Bút ký - Tản văn
Hương Thọ xanh mãi một màu nước mây
15:23 | 11/11/2019

LÊ VŨ TRƯỜNG GIANG  

Thuở bé, mỗi lần đứng trước chiếc tủ gỗ sơn màu xanh ngọc khiêm tốn nép cuối góc nhà, tôi trải hồn mình cùng bức tranh khắc những nét chân phương về một ngã ba sông bằng lặng, mênh mông với những ngọn núi trập trùng cao thấp tầng mây làm hậu cảnh.

Hương Thọ xanh mãi một màu nước mây
Ảnh: internet

Kia dáng người chèo đò lẻ loi giữa hai bờ lau lách, chừng cất tiếng hò gửi lời nước non. Bức tranh ấy do cụ ông Lê Văn Mẫn, một người trong họ tôi khắc tặng, ký thác giấc mộng sơn khê. Ngã ba sông kia là ngã ba Bằng Lãng, nơi hợp lưu giữa hai nhánh Tả Trạch và Hữu Trạch đong đầy nguồn nước đưa dòng sông Hương chảy bao huyền thoại qua đất kinh kỳ. Những ngọn núi ấy là Kim Phụng, Thiên Thọ, Cẩm Kê, Ngọc Trản, núi Cấy đắp nên công tích các bậc tiền nhân mở cõi, là tiền án cho những cuộc đất đế vương nghìn thu.

Lạ thay, tất cả sự hữu tình ấy đều hội tụ trên mảnh đất Hương Thọ, một xã bán sơn địa sông nước uốn quanh, nơi an nghỉ nghìn thu của 9 chúa, 2 vua nhà Nguyễn và nhiều lăng mộ của hoàng tộc. Tôi về đây giữa cơn nắng tháng 7, đắm mình trong màu xanh bãi bờ La Khê Trẹm nghe chuyện thời xa xăm. Mảnh đất Hương Thọ đã được nhiều thế hệ người Việt định cư sớm, đặc biệt sau sự kiện vua Trần Nhân Tông gả con gái công chúa Huyền Trân cho vua Chế Mân, lấy của hồi môn hai châu Ô, Lý. Làng xóm dần hình thành và có lẽ vào thời các chúa Nguyễn khi lăng mộ của các chúa được an táng ở đây và sau này lăng hai vị vua đầu triều Nguyễn là Gia Long, Minh Mạng thì sự tụ cư ngày mỗi đông hơn. Có thể nói rằng, Hương Thọ thời bấy giờ như một “nghĩa trang hoàng gia”, vùng đất tâm linh này được quan tâm đặc biệt, đánh dấu tích văn minh vật chất của người Việt trên thượng nguồn sông Hương. Nhiều ý kiến cho rằng, nhiều người sinh sống trong vùng này có tiên tổ là lính hộ lăng đã đem gia đình lên đây sinh cơ lập nghiệp, tiện bề phụng sự cho triều đình. Đất đai vùng Hương Thọ màu mỡ, lại được phù sa bồi đắp hằng năm, nguồn nước tưới tiêu thuận lợi là cuộc đất an trú yên vui. Và cái tên Hương Thọ xuất hiện lần đầu tiên với tư cách là một đơn vị hành chính vào khoảng tháng 10/1947, thời điểm này huyện Hương Trà tiến hành hợp các xã Hương Nguyên, Hương Ty, Hương Phụng thành một xã, lấy dãy núi Thiên Thọ làm tên chung nên đặt tên là Hương Thọ. Một cái tên vừa gần vừa xa, vừa thấy bóng núi, vừa có dáng sông y như đặc điểm của miền đất này.

