NGUYỄN HỮU TẤN
Nước non còn đó muôn đời
Ai chia được nước, ai dời được non
("Lý tình tang" Huế)
Tôi không biết người Việt ở các xứ khác ra sao, nhưng người Việt sống trên đất Nhật, dù có câm lặng tới đâu đi nữa, sau những ca làm rã rời, sau đêm khuya về sáng, một mình đi trên đường phố vắng hoe chỉ còn dăm ba chiếc taxi đợi khách, cứ tưởng như xứ sở nghiêm ngặt cười nói này đã là của mình. Không cần để ý đến ai cả, cứ ra rả hát thật to, hát thật nhiều cho đường bớt xa, cho lòng bớt mệt, cho tim đỡ nặng u uất nhiều khi đặc quánh đến nghẹn ngào. Cứ từ sau mười hai giờ đêm tới năm giờ sáng, hễ nghe trên đường đi có tiếng hát to tròn, chưa cần nghe ra tiếng tăm cũng đoán chắc trăm phần trăm là người Việt mình.
Một đêm nọ, đi làm về, trời ơi, nghe cảm động tâm can khi lần đầu tiên qua đây, lại nghe một giọng Huế của người Huế khác chứ không phải chỉ của riêng mình qua câu hát thiệt cảm tình: “Nhớ Huế thật nhiều! Thành phố ngày xưa vui rộn ràng… Áo trắng nữ sinh bay dịu dàng…”.
Vộivàngdừng xe, vọng hỏi người bên tê đường:
- Người Huế phải không?
- Dạ, Huế.
Cái vẫy tay xa dần mà lưu luyến cứ dài ra vạn dặm.
Đó, có những ngày buồn trống trơn vì thèm nghe lại giọng quê quán xa xưa, tự nhiên mừng rớt nước mắt chỉ vì một câu hát thân quen của ai làm nỗi xúc động trào ra không cách chi kìm được. Người Huế nhớ thương tiếng Huế, nhớ thương giọng Huế thì có chi mô mà lạ.
Chưa cần nói đến người khác, mà tôi nói về tôi thôi cũng lắm chuyện. Nhất là Sendai có khi tuyết dày đến quá nửa bánh xe đạp, ngập cả đầu gối, đành phải dắt bộ ngót gần chục cây số để về căn gác trọ quạnh hiu. Tuyết lạnh lùng táp vô mặt người xa lạ, đường trơn, dốc cao, tôi y hệt như Don Quixote dắt con ngựa già còm cõi đi về trong đêm. Bóng đèn đường rót màu vàng ảm đạm xuống, nhìn tuyết bay phải cố tưởng tượng cho bằng được mình đang đi lang thang trong cơn mưa xứ Huế. Bụng đói cồn cào, chân buốt lạnh phải đánh lừa cảm giác bằng cách hát lên những bài hát của quê hương xứ sở mình.
Mùa Đông - Xuân ở Sendai cũng là mùa tết ở Huế, mùa của nhà nghề đồ mã. Nên nhiều lần đi trong băng tuyết lạnh buốt châu thân mà tâm can nóng rực vì nhớ nhung cha mẹ quê nhà, tôi cứ hỏi mãi với màn đêm dày đặc: “Ba, đêm ni ba thức khuya làm cho kịp giao đồ, ba có hát không ba?” Nhưng tôi biết chắc, ba tôi vẫn hát trong đêm dài như thuở anh em tôi còn nhỏ dại.
