Bút ký - Tản văn
Thư cuối năm
16:25 | 31/03/2023

NGUYỄN KINH BẮC

"...Mình biết, mỗi người đều có một Huế riêng cho mình. Riêng với mình, Huế bắt đầu là ở câu thơ này:
"Cô gái thẫn thờ vê áo mỏng
Nghiêng nghiêng vành nón dáng chờ ai".

Thư cuối năm
Huế xưa một thời - Ảnh: sưu tầm

Huế nhẹ nhàng, thoát tục đến thế là cùng. Mình mang hình ảnh Huế ấy từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Rồi đi lính, nhận lệnh vào mặt trận Bác Đô (*) mình mừng biết bao. Nhưng thật buồn, mình chưa được gặp Huế bao giờ. Đánh trận Am Cây Sen mình bị đại bác cưa cụt chân, được khiêng ra hậu phương, từ đấy Huế mãi mãi chỉ còn là trong tâm tưởng, chỉ còn trong mỗi đợi chờ khôn nguôi.

Năm 1983, năm thứ mười mình để lại một chân trên đất Huế, tự nhiên nhớ Huế lạ lùng. Chẳng lẽ một phần thân thể cũng có một chút tâm linh chăng, mà nó làm mình nôn nao đến thế?

Huế ra sao? Sông Hương còn trong như xưa? cầu Tràng Tiền vẫn như dát bạc trong nắng chiều chứ, và còn có nàng thiếu nữ đẹp như mơ bên sông vê áo nghiêng nón chờ ai? Hãy thư cho mình đi. Một dòng từ Huế mình nhận được lúc này có ý nghĩa biết bao.

Sắp tết rồi. Không biết Huế có một chút nhớ thương nào đối với những người lính đã từng sống một thời trai trẻ của mình trên mảnh đất Kinh Thành?"...

Đọc thư Luông tôi cũng thấy nôn nao. Khó là trả lời sao đây với một người yêu Huế như anh. Nguyễn Luông không hề hỏi gì về lăng tẩm, điện đài... mà anh đam mê "cô gái thẫn thờ vê áo mỏng", đứng bên bờ sông Hương kia. Nhớ ngày mới giải phóng, Đỗ Chu và Bùi Bình Thi vào Huế, thấy các cô gái Huế thướt tha trong bộ đồ dài trắng, Bùi Bình Thi xuýt xoa: "Các em Huế đẹp quá, đến nỗi nhìn các em, mình chỉ muốn cắn một miếng", nói như Xuân Diệu "Hỡi xuân hồng ta muốn cắn vào ngươi" chăng? Luông không thế, ở anh thẳm sâu hơn, cái thẳm sâu của ký ức học sinh đầy thơ mộng.

Khách du lịch thập phương đến Huế, đều chung một cảm giác. Không có sông Hương thì Huế không còn là Huế nữa. Có lẽ Thu Bồn đã diễn đạt tâm trạng ấy rất đúng: "Con sông dùng dằng con sông không chảy. Sông chảy vào lòng nên Huế rất sâu". Cái bắt gặp đầu tiên của bất cứ ai đến Huế là dòng sông, sau đó mới đến thành quách. Quả thật sông Hương làm cho Huế cái ngan ngát trời mây đến mơ màng. Luông nói đến sông Hương, nói đến tà áo trắng, Luông đã hiểu thấm đậm Huế rồi.

"Sông Hương vẫn trong như xưa, trong đến tận đáy Luông ạ. Mùa lũ thì kể gì, nước rừng dồn về mấy ngày, dòng sông lại dùng dằng chảy. Đứng bên cánh gà cầu Tràng Tiền, nhìn thấy cả rừng rong rêu với bầy cá lượn lờ. Nước vẫn trong như cái đêm chúng mình vượt sông Hương ở bến Đình Môn. Giữa dòng Tấn bị chuột rút. Gần quận Nam Hòa quá, kêu sợ địch phát hiện, Tấn đành cắn răng chìm xuống dòng nước. Sáng hôm sau chúng mình quay lại tìm Tấn trên chiếc thuyền câu, nhìn thấy Tấn vẫn ôm ghì cây súng dưới làn nước trong tận đáy, như đang ngủ ấy".

Đời lính chúng tôi nhiều kỷ niệm như thế, Luông nhớ sông Hương cũng phải. Nhớ ngày mới giải phóng, mấy đứa bộ đội chúng tôi ngồi bên bờ sông Hương sau đài phát thanh, không phải ngồi hóng gió đâu, chúng tôi ngồi để nhìn cầu Tràng Tiền trong nắng chiều tím của Huế. Toàn bộ cây cầu tim tím màu hoa cà. Và trên ấy những tà áo dài thướt tha. Có ba cô đi với nhau. Một cô mặc áo màu vàng anh, một cô mặc áo màu thanh thiên, một cô mặc áo màu đỏ. Gió chiều tung tà áo, các cô dùng hai ngón tay kín đáo giữ tà áo lại. Chiều Huế thơ mộng ấy, một người nhắc tới Luông:

- Có thằng Luông ở đây, chắc nó sẽ "chết" vì Huế mất.

