Bút ký - Tản văn
Ở lưng chừng mùa xuân
14:24 | 07/02/2020

LÊ VŨ TRƯỜNG GIANG   

Ngày cuối năm, tiếng còi tàu vang bên sân ga cũ bận rộn những chuyến đi về. Cái màu vôi đỏ trong đêm, bóng người vội vã dưới hàng sứ trắng nở tàn lặng lẽ.

Ở lưng chừng mùa xuân
Sớm xuân - Ảnh Phạm Bá Thịnh

Trong màu năm cũ, trong muôn vàn những bước chân hối hả, những háo hức ban sơ của sự trở về bên bếp lửa ấm cúng gia đình với mâm cỗ tất niên, áo mới, mai đào rực rỡ, chúng tôi ngồi trong sân ga, dưới những tán cây bồ đề già buông rễ thả vào ký ức của những ai dầm mình trong mưa rét tiễn người tạm biệt Huế hay đón những người xa trở về vui một ngày xuân. Từng đợt mưa phùn bay theo ngọn gió trượt dài qua mái ngói xanh xao, nghe những đợi chờ ấm lên hơi thở đang dậy mùa xuân. Đêm qua, tôi đã kịp sang xuân với phút tiễn bạn lên đường về quê xa, mẹ cha đón đợi. Trước khi bạn lên tàu, kịp chia nhau điếu thuốc, phả làn khói ảo ảnh trôi vào cơn mộng mập mờ. “Mình đi nhé!” với một giêng hai đang phía trước, rất gần. Về nhà, nằm thiếp trên trường kỷ, giấc mơ nho nhỏ cũng tải về màu bánh mứt, kẹo tết, cả tiếng bàn chân xưa băng qua bờ dậu lấm chấm cỏ hoa. Nửa khuya, nghe trái cau già rụng trên mái tôn, giật mình nhìn lại sự còn sự mất. Đời sống có rồi không, không lại có, hai lối nhị nguyên để bắt đầu, để kết thúc và ngẫm ngợi rằng mình gửi hình hài này trong vũ trụ được bao xuân đến rồi đi.

Nhớ lần đón người anh từ Sài Gòn về, ăn đêm trên phố khuya, những trang kỷ niệm của gia đình lại ghi thêm vài sự kiện. Người xa xứ đã kịp về dâng lên tấm lòng thiết tha của một người con thân nơi xa nhưng tâm hồn không xa quê hương nửa bước. Trong chén rượu nồng, anh nói: “Anh ly hương nhưng không ly tổ”. Chúng tôi kể chuyện nhà văn Phùng Quán khi về thăm quê, đã quỳ xuống, dập đầu lên đất quê đến chảy máu, tạ lỗi quê hương đã bao nhiêu năm chinh chiến không về, cảm tạ quê hương đã ban một hình hài và khí chất. Ngày mai, chúng tôi sẽ ra nhà thờ họ, vào nghĩa trang thắp những nén hương tưởng nhớ tiên tổ. Hát cho nhau nghe giữa cơn mưa cuối năm lỗi nhịp. Tiếng đàn mòn vết sẹo chia xa, dường như chúng ta đang đi qua từng dốc tuổi. Có thấy kia không dưới cổng gạch rêu phủ xanh, le lói chút ánh sáng của hoa mai đương thức, để biết ngày xưa lúi húi từng cùng nhau bên rổ bánh chưng xanh.

Nhớ những khi ngồi nghỉ chân dưới cội mai trong rừng vắng. Bầu trời thấp, đầy mây trắng nặng trĩu trên đầu tôi và chú Nhân. Một tiếng khướu bách thanh hót vang động núi rừng. Tiếng hót va vào vách núi, dội cả hoang liêu. Nếu không có tiếng thở nhè nhẹ, tôi tưởng mình đang trôi trên dòng sông mây không ngừng cuộn chảy. Tôi nhặt một bông mai, đặt vào lòng, chợt nghe nước mây hổn hển một bài ca. Mây từ đâu ùa trắng cả cội mai già. Mây mang theo một cơn mưa ban đầu lộp bộp trên hoa lá. Những cánh trắng rơi. Mưa nặng hạt, trắng xóa đất trời. Dường như hoa và mưa thầm thì. Cả đất trời như ngập lụt trong mưa hoa. Khung trời dát trắng cánh hoa bừng lên trong chớp lóe. Mưa… mưa hoa… mưa hoa…

Chú Nhân nói: “Ta muốn trở thành thi sĩ ca dao với những nhát cuốc xới tơi ngọn núi”. Và chú kể về những ruộng đồng, sông hồ đã đi qua trước khi lên đến đây. Một thanh niên sống già trước tuổi, chán đời trước tuổi, không có gì để theo đuổi, không có gì để học hỏi. Thanh niên có đôi mắt của một vực thẳm đen ngòm, mộng mị ngồi uống rượu bên sông. Nước sông là rượu, rượu là nước sông. Thanh niên uống cạn, uống say, ngày như đêm, đêm như ngày. Mưa, mưa sông trát buốt mặt mày. Khi cơn say vơi, họ khát nước, những người bạn của chú Nhân dùng tay hứng những giọt nước mưa mát trong như ngọc. Và đêm hiền lành theo mưa về ngủ trong lều cỏ dựng tạm bên bờ sông thơm.

