VÕ MẠNH LẬP
Âm vang tiếng nổ ở cầu Ông Thượng chưa dứt thì hàng loạt tiếng súng các cỡ rộ lên chĩa mũi vào làng Lại Thế.
Bóng dáng một thiếu niên tròn hạt mít chạy vù vù như bay hết ngõ này sang ngõ khác đề tránh xa luồng đạn. Dân làng Lại Thế một phen hoảng hồn nằm rạp xuống đất với tâm trạng bán tín bán nghi: Đánh nhau to rồi! Chưa chắc! Lại im rồi! Chuyện chi rứa?...
Vài ngày sau cả vùng mới hay tiếng nổ ấy là do thằng Huỳnh Hồng oắt con ném lựu đạn vào tụi Tây, tụi địch từ Huế về đang lân la ở vùng giáp ranh cầu Ông Thượng. Dẫu bọn chúng không bị sứt da trầy vảy gì nhưng Huỳnh Hồng vẫn đã đời. Không ai sai khiến hắn đánh đấm kiểu ấy nhưng Hồng vẫn ao ước có một ngày được cầm súng, được ném lựu đạn mỏ vịt liệng thẳng vào tụi nó cho sướng tay.
Sau vụ nổ ấy cả làng trên xóm dưới đều nhắc đến cái tên Huỳnh Hồng làng Lại Thế. Nhiều người tò mò muốn nhìn thấy mặt Hồng nhưng với bọn nhóc trong làng thì chúng không lạ gì cái thằng người tròn thúc lúc, da ngăm ngăm, lúc nào cũng độc mỗi cái quần đùi và chiếc áo cánh chỉ cài mỗi một cái cúc. Bọn chúng biết rõ mồn một Hồng là cái thằng thường xuyên liều mạng cướp pháo nổ, nhặt xác pháo để may ra có cái chưa nổ về xài. Dù xa bằng mấy, đầu làng, cuối xóm, thậm chí kể cả làng bên, hễ nghe đám cưới là hắn hăm hở có mặt. Thường thì bọn nhỏ luôn chờ viên pháo cuối cùng rơi xuống mới xông vào cướp pháo xịt, còn Hồng thì không đợi viên pháo cuối cùng rơi xuống đất hắn đã bay người vào cướp pháo rồi nhanh nhảu dí đầu ngòi xuống đất chạy ù về nhà châm lửa đốt, sung sướng thưởng thức cái âm thanh giòn giã đã ám ảnh, ngấm vào máu thịt hắn.
Ở xóm trên, Hồng có một thằng bạn khá thân có cái tên và dáng người y như con gái: Kim Thảo. Gia đình Thảo là một gia đình có truyền thống cách mạng là cơ sở tình báo của ta. Thảo tuy nhỏ nhưng cũng tham gia làm liên lạc theo đường dây từ rừng về Huế. Đã lâu Huỳnh Hồng thường lui tới nhà Kim Thảo với cái quần cộc màu đen, chiếc áo xanh bạc màu, chỉ cài một cúc áo phía dưới, lộ ra bộ ngực tròn quay như ức gà đá. Thảo thường ít quan tâm tới bọn con nít trong xóm nhưng thấy Hồng nhanh nhẹn nên có ý gần gũi muốn bắt chuyện để thăm dò ý bạn. Khi được Thảo gợi ý để hắn tham gia đường dây chuyển tin ra ngoài chiến khu, Hồng hào hứng bằng lòng ngay. Thảo cũng bỏ học, theo nghề sửa xe đạp ở Đập Đá để tiện bề liên lạc từ Huế về.
Hai thành viên nhí tình báo vừa mới cộng tác với nhau không lâu thì một biến cố ập đến: Thảo bị bắt. Nó bị bắt ngay tại Đập Đá và bị nhốt vào phòng phía hồ Tịnh Tâm. Khám xét, chúng phát hiện trong cái bị của Thảo có chứa mấy bộ quần áo địch nhằm trang bị hợp pháp cho tình báo ta tiếp cận vào Huế. Chúng còn tìm thấy tài liệu mật cất giữ trong ống sắt ghi đông xe đạp của Thảo. Tờ giấy than ghi rõ đồn Sư Lỗ bị bao vây cần chi viện gấp. Chuyến ni chắc Thảo bị tra tấn dữ đây! Huỳnh Hồng vừa thương bạn, vừa lo lắng không biết Thảo có gan chịu đòn như mình không. Nếu có một ma thuật thay thế thì Hồng mình đồng da sắt này sẵn sàng đổi chỗ với Thảo cho tụi nó tha hồ đánh đập Hồng cũng không ngán. Kiểu bị tội to thế này chắc phải tù lâu, tội nghiệp cho nó quá! Hồng thương xót bạn lắm nhưng không biết làm cách nào.
