Bút ký - Tản văn
Về thăm Quảng Thái
14:28 | 04/12/2020

NGUYỄN QUANG HÀ

                        Bút ký

Về thăm Quảng Thái
“Chiều Quảng Thái” - Ảnh Trường Giang

Quảng Thái là một xã nằm bên bờ phá Tam Giang thuộc huyện Quảng Điền. Mỗi lần nhắc tới Quảng Thái là tôi lại nhớ ngay lần đầu tiên về Quảng Thái vào năm 1970. Giao liên dẫn tôi từ làng Đồng Lâm về muộn nên không phải nằm chờ bên ngoài bờ rào ấp chiến lược mà vào ngay nhà mẹ Tư thôn Trằm ngang. Nhóm du kích đang đợi mẹ cho cơm ăn sáng để ra hầm bí mật. Bữa cơm gạo thì ít sắn độn thì nhiều.

Mẹ đơm cơm cho tôi, dù đây là lần đầu gặp mặt, nhưng mẹ cũng gọi con như đã sống với nhau lâu ngày. Tôi hỏi mẹ:

- Bây giờ mẹ mong gì nhất? Mẹ nói:

- Mẹ chỉ mong các con đánh thắng giặc Mỹ, thống nhất nước nhà. Hòa bình ăn cháo cũng cam.

Mẹ và chúng tôi cùng một mong ước, một khát vọng hòa bình.

Câu ca dao xưa: “Ai ơi bưng bát cơm đầy/ Dẻo thơm một hạt, đắng cay muôn phần” đã nói lên nỗi gian truân, vất vả của nhà nông, nhưng nông dân Việt Nam trong chiến tranh càng gian lao, chật vật, khó khăn hơn nhiều.

Bom đạn, dồn dân, làm đồng ruộng hoang vu. Quảng Thái cũng trong tình trạng ấy. Bãi cát trắng phau hầu như không có cây mọc. Lần ấy, tôi về nằm hầm bí mật dưới cát, ban trưa nắng, nóng như điên. Bên cạnh là bình tông nước và vắt cơm sống cho qua ngày, đêm lại lên hầm đi hoạt động… Nhân dân đã nuôi giấu cán bộ, bền lòng một tình cảm khắng khít thương yêu.

Hòa bình lập lại, xã Quảng Thái được phong tặng hai danh hiệu anh hùng: Anh hùng Lực lượng vũ trang và Anh hùng Công an nhân dân.

Để ổn định đời sống nhân dân, năm 1983, tỉnh (đưa bộ đội về rất đông cùng nhân dân) đã đắp đập Lát ngăn mặn và giữ nước ngọt cho 9 xã của cả Phong Điền và Quảng Điền. Đập dài 4km, 2km nằm ngay trên mặt phá. Mặt đập rộng 3 mét. Bởi đập nằm gọn trong đất xã Quảng Thái nên riêng xã có tới 325 ha được hưởng ưu ái của đập này. Và đời sống của dân trong xã Quảng Thái có ổn định hơn.

Do tuổi cao, sức khỏe kém, đã lâu lắm tôi chưa về thăm Quảng Thái. Nhưng có một lần anh Nam về thăm tôi, đúng lúc cậu em tôi bị bệnh tim (tim đập nhanh, nóng rừng rực, đau ngực). Lập tức anh Nam đi mua một gói thuốc bột cho em tôi uống. Một tuần sau, tim em tôi hết nóng, trở lại nhịp đập bình thường. Tôi hỏi anh Nam: - Thuốc mua ở đâu mà tốt thế?

Anh Nam đáp: - Đó là bột mướp đắng của Quảng Thái…

Tôi gặp lại Quảng Thái một cách tình cờ như vậy, nên chỉ gọi tên Quảng Thái cũng làm cho lòng tôi rung rinh. Vậy là hai anh em chúng tôi chuyện không dứt. Anh Nam kể tôi nghe đất cát ngày xưa thời tôi ở chỉ có cây tràm dầu, bây giờ dân Quảng Thái lập trang trại trồng đủ mọi cây như: nghệ, ớt, thuốc lá, ném, khoai lang mỡ,… Mướp đắng là một trong những đặc sản ấy. Tự nhiên tôi thèm về thăm lại Quảng Thái xiết bao. Gặp Hùng, bạn tôi ở Quảng Điền, tôi ngỏ ý muốn về lại mái nhà Quảng Thái xưa, Hùng nhiệt tình giúp.

