Lần thứ nhất. Số là vào tháng 9/1957, khi tôi là sinh viên mới vào học năm đầu khoa Ngữ văn trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Ban giám hiệu báo trước cho tôi một ngày, nói là phải ăn mặc tươm tất để đi dự một cuộc họp quan trọng.
Thì ra là Bác Hồ muốn gặp học sinh và sinh viên miền hai ba năm nay tập kết ra Bắc và đang học tại các trường ở Hà Nội, Hà Đông, Hà
, Sơn Tây. Lòng thương yêu và quan tâm của Bác rất sâu sắc khi Bác nghĩ đến những thanh thiếu nhi đang xa miền Nam, xa nhà, xa gia đình thân yêu, chưa quen lạnh rét và cách sống ở miền Bắc. Mà nghe nói lúc đó có nhiều thiếu niên ở miền Nam, ra nhớ nhà lắm, ngày đêm khóc luôn, rồi quậy phá không chịu đi học, đòi trở về Nam nữa.
Chúng tôi vào ngồi trong một gian phòng học rộng của trường trung học Phan Đình Phùng (Hà Nội), chừng 40, 50 em, đại biểu cho các trường miền Nam đã có mặt.
Bác và một số đồng chí lãnh đạo đi vào. Xúc động làm sao khi thấy Bác, thấy dáng người của Bác, bộ áo quần kaki màu vàng hơi cũ, đôi dép lốp nơi chân mặc dù đã bắt đầu vào thu. Đôi mắt Bác sáng, chòm râu bạc lưa thưa. Tất cả chúng tôi đứng dậy, cung kính, im lặng, lắng chờ.
Bác đi một vòng xuống đến các hàng ghế chúng tôi ngồi, tay Bác thoa vào đầu, vào vai mấy bạn ngồi trước, đưa mắt lướt nhìn mọi người, không sót một ai. Bác hiền từ và gần gũi làm sao. Sung sướng thay, tôi ngồi hàng ghế đầu, được Bác sờ vào đầu, tôi run lên vì xúc động. Từ Cách mạng tháng Tám 1945, được thấy ảnh Bác đầu tiên, 12 năm sau, ngày hôm nay, giờ phút cao quí này được thấy Bác, lòng nào không sung sướng.
Bác đứng trước một cái bàn, có micro. Câu đầu tiên Bác hỏi:
- Trời bắt đầu lạnh, các cháu có rét không?
- Thưa Bác, có ạ, tất cả đồng thanh đáp.
- Các cháu đừng lo, Ban Thống nhất và Bộ Giáo dục sẽ lo áo ấm cho các cháu.
Tôi ngước nhìn lên áo Bác, chiếc áo kaki của Bác vẫn còn mỏng lắm.
Bác bắt đầu hỏi chuyện học hành, chuyện ăn ở. Bác đã theo dõi và biết trước khá đầy đủ. Bác nói to hướng về mọi người:
- Bác nghe có nhiều cháu ra đây, nhớ cha mẹ trong
nhiều lắm. Bác rất thương, nhưng các cháu cố gắng chịu đựng. Thương nhớ cha mẹ nhiều thì phải lo học. Đó là làm cho cha mẹ vui. Các cháu học để thành cán bộ, thành người tài, làm cho nước nhà mau thống nhất, các cháu sẽ sớm về đoàn tụ gia đình.
Trong lớp học sinh ngồi dưới, có cháu bật khóc. Bác chạy xuống ân cần vỗ về an ủi, giọng Bác cũng đượm buồn.
Bác lại lên bàn, tiếp tục nói:
- Dù có nhớ nhà, các cháu đều phải cố gắng học. Bác nghe một số cháu bỏ học, nằm nhà, các cháu cố gắng lên, không làm như vậy. Lại nghe một số cháu hay quậy phá: ra vườn, trộm sắn khoai về nấu nướng… Bác quay sang các vị lãnh đạo Bộ Giáo dục: phải cho các cháu ăn no, mặc ấm, không để các cháu làm những việc bậy bạ. Đó là trách nhiệm của các chú.
Chúng tôi càng vô cùng xúc động. Nước mắt tôi chảy oà khi nghĩ đến sự quan tâm chi li sâu sắc của một vị lãnh tụ trong đêm đầu thu này đã thương yêu chúng tôi như con cháu của Bác. Tôi đứng dậy, nói không nên lời:
- Thưa bác, chúng cháu xin vâng lời Bác.
Và tất cả các bạn cùng đứng dậy, reo to lên:
- Xin vâng lời Bác.
