mặc nó. Anh uống với tui. Cụ nói tiếp: bảy mươi mốt tuổi rồi nhưng đang theo nghề say sáo mà ngày không có hai chén là yếu!
Tôi cám ơn cụ. Tôi không từ chối ly rượu cụ vừa rót ra. Nhìn cụ Cử ngoài bảy mươi mà hồng hào, béo tốt hơn cả Tấn, tính tình lại vui tươi, tôi nghĩ thầm: chắc ông già có cả kho chuyện đây? Và đúng như vậy. Sau ly rượu thứ nhất, cụ tiếp rót cho tôi còn ly của cụ thì không. Cụ ngồi xếp bàng. Hai tay cụ ôm lấy cổ chai rượu đặt sát vào bụng, cụ bắt đầu kể chuyện ngày xưa...
Cụ sinh ra ở Hà Bắc, tức là Vĩnh Phú - Phú Thứ bây giờ. Cụ chống ghe theo đuôi con cá đến lập làng ở Eo (Phú Thuận) và bây giờ hai ông bà già cắm chốt Phú Tân. Ông bà đang ở cùng gia đình một đứa con trai (em Tấn) còn ba đứa con trai nữa thì cắm chốt ba nơi khác như Tấn. Hôm qua, bên Phú An, tôi đang ăn cơm với gia đình Tấn thì bác Chúc tới chơi. Bác cứ giục tôi ăn con cá này, con cua này... Bác còn chọn và tước cua hộ cho tôi nữa. Bác Chúc 66 tuổi thì quê chính ở Tân Thánh (Quảng Điền) bác cũng theo đuôi con cá mà vào cắm chốt Phú An. Cắm đâu thì cắm, chốt đâu thì chốt, những người dân thủy điện đều nhớ về đất tổ nơi mồ mả của ông bà. Đến kỳ giỗ chạp, đến ngày kỵ lớn, con cháu ở đâu, dù khó khăn đến mấy cũng phải chèo chống ghe mà về. Bây giờ có ghe máy đi lại nhanh chứ ngày xưa vừa chèo vừa chống đi cả ngày đêm mới thấu. Kỵ giỗ thì mau mà chống sào thì lâu quá vì đường xa lại cách vời. Đêm hôm đến mấy cũng mau mau chèo chống trở lại mà theo nò sáo. Vốn liếng cắm giữa phá phải bỏ ra cả cây chứ ít ỏi gì? Con người thì theo con cá. Con cá thì theo con nước. Con nước thì theo ngọn gió - Cung đờn. Cụ Cử cũng nói cung đờn là nghĩa ngọn gió. Mỗi người muốn tìm một cung đờn huyền diệu cho riêng mình nên dân thủy điện bao đời nay sống du canh du cư trên đầm phá Tam Giang rộng lớn.
