Bút ký - Tản văn
Ký ức về nội
14:26 | 18/12/2018

“Ký ức về nội” của Tâm Định Lê Văn Đại là một tạp ghi những câu chuyện mộc mạc ở một làng quê Cố đô Huế dưới dạng nguyên thô.
Tòa soạn trân trọng tính chân thật của người kể chuyện nên xin được trích đăng nguyên văn một số đoạn trong tập hồi ký nhỏ này, với mong muốn gìn giữ nếp nhà, nét văn hóa làng xã ngày xưa trước sức ép ngày một lớn của sự hiện đại hóa đời sống xã hội. Đây có thể là những đường viền rất nhỏ để bảo vệ sự thuần khiết, tính vĩnh cửu của đời sống văn hóa chúng ta.

Ký ức về nội
Ảnh: internet

TÂM ĐỊNH LÊ VĂN ĐẠI  

Việc họ, việc làng

Một hôm, cả ba anh em đang ngồi làm kiệu bằng cọng lá sắn màu đỏ thì nghe nội gọi:

- Quân đi đâu cả rồi?

Nghe thế cả anh Di, chú Hoàng lủi một mạch ra sau hè đứng. Tôi ngơ ngác không biết việc chi cứ ngồi ngây người nhìn, nghe nội gọi lại.

- Không có quân mô ở nhà hết à!

Tôi liền “dạ”… rồi đi vào, nghe nội bảo:

- Con vô lấy áo dài đen quần trắng mặc vô rồi đi ăn kỵ với Ôn.

Tôi ăn mặc tươm tất, đến bên, Ôn bảo tôi:

- Chừ con bưng cái khay ni đi ăn kỵ với Ôn.

Cái khay hình bầu dục như trái xoài tượng to, ở giữa khay đặt một gói trà Tam Hỷ hình vuông có in ba chữ Hỷ màu đỏ trên giấy trắng lá xanh. Thấy trịnh trọng quá, tôi ngước nhìn Ôn, Ôn bảo:

- Đừng chú trọng vật mà cốt yếu ở chỗ nghi lễ, lễ phẩm mới quý.

Vội vàng Ôn cầm gói trà bỏ vào túi áo, vậy là tôi cầm cái khay đi theo. Ôn cầm que găm lá, tay móc nghéo dù ra thẳng ngỏ, từng ngọn lá xâu vào que găm.

Gần đến nhà mời kỵ, dừng chân Ôn quay lui nói tôi:

- “Lễ phẩm đi trước, chức tước theo sau”, vậy chừ hai tay con bưng khay trà đi trước, Ôn theo sau, đó là lễ nghi!

Vào đến sân, gia chủ niềm nở chào đón.

- Chà, quan ra dự là đủ rồi còn sai cháu bưng lễ phẩm nữa.

Ôn đỡ lời:

- Đó chỉ là lòng thành thôi mà.

Gia chủ thưa:

- Mời quan vô nhà.

Chủ tiếp nhận lễ phẩm trịnh trọng đặt trên bàn thờ.

Sau khi thắp hương khấn nguyện, ở căn giữa trên bộ ngựa đã bày sẵn mâm cỗ thịnh soạn, gia chủ mời nội với ba vị bô lão trong làng lên ngựa dùng cơm. Tôi khoanh tay đứng tựa cột nhà, chủ nhà vội vàng thưa:

- Chừ thiếu một người mới đủ mâm, quan và mấy Ôn cho phép tôi được mời cháu của quan lên ngồi cùng.

Nội tôi tiếp lời:

- Thôi để cháu đứng đó chơi rứa!

Chủ nhà lại thưa:

- Xin quan cho phép!

Ông gật đầu, vậy là tôi được phép lên ngựa ngồi xếp bàn như các Ôn, cũng áo đen quần trắng nhưng thiếu khăn đóng và lùn nhất. Vì lứa tuổi năm sáu hiếu kỳ như tôi hay thích dòm ngó, thoạt nhìn thấy cái mâm bằng đồng sáng bóng chạm hoa đẹp quá, có ba chân uốn cong, trên mâm sắp xết thức ăn thật cầu kỳ, ba lớp toàn dĩa nhỏ. Tầng trên hết là các món nhắm rượu nem chả, dưa món, kho rim, xé bóp. Tầng dĩa thứ hai là kho, xào, trộn, canh. Khi dùng xong dĩa nào, đem xuống dưới mâm để rất gọn gàng. Năm Ôn dùng cơm kỵ nói chuyện rất ăn ý. Tôi nhớ mãi sau khi dùng cơm xong, các ôn kể chuyện các quan trong triều cho nhau nghe. Lúc tráng miệng, ông A lấy quả chuối mời ông B; ông B nói: “Bẩm quan tôi không biết bóc lột”… Dùng xong, gia chủ bưng cái thau đồng nước và một cái khăn để các ôn rửa lau tay, ông C mời ông D rửa tay, ông D lại cười trả lời “quan rửa tay đi, tay tôi luôn trong sạch!”; thật là hài hước và châm biếm!

