Bút ký - Tản văn
Viết theo dặm hải trình
09:07 | 05/09/2019

VĨNH NGUYÊN  
             Hồi ký  

Boong tàu lau xong sạch bóng. Toàn thể mọi người tập trung boong trước ăn sáng. Ăn xong, tôi cùng một số anh em cụm lại (cũng ở boong trước) nghe đài tiếng nói Việt Nam. Hồi ấy, toàn phân đội, tàu nào cũng được phát một cái đài orionton để nghe tin tức, nghe chương trình ca nhạc vào những giờ nghỉ…

Viết theo dặm hải trình
Ảnh: internet

Tôi nhìn thấy tay liên lạc tiểu đoàn từ trên bờ bước xuống cầu thang tàu rồi lên tàu. Như đã quen, tay liên lạc chui vào khoang thuyền trưởng. Một lát sau, thuyền trưởng Nguyễn Hoàng Thiết cùng tay liên lạc đi lên và tới chỗ chúng tôi. Thuyền trưởng Thiết nói với tôi: “Đồng chí Vinh, về phòng thay quân phục chỉn chu rồi lên tiểu đoàn có việc gấp.”

Tôi cùng tay liên lạc đi lên tiểu đoàn đang đóng quân trong các nhà dân làng Hạ Đoạn. Vừa đi, tôi tò mò hỏi tay liên lạc cùng cấp binh nhất: Cậu có biết tiểu đoàn gọi tớ lên là việc gì không? Hắn ta nói: Có ông bộ binh mang quân hàm trung úy (ngang cấp tiểu đoàn trưởng) đang trao đổi công việc chi đó. Thì cứ lên rồi biết.

- Báo cáo tiểu đoàn trưởng, tôi binh nhất Nguyễn Quang Vinh, báo vụ tàu 171, tiểu đoàn 200, có mặt!

- Rất tốt, tiểu đoàn trưởng nói rồi chỉ chiếc ghế trống đối diện trung úy bộ binh đang ngồi. Trung úy bộ binh có khuôn mặt rất tươi đã chăm chú nhìn tôi từ lúc tôi bước vô nhà và đứng nghiêm đưa tay chào theo quân lệnh.

Tiểu đoàn trưởng 200 vẫn ngồi yên trên ghế của mình.

Trung úy bộ binh quay nhìn sang tôi, nói: Tôi tên là Nguyễn Phúc Nghiệp (không nói rõ chức vụ) ở báo Quân đội Nhân dân. Chúng tôi đã đọc mấy bản tin, bài của đồng chí gửi đến báo chúng tôi. Tòa soạn chúng tôi rất quý. Nhưng cánh hải quân ít bài lắm. Cánh bộ binh thì bài vở quá nhiều. Vì ít nên càng quý. Trung úy Nghiệp nói tiếp: Tôi vừa trao đổi với tiểu đoàn trưởng của đồng chí, là đồng chí Vinh đã có ý thức về đơn vị của mình, tuyên truyền việc làm tốt của đơn vị lên mặt báo. Chúng tôi nhận thấy qua những bài đồng chí gửi tới, đồng chí rất có khả năng. Nếu chịu khó trau dồi, cần mẫn học tập rồi viết nhiều hơn nữa, tương lai, đồng chí sẽ trở thành một nhà báo chuyên nghiệp.

Tôi lặng lẽ không biết nói gì.

Tiếp đó, Trung úy Nghiệp mở cặp rút ra một tờ giấy đã in sẵn, những hàng có dấu chấm chấm (…) cũng đã ghi rõ họ tên, tuổi, quê quán, đơn vị công tác của tôi. Ở phía dưới đã có đóng dấu đỏ của báo Quân đội và người ký. (Người ký cấp hàm cao hơn trung úy Nghiệp). Trung úy Nghiệp nói tiếp: Chúng tôi muốn đồng chí Nguyễn Quang Vinh làm cộng tác viên của báo Quân đội Nhân dân, nếu đồng chí Vinh đồng ý thì ký vào đây. Trung úy Nghiệp đưa bút cho tôi, và tôi đã ký tên. Từ đó, tôi thành cộng tác viên của báo quân đội Nhân dân Việt Nam. (Khi đó vào khoảng gần cuối năm 1964). Trên đường từ trụ sở tiểu đoàn về tàu, tôi nghĩ lại những bản tin, những bài báo đã gửi cho báo Quân Bạch Đằng (báo lưu hành nội bộ của Bộ tư lệnh Hải quân) và báo Quân đội Nhân dân. Tôi lẩm bẩm trong mồm: Ồ cái thằng Vê, dân biển Thanh Khê tham gia cuộc thi bơi lội “Vượt sông Bạch Đằng truyền thống toàn quốc”, giật được cái giải bét mà tòa báo Quân đội Nhân dân chú ý tới mình đến vậy ta?

