Bút ký - Tản văn
Sự hoan hỷ vô tận
10:34 | 06/10/2022

NGUYÊN QUÂN

Đôi khi trong sự trầm lặng tĩnh mịch thường hằng, và những con người quen sống với sự tĩnh lặng ấy thường vô tình không nhận thấy những sự thay đổi chung quanh vì nó cũng âm thầm không xôn xao ầm ĩ.

Sự hoan hỷ vô tận
Quang cảnh nhà dân sống quanh Kinh thành Huế trước khi di dời - Ảnh: vov

Tôi cũng không ngoại lệ dù mỗi ngày vẫn đi qua, vẫn sinh hoạt loanh quanh khu vực Nội thành của xứ sở vốn nổi danh trầm lắng như thơ, nhưng bận bịu bao nhiêu công việc mưu sinh nên cũng ít quan tâm đến sự di biến ít liên quan đến bản thân mình. Bất chợt sáng nay có người bạn ở xa về, sau một hồi rủ nhau ra quán cà phê tán gẫu ở con đường được dân Huế gọi là đường phượng bay, ông bạn lại muốn tôi thồ đi thăm lại nơi anh ta từng trú trọ trước kia. Trong trí nhớ của tôi, nhà ông bạn này ở một khu vực khá phức tạp, nhiều tay anh chị xăm mình có số má, mà mỗi lần tôi đến nhà chơi đều rón rén rụt rè giữa không gian chật hẹp đầy mùi mồ hôi, mùi gia cầm, rác thải, còn sợ va nhằm ai đó trong những con hẻm chật khư và những đôi mắt lầm lỳ vẩn đục.

Để bây giờ... Đứng ở đây, dựa lưng vào lâu thành Thượng Tứ phong rêu, tôi thật sự ngạc nhiên trước sự thay đổi đến không thể tin, đang trải dài trong tầm mắt. Trên bức tường thành tồn tại hàng trăm năm qua bao nhiêu dâu bể biến thiên, chiến tranh loạn lạc là một khoảng trống bao la, không còn bị dồn ứ những căn nhà, những mái lều chùm đụp chắp vá đủ loại vật liệu từng bám víu nhếch nhác trên bề mặt bức thành dày non chục mét. Thay vào đó là vết tích đập phá, hạ giải. Người bạn hình như ít ngạc nhiên về sự thay đổi lạ lẫm hơn tôi, có vẻ biết rành rẽ chuyện về những căn nhà đã và đang được giải tỏa để phục nguyên chân diện Kinh thành Huế. Xét cho cùng điều anh bạn ở xa về biết rành mạch hơn kẻ vẫn hàng ngày đi qua đi lại, cũng là chuyện đương nhiên, bởi trong thẳm sâu của chiếc hộp ký ức, luôn là sự lưu giữ tốt nhất và toàn vẹn nhất những tâm tư khắc khoải về một nơi chốn đầy vui buồn của tuổi thơ.

Anh bạn tôi có một tuổi thơ tạm gọi là dữ dội. Anh nhớ từng chút một về từng góc từng xó trên bức tường thành cổ, nhớ dấu tích đạn băm loang lổ phía bên ngoài tường thành, vô tình trở thành một loại thang mạo hiểm cho lũ trẻ con chơi trò thách đố trèo lên trụt xuống độ cao non chục mét để chơi đùa, câu cá thia đá trên bãi cỏ hoang bên bờ Hộ Thành hào. Ngoài những kỷ niệm ấy, chắc chắn anh bạn tôi thường xuyên giữ mối liên hệ với người thân kẻ quen còn sinh sống nơi đây. Nên mỗi đổi thay, biến động, dù ở rất xa anh vẫn hiểu rõ mồn một từng sự thay đổi ấy của quê quán xưa.

Nơi tôi đang đề cập, đang đứng là cuối đoạn tường lũy phía nam của Kinh thành Huế. Trên suốt chiều dài lịch sử Việt, qua nhiều vương triều chấp chính, đã có nhiều vùng đất thủ phủ. Và Kinh thành Huế thật sự là một kinh đô chính thức của đất nước Việt Nam thống nhất toàn vẹn lãnh thổ từ Bắc đến Nam. Kinh đô Huế cũng là một vùng cố đô còn tồn tại nguyên bản những công trình kiến trúc vương triều, bởi nhà Nguyễn là đế chế phong kiến cuối cùng của người Việt, dù đã trải qua mấy trăm năm thăng trầm biến động. Sự tồn tại các công trình kiến trúc hoa lệ cung đình mang đầy đủ tinh thần mỹ thuật đặc trưng nhà Nguyễn đã được UNESCO đánh giá và công nhận là di sản văn hóa vật thể quý giá của toàn nhân loại.