Đang ủ rũ, Hồng bất ngờ nhận được tin, Thảo có người bảo lãnh ra khỏi nơi tạm giam. Không rõ lí do gì nhưng Hồng mừng quýnh, ba chân bốn cẳng chạy đến nhà Thảo. Hồng bàn với Thảo việc đã lộ ra như ri rồi thì nên xin cấp trên cho thay đổi địa bàn hoạt động. Thảo nghĩ tới nghĩ lui thấy có lí nên đồng ý với bạn. Đang lúc băn khoăn tìm lối thì Thảo được cấp trên chuyển vô làm văn phòng thu thập tài liệu, báo chí ở Mộ Đức - Quảng Ngãi. Còn Huỳnh Hồng vẫn làm liên lạc nhưng địa bàn rộng hơn. Rứa là hai đứa lại mỗi người mỗi ngả, chúng buồn xiu nhưng nhiệm vụ thì phải thi hành thôi, biết làm sao được. Hồng ở lại, làm liên lạc từ Huế lên chiến khu Dương Hòa. Cũng có khi, Hồng được cấp trên cho đi công tác vào tận Mộ Đức, nhờ thế mà đôi bạn có dịp gặp nhau hàn huyên, mừng khôn xiết. Sau một thời gian, Thảo lại được điều về Huế làm văn thư, còn hạt mít Hồng khỏe mạnh, gan dạ, nhanh trí tiếp tục làm tình báo đường dây lên về đồng bằng vào ra cơ quan II ở Quảng Ngãi.
Được một thời gian, cái máu ưa xê dịch, đánh đấm trong người Huỳnh Hồng trỗi dậy. Hắn cảm giác công việc đang làm sao tẻ nhạt, giá như có nhiều lựu đạn trong tay và mỗi lần đi ngang qua đồn bốt địch ghé vào phi một trái thì sướng tay biết chừng nào! Hồng thấy buồn! Nhiều đêm nằm thao thức, hắn chợt nhớ đến tiếng nổ ở cầu Ông Thượng mà hắn đã gây ra ngày nào. Nó na ná như sự đam mê tiếng nổ của pháo tống thời con trẻ. Những tiếng nổ cứ ám ảnh Hồng mãi.
Thế rồi, những tin tức thắng trận ở miền Bắc, miền Nam từ Quảng Trị, Quảng Nam, Bình Định dồn dập về làm Huỳnh Hồng náo nức không yên. Hồng muốn lên thẳng Ban chỉ huy để nì nèo xin đi chiến đấu. Nhiều lần bức xúc muốn nói thẳng, nhưng Hồng cảm thấy thiếu tự tin. Hồng nghĩ đến Thảo, nó kéo bạn ra mép sông trò chuyện gần xa gạ gẫm rủ rê Thảo năn nỉ với các sếp cho hai đứa được thuyên chuyển về đơn vị chiến đấu.
Mùa xuân năm 1949, nguyện vọng của Hồng, Thảo được toại nguyện. Đôi bạn được điều về Tiểu đoàn 231 Thừa Thiên. Cả hai đều được phân làm tiểu đội trưởng thuộc trung đội trợ chiến của tiểu đoàn được trực tiếp tiếp cận với súng đạn nhưng không phải là súng trường, súng liên thanh mà là lính cối sáu mươi, tám mốt thuộc trung đội trợ chiến của tiểu đoàn. Thực lòng, Hồng không khoái công việc này lắm. Ở bên cạnh vài ba người ôm hai khẩu cối và chỉ được hành động khi cần yểm trợ dăm ba loạt đạn quả là chán. Có lúc Hồng cố vắt óc tìm ra một cách nào đó để được sử dụng súng liên thanh nhiều hơn, diệt được địch thường xuyên hơn. Thế là, Hồng lại ủ mưu tìm cách để được điều chuyển sang các đại đội tác chiến. Tiểu đoàn 231 có ba đại đội và một trung đội trợ chiến. Lần này Hồng không trực tiếp cho Thảo biết mà chỉ xa gần gợi ý nhưng xem ra Thảo không đồng tình, nó đành độc lập xoay xở đủ cách và cuối cùng cũng được chuyển sang Đại đội 107 do Tiểu đoàn phó Thân Trọng Một chỉ huy. Huỳnh Hồng mừng rơn!