Ngày tết thuở anh em tôi còn bé nhỏ, ba không đi xe mà ở nhà làm đồ mã với ôn mệ nội tôi, hồi đó mối lái còn nhiều, người ta dù khó khăn mấy vẫn còn tận tâm với chuyện cúng bái tổ tiên, ơn trên. Tôi nhớ nhiều nhất là ở trên Lò Vôi, ba tôi làm đồ mã ở ngôi nhà trên âm u mỗi đêm, tôi thức nguyên đêm với ba. Ba chong cây đèn bác để đục chạm rồi dập hia dập mũ, dán áo dán quần, còn tôi khi thì ngồi trong lòng ba vừa xem ba làm vừa hít lấy hít để cái mùi khói thuốc thơm nồng của ba, khi thì loăng quăng ngồi huơ bóng bên cây đèn bự chác. Mưa cứ đổ rấm rứt lên mái nhà. Vừa để đỡ buồn, vừa để dắt tôi vào giấc ngủ, ba tôi hát bao nhiêu là bài nhạc xưa. Giọng ba trầm ấm như giọng ru của đêm dài đã ăn sâu vào tâm trí tôi. Có khi là một kỷ niệm yêu đương gì đó: “Thôi nhé em ơi nay ta đã xa lạ rồi… Ta chẳng còn gì để mà lưu luyến nhau… Bước chân đi là đã dứt duyên nợ rồi… Nếu gặp giữa đường thì cũng xem như chẳng quen”, có khi là một nỗi niềm thật chua chát: “Đêm thâu đêm tính trọn tương lai… Mơ thấy một ngày con níu chân cha… Cuộc đời là bể cả, là dòng sông”… Những câu hát trong đêm của ba đã thao thức mãi trong tôi từ thơ bé, cho tới khi già đầu chắc tôi vẫn không quên được.
Đến như mẹ tôi, người sống cuộc đời nội trợ rất bình thường, quanh đi quẩn lại cũng chỉ với xóm làng với bếp núc cơm nước cho chồng cho con, rứa mà vẫn hết sức tự hào về một thời chân son từng ở trong đội văn nghệ phường, hát hò chưa từng có đối thủ. Mà trong những lúc rỗi rãi để nhớ lại hồi chân son, trăm lần như một, bà đều không quên khoe: “Nhờ rứa mới có nhiều bồ lắm”. Mẹ tôi mê nhất là cải lương, ngay từ khi tôi còn nhỏ, mẹ vẫn hay dắt tôi lên chợ Đông Ba mua băng cassette cải lương về mở nghe nên tôi cũng thuộc hàng cao thủ cải lương.
Tôi nghiệm thấy rằng, dẫu mẹ không biết chữ nghĩa, chưa từng học qua trường lớp chi về âm nhạc, nhưng khả năng cảm nhạc của mẹ tôi nhạy lắm. Có lần tôi nghe mẹ nói rằng Bảo Yến hát hay là nhờ cái hơi thổ pha mộc, lên cao xuống thấp chi nghe cũng đã tai mà phục lăn ra. Nếu mẹ tôi mà được học hành đàng hoàng dám chắc cũng không thua ai. Nghe mẹ kể, ôn nội tôi hát nhạc rất hay và dù là Tây học thời trước nhưng ôn hò ru em hay hò giã gạo đều hết sức “nhà nghề”. Còn mẹ chấm trình độ ca hát của ba tôi là “chỉ đỡ hơn người không biết hát một chút”. Nhưng mẹ để lại sâu đậm nhất trong tôi là những bài hát ru hết sức mặn mà. Cái câu mà mẹ tôi hò nhiều nhất là “Chàng ơi phụ thiếp làm chi/ Thiếp là cơm nguội đỡ khi đói lòng”. Sau này, lớn lên, tôi cũng ru lại thằng em út y chang như rứa. Bác Hẹ, là vợ bác Phong - người bác hiền hậu này là anh em cô cậu ruột với ba tôi, đã có lần nói về giọng hò của mẹ tôi như rày:
- Tui nghe nhiều người hò ru em rồi, nhưng hò như thím Vui thì cũng mới có hai, ba người. Tui cũng thấy tui hò không dở, mà thím Vui thì cũng được coi là hò hay.
