LÊ THỊ MÂY
Bút ký
Thật khó lòng quên anh, người bạn cùng đi chuyến tàu Thống Nhất từ Hà Nội vào Sài Gòn.
Anh tranh cãi, áp chế, gieo những nhận định tiên quyết về các tồn đọng xã hội, về một trung tâm trong cục diện miền Trung, sự hiểu biết tôi chưa ôm xuể. Hẳn nhiên, phút đầu làm quen, tôi không lường hết những gì sắp đốt cháy mình.
Tàu vào Thanh, cách cầu Hàm Rồng vài ga xép nữa, anh điểm giọng địa lý.
- Sông Mã hợp sức với sông Lam mới sinh ra được một đồng bằng Thanh Nghệ. Vào nữa, có đồng bằng Bình Trị Thiên, Nam Ngãi, Phú Khánh...
Tôi buột hỏi cắt ngang.
- Anh nhớ hết các sông miền Trung không?
- Có hai cách nhớ. Nhớ qua bản đồ địa lý. Nhớ bằng lịch sử. Bạch Đằng Giang với chiến thắng Nguyên Mông. Linh Giang, còn gọi sông Gianh với nỗi đau nồi da xáo thịt. Sông Bến Hải với cuộc kháng chiến chống Mỹ...
- Các nhà thơ gọi các con sông bằng cảm hứng trái tim. Sông Hương của Cao Bá Quát là lưỡi kiếm...
- Cao Bá Quát có lý. Cái lý vĩnh hằng chứ không dừng ở cảm hứng.
Anh lắc lắc cái đầu đồ sộ, vuông trán dô đã xuất hiện hai nếp nhăn kéo dọc xuống chân mày.
Tàu dừng ga Thanh. Anh rủ tôi xuống kiếm chút gì ăn lót dạ. Không đói, nhưng tôi lặng lẽ xuống theo. Hàng quán nhếch nhác. Trẻ xách ấm nhôm bán nước ỉ âm rao như đàn dế con lầm lụi bụi than. Tệ quá. Bát cháo gà không bốc nổi mùi hành mỡ, váng ớt. Khói củi tươi đâu đó váng vất, nhợt nhả dưới nền mây đen.
- Anh đợi vào ga Quãng Ngãi ăn cơm gà hết chê.
Không lẽ kể ga Thanh có món đặc sản, giọng nữ phát thanh viên của ga chuẩn đến mức hài vui cho hành khách chống cơn buồn ngủ? Ga Vinh, ngoài cam Vinh có giọng ví dặm độ này đâu lạc phách nhịp, bị nhạc rốc cạnh tranh không chừng lụi tắt trong đám trẻ. Phải khởi thủy điệu ví dặm vốn là món giải sầu của lính ưu binh chốn Thăng Long, Hoa Lư xưa ví gởi lòng về với mẹ già quê kiểng, sau nặng tình trời bể nước non? Vào Huế, có món lăng tẩm chùa chiền không đỡ được cơn đói, nhưng được nhìn sướng thỏa thuê con mắt tham quan. Chơi Huế, dù bụng lép vẫn phải tìm chọn áo thanh lịch cho nhập được thú khảo cứu của các học giả, không dễ bị quê. Xua vẻ thần mặt nghĩ ngợi tìm món đặc sản, anh đành chấp nhận hoàn cảnh, quay hỏi:
- Tùy chị. Hay mời chị, ta dùng tạm phở?
Tôi chợt nhớ có một dịp đi công tác tàu vừa dừng ga Thanh, một người đàn ông chạc ngoài năm mươi, vóc dạc cao lớn, mặt xương, lưỡng quyền cao, ngả mũ cối chìa vào cửa sổ chỗ tôi ngồi, đảo mắt:
- Báo cáo chị. Báo cáo quý khách. Năm nay xã em đói kém mất mùa nặng xin quý khách, quý chị cho em xin chút lòng bố thí. Ơn phước này trời có mắt...
Có người tái mặt nhịn cười. Nhưng cũng có một vài thanh niên nhấn ga, chả chợt.
- Ăn mày mà còn báo cáo báo chồn.
- Trước khi ăn mày làm chủ nhiệm hay đội trưởng?
- Bỏ thói xoa tay báo cáo, lo cày sâu cuốc bẩm khắc ấm no...
Đất này, vào thế kỷ mười lăm, Nguyễn Trãi đã viết Bình Ngô Đại cáo, lấy nhân nghĩa thắng cường bạo. Những thành nhà Mạc, thành nhà Hồ đất Vĩnh Lộc; Lăng Lý Thường Kiệt ở Hà Trung; Năm 248 trang sử dân tộc lẫy lừng có Bà Triệu, tàu vừa đi qua chân núi có lăng mộ Nữ tướng... Vậy xứ Thanh là đất vương, đất tướng. Bình Ngô Đại cáo kêu gọi lòng người, sức người đồng tâm đánh cái tham tàn, cái ác của giặc ngoại xâm. Truyện Kiều của cụ Nguyễn Du cũng một tác phẩm hịch lẫy lừng, kêu gọi con người, lòng người chống cái ác, bài trừ cái tà tâm giữa một triều đại nồi da xáo thịt. Sông Gianh là chỗ đòn gánh đất nước bị cuộc phân tranh Trịnh Nguyễn gây chớm xước, cần gẫy? Và nửa phương Nam, có một lần trong lịch sử lại phải bắt đầu nhập hồn về với đất nước Đại Cồ Việt, từ cheo áo cưới Huyền Trân Công Chúa. Vua Đại Chiêm Chế Mân quyết cưới nàng với món quà lễ dâng trả đất Châu Ô, Châu Lý cho Đại Việt, vừa cũng để thực hiện cầm máu lịch sử của hai quốc gia láng giềng, âu đây cũng là một thần phép giữ thanh bình của Tổ tiên, người xưa...
