Bút ký - Tản văn
Nhớ một chuyến đi thực tế vùng sâu
09:05 | 27/07/2022

NGUYỄN QUANG HÀ
                  Ký sự

Tôi là phóng viên của báo Cờ Giải phóng - Thừa Thiên Huế. Sống ở trên chiến khu, đi viết, chúng tôi thường lên các bản vùng cao, đến các đơn vị quân đội đóng trong rừng, gặp các chiến sĩ từ vùng sâu lên,… chứ chưa đi vùng sâu lần nào. Dù biết vùng tranh chấp rất hấp dẫn, nhưng chưa có cơ hội.

Nhớ một chuyến đi thực tế vùng sâu
Nhà văn Nguyễn Quang Hà - Ảnh: internet

Rất may anh Ngô Kha - Thư ký Tòa soạn gặp tôi:

- Nội dung báo chúng mình phải mở rộng, Hà đi vùng sâu một chuyến nghe.

Mừng quá, tôi nhận lời ngay:

- Thế thì tuyệt quá. Mình định đi vùng nào anh?

- Theo mình nên đi Phong Điền.

Hôm sau tôi đi Phong Điền ngay. Đến Phong Điền, Ban Tuyên giáo cho giao liên dẫn tôi về xã Phong Sơn.

Anh giao liên bảo tôi:

- Dân bị lùa về vùng sâu hết, đồng ruộng bỏ hoang, đi gập ghềnh lắm. Anh cố gắng nghe.

Đúng là đồng mới cày xong, dân bị lùa đi, đồng bỏ hoang, cỏ mọc ngút ngàn, đi rất vất vả. Chín giờ đêm chúng tôi tới Phong Sơn, anh em du kích đang ngồi đợi chúng tôi ở bãi tha ma. Anh em bắt tay nhau, ôm nhau rối rít.

Anh Thái Bình Dương ôm tôi rất chặt:

- Ngày địch về hoành hành cả ngày, đêm chúng tôi chỉ có mấy giờ có thể hoạt động. Nghe anh về, đọc bài của anh nhiều rồi, giờ mới được gặp, chúng tôi mừng lắm. Chúng tôi giao anh cho Hoàng Tiến Dũng. Dũng lo ăn ở cho anh, đi đâu Dũng sẽ dẫn anh đi.

Thái Bình Dương giới thiệu với tôi từng người. Dũng nhào tới ôm lấy tôi:

- Có Dũng đây rồi, anh đừng lo gì cả. Khó khăn gì sẽ có Thái Bình Dương lo.

Giữa lúc đó có tiếng súng nổ ở phía cửa ấp chiến lược. Dương bảo Dũng ở lại lo cho tôi, còn lại tất cả anh em tỏa ra xem có vấn đề gì từ tiếng súng… Hơn hai giờ sau, Dương, Vũ, Khôi quay về, cho biết chuyện buồn đã xảy ra: Em Bảo con chị Hậu, mới 14 tuổi, nhưng rất yêu anh em du kích, nên bắt chước các anh chị đi tìm hiểu xem cảnh sát đêm nay có đi tuần tra không. Em ra khỏi cổng ấp, liền bị bọn cảnh sát mai phục, thấy em chúng nổ súng liền. Em Bảo chết. Chúng đổ tội cho em là Việt cộng về làng, có đi kiện cũng không được.

Ba giờ sáng Dũng đưa tôi về nhà, giới thiệu tôi với ba mẹ em. Ông bà nhận ngay tôi là con nuôi, xưng ba mẹ thân tình như thể đã thương yêu từ lâu rồi. Ba của Dũng dặn tôi:

- Ở vùng tranh chấp sống chết cách nhau gang tấc con ạ. Tội thằng cu Bảo quá. Con về đây phải hết sức thận trọng. Mọi thứ đều phải tuyệt đối bí mật nghe con. Con cứ bám thằng Dũng mà hoạt động.

Bốn giờ ăn cơm sáng xong, Dũng đưa tôi ra nằm ngủ ở hầm bí mật ngoài bờ sông Bồ. Hầm một người, nằm hai người thì chật, nhưng tôi rất yên lòng vì có Dũng bên cạnh. Riêng sống trong hầm, đủ biết anh em bám trụ vất vả biết nhường nào. Cả buổi sáng an yên, trưa Dũng mở nắp hầm, cùng tôi lên nằm trên nắp hầm, dưới bóng cây cho thoáng mát.

Tôi hỏi Dũng:

- Tối hôm nay chúng mình làm gì?

Dũng đáp:

- Hôm nay 49 ngày mất của chị Cầm, chúng ta phải tới thắp hương cho chị. Ở đó anh sẽ gặp nhiều người cần gặp.

Dũng kể chuyện chị Cầm rất cảm động. Chồng chị là liệt sĩ, hy sinh trong chiến dịch Mậu Thân. Chị có cơ sở trong hàng ngũ quân đội Sài Gòn, vậy nên biết có trận càn, chị lập tức ra khu vực hầm bí mật của bộ đội địa phương, báo cho anh chị em biết để tránh. Không ngờ chị đạp vào mìn anh em cài phòng thủ. Mìn nổ, chị ngã gục. Anh em du kích biết có chuyện, lên hầm tới gặp chị Cầm, chị bị thương nặng, chỉ kịp báo tin khẩn cho anh em biết, rồi chị giã biệt ra đi mãi mãi.