Nhưng Thảo còn bất ngờ hơn. Hồng hạt mít không xin chuyển một mình mà còn chèo kéo thêm Thảo nữa, hai đứa lại còn được về chung một đơn vị, chúng nó ôm nhau nhảy cẫng. Cũng từ đó, đôi bạn luôn sát cánh chiến đấu như cái thuở ở làng quê. Hồng và Thảo biên chế cùng một trung đội. Hồng phụ trách Tiểu đội 1, Thảo chỉ huy Tiếu đội 2. Mùa hè 1953, Tiểu đoàn 231 bộ đội địa phương Thừa Thiên Huế đang ém quân ở lăng Gia Long. Lăng Gia Long là một lăng rộng có diện tích trên 3.000 ha, với nhiều khu vực thờ phụng, mộ phần: Khu Thoại Khanh quen gọi là Sở Thoại, nơi thờ phụng chôn cất mẹ vua Gia Long; điện Gia Thành gọi là Sở Gia, lăng mẹ của vua Minh Mạng (vợ không chính thức của Gia Long) và điện Minh Thành là lăng của vợ chồng vua Gia Long, quen gọi là Sở Minh...
Tiểu đoàn 231 chỉ đóng quân gọn trong Sở Thoại. Những ngày nghỉ ngơi như thế, lính trẻ cỡ như Huỳnh Hồng tuy ăn đói ở khổ nhưng máu làm lính luôn luôn hừng hực, muốn xông pha trận mạc. Huỳnh Hồng tha thẩn như kiểu đi ngắm lăng nhưng thực lòng là đi hóng tin về những kế hoạch tác chiến của Ban chỉ huy tiểu đoàn. Đầu óc Huỳnh Hồng đang miên man tưởng tượng đến một trận đánh lớn thì bỗng nhiên có tiếng gọi trầm ấm nhưng vang từ bên trong dãy nhà thờ Sở Thoại hắt ra:
- Hồng! Vô đây tau nói chuyện ni.
Huỳnh Hồng giật nảy người nhưng nhanh chóng định thần lại bởi cái giọng uy quyền quen thuộc của vị chỉ huy Tiểu đoàn phó Thân Trọng Một. Huỳnh Hồng quay phắt người, hai chân rập khít vào nhau và “dạ” một tiếng rõ to.
- Vô đây! Vô đây! Chỉ huy Một giục. Mi là lính trinh sát. Mi và Trung đội 4 về đánh đoàn tàu của địch ở Phú Lộc để mừng sinh nhật Bác lần thứ 63 có được không?
- Dạ! Dạ! Huỳnh Hồng mừng quýnh và dạ lia lịa như vừa vâng lệnh, vừa chào để nhanh quay về đơn vị báo tin vui.
- Chi mà hấp tấp rứa? Đánh được tau sẽ cưới cho mi một con vợ thật đẹp ở dưới quê bà Đầm, quê vợ của tau biết không? - Ông vỗ bàn tay thân mật lên vai Huỳnh Hồng như để gửi gắm lời hứa khi chiến thắng trở về.
Về đơn vị thì mọi người đang xôn xao bàn tán rôm rả. Thì ra anh em đã biết lệnh này. Làm người lính được đi đánh trận là sung sướng lắm, nhưng trận này còn có ý nghĩa là món quà mừng sinh nhật Bác thì sung sướng bội phần!
Nói là Trung đội 4 nhưng thực chất chỉ có vài người tham gia trận đánh: Nguyễn Văn Dũng, Hoàng Kim Thảo và Huỳnh Hồng, còn Tú là lính của C230 đang đóng quân ở đồn điền Ngô Đình Khôi bổ sung thêm.
Huỳnh Hồng và Thảo được giao làm nhiệm vụ trinh sát. Sau vài ngày chuẩn bị bom mìn, Huỳnh Hồng và Thảo kẹp hai khẩu Mút-cơ- tông dài ngoằng, băng rừng lội suối suốt đêm để đến tận đồn điền Ngô Đình Khôi (em ruột Ngô Đình Diệm), địa điểm lí tưởng nhất để quan sát sự di chuyển của địch trên tuyến đường ray qua lại vùng cầu Truồi, cầu Đá Bạc và cầu Đá Dầm.