Chiến tranh, miền Trung là lưng ngựa trận. Đánh Pháp: "Tiêu thổ kháng chiến". Đánh Mỹ: "Xe chưa qua nhà không tiếc". Ngọn gió đen chiến tranh, nuốt băng hết mọi chiều cao kiến trúc của huyện lỵ, phố phường tổ ấm với Quảng Trị sau tám mươi hai ngày đêm cho đến với thị xá Thanh, chỉ còn mỗi Hàm Rồng bất khuất, dìm xuống đáy cầu cả một lũ lĩ ó sắt hạm đội bảy...
Các triều phong kiến xưa, lính Thanh Nghệ, Thuận Hóa sung vào các đạo ưu binh. Triều Nguyễn Huệ, đạo lính này cuốn vào miền trong, vượt Hải Vân, phò theo thớt voi ngôi vua giữa chốn hịch trường trận mạc. Buổi bom đạn, ngực trai tráng đưa làm cảm tử. Giờ còn lưu sót thứ nanh nọc cài bẫy chưa nổ, lòng dũng cảm của cụ già rách rưới, của trẻ côi phải cỡi lên nhằm vô hiệu chúng, biến thành phế liệu tìm sự chèo chống vượt, cơn nguy khó buổi đã giành được thống nhất non sông. Tình cảnh này như bước thụt hố có một không hai mà nhân dân phải chịu được. Từ gặm gỡ đầu bom tút đạn, sang lén lút đào hài cốt Mỹ chỉ trong gang tấc, lại có đồng tiền đưa lối, quỷ đưa đường, hỏi chốn địa ngục nào kẻ tà tâm không gõ cửa, bất chấp luật nước, lương tri nhân loại? Dân lành chưa ngửa mặt lên được vì miếng ăn, mái nhà còn chen lợp tôn rạ, ngọn gió dân chủ phồn vinh có thổi về đến ngõ? Miền Trung là "Ống bương", gió ấy luồng vào hẳn mong manh, hẳn gầy… Nhưng máu đỏ vệ quốc chảy tựa bằng sông, là niềm cốt nhục, từ nơi ống xương cụt của một sống lưng võ tướng - xét về địa lý là về tận miền Phan Thiết kia - hòa thắm huyết tộc Đại Chiêm huyền thoại và hùng cường xưa cho thành một Đại Cồ Việt của thời đại Hồ Chí Minh Thống Nhất và giàu mạnh.
- Trong chiến tranh, anh là bác sĩ quân y?
- Hồi ấy chưa.
Kỳ mới giải phóng, chạy cho được giấy phép về quê Nam không dễ. Đúng hơn, từ nhu cầu bức thiết của nhân dân, bị biến chứng, miền Bắc thành thị trường tiêu thụ hàng hóa, chiến lợi phẩm miền Nam, vốn đủ mốt tư bản, khó lòng từ chối. Và những năm đầu tám mươi cái bộ mặt không ỡm ờ của thành phần kinh tế buôn thúng bán mẹt đã tấn công, "làm chủ" thị trường xã hội chủ nghĩa, biến các toa tàu, bất kể tàu chợ hay tàu Thống Nhất thành những khoang chợ trời bất hảo, chạy suốt... như một thứ khoang đệm cho bước đầu tìm cách tháo gỡ kinh tế bao cấp Nhà nước, sang hạch toán kinh doanh toàn dân đầy triển vọng của thập kỷ sau?
Gương mặt mỗi người chìm sâu trong nỗi ưu tư, cô độc. Nhịp tàu xình xịch lắc đẩy. Gió lùa qua cửa sổ hùn hụt, dạt rối mái tóc dày của tôi sang anh. Tôi giật mình búi cao mớ tóc, rồi lại lúng túng thả sang bờ vai trái. Mãi đến khi về đến gần ga cuối, tôi mới biết anh là bác sĩ khoa tâm thần. Tàu đến ga Vinh, trời rắc mưa. Hành khách trào xuống ga nháo nhác tìm hàng quán. Tàu lại tiếp hú còi, trườn mình theo cơn mưa bóng mây. Tôi và anh thong thả nhấp chén trà đặc, vừa chắp nối câu chuyện như đã bén duyên "miền Trung"...
Chất người miền Trung quánh đọng, khó tàn lụi, khó hòa nhập đến mức cay nghiệt. Và lại hàm chứa những tâm thức huyền thoại. Phần do núi sông kỳ vĩ hun đúc, phần do chiến tranh triền miên đào luyện. Sông biển miền Trung hiếm khi chói rực phù sa. Nỗi xanh vắt của đáy sâu như thể hồn người ẩn chứa nhiều núi non khúc khuỷu nhiều ba đào bể dâu!
Hình như tâm nôi trí tuệ của dân tộc đã cuốn chiếu từ Thăng Long vào đất thần Kinh? Trong tương lai, phải sẽ đồng bằng sông Cửu Long, điểm xoáy gút chính thành phố mang tên Bác Hồ kính yêu? Có thật đấy là một tâm nôi tráng kiện về trí tuệ hay chỉ khả năng thực hành, thực nghiệm? Với những dữ kiện ấy gương mặt, thể chất danh nhân hào kiệt mai sau, không phải kiểu danh nho Văn Miếu, không phải kiểu danh tướng trung thần Miền Trung…? Dòng suy luận bị tắc, hụt đầy lo âu, làm tôi lé mắt nhìn anh bất bình. Hình như giọng lưỡi anh ta sắc lẻm hệt lưỡi kiếm đen? Tôi rắn giọng đáo để hỏi.