Bác vui sướng, mỉm cười. Mà thấy như Bác đang đưa tay lên lau nước mắt. Xúc động ngập tràn, Bác bước ra, vẫy tay chào tất cả chúng tôi. Im lặng, dõi theo chân Bác, dưới trời sao hôm ấy, mọi người như được tiếp thêm sức mạnh.
Lần thứ hai. Đó là vào dịp Đại Hội Văn nghệ toàn quốc lần thứ 3 vào tháng 5 năm 1962. Lúc ấy, tôi là chuyên viên Vụ Văn nghệ Ban Tuyên huấn Trung ương Đảng được đến dự để theo dõi Đại hội này.
Thật là một Đại hội lịch sử, lớn lao, sau cuộc Đại hội Văn nghệ toàn quốc 1948 trong rừng sâu Việt Bắc, thời kháng chiến chống Pháp. Đại hội có 500 đại biểu, đủ mặt các lão làng và anh hào trong các ngành văn học và nghệ thuật Nam Trung Bắc, đủ các vùng miền, các dân tộc. Thấy như có đủ các bác, các anh chị rạng danh tên tuổi đang về đây: Nguyễn Tuân, Nguyễn Công Hoan, Tố Hữu, Nguyễn Đình Thi, Tô Hoài (văn học), Tám Danh, Ba Du, Cả Tam, Trùm Thịnh (sân khấu), Trần Văn Cẩn, Trần Văn Lắm (mỹ thuật), Khánh Dư, Hồ Văn Lái (điện ảnh) và nhiều vị ở nhiều ngành khác; phần lớn nay đã là người thiên cổ.
Bác Hồ đến không được báo trước. Bác cùng với các anh Trường Chinh, Tố Hữu đi từ phía sau Nhà hát lớn Hà Nội đến với Đại hội. Tất cả đứng dậy vỗ tay hồi lâu, râm ran. “Bác Hồ đến, Bác Hồ đây rồi”, mọi người cũng reo lên.
Vẫn rất giản dị với bộ áo quần kaki, lần này có vẻ sáng hơn nhưng đôi chân vẫn đôi dép cao su đen, mắt Bác đảo quanh một vòng từ đầu đến cuối. Bác tươi cười đứng lên trước micro nói với toàn thể đại biểu. Bác khen những cố gắng lớn vừa rồi của văn nghệ sĩ, những tác phẩm tốt mới ra đời. Nhưng Bác cũng đề nghị tất cả phải nỗ lực sáng tạo nhiều hơn nữa để có nhiều tác phẩm xứng với thời đại, với cuộc đấu tranh kiên cường ở miền và công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa miền Bắc. Bác đề nghị với tất cả viết nhiều hơn về người tốt việc tốt. Bác nhắc là muốn có nhiều tác phẩm hay, văn nghệ sĩ phải có cái tâm và cái tài. Bác kể chuyện lúc ấy, những năm 1920, Bác ở Paris (Pháp), để nuôi sống, Bác cũng được mời đi đóng kịch. Bác nói đại ý:
- Đóng kịch ở Pari khó lắm. Người ta giao cho Bác đóng vai một người trẻ tuổi hầu bàn đem cà phê đến cho khách trong một tiệm. Họ nhắc Bác phải đi đứng nhẹ nhàng, ly cà phê phải cầm nhẹ nhàng ra làm sao, đến đưa trước mặt khách trịnh trọng như thế nào để khách vui, bấm ngón tay vào má cậu trẻ và cười thì mới đạt - Bác phải tập nhiều lần và Bác đã đóng đạt vai đó, họ thưởng cho Bác mấy france.
Tất cả Đại hội chăm chú theo dõi, thấy Bác hồn nhiên thân quen như người nhà, nói chuyện rất vui, lắm lúc cùng cười ồ với Bác. Chúng tôi, những anh em văn nghệ sĩ trẻ rất cảm phục về trí thông minh, sự hiểu biết sâu sắc của Bác về giới văn nghệ, cách nói vui tươi, dí dỏm, hay đùa, nhất là cách diễn tả ngắn ngọn, cụ thể, dễ hiểu của Bác.
Chủ tịch Đoàn Đại hội đứng lên đáp từ vô cùng cảm ơn Bác. Tất cả đứng lên, có người chạy lên sân khấu mong được đứng gần, được chụp ảnh với Bác. Bác lẳng lặng, nhẹ nhàng vượt qua. Còn nhớ, chúng tôi cùng với Trà Giang, Chu Thuý Quỳnh chạy theo sau lưng Bác, mong được nói chuyện với Bác. Ra chừng thông cảm, Bác vẫy tay và chào tạm biệt chúng tôi.
Lòng thương của người cha già đối với văn nghệ sĩ, mùa tới chắc sẽ sai hoa kết quả đây. Thật vậy.