Sau đó không lâu, tôi nhận được báo biếu, báo Quân Bạch Đằng rồi tiếp báo Quân đội Nhân dân in bài của tôi. Báo Quân đội Nhân dân có gửi nhuận bút còn báo Quân Bạch Đằng “lưu hành nội” thì không. Tôi lại được bát phố đến 61 phố Cầu Đất mua lạng chè móc câu và cân kẹo lạc đường trắng về khao anh em tàu 171 thân yêu. Chiến sự miền Nam giữa quân dân ta với đồng minh chính quyền Sài Gòn ngày càng khốc liệt. Chúng hay cho tàu nhỏ chạy nhanh vượt tuyến ra quậy, khiêu khích vùng biển Vĩnh Linh và phía Bắc đảo Cồn Cỏ. Rồi sự kiện Vịnh Bắc bộ xảy ra. Phân đội có ba tàu, trong đó có tàu 171 của chúng tôi nhận nhiệm vụ vào ém ở cửa sông Gianh. Ôi gần nhà quá! Qua huyện Bố Trạch, qua thị xã Đồng Hới là tới quê tôi rồi. Một số anh em quê Bố Trạch, Quảng Trạch gần đôi bờ sông Gianh được thuyền trưởng linh động (thay nhau) về thăm gia đình bốn đến năm giờ đồng hồ. Còn chỉ một mình tôi là vô tuyến điện nên không được rời tàu. Sự kiện lịch sử xảy ra với Hải quân nhân dân Việt Nam: vào khoảng 3 giờ chiều ngày mồng 5 tháng 8 năm 1965, không quân Mỹ tập kích ra miền Bắc đánh phá 3 nơi: Cảng sông Gianh (Quảng Bình), Lạch Trường (Thanh Hóa) và Quảng Ninh.

Ba tàu phân đội rời bến ra giữa sông Gianh. Tôi được lệnh bỏ máy trực vô tuyến điện lên boong chuyền đạn. Trước khi chuyền đạn cho khẩu đội pháo boong trước, tôi lên đài chỉ huy lắp máy bộ đàm lên đầu thuyền trưởng để nhận lệnh chiến đấu với phân đội trưởng đang trên một chiến hạm khác. Máy bay Mỹ lao tới. Chúng lượn một vòng trên quân cảng. Pháo tàu phân đội được lệnh nổ súng rần rần. Bốn phi cơ Mỹ lượn trắng bụng trên dòng sông Gianh và thi nhau phóng bom. Lúc ấy, tôi đang trên đài chỉ huy chưa kịp xuống boong tiếp đạn. Tàu 171 trúng bom khói đạn mịt mù trùm kín. Đồng chí lái tàu ngã xuống dưới chân tôi hy sinh. Thuyền trưởng nhảy qua cầm tay lái. Tôi bị thương ở đùi phải. Thuyền trưởng vẫn bình an.

Sau một giờ bắn phá, quân cảng sông Gianh đã bị đánh sập. Máy bay Mỹ đã cút. Hai tàu có chiến sĩ hy sinh, bị thương được lệnh cập cảng phụ làng Thuận Bài để nhờ địa phương an táng số quân hy sinh và băng bó thương binh. Tôi được lên bờ, chân đi cà nhắc. Một ông nông dân cao lớn sốc nách tôi lên lưng cõng vào một ngôi nhà cạnh bờ sông để các cô y tá băng bó cho nhiều người. Số chiến sĩ an lành được lệnh lấy những thoi gỗ đã cất sẵn trong kho và búa ra nêm chặt hai mạn tàu bị nhiều lỗ thủng. Người bị thương nặng được lệnh ở lại địa phương chăm sóc. Tôi bị thương nhẹ, băng bó xong, tôi xin trở lại tàu. Tôi nhìn hai mạn chiến hạm 171 như nhìn con nhím đang xù lông thế thủ trước địch thủ muốn tấn công mình.