Ăn kỵ xong quý ôn chào nhau về. Suốt đường về lại nhà tôi thầm nghĩ hai cậu Di, Hoàng đã biết trước chiều ni Ôn ăn kỵ nên nghe Ôn kêu chạy trốn còn tôi không biết đành chịu trận. Đi ăn kỵ phải tuân theo không biết bao nhiêu lễ nghi ràng buộc nào là mặc đồ quốc phục, ngồi trên ngựa với mấy ôn không dám nhúc nhích; nào là không được gắp thức ăn khi người lớn chưa dùng, chỉ được dùng thức ăn trước mặt, ăn phải nhai từ tốn… Mọi chuyện đều nghiêm chỉnh, tôi phải ngồi bó rọ thật cực hình chờ đợi các ông dùng cơm lâu quá, còn nói chuyện nhiều nữa, ước gì các ông rời khỏi bộ ngựa để tôi “vọt”.

*

Chiều nọ theo Ôn lên cồn Bè coi mấy ôn trong làng kiểm nhận đắp mộ làng do làng tổ chức. Dân làng đắp mộ thật đông đến cả trăm người, chỉ việc lấy đất dưới vụng lên nền đắp từng ngôi mộ to bằng cái dù. Ôn đi trước các ông bô lão trong làng theo sau, đến đâu dân làng đều ngừng việc, cất nón cúi đầu mỗi người chào mỗi kiểu “dạ chào quan”, lại có người đan chéo hai tay “lạy quan”, “bẩm quan” một lòng kín cẩn khiêm cung. Đoàn nghiệm thu mộ làng, mỗi ôn trên tay đều có bó thẻ tre chẻ mỏng, một đầu to có chữ màu đen, một đầu nhọn để cắm xuống đất. Các ôn cứ đi phần mộ nào đạt tiêu chuẩn liềm cắm thẻ, mộ chưa cắm thẻ thì phải làm lại to đẹp hơn. Cứ thế, ai được bao nhiêu thẻ trên mộ thì đến ngày hẹn đem thẻ ra đình làng nhận tiền bồi dưỡng. Tổ chức đơn giản mà khoa học không đốc công, không kiểm soát, làng chỉ phổ biến nguyên tắc quy cách đắp mộ và niêm yếu ở đình dân làng cứ đọc rồi thi hành. Ngày hội đắp mộ làng thật đông vui, chuyện trò huyên náo nhưng luôn tỏ ra lòng thành kính, nghĩa cử hiếu đạo của con dân trong làng đối với tổ tiên, cứ một lát cuốc xuống, một cục đất bưng lên để trên nấm mộ… sao mà tôi thấy cẩn trọng thành kính và linh thiêng quá!

Ôn đến chỗ đông người làm việc, nói lớn:

- Các chú cố gắng làm cho tốt, các ngôi mộ này thân nhân đi làm ăn xa hay những nhà, những phái hoặc những họ bị cô tự không ai chăm nom giỗ chạp nên trở thành mộ chung của chúng ta là mộ làng. Dù sao những ngôi mộ cô tự này cũng bà con bên nội hay bên ngoại đều làng xóm cả, có thể trăm năm cũng thuộc hàng tổ tiên ông bà chúng ta cả. Vì vậy, chúng ta phải có nhiệm vụ trông nom giữ gìn tôn thờ.

Muốn đắp mộ làng thì trích mấy mẫu ruộng ra đấu giá, lấy tiền trả công, sau ba ngày làng tổ chức cúng tế tạ mộ âm linh cô hồn, như vậy coi như hiếu của con cháu trong làng đã hoàn mãn.