Lần thứ ba lại là lần gặp Bác được lâu, nghe Bác nói được nhiều, tôi có nhiều ý nghĩ sâu sắc nhất về Bác.
1966 - 1967. Những năm chiến tranh ác liệt và bao nhiêu chiến công anh hùng của quân dân miền . Những năm tháng chiến đấu dũng cảm của quân dân miền Bắc chống trả lại chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ.
Vẫn là chuyên viên Văn nghệ Ban Tuyên huấn Trung ương Đảng. Những năm đó, tôi có nhiều lần lên công tác ở trọng điểm A1 đường mòn Hồ Chí Minh, nhất là ở Quảng Bình. Được ở lại đó nhiều ngày, được tiếp xúc với nhiều cán bộ và Thanh niên xung phong, tôi về báo cáo lại với đồng chí Tố Hữu, Bác Hồ được biết và hôm ấy, ngày 12/1/1967, đồng chí Tố Hữu, tôi và một số đồng chí ở Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, đưa 4 nữ chiến sĩ thanh niên xung phong Quảng Bình đến thăm Bác.
Cuộc gặp gỡ xúc động và lịch sử biết bao. 7giờ 30 tối, xe đưa chúng tôi đến gần nhà sàn của Bác ở Ba Đình. Bước xuống, đi vào nhà, ngỡ ngàng và vui mừng thay, chúng tôi đã thấy có Bác ngồi trong đó rồi. Năm qua, Bác bị ốm nhiều nhưng Bác vẫn đề nghị với các đồng chí trong Bộ Chính trị để Bác vào Nam để cùng chiến đấu với bà con trong đó. Bác phải nhịn không hút thuốc trong thời gian đó. Mỗi ngày Bác phải tập đi bộ trên con đường dừa, gần nhà Bác ở, vai đeo ba lô có nhiều viên gạch khá nặng. Bác rất quyết tâm nhưng đường xa, gian khổ, Bộ Chính Trị phải can, Bác không vào
được.
Nhiều chuyện về Bác, kể cả bệnh nặng của Bác, một số chúng tôi đều biết nên lúc này nhìn Bác hơi gầy, dáng không khoẻ lắm làm chúng tôi buồn buồn. Bác ngồi đó trên một chiếc ghế, ngồi sẵn trước khi chúng tôi vào, chắc là có các đồng chí đưa Bác vào để chúng tôi khỏi lo lắng khi thấy Bác di chuyển. Chúng tôi ồ lên: “Bác! Bác!”. Bác ngồi đó, tuy yếu nhưng dáng vui tươi, mỗi chúng tôi đi qua, Bác đưa tay ra bắt, riêng với các nữ thanh niên xung phong thì Bác trìu mến nhìn kỹ. Bác bắt tay lâu, những bàn tay lắc lắc.
Trên bàn thấy có tấm biển có chữ “khách”. Theo Bác, đây là khách, có khi là khách đặc biệt của Bác. Chúng tôi ngồi gần quanh Bác, chị Nguyễn Thị Huế, quê ở Tuyên Hoá, Quảng Bình, đội trưởng. Năm sau được bầu là Anh hùng và các bạn nữ Thanh niên xung phong khác được Bác cho ưu tiên ngồi gần Bác nhất. Bác đón nhận bó hoa của mấy chị em, vui sướng nở một nụ cười. Một số đồng chí ở Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh đang đứng phía sau tươi cười nhìn lên Bác. Bác ngồi đó, vô cùng giản dị, nét mặt quá đỗi hiền từ, tay để lên bàn, nhưng thấy lần này tóc Bác bạc quá rồi. Bảy mươi bảy tuổi rồi, Bác đang mệt, đang yếu, giữa các cuộc ném bom bắn phá ác liệt ở miền Bắc, ngay cả giữa lòng Hà Nội, thế mà người cha vẫn muốn gặp đàn con thân thương.
Bác lại lướt nhìn trước mắt, hướng tầm nhìn sâu vào các nữ chiến sĩ anh hùng trên đường mòn Hồ Chí Minh nơi mà Bác biết rõ là trọng điểm ác liệt nhất của đường mòn.
Chị Nguyễn Thị Huế bằng giọng rắn chắc cố nói chậm báo cáo Bác nghe rõ công việc của thanh niên xung phong trong đó. Bác lắng nghe, vô cùng chăm chú, đôi mắt luôn nhấp nháy, vầng trán rộng ưu tư, lâu lâu Bác dừng lại hỏi nhẹ đôi điều, chị Huế vẫn tiếp tục thưa chuyện với Bác.