Nhờ có chị Cầm, anh em mình thoát trận càn. Lo đám tang cho chị xong, cơ sở chia nhau nhận nuôi các con của chị. Người không phải nuôi thì góp gạo để cùng nhau lo cho các cháu.

Quả nhiên, mọi người đến thắp hương cho chị Cầm rất đông. Được Dũng giới thiệu, tôi được xem như người quen rất thân tình. Đặc biệt có chị Thỏn và chị Chiện còn đem quà tặng cho tôi, làm tôi cảm động rưng rưng. Chị Thỏn cho tôi hai cục pin (chị giấu kỹ trong ngực): “Em dùng đi đêm cho tiện. Hết chị lại mua cho. Ở đất lạ, đi lại phức tạp lắm”. Chị Chiện cho tôi bộ quần áo nhuộm nâu: “Quần áo ni giặt rất mau khô, mặc nhẹ nhàng và không bị lộ mình là lính”.

Hai chị còn mời tôi về chỗ hai chị ở, tâm sự với nhau được nhiều. Tôi đã nhận lời và mong mau đến chỗ hai chị sống.

Mấy ngày sau sắp xếp được, Dũng đưa tôi tới nhà chị Chiện và nhà chị Thỏn. Đó là hai ngôi nhà tranh dựng sát nhau. Nhà nào cũng ba gian và căn bếp nhỏ. Làng Hiền An (có thôn Hiền An của các chị) vì ở gần chân núi, sát chiến khu của cách mạng, nên bị quân địch phá tan nát, bây giờ chỉ là một bãi cỏ xanh.

Tôi hỏi:

- Sao hai chị lại ở đây?

Chị Chiện đáp:

- Bốn ông chồng chúng tôi đều là người theo Việt Cộng cả. Chồng chị và chị Thỏn đều là liệt sĩ. Chồng chị Thảo và chị Hiền hiện đang bị tù ở Côn Đảo. Chúng tôi sống với nhau như một gia đình. Đùm bọc nhau mà sống.

Chị Thỏn tiếp lời chị Chiện:

- Cũng vì một tên ác ôn mà bốn gia đình chúng tôi tan hoang cả. Phải nói đúng là nhiều gia đình Phong Sơn cùng chung cảnh ngộ. Tên nó là Thế.

Chuyện rằng tên Thế làm biệt kích cho Mỹ. Khi về làng, nhà ai ra sao, hắn nắm được và báo cho địch biết hết: Nhà nào theo Việt Cộng, nhà nào có chồng tập kết ra Bắc… Cả làng Hiền An, cả xã Phong Sơn, vì vậy ai cũng căm thù hắn, ai cũng mong trả nợ món thù này. Bây giờ tên Thế vẫn ở Huế, nó có dám lang thang trong làng, trong xã này đâu. Các chị bị đuổi khỏi đất Hiền An, lên đây mua đất, cất tạm nhà, dựa dẫm vào nhau mà sống.

Càng đi với Dũng, càng thấy đất và người Phong Sơn chịu nhiều điêu đứng. Mỗi gia đình một hoàn cảnh khác nhau, vắng sự bình yên, vui vẻ, nên khát khao đất nước thống nhất, hòa bình. Càng đi với Dũng, càng gặp được nhiều nhân chứng. Tôi muốn viết lắm, nhưng tất cả phải bí mật, nên lòng lại dặn lòng, giữ lấy tư liệu, thế nào rồi cũng sẽ có lúc viết được.

Bỗng trong cơ sở xôn xao một dư luận: sắp đến ngày kỵ cha của Thế. Vậy chắc là Thế sẽ về kỵ cha mình.

Dũng cũng bảo tôi:

- Đây là cơ hội, anh em mình tính thế nào đây?

Đúng như dự đoán, Thế về kỵ cha. Anh em bộ đội địa phương đã đóng giả làm lính Sài Gòn vào dự, đã bắn Thế chết ngay trong buổi trưa ngày kỵ. Điều không ngờ là Thế bị giết, địch đã điều động quân về càn quét triệt để Phong Sơn. Nhiều người bị bắt, cũng có người bị giết.

Thái Bình Dương gặp tôi nói:

- Tình hình căng quá. Anh ở đây không yên. Lỡ hầm bị phát hiện thì nguy hiểm lắm. Anh về lại chiến khu đi, bao giờ tạm ổn, chúng tôi sẽ lại đón anh về.

Một chuyến đi thực tế nửa chừng, nhưng đầy tư liệu. Tôi rất hy vọng ở chuyến đi tiếp theo. Một câu tự hỏi cứ vang lên quanh quẩn bên tôi: Mình sẽ viết thế nào đây!

N.Q.H
(TCSH401/07-2022)

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Mùa Hy vọng (28/01/2022)
Nhớ mùa (06/01/2022)