Thời gian đắp mộ, Ôn nội và các vị bô lão thường túc trực tại đình làng theo dõi tiến trình đắp mộ. Tôi tò mò ra đình xem thì thấy nội ngồi trên bộ ngựa cao trải chiếu hoa có hộp tợ bằng gỗ chạm bày trên đó có khay cau trầu rượu có chiếc ống nhổ bằng đồng, khay khác đặt bình trà và một dĩa thuốc đã vấn sẵn… Đó là cung cách của làng đối với vị quan Tiên chỉ. Không những thế mà luôn luôn có một người làng túc trực để quan sai bảo khi ông Lý trưởng hay ông Thủ bộ có việc cần bàn. Dù được làng cung phụng như thế nhưng Ôn không bao giờ hút thuốc ăn trầu uống rượu, nên người hầu cũng bớt vất vả, vì vậy mỗi khi làng có việc ít ai dùng đến các thứ đó kể cả rượu. Thật là kỳ diệu khi hội hè đình làng không có hơi men nồng nặc và tiếng ồn náo, không vất bã trầu, tàn thuốc.

Tế làng thường tổ chức 2 ngày, chiều 16 đến 2 giờ sáng ngày 17 âm lịch mới chính thức cử hành lễ tế. Cả ba thằng ngóc Di, Đại và Hoàng cong lưng mà chạy, chạy mau kẻo trễ làng tế. Sao chẳng nghe chiêng trống gì cả! Ba đứa đến nơi, mới thấy làng chuẩn bị nghênh thần. Đoàn rước thần từ từ tiến ra đầu tiên là 4 người gánh bàn hương án tôn trí bộ Tam sự, một độc lư và cặp bình đồng tiếp theo là 2 hàng cờ ngũ hành dân làng cầm và bộ đồ thờ luôn trong đình cũng được thỉnh đi theo sau hàng cờ; tiếp đến ban cổ nhạc chiêng trống, đến ba ông áo rộng xanh đội khăn đóng, quan Tiên chỉ là nội đi giữa hai ông Tộc trưởng khai canh họ Phan và tộc trưởng khai khẩn họ Lê hai bên có hai người cầm lộng che, cuối cùng là nam giới của dân làng đều mặc quốc phục áo đen quần trắng. Tất cả đều im lặng trang nghiêm chỉ có tiếng nhạc lễ, chiêng trống quyện vào nhau nghe sao thấy huyền diệu như tiếng gọi của hồn thiêng sông núi!

Trước hết đoàn rước đến nhà thờ họ Phan, ba ông mặc áo rộng xanh đi vào chánh điện, cử hành lễ lạy xin thỉnh hộp đựng chiếu chỉ vua phong khai khẩn chi tôn thần như lần trước rồi nghinh thần rước về đình, mới bắt đầu cử hành lễ nghinh thần an vị. Ba chúng tôi xem hết, khi nào chiêng trống ngưng mới lơn tơn kéo về. Đến trưa Ôn nội về mặt mày bơ phờ, cả đêm hầu thần, điều khiển dân làng trang hoàng từ nội điện đến ngoài đường, luôn để mắt đến mọi việc từ lễ phẩm đến thực đơn của dân làng và cả quan khách. Chú Hoàng kể lể:

- Chiều qua gần tối ngoài làng bưng vô một mâm cả đầu heo thật to, nơi miệng có ngậm cái đuôi heo nữa, một dĩa xôi một dĩa lòng tim gan phèo phổi…

Anh Di chen vào:

- Sáng ni làng lại đội vào cái đầu bò, một đọi xôi và một dĩa lòng bò nữa… Cởi áo cất khăn nội nói chuyện với các cháu trong dáng bộ mệt mỏi:

- Tục lệ làng mình quan Tiên chỉ lạy án giữa, làng kính biếu cái đầu, còn hai ông lạy hai án hai bên làng biếu cái nọng. Làng biếu cái đầu có nhiều nghĩa hai con mắt Ôn dùng cho sáng mắt có thể nhìn thấy từ đình ra đến địa giới của làng để trông nom bảo vệ; Ôn dùng hai lỗi mũi để tăng thêm khứu giác ngửi không khí của làng để phòng bị lo xa, biết chỗ sạch hay dơ; Ôn dùng cái lưỡi để nói những lời hay lẽ phải cho dân làng nhờ, nếu không thì dân làng phê phán “có miệng ăn mà không có miệng nói”… Nói ngang đây cởi áo vừa xong, Ôn lên bộ ngựa nằm. Chú Hoàng nhanh tay lấy quạt lông chim quạt hầu Ôn, ba thằng ngồi quanh. Ôn tiếp tục nói:

Ăn bộ não để bồi dưỡng não bộ minh mẫn hơn, sáng suốt nhiều thêm, có đủ trí tuệ lo việc dân làng. Anh Di thấy mắt Ôn lim dim bấm tôi ra để chú Hoàng quạt hầu Ôn ngủ.