Đêm đó, tàu 171 được lệnh về đốc Hải Phòng sửa chữa. Còn hai tàu của phân đội vẫn ở lại sông Gianh. Chiến hạm 171 bị thương tích đã đưa chúng tôi về đốc X46 Hải Phòng. Phiên họp toàn thể tàu, thuyền trưởng công bố số anh em quê Hải Phòng được nghỉ phép ba ngày. Nếu ai là ngành trưởng các ngành phải nộp lên cho thuyền phó bản “kế hoạch sửa chữa” của ngành, mới được rời tàu. Thuyền phó lên cảng vụ báo cơm. Tôi cũng theo thuyền phó lên đó để lấy báo. Báo tuần, tạp chí tháng tôi đặt về đây cuộn tròn như những ống thổi lửa khá nhiều. Tôi kiếm sợi dây bó thành một bó to vác về phòng. Số anh em thích đọc tạp chí Văn nghệ Quân đội, tôi cho họ mượn bớt. Còn tôi, cứ theo dấu bưu điện ngày báo tới mà mở ra đọc dần dần...

Nhà máy đóng tàu Bạch Đằng đã sơ tán nhiều loại máy ra các bến bãi, che lán để hoạt động. Nhờ thế, tôi làm quen một cháu gái mới 16 hoặc 17 tuổi tên Nga xin vào nhà máy học làm thợ máy. Nga kể, nhà cháu chỉ có 3 người là bố, mẹ và Nga, nhà đang ở phố Thượng Lý, gần cầu Thượng Lý. Tàu 171 sắp hạ thủy. Mà hạ thủy là phải đi xa. Tàu phân đội hai chiếc đang hoạt động vùng biển khu 4, Quảng Bình. Tôi tâm sự với thuyền trưởng Thiết: phòng báo vụ nhỏ hẹp nhất tàu, mà sách báo, tạp chí chật ních. Vậy xin thuyền trưởng cho sơ tán chúng nó lên bờ. Sơ tán lên đâu? Gần cầu Thượng Lý, nhà cháu Nga vào nhà máy Bạch Đằng học làm thợ máy. Nhiều vậy phải đi mấy chuyến mới hết? Báo cáo thuyền trưởng chỉ một chuyến thôi. Em cho hết vào hai bao tải. Em đã liên hệ được cái xe đạp không chuông, không phanh, của bác đi chợ trên cảng vụ. Mày giỏi thật. Làm nhanh lên. Không kịp với máy bay Mỹ thì toi giữa đường. Tôi chuyển được hai bao tải lớn sách báo, tạp chí tới nhà cháu Nga bên kia cầu Thượng Lý khi cháu Nga không có ở nhà.

... Cũng năm 1965, điểm mà không quân Mỹ ném bom đầu tiên xuống Hải Phòng là cầu Thượng Lý. Chúng muốn cắt đứt mạch giao thông đường bộ chính giữa hai thành phố lớn Hải Phòng - Hà Nội. Tàu 171 đang hoạt động dài ngày ở một tọa độ xa được lệnh trở về Hải Phòng. Tàu vừa cập cảng đã nghe xôn xao máy bay Mỹ vừa đánh phá cầu Thượng Lý. Chúng đánh nhanh rồi rút nhanh. Chúng tập kích bất ngờ. Nhưng lực lượng phòng không Hải Phòng đã cảnh giác. Rada ta phát hiện sớm đã cho nổ súng đón đầu nên chúng thi nhau bổ nhào, dội bom nhưng không trúng cầu mà trúng vào các nhà dân. Tin cho biết nhiều người bị thương và một bé gái chết cháy thiêu, tội lắm!