- Sao anh ví Huế là cái xoáy rốn quyến rũ?
- Xin lỗi chị. Một xoáy rốn trên thân thể đất nước Mẹ Âu Cơ.
Tôi nghiêm nét mặt không cười. Anh nói tiếp.
- Tôi lo tới chứng bệnh bội thực, sau nửa thập kỷ tám mươi mà Huế khó lòng phòng ngừa, có thể vừa do bị ức chế thần kinh, phần do nhận cùng một lúc chứng thực dụng mới của Sài Gòn và chứng kinh viện bao cấp của Hà Nội... Có thể Nha Trang, Đà Nẵng, Hải Phòng là những vùng địa lý mở.
Anh xốc cổ áo che cái gáy ngắn, khỏe với một món tóc ở ót rất đẹp. Anh có chiếc cằm hàm trâu kiên nghị, nét sống mũi thẳng, rãnh nhân trung sâu gợi nỗi ấm áp phúc lộc.
- Sau bảy lăm, do sự quyến rũ hút nhau giữa Hà Nội-Sài Gòn, khúc ruột miền Trung giằng dặc gần như bị bỏ rơi, không hình thành nổi một trung tâm mạnh, xứng đáng tạo sự cân bằng uyển chuyển thống nhất từ Bắc về Nam như thời đại đang bức thiết đòi hỏi, Huế đã hết vai trò chưa? Phải biết tìm những dữ kiện tàng ẩn trong thân phận mỗi con người, với những dấu ấn địa lý trên những cung bậc thăng hoa lịch sử dân tộc.
Những gì anh lấy ra, rành rọt, cứ như những hòn bi đang lăn, sẽ lăn xuống cái chỗ lõm của ý thức mà anh đã chuẩn bị như thể trò chơi khoét lỗ đáo tình cờ. Hết thảy các kinh đô cổ kim thế giới, luôn biết mình ơn nợ những quê kiểng, những miền văn vật đã dưỡng sinh anh tài tuấn kiệt cho dân tộc. Kể từ triều Nguyễn Huệ đến Triều Nguyễn, Huế hút về mình: những Ngô Thì Nhậm. Ngô Văn Sở. Lê Quý Đôn. Phan Huy Chú. Nguyễn Du. Bà Huyện Thanh Quan. Phan Đình Phùng. Phan Thanh Giản. Huỳnh Thúc Kháng. Nguyễn Thượng Hiền. Tôn Thất Thuyết. Thái Phiên... Thời cận đại, trường Quốc Học lưu danh thăng hoa bởi tên tuổi của Chủ Tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp... Hẳn còn chưa đủ, nếu quên những nghệ nhân mai danh ẩn tích xây lăng tẩm chùa chiền...
Kết thúc mạch hùng biện, anh vỗ trán cả cười.
- Hào kiệt như phù sa. Hắt đổ lấy đâu lắng lại? Gạn đục khơi trong đâu phải công việc của một đôi thế hệ, chứ kể chi đến hành vi của nhóm người manh gian...
Đất Thần kinh thời thái bình là tấm yên cương cho lưng ngựa ở miền Trung. Những nước kiệu của đời sống tư tưởng xã hội luôn luôn phải là những nước kiệu hay, lại gần với sự bất kham? Bỏ rơi miền Trung, vết rạn lịch sử khó lành lại dễ gây buốt nhức sâu tận trong tiềm thức mỗi con người chứ không thể xem thường...
Tàu dừng ga bưởi Phúc Trạch. Tôi mua liền hai trái, lần vỏ mỏng láng vàng cái nắng miền sơn cước. Trái bưởi chua ngon hết ý. Càng tách thêm múi nào càng thèm thèm như đàn bà chửa. Còn trái bưởi ngọt dâng tặng một nỗi thanh tao riêng, đến điệu cười của đàn ông lỗ mãng cũng phải dịu giọng, gật gù khen. Chị con gái thèm chua nào nghĩ ra món bưởi chấm muối ớt, hẳn tính tình nồng khởi du dương. Đang khi anh nhường tôi tép bưởi chua cuối cùng, có đôi vợ chồng mù đến rề giọng đàn, chìa chiếc ô gỗ sứt miệng xin bố thí. Nghe đâu, họ là hai kẻ tứ cố vô thân được sung vào đội quân kinh tế mới, lấy nhau không có đám cưới, nhưng có tuần trăng mật, dọc đường anh chồng dắt vợ tìm về quê cũ, gần Dốc Miếu. Họ trù tính, khai khẩn chỗ đất đã được du kích rà gỡ bom mìn, lập vài mẫu vườn sinh sống. Một túp lều tranh - hai trái tim vàng - vừa được cất lên còn nức mùi tre rạ, bất đồ một tiếng nổ rình chờ họ, khi họ bổ nhát cuốc đầu tiên lấn vườn ra ngọn đồi Mỹ đã từng giăng hàng rào chiến lược Mác Namara. Lưỡi hái hậu chiến hủy hoại, che mù đôi mắt người chồng, bứt cụt đôi cánh tay ôm ấp tình chồng vợ của người đàn bà đang rạo rực tuổi thanh xuân...
- Ban chiều, anh để ý nghe chuyện họ không?