Chúng tôi ở lại La Khê Trẹm, trong ngôi trường cấp hai Tôn Thất Bách đã khá xuống cấp. Buổi sáng nắng lên, từng đàn chim chàng làng, chèo bẻo thi nhau chuyền cành, hót gọi bình minh. Nguồn gốc làng La Khê Trẹm là làng La Khê (hay La Khê Bột) xã Hương Vinh, Hương Trà do các ngài gồm 3 tộc Trần, Lê, Nguyễn đã vào đây lập nên vào khoảng giữa thế kỷ XVI. Sau này, một số con cháu trong làm đi tìm vùng đất mới, lập nên làng La Khê Truồi (Lộc Điền, Phú Lộc), làng La Khê Hói (Thủy Bằng, Hương Thủy) và ngay tại Hương Thọ có hai làng La Khê Bãi và La Khê Trẹm. Theo Lịch sử đảng bộ xã Hương Thọ (Nxb. Thuân Hóa, 2019), La Khê Trẹm do bốn ngài của các họ Trương, Lê Ngọc, Lê Văn và Võ Đức khai canh, khai khẩn. Làng đầu tiên có tên La Khê Lưỡng Kỳ vừa nói lên cội nguồn huyết thống, vừa nói lên vị trí làng nằm giữa hai nhánh sông Tả Trạch, Hữu Trạch. Làng La Khê có tên Trẹm phía sau vì gắn với bến đò Trẹm. Còn chữ Trẹm chúng tôi đã hỏi một số người địa phương nhưng vẫn không biết gốc tích nghĩa chữ ấy. Anh Lê Văn Quang, trưởng thôn La Khê Trẹm cho biết tên gọi này đã có lâu đời. Nhiều người dựa theo kinh nghiệm ngôn ngữ học cho rằng Trẹm phát xuất từ tiếng Chăm, như các địa danh Chiêu Ê, Sình, làng Chuồn, Sịa… Nhưng vẫn chưa thuyết phục lắm. Tôi lần mò lý giải thì phát hiện ra rằng trẹm là địa danh thường thấy xuất hiện ở Trung Bộ và Nam Bộ. Ở Đà Nẵng có xứ Trẹm thuộc các phường Thiệu Bình, Thạch Thang, là vùng trung tâm thành phố ngày nay, phần lớn nằm trên địa bàn các phường Hải Châu 1, Hải Châu 2. Địa danh Hòn Trẹm là mỏm đá nhô ra biển ở thị xã Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang Ở Cà Mau có một con sông có tên là sông Trẹm đi qua địa bàn tỉnh, dài khoảng 42km. Sông Trẹm uốn lượn như một dải lụa giữa rừng U Minh, sâu trung bình 3 đến 4m, chiều rộng từ 80 đến 100 mét, có màu nước thay đổi theo mùa. Nhà nghiên cứu Lê Trung Hoa, trong bài “Thử giải mã một số địa danh Việt Nam” đăng trên Tạp chí Kiến thức Ngày nay số 940, ngày 20/9/2016, đã viết rằng: “Tiếng Việt trong các thế kỷ vừa qua có một hiện tượng biến âm đáng chú ý. Một số từ ở thế kỷ 17 mang tổ hợp phụ âm đầu tl-, sau đó hoặc rụng phụ âm t, hoặc biến âm từ l sang r: tlánh => tránh/ lánh; tle => tre/ le; tleo => trèo/ leo; tlên => trên/ lên; … Vì vậy, chiếu theo quy tắc đó, trẹm có lẽ là một dạng khác của lẹm, và cả hai dạng có cùng một tiền thân là tlẹm nghĩa là “có chỗ bị lõm, bị khuyết vào, không đầy đặn như thường”. Áp dụng nghĩa này vào các địa danh trên, ta có thể hiểu: Bãi Trẹm, hòn Trẹm, sông Trẹm, làng La Khê Trẹm là bãi cát, mỏm đá, con sông, ngôi làng có chỗ bị lõm, khuyết vào, không đầy đặn như bình thường. Xét vào nghĩa ấy, có lẽ chữ Trẹm của La Khê Trẹm nằm bên dòng Tả Trạch là nơi bị nước bào mòn, ăn khuyết, bên lở của dòng sông, nơi vực nước khá sâu, nguy hiểm đúng như hiện trạng bây giờ. Tôi sững sờ trước ngôi làng mướt mát màu xanh, núp dưới vô vàn những đám cây chen nhau, những vườn cây, bụi chuối kín lối con đường ngoằn ngoèo chạy qua bao ngõ xóm. Gió sông tràn lên, mang bao cô tịch của một vùng quê xa xôi, nơi năm nao đấng quân vương chọn làm chốn an giấc nghìn thu.

*

Chúng tôi ở trên ngọn đồi nhỏ, bên phải là lăng Trường Cơ, nơi an nghỉ của chúa Tiên Nguyễn Hoàng (1525 - 1613), bên trái là lăng Trường Thiệu, nơi an nghỉ của chúa Định Nguyễn Phúc Thuần (1754 - 1777). Một vị chúa đầu tiên khai lập giang san họ Nguyễn ở trời Nam và một vị chúa cuối cùng lặng lẽ nơi rừng cây xao xác La Khê. Sử sách chép rằng, trong thời gian quân đội Tây Sơn kiểm soát thành Phú Xuân, Huế, lăng mộ chúa Nguyễn Hoàng cùng lăng mộ các chúa Nguyễn khác đã bị phá hoại. Khi vua Gia Long lên ngôi các lăng mộ tiên tổ mới được phục dựng lại. Vì thế nhìn chung, các lăng có quy cách, kiến trúc xây dựng khá giống nhau.