Chỉ có sông ấy, cầu ấy, màu sắc ấy, mây nước ấy mới tạo nên cái nhẹ nhàng thanh thoát không dễ gì có được của Huế ở bất cứ nơi nào.

Huế không có những công viên lớn giữa thành phố như Sài Gòn, Hà Nội, nhưng đôi bờ sông Hương tạo nên bốn công viên lớn: Công viên Phú Xuân, công viên Thương Bạc, công viên Đài tưởng niệm và công viên mồng 3 tháng 2. Đã có lúc anh Kỳ Sơn định lập vườn thú ở công viên Đài tưởng niệm nhưng không thành. Vài con nai, mấy con bồ nông, đôi ba chuồng khỉ được đưa về, thiếu vốn, vườn tan.

Trong hai năm 91 và 92 tỉnh đã đầu tư 1 tỷ mốt cho công ty công viên sửa sang một ít cảnh quan bước đầu.

"Công viên đôi bờ sông, tự thân nó đã có những cảnh quan của những dấu tích lịch sử: cầu Tràng Tiền, Bến Tòa Khâm, Bia tưởng niệm chiến sĩ trận vong, cột cờ, lầu Phu Văn, Nghinh Lương Đình. Trước đây hai bên Phu Văn Lâu có hai nhà để trưng bày những kỷ vật trong nước tiến vua. Bây giờ không còn. Sau này không biết có dựng lại? Hai năm nay mới xây xong sân Phu Văn Lâu và Nghinh Lương Đình bằng xi măng. Các đĩa hoa trong công viên đã được sửa sang, cụm rồng phun nước đã được tôn tạo. Đặc biệt công viên Thương Bạc đã được chỉnh tu lần thứ hai khá khang trang. Ngay như ở hai cột Bi Đình trong Thương Bạc, bốn cặp câu đối của tiến sĩ Nguyễn Khắc Niêm đã được truy cứu, tìm lại, để đắp lại trên Di Đình những chữ bị vỡ nát. Các bãi hoang đã được trồng cỏ với những cụm cây cảnh. Nếu Luông đến Huế dịp tết này, cảnh sắc đôi bờ sông Hương đã bớt hoang tàn đi rất nhiều".

Trong Hoàng Thành mấy năm nay đã làm được một số việc: Trùng tu lại cửa Hiển Nhơn, Lầu Ngũ Phụng, lầu Hiển Lân Các trong Thế Miếu, thay thế, trang trí lại các cột điện Thái Hòa. Rất đáng giá là công ty di tích đã tổ chức đốt lò tại chỗ làm được gạch trang trí, ngói hoàng lưu ly và thanh lưu ly. Phải có những vật liệu ấy mới thực hiện được các kế hoạch trùng tu, phục chế sau này.

Luông chưa đến Huế, nên chưa thấy các công trình này quan trọng như thế nào đối với Huế. Cũng như những người yêu Huế ở xa, thường chỉ sống trong tâm tưởng mình một Huế mộng và thơ.

Huế đẹp thanh nhã, dịu dàng, kín đáo như tà áo dài chứ không rộn rã, ồn ào đua chen. Đã có một thời Huế vắng bóng những tà áo dài, ai cũng có cảm giác rất rõ ràng giống như những món ăn ngon nhưng thiếu muối. Vắng bóng áo dài, Huế mất đi rất nhiều. Nhất là hai trục đường chính trên hai bờ sông Hương: Đường Lê Lợi phía Nam và đường Trần Hưng Đạo phía Bắc. Một bên nhộn nhịp hàng hóa, một bên thanh lịch hiền hòa. Những tà áo dài vẫn làm đẹp cho cả hai.

Buổi sớm trên đường Lê Lợi, nữ sinh đến trường như bầy thiên nga rộn ràng trở về quê hương mỗi tiết xuân về. Đường phố trở nên trinh bạch biết bao.