Anh chưa kịp trả lời, tàu vụt lao sầm vào bóng tối. Hóa ra, tàu đã rời ga bưởi từ lâu. Hình như đâu có dừng một lúc ở ga xép dưới chân dãy Hoành Sơn đổi đầu máy, tăng sức vượt đèo Mông Gà huyện Tuyên, Quảng Bình. Đi qua miền Sơn cước với những tên ga Tân Ấp, Kim Lũ, Đồng Lê, Ngọc Lâm, Ngân Sơn... tưởng ráng trời còn rựng đỏ hào khí thuở Văn thân, thuở kháng chiến chống Pháp. Thuở mở đường mười hai A chống Mỹ. Tàu phải chui qua mấy con hầm? Mỗi chặng hầm dài ngắn thoắt sà rồi thoắt biến như những cánh dơi, gây hoảng loạn cho những ai vốn yếu vía. Từ trong bóng tối vụt lao ra vừng trời sáng rạng lâng lâng. Đang trong rạng rỡ nắng vàng, vụt đâu lao vào bóng tối. Đích đến là Bình Triệu Sài Gòn, là ga về tổ ấm hạnh phúc. Dẫu biết thế, nhưng cảm giác lao vào bóng tối thật khủng khiếp. Tôi nín thở đến đắng miệng khi tàu qua chặng đường hầm dài dặc âm u. Đâu nhìn thấy mặt anh? Tôi né người ngồi cứng đơ, trải một giây khắc vô cảm để chợt tràn lên một nỗi xao xuyến, mà ý thức khó ứng chiến ngay một khả năng kiểm soát để giấu mình...
Ngọn triều nhập tỉnh xây dựng cấp huyện thành những pháo đài sau bảy lăm, biến bao thị xã tỉnh lị bị lép duyên? Cảnh lấy chồng chung kiểu Bình Trị Thiên chọn Huế làm tỉnh lị, có mượn giọng thơ Hồ Xuân Hương cũng chưa thể tắt được lửa lòng của những Quảng Trị, Đồng Hới, và nào những Quảng Ngãi, Tuy Hòa... là cả một nỗi niềm nhân tình thế sự đầy trắc ẩn, truân chuyên. Lại nữa, cái nỗi "thảo mộc bất ngôn nhân" đáng sợ đâu kém? Dân kinh tế mới cũng là một thứ cây đời bị bứng khỏi đất quê hương trong bầu bảo hiểm sáu tháng gạo, không phải cây nào cũng bén được rễ một cách khôn ngoan có phù phép.
- Anh cho đó là những luồng di cư lầm lạc?
Mãi khi tàu về ga Ngân Sơn câu chuyện của tôi với anh mới tiếp tục bén giọng, rầm rì gợi tò mò cho một vài hành khách góp lời.
Tấm lưng ngựa chiến miền Trung vết thương sâu lắm. Mồ hôi phá rừng khai hoang lập vùng kinh tế mới, kể chảy cũng bằng sông. Tổ tiên Lạc Việt có một thiên sử huyền thoại, định hướng việc mở mang bờ cõi. Vua Lạc Long Quân dẫn năm mươi con trai xuống biển, lẽ nào giờ nghịch hướng lên rừng phá phách ngôi nhà cổ truyền của Mẹ Âu Cơ? Chiến lược phân bố dân cư thực hiện quan liêu, tất dẫn đến kết cục điêu đứng, đớn đau cho người dân. Khi tàu lao sầm vào bóng tối, dẫu biết tàu không húc sầm, tan mình trong núi lạnh, nhưng kẻ hùm beo còn thấy bất an nữa là. Những chính sách kinh tế quốc doanh sở hữu tập thể nèo xích lẫn nhau, tạo những lượn gẫy oan trái, chết người vào lúc bất ngờ nhất, trước những chon von của các đỉnh cao mà con người muốn vươn tới.
- Tôi còn nhớ. Bảy hai Phi-Đen đến Việt Nam và đã biết thế nào là tấm lưng ngựa trận miền Trung. Những dấu chân của ông ngoái tìm còn phải giật mình.
- Ối Ối... đấy là chuyện...
Để trấn an tôi đấy là ước mơ chính đáng của lòng dân, anh mời tôi ăn nốt chùm nhãn Hưng Yên. Niềm trẩy quả bốn mùa suốt từ Bắc về Nam là sự dâng tặng vô giá của non sông Thống Nhất. Sầu riêng. Nhãn lồng. Xoài. Vải thiều. Chôm chôm. Măng cụt. Bơ. Mít tố nữ. Gấc cho xôi vò. Chè búp mạn Bắc Thái. Hạt sen Huế. Cà phê Ban Mê Thuột...
Thuở tướng Gióng dẹp xong giặc Ân, Gióng về trời là thực hiện một hành động tiên tri.
Tôi đùa anh, nhại điệu văn chương.
- Phải anh còn dự tính, nếu được làm quan lớn, một năm anh về Huế hai lần? Một lần vào mùa hè hưởng thú tắm biển Thuận An? Một lần vào mùa mưa, xót xa nhìn khế rụng hoa dầm dề, xát chua đắng vào lòng người lữ thứ...?
Anh im lặng tỏ không cố chấp, tỳ cùi tay vào thành toa tàu phóng tầm mắt quan sát cảnh vật. Các ga lẻ trôi qua chập chờn. Những gánh hàng rong chào mời lung linh ánh đèn thức ngủ. Thập kỷ tám mươi lùi sâu về đằng sau, tưởng là lúc trái tim đặt nhầm chỗ trong những mục tiêu kinh tế đầy ắp những khả năng thể nghiệm và liều mạng sống một còn với miếng cơm manh áo...