Về lăng Trường Cơ nguyên trước ở núi Thạch Hàn, tỉnh Quảng Trị, về sau mới dời đến vị trí này. Lăng xoay mặt về hướng chính bắc, gồm có hai vòng thành hình chữ nhật bao bọc. Vòng ngoài xây bằng đá bazan, phần mũ tường xây bằng gạch vồ. Vòng trong xây hoàn toàn bằng gạch vồ. Mộ được xây bằng gạch vồ và vôi vữa. Mộ thấp, phẳng, xây làm 2 tầng, hình khối chữ nhật. Lăng trổ một cửa phía trước, sau cửa xây một bình phong, mặt trước bình phong trang trí long mã ghép sành sứ. Sau lưng mộ cũng có bình phong trang trí rồng. Hiện tại, lăng Trường Cơ đã được trùng tu, phủ lớp sơn mới màu xanh nổi bật. Nói về chúa Tiên, tôi nhớ những ngày lang thang trên triền sông Thạch Hãn suốt buổi chiều năm ấy, bỏ mặc từng cơn gió Lào tràn tới, nóng rát da thịt. Gió hung hăng quật những bóng mát ngả nghiêng, làm cỏ cây khô lại trên những vồng cát. Những cụ già kể chuyện ngày xưa khi Ái Tử vốn là Tiền Cung của Triều Nguyễn, xưa chúa Tiên Nguyễn Hoàng đã lập Dinh Cát ở đây đầu tiên khi vào Nam trấn nhậm. Sau này, hằng năm các vua Nguyễn phải ra đất Tiền Cung nơi Tiên chúa Nguyễn Hoàng khởi nghiệp để cúng tế, tỏ lòng nhớ ơn tổ phụ mở cõi xứ Đàng Trong. Tôi nhớ như in câu chuyện các vị bô lão làng Ái Tử dâng chúa 7 vò nước như là tấm lòng của dân làng. Nguyễn Hoàng bất ngờ trước món quà của các vị bô lão làng Ái Tử, lòng băn khoăn không biết phải làm thế nào và cũng không hiểu ngụ ý của 7 vò nước kia là gì. Sau Nguyễn Hoàng tìm gặp Nguyễn Ư Dĩ, quan Thái phó vuốt râu cười bảorằng: “Cháu mới đến trấn nhậm đất này mà được người dân dâng nước cho, ấy là điềm “được nước” vậy”. Nguyễn Hoàng mừng vui khôn xiết và xem đó như là một điềm đại cát trong hành trình vượt dãy Hoàng sơn gian khổ, quyết chí xây dựng cơ đồ.

Còn lăng Trường Thiệu, trước kia ở địa phận huyện Bình Dương đất Gia Định (Sài Gòn), đến năm Gia Long thứ 8 thì được rước về vị trí hiện tại. Vua Gia Long là một vị vua rất coi trọng hiếu đạo, việc phục hồi, xây dựng, quy tập lăng tẩm tiên tổ đã được ngài thực hiện rất chu đáo. Nói về chúa Nguyễn Phúc Thuần, là vị chúa thứ 9, lên kế vị khi tuổi còn nhỏ lại bị quyền thần Trương Phúc Loan thao túng. Quân Trịnh đánh vào, Phú Xuân thất thủ. Chúa phải chạy Nam, vào Gia Định, sống trong cảnh khổ sở, luôn luôn phải chạy trốn vì bị quân Tây Sơn lúc ấy chiếm đống truy kích. Trong một trận chiến quyết liệt sống còn vào cuối tháng 9 năm Đinh Dậu 1777, chúa Nguyễn Phúc Thuần cùng với một số cận thần bị bắt sống khi chạy đến Long Xuyên (Cà Mau), và bị nghĩa quân Tây Sơn giết. Chúa Nguyễn Phúc Thuần chết, hưởng dương được 23 tuổi, không có con trai nối dõi. Số phận hẩm hiu của vị chúa trẻ khiến người đời thương cảm. Lăng Trường Thiệu được xây dựng, xoay về hướng tây-bắc, có kiểu thức xây dựng lăng mộ cũng tương tự như các lăng chúa Nguyễn khác nhưng kích thước lăng có phần nhỏ hơn. Lăng gồm 2 vòng thành, không hiểu vì sao bình phong sau cổng đã bị đục hết các hình trang trí. Bên trái của bình phong có bài trí chậu cảnh đã hư hoại, những mảnh gạch vồ trơ lòng ra ngoài buồn tẻ. Hai trụ cổng trước mộ cũng không còn nguyên vẹn, đầy rêu mốc, vết lở. Bình phong sau mộ vẫn còn dấu vết hình rồng mờ nhạt, tháng năm đã bào mòn tất cả.Hiện tại, lăng Trường Thiệu đã bị xuống cấp nặng nề, nhiều đoạn tường thành đã sụp đổ, xập xệ. Nhìn lăng hoang phế, rêu mốc, cỏ dại giữa rừng tràm, lòng người không khỏi bùi ngùi.