*

Và tôi kịp ôn lại những lần xa nhà lỡ cuộc chào xuân. Nhớ năm ấu thơ, sáu tháng trời ròng rã trong bệnh viện để rồi cuối năm ba đón về trên chiếc xe Đam 50 cà giựt cà tàng đi qua con đường ngập ngụa nước mưa. Mở cửa nhà, một chậu mai vàng ngát hương đón chào năm mới. Máy cassette chạy băng Chế Linh, Tuấn Vũ, Thanh Tuyền, Như Quỳnh bật lên. “Nàng xuân duyên dáng về rồi. Về gieo bao thắm tươi vui”. Tiếng cười rộn rã, áo mới, cơm vui còn vang vọng mãi trong tâm trí chưa hề phai phôi. Đây mẹ chờ cơn mưa ngớt, gieo những hạt cải lên mặt đất xâm xấp đời mới. Những thúng lúa giống nảy mầm nóng hổi gieo mình xuống cánh đồng mỡ màng phù sa. Ai đó đọc thơ Xuân Diệu: “Thiếu nữ nhìn sương chói mặt trời/ Sao buổi đầu xuân êm ái thế/ Cánh hồng kết những nụ cười tươi”. Dường như chưa đủ lại bồi thêm chút bụi đời mà minh triết của Bùi Giáng “Xin chào nhau giữa con đường/ Mùa xuân phía trước miên trường phía sau”, gửi lại chân phúc cho trăm năm cuộc thế còn nhiều dấu hỏi.

*

Những ngày tuổi trẻ bềnh bồng của “mùa xuân phía trước”, tôi lang thang Đà Lạt. Mặt trời ban mai rọi những tia nắng ấm xuống thung lũng còn đó một vài vệt sương mờ. Bóng nắng vẽ những thảm tranh sâu kín lên thảm xanh. Những ngày phố núi thường khởi đầu êm ả với màu sắc, khung cảnh, âm thanh không lẫn được ở nơi đâu. Tôi ở trong xóm núi nơi người Huế tập trung nhiều với những cánh đồng lagim, hoa và xưởng làm đồ gỗ. Khu xưởng mộc của anh Bi, con người bác nhìn được toàn cảnh thung lũng phía dưới. Ngủ dậy, chúng tôi nhấp ngụm cà phê Tùng pha sẵn. Mắt đăm đắm nhìn ra khoảng trời mênh mông, rộng mà thấp. Thỉnh thoảng ai đó phả một làn khói thuốc bay ra khung cửa sổ, hòa vào làn sương mỏng. “Ở Đà Lạt ngày nào cũng là mùa xuân”, anh Bi nói. Và chúng tôi cùng cười ồ lên khi thấy dáng cô bé hàng xóm nhỏ xinh nhà ở trên dốc cao nhất xóm đi xuống, băng qua hàng rào trạng nguyên đỏ thắm, bụi dã quỳ nở vàng chín đậm. Bức tranh yên bình của Đà Lạt một sớm mai.

Tôi bắt đầu chầm chậm đi qua những con đường rậm lá hoang sơ của núi. Ngửa tay ra đón nắng, nắng đậu trên bàn tay chai, vỡ vô hồn. Tôi chợt nhớ Henry David Thoreau đã viết “Dạo bước” với những lời đầy thuyết phục về một hành động mang tính tự ý thức cá nhân là việc đi và nghệ thuật của sự đi ở nội hàm triết học. Với mong muốn quay trở về những trạng thái tự nhiên thuần túy, ông gửi gắm cả một tinh thần chứa đựng tinh thần thiên nhiên hùng vỹ và ý chí của con người trong hành trình dạo ấy. Nếu lỡ tôi có như Henry rằng người dạo bước đích thực là dạo sĩ. Nghe từ mới cũng thích, vì một dạo sĩ lang thang vô định chẳng khác gì một dòng sông uốn khúc quanh co đang cần mẫn tìm đường ngắn nhất ra biển lớn. Đôi lúc tôi thấy mình lạc lõng với cõi đời hư thực, khi sự cô lẻ thỉnh thoảng xước lên bước chân nghìn dặm sơn khê. Sự đi này gửi gắm đến tôi hành động phản tư, tìm mình trên những hành trình tự nhiên nhất. Tới một thấp trơ trọi một gốc thông già, tôi đứng lại hít thở mùi thơm trong ngần hoa cỏ, uống ánh sáng dịu dàng sưởi ấm chân đi, rồi lẩm nhẩm đọc câu thơ Bích Khê:

Ý Xuân mát đến xương
Ngậm tuyết phun lã chã.