Thuở bà Huyện Thanh Quan vào đất Thần kinh làm giáo học cho các bà chúa triều Nguyễn đã một lần vượt Hải Vân chưa? Một đầu võng Đèo Ngang mãi du dương thần bí trong hồn thơ của bà.
"Bước tới Đèo Ngang bóng xế tà
Cỏ cây chen lá đá chen hoa
Lom khom dưới núi tiều vài chú
Lác đác bên sông rợ mấy nhà"
Còn đầu võng trời nam? Trong mười ga chính của tuyến đường sắt quốc gia miền Trung chiếm những sáu, trên dưới một nghìn năm trăm cây số đường ray. Ga Vinh. Đồng Hới. Ga Huế. Đà Nẵng. Nha Trang. Diêu Trì. Ga Mường Mán. Bên đèo Bắc Hải Vân, cách Đà Nẵng sáu mươi cây số hướng tây nam là cố đô Trà Kiệu của vương quốc Chăm Pa; cách ba mươi cây số hướng đông là đô thị cổ Hội An với cửa Đại của hơn mười thế kỷ trước là một cảng quốc tế Đại Chiêm lừng danh. Và cũng không kém phần sửng sốt, đấy là Đồng Dưỡng chốn kinh đô Phật giáo với những tháp Bằng An, Chiên Đàn, Khương Mỹ trong tầng dày các hiện vật cổ có niên đại sáng tạo từ những thế kỷ thứ bảy đến mười lăm. Còn thánh địa cổ xưa nhất của người Chăm Pa lại ẩn mình nơi những ngọn đồi bát úp của Sơn Mỹ, một miền quê mà xâm lược Mỹ đã gây vụ thảm sát đẫm máu...
Đèo Ngang, trong phát hiện của nhà thơ Phạm Tiến Duật: "Con đèo chạy dọc". Còn Hải Vân? Với nửa ngực mình cả Sơn Trà lịch sử đặt lên vai ngọn đèo nửa sương mù nửa nắng rỡ này là các cổ kinh đô, thời gian đã phủ lên đấy tấm khăn voan phai ố những bụi bậm lịch sử, mà các nhà sử học phải đầu tư nhiều công phu trí tuệ trong các công trình nghiên cứu của mình. Dầu vậy, tiếng đập đuôi vang bóng một thuở ân sủng ơn vua lộc chúa vẫn đang gây được những dư âm quyến rũ du khách muôn phương trong cái thế mạnh du lịch hiện đại.
Tôi sững sờ đếm, đoàn tàu những mười ba toa, hệt con rắn nhựa mình xanh lẫn vào sườn non, ngời lóa bình minh và sương bạc. Biển. Lác đác thuyền câu. Những dòng hải lưu chuyển sắc phù sa đậm nhạt. Dưới chân ghềnh, sóng sâu ì oạp bạc đầu. Những thung lũng chuối của người bịnh phong, ẩn hiện mái nhà cô liêu, nỗi lòng u tịch. Chim ăn mồi lạc bầy. Mây mù đèo bắc chợt nhòe loãng. Nửa đèo nam vụt linh ảo ngọn nắng của loài hoa chạc chìu, hoa sim, hoa mua đứng chen chân nơi đèo hiểm. Con tàu bò chậm xuống sườn non, tượng đài Mẹ Nhu sừng sững lên cao. Thoáng chốc đâu, tầm mắt như bị lao hút về chốn Non Nước, bởi phải cố tránh cái cảm giác hãi hùng kinh ngạc khi nhận ra thành phố trắng - nghĩa địa của vùng ven Đà Nẵng trong nhịp tàu rần rần qua cầu Năm Ô.
Tôi sực nhớ có anh sau mấy ga liền đu mình trong cánh võng địa lý Bình Trị Thiên, gậm nhấm chút tình yêu cũ mèm của mình.
- Chị đã thả rơi tôi xuống vực đèo rồi đấy. Có điều, những đốm sương khói trong mắt chị như một thứ ma lực...
Anh tuyệt vọng nói rồi phá cười. Tiếng cười lay thức những kẻ vùi mình trong cơ mê tiền bạc. Đêm qua, họ thức khuya, xúm đen xúm đỏ vào một chiếu bạc tốc hành, có kẻ vớ bở vận hên, hẹn tự khao mình mở vòi bia tắm chơi, không sá gì ga lẻ hay ga chính...
Huế. Đà Nẵng. Quảng Ngãi. Tuy Hòa. Nha Trang. Phan Rang. Phan Thiết... sau bảy lăm hầu như còn giữ nguyên vẹn, khác với các thị xã tỉnh lị từ Quảng Trị trở ra Bắc Trung Bộ. Bom đạn xóa mặt bằng kiến trúc chỉ vài ba thập kỷ có thể tạm thời lấy ngay lại được chiều cao, vượt cả tầm vóc phố nhà lá hôm qua như Thanh Hóa, Vinh nhưng sự xóa vết của kỹ năng lao động có năng suất, dù là sản xuất nông nghiệp tiểu nông, do phải trường kỳ kháng chiến cầm súng chống ngoại xâm, trong thời đại hậu văn minh công nghiệp của thế giới, giá này ghê khiếp quá. Đó là một giá chất xám, chứ không phải giá bê tông cốt thép. Những năm tám lăm nền công nghiệp bao cấp của Đà Nẵng dẫn đầu sự phá rào đổi mới, mở ra một thế đột khẩu tràn lan không ít hiện tượng manh động hàng giả đâu kém phần giảo hoạt tinh vi. Sự phá rào ấy, đằng sau, có hậu thuẫn của cảng quốc gia Đà Nẵng. Nhưng đồng thời, còn một tiềm ẩn khác đấy là cốt lõi sự thừa kế dây chuyền công nghệ, dù chỉ mới dây chuyền công nghệ thủ công, hàng tiêu dùng thị dân, được ra đời từ chủ nghĩa tư bản, mà nửa miền Nam trước giải phóng đã tiếp cận và du nhập như một quy luật lịch sử tất yếu. Thợ lành nghề đã thành một lực lượng sản xuất? Riêng với người nông dân, tự thân đã nảy sinh nhiều yếu tố công nhân nông nghiệp, kiểu nông dân Anh trước cách mạng tư sản thế kỷ mười bảy. Bình Trị Thiên cạnh Đà Nẵng, ngay sau giải phóng đã lâm vào thế chia hồi môn trong các khả năng "trung tâm" truyền thống. Từ học đường cho đến du lịch. Và ngay cả bề dày lịch sử, bên nào đèo Hải Vân cũng có thể vỗ cánh với những kinh tế hiển hách. Cơ hội Huế là trung tâm, phải đã tuột khỏi tầm tay, như người đánh rơi của quý, do không biết giữ hay đã không hết mình cho một lần lựa chọn...?