Là cư dân kỳ cựu trên quê hương bản quán, tôi cũng có nghe nhiều về việc giải tỏa, tái định cư cho hàng ngàn hộ dân sống tạm bợ trên thượng thành; “Dân Thượng Thành” - cái tên gọi chung cho tất cả những ai ngụ cư ở trên hay dựa lưng nó. Sự hình thành của những cụm dân cư này có từ rất lâu nên không mấy ai nhớ rõ. Những người già sống ở đây cũng mù mờ về gốc tích lý do mình ngụ cư tạm bợ bởi qua bao nhiêu giai đoạn lịch sử, họ cũng chỉ được phép sống tạm chứ chưa bao giờ được cấp phép sở hữu đất đai cũng như giấy phép xây dựng. Cũng do nguyên nhân này mà trải qua hàng chục năm vẫn chỉ là những khu xập xệ, nói vậy cũng không quá đáng khi đi sâu vào từng ngõ ngách chùm đụp của các khu vực mà dân Huế vẫn gọi chung một cái tên là dân Thượng Thành hay dân Eo Bầu. Riêng cái địa danh Eo Bầu ở đây không chỉ đặt định cho riêng một địa điểm, như đa số người Huế vẫn lầm tưởng dành cho số dân cư tồn tại ở khu vực trên đường Ông Ích Khiêm từ cửa Thượng Tứ chạy dài xuống giáp ranh với đường Xuân 68, nơi mà người bạn tôi từng cư ngụ. Thật ra ở trong khu vực Nội thành Huế, có khá nhiều khu Eo Bầu. Có lẽ vì hệ thống kiến trúc của Kinh thành Huế có những khoảng đất bằng phẳng để bố trí tác chiến cho các đơn vị lính thủ thành, nằm giữa chân bức thành và con đường chạy men chân bốn phía, như ở đường Xuân 68, Ông Ích Khiêm, Lương Ngọc Quyến, Tôn Thất Thiệp đều có những lõm đất dễ “cắm cọc” ngụ cư như vậy.

Những khoảnh đất trống trải này vô hình trung trở thành nơi quần tụ các cụm cư dân đông đúc đến hàng trăm hộ dân đều được gọi là Eo Bầu. Và họ cũng chỉ là dân ngụ cư bất định trên một vùng đất thuộc về di tích văn hóa lịch sử, chẳng biết lúc nào sẽ bị giải tỏa nên nhà cửa chỉ che chắn bằng các loại vật liệu nhẹ, hay xây cất sơ sài nương tựa vào bức tường thành cổ. Nói vậy chứ cũng có khá nhiều trường hợp ngoại lệ, xen lẫn trong những căn lều tạm bợ là nhiều ngôi nhà được xây dựng khá vững, thường nằm sát đường chính, đa số họ nghĩ mặc nhiên được công nhận là khu dân cư trước khi chính quyền quyết định giải tỏa để trả lại diện mạo Kinh thành.

Trước đây các cấp chính quyền cũng ưu tư tìm phương án di dời số dân sống tạm bợ này, nhưng điều kiện để tái định cư cho hàng ngàn hộ dân luôn là vấn đề nan giải. Mặc dù những năm gần đây bằng rất nhiều nỗ lực, chính quyền đã giải tỏa, tái định cư thành công nhiều khu vực cần được di dời. Một đời sống không an cư thì khó lòng lập nghiệp nên cư dân sống tạm trên mặt tường thành đa số là người lao động phổ thông; vì thời gian dài hàng mấy chục năm cũng sinh sôi nẩy nở nhiều thế hệ nên đa số trong một ngôi nhà, căn lều cứ một hộ chính lại kèm theo các hộ phụ. Việc giải tỏa, cấp đất tái định cư theo lý thông thường thì đúng là một công tác tưởng chừng bất khả thi, chứ không đơn giản như cư dân vạn đò trên sông Hương, sông Hàng Bè hay những ngôi nhà bám dọc ven hai bờ sông Ngự Hà, một nhánh sông đào giữa lòng Kinh thành.