Chắc nhà cháu Nga bị rồi? Họ có đi sơ tán không? Hay đã đi sơ tán nhưng chủ quan lại trở về nhà? Những băn khoăn của tôi, tôi trình bày với thuyền trưởng. Và xin thuyền trưởng cho tôi chạy nhanh lên đó xem tận mặt rồi chạy về. Thuyền trưởng nói: tàu mới về có lệnh gì cấp tốc thì sao? Nhưng ông cười rồi đổi giọng thân mật: Tớ cho cậu chạy 2 tiếng có kịp không? Tôi bảo kịp. Ông lại bảo: Tớ cho cậu mặc thường phục, buộc giày cho chặt mà chạy!

Tôi làm i như vậy.

Cầu Thượng Lý chưa bị sập. Tôi vượt qua. Nhà cháu Nga bị sập hoàn toàn. Tôi hỏi nhiều người gần đó về những người trong gia đình nhà cháu Nga có ai việc gì không. Họ nói cả nhà đó đi sơ tán nên chưa hề biết nhà mình bị cháy bị sập. Tôi nhìn qua nhà xa xa 100m nhiều người xôn xao, có người khóc. Tôi lại hỏi nhiều người. Họ bảo: Chú qua đó mà xem. Tội nghiệp lắm, một cháu gái 10 tuổi bị bom thiêu đen thui. Bố mẹ nó còn sống đang cấp cứu ở bệnh viện. Giờ bà con đang tính an táng cháu như thế nào? Tôi lại chạy ù qua đó. Đúng là một bé gái bị cháy đen, tóc sém vàng. Gia đình này đã đi sơ tán bỗng mang cả con về... Tôi vừa chạy về tàu vừa khóc tức tưởi như khóc cho đứa em gái của mình... Tôi chạy trở về tàu không nhanh như lúc chạy đi. Bởi chỗ vết thương ở đùi mảnh đạn vẫn còn nằm trong đó. Khi làm thuốc y tá chỉ rửa qua thuốc đỏ rồi băng mà đâu biết mảnh đạn chui vào sâu. (Đến bây giờ, mảnh đạn vẫn còn trong người tôi. Mùa lạnh giá có buốt đôi chút, còn bình thường thì không hề gì, nó đã thành quen. Các con tôi có phàn nàn: Sao ngày trước ba không giải phẫu vết thương, làm thẻ thương binh? Giờ mỗi kỳ thi, ba biết không, các con được công thêm một điểm rưỡi! Tôi quát: Việc các con học là lo học cho giỏi. Còn đây là việc của ba. Bạn ba vừa đồng đội vừa đồng hương ngã chết dưới chân ba thì bây giờ gia đình người ta được những gì? Ba là thủy thủ. Ba còn khỏe, chớ lo. Bruce Weigl - Nhà thơ nước Mỹ, năm 1967 là lính chiến ở chiến trường Quảng Trị, nay cùng đoàn nhà văn Mỹ sang thăm và giao lưu với nhà văn tỉnh Thừa Thiên Huế, qua Đào Kim Hoa phiên dịch, tôi và Bruce vui vẻ nắn bóp vết thương của nhau. Sau đó, tôi viết “Brucs Weigl và tôi” có câu: … Rồi chúng tôi sờ nắn vết thương nhau/ Như hỏi nơi ấy có còn đau?). Nay chạy nhanh, chạy lâu căng cơ nên rất đau. Nhưng vì sợ trễ giờ tôi vẫn chạy. Tôi tin với tốc độ tuy hơi chậm nhưng chạy liên tục vẫn kịp giờ.

Tôi bước lên tàu là nằm vật ra boong. Thuyền trưởng cười còn hoan nghênh: Giỏi, còn những 15 phút kia đấy!

Nhớ em bé bị chết cháy, tự nhiên tôi nhẩm hai từ “ngọn lửa”. Tôi nghĩ: lửa này không phải lửa đạn của quân thù mà là ngọn lửa căm hờn tột độ của nhân dân ta với quân đế quốc! Và đêm đó tôi viết bài thơ “ngọn lửa”, mà không viết bài cho báo.  