- Chị có nhận thấy dân Quảng và dân Nghệ có những đồng điệu không?
- Đồng điệu trên phương diện nào?
- Trên tính cách miền Trung. Trong kháng chiến chống Pháp. Quảng Ngãi và Nghệ An đã từng làm lễ kết nghĩa. Nam Đàn, đất tụ mạch rồng sinh Lãnh tụ. Sơn Tịnh lại sinh những chín vị tướng cỡ thượng tướng, hai vai trĩu nặng công trạng. Năm ba mươi có Xô Viết Nghệ Tĩnh. Năm sáu mốt có đồng khởi Quảng Ngãi...
- Vậy giữa Nha Trang và xứ Thanh thì sao? Phan Thiết cùng tương đồng địa lý với mạch sông núi nào?
- Phải tìm. Chị đừng vặn vẹo. Cái vùng eo miền Trung, tuy là eo bụng nhưng là vùng xoáy của những tụ điểm thần kinh cảm hứng về cái sướng và cái khốn khổ thần tình, đầy ắp những dữ kiện tiên tri trong vận mệnh đất nước...
Tôi có cảm giác mình không theo kịp anh trước những lập luận, kiến giải giằng néo của những mâu thuẫn, như một thứ mê cung tôi khó lòng làm chủ, tìm được lối ra. Ấy nhưng - hay anh chính là một đối tượng tôi cần khám phá, như khám phá dò tìm chính bản thân mình với những ngõ ngách vô thức không hình hài nhưng ẩn chứa những đột biến của trí tuệ, của niềm tin...?
Tuyến đường xe lửa quốc gia không có rẽ lên Tây Nguyên là một thiệt thòi vô phương khắc phục? Các ngọn đèo lên đấy hiểm trở hơn cả Hải Vân ư? Gia Lai. Công Tum. Đắc Lắc. Đỉnh Ngọc Linh của anh hùng Núp. Thị xã Ban Mê Thuột từng đột mở cánh cửa tự do trong tổng tấn công bảy lăm. Hồ Than Thở của gương mặt tình ái. Thác Cam Li với những thông số thời đại chóng mặt của tuổi trẻ và du khách. Vị đắng cà phê cho đời sống thị dân. Lễ hội đâm trâu. Tiếng đàn tơrưng. Khố váy. Kiêng bạc. Rượu cần. Chóp nhà rông. Tượng nhà mồ. Những giò địa lan sương mù Đà Lạt...
Tàu đi xuyên vào Nam. Tôi đã qua cảm giác quay lưng, xa lạ với anh và lại tìm cách gợi chuyện theo nhịp cồng chiêng mà anh lay thức, bắt đầu từ một câu hỏi:
- Chị cũng đã lên Đà Lạt, gởi lại nhiều kỷ niệm trên ấy chứ? An Khê, con đèo của nhánh đường mười chín sao? Hay nhầm... Mỗi lần đi qua con đèo ấy, ai còn kịp nhớ về quá khứ với tiếng bom của anh hùng Ngô Mây? Nhánh đường hai mốt vượt qua những con đèo nào? Đa Nhim! Chon von trên đầu thác là bình nguyên Đà Lạt hệt vườn nhà trời, chứ cõi tục rơi trủng dưới chân đèo kia kìa... Tôi bất đồ đổi chỗ ngồi, liếc thấy bạn đồng hành buồn rũ, ánh nhìn đeo đuổi một ý tưởng nào đó, lặn sâu vào bên trong những tia sáng nội tâm. Tấm mía mua từ ga Nam Định còn tươi láng. Ăn một mình không dám mời anh, bã thời gian ném rụt rè qua cửa sổ. Khốn khổ thôi. Từ bao giờ nẩy mầm trong tôi cái nhu cầu được trò chuyện với riêng anh? Để bứt ý nghĩ ra khỏi anh, tôi lặng cày xới miền ký ức cao nguyên. Trong đất nước liền Bắc, liền Nam, Tây Nguyên là vùng hông phì nhiêu của Mẹ Âu Cơ. Người nách bế, chịu đựng những sức nặng lịch sử trong mọi cơn chuyển dạ, nhận lãnh các thua thiệt, có khi phải trải qua cả vài thập kỷ, chứ không ngày một ngày hai như dưới xuôi.