Giải tỏa di dời cũng là một loại công tác khó tìm được đồng thuận tuyệt đối giữa người dân và chính quyền, bởi nhu cầu của người dân luôn lớn hơn sự ước định của chính quyền. Sự đòi hỏi mỗi hộ, không kể chính hay phụ đều phải có đất riêng, dù nơi ở cũ một căn nhà nhỏ bé liền lưng vách với các nhà khác, diện tích không nở rộng thêm, nhưng dân số thì có khi đã tăng lên đến 4 hoặc 5 hộ được hợp pháp trên mặt giấy tờ hành chính, đã tách riêng bìa hộ khẩu với hộ chính. Nên không dễ gì tìm ra một quỹ đất đủ điều kiện tái định cư một lần cho người dân, và dù có vận động được đất cũng còn nan giải vấn đề ổn định sinh kế cho hàng vạn người dân phải lìa bỏ nếp sống vốn đã quen với sinh hoạt hàng ngày.

Người dân ngụ cư trên bề mặt bức tường Hoàng thành đa phần là dân lao động tự do, họ mưu sinh bằng đủ thứ nghề chỉ giới hạn trong môi trường quen biết xóm làng, như hàng ăn quán vặt, sữa chữa đồ gia dụng... Bây giờ di chuyển đến một môi trường hoàn toàn khác biệt, thì họ phải cần rất nhiều thời gian công sức để bắt kịp nhịp điệu mưu sinh phù hợp với bản thân và gia đình. Chính vì những khó khăn này mà chính quyền trước đây rất muốn cũng không thể giải tỏa triệt để các cụm dân cư này, mà chỉ cố gắng giải tỏa được một phần nhỏ nằm ngay phía chính Nam trước mặt Đại Nội. Khu vực này đã được giải tỏa triệt để từ trên tường thành ra đến vùng dân cư cũng chen chúc tạm bợ sống men theo dòng Hộ Thành hào, trả lại mặt tiền cho hướng chính nam Đại Nội, một đoạn hào được nạo vét, trồng sen, dựng lại bờ kè đá cổ phục nguyên hầu như trọn vẹn gương mặt hoàng kim lộng lẫy của chốn đế đô xưa.

Trở lại với chuyện giải tỏa triệt để. Vẫn theo sự hiểu biết tường tận của người bạn ở xa về, chính quyền hiện nay đã tìm ra một đáp án cho bài toán rất khó, khi hầu như toàn bộ số cư dân này đồng thuận chương trình giải tỏa một cách nhanh chóng hoan hỷ. Ngọn ngành gốc rễ của sự hoan hỷ kỳ lạ này là sự tự nguyện di dời gần như trăm phần trăm của người dân. Trước những quan tâm khá chu toàn về nhu cầu thiết yếu của dân, chính quyền đã đáp ứng thỏa đáng kế hoạch cấp đất tái định cư, hầu như hộ chính, hộ phụ đều có một mảnh đất nơi định cư mới.

Người dân còn được tạo điều kiện thoải mái, thuận lợi nhiều mặt từ tinh thần hướng nghiệp cho đến vật chất để những người tái định cư có một ngôi nhà, nghề nghiệp phù hợp trên vùng đất mới; một sự hoán đổi hoàn toàn có lợi cho người nằm trong khu vực giải tỏa. Với tâm lý bức bối đã rất nhiều năm phải sống chật chội tạm bợ trên một địa điểm không chủ quyền, không được phép xây dựng, lúc này họ có thể tạo lập cho mình một nơi an cư lạc nghiệp, được tìm thấy cảm giác có chủ quyền kiến trúc, sắp đặt nhà của mình tùy thích. Chính yếu tố tâm lý này là một thứ động lực lớn trong cuộc di dời nhanh chóng, hoan hỷ không dây dưa kiện tụng gì.