*

Một sớm mùa hè, nắng oằn mình trùm lên vùng đất Liên Bằng xanh mướt bóng cây. Nắng hồ hởi băng qua con đường bụi đỏ, thêu lên mi mắt ai những mảnh mộng trần. Chúng tôi ngồi dưới tán thanh trà trĩu quả, nghe ông Lê Đoàn, sinh năm 1951 kể về những tháng năm cõng nước, cuốc đất, gieo màu xanh yên bình no ấm bên dòng Hữu Trạch. Vùng đất này xưa thuộc quyền sử dụng của một vị quan triều Bảo Đại, thân Pháp, chuyên đàn áp các cuộc khởi nghĩa từ Quảng Nam đến Nghệ An. Ông quan này đã cho xây dựng nhà cửa khá bề thế, giờ chỉ còn nền móng cũ với những viên gạch vồ, cột trụ trang trí cầu kì. Sau, đất bán qua nhiều chủ, trong đó đặc biệt qua tay Dòng chúa Cứu Thế và 10 hộ dân Công giáo lên ở, làm vườn, có xây hẳn nhà nguyện để vào mỗi ngày chủ nhật có linh mục dưới nhà thờ lên làm lễ. Sau ngày giải phóng, toàn bộ vùng đất này thuộc quyền sở hữu của nhà nước, rồi phân cho một số hộ canh tác, xóa đói giảm nghèo. Tuy nhiên, sau chiến tranh, nền kinh tế bao cấp khó khăn, nên sự trồng trọt còn manh mún. Vùng đất này còn hoang sơ với nhiều bầy heo rừng về ở, đêm đêm ở bãi sông còn nghe tiếng cọp gầm, sáng ra thấy dấu chân còn hằn trên cát. Năm 1992, ông Lê Đoàn mới qua đây nhận đất, trước là trồng đậu, mè nhưng thu nhập thấp quá nên ông nghiên cứu chuyển qua trồng các cây ăn quả mà chủ lực là cây thanh trà, lấy giống từ La Khê Trẹm. Ông đã dệt nên ước mơ làm giàu trên quê hương Hương Thọ bằng bàn tay lao động kiên trì, cần mẫn cộng hưởng với kinh nghiệm và sáng kiến trong sản xuất. Sau bao nhiêu năm cần cù bám đất, giờ đây 150 gốc thanh trà lâu năm và nhiều loại cây ăn quả có giá trị khác trên diện tích 1ha đất bồi phù sa màu mỡ đã làm nên nguồn thu nhập ổn định cho gia đình.

Tôi lang thang trong khu vườn thênh thang xanh, ngắm nhìn những cành thanh trà kĩu kịt quả, thấy nhịp sống xô bồ ngoài kia dừng lại, lặng yên nghe cây quả thầm thì. Thời các vua Nguyễn, thanh trà là một trong thứ quả thời trân được chọn để tiến vua. Thanh trà vốn thuộc họ bưởi nhưng quả bé hơn, da xanh, vỏ mỏng, múi dày. Điểm khác là vỏ thanh trà có mùi tinh dầu thơm nhẹ rất đặc trưng, múi thanh trà nhiều nước nhưng không nhão, ăn có vị ngọt mát và hơi the cay như vị của vỏ cam, quýt. Ông Lê Đoàn bày chúng tôi cách phân biệt đơn giản hơn là vê lấy lá thanh trà hoặc bưởi, sẽ phân biệt được mùi thơm đậm đà trên cánh mũi là của thanh trà, còn lá bưởi thì nhạt hơn. Trái thanh trà chín vào mùa thu, cho quả trong vòng hai tháng. Trái thanh trà có một đặc điểm mà ít loại trái cây nào sánh được về thời gian bảo quản lâu dài đến tận 3 tháng vẫn có thể ăn ngon lành mà chẳng cần chất bảo quản. Ông chia sẻ với chúng tôi về phương pháp bảo quản ấy mà chỉ người trồng cây lâu năm mới có được. Đầu tiên, trái thanh trà phải được hái bằng tay hoặc khèo, chú ý đừng để bị chập the và tuyệt đối không để cho rớt xuống đất bầm và nên hái vào thời tiết khô ráo, tránh có mưa. Khi cất bảo quản, phải để cách mặt đất và các trái thanh trà không nên để sát nhau. Quả càng để lâu, ăn càng ngọt sắc. Nhớ năm 2015, tôi được hưởng thứ quả đặc sản ấy nơi sát lăng vua Gia Long, thưởng thức múi thanh trà mọng nước, vị ngọt thanh, pha chút the the, cảm nhận cả cuộc đất Hương Thọ, nước sông Hương thấm mênh mang đầu lưỡi.

