Bút ký - Tản văn
Cỏ xót xa tôi
08:44 | 21/05/2021

PHẠM XUÂN HÙNG

Tôi nghĩ chắc hiếm có nhà văn, nhà thơ nào thành danh mà trong sự nghiệp sáng tác lại vắng bóng cây cỏ. Sở dĩ loài thực vật thấp bé như cỏ lại trở thành đối tượng mỹ học là nhờ vào những yếu tính trái ngược, thậm chí phi lý nhưng vẫn tồn tại.

Cỏ xót xa tôi
Ảnh của Phạm Bá Thịnh

Nhỏ nhoi, yếu ớt nhưng sức sống thì mãnh liệt (Hoa thường hay héo cỏ thường tươi - Nguyễn Trãi). Gần như vô danh nhưng lại có mặt khắp nơi, chiếm lĩnh không gian mặt đất và cả thời gian (Thời gian như cỏ vượt lên/ Lối mòn như sợi chỉ bền kéo qua - Thanh Thảo, “Chính là cỏ, cỏ mọc khắp nơi, ở nơi nào có đất và nước” - Walt Whitman). Hay như con người, sinh ra ở đâu thì rồi cuối cùng thân xác cũng trở thành cát bụi nằm chơi dưới cỏ (Thưa rằng người đã quên tôi/ Tôi về chơi với ngọn đồi cỏ may - Hoàng Phủ Ngọc Tường)…

Tôi có một tuổi thơ ướp đẫm màu xanh cây cỏ. Làng nghèo thời hậu chiến không có những món đồ chơi như bây giờ. Thành ra cả đám lóc nhóc mũi dãi chỉ biết lấy cây cỏ làm trò vui. Nói thế cũng là nói theo “trường phái lãng mạn” bởi ngoài sự gắn bó bầu bạn với cỏ lại là câu chuyện phải lật đất xới cỏ quanh năm để trồng hái. Cũng bởi đất đai thời hậu chiến là đất hoang hóa, lại chưa có máy móc thay sức người và thuốc diệt cỏ chưa từng xuất hiện.

Cỏ tranh là thứ đằm sâu nhất trong ký ức tuổi thơ tôi. Kỳ thực, đây cũng là loài cỏ sống dai dẳng nhất. Năm đó, sau lưng nhà tôi có đôộng Vang là một quả đồi dày đặc cỏ tranh. Những chỗ đất tốt cỏ tranh xanh mướt cao quá đầu người, những chỗ đất xấu cỏ tranh cằn hơn và ngả sang màu vàng. Nơi đó cũng là vương quốc của gà rừng, chim cút, dế, cào cào, châu chấu… Những buổi trưa hè, chiều hôm rảnh rỗi hay những đêm trăng bầy con nít chúng tôi chọn nơi này đánh trận giả, chơi tích tè nép bắn hoặc nhiều trò ngỗ nghịch khác. Mảnh vườn nhà tôi cỏ tranh cũng mọc nhiều xen lẫn với cỏ ống là hai loài cỏ bất trị nhất. Tôi nhớ lúc còn học cấp I, II, mạ thường dẫn mấy anh em tôi ra làm vườn. Trước hết phải dùng rựa phát sạch phần thân trên của cỏ tranh, sau đó dùng cuốc chỉa lật đất nhặt bằng hết gốc. Rồi tiếp tới phải moi sâu xuống đất, có khi đến nửa mét, nhặt từng mẫu rễ còn sót lại. Tất cả dồn thành đống trên mặt đất, phơi khô. Đợi ngày nắng to thì dùng lửa đốt. Cỏ tranh cũng như cỏ ống, chỉ cần sót lại phần rễ nhõn bằng đốt ngón tay thôi thì mùa sau chỉ cần trộ mưa giông là chúng lại bứt chồi lên. Và nếu để quên chúng vài tháng trời thì từ mẩu rễ nhỏ bằng đầu tăm cũng sẽ biến thành một thảm cỏ xanh ngút ngàn. Cỏ thì bất trị nhưng người thì không thể cho đất ngủ yên. Sau này lớn lên tôi hay hình dung cái đói, cái nghèo của người dân quê tôi như bộ rễ của loài cỏ này, nhặt mấy cũng không hết, chúng tồn tại dai dẳng.