Cho tới khi thằng em út tôi được sinh ra, thì từ xóm ngoài, xóm trên, xóm dưới vào đến xóm tôi, chỉ còn mỗi mẹ tôi với bác Hẹ là hai người còn kiên quyết giữ cho bằng được việc hò ru em. Dù rằng hai người không mấy khi gần gũi thân thiết, nhưng đôi chiều rảnh việc, xúm chùm lại nói chuyện với nhau về con về cái thì cả hai người hợp ý nhau ở chỗ này khi thấy mấy chị về làm dâu trong xóm chỉ toàn mở băng cassette lên để ru con ngủ:
- Tui hỏi: Chừ đẻ con mà không ru thì làm răng mà được? Mình có ru con thì con mới có “hơi mạ”, mới biết lớn biết khôn biết dòng biết giống biết ăn biết ở chơ. Ôn mệ nói dạy con dạy thuở trong nôi có sai đi mô được, phải không nả?
Hai giọng hò này mỗi lần nhắc lại tôi cứ bần thần nhớ tiếc. Mẹ tôi thì chưa có cháu để ru tiếp, còn bác Hẹ thì mấy đứa cháu cũng lớn rồi, cái nôi mây không biết mạng nhện giăng đầy hay đã chìm khuất nơi nao. Nhiều khi lẩn thẩn, chưa có con có cái mà tôi đã định sẵn sẽ mua nôi về hát ru như mẹ tôi với bác tôi thời xưa. Hôm tôi về Huế, có một lần đi lên Kim Long, thấy người ta còn bán nôi mây tre, tôi nghe niềm cảm động sung sướng chạy dọc trong huyết quản như trẻ con bắt được một cái gì quý giá lắm. Mỗi lớp người có một kiểu suy nghĩ, một kiểu tình cảm khác nhau, nhiều khi tôi nhắc lại với thằng em út chuyện hồi xưa tôi ru nó ngủ đến khan cả giọng mà thấy mình lạc lõng quá. Cứ như thể tôi là người còn sót lại từ một thời đại xa xưa mô lắm rồi, với những hoài cảm cũng cũ kĩ như những lời hát ru mà bây chừ lớp người trẻ không còn mấy ai để ý nữa. Đôi ba lần thèm được khóc như trẻ thiếu hơi mẹ, tôi cứ lẩm bẩm hết bài hát ru này qua bài hát ru khác, người thương mến nằm một bên gối, nước mắt long lanh lên mi để tôi nghe lòng mình còn nhiều nỗi đoạn trường.
Hồi mới lớn chút chút, lúc thằng em út chưa ra đời, nhiều khi buồn buồn không biết làm chi, tôi ra ngồi ngoài ngã tư nghe bác Hẹ hát ru mấy đứa cháu. Thuở đó, tôi vốn không có gì cảm mến bác Hẹ, không hiểu sao mà tôi luôn cảm giác bác ấy lúc mô cũng cau có, chưa bao giờ tôi thấy bác ấy nở với anh em tôi một nụ cười cho thân thiện. Nhưng tôi công nhận là tôi thích nghe bác ấy ru. Giọng bác Hẹ ru em ngủ trưa nghe răng ấm áp và tình cảm rứa tê, mà giọng hò mẹ tôi cũng thanh tao và sâu lắng lắm. Cũng là hò ru em, nhưng lối ru của mẹ tôi với lối ru của bác tôi không giống nhau