"Yêu em anh những muốn vô
Sợ truông nhà Hồ sợ phá Tam Giang". Truông nhà Hồ là nơi nổi tiếng "cọp Hải Ba ma Vĩnh Thủy". Nơi ấy ngày xưa rừng rậm núi cao nguy hiểm lắm. Không những cọp thật mà còn cọp... người. Cọp người có khi còn dữ hơn cọp thật. Ngày hay đêm có ai dám đi qua nơi ấy một mình. Phá Tam Giang có kém gì đâu. Sóng nước dữ dằng bất thần lật đổ ghe thuyền là một chuyện. Nhưng sóng nước đâu có động quanh năm mà chính con người... động quanh năm. Xú xớ một cô gái mô đó, đi đâu đó, làm gì đó, đợi ai đó bên bờ phá... bỗng nghe một tiếng "hấc" là xong. Cô gái ngây thơ vô tội bị đôi tay rắn như thép bỏ vào ghe và chiếc ghe vun vút lao đi. Mặc cô gái la thét khóc than. Khóc than rồi phải nín. La thét rồi phải mệt. Đói lã rồi phải ăn. Nếu cô nhảy xuống phá thì đôi tay thép ấy lại nâng lên đưa vào mui ghe. Đôi tay thép ấy cũng có lúc mềm mại cởi áo quần ướt cho cô và thay cho cô bộ đồ áo khác. Cô gái không chết được. Cô gái trở thành vợ người. Cô gái mười bảy. Người chồng 40, 50 là chuyện thường. Hôm nay ghe cắm sào nơi đây ngày mai ghe cắm sào nơi khác. Công việc không quen rồi dần quen rồi thành nghề. Nguôi chồng cầm lái. Người vợ lần theo sợi cước kéo cua lên (nghề bủa cua). Theo đuôi con cá, con tôm, trên chiếc ghe bập bênh là số phận của một đời người. Rồi cô sinh con. Một đứa rồi hai đứa. Nếu sinh năm một thì còn nhiều. Hai tay cô lần sợi cước nhưng con thì đứa túm vú bên này, đứa túm vú bên kia, đứa sau lưng thì đang khóc và níu áo. Thôi cởi áo cho chúng khỏi níu. Có con rồi còn mặc áo làm chi. Giữa biển không mông quạnh còn có ai mà ngại. Dần dà rồi quen rồi thành tập quán. Từ không có người đến khi có nhiều ghe nhiều người xung quanh cũng xem như không. Đôi vú lủng lẳng theo nhịp tay ra lưới, theo nhịp bập bênh của ghe, của sóng. Có thể khi xưa cô ở nông thôn kín đáo rụt rè nhưng nay đã về thủy điện thì thành vợ dân thủy điện. Người phụ nữ thủy điện sống du canh du cư, họ không khác mấy người phụ nữ dân tộc Êđê ở cao nguyên. Khi còn con gái thì mặc váy mặc áo che ngực. Lúc hết con gái thì chỉ còn mặc váy mà thôi. Họ ở trần. Họ tự hào với đôi vú căng phồng đó như là một lời tuyên bố hùng hồn: Tôi là gái có chồng!
Ngày xưa khổ hơn bây giờ nhiều lắm. Cô con gái bị bắt cóc đã chịu làm vợ người nhưng đâu đã được sống yên thân. Bởi vì có khi cô là vợ ba, vợ tư của người. Tuổi cô chỉ bằng tuổi con, tuổi cháu của người. Thình lình có chiếc ghe từ đâu lao tới. Và cô bị một người đàn bà khỏe mạnh hung tợn giáng xuống thân cô những cú đấm nhừ tử. Sau đó mới biết vợ trước của chồng tới đánh ghen. Mà chẳng rõ là vợ mấy? Từ đó, cô thấy chồng đi xa là sợ hãi. Và cô sợ hãi suốt đời bởi chồng có nhiều vợ đang ở những ghe cắm sào nhiều nơi khác nhau. Vì vậy chồng đi vắng là thường. Vắng ghe này nhưng có ở ghe kia. Nhiều khi không tới với bà nào vì bận đi đánh bạc. Cảnh thua bạc mới thật ê chề. Làm nghề sông nước không có người đàn ông là gay lắm. Đứa con mới năm, sáu tuổi lo thay cha giữ lái cho mẹ thả câu. Chồng thua bạc đang đi gỡ. Gỡ không được về nhà nắm tóc vợ mà đánh. Ông bắt vợ đi mua nếp mua gà về cho ông làm cỗ cúng. Cúng xong ông lại đi đánh. Ông lại thua to. Bao "tội lỗi" lại đổ lên đầu vợ. Lý do lý trấu lung tung: mua con gà không nên thân, do đôi giò không đẹp nên thần thánh không cho ông được bạc. Và người vợ khốn khổ tới tấp chịu những trận đòn. Những trận đòn của vợ trước ghen nhưng vẫn còn may. Những trận đòn của chồng thua bạc nhưng vẫn còn may. Mẹ con cứ vuốt nước mắt mà chèo chống. Bị đòn nhưng chồng vẫn trở về gánh đỡ cho mẹ con. Khốn nạn là ông không còn về nữa! Ông không còn trở về để nói lời từ giã cô và ôm hôn những đứa con ông. Một người đàn ông khác chống ghe tới. Ông nói rằng: Chồng cô đã thua bạc, không có tiền trả và đã gán cả người cả gia sản trên chiếc ghe này cho ông. Không có giấy tờ gì cả. Ông tuyên bố: "từ giờ phút này tất cả thuộc về ta!" Cô ngồi sững. Cô khóc. Những đứa con từ đây không còn cha. Có một ông cha dượng mới. Cô thuộc vào tay một người đàn ông khác.