NGỌN LỬA  

Em ngủ
Quyển sách gối đầu nâng giấc em ngoan
Anh nhìn em ngủ
Đôi tay trần trắng trong

 
Tối nay em ngủ sớm
Anh bảo cả nhà đi đứng nhẹ nhàng
Thương em theo trường sơ tán
Thứ bảy chiều qua em mới đạp xe về

 
Nhưng em tôi không thể nào dậy nữa
Ôi em tôi
Mới đây thôi
Với đôi tay trần trắng trong màu sữa
Giờ biến thành màu than
Mái tóc em mảng cỏ sém vàng!


Em ngủ?
- Không!
Em đã là ngọn lửa!

 
Tôi chép bài “Ngọn lửa” gửi báo Quân đội Nhân dân. Và được quý báo in trọn vẹn (vào cuối năm đó). Đó là bài thơ đầu tiên trong cuộc đời văn nghiệp của tôi sau này. Sự kiện này đã ghi trong (“Tổng tập Nhà văn quân đội - kỷ yếu và tác phẩm”, do nhà xuất bản Quân đội Nhân dân ấn hành tháng 11 /2000. Phần thơ, tập 2 trang 140).

Sang năm 1966, Hải Phòng nhiều nơi bị máy bay Mỹ bắn phá dữ dội. Nhất là chúng phong tỏa cửa biển bằng ngư lôi, bom từ trường, bom nổ chậm. Tàu buôn nước ngoài chỉ thả neo ngoài khơi xa mà không thể nào vào cửa Nam Triệu để cập cảng Hải Phòng. Binh chủng Hải quân có sáng kiến phá thông luồng lạch, bằng cách: Cho tàu nhỏ, chạy tốc độ cao kéo theo sợi dây cáp gây kích nổ. Thế là bom nổ chậm, bom từ trường, thủy ngư lôi cứ nổ đùng… đùng… đùng… theo sợi dây cáp dài cả trăm mét… Sự sống, cái chết chỉ trong gang tấc!

Chiến tranh ngày càng ác liệt. Tàu lại cách bờ. Tôi đâu còn kịp thăm ai. Thân tình như thuyền trưởng Thiết, và chiến hạm 171 mà chúng tôi rất đỗi tự hào bởi nó cùng mang tên - số hiệu với Trung đoàn (sau này giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, Trung đoàn 171 chuyển vào Nam thành Lữ 171), qua năm 1967 đã phải chia tay nhau, mỗi người đi nhận một nhiệm vụ mới khác… Tôi nhận nhiệm vụ bảo quản tàu ở hang Ma (Vịnh Hạ Long - Quảng Ninh). Về đây buồn quá! Thầy mẹ tôi đã mất, ngôi chùa Bảo Thiên thầy mẹ tôi xây dựng khi tôi chưa ra đời và cả ngôi nhà ba gian hai chái đã ra tro bụi. Gia đình hai chị gái tôi ở Quảng Bình đang sơ tán vào rừng, hai em tôi đứa vào bộ đội đặc công, đứa gái út ra Hà Nội học đại học cũng sơ tán học ở các tỉnh trung du xa xôi làm sao gặp được. Tết lại đến. Đêm, chim lợn kêu éc éc trên các hòn đảo mới rời rợi buồn…

Cách mạng miền Nam ngày càng phát triển mạnh. Quân ta thắng nhiều trận lớn. Có cả một Trung đoàn Việt Nam cộng hòa bỏ súng đầu hàng quân giải phóng ở mặt trận đường 9 - Nam Lào. Nếu không bảo quản tàu cho tốt thì khi giải phóng miền Nam, ta lấy đâu ra tàu mà vào giải phóng? Công việc bảo quản tàu còn dài…

Tôi về Trung đoàn 171 nhận lệnh mới: bổ sung vào phân đội mới ba tàu lên Hà Nội với nhiệm vụ bảo vệ cầu Long Biên lịch sử, chia lửa với quân dân Thủ đô chờ quân giặc tới! Và mười hai ngày đêm Điện Biên Phủ trên không đã diễn ra… Tàu tôi đậu phía bờ sông Hồng gần Bát Cổ Viện, tàu chỉ huy đậu gần cầu Long Biên phía Gia Lâm bắn máy bay bổ nhào, tàu thứ ba đậu phía trên làng Bắc Cầu bắn chéo cánh sẻ. Súng, pháo quân dân Hà Nội cùng nổ ran trời. Tôi lên boong trước chuyền từng băng đạn cho khẩu đội pháo 37 hai nòng.

