Bút ký - Tản văn
Chuyện anh Quẹo, chị Cò làng tôi
08:43 | 08/07/2009
PHẠM THỊ CÚC                       KýTôi sinh ra ở một làng quê, không những không nhỏ bé, hẻo lánh mà còn được nhiều người biết đến qua câu ca dao "Ai về cầu ngói Thanh Toàn/ Cho em về với một đoàn cho vui".
Chuyện anh Quẹo, chị Cò làng tôi
Minh họa: Ngô Lan Hương

Lúc còn bé, tôi nhiều khi thắc mắc, vì sao phải "cho em về với..." trong lúc đường đất từ chợ An Cựu về đến làng tôi chỉ có năm, sáu cây số. Lớn lên, khi tôi đã được đặt chân đến nhiều vùng gần vùng xa... đi nhiều, thấy nhiều... trở về với ngôi làng, với cây đa, bến nước, ngôi đình, mái trường xưa... mới thấy nó nhỏ bé, nhưng thân thương biết chừng nào! Quãng đường tuy ngắn, nhưng với thời xa xưa chân đất lội bùn, quả là không ngắn tí nào, bởi vậy mới có: "Cho em về với..."

Ngôi trường nhỏ của tôi ở cạnh Cầu Ngói, nhìn ra một con hói, bên kia con hói là cái chợ nhỏ, cái chợ đó đã được vinh dự đón nhiều khách du lịch trong nước cũng như nước ngoài trong dịp Festival 2002 với cái tên dễ thương "chợ quê".

Lũ học trò con nít chúng tôi, với những cái đầu khét mùi nắng cháy, tóc đỏ như râu ngô, sợi dài, sợi ngắn, đứa hai ống mũi xanh cứ thò lò, lúc nào cũng nghe tiếng hít mũi rôột... rôột... đến trường chân đất, đứa áo may-ô, đứa lại quần đùi.

Cũng như bao làng quê khác, nhiều gia đình cầu mong "may mắn đến, rủi ro đi" thường đặt tên con cái xấu xí hoặc giản đơn như đất cát, những Mít, Xơ, Cồi, Đợn, Hột; những Cò, Vạc, Chuột, Chim; những Trê, Tràu, Diếc, Cấn, Mại... Ngày lũ học trò chúng tôi ở nhà, đứa nào cũng có một cái tên "hí tiếu" lắm.

Cạnh chợ, có gia đình anh Quẹo, chị Cò trú ngụ trong một túp lều tranh, đúng nghĩa đen "một mái nhà tranh, hai trái tim vàng". Chị Cò là con bà bác họ tôi, hình như tên của hai vợ chồng này, bố mẹ đặt cho, xuất phát từ "đặc điểm hình thức" của mỗi người. Giữa cánh đồng làng tôi, có một bụi tre, gọi là bụi nhưng bao đời nay, chỉ có đúng một cây, cao vút, hiên ngang đứng giữa cánh đồng lúa xanh, từ trong làng nhìn ra lúc nào cũng thấy cây tre như đang múa "vũ điệu truyền thống" theo chiều gió, mặc cho giông tố, bão bùng...

Chị Cò người cao, "thẳng đuột như bụi tre một", cụm từ người làng hay dùng để chỉ những người phụ nữ cao, gầy... như chị. Manh áo nâu chị mặc vá chằng vá đụp quanh năm, quần thì ống xăn ống xả, ống cao, ống thấp... đúng là "nghèo rớt mùng tơi".

Còn anh Quẹo làm nghề "thổi tù và hàng tổng". Bàn chân phải của anh bị quẹo lại thành một cục tròn như cục bột mì đế bằng gắn vào cổ chân. Chân cẳng như vậy lại hoá hay, vì suốt đời chẳng tốn tiền mua sắm giày dép... Chả bù cho cái thời hiện đại này, người ta có thể vứt ra vài triệu bạc để mua một đôi giày ngoại nhập.

Nghề của anh cũng như cái chân queo đi đất, từ nắng chí mưa, từ đông chí hè, từ sáng chí tối... hễ nhìn thấy anh là bao giờ cũng thấy cái ống alô cắp nách được làm từ một tấm tôn cuộn lại, dài đến cả mét, một đầu có cái vành loe ra, nhỏ vừa úp vào miệng, đầu kia loe to hơn, đường kính khoảng hai tấc rưỡi. Khi trong thôn làng có việc gì cần phổ biến, họp hành, anh đi một vòng, cứ đi khoảng mươi mét lại "Alô...Alô..." Hết một vòng từ đầu làng đến cuối xóm là anh xong việc.