lắm. Lối ru của mẹ tôi trầm hơn, chắc hơn, nghe mùi mẫn tựa sương mờ lan dài trên mặt khúc sông hẹp. Lối ru của bác Hẹ tôi lại khác, cách đưa hai chữ à ơi mở đầu ngân dài cho đến giữa lòng câu, rồi nhịp ru cũng lưa hơn, cảm giác vang lộng như gió quá truông rộng. Nếu là bác Hẹ, thì bác Hẹ sẽ ngắt câu hò nhiều nhịp lẻ và đưa hơi dài hơn: “Ạ aaaaaaaaaaaa ơiiiiiiii à… hai tay cầm bốn tao ơơơơ nôi à… tao thẳng… tao ơơơơ dùi, tao nhớ ơơơơ tao ơơơơ mong ạ ờiiii… Ạ aaaaaaaaaaaa ơiiiiiiii à, đố ai nằm võng mà không ơơơơ đưa à, ru con ơơơơ mà không hát ầu ơ ơơơơ đôi iiiiii bài”. Còn mẹ tôi thì sẽ hò theo lối này: “Hò hơ hơ hơ hơ hơ ơơơơ hờ, hai tay ơơơơ cầm bốn tao nôi, tao thẳng tao dùi…. Hò hơ hơ hơ ơơơơ hờ… tao thẳng, tao dùi, tao nhớ mà tao mong ơơơơ hờ… Hò hơ hơ hơ hơ hơ ơơơơ hờ, đố ai hơ hơ hơ nằm võng không đưa, ru con mà không hát… Hò hơ hơ hơ ơơơơ hờ, ru con mà không hát… hò hơ hơ hơ hơ ầu ơ mà đôi bài ơơơơ hờ”. Cũng là một cặp lục bát, mà hai người cắt hai nhịp khác nhau, đưa hơi cũng khác nhau, nhưng đều mê ly như nhau.
Tôi không biết bác Hẹ ở mô, nhưng mấy lần tôi chở mẹ với mệ ngoại tôi về làng Thành Trung, nghe người ta ru con, tôi tin rằng vị trí và hình thế địa lý ảnh hưởng nhiều đến giọng và hơi, cách hát, lối hò ở mỗi miền. Lối ru ở vùng này là đồng bằng hạ lưu, gần với đầm phá, lại có nhiều nhánh sông nên lối hò ở đây trầm và càng về cuối câu hò thường mỏng lại, nhưng có lẽ do mẹ tôi sống ở Huế từ nhỏ, và có phần bắt chước cách hò của ôn nội tôi nên lối hò đã pha đi, không thuần như mệ ngoại tôi nữa. Khi tôi lang thang qua cầu Ca Cút về làng Vĩnh Trị, hay Quảng Công, Quảng Ngạn, lối hò ở đây hơi chất dày và rền, xan xát nghe y chang gió thổi qua cồn cát gần biển. Còn lối hò ở Thuận An nghe thấy bát ngát, hơi hám mạnh mẽ khoáng hoạt. Khi nghe hò ở vùng Cầu Hai hay sau núi Rùa, tôi lại có cảm giác về một khoảng trời rộng thoáng và xa mờ. Nhiều lần cứ đi bụi đi bờ hết ngõ này qua ngõ khác ở Kim Long để tìm một tiếng ru em, tôi nghĩ rằng lối ru em ở Kim Long là thanh thoát hơn cả, cái hơi ở đây nghe đầy đặn nhưng mềm mại tựa như khói trên mặt sông phẳng lặng và trong xanh đến đáy. Tôi cũng không hiểu tại vì sao mà tôi lại có những cảm tưởng so sánh như vậy nữa. Nhưng chắc chắn, không có nhà nhạc học nào có thể lại ghi hết các lối ru, các điệu ru em này được cả.