Tết năm Hợi, tôi lên Buôn Hồ, đốt lửa trại đón giao thừa cùng bà con thê tử dân kinh tế mới của hai đơn vị Huế và Phú Lộc. Diệu kỳ, màu đất thắm mịn, nâu chín hệt bột cà phê hảo hạng, nhưng ẩm ướt gợi nỗi phì nhiêu hoang dại. Thời ấy các ổ phun-rô ẩn náu đâu đó như những ổ rắn cạp nong, đợi đêm tối rình bò về các buôn làng, các cua đường hiểm hoành hành dân lương thiện và quậy phá chính quyền cách mạng. Chiếc xe jép của ông trưởng ban kinh tế mới tỉnh Đắc Lắc, bị một viên đạn bắn tỉa xuyên rạn. Hẳn nhiên, khi được đi cùng đoàn, mang quà Tết đến bà con kinh tế nằm sâu trong những hẻm núi thâm u, làm sao tôi không rợn gáy, biết mình có thể bất chợt đối đầu với lũ cạp nong ấy. Tuy bên cạnh nỗi sợ lũ rắn, một nỗi đau khác ám ảnh, đeo đẳng và hệt như còn nguyên cho đến giờ. Đấy là cảnh tượng những cánh rừng quý, đặc biệt giống cẩm lai, với mạch nhựa đỏ rọi như máu người ngã đạn, kinh hoàng làm sao. Phải đâu gỗ kia là đạo quân người khổng lồ không vũ khí trước chiến lược lập các khu vùng kinh tế mới, tấn công vào họ, không bằng lòng căm thù, mà bằng sự mù quáng... Tôi nhớ như in gương mặt của một chủ thầu gỗ trái phép nhìn ngọn lửa đốt rừng với một nỗi đau tiếc quằn quại. Trời ơi, những gã khổng lồ Cẩm Lai, Trắc, Gụ... có vòng bụng ôm những vài ba sải tay, bao giờ khô được dằn vỏ đã trường thọ đến cả trăm tuổi rừng, chứ nói gì đến thớ lõi của đời cây, đời người mà có thể đốt lấy cho thành tro tàn, đặng có mặt bằng chia ô lập làng mới? Cái khó bó cái khôn. Vậy mỗi gia đình sau khi chỉ đủ sức đốt sơ sịa cái vòm ngọn cổ thụ thì phải tự tổ chức như những gia đình gấu, ẩn mình tựa lưng vào những thanh gỗ lem luốc, khổng lồ kia, lấy vòm ngực cây chết mà làm vòm nhà vậy.
Sau năm năm, sau mười năm, thậm chí cho đến giờ, dài cả một đời Kiều chìm nổi, những vùng kinh tế mới da báo đã bước đầu đem lại những vụ thu hoạch cà phê, cao su... tạo một sản lượng quốc gia đáng kính, nhưng sao tôi càng khó thoát nỗi ám ảnh "thảo mộc bất ngôn nhân" mà người bạn đường đã đúc kết lẫy ra như một mũi tên có tẩm thuốc độc.
Sau đó, tôi còn trở lại Tây Nguyên nhiều lần. Nhưng nhớ nhất là lần được về bản anh hùng Núp. Anh tiếp rượu cần và mời nhảy trong ánh lửa ngây nồng mùi quả dại đinh-no, miệng anh không giây rời cái ống tip nhồi ụ thuốc. Dạo ấy, đâu có như anh hùng Núp nói, đại ý, một cây rừng là một gã người khổng lồ. Hay có thể đã do tôi gợi ý hỏi như vậy, và anh hùng Núp đã gật đầu đồng ý, gọi cây rừng quý là đồng bào khổng lồ của mình. Bởi trong quan niệm của anh hùng Núp, những đồng bào khổng lồ ấy, cũng đã tham gia kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ tài giỏi oanh liệt, sao không mừng đất nước Thống nhất thì bị đốn ngã, nhường hết núi rừng cho loài giây leo cho các giống cây thấp lùn không đủ cường sức để dưỡng sinh nguồn mạch cho Adun Apha.
Ngôi nhà của Mẹ Âu Cơ đã bị giật mái, châm lửa đốt từ lẽ ấy chăng? Nỗi bi quan như một thớ kẹo cao su, anh đã nồng nhiệt mời, nhưng tôi vốn nể lòng không từ chối ngay từ đầu, nên giờ càng nhai, càng thấy bị chợm lợm, như chính nước bọt mình sản sinh ra nó.
- Kỷ niệm là một thứ báu vật, tôi không mong chị tâm sự. Dân mình rất lỳ gan trong việc mang cõng kỷ niệm. Và lấy kỷ niệm, sự trung thành với kỷ niệm làm thước đo phẩm hạnh. Tôi cũng đã lên Đà Lạt. Mỗi kỷ niệm như một giò địa lan. Vậy chị có đồng ý để cho xã hội kinh doanh chúng không?
Suốt chặng đường dài, chưa bao giờ tôi cảm thấy xa lạ, ghê hãi anh ta như lúc này. Sự tiếp cận Tây Nguyên của tôi và anh lệch pha, có thể bắt đầu từ kỷ niệm của mỗi người...