Bác hỏi kỹ các chị về việc phá bom mìn, san lấp hố bom, dựng cờ đỏ cắm lên báo hiệu cho xe qua, ngày và đêm, dưới tầm pháo sáng, có ngày hàng mấy chục hố bom sâu, cái chết đã sẵn sàng nhưng vẫn quyết tâm san lấp cho kỳ được.
Bác Hồ rất chăm chú, quá xúc động, giọng ân cần nhỏ nhẹ hỏi thêm về cách phòng tránh máy bay bom đạn và nhắc nhở các cháu tuy rất dũng cảm nhưng phải luôn luôn đề phòng. Dáng Bác nghĩ ngợi lắm, vầng trán nhiều ưu tư, có lúc lắng thở để nghe được nhiều hơn, nghe lấy từng lời. Bác nhìn kỹ vào các cô gái trước mặt, nói trầm hùng: “- Các cháu anh hùng lắm, vô cùng dũng cảm, quả thật là những Bà Trưng Bà Triệu thời nay”. Nhưng rồi lại đanh thép: “- Các cháu! Không còn cách nào khác hơn, ta phải đánh, kiên quyết đánh, phải làm cho đường mòn thông suốt, ngàn bộ đội, ngàn vũ khí sẽ vào
, thắng lợi hoàn toàn sẽ đến”.
Bác còn thân thương hỏi các chị: Trên núi mùa đông rét buốt lắm, các cháu có đủ áo ấm không? Các chị trả lời đã có áo trấn thủ. Bác nhìn lên phía đồng chí Tố Hữu và chúng tôi như nhắc khéo: đó là nhiệm vụ của các chú.
Bác hỏi như người cha:
- Ăn ngày mấy bữa?
- Dạ ba.
- Có no không?
- Dạ no.
- Tắm rửa thế nào?
- Dạ có, đêm khuya phải đến các suối xa, qua ánh pháo sáng xanh vàng của giặc.
- Bác nhắc các cháu dù có khó khăn, vẫn phải gìn giữ vệ sinh.
Có mấy dĩa bánh kẹo ở bàn bên, các chị cần vụ đem tới, Bác tự tay đưa các chị. Nhưng nào có ai ăn được. Tất cả điều hướng về cha già đang ngồi trước mặt, nhìn ngắm người, vui sướng hôm nay và lo lắng cho sức khỏe Bác ngày mai. Bác nói:
- Nếu các cháu không ăn hết thì nên lấy thêm, đem về cho các bạn trong đó, nói đây là quà của Bác. Bác gởi lời thăm tất cả các cán bộ và chiến sĩ trong đó. Nói với tất cả là Bác còn khỏe, cùng với toàn dân chờ ngày thắng lợi hoàn toàn.
Mỗi người chúng tôi, món quà hương vị thấm sâu của Bác trên tay, vô cùng tiếc nuối là cuộc gặp diễn ra quá nhanh. Bác ngồi đó, lại bắt tay từng người, chúng tôi đi qua, giây giây dừng lại, cố dừng lại lâu hơn, cố ngoái cổ nhìn lại, thu hình bóng của Bác vào sâu tâm hồn mình, tưởng như không bao giờ rời được.
Nhưng rồi phải tạm xa Bác, lòng thương Bác vô cùng.
Hôm nay, tạm biệt Bác và hai năm sau trên vườn hoa Ba Đình này, bao nhiêu nước mắt của chúng tôi và của mọi người lại tuôn rơi khi được báo tin Bác Hồ đã vĩnh biệt chúng ta. Sáng ấy, 2 tháng 9 năm 1969, hai năm sau ngày gặp Bác lần thứ ba, sau lễ mít tinh mừng ngày Độc lập ở vườn hoa Ba Đình vắng bóng Bác trên lễ đài, lòng chúng tôi thấp thỏm. Bốn giờ chiều, qua làn sóng rađiô báo tin Bác ốm nặng. Ôi thôi! Và ngày mai, tin buồn da diết làm sao! Bác Hồ đã vĩnh biệt ra đi!
Chúng tôi cùng với đoàn người đông đảo nước mắt tuôn rơi. Có nhiều khách quốc tế lặng lẽ đi qua quan tài, thấy Bác nằm yên, hiền từ làm sao, vẫn bộ ka ki ấy, vẫn đôi dép cao su ấy mà khi đồng chí Chủ tịch Cu Ba Phi đen Castro đến viếng Bác, đã chỉ vào đôi dép ấy nói lên câu nói nổi tiếng: “Đôi dép kia đã đi khắp thế giới”.
Bác ơi! Bác có đi xa đâu, Bác rất gần, Bác trong con, trong cháu, Bác muôn đời, muôn sức mạnh của cháu và của toàn dân, của ba lần gặp Bác và của muôn triệu lần.
L.T.S (243/05-09) |