Trương Vĩnh Ký, trong những ngày ra Huế vì sự vụ, ông đã dành nhiều thời gian đi quan sát dân tình, tập tục ở Kinh đô. Để rồi trở về Nam, khi viết Giáo trình Hát, lý, hò An Nam (in thạch bản, 1886), ông đã dành một câu tôn vinh hò Huế như là một di sản của xứ sở khuôn vàng thước ngọc: “Người trong Nam (từ Đồng Nai ra tới Quảng Nam) thì hát lý hay hơn cả; còn ca, phú, thơ, vịnh thì người miền Bắc; còn về việc hò thì tại nơi kinh kỳ (Huế)”. Có lẽ, bằng đôi tai thẩm âm thiên bẩm của một kỳ tài học ngôn ngữ, Trương Vĩnh Ký đã nhận ra được âm sắc riêng trong hò Huế, mà gián tiếp là qua giọng Huế, một khả năng diễn cảm những cung bậc vi diệu nhất của tâm hồn con người. Sẽ không ngoa khi nhìn vào thực tế để thấy rằng, giọng Huế có thể giả được tiếng Việt ở bất kỳ vùng miền nào một cách nhuần nhuyễn và ý nhị. Người Huế đi tới đâu thì nói giọng ở đó hết sức tự nhiên, không phải vì e sợ hay mặc cảm, mà đơn thuần đó chỉ là để việc giao tiếp được dễ dàng. Chính vì việc phải nói giọng khác ở xứ xa, nên đối với người Huế, tiếng Huế là niềm thương nỗi nhớ rất khắc khoải. Tôi không biết người Hà Nội, hay người Sài Gòn nhớ thương tiếng nói quê nhà ra sao, nhưng với người Huế, cảm giác này là cảm giác không dễ sẻ chia cũng không thể giãi bày. Đó là một nỗi nhớ vô hình, như bản thân mình đang nhớ bản thân mình ở một nơi chốn tịch liêu mờ ảo của tâm tưởng. Cảm giác một người Huế xa xứ khi gặp tiếng Huế nơi đất khách là cảm giác vừa vui vừa buồn vừa nhớ vừa thương vừa tủi vừa tự trách. Trách sao mình xa xứ làm chi để chừ phải thèm thuồng chất giọng quê nhà, mà thương cha nhớ mẹ khi nghe tin trái gió trở trời. Giọng Huế của người Huế xa xứ không chỉ là lời ăn tiếng nói, mà còn là một nỗi u hoài có tính chất siêu hình gợi về tiên tổ, về dòng tộc. Cho nên, người Huế - dĩ nhiên là xa xứ, thường ghét những người giả giọng Huế, vì điều này làm cho họ cảm thấy nỗi mất mát của mình bị xới lên, niềm tự tôn xứ sở bị hạ thấp. Thường bị “mang tiếng bảo thủ” cũng là vì họ lưu cữu rất lâu những hoài niệm xa xưa của gia tộc, của lề thói vùng đất, và ít nhiều, ai cũng tự hào bởi chỉ một điều rất khó để giải thích cho người xứ khác hiểu, chỉ có thể nói thành một câu bất hủ: “Tui là người Huế”. Mà Huế, là đất vương giả, là đất hào hoa, là đất “làm đày”. Ngay cả khi rời vùng đất nguyên quán, người Huế đi tới mô là mang theo lề thói của Huế tới đó, và đánh giá mọi thứ cũng bằng lề thói Huế như một thứ khuôn vàng thước ngọc theo nghĩa đen. Chẳng hạn, để đảm bảo mình trong sạch, người ta sẵn sàng thề bồi một cách rất tự cao: “Người Huế tui làm chi mà có như ri”. Như o Toàn của tôi, ở Mỹ gần 50 năm mà vẫn nói rặt tiếng Huế giọng Huế, mà o kể, cửa hàng buôn bán của o rất phát đạt chỉ vì o nói giọng Huế. Người ta nói, nghe o nói giọng Huế, nên người ta tin tưởng. Cũng như tôi, hồi năm ngoái, thất nghiệp vì dịch giã, nằm dài ở căn gác trọ đợi thời. Một đứa em gái cũng đang chờ xin việc, về tá túc tạm. Giữa cuối Xuân Sendai, đi qua khu chợ trời, may mắn mua được chục cây môn bạc hà, hai anh em hí hửng đem về lụi cụi làm cơm hến. Tới đoạn xắt môn, con bé xắt hơi to, chỉ vô tình mà cũng là vô thức, tôi dặn với qua:
- Em xắt rứa là dày rồi nghe, ở Huế mình có ai xắt như ri mô.