Hùng bảo:

- Tôi sẽ đưa anh về thăm Quảng Thái, nơi ấy giờ có 46 hộ dân làm trang trại với diện tích 210,6 ha. Báo tin cho anh vui: Quảng Thái và Quảng Điền sắp được công nhận là nông thôn mới rồi.

Ảnh Trường Giang

Cuộc đi thăm ấy của tôi được thực hiện. Hùng cho xe lên tận Huế đưa đón tôi. Đường qua Sịa, qua Quảng Lợi và mấy địa điểm nữa là đến Quảng Thái. Xưa là đường đất đỏ, nay đường từ huyện về thôn, xã… đã được đúc xi măng, rộng rãi, xe ô tô dễ dàng đi lại. Nhà hai bên đường không còn mái tranh nào, toàn nhà gạch, mái ngói. Khang trang và hoành tráng nhất là khu nhà các trường học, trạm xá, chợ Nịu.

Đến trường Cấp 1 Quảng Thái, đúng giờ học sinh ra chơi, vui quá, Hùng đưa tôi vào thăm. Anh Cho - hiệu trưởng ra đón chúng tôi, câu chuyện bên ly nước trà ngon, khá hào hứng. Tôi muốn biết nhiều hơn về trường nên đã hỏi anh Cho:

- Trường mình có tất cả bao nhiêu học sinh? Anh Cho đáp:

- Tất cả có 324 em. Tôi hỏi tiếp:

- Học sinh xã mình học giỏi không? Anh Cho tự hào trả lời tôi:

- Bậc Tiểu học có 5 học sinh đạt giỏi cấp tỉnh và 28 em đạt giỏi cấp huyện (về bộ môn Cờ vua, Vẽ tranh và Viết chữ đẹp). Học sinh Trung học cơ sở đạt 18 giải: 1 giải nhất, 1 giải nhì, 3 giải ba, 13 giải khuyến khích về môn Toán, môn Tiếng Anh cấp huyện. Nói chung các em học sinh Quảng Thái rất chịu thương chịu khó và rất chăm học.

- Có em nào không đi học hoặc bỏ học không anh?

- Không có em nào trong độ tuổi đi học mà không đến trường cả. Có rất ít trường hợp định bỏ học (do hoàn cảnh như em Hồ Thị Di: cha mẹ bỏ nhau, đi làm xa, Di phải ở với bà ngoại, già yếu, mắt kém) nhưng nhà trường chúng tôi đã kịp thời đến tận nhà giải thích, tạo mọi điều kiện: tìm học bổng, cho sách, miễn giảm học phí,… vậy là các em đi học lại. Điều đáng nói là anh chị em cựu chiến binh và phụ nữ xã, luôn sát cánh cùng trường khi chúng tôi kêu gọi giúp học sinh gặp khó khăn…

Quanh chuyện giáo dục thế hệ trẻ, các anh cho tôi biết thêm một quy định quan trọng gồm 5 không, 3 có của Cựu chiến binh và 5 không 3 sạch của Phụ nữ Quảng Thái. 5 không 3 có của Cựu chiến binh là: gia đình không có tội phạm, không có tệ nạn xã hội, không có vi phạm pháp luật giao thông, không có con cháu thất học, không sinh con thứ ba. Ba có gồm: có thu nhập bình quân với quy ước của khu vực, có việc làm thường xuyên, mỗi chi hội có một đoạn đường xanh - sạch - đẹp. Chị em Phụ nữ thì 5 không, 3 sạch. Đó là: không đói nghèo, không có người vi phạm pháp luật, không bất bình đẳng giới, không vi phạm chính sách dân số, không để trẻ em suy dinh dưỡng. Và 3 sạch là: sạch nhà, sạch bếp, sạch ngõ.