Tiếp theo cỏ tranh là cỏ hổ ngươi, tên gọi khác thì nhiều, như cỏ xấu hổ, cây giả đò, hoa hòe chút là cây mắc cỡ và mỹ miều hơn là cây trinh nữ. Loài cỏ này mọc từng đám, những nơi nào đất tốt chúng mọc lên hoang rậm, thân thảo hóa mộc thành rừng. Loài cỏ này cũng tốn công sức để làm sạch đất, phải chặt phá rồi phơi thật khô trước khi đốt, bởi chỉ cần một bông hoa nhỏ của chúng phát tán thì mùa sau chúng lại sinh sôi theo cấp số nhân. Mỗi lần phá đám giặc cỏ này thì trời ơi, tay chân tướm máu, dọc ngang những vết gai cào xước.

Dù để kiếm miếng ăn, gia đình tôi cũng như làng xóm phải đánh vật, đổ mồ hôi với cỏ nhưng đó chỉ là câu chuyện trên mảnh đất trồng hái của vườn nhà. Ký ức tuổi thơ không chỉ có vậy mà còn nhiều lắm những vân vi với cỏ, vui có buồn có. Chúng tôi thường tụ họp lang thang từ góc vườn nhà này đến góc vườn nhà khác và thế giới cây cỏ chúng tôi lạc vào đó trở thành vương quốc riêng, mỗi loài cỏ như một linh hồn sống sẻ chia. Cỏ chỉ (sách vở gọi cỏ mần trầu) dùng ngoắc vào nhau chơi trò kéo co, cỏ gà bóc tận ruột để nhìn thấy loài sâu nhỏ nhỉnh hơn sợi tóc, cỏ cú mùi thơm hăng hắc dùng chơi trò mua bán thuốc, cỏ muộng chuộng ngắt ra từng đốt bóc vỏ nhai để tận hưởng vị chua thanh.

Có nhiều loại rau nói cho cùng thì cũng là cỏ, chỉ không phải là cỏ dại mà là cỏ con người ăn được, chẳng thế mà người ta hay nói rau cỏ. Tôi nhớ ngày ấy dọc ven những bờ tre, bụi chuối, lỗ chỗ dưới bóng cây lưu niên vườn nhà là các loài rau cỏ tự mọc. Rau dền trắng, dền đỏ non tơ, rau sam mọng nước tím hồng, rau má loằng ngoằng xanh mát mắt, me đất chua dịu dàng năm cánh điểm li ti hoa vàng, rồi nữa những mã đề, ngót, mồng tơi, rau thơm bạc hà, rau quế, ngó lào (nơi khác gọi ngò tây)… Lũ trẻ chúng tôi ngày ấy đứa nào cũng bụng ỏng đít teo vì thiếu ăn nên “vựa rau thiên nhiên” này thực sự là nguồn dinh dưỡng. Chẳng quý giá chi, mỗi đứa lấy ở nhà mình một ít gia vị như muối, vị tin (mỳ chính) sang hơn là góc chén mỡ nước kèm chiếc nồi đồng nhỏ nữa là có nồi canh bốc khói góc vườn, cả bọn vừa ăn vừa hỉ hả. Nói đến rau cỏ tôi nhớ nhất thứ rau mà giờ các bạn trẻ chắc ít người biết: rau tàu bay. Loài thực vật họ Cúc này mọc nhiều ở vùng ruộng rẫy miền trung du, luộc lên thoảng nhẹ vị hăng nhưng cây non luộc lên rồi chấm mắm hoặc thấu (trộn cùng muối ớt giã mịn) lại trở thành món ăn khoái khẩu. Hồi đó, sau mỗi mùa gặt rẫy (lúa tỉa theo phương thức phát đốt chọc tỉa) loài rau tàu bay mọc lên từng cụm non mềm, nhiều vô kể. Nhà nào nhà nấy, trẻ em cũng như người lớn đi làm về đều có đùm rau tàu bay treo trên đầu rựa, đầu cuốc. Ăn nhiều nên ngán, đến mức cảm giác như trong người bọn trẻ chúng tôi thoang thoảng mùi hăng mà người lớn hay đùa mùi xăng tàu bay. Viết đến đây chợt nhớ thi sĩ thần đồng Trần Đăng Khoa, không biết thời áo lính ông ăn rau tàu bay nhiều ít mà viết câu thơ: Anh đã sống những tháng năm hào hứng/ Ăn rau tàu bay, hát vỗ nhịp vào báng súng