Cô em gái bỗng trố mắt nhìn tôi một cái, rồi cúi mặt chặm nước mắt. Một lúc sau, con bé mới thủ thỉ:
- Em không biết nữa, nhưng tự nhiên nghe anh nói rứa, em cảm động vì nhớ nhà nên nước mắt tự rớt ra thôi.
Hai anh em đều cười, mà nụ cười thì đôi lúc, là hình hài khác của nước mắt.
Giọng Huế, từ trong huyền sử đã trao cho mỗi một linh hồn thác sinh ở đây một dấu chỉ đặc trưng của thiên nhiên, của văn hóa, của tâm hồn sông núi: hơi nam giọng ai. Có lẽ, trên đất Việt, không có giọng nói xứ nào làm tốn giấy mực như giọng Huế với bao nhiêu giải thích, âm vực Huế cạn nhất cộng đồng Việt như cách nói của nhà ngôn ngữ Hoàng Thị Châu, hay là ngôn ngữ Huế pha trộn và biến đổi với ngôn ngữ Chiêm Thành như các nhà nghiên cứu văn hóa - lịch sử nhận định. Thậm chí Giáo sư Trần Văn Khê, nhạc sĩ - nhà nghiên cứu âm nhạc cổ truyền tài danh, từng chỉ ra có sự liên hệ giữa thang âm Huế với thang âm thánh thần trong lý luận âm nhạc cổ điển của Ấn Độ ở thế kỷ thứ VI. Nhưng cần biết nhiều những chân lý cao siêu này làm chi. Đi góc bể chân trời, một hôm nào đó, tự nhiên thèm nghe tiếng nói quê nhà, cứ lay lắt trong lòng trong dạ, tựa như đền miếu buồn hiu vì thiếu vắng nhang đèn hương khói, người Huế cứ đem câu hò điệu lý của Huế ra mà ngâm ngợi cũng đủ bớt nỗi tủi hờn ly hương.
Cũng vào một mùa Sendai trở trời mưa bụi, trời thấp giăng mắc mây xám la đà. Nằm trong đêm mưa bụi Sendai mờ mờ mà ngỡ như đi lạc trong mơ tưởng xa xăm. Đêm dài và lạnh, nhắm mắt nhưng cứ thao thức bởi những hình ảnh cũ càng, còn tai thì đếm mưa giọt từng giọt xuống thềm mà trong đầu bỗng văng vẳng câu hát mặn mà của điệu Lý hoài xuân:
Ai đem con sáo sang sông
Để cho để cho con sáo
Ơi người ơi
Sổ lồng ơi người ơi bay xa…
Sổ lồng ơi người ơi bay xa…
Tự nhiên trong ký ức xa xưa của tôi bỗng hiện lên hình bóng của chính mình, cậu bé tóc xù hay ngồi trước cửa để nghe chương trình ca cổ từ mấy nhà hàng xóm hay từ cái loa phường ngoài sân đình. Và tôi thuộc bài Lý hoài xuân khi ngồi nhại theo giọng hát của cô Thanh Tâm. Tôi thích bài hát ni đến nỗi hát đi hát lại nhiều lần từ ngày này qua ngày khác. Một buổi trưa, tự nhiên mẹ nghe tôi hát rồi nói vọng vô từ sau bếp khi nấu ăn:
- Con hát rứa là chưa đúng rồi! Cái chữ “người ơi” nớ con hát rung mạnh rứa là không hay, con chỉ hát phớt một cái thôi, rứa mới đậm đà.
Cái câu ni tôi không biết vì răng mà không nhớ được từ một thuở ấu thơ tới khôn lớn, lại càng không biết vì răng lại nhớ ra chỉ trong đêm này.