Ta nhận định đúng. Chúng thi nhau bổ nhào phóng bom phá cầu Long Biên. Từng chiếc, từng chiếc lao xuống phóng bom và mất hút. Chẳng có ai nói máy bay bốc cháy, mà nói “cầu Long Biên đã gãy rồi”. Tôi nhìn thân cây cầu, nó gãy đoạn gần bờ phía Gia Lâm, gần tàu chỉ huy. Chắc tàu chỉ huy không thể tránh khỏi thương vong? Tàu chỉ huy hy sinh ba pháo thủ. Đêm đó, họ được an táng trong vườn dâu của làng Bắc Cầu. Mấy tháng sau trên báo Thủ đô có in bài thơ của nhà thơ Bằng Việt, có câu: “Tháng tám cầu nhô hai nhịp gãy”, thế mà tôi đứng gần, nhìn rất gần cầu Long Biên gãy gục lúc khói bom trùm kín mà chẳng viết được câu nào?

Tin vui truyền đi mọi nẻo đường, mọi ngôi nhà: Ta đã buộc Mỹ ngừng ném bom trên toàn miền Bắc Việt Nam, trong một hiệp định tại Paris năm 1973. Phân đội tàu chúng tôi trở lại Hải Phòng. Đơn vị cho tôi nghỉ phép 12 ngày về thăm gia đình ở Quảng Bình. Ôi sung sướng quá! Về nhà gặp được hai chị, còn hai em đang ở xa thì không sao. Nhân cơ hội này tới thăm các anh chị trong Hội Văn nghệ và Sở Văn hóa Quảng Bình. Trước đó, tôi đã gửi nhiều thơ về hai địa chỉ này và được đăng khá nhiều. Giờ tôi tới thăm mang quân phục hải quân, vai gắn lon thượng sĩ, mũ trắng, hai dải mũ có gắn mỏ neo lất phất bay chắc họ quý tôi lắm? Sáng hôm sau, tôi tới cơ quan Hội Văn nghệ Quảng Bình, gặp anh Xuân Hoàng - Phó Chủ tịch trực Hội, tôi đặt vấn đề thẳng với anh là muốn chuyển ngành về Hội. Nhiều người rất tán thành, nhưng nhà thơ Xuân Hoàng nói: Riêng mình thì mình đồng ý rồi, nhưng còn tổ chức cậu ạ. Để tôi hội ý Ban Thường vụ rồi trả lời đồng chí việc tiếp nhận. Nhà thơ cười ha hả nói thêm: 10 giờ sáng mai Vĩnh Nguyên trở lại đây có được không? Tôi trả lời: Dạ được, rồi nói thêm: Quý hóa quá, trong thời gian này em được đi thăm bà con, rồi còn trả phép. Đường còn nhiều hố bom xe phải đi vòng... Nhà thơ Xuân Hoàng lại cười ha hả, nói: “Chúng tớ ở trong túi bom còn lạ lùng gì. Thôi em về gặp bà con. Mai đến đúng giờ nghe”...

Tôi cầm tờ tiếp nhận nhân viên mới có chữ ký, đóng dấu đỏ của Ban Thường vụ Hội Văn học Nghệ thuật Quảng Bình, về đơn vị. Còn đứng trên bờ, chưa bước chân xuống cầu thang gỗ để lên tàu, tôi đã bô bô với các chiến hữu bộ phận buồm dây: Bây giờ tớ là dân sự rồi nhé.

Huế 24/05/2019
V.N  
(TCSH366/08-2019)



 

Các bài mới
Lập công (24/07/2023)
Hoa ở Huế (23/06/2023)
Các bài đã đăng
Sử thi buồn (21/08/2019)
Ký ức về nội (18/12/2018)
Cung đờn (12/09/2018)
Phù hư (08/05/2018)
Chìm (23/04/2018)
Khói (17/04/2018)