"Phận sao phận bạc như vôi!" Ông chồng mới làm việc hờ hửng còn kém hơn cả ông chồng trước. Đêm đêm ông lại chống ghe đi đánh bạc. Cô chỉ còn biết thở than cùng khúc nam ai: Cách phá Tam Giang... qua ngang không đặng. Chờ với ơi đò... Chờ với ơi đò... Nghĩa nặng còn đây..." Chao ôi! Lúc ấy đã không chết được bây giờ thì chết làm sao? Nghĩa nặng còn đây... là cả bầy con nhỏ, con của mình và con của chồng. Ông giờ sống thác ở nơi đâu? Những người vợ trước có cùng chung số phận như cô? Nghĩa nặng còn đây... là còn có... Với người chồng mới. Cô lại vuốt nước mắt. Cô với bầy con lại chèo chống nuôi nhau, nuôi cả ông cha dượng các con - một phường cờ bạc một phường cướp giật!
Ông Cử kể với tôi rằng sau ngày đất nước giải phóng, dân thủy điện ai cắm sào ở đâu thì đăng ký hộ khẩu ở đó. Mỗi xã có một đến hai thôn thủy điện. Có xã có thôn rồi nhưng hội họp được dân thủy điện là khó. Có chỉ thị nghị quyết mới nhưng không có cách gì phổ biến tới được người dân. Bởi con người theo đuôi con cá. Con cá theo con nước. Con nước gì thì đổ nò nào, làm nghề gì mới có ăn? Hết nghị quyết! Có xã bày sáng kiến: lấy hai cây tre thật thẳng thật dài nối lại với nhau, cắm ở một góc phá rồi kéo cờ đỏ sao vàng lên. Xã truyền xuống cho thôn trưởng. Thôn trưởng cho người đi khắp các nò sáo, nhà chồ của dân mà truyền rằng hễ khi nào có lá cờ đỏ sao vàng kéo lên đọt cây tre thì các gia đình cử người chống ghe về xã để nghe nghị quyết của Trung ương. Ấy mà các buổi hội họp long trọng như vậy đều thưa thớt. Người về trước, kẻ đến sau thì đã trưa rồi...
