Bút ký - Tản văn
Hạt giống mới đã được nhân ra
09:32 | 01/04/2020

TRUNG SƠN
             

Trong đời viết văn làm báo, lần đầu tôi "đi thực tế" không phải với các bạn đồng nghiệp, cũng không có ai đưa rước, mà đi cùng "bà xã" của tôi - một cô giáo đang loay hoay chưa biết tìm việc gì làm thêm để bù đắp khoản tiền lương ít ỏi của mình.

Hạt giống mới đã được nhân ra
Ảnh chỉ mang tính minh họa (internet)

"Vợ chồng tôi đến học tập kinh nghiệm..." như thế có khi dễ nắm được thực chất vấn đề hơn là đưa chiếc thẻ nhà báo ra. Hơn nữa, có thêm cặp mắt thực tế của bà chủ gia đình kiểm chứng, hẳn là tôi không dám "bốc" để rồi bị chê cười là "nhà văn nói láo, nhà báo nói thêm".

Có điều tôi chỉ lo không tìm đến nơi. "Nhà anh Đáp ở gần lâm trường Tiền Phong". Địa chỉ ấy bao gồm cả một vùng đồi rộng phía Tây thành phố Huế. Chủ nhật, trời nắng đẹp, mấy chiếc Toyota chở khách du lịch, rồi những tốp thanh niên nam nữ, lần lượt vượt qua chúng tôi lên phía đồi Thiên An, lăng Khải Định. Rút cục, qua 2 điểm dừng hỏi thăm, chúng tôi cũng đã vượt qua lối rẽ lên Thiên An và tìm tới nhà anh Đáp.

Tôi đã được nghe tả qua khu vườn của anh Đáp, nên dù chưa nhìn thấy nhà, chưa gặp người, đã biết mình không nhầm, khi thấy trước mắt mình là những hàng bạch đàn thẳng tắp bao quanh một vùng đất rộng xum xuê cây trái, rồi mấy luồng sắn dây bên ngõ vừa lên giàn - giống sắn dây Ấn Độ rất ít người trồng.

Căn nhà ngói dựng trên sườn đồi mở tung cửa nhưng như là vắng chủ, gọi mấy tiếng không có người ra. Chỉ nghe tiếng bầy ong mật vờn quanh những chùm hoa thiên lý xòe nở trên giàn che nắng trước hiên nhà, và thoảng mùi thơm mít chín. Một lát, mới thấy ông chủ nhà đánh trần, mang quần cụt từ sau vườn ra bể nước ở chái nhà rửa tay. Mãi tới lúc anh Đáp "đóng bộ" đàng hoàng ra mở quạt máy rồi rót nước tiếp khách bên bộ salông gõ, bà xã tôi vẫn đứng bên thềm mải mê ngắm vườn cây đã giao cành tỏa bóng mát quanh nhà.

- Mời chị vào uống chén nước đã, rồi ta đi xem vườn.

Anh Đáp niềm nở nhắc lại lời mời lần thứ hai. Thoạt nghe giọng, dễ lầm anh là người xứ Quảng. Nhưng thực ra, anh quê Mỹ Lợi, thời chống Pháp ra Hà Tĩnh làm ngành lâm nghiệp cho đến nay. Nhìn thân hình gầy mảnh của anh, không hiểu anh lấy sức đâu gầy dựng nên cơ ngơi này? Anh Đáp chỉ mái nhà lợp tôn lụp xụp phía đầu hồi và kể:

- Đó là căn nhà tôi mua lại cuối năm 1982 nay là chuồng bò. Chỉ có từng đó với mấy cây mít, còn là đồi hoang, ở trên này, xa phố phường, kém vui, nhưng vợ chồng tôi lỡ có con đông, nên phải tìm nơi đất rộng. Mình có sức lao động, hiểu biết kỹ thuật trồng cây rồi sẽ sống được. Chúng tôi nuôi bò, lợn, gà, đào ao thả cá - đá sỏi đào lên, đúc dần bờ-lô, rồi trồng cây; mọi việc, vợ chồng, con cái làm lấy hết, năm 1986, xây được ngôi nhà ngói này...