Thấy lẻ loi cái rùng mình giữa một “Xuân tượng trưng” lành lạnh, độc đáo.

*

Những cái tết nắm tay nhau đi qua vườn xuân hò hẹn, chợ hoa phố hội đông vui và những con đường dát lên màu tươi mới. Tình yêu đi qua một mùa xuân là thứ tình yêu đầy ảo ảnh, vừa mang hân hoan của đất trời, vừa đau đáu lòng người cả nghĩ.

Nhớ những đêm trường thắp đèn khai bút mà lòng cạn ráo chữ nghĩa, thấy xa xăm trước mắt màn sương mênh mông, nửa muốn đi vào trong khám phá, nửa rụt rè cắn bút cho vừa ý xuân. Cái sự khai bút chào xuân, khơi một lớp mỏng trên mặt đất ngôn từ rải vào gấm hoa trước mặt, cho một năm mới lung linh chữ nghĩa. Nhưng chữ không phải dễ, thơ không phải dễ. Lấy ví dụ như cụ Phùng Quán một mình trong cái lều lợp lá mía ở bên suối Linh Nham, vùng rừng Thái Nguyên suốt ba năm ròng chỉ để đi tìm thơ, thấy thơ. Suốt ba năm ông chỉ có hai người bạn ghé thăm, mùa mưa lũ, không ai dám vượt suối, ông như Robinson trên hoang đảo. Ba năm ròng nhưng chỉ có một bài thơ ra đời, đó là “Lá khổ sâm” vừa đắng vừa đau, quặn xé tâm hồn:

“... Ôi rượu khổ sâm đắng lắm
Đắng đến tận cùng nỗi đắng thế gian...”


Mới hay thành thi sĩ không phải chuyện một sớm một chiều, phụng sự cho thi ca đến nơi đến chôn không dễ gì ai dám bạo gan vứt đi cả một đời oanh liệt, ám ảnh phù hoa.

Tự cổ chí kim, cảm tác về mùa xuân không ít bài thơ của bao tao nhân mặc khách đã ra đời, vẽ nên bức tranh xuân muôn hình muôn trạng. Đọc bài Xuân hiểu của Phật hoàng Trần Nhân Tông, mới hay sự vi tế của mùa xuân hiển lộ ý vị như thế nào. Tôi nhớ, lần đầu tiên đọc bài thơ này cũng là một sự tình cờ khi đọc trong một cuốn sách chuyên khảo lịch sử trong thư viện thời còn sinh viên. Bài thơ tự dưng lọt ra trong mớ sách rối mù, đăm đắm trước mắt tôi. Những sự kiện lịch sử chồng lấp bị bài thơ bào tan đi tất cả chỉ để lại một diễm ảnh trác tuyệt của mùa xuân, lung linh đôi bướm trắng. Tôi nhớ cái lạnh se se mùa đông đang hồi tàn cuộc và bài thơ Xuân hiểu khi ấy gợi lên ấn tượng tinh khôi nhất của một mùa xuân vi diệu thoắt hiện trong một khoảnh khắc xuân mơ hồ.

Ngủ dậy ngỏ song mây
Xuân về vẫn chửa hay,
Song song đôi bướm trắng,
Phất phới sấn hoa bay.

            (Bản dịch của Ngô Tất Tố)

Xuân hiểu là bài thơ trác tuyệt, rạng rỡ trong nhãn thiền tự tại, ở đó niềm an lạc đã toát khởi trong thế giới thô phù mà chỉ có bậc trí tôn mới tri nhận được.

*

Lại nói chuyện thơ, nhân đây cũng bàn đôi chuyện đầy thi vị. Mùa đông xứ Huế hun hút mưa, mưa dầm dề, nhớ da diết điều gì đó không rõ hình hài và nỗi sầu cứ thế kéo nhau giăng kín cả những khoảng trời Cố đô. Thi sĩ Nguyễn Bính xưa đến Huế, găp phải mùa mưa cũng phải than thở:

“Mùa đông buồn của Huế,
Ngày lê thê trời đất trắng mông lung.
Trắng ngõ nhà em bậc thềm rêu phủ,
Huế mù sương, ôi xa quá mịt mùng”.

                        (Huế Và Em)

Trong sự ướt át ấy, nếu mùa xuân không đến có lẽ muôn nẻo đường Huế, thơ sẽ nở tràn mặt đất.