Đôi bạn thân vừa leo lên đến mỏm đồi cao dưới đồn điền Ngô Đình Khôi thì trời gần sáng. Trước mắt là những luồng đèn pha ngược xuôi của ô tô, thế là mục tiêu cần đến đã được xác định. Suốt một đêm dài không chợp mắt, lại mò mẫm địa hình, địa vật một cách chi tiết từng tấc từng mét đất nên khi vừa đặt lưng xuống tảng đá mát lạnh Huỳnh Hồng đã lăn ra ngủ, tiếng ngáy vang rền. Thảo lay mạnh vào vai:
- Dậy! Dậy! Tau lạy mi, trời sáng rồi, tụi nó đi tuần phát hiện ra thì toi.
- Khoan đã nờ, tau ngủ chút đã, mắt trít cứng thế ni tau không dậy nổi.
- Có nhớ tầm quan trọng của trận đánh mà ông Một đã dặn không? Ở đó mà ngủ hi, tau đi đây!
- Ơ ơ, chờ tau với!
Huỳnh Hồng choàng tỉnh, vội vàng đưa tay dúi mạnh vào hai con mắt cay xè rồi cầm súng đi tiếp. Huỳnh Hồng và Thảo đang hăm hở đi bỗng một con mang vượt qua trước mặt. Cái máu săn bắn bốc lên, Huỳnh Hồng quên đi mọi chuyện, bản năng giơ súng định bóp cò. May thay Thảo đã kịp ngăn lại đưa Hồng trở về thực tại với nhiệm vụ đang đi trinh sát của mình. Anh em trong đơn vị thường khen Huỳnh Hồng gan dạ, dũng cảm nhưng cũng rất cá tính ngang bướng, bốc lửa, lắm lúc còn pha chút liều lĩnh đáng gờm. Còn Thảo trầm tĩnh chín chắn trái ngược với Hồng. Anh em thường chê anh nhát gan nhưng Hồng nhận ra ở Thảo có sự bình thản, thận trọng chín chắn trong ứng xử. Hai đứa như một nửa của nhau, bổ trợ cho nhau. Nhờ Thảo cầm cương, Hồng cũng đã bớt đi rất nhiều cái tính hung hăng liều lĩnh của mình.
Về đến điểm tập kết, Hồng lăn ra ngủ một giấc dài đến 10 giờ sáng. Vừa tỉnh giấc, Nguyễn Văn Dũng đã báo tin sốt dẻo:
- Tàu chúng nó chạy lại rồi. Đánh thôi!
- Thật không? Dây dợ đã đủ mô mà đánh? - Hồng vội hỏi Dũng.
- Tàu nó tạm ngưng năm ngày vừa chạy lại. Lau sạch mắt đi để nhìn thấy đống dây tau mới gom về tề.
Mấy anh em xúm lại hì hục suốt mấy ngày đêm mới chắp nối xong dây, gom góp đủ bộc phá, kíp nổ và nhanh chóng về lại mục tiêu đã định sẵn. Khi cài đặt bộc phá, giăng dây và ngụy trang xong, Huỳnh Hồng nhảy xuống một cái hố sâu có hình dáng giống như cái âu tát gàu sòng, bên trên cỏ mọc um tùm. Tú ngồi phía sau. Thảo và Dũng vừa yểm trợ vừa cảnh giới, cách chỗ Hồng suýt soát trăm mét.
Còi tàu hú vang thành chuỗi. Cơ hội đây rồi! Huỳnh Hồng tì đầu gối vào bờ đất, cuộn hai vòng dây vào bàn tay. Áng chừng cự ly đầu tàu vượt qua, Huỳnh Hồng dùng sức giật mạnh. Phựt! Dây đứt, máu ở hai bàn tay Huỳnh Hồng ứa ra tràn trề. Đầu tàu xình xịch phụt khói và ung dung chạy qua như không có việc gì xảy ra. Máu trong người Huỳnh Hồng như sôi lên sùng sục. Huỳnh Hồng quay lui phía Tú để cầu cứu. Tú đã mất hút đâu như ma biến. Huỳnh Hồng vừa quay quắt tiếc nuối, vừa trườn lên, dán đôi mắt vào đầu tàu quan sát. Ối! Người đi lại trên các toa gần như hầu hết là dân thường. May mắn quá, đấy là đoàn tàu chợ! Đánh địch không trúng mà gây thương vong cho dân là tội lớn không thể tha thứ. Hú vía! Hồng thấy nhẹ cả người. Nhìn quanh quẩn không thấy bóng dáng đồng đội, bất chấp hai bàn tay còn rớm máu, Huỳnh Hồng quyết định bò nhanh qua một trảng cát. Sợ các cuộn dây bị lộ, Hồng nhanh chóng nằm ngửa người chôn toàn thân xuống bùn ruộng, chừa mỗi đôi mắt, rồi nằm ngửa lết người dọc theo hướng bộc phá, chắp nối lại múi dây bị đứt và dí chìm toàn bộ xuống bùn. Tất cả đều diễn ra trong im lặng và mau lẹ. Phía cầu Đá Bạc, cầu Đá Dầm bọn địch vẫn lăm lăm tay súng, rướn cao cổ, mở mắt to, dòm ngó, soi mói chung quanh.