"Luông ơi, Luông biết không, mình bỗng buồn khi nghĩ ra cảnh trong óc Luông chống gậy lọc cọc đi trên đường phố Huế, phải chứng kiến cả mặt trái của xã hội Huế bây giờ. Trước Phu Văn Lâu xưa đã chôn ở đó một tấm bia đá, hay gọi là cột đá cũng được, trên đó khắc hai chữ: Hạ Mã. Nghĩa là dù bậc mũ cao áo dài được phép nước cho cưỡi ngựa, đến đó cũng phải xuống ngựa, vì đó là nơi nghiêm trang ngay mặt tiền cột cờ, bây giờ đêm đêm ở đó, khách làng chơi đón khách công nhiên, làm tình ngang nhiên bên gốc cây bãi cỏ. Công viên Thương Bạc nhan nhãn những người đứng đợi mời khách xuống đò. Chưa hết những con đò xưa Nguyễn Bính ghi lại trong thơ câu: "Con sông không rộng mà dài, con đò không chở những người chính chuyên". Công viên Đài Tưởng niệm ngay trước mặt ủy ban tỉnh, Trường Quốc Học, trường Hai Bà Trưng, áo quần mùng màn của khách thập phương lang thang vô gia cư cứ phơi đầy trên các lùm cây công viên giống như ở một trại tị nạn ô hợp vậy. Những ngày mưa gió, họ túm tụm dưới một mảnh che ni lông, vừa thảm hại, vừa đau lòng. Còn công viên mang tên 3-2, đêm đêm Luông sẽ gặp ở đó những tà áo dài, những nón che nghiêng của các cô gái trẻ trung, không phải đứng chờ người yêu. Không phải chờ đò, đợi bạn, mà đứng đợi những gã đàn ông nhiều tiền khát dục.

Luông ơi, có lần mình đứng với người bạn trước cổng nhà khách 2 Lê Lợi, có tay xích lô đến mồi chài: "17, 18 tuổi thôi các chú, ngon lắm. Đừng để phí của trời; Tôi dẫn các chú đi nghe!".

Ở Huế có một người phản ứng nạn mãi dâm kịch liệt, chị như dị ứng ngay cả ngôn từ ấy. Đó là Kim Bội, chủ tịch Hội phụ nữ thành phố Huế, vừa trúng cử đại biểu quốc hội khóa này. Mình định gặp Kim Bội để hỏi, với tư cách ở những vị trí quan trọng ấy, liệu Kim Bội để cảnh tượng đó trôi xuôi hay sẽ làm gì?

Phải chứng kiến những cảnh ấy, chắc Luông sẽ thấy đau bởi lý do một cẳng chân bị mất".

Nhận được thư tôi, chắc Luông sẽ hết sức bàng hoàng, lúng túng về tà áo trắng trong tâm tưởng mình. Biết làm sao được, với bạn bè không thể nói dối nhau. Ước mơ xưa của Tố Hữu "Thơm như hương nhụy hoa lài, sạch như nước suối ban mai giữa rừng", vẫn đang còn là mơ ước, dù từ khi "Tiếng hát sông Hương" của anh ra đời đến nay đã 50 năm trời.

"Luông ơi, đừng buồn nhé! Luật thanh lọc của tự nhiên bao giờ cũng tuyệt diệu. Như ở Huế chỉ có ba mùa thôi, nắng gắt gao, mưa da diết, và mùa xuân thì dịu dàng. Mùa xuân bao giờ cũng về, để cho dù con người có biết bao nhiêu chao đảo, cũng tĩnh tâm lại, Huế đã tĩnh tâm lại rồi, như đôi bờ sông Hương đã vào quy hoạch sắp xếp. Chỉ riêng một việc này Luông ạ, có 108 hộ đang sống phía bờ thành của công viên Phú Xuân, tỉnh sẽ cấp 2 tỷ 4 để chuyển số hộ này đi, để cho khách du lịch đi trên đường Trần Hưng Đạo vừa được ngắm sông Hương dịu dàng lại vừa được thấy tường thành uy nghi cổ kính.

Chưa Tết, mấy hôm nay Huế đã vào xuân, mai vàng đưa từ rừng mai Tứ Tây, Ngũ Tây về bán xếp hàng dài cả cây số bên hè phố. Các chủ vườn hoa đang chở hoa từ nhà đến dự hội hoa xuân. Năm nay hội hoa xuân không nở ở Thương Bạc mà chuyển lên Phu Văn Lâu. Phố xá như kéo dài ra, đường đi như hẹp lại. Người chen vai sát cánh bên người, mình chỉ ước ao trong dòng người ấy, một lúc nào đó có Luông. Để Luông tận mắt thấy Huế, để khỏi nhớ thương khắc khoải mỗi độ xuân về. Biết đâu tiếng nạng gỗ lộc cộc của Luông sẽ tạo thêm chiều sâu cho Huế bây giờ".

N.K.B
(TCSH53/01&2-1993)

-------------------------
(*) Bác Đô: Bí danh Huế trong kháng chiến chống Mỹ.

 

 

Các bài mới
Lập công (24/07/2023)
Hoa ở Huế (23/06/2023)
Các bài đã đăng