Những “không”, “có” ấy của các anh chị trở thành - không, có - của xã hội làm cho Quảng Thái ngày càng giàu mạnh lên.

Sau đó, Hùng đưa tôi vào thăm chợ Nịu. Một xã nhỏ thôi mà chợ có tới 180 quầy hàng. Quầy nào cũng đẹp đẽ, rạch ròi, đầy hàng, đường đi trong chợ khá thông thoáng. Người đi mua hàng đông đúc, nhộn nhịp. Nhìn gương mặt chợ, đủ thấy đời sống Quảng Thái no ấm, giàu có và bình yên. Đi trong chợ, chúng tôi rất xúc động. Hùng cho tôi biết: Quảng Thái có hơn 5000 dân với 1468 hộ có đầy đủ diện, nước để dùng. Năm 2010 Quảng Thái có 228 hộ nghèo, năm 2020 này chỉ còn 121 hộ; trong đó 71 hộ thuộc bảo trợ nhà nước, vậy là xã chỉ còn 50 hộ nghèo, chiếm 3,4% số hộ của xã mà thôi. Một số liệu không thể bỏ qua: năm 2011 thu nhập của người dân bình quân 11 triệu đồng, năm 2020 này thu nhập đầu người đạt 36 triệu đồng, thế đứng và bước đi của Quảng Thái thật vững vàng.

Điều tôi quan tâm là sức khỏe của người dân Quảng Thái, Hùng đưa tôi vào thăm Trạm Y tế. Trưởng trạm Hồ Viết Hy dẫn chúng tôi vào phòng. Tôi hỏi:

- Sức khỏe của dân được chăm sóc như thế nào, anh Hy?

Anh Hy tâm sự:

- Năm 2019 Trạm chúng tôi chỉ 7 nhân viên, chưa có bác sĩ (ban đầu có nhưng bị điều đi nơi khác) đã khám sức khỏe cho 4375 người dân và chữa bệnh cho 3439 bệnh nhân. May là xã có công trong chiến tranh và là xã nghèo nên người dân trong xã đều có thẻ bảo hiểm. Nếu bệnh nặng, trạm xá chuyển lên ngay Trung tâm y tế huyện, hoàn toàn không mất tiền.

Đúng lúc, có một bệnh nhân tới, đưa bảo hiểm ra, anh Hy ký giấy chuyển bệnh nhân xuống phòng khám. Một lúc sau, bệnh nhân lên đưa đơn thuốc, anh Hy ký và bệnh nhân đi nhận thuốc rồi ra về.

Anh Hy nói tiếp:

- Một xã hai lần nhận danh hiệu Anh hùng cũng xứng đáng được Nhà nước quan tâm chứ anh. Điều Quảng Thái đang mong muốn nhất là có một bác sĩ cho dân nhờ.

Ở Trạm xá ra, chúng tôi vào Văn phòng ủy ban xã. Anh Phước, Phó Chủ tịch Ủy ban đón chúng tôi rất vui vẻ nhiệt tình. Tôi tỏ ý muốn đi thăm một số trang trại. Anh Phước đồng ý ngay. Anh lên xe đưa chúng tôi thăm trang trại anh Thành, anh Tuấn và anh Lực.

Trang trại anh Thành rộng 15 ha, trồng đủ loại cây: ớt, thuốc lá, khoai lang mỡ, ném, đậu,… đặc biệt nhất là những ngôi lều anh trồng nấm. Nấm mọc ra trắng toát từ những bọc mùn cưa treo thành hàng, nhìn ưa mắt. Anh Thành bảo nấm ra bao nhiêu, bán hết bấy nhiêu. Có lẽ vì thế mà nhân viên giúp việc cho anh nói cười rúc rích trong lều…

Trang trại của anh Tuấn cũng rộng 15 ha, trồng những cây thuốc Đông y như: Sâm cau đen, Sâm bố chánh, Sa nhân, Kim tiền thảo, Nhân trần cát, Ba kích tiến,… Anh Tuấn đi vắng, người giúp việc là em Hào, Hào nói cây cối chưa thu hoạch nhưng đã có người đến đặt hàng.