Ngay khi nhớ ra điều này, bất chợt tôi nghiệm ra một điều khác nữa là: âm nhạc dân gian Huế hầu như hoàn toàn thích hợp trong màn đêm. Theo tai nghe riêng của tôi, hơi nhạc của Huế nghiêng về cảm thức cô đơn, u hoài, giàu tính cảm thương với vạn vật, không nghiêng về tự sự với tính kể lể như hơi nhạc phương Nam. Âm nhạc Huế là âm nhạc của nội cảm, tâm sự của nội cảm, một thứ nội cảm man mác như nỗi buồn cấm cung, một thứ cảm xúc bị kìm chế lại. Đây là tính cách Huế, tính cách của vùng đất thiên về âm tính, coi trọng sự mực thước. Hơi nhạc của đất Bắc uyển chuyển hơn, lại chuộng về sự giãi bày tha thiết, gần mà xa, xa mà gần, không quá buồn mà cũng không quá vui nhưng làm người ta vương vấn tuy nhẹ nhàng mà lâu dài. Hay nói một cách có màu sắc “lý luận nghệ thuật” một chút, hơi nhạc xứ Bắc rất chuộng cảm thức điển nhã trong quan niệm hình thức vừa đủ tròn đầy, trau chuốt để đạt đến mức tự nhiên. Trong khi đó, hơi nhạc của miền Nam, không hẳn là thô sơ, nhưng nghe ra có phần thiếu bay bổng. Nhạc miền Nam cũng như con người và tính cách Nam, nó rõ ràng và dứt khoát, buồn ra buồn, vui ra vui, thương ra thương, giận ra giận, nó quyến rũ người ta bởi sự nồng nàn đến lạ kỳ.
Nói như nhạc sĩ Phạm Duy, cách đây 70 năm, một đêm lênh đênh nghe đàn trên sông Huế qua tiếng ca cự phách của nghệ nhân Minh Mẫn, đã phát hiện ra chất ngũ cung lơ lớ trong giọng Huế và trong nhạc Huế. Bởi vì, âm nhạc Huế là âm nhạc thích hợp với màn đêm và với sông nước cho nên âm nhạc Huế đòi hỏi một sự chuyển biến cao độ rất đỗi tinh tế như sương rơi như mây tụ, tựa như gió thoảng qua rừng thông trên nẻo Thiên Thai, như hạc vỗ cánh qua trời Lựu Bảo. Và giọng Huế, với sự biến âm đặc trưng của nó đã diễn tả đầy đủ sự thần bí của cảm xúc của đất và người nơi đây. Ngũ cung lơ lớ của Huế do đó, mà Phạm Duy cho là gây ấn tượng và tinh tế hơn ngũ cung miền Bắc.
Tôi thử hát Lý con sáo Huế với Lý con sáo Nam cũng như Lý con sáo Bắc, cũng chỉ một mô-típ “ai đem con sáo” nhưng cảm thức của cùng một điệu lý ở ba miền lại không giống nhau. Lý con sáo Bắc như trong quan họ Bắc Ninh rất đẹp, rất điển nhã vì còn cườm vào đó cả tích hồng nhạn đưa thư, ý nghĩa về sự trông đợi. Lý con sáo Nam khoảng khoát, nó giãi bày rất chi li cái cảm xúc của nhân vật trữ tình, và ý nghĩa tập trung của Lý con sáo Nam theo tôi, là một sự than trách. Nhưng Lý con sáo Huế lại khác, rất khó để xác định màu sắc chủ đạo trong cảm xúc, tức là nó mang tính mơ hồ trong cảm giác của người nghe. Các bài Lý con sáo ở Huế, tuy thể điệu khác nhau, nhưng nó có thêm hàm ý về số mệnh. Không hiểu vì lẽ gì mà nền âm nhạc cổ truyền Huế lại có tới bốn bản Lý con sáo được xem là bài bản gốc của mọi thể điệu Lý con sáo khác trên đất nước này. Nói như kiểu của lớp người sành cổ nhạc, điệu lý này xứng đáng được đứng vào hàng “quốc nhạc”.
Cũng thật tình cờ, có một người em áo trắng vốn dòng thi thư của Huế cũ