Chân đã quẹo, mà người thì "tròn như hột mít". Anh chỉ cao khoảng hơn một mét, cái loa để dựng đứng cũng cao gần bằng người anh. Chị Cò cao gần gấp đôi, hai bàn chân đất của chị cứ thoăn thoắt... thoăn thoắt... không bén đất. Đôi khi tôi thầm nghĩ, khi nào giận chị, muốn "ra oai" người chồng phải bắc ghế đứng lên, may ra mới với tới đầu chị để "bạt tai" được, không bao giờ nghe anh chị to tiếng với nhau. Có ai trên chọc "Anh Quẹo ơi, hôm nay có kẹp được chị Cò mô không?" hay bọn con nít thường chạy cả đoàn sau lưng anh: "Chú Quẹo ơi, cho cháu alô một chút coi có nghe điếc tai như giọng của chú không!" Anh chỉ cười cười. Tôi chưa bao giờ thấy anh tức giận với ai, kể cả vợ con anh. Anh chị đúng là "Đôi ta như đũa so le, muốn so đôi nữa sợ e... không có!" như một nhà văn đã viết trong tác phẩm của mình.

Anh Quẹo chị Cò thật là một đôi vợ chồng vô cùng hoà hợp, vô cùng hạnh phúc, hạnh phúc trong cảnh bần hàn. Nghề của chị là chơm cá, mò cua bắt ốc. Người ta thường đi cả đoàn khoảng mươi, mười hai người, mỗi người một cái chơm, dàn hàng nagng từ bờ bên này qua sát bờ bên kia của con hói, cứ mỗi lần úp chơm xuống, thò tay vào mò, gặp gì bắt nấy, từ con đam, hến, ốc, rạm... đến con cá, con tôm... Cứ kéo lên úp xuống, rập ràng đều đặn, nhìn xa như một "điệu múa dân gian".

Đàn con của anh chị năm đứa, ba trai hai gái, quanh năm trần truồng, vợ chồng chị quần quật từ sáng đến tối vẫn không sao sắm nổi manh quần tấm áo cho chúng. Chỉ đến tết nhất, may ra có được vài manh áo, tấm quần gọi là mới cho những đứa nhỏ, còn đứa lớn vẫn mặc đồ cũ đồ thừa người làng đem cho.

Cả bầy con năm này tháng khác cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, dãi nắng dầm mưa, lăn chà lăn hói... nhưng đứa nào cũng trắng trẻo, hình như da chúng nó không thể nào "bắt nắng". Lớp học của tôi nhìn qua con hói rộng chừng tám, chín mét là thấy nhà chị, những đứa con trắng như những cục bột của chị cứ đập vô mắt cô trò chúng tôi mỗi ngày, đến nỗi cô giáo người thành phố của chúng tôi lúc nào cũng tấm tắc khen: "Mấy đứa con của anh chị Cò dễ thương quá chừng!" Người chúng luôn lấm lem bùn đất, nhưng hễ cứ xuống hói ngụp vài lần là cứ trắng như trứng gà bóc vỏ.

Dạo đó, tôi mới học lớp tư (lớp hai bây giờ) cũng chưa biết đẹp xấu là gì, nhưng ngày nào cũng nghe cô giáo khen, tôi cũng để ý nhìn kĩ, thấy quả thật chúng nó không chỉ đẹp vì trắng trẻo, mà mặt mày đứa nào cũng khôi ngô, sáng sủa... Giá mà chúng được đi học chắc cũng thông minh, giỏi giang lắm...

Làng tôi được lính nguỵ đặt cho biệt danh là "ổ Việt Cộng", bởi vì sau Hiệp định đình chiến Genève 1954, hầu như nhà nào trong làng cũng có người tập kết ra Bắc. Nhiều đôi vợ chồng mới cưới, số ngày chung sống với nhau chỉ đếm được vài lượt trên đầu ngón tay, thì đã chồng Bắc vợ Nam. Rồi từ những năm 60 trở về sau, những lứa học sinh sinh viên cả nam lẫn nữ lần lượt đi tham gia Cách mạng, thoát ly lên chiến khu... Không ít người mới đi thoát ly năm ba tháng đã hy sinh, để những cô vợ trẻ, tuổi đời chỉ mười tám đôi mươi... đã trở thành những bà goá từ bấy đến giờ.