Gần trưa, tiếng còi huýt vang báo hiệu tàu từ cầu Truồi sắp đi vào. Hồng nhanh chóng quan sát tình hình: Đúng tàu chở lính! Hồng cuốn nhiều dây vào bàn tay máu khô đen lao tới. Tàu vẫn xình xịch chạy, 100m, 80m, 30m rồi 20m. Ầm! Một cột lửa tóe lên, khói đen ngòm, dựng đứng bao trùm gần nửa đoàn tàu. Huỳnh Hồng nhảy lên mặt đất tháo chạy về phía bìa rừng mặc sau lưng đạn bắn đuổi xối xả. Gặp Tú, cả hai lao chạy như bay về phía đồn điền Ngô Đình Khôi. Vai phải Huỳnh Hồng trúng đạn, máu ròng ròng cả một góc người. Huỳnh Hồng lảo đảo như muốn gục nhưng Dũng, Thảo cố dìu Huỳnh Hồng về đến núi an toàn.
Thời điểm này, Tiểu đoàn 231 đã dời quân về nhà thờ Thác Nộ, chiến khu Dương Hòa. Trên đường về Ban chỉ huy tiểu đoàn để báo cáo kết quả trận đánh, trong đầu Huỳnh Hồng hiện lên hình ảnh vị chỉ huy Tiểu đoàn phó Thân Trọng Một giản dị, tháo vát, uy nghiêm nhưng cũng thân thiện. Hồng nhớ mãi từng lời vang ấm của ông trong lần giao nhiệm vụ ở Sở Thoại, lăng Gia Long. Hồng và đồng đội đã không phụ lòng sự tin cậy của chỉ huy. Anh cảm thấy vui và háo hức được gặp ông. Nhưng chợt nhớ đến lời thủ trưởng hứa hẹn tìm vợ cho mình, Hồng cảm thấy bối rối, ốt dột. Chừ mà vợ con chi, đánh giặc cái đã chơ!
Về tới nhà thờ Thác Nộ thì nghe tin Tiểu đoàn phó Thân Trọng Một đi công tác xa. Huỳnh Hồng vừa bước vào nhà thờ chưa kịp thực hiện khuôn phép điều lệnh quân đội thì Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Văn Chi từ trong nhà đi nhanh ra ôm lấy Huỳnh Hồng rồi bế xốc lên:
- Có biết kết quả đánh đoàn tàu ra răng chưa?
- Dạ! Báo cáo, ta diệt một đầu máy, sáu toa tàu và mấy chục tên địch. - Hồng báo cáo.
- Con số bị diệt là ba trăm tên. Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Văn Chi cải chính.
Nghe đến con số kết quả của vị chỉ huy khẳng định, Huỳnh Hồng há miệng to ra nhưng không nói được nên lời.
Ông Chi còn cho biết, cái giá đáng kể của trận đánh là ta đã bẻ gãy chiến dịch Át Lăng do tướng Nava đề xướng nhằm chiếm lại vùng tự do Liên khu 5 để nối dài vùng chiếm đóng của Pháp từ miền Đông Nam Bộ kéo một mạch ra đến Bình Trị Thiên. Ông còn ra lệnh cho ông Nguyễn Văn Hùng lấy quỹ của tiểu đoàn thưởng cho Huỳnh Hồng và đồng đội 120 đồng.
Lần đầu tiên trong đời Huỳnh Hồng nhận số tiền quá lớn nhưng có lẽ điều làm anh sung sướng nhất và nhớ mãi trọn đời là đã lập được công lớn.
V.M.L
(TCSH47SDB/12-2022)