... Đây núi Ngự, đây dòng Hương Giang
Nơi muôn thuở vơi đầy nhớ thương

                                    (Tứ đại cảnh)

Xuân Huế ấm cúng, dịu dàng và nói như nhà thơ Thanh Hải, ấy là một “Mùa xuân nho nhỏ”. Đến đây, tôi chợt nhớ tới hình ảnh của một mùa xuân rất Huế đã được tác giả mở đầu cho bài thơ:

“Mọc giữa dòng sông xanh
Một bông hoa tím biếc.
Ơi con chim chiền chiện
Hót chi mà vang trời,
Từng giọt long lanh rơi,
Tôi đưa tay tôi hứng”.


Tôi ngắm bức tranh xuân được vẽ lên với những nét chấm phá của màu “tím biếc” của “một bông hoa” giữa mênh mông màu “xanh” lững lờ của “dòng sông” qua nhãn quan ý vị của thi sĩ. Một màu tím Huế, gợi lên trong lòng người đọc nét xuân (những tà áo dài tha thướt) cổ kính, mộng mơ của Huế xưa và dòng sông như chở vào đấy cả nỗi thao thiết của cả chốn kinh kì.

Đón xuân Huế, nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường không vẽ tranh như nhà thơ Thanh Hải mà “uống” xuân để ngà ngà cái dư vị xuất thần:

Chiều xuân như tỉnh như say
Nhớ em uống cả bóng cây ngô đồng
”.
                                    (Chiều xuân)

Tôi ao ước đi trong làn xuân ấy, đón lấy những bóng hình quá vãng đã lạc nẻo tang bồng. Trong nỗi mênh mông của tự tình, xuân dấy lên những cảm thức phiêu diêu sương mờ nhân ảnh, khói lam ở mái nhà xưa chưng nồi bánh tết và cả khói lòng lặn ngụp từ vô vàn nỗi nhớ xa xưa.

Huế còn là những mùa xuân của những người con tha hương. Trong tiếng nức nở, vọng cầu quê cũ, những hồn Huế đã thỏ thẻ đến nao lòng:

E rằng có những mùa Xuân tới
chắc con không dịp về thăm mô
Mạ ơi, đừng có hoài mong đợi
ốt dột lòng con, Mạ biết không!”

(Huế, mùa xuân và mạ, em ơi! - Trần Huy Sao)

*

Sáng xuân, mở cửa nhà, màu nắng thảnh thơi đã tràn qua hiên ngát hương hoa. Nắng chiếu hoa mai vàng năm cánh trong ngần, nắng soi đóa trà mi tinh khiết. Bước chân người thương còn đọng dấu giao thừa. Tôi ra trước sân vươn vai hít mấy hơi trời đất giao hòa, kịp thấy mây đậu núi xa đẫm một tòa tuyết trắng. Tôi nói với em về một ước mơ nhỏ, rằng cùng nhau du xuân trên chiếc thuyền chở đầy hoa huệ, thả xuôi theo con sông quê lững lờ qua bến bãi, cánh đồng và những miền quê xanh thơm khói bếp. Và đôi khi nắm tay nhau lên núi giữa lưng chừng xuân, tìm khe suối nước trong mắt cá, cất tiếng hát gọi lại xuân thì đã qua như một cơn gió mang màu cánh phượng.

Tôi ngồi bên thềm xuân, trải dài trước mắt gấm hoa vần vũ của xứ sở, cây đa hò hẹn, bến cũ chờ nhau đã khoác lên màu áo mới trong trí nhớ và trong hơi thở đậm. Những nghi lễ của tâm hồn bày biện thật nhiều cốt để ta đón xuân bằng tự tấm lòng luôn mở cửa, chào đón những niềm vui chân thật. Cây sống đời đã đổi màu hoa, đỏ chói đêm ngày nhắc nhớ về bầu trời mới nhiều hy vọng đang từ tốn tô màu. Nhớ lời ba khi nói về nếp nhà liêu xiêu thuở nọ: “Lỡ mai con có xa quê, ba chẳng có gì ngoài ngôi nhà đầy tình thương lúc nào cũng chờ đón các con trở về”. Tôi đi trong vườn xuân, hai tay hứng từng giọt mưa nhỏ đang hóa thân bắt đầu một cuộc bay mới của một năm mới nhiều yêu thương chờ đón. Một tiếng còi tàu thổn thức trong lòng, chờ đợi một hành trình đầy hứa hẹn.

L.V.T.G  
(TCSH372/02-2020)



 

 

Các bài mới
Lập công (24/07/2023)
Hoa ở Huế (23/06/2023)
Thư cuối năm (31/03/2023)
Các bài đã đăng
Sử thi buồn (21/08/2019)
Ký ức về nội (18/12/2018)
Cung đờn (12/09/2018)