Từ cái chuồng bò lợp tôn kia đến cơ ngơi hôm nay biết mấy là công phu, biết mấy là mồ hôi đã đổ xuống sườn đồi này. Anh Đáp không kể lể nhiều, chỉ gói gọn chuỗi ngày ấy với hai tiếng "cực lắm!". Còn bây giờ, theo anh ra thăm vườn, mỗi bước đi đều có bóng cây che mát, bàn tay vươn phía nào tưởng như cũng chạm phải trái cây căng tròn mời mọc. Tất nhiên là ngày ngày mồ hôi vẫn phải đổ xuống. Phân bón, trừ sâu, làm cỏ... Nhưng bài học kinh nghiệm đáng kể của anh Đáp là không phải cứ đổ nhiều mồ hôi thì đất vườn cho nhiều trái ngọt. Anh vừa chọn hái mấy quả chanh to tặng tôi vừa nói:

- Năm nay mất mùa, chứ cây chanh này năm ngoái có đến 2000 quả. Tôi cũng đã trồng được giống cam ngọt không kém gì cam Xã Đoài... Anh để ý thấy cây trong vườn tôi không cùng lứa, vì tôi tự chọn giống, gây giống. Hôm dự hội nghị chuyên đề kinh tế gia đình ở Công đoàn Tỉnh, tôi cũng đã kiến nghị muốn phát triển kinh tế vườn thì phải tổ chức dịch vụ giống cây trồng có tín nhiệm...

Chúng tôi trở vào nhà vừa lúc vợ anh Đáp đi chợ về. Chị chở mít về bán ở chợ Bến Ngự rồi xuống nhà máy Đông Lạnh mua đầu tôm về cho heo và gà. Xe chở nặng, đường lên dốc, trời nắng, khuôn mặt chị ửng đỏ, ướt đẫm mồ hôi, nhưng nụ cười, giọng nói cởi mở, vui vẻ lại không có gì là mệt mỏi! Chỉ ngẫm hành trình sáng nay của chị, cách tính toán kết hợp công việc, chiếc xe đạp cũng khai thác được hai chiều có hàng, đủ hiểu vì sao gia đình anh Đáp làm ăn ngày một khấm khá. Anh Đáp năm nay tròn 60 tuổi, đang chuẩn bị thủ tục để nghỉ hưu. Vợ anh trước đây làm ở Lâm trường Tiền Phong, nghỉ việc đã mấy năm. Lương hai vợ chồng 100.000 đ/tháng, nhà 7 miệng ăn, không đủ đong gạo. Nhưng gia đình anh Đáp bây giờ có thể sống sung túc không cần khoản trợ cấp của Nhà nước.

- Hỏi thật anh, một năm anh thu trong vườn được mấy triệu?

Trả lời tôi, anh Đáp cởi mở, nhỏ nhẹ nói:

- Cũng khó tính cho đúng. Như năm ngoái, nuôi lợn thất thu đến bạc triệu. Năm nay thì vừa xuất 1 đôi lợn, trong chuồng còn 3 con, lợn nái sắp đẻ. Năm ngoái tiền bán mít, bán chanh cũng đến bạc triệu. 80 kg bột sắn dây cũng thu được gần 1 triệu...

Quả thật những gia đình chịu khó và biết làm ăn như gia đình anh Lương Đáp có nguồn thu từ kinh tế gia đình không nhỏ. Điều đáng nói thêm là lợi ích mang lại đâu chỉ riêng gia đình anh Đáp hưởng. Không kể những mít và ổi, chuối và chanh ngày ngày những gia đình như anh Đáp mang về các chợ cung cấp cho bà con phố phường. Còn có thứ không dễ tính được bằng tiền. Hè năm ngoái, có dịp lên vùng đất phía Tây thành phố này tôi đã gặp đám cháy đang thiêu trụi một sườn đồi hoang. Nếu những đám cháy như vậy lan rộng, rồi đất đồi xói lở thì hẳn là môi trường sinh thái của Huế sẽ ngày một xấu đi. Rất may những đám vườn xanh um cây trái như của anh Đáp đang ngày một lan rộng, tỏa bóng mát lên những vùng đồi hoang quanh Huế.