Tình người ngày loạn lạc

Thời loạn lạc kéo đến, Đức Nhật đánh với đồng minh, Pháp truyền lệnh dân ra khỏi kinh thành thật xa, nội nhờ o Cháu chị gánh tôi đi di tản. Vậy là tôi ngoan ngoãn bước vào thúng ngồi xếp bàn lặng thinh, hai tay cầm chặt tao gióng còn lại một đầu thúng đựng gạo, thức ăn, áo quần… O chạy thoăn thắt, tôi nghe đâu đòn gánh kèo kịt, à ra là đầu gióng mây nghiến vào đòn gánh trên vai o. Vụt một chốc tới làng La Chử phải leo lên cầu bắc qua con hói mới đến làng Phụ Ổ, chắc mệt rồi, o ngừng lại để gánh xuống ngồi trên đòn gánh, tay quạt phành phạch chiếc nón lá,cả hai o cháu nhìn nhau cười hưởng ngọn gió mát ngọt ngào. Bớt mệt, hai o cháu lại đi, lên cầu leo, hai đầu thúng đu đưa, tôi nắm chặt hai tao gióng, nhìn xuống nước thấy sao ngợp quá, cảm giác như đứt gióng thì sẽ rơi xuống hói… thế là mắt nhắm miệng há la hét om sòm. O vẫn chậm rãi bước nhẹ nhàng qua cầu nói:

- Mi lo ngậm thinh, ngồi yên chứ đứt gióng thì rơi tỏm xuống hói đó! Cứ thế rồi cũng qua cầu. Đến Phụ Ổ rồi, o chạy trên đường làng, tôi mới yên tâm, chừ rớt trên đất cũng được, nên lặng thinh luôn. Đôi chân vẫn thoăn thắt, o chạy đến làng An Đô, hỏi thăm tìm được nhà ông Lý trưởng, thưa:

- Thưa ôn, tui là người nhà quan lảnh dưới Đốc sơ, quan xin ôn cho cháu ở tạm vài ngày hết giặc lại về, chiều mai quan lên thăm ôn sáng mốt về.

- Được, được cứ để cháu ở lại, về thưa lại quan cứ yên tâm.

Vậy là tôi bước ra khỏi thúng. O thưa tiếp:

- Thưa ôn, quan con có bảo đem theo một ít để dùng hằng ngày cho cháu.

- Chà, quan lo chi rứa hè, đã lên đây rồi mà còn lo cháu đói, quý hóa hơn quan còn ở lại đêm nữa!

O đem đồ vào nhà cất, nghỉ chơi chốc lát chào gia đình ra về. Tôi ngó theo khóc sướt mướt, vì xung quanh tôi người cùng như vật đều xa lạ, khóc mãi rát cả cổ mệt quá tôi im luôn, con ông Lý trưởng dỗ dành tôi đi chơi. Khi mặt trời lặn, thấy cả bầu trời u ám ảm đạm làm sao. Chạy ra cửa ngõ trông về quê, tôi chẳng thấy bóng dáng nội mà chỉ thấy mái nhà tranh ẩn hiện trong lũy tre làng sau khóm cây bụi chuối, đây cũng là lúc nhà nhà thổi lửa nấu cơm, làn khói lam chiều vươn lên bay xa lan tỏa loãng dần khi hoàng hôn lịm dần trong sương đêm; một cảnh nhà no ấm thân thương!

Ông Lý trưởng làng An Đô cầm tay tôi nói:

- Trời tối rồi vào nhà ăn cơm, tối nay nằm ngủ với mấy anh cho vui, sáng mai quan lên chơi với cháu sớm.

Tôi lẳng lặng leo lên ngựa ngồi ăn cơm cùng mâm với cả nhà tề tựu đông đủ, nói cười râm ran cảnh nhà vui hẳn lên. Nhờ vậy mà tôi đỡ nhớ ông bà nội, nhưng rồi thiếu hơi ấm của Ôn nằm mãi ngáp dài ngáp ngắn, thút thít trên ngựa mà không ngủ được… rồi thiếp đi lúc nào không hay.