Trong lúc muôn vàn khó khăn thì có chính sách vận động định canh định cư đồng bào dân tộc miền núi. Dân thủy điện chưa định canh cũng phải định cư. Không định cư thì làm sao có trường học? Ngư dân vùng này mù chữ bao lớp người rồi. Và nghị quyết định cư dân thủy điện trên phá Tam Giang của tỉnh ủy Bình Trị Thiên ban hành. Công việc đầu tiên là xã cắm vè phân đất cho mỗi hộ 150 m2. Tiếp đến là tỉnh cấp kinh phí cho xã định cư xây trường học cấp một. Người dân ở đây cái gì cũng phải cụ thể. Họ không quen không tin trên các giấy tờ. Khi các ngôi trường các xã xung quanh đầm phá mọc lên, dân mới tin là thật. Và họ bắt đầu lên đào đất đắp nền trên phần đất được cấp. Thế nhưng nghị quyết đâu đã được thực hiện triệt để. Một phần người ta không quen ở nhà trên đất bằng ở nhà chồ dưới nước, bằng ghe thuyền. Hơn nữa ở gần nò sáo làm việc canh giữ thuận lợi hơn. Nhưng rồi cơn bão khủng khiếp năm 1985 đã trôi hết nhà chồ, trôi nhiều ghe thuyền cùng đồ nghề chài lưới. Nhiều người chết trôi ra biển không còn tìm thấy xác. Cơn bão năm 85 thiệt hại cho người và của nả của dân thủy điện phá Tam Giang, nhưng cơn bão lại "hỗ trợ" đắc lực cho nghị quyết của tỉnh ủy thành công. Những nhà làm trên đất, sập xuống, nhưng nhờ có bờ hóp, bờ tre che chắn mà còn. Nước rút, họ tháo ra làm lại nhà. Còn các nhà chồ là đi đứt. Một thực tế trả lời cho nghị quyết định cư dân thủy điện là hoàn toàn đúng. Sau cơn bão lũ này, dân thủy điện lên bờ làm nhà ào ạt. Từ nhà tranh phên nứa tiến tới mái ngói tường xây. Thế nhưng, vẫn chưa định cư trăm phần trăm, ghê chưa?
Chẳng lẽ không còn phương pháp gì hơn? Chẳng lẽ tỉnh lại để cho một số dân quay về lối sống cũ, con em của họ lại bị thất học? Mà vùng đất một năm trung bình hứng chịu bảy cơn bão? Định cư rồi thì tính thêm cách gì cho dân bớt đi việc phá đầm?
* * *
Và nghề nuôi tôm bắt đầu khai sinh.
Con tôm chịu độ mặn và phát triển từ 7-30/1000. Độ mặn phá Tam Giang là hết sức lý tưởng. Việt Nam và Austraylia đã liên doanh với nhau. Austraylia đưa chuyên gia kỹ thuật sang Việt Nam. Các trại nuôi tôm chủ yếu ở Nha Trang, Đồng Hới, Đà Nẵng. Trại giống xây ở Non Nước. Ở Huế có một công ty liên doanh nuôi tôm xuất khẩu tại Phú Tân do anh Nguyễn Biên Thùy làm giám đốc. Tại đây, tôi gặp anh Hà Quang Hiến - anh là chuyên viên nuôi tôm xuất khẩu của Việt Nam. Anh từ Hà Nội vào. Chúng tôi rất đỗi vui mừng vì không hẹn mà gặp. Biết tôi ở tạp chí Sông Hương, anh nói là anh rất thích tờ báo này. Với tôi cũng ngược lại. Tôi rất thích anh vì trước hết, tôi biết anh là con bà nghệ sĩ Ái Liên, thứ hai, anh là nhà nuôi tôm - đề tài mà tôi đang cần đây. Biết anh bận rộn làm việc với Nguyễn Biên Thùy về đi Đà Nẵng ngay, tôi tranh thủ hỏi liền:
- Theo anh Hiến, nuôi tôm theo quy trình công nghiệp và bán công nghiệp có mâu thuẫn không? Anh trả lời ngay: - Có mâu thuẫn. Và làm công nghiệp như chúng tôi hiện giờ là lỗ - Anh công nhận. Nhưng buổi đầu thấy lỗ mà bỏ là ta thiếu tầm nhìn… Tôm nuôi chóng lớn, dân làm theo. Khi mà dân làm theo tức là đã tin. Không tin mà nhân dân xã Phú Xuân đồng ý dời 91 ngôi mộ (đền bồi, phải chăng chỉ có 91 cái tiểu sành) trong vòng 3 ngày để cho công ty xuất khẩu thủy sản tỉnh đào 20 cái hồ nuôi tôm chiếm trên 10 héc-ta đất. Hôm tôi đến thì gặp dân xã Quảng Công vào đây mua tôm nuôi. (Họ mua loại tôm nhỏ về nuôi vỗ lớn) và anh Quá - trại trưởng cho công nhân dùng lưới quét để bắt cho khách hàng. Anh Quá nói: "Chúng tôi đã bán là bán luôn cả hồ để cải tạo đáy hồ nuôi lứa khác". Đấy, tỉnh đã chủ động được trại nuôi tôm đẻ, ai cần mấy thì tới công ty ký hợp đồng mua, trại sẽ có kế hoạch cho tôm đẻ, nuôi dưỡng tôm bột đúng tiêu chuẩn cho những hợp đồng ấy.