Hẳn là ai thấy vườn nhà anh Đáp cũng mê, nhưng không phải ai ai cũng làm được như anh. Vì thiếu lao động, vì không có "gan" rời cảnh sống chen chúc đô hội nơi phố phường... Tuy vậy, hôm nghe anh Đáp báo cáo tại hội nghị chuyên đề "kinh tế gia đình" ở Liên đoàn lao động tỉnh, cũng có người nói: "điều kiện có đất rộng như anh Đáp thì làm gì chẳng được...". Quả là phải tìm lời giải đáp cho những người có điều kiện sống chật chội hơn.

Tiếp tục cuộc hành trình "học tập kinh nghiệm", vợ chồng tôi tìm đến nhà anh Nguyễn Đình Trữ ở Tây Lộc. Nhà xuất bản Thuận Hóa vừa in cuốn "Nuôi cá trê phi" của anh, bìa 4 có ghi rõ địa chỉ: 14/10 đường Hoàng Diệu. Vậy mà tìm đến nhà số 14 lại là hiệu uốn tóc và không có lối rẽ nào. Cái địa chỉ ghi theo kiểu phân số vốn thường gây rắc rối. Cũng chỉ vì con người ngày một đông thêm, mặt phố thì có định, nên cứ phải phình ra, xếp chen nhau theo những rạch "xương cá" hai bên đường.

Thì ra nhà anh Trữ ở tận cùng một hẻm cuối đường Hoàng Diệu. Không đến tận nơi, thật khó hình dung ra, với một rẻo vườn 50m2, anh đã làm cách nào để trở nên "triệu phú" nhờ cá trê phi. Nhà anh chưa phải đã thật giàu, nhưng từ con cá trê phi, anh đã làm được nhà ngói, mua xe honđa, mở rộng cơ sở vật chất chăn nuôi đáng kể. Rẻo vườn nhỏ của anh nay là một hệ thống bể xây liên hoàn, hàng chục cái xếp liền bên nhau. Một bể vừa được tát cạn, để thay nước, bầy cá trê phi to bằng cổ tay người lớn ken dày vùng vẫy dưới đáy trông không chán mắt.

Trong chiến dịch giải phóng Thừa Thiên - Huế 1975, anh Trữ là chiến sĩ thông tin, từng bị thương, sau chuyển sang ngành Bưu điện. Là người trực tính, không chịu câm lặng trước những điều sai trái, nên cũng có người không ưa. Vào lúc đời sống gia đình khó khăn, vợ làm công nhân dệt Phú Xuân đang thất nghiệp, bản thân thì bị đau thận, vậy mà bị điều đi xa. Anh tức mình bỏ việc, dù không có "chế độ", cũng nghỉ. (Về sau, cơ quan đã để anh hưởng chế độ nghỉ mất sức). Mày mò tìm con đường sống, học kinh nghiệm nơi này nơi khác, nuôi hết trắm đến mè, cũng từng thất bại về cá trê phi, mới trở nên một ông "trùm", một ông thầy nuôi cá trê phi. (Gọi anh là "ông thầy" vì một sinh viên trường Đại học Tổng hợp vừa được anh giúp đỡ làm đề tài về nuôi cá trê phi).

Câu chuyện giữa chúng tôi với anh Trữ bị đứt đoạn nhiều lần. Một vị khách với chiếc thùng dừng trước ngõ:

- Nhà còn cá giống không anh?

- Hết rồi. Mười hôm nữa anh lại.

Có ông khách thì lại "tự tiện" như người nhà, đi vào không chào hỏi ai và vượt qua tấm chắn dạo xem các bể cá. Lát sau, ông ta vào nhà, anh Trữ hỏi:

- Cá nuôi có chóng lớn không?