Tôi bỗng nghe tiếng chim hót thật huyên náo rộn ràng hình như đủ loại, tiếng nhỏ lanh lảnh chắc là chim trong vườn, ở núi còn vọng về đủ âm thanh lớn hơn của các loài chim như quạ, chèo bẻo, bìm bịp có cả khỉ réo vượn hú nữa như báo hiệu ánh bình minh đang ló dạng. Đây là tiếng nói của từng chủng loại, rủ nhau đi tìm sự sống. Một lúc thôi, sự bình yên thanh vắng trở lại với làng quê…

Với bộ quốc phục khăn đóng áo dài đen quần trắng, đôi guốc mức, chiếu dù đã phai màu theo thời gian, nội tôi nửa chiều mới xuất hiện. Mừng quá! Như vị cứu tinh hiện đến, tôi chạy ào ra ngõ sà vào lòng ôm chặt Ôn, mặc cho đàn chó đang sủa rân. Ông Lý cũng vội vã ra sân đón mời nội thật chân tình, bẩm quan… Bẩm quan ngồi. Ông Lý ngồi lui dãy ghế sau tôi được đứng hầu sau lưng nội. Mấy lời vấn an xong, ông Lý thưa:

- Bẩm quan, không mấy thuở quan lên nhà nên con có mời cặp hò giả gạo hay nhất trong làng đến hầu quan đêm nay cho vui.

Nghe vậy, tôi cảm giác trong Ôn có chuyện gì?

Cở áo cất khăn, hỏi thăm công việc làm ăn, rồi đi quanh vườn đến chỗ vắng, Ôn lấy bót bằng bẹ chuối sứ ra, lục tìm mãi vỏn vẹn một giác hai xu (10 xu = 1 hào = 1 giác; 1 giác = 1 đồng) tiền lẻ này chỉ để mua kẹo cau, đậu phụng cho trẻ nít thôi. Tôi càng theo dõi kỹ, thấy Ôn bóp miệng bót cho phồng to thổ thổ chẳng có gì văng ra. “Cuối cùng cũng chừng đó tiền, tối nay tiền mô mà trả cho họ?!” - Ôn lẩm bẩm nói trong tiếng thất vọng. Khi ấy tôi mới hiểu ông Lý tự đi thuê người đến hò cho nội và cả gia đình xem…

Đó là ôn tôi

Cấp bậc lãnh binh với chức vụ Tri sự hộ thành, Ôn có trách nhiệm điều khiển cai quản toàn bộ binh lính hộ thành, bảo vệ Kinh đô Huế. Mỗi cửa thành đều có một toán lính canh ngày đêm túc trực thường xuyên. Các vị lãnh binh tiền nhiệm thường lệ cứ chia hai toán; một nhóm giữ cửa thành, một nhóm về giúp quan làm vườn tược hay phục dịch mọi việc trong nhà quan, lính làm tình nghĩa thôi nên nhà cao cửa lớn, nương vườn nhiều sở, trâu bò đầy đàn, vợ con quan tha hồ hưởng thụ ăn sung mặc sướng.

Nhưng nội tôi khác, cho một nửa về quê làm ăn nuôi vợ con, sau ba tháng đến canh gác thay cho toán khác và cứ hoán đổi như thế. Vì thế, lính thán phục và quý kính Ôn vô cùng, lại còn mang sản phẩm ở nhà cây ngon vật lạ đậu, mè biếu Ôn, mong được quan vui, ai ngờ bị quát một trận nên thân:

- Tôi cho mấy chú về nhà phụ nuôi gia đình, chứ phải về nhà sản xuất ra các thứ này đem đến biếu tôi, thôi mang đi đâu thì đi!

Ai cũng tiu nghỉu, chấp tay bẩm:

- Bẩm quan, đây là của nhà làm ra, chứ có mua bán chi mô, chút quà mọn để tỏ lòng biết ơn quan đã giúp đỡ dạy bảo.

- Ai bảo chú bày ra kiểu biếu ni?

- Dạ một lần ni thôi, lần sau con không dám.

Ôn đi ra sân, chú lanh như chớp bưng quà xuống nhà, nhẹ nhàng cầm nón móc vào khủy tay hai tay chắp trước ngực cúi đầu xuống thấp nói khe khẽ: “Bẩm quan con xin đi”; vẫn còn bực bội, nội đáp “Ừ chú đi”.

Thời gian sau, Ôn triệu tập lính lại, căn dặn những điều cần thiết của người lính thủ thành và lại nhắc nhở “tuyệt đối đừng bao giờ các vị đem quà đến nhà tôi!” , trạm trưởng các cửa thành đều tuân thủ vâng dạ.

T.Đ L.V.Đ  
(SHSDB30/09-2018)



 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Cung đờn (12/09/2018)
Phù hư (08/05/2018)
Chìm (23/04/2018)
Khói (17/04/2018)
Chùm tản văn (26/03/2018)