Sau đó trong câm lặng, tôi bắt đầu hướng về anh, như thể tôi vừa buộc mình tự phủ nhận, thầm ước một điều gì đó đã mơ hồ được nhen lên. Vừng trăng cuối tháng treo chênh chếch bên cửa sổ như một khóe cười, làm tôi ngại anh có thể nhận biết làn sóng biểu cảm trong khoảnh khắc ngắn ngủi phát nhẹ lên hai má tôi bỗng ửng chín, mong được che dấu, vừa lúc mắt nhìn chúng tôi gặp nhau trong ảo ảnh của ánh trăng, từ đâu đó vọng theo một tiếng gà gáy ấm áp, chìm lẫn trong hồi còi tàu róng riết vào ga. Anh xuống ga nào trong sáu ga miền Trung, hay vô tận Bình Triệu? Không hiểu sao trống ngực tôi đập thúc lên, nuối tiếc như vừa chạm được tới gì đó, hệt chạm phải một búng sương mù ngời ngời ánh trăng của hồn mình. Hình như có cả mùi nho tươi trong gió thoảng? Đất Phan Thiết là đất bông, đất nho. Búng sương mù của linh cảm chia li làm rơi vào lòng tay tôi một lưỡi dao sắc, chỉ cầm gập ngón một chút, là có thể nhận biết hay tự thú, tôi đã hoàn toàn bị anh chinh phục. Tôi sực nhớ ra, cái thế tội nghiệp của tôi, luôn luôn muốn phản bác lại anh, nhưng đã bất lực và lại càng bị hút dính vào trí tuệ anh.
- Cái bản chất phân thân phức tạp, tàng ẩn trong con người miền Trung, gặp khi thịnh triều sẽ đào luyện nên những danh tướng kiệt xuất, những lực lượng lính trận vô song, làm vẻ vang trang sử dân tộc. Nhưng gặp khi suy loạn...
- Anh bị bệnh tưởng, cuồng trí - Tôi đanh giọng.
- Luồng chim lạc học giả phương bắc kéo ùn về Huế, đặc biệt vào Sài Gòn, là một biến động trầm. Huế là chỗ đất lành chim đậu, sao ngờ có khi cây rung chăng? Nhưng với Sài Gòn, luồng chim lạc ấy sẽ bùng nổ, sẽ mở ra những chân trời mới. Là một tảng ngực khỏe của nền kinh tế quốc dân...
Giọng anh nhọn lại dày những ẩn ý khó hiểu. Mà có lẽ do tôi cố tình không muốn hiểu anh, không chấp nhận bệnh án kiểu tâm thần học của anh. Do vậy, tôi lại bị nỗi im lặng hun hút giữa hai người ám thị đè trĩu xuống, rồi xáo lên trong tôi ý muốn níu giữ tốc độ hăm hở vào ga của con tàu, nhưng bất lực. Không còn cơ hội làm lành? Tôi cắn nhẹ làn môi, vừa đứng lên, nâng hết chiều cao cửa sổ lên như một động tác thừa. Bất ngờ, trước mũi toa tàu, chợp chờn hàng chục ngọn đèn chai, làm chủ tín hiệu cưỡng bức lái tàu phanh sững tàu lại. Chỉ trong khoảnh khắc, hành khách trên mọi toa bị đánh thức, vùng dậy nhớn nháo. Hàng trăm tải hàng tức huỳnh huỵch đẩy xốc qua cửa sổ trong những tiếng kêu ré, gào đấm, giành giật. May sao, toa giường nằm của tôi, không xảy ra cảnh hổ mang ấy, bởi ngay bởi từ ga Hà Nội, một bà bự đã chiếm sạp chợ trời đậu bằng một món hàng cao cấp, không xuống ga Huế mà vào tít tận Sài Gòn kia. Bà bự được cô nhân viên phụ trách toa xếp cho sử dụng giường trống số mười một bằng chiếc vé bổ sung, có lót tay, nên thỉnh thoảng họ giành cho nhau những câu trò chuyện ỡm ờ, nửa âu yếm tình chị em. Do vậy, trong khi các toa khác hớt hãi ném hàng, thì toa của tôi lại xuất hiện những nốt luyến láy gù ngái ngủ. Vẫn giọng rong ca của đôi vợ chồng mù nọ. Chị vợ đã tét lọn tóc ngắn cũn thành hai bím, lại còn thắt nơ bằng một mẫu vải hoa. Lúc chiều, tôi đã biếu họ, đặt vào chiếc tô gỗ mẻ đen láng mồ hôi hết thảy cho tiền lẻ ăn quà, với nỗi lòng muốn chia sẻ. Hay đúng hơn, tôi thực sự mến mộ và cảm phục cái hồn trong giọng hát lạc phách nhịp tùy hứng của chị, nhưng lại gợi được nỗi truân chuyên nồng thắm của người vợ không còn nguyên đủ vòng tay để ôm cầm tiết hạnh và dâng tặng hạnh phúc cho chồng.
Khi rời mắt khỏi đôi vợ chồng rong ca, tôi giật mình nhớn cổ nháo nhác. Anh đâu nhỉ? Anh lẫn vào đâu? Hình như hành lý của anh...? Dòng người xuống ga lỉnh kỉnh trào qua làm tôi chóng mặt. Phải lâu lắm, tôi mới đủ bình tĩnh nhận biết anh đã cố tình tránh lời chia biệt. Với vẻ mặt thảng thốt, tôi nhoài người ra khỏi cửa sổ toa tàu, muốn gào to lên một điều gì đó, mong anh nhận ra giọng tôi bằng một sức mạnh của giác quan thứ sáu, mà quay lại. Nếu điều kỳ diệu ấy xảy ra, liệu tôi có rụt rè mong được úp mặt vào vai anh lặng lẽ khóc…?
Lẽ nào có một tình yêu ngắn ngủi nhưng dữ dội đến nhường kia đã xảy ra trong tâm hồn đậm đặc thể chất miền Trung của tôi...
Một mùa đông kéo dài cuối thập kỷ tám mươi.
L.T.M
(TCSH48/03&4-1992)