Chỉ nghe lời kể một phía thì chưa đủ tin hoàn toàn vào cái cụm từ hoan hỷ của ông bạn ở xa về, tôi đành dành chút thời gian vốn rất bận bịu để nhận lời yêu cầu chở anh ra tới vùng đất định cư mới của khá nhiều người thân quen của anh; nói đúng hơn là tôi tình nguyện vì tò mò nên theo chân ông bạn để mong được tận mắt nhìn và cảm nhận hết sự vui mừng được giải tỏa vốn hiếm họa này. Từ khu vực cư trú cũ, “xóm Eo Bầu Thượng Thành” nay đã thành bình địa, chạy thẳng một mạch trên con đường Đinh Tiên Hoàng ra đến cửa Hậu. Con đường thẳng tắp từ cửa Thượng Tứ “Đông Nam Môn” nối liền cửa Hậu “Chánh Bắc Môn” này cũng mới được khai thông mấy năm gần đây vì từ năm 1885 sau biến cố Thất thủ kinh đô, quân Pháp đã chiếm hẳn khu Mang Cá làm nơi đồn trú nên đã chặn luôn cửa Hậu không cho người dân thông thương. Chỉ nhỉnh hơn mười phút đồng hồ chạy xe, chúng tôi đã đến được nơi cần đến. Đó là vùng đất nông nghiệp Hương Sơ, đã được chính quyền thu hồi, phân lô đất nền, xây dựng hạ tầng đầy đủ tiện nghi của một đô thị hiện đại như đường sá, cầu cống, điện nước... mỗi lô 100m2 cho hộ chính và 70m2 cho mỗi hộ phụ. Thoáng thấy chỗ định cư mới, tôi phải thừa nhận rằng người dân “khu thượng thành” hình như không nghèo lắm. Cái hình như không nghèo đã bộc lộ ra hết ở vùng định cư mới. Cả một vùng đất trước đây là ruộng lúa mênh mông đã biến đổi thành một khu đô thị được quy hoạch rất hiện đại, với đường sá tráng nhựa bóng loáng, có những khoảng công viên cây cối đã lên xanh, xen lẫn với những dãy nhà tầng kiến trúc cầu kỳ rất bề thế sang trọng. Khu đô thị mới toanh, một giấc mơ bất khả thi đã thành hiện thực với người dân vùng giải tỏa, đúng là một đáp án không thể toàn mỹ tuyệt vời hơn cho một bài toán hóc búa mà bao năm qua của các cấp chính quyền Thừa Thiên Huế lao tâm khổ tứ đi tìm.

Sau một lúc đảo quanh, tham quan, anh bạn của tôi cũng tìm ra người quen xóm cũ. Dùng cụm từ hơi ngủng ngẳng này bởi nơi đây cũng toàn người quen ở xóm cũ, có bốc thăm lô khi di dời ra đây, thì cũng chỉ hoán đổi vị trí láng giềng cùng sống chung trên một xóm phố, cũng xúm xít bên nhau bên gánh bánh canh bà B, nồi bún bò bà C, tiệm sửa xe ông K... như đã từng mấy chục năm qua. Nên nói như lời anh bạn thốt lên đầy cảm xúc khi bắt tay hay ôm chầm những người thân quen của anh. Dù đất lạ mà người không lạ.

Thôi thì mặc cho họ vui vẻ hàn huyên kể lể đủ thứ kỷ niệm, chuyện đời sống, tôi chỉ nghe và cố đi tìm ẩn số sự Hoan Hỷ thật sự của dân tái định cư trên từng ánh mắt sáng trưng, tự hào của người lớn trong ngôi nhà hợp pháp chính chủ hay tiếng cười trong trẻo vui vẻ của lũ nhóc hồn nhiên chạy nhảy nô đùa trên sân nhà mình mà không sợ rơi từ trên thành cao xuống. Với những ai chưa từng biết về điều kiện sống của những người trên Thượng Thành, thì những gì tôi vừa cảm nhận, quả là thật bình thường, không đáng gọi là sự hoan hỷ. Chỉ riêng với tôi, người đã quá quen biết mấy xóm Thượng Thành, thì chỉ chừng đó thôi cũng đã vượt xa cái từ hoan hỷ thông thường. Và rồi đây, một vài năm sau nữa, mọi tàn tích hạ giải trên bề mặt Hoàng thành được dọn dẹp, được chỉnh trang trùng phục lại y như nguyên bản, dòng Hộ Thành hào bao quanh kinh thành được khai thông toàn vẹn y như dòng sông Ngự Hà hay ngôi trường đại học thời phong kiến Quốc Tử Giám, Tàng Thư Lâu đều đã được trả về đúng nguyên bản, thì có người dân Huế nào không thấy lòng hoan hỷ.

N.Q
(TCSH46SDB/09-2022)

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Mùa Hy vọng (28/01/2022)