Thanh trà trung bình mỗi cây cho từ 300- 500 trái những năm gặp thời tiết thuận lợi. Vào độ tháng Chạp đến tháng Giêng, khi cây ra hoa, nếu gặp tiết trời mưa phùn gió bấc sẽ đậu trái nhiều. Trong làn mưa mỏng, bông thanh trà trắng khiết tỏa đậm hương dịu ngọt, thơm ngát miền quê Hương Thọ. Để cây thanh trà cho trái ngọt, sống khỏe mạnh không phải là điều đơn giản. Nhiều căn bệnh hại cây và nếu không có kinh nghiệm thì không cứu được cây. Ông Lê Đoàn đã từng mất nhiều cây thanh trà vì những bệnh như bệnh gôm, bệnh sung. Trong đó bệnh gôm là khó trị nhất, cho đến nay đã áp dụng các loại thuốc trừ bệnh khi vừa mới phát hiện nên khá hiệu quả. Còn bệnh sùng cần phải theo dõi kỹ càng vì con sùng nhập vào cây rất kín đáo. Lúc đầu là lộc non, rồi vào cành, vào thân, xuống gốc, càng ngày càng to dần, ăn rộng ra khiến cây rỗng, héo khô. Hằng ngày vào tiết xuân, ông đều đi thăm vườn, cứ thấy cành lộc non mới nhú mà héo tức là sùng con đã vào liền cắt cành đó liền và nhờ thế đã ngăn chặn được sự phát triển của bệnh sùng. Sự lao động cần cù của ông đã được đền đáp. Hằng năm, thu nhập cả vườn thanh trà từ 300 - 600 triệu đồng, nhờ thế mà kinh tế gia đình ông ổn định, con cái học hành, làm việc đều thành đạt. Chúng tôi chia tay ông Lê Đoàn, lại xông xênh đi qua những con đường rợp bóng thông như mênh mông vớt mộng giữa trời Hương Thọ.

*

Chúng tôi về lại Huế, cảm giác như mình đã bỏ quên điều gì đó không thể hiện hữu ở Hương Thọ. Nhớ bóng trăng chiếu xuống ngôi trường im lìm đêm vắng. Nhớ người thầy 20 năm xa cách nằm lặng thiu bên cột cờ tìm ngày tháng cũ. Nhớ những ngày vui cùng bao bè bạn tri âm đắm mình cơn say tỉnh của chữ nghĩa, của phiêu bồng. Chiều nay đứng ở cầu Phú Xuân nhìn về đầu nguồn sông Hương, thấy Kim Phụng sừng sững giữa trời, lòng dâng lên nỗi niềm La Khê Trẹm. Trời vừa qua cơn giông nhỏ, những hạt mưa bụi còn chưa kịp tan vào hoàng hôn. Và màu tím hiện lên từ chân trời, lẫn trong mây trong khói, trong màu nắng sắp tắt. Màu tím Huế huyền thoại là có thật. Màu tím đất trời ban tặng cho riêng cho Huế, để tím trên tà áo dài, tím trên mộng mơ.

L.V.T.G  
(SHSDB34/09-2019)



 

Các bài mới
Lập công (24/07/2023)
Hoa ở Huế (23/06/2023)
Các bài đã đăng
Sử thi buồn (21/08/2019)
Ký ức về nội (18/12/2018)
Cung đờn (12/09/2018)
Phù hư (08/05/2018)
Chìm (23/04/2018)