Chỉ một xã như Thuỷ Thanh, dân số trên dưới mười ngàn, mà trong nghĩa trang liệt sĩ của xã có tên gần một ngàn người, phải ghi trên cả bốn mặt của hai chiếc bia to mới đủ. Khi đọc danh sách liệt sĩ trên bia, ai cũng đau xót. Đa số các liệt sĩ hy sinh năm Mậu Thân 68, họ là những chàng trai cô gái chưa một lần biết đến yêu đương, chưa một lần biết đến nụ hôn của người bạn khác giới.

Lớp người đã nằm xuống đó, đa số là bạn học của tôi, là những nữ sinh Đồng Khánh, nam sinh Quốc Học, Nguyễn Tri Phương, Hàm Nghi...

Thời gian sau này, làng tôi trở thành vùng địch tạm chiếm "đêm Việt Cộng, ngày Quốc gia". Tôi phải lên Huế làm gia sư, những ngày chủ nhật, ngày lễ được về thăm nhà, bao giờ cũng bị bọn lính gác ở chợ An Cựu lục soát rất gắt gao. Chúng thường hoạnh hoẹ: "Làng Cầu Ngói là ổ Việt Cộng, cô về để liên lạc với Cộng sản à?" Những lúc về làng, tôi thường mặc áo dài, quần trắng rất diện, luôn mang theo giấy tờ tuỳ thân. Khi bị xét hỏi, tôi không bao giờ nao núng, chỉ cười cười một cách điềm tĩnh: "Ngày nghỉ, chúng em về thăm gia đình, ba mẹ... Chúng em chỉ biết học chứ đâu có biết Việt Cộng, Việt que chi mô mà các anh nói oan rứa!" Bọn lính nguỵ, nhất là bọn sĩ quan, buông vài câu chọc ghẹo: "Em ơi, em đẹp rứa, đừng theo Việt Cộng mà uổng nghe em!" Chúng có biết đâu, cả bọn học trò chúng tôi, từ bé chí lớn, từ trai chí gái đều là "Việt Cộng nòi".

Còn khi từ làng lên Huế, chúng hay lục soát xem có truyền đơn, tài liệu tuyên truyền gì không. Thường những anh học trò Quốc học, Hàm Nghi, Bồ Đề... hay bị lục soát, nạt nộ, còn con gái chúng tôi chỉ bị chọc ghẹo thôi. Nhưng chúng cũng làm chúng tôi khiếp vía nhiều phen.

Hôm đó, từ làng lên, trong người có giắt một gói truyền đơn, mới qua khỏi cống Kiểm Huệ một đoạn, bỗng gặp một tốp lính đi ngược chiều. Một tên sĩ quan nói với đám lính: "Trong người cô này có truyền đơn bây ơi, soát người cô đó cho tau!" Nó chỉ nói hú hoạ thôi, nhưng mới nghe, tôi giật thót người, tưởng như chúng nó nhìn xuyên qua quần áo mình vậy. Nhưng tôi cố trấn tĩnh, lại cười cười: "Mấy anh nói chi mà không thành có rứa, tui mới về làng Lang Xá Cồn đây thăm mệ ngoại thôi mà..." Nghe vậy, tên sĩ quan liền nói: "Chỉ về Lang Xá Cồn, không về Cầu Ngói à? Thôi cho đi!" Tôi mừng tưởng như thoát chết, ước chi có cánh để bay khỏi đám lính, nhưng vẫn cứ đạp xe chầm chậm như không có chuyện gì xảy ra. Thật một phen hú vía!

Bẵng đi một thời gian dài, sau giải phóng, khi từ miền Bắc trở về Huế thăm làng quê, họ hàng bà con, tôi được biết cậu con trai đầu của anh Cò, tên Vạc, sau Mậu Thân đã tham gia Cách mạng, đi thoát ly, bây giờ nghe đâu làm giám đốc một sở gì đó trong Nam. Cậu con trai thứ hai là Nông, cũng thoát ly, lên rừng làm giao liên. Sau đó anh trở về làng hoạt động bí mật. Bảo vệ hầm bí mật cho anh là bà Dơi và cô cháu nội tên Vinh. Bà Dơi chỉ sinh được một người con trai duy nhất là ông Chuột, bố cô Vinh, thì chồng chết. Ông Chuột lại cũng chỉ có một mình cô Vinh. Năm lên hai, cả cha mẹ cô đều chết vì một quả ca-nông rơi đúng thửa ruộng họ đang bừa... Cô Vinh tuy mồ côi, nghèo khổ, chẳng được học hành gì, nhưng lại xinh đẹp nhất làng, đã thấy cô, ai cũng muốn nhìn mãi.