Bây giờ tuổi trung niên ngồi nhớ lại chuyện cỏ thì đúng là nhiều như… cỏ. Riêng góc vườn quê thôi thời ấu thơ như đã hóa thân vào cỏ. Cỏ cứt lợn màu hoa tím nhạt long lanh sau những cơn mưa, cỏ gà (cỏ chỉ) níu thân vào đất mùa gió lào khắc nghiệt, cỏ lồng đèn (nơi khác gọi tầm bóp) với những chiến lồng tí hon chứa sắc lửa xanh, cây nút áo có hạt chín tím đen như trái mùng tơi ngọt the đầu lưỡi, cỏ may dính đầy quần không gỡ nổi phải lấy lược chải.

Tôi nhớ đọc đâu đó có những điểm du lịch nổi tiếng thế giới nhờ cỏ. Như loài cỏ bạc người Nhật gọi là susuki (cỏ lau bông bạc) đặc trưng mùa thu xứ này. Nghe nói ở Kansai vùng cao nguyên Tonomine có đồng cỏ bạc rộng cả trăm héc ta từng được dùng làm bối cảnh cho phim điện ảnh nổi tiếng Rừng Na Uy. Nơi này, mỗi năm có hàng vạn người đến vui chơi, ngắm cỏ. Cỏ quê tôi và trong ký ức tôi không được vinh diễm đó, chúng chỉ là người bạn tuổi thơ, êm đềm và nhọc nhằn, vui tươi lẫn đắng đót.

Đôi lần về quê ngồi với cỏ chợt như Trang Tử không biết mình là cỏ hay cỏ là mình. Lại chợt nhớ năm nao, Trung niên thi sĩ Bùi Giáng viết về ngôi làng quê Quảng Nam từng có cảm giác: “Làng tôi xưa có nhiều cỏ mọc. Cỏ mọc trong làng ra ngoài ruộng, tới những cồn gò, đồi núi thật xanh. Tôi lớn lên giữa linh hồn cỏ mọc…”.

Linh hồn của cỏ?

Trịnh Công Sơn có ca khúc “Cỏ xót xa đưa”, hát lên nghe như hoài niệm về đời sống đã qua, với con người và hoa cỏ, thấm đẫm buồn vui. Buồn xót xa đã đành, vui cũng xót xa vì không dễ gì tìm lại được. Tất cả rồi cũng trôi đi, đời người ngắn ngủi lắm. Riêng cỏ vĩnh hằng trên mặt đất. Mà thân xác đây cũng chỉ tạm bợ trên cõi trần gian. Nên có mơ thì mơ linh hồn hóa thân vào cỏ, để trong khuất lấp dằng dặc thời gian sẽ có một ngọn linh thảo thao thức chờ đợi tái sinh. Như Chế Lan Viên - một người đồng hương ở miền cỏ thơ ấu của tôi đã viết: Những bạn bè yêu anh sẽ gặp anh trong cỏ/ Trong hạt sương, trong đá… Trong những gì không phải anh/ Anh tồn tại mãi/ Không bằng tuổi tên mà như tro bụi/ Như ngọn cỏ tàn đến tiết lại trồi lên (Từ thế chi ca).

P.X.H  
(SHSDB40/03-2021)



 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Miền Trung (11/09/2020)