Xã Quảng Lợi, Quảng Ngạn, Điền Hải đã đào nhiều hồ nuôi tôm. Đặc biệt mới đây, nhiều gia đình xã Quảng Công tự chung nhau vốn (nhà 5 triệu) đào 29 héc-ta nuôi tôm xuất khẩu.
Nuôi tôm hồ và nuôi tôm lồng. Nuôi tôm lồng mới là cách nuôi tiên tiến hiện đại mà vẫn dạng bán công nghiệp, dân nuôi rất tiện, môi sinh rất thích hợp.
Nuôi tôm hồ đầu tư vốn lớn. Muốn cho tôm chóng lớn thì phải cho ăn no và hợp với dưỡng khí của nó. Vậy phải bơm nước ở đầm lên. Bơm liên tục 24/24 (trừ những lúc mưa to). Nước bơm phải ba lần lọc tạp sinh từ đầm lên, lại ba lần lọc từ máng xuống hồ. Có nơi người ta còn đặt giữa mỗi hồ một máy sục khí ôxy. Máy sục khí nó như một chiếc phao thuyền ở các cung thể thao, có chân vịt quay lục bục dưới nước và bắn nước lên rào rào ở phía đuôi thuyền. Nuôi tôm lồng đơn giản hơn. Nuôi ngay giữa phá nên không cần quạt khí đổi nước gì nữa. Lồng vuông có đáy, mỗi chiều 5 mét, chiều cao 1,5 mét, nuôi ở độ sâu 1 mét. Nếu nuôi hai lồng kế tiếp thì giảm được 5 mét lưới. Càng kế tiếp nhiều lồng càng tiết kiệm được 5 mét ở giữa. Đáy lồng cho một lớp bùn trộn với phân chuồng dày 10cm. Xung quanh lồng chắn một hàng rào sáo dày cách lồng 40cm để tránh các loài cua, ghẹ, cá cắn phá. Đặc tính của con tôm là sau khi ăn no vùi mình xuống bùn mà ngủ. Khi đói vùng dậy đi ăn. Loài tôm đi ăn đêm là chủ yếu. Người nuôi tôm cho chúng ăn ngày 8 lần thì 5 lần về đêm. Thức ăn của tôm là cá vụn băm ra. Để tiện việc di chuyển, nhiều nơi làm thức ăn khô tổng hợp. Nó có màu nâu xỉn như những viên đá lửa, như những thỏi cứt chuột, bỏ xuống nước không tan. Con tôm cứ ôm lấy các thỏi "cứt chuột" ấy mà ăn. Theo thời giá hiện tại, một cân thức ăn tổng hợp của Thái Lan: 6.000 đồng, Đà Nẵng: 4.000 đồng, của Xí nghiệp Thừa Thiên Huế: 2.700 đồng. Càng rẻ thì độ đạm càng thấp. Ở trại nuôi tôm đẻ Thuận An phải mua thức ăn đặc biệt của Mỹ, 1 cân là 300.000 đồng. Đây là thức ăn tươi sống, là trứng sinh vật, khi bỏ vào nước là nó nở ra thành con nhỏ xí như những con mạt gà. Loại tôm bột ăn nhũng con "mạt gà" này rất chóng lớn, khỏe để xuất bể.