Ngày hai bữa, cô Vinh đưa cơm vào hầm bí mật cho cậu Nông. Năm đó cô đã mười sáu tuổi, xinh đẹp như cô Bạch Tuyết trong chuyện "Bảy chú lùn". Cậu Nông cũng đẹp trai, nhưng cái chính là tính tình hiền lành, thật thà, chất phác như bố mẹ cậu. Cô Vinh nhanh chóng phải lòng cậu Nông cũng vì sự nhu mì như con gái đó.

Thời đó, trai gái làng tôi nên vợ, nên chồng là do cha mẹ hai bên dạm ngỏ, bỏ trầu, đi thăm, đi hỏi, rồi đi cưới, chứ có biết yêu đương là gì. Ba chị gái của tôi đều do cha mẹ chọn chồng cho. Mẹ tôi nói: "Nhà mình nghèo... cứ ai đến hỏi trước là được..." Gả chồng theo cách đó, nên chị hai của tôi, không những phản đối kịch liệt mà còn coi anh chồng tương lai như kẻ địch "không bao giờ thèm nhìn mặt" khi anh đến làm rể. Ngày cưới, chị lăn ra "nằm vạ", khóc la giữa sân, mặc cho quần áo dính đầy đất cát, dỗ mãi không được, mọi người phải xốc nách chị dậy mà kéo đi. Thế mà về sau, khi anh đi thoát ly, tham gia Cách mạng, chị ở nhà nuôi bố chồng già yếu, nuôi anh chồng đi tập kết về hoạt động và nuôi con, bọn địch nhiều lần đánh đập, tra tấn dã man... mà không được, chuyển sang chiêu bài dụ dỗ, chị vẫn một mực thuỷ chung với chồng. Chứ không như "tình yêu thời hiện đại", "tự giác yêu" rồi cũng "tự giác bỏ" dễ như trở bàn tay.

Sau giải phóng, trường Đồng Khánh đổi tên thành Hai Bà Trưng. Nhân ngày 20- 11, trường tổ chức liên hoan văn nghệ có tên Hoa Học Đường, tôi được gửi giấy mời đi dự với tư cách là cựu học sinh. Nội dung chính của đêm đó là cuộc thi nữ sinh duyên dáng để chọn hoa khôi, á khôi và nhiều danh hiệu khác như "người ứng xử hay", "người có mái tóc đẹp", "người ăn ảnh"...

Thường trong các cuộc thi này, các em nữ sinh cũng như các bậc phụ huynh có tâm lí ngại ngùng, không dưng lại "nhảy" lên sân khấu đi qua, đi lại, làm duyên, làm dáng... để người ta "săm soi", đánh giá, bình phẩm... nên các nữ sinh là cán bộ đoàn, cán bộ lớp thì phải xung phong đi đầu. Trong số ba mươi nữ sinh vào đem chung kết năm đó, có em Phan Thị Vàng Anh, học sinh lớp mười, và em Phan Thị Vành Khuyên, lớp mười hai được khán giả vỗ tay hoan hô nhiệt liệt trong tất cả các tiết mục áo dài, trang phục tự chọn, ứng xử... Hai em đều rất xinh đẹp, dễ thương, và đã đạt hai danh hiệu hoa khôi và á khôi của "Hoa Học Đường" đêm đó.

Cuối buổi, khi tặng hoa chúc mừng, tôi nhận ra chất giọng "Cầu Ngói" liền hỏi thăm mới biết Vành Khuyên hoa khôi là cô con gái út của chị Cò, anh Quẹo; còn Vàng Anh á khôi, là con gái đầu của anh Nông và chị Vinh. Hai cô cháu "nông thôn, quê mùa" lại đạt hai "danh vị sáng giá" mà nhiều cô nữ sinh của trường mơ ước...

Nhiều thế hệ của làng tôi có chồng, con... đi kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, nhiều người đã hy sinh, mất tích... nhưng các mẹ, các chị vẫn ở vậy nuôi con, thờ chồng. Trong chiến tranh bom đạn ác liệt, vẫn luôn tự động viên, an ủi mình bằng câu:

"Tan nhà nát cửa cũng ừ
Quyết tâm đánh Mỹ, cực chừ, sướng sau..."

Cầu Ngói bây giờ cũng đúng là đã "sướng" rồi vì đã có đường rải nhựa, nước máy trong vắt, điện đóm đầy đủ... đâu có thua thành phố là bao...

P.T.C
(179-180/01&02-04)

Các bài mới
Các bài đã đăng
Miền cỏ thơm (07/07/2009)
Cát trắng (22/06/2009)
Ba lần gặp Bác (19/06/2009)
Lửa tháng năm (29/05/2009)