Trang trại của anh Lực, ngoài nhiều cây trồng quen thuộc, là một trang trại chăn nuôi gà. Mỗi năm anh Lực bán ra thị trường 2 lứa gà, mỗi lứa từ 6000 đến 8000 con.

Trang trại thứ tư mà anh Phước dẫn chúng tôi đến thăm là trang trại rộng 5 ha, trồng mướp đắng của anh Nhật. Mướp đắng ở đây được chăm sóc kỹ, các quả mướp được đặt trong túi ni lông, đạt tiêu chuẩn Việt GAP. Tôi hỏi anh Nhật:

- Ai là người đi tiên phong trong việc trồng mướp này?

Anh Nhật đáp:

- Ông Hoàng Tấn anh ạ. Ông Tấn đi bộ đội, khi nghỉ, về một làng ở Hương Trà. Làng này trồng mướp đắng, quả sấy khô, làm thuốc chữa tim mạch và mỡ máu. Ông xin giống về trồng thử, thành công. Giờ ông già yếu rồi, nằm một chỗ, nhưng là ông tổ nghề trồng mướp đắng ở Quảng Thái này.

Từ những trang trại chúng tôi vừa ghé thăm, cộng với dư luận quần chúng, rõ ràng Quảng Thái đã thực hiện một cuộc cách mạng về đất đai.

Tôi hỏi anh Nhật:

- Anh có thể cho tôi biết những ai là người khởi xướng đưa giống cây nông nghiệp lên trồng trên đất cát?

Anh Nhật đáp:

- Duy có ông Hoàng Tấn trồng cây mướp đắng thì tôi biết, còn các cây khác, khi tôi lớn lên đã thấy cha mẹ trồng, rồi tôi trồng theo thôi anh ạ.

Về lại Ủy ban xã, tôi hỏi anh Phước:

- Cải tạo được đất đai là tốt rồi, song còn nghề trồng lúa của Quảng Thái thì ra sao?

Anh Phước đáp:

- Quảng Thái đã thành công mô hình cánh đồng mẫu vùng ô ruộng 773 với 34 ha đạt năng suất 70 tạ/ ha và vùng ruộng ở Bắc Biên 40 ha đạt năng suất 60 tạ/ ha, 739 ha còn lại đạt năng suất 50 tạ/ ha. Tổng sản lượng lúa thu hoạch năm nay là 4.112 tấn. Quảng Thái đã có máy bơm nước, máy cấy lúa, từng bước hiện đại hóa nông nghiệp, vậy nên thu nhập 36 triệu đồng cho mỗi người dân thật là điều đáng kể… Chưa đi khắp những cánh đồng Quảng Thái, chưa đi vào những ngóc ngách của Quảng Thái, song trong thâm tâm tôi nghĩ rằng đội ngũ cán bộ xã phải rất giỏi mới giúp Quảng Thái trở thành xã phát triển mạnh mẽ như vậy.

Tôi hỏi anh Phước:

- Anh Bảo Chủ tịch xã trình độ văn hóa thế nào? Anh Phước tỏ ra tin cậy:

- Anh Bảo là một kỹ sư. Anh Bảo là Chủ tịch giỏi đã đành. Anh biết không, 22 công chức của Quảng Thái thì 19 người đã có bằng Đại học trong tay, 3 người còn lại đã qua trường Cao đẳng. 12 cán bộ bán chuyên trách của xã thì cũng 11 người đã qua Đại học.

Mừng quá, tôi nhào tới bắt tay anh Phước:

- Sở học cộng với cái tâm của các cán bộ nhân viên xã, Quảng Thái phát triển mạnh là điều chắc chắn. Tôi tin Quảng Điền và cả Quảng Thái sẽ được nhà nước công nhận là những đơn vị nông thôn mới. Từ ngày thăm Quảng Thái về lại Huế, lòng tôi rất vui mừng tự hào, Quảng Thái hai lần được phong tặng danh hiệu Anh hùng là rất tuyệt vời.

N.Q.H
(SHSDB38/09-2020)

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Miền Trung (11/09/2020)
Chùm tản văn (18/02/2020)