- Lớn nhanh lắm. Gần bằng đầu đũa rồi. Tôi định xin mở rộng thêm một bể nữa.

Người khách này là một trong số 16 "vệ tinh" quanh anh Trữ, góp phần nhân giống, cung cấp giống tốt cho thành phố, cho nhiều vùng nông thôn, vùng biển trong tỉnh nữa. Vì vậy nên tôi tặng anh danh hiệu là "ông Trùm". Chưa hẳn anh đã thích. Anh như không muốn đề cao, không muốn mở rộng vội vã việc nuôi cá trê phi khi chưa có hiểu biết kỹ thuật, không có giống tốt, để dẫn đến thất bại hoặc sản lượng thấp. Nhưng lo ngại trước việc một số người kinh doanh cá giống chỉ cốt kiếm lời to, bất chấp giống tốt hay xấu, anh Trữ tổ chức được 16 gia đình, nhận gia công ươm cá giống của anh.

Vợ anh Trữ đi giao cá từ một "vệ tinh" khác cho khách nuôi cá thịt đã về. Anh Trữ hỏi nhỏ:

- Được bao nhiêu?

- Gần hai ngàn. Tối nay cho cá đẻ được không anh?

Anh Trữ nhìn nhiệt kế treo bên tường, thoáng chút suy tính rồi trả lời:

- Ừ, được, trời này tối khoảng 26, 27°.

Và anh nói qua cho tôi biết những công phu để tạo được con giống tốt. Anh còn đề nghị nhà nước, Ban khoa học tỉnh cần có quy chế để ngăn chặn những kẻ kinh doanh cá giống không có lương tâm, tìm thị trường tiêu thụ khi nghề nuôi cá phát triển, tổ chức câu lạc bộ để trao đổi hướng dẫn kỹ thuật...

Anh nói, mỗi lúc một hăng hái sôi nổi, cho đến khi tiễn tôi ra ngõ vẫn chưa muốn dừng. Anh hướng dẫn tôi xem các chậu cây cảnh đặt trên thành bể nuôi cá cảnh trước nhà. Không biết những chú cá con tưởng là ông chủ cho ăn hay muốn nghe ông chủ giới thiệu vẻ đẹp các cây mai, trắc bá, hoa quỳnh trên thành bể, bỗng nổi lên thi nhau biểu diễn những bộ cánh đủ màu. Chúng là vật trang trí mà cũng là thứ hàng kinh doanh của anh Trữ. Anh tận dụng từng khoảng không gian nhỏ và vẫn tạo được nét đẹp cho cuộc sống.

Lúc này, tôi như đã quên mục đích "học kinh nghiệm", quên bầy cá trê phi. Trước mắt tôi, chỉ còn đọng lại hình ảnh một con người thân hình gầy nhỏ, đôi mắt sâu sáng rực, chẳng bao giờ chịu bó mình vì hoàn cảnh khó khăn, không ngừng vượt lên trong cuộc sống bề bộn còn nhiều vất vả hôm nay.

Chiều, trở về nhà, vợ chồng tôi chung sức đánh bật gốc một cây táo mọc hoang gần như "vô sinh" và đào một hố sâu để trồng mầm sắn dây giống Ấn Độ anh Đáp cho hồi sáng. Vậy là một thứ giống mới, cũng là một nhân tố mới đã được nhân ra. Cũng như đàn cá giống từ nhà anh Trữ đang tỏa rộng khắp thành phố.

Trời đã dịu mát. Tôi vươn vai hít thở bầu không khí trong lành và tưởng như trong đó có hương hoa thiên lý và mùi mít chín từ vườn cây của anh Đáp lan tỏa xuống đây.

8.5.1991
T.S.
(TCSH47/01&2-1992

 

 

Các bài mới
Lập công (24/07/2023)
Hoa ở Huế (23/06/2023)
Các bài đã đăng
Chùm tản văn (18/02/2020)
Sử thi buồn (21/08/2019)
Ký ức về nội (18/12/2018)