Sở thủy sản nên tạo thêm nhiều trại giống mới. Hiện dân các xã Phú Xuân, Phú An, Phú Tân, Vinh Giang, Quảng Công, Hương Phong... đã bắt đầu nuôi tôm lồng... Nơi ba lồng, nơi năm lồng, nơi tám lồng... Những nơi ấy gia đình người ta say sưa, thích thú với công việc này lắm. Sau 3 tháng, các lồng này cất lên mà kết quả to thì dân làm theo ồ ạt cho mà xem. Trại giống Thuận An không đẻ kịp để bán cho dân đâu?
Tới Phú Xuân, anh Lợi nổ máy ghe lớn đưa tôi, Lương Hiền và Quá ra thăm lồng nhà anh. Ngồi trên sàn nhà chồ, chúng tôi ngắm 5 lồng nuôi tôm kết thành một dãy trước mặt, hàng rào sáo ken dày bảo vệ chung quanh. Mái nhà chồ soi bóng xuống mặt đầm xanh trong. Chúng tôi thấy rõ những con tôm đi men men phía trong lồng. Anh Lợi công nhận là chúng lớn khá nhanh. Đêm soi đèn pin thấy chúng rào rào nổi lên từng đám. Nói đoạn anh xuống ghe. Một tay nắm lấy hàng rào chắn, tay kia dùng vợt lùa mạnh một cái và được ba con. Ba con tôm sú nảy tanh tách trong vợt. Anh nâng cao vợt cho chúng tôi nhìn. Anh nói khi đưa về là tôm hương, nó nhỏ li ti hơn cả con tép moi. Mới nuôi 15 ngày mà thành con tôm hẳn hoi. Nó gần bằng que kem. Nó nhảy được tanh tách như vậy là con tôm khỏe. Anh hất nhẹ một cái cho chúng rớt xuống lồng. Anh trở lên với chúng tôi.
Đi trên bờ đê nắng ai cũng vã mồ hôi. Ngồi lên sàn nhà chồ là nhiệt độ khác đi liền. Nguyễn Lương Hiền đùa: - Chà, mát thế này tối tối ông Lợi đưa bà xã ra đây chứ? Và anh Lợi trả lời, giọng hạ thấp nhỏ nhẹ: - Có xa chi, để bà ở trên ấy với con lợn con gà. Khi mô ưng, chống ghe lên "ngoẽng" một cái rồi ra! Chúng tôi cười ồ lên. Anh cũng cười. "Ngoẽng", tôi nhắc lại và nói rằng: tiếng Phú Xuân hay thật. Với từ này nó làm phong phú thêm kho tàng ngôn ngữ của nhân loại đó nghe!
Gió phóng khoáng! - Cung đờn huyền diệu là đây. Ôi những cái nhà chồ! Ôi những túp lều tranh canh giữ trên mặt đê cao của những trại nuôi trồng xuất khẩu hàng hải sản! Đừng ai chê nó lụp xụp sơ sài. Mùa hè tới đây mới thấy thấm thía ngôn ngữ của nhân dân đặt bày đầy sức sáng tạo. Muốn cho đời thêm phong phú, mỗi một chúng ta nên tìm tới một "cung đờn" cho riêng mình. Như hôm nay tôi đã tới một làng chài trên phá Tam Giang - một cung đờn bất tận của thiên nhiên.
Rồi đây, quanh phá Tam Giang rộng lớn, các làng thủy điện định cư trong đất, lại có thêm một làng nước trước mặt - những dãy nhà chồ cùng những dãy lồng nuôi tôm san sát thì chắc là vui lắm. Công việc nuôi tôm lồng có vẻ nhàn nhã mà có lãi, hơn nữa nó kéo bớt được những con người đánh bắt vô tội vạ ở giữa phá cho môi trường sinh thái trở lại thăng bằng thì thật là ích nước lợi dân.
Phá Tam Giang tháng 5 -1990
V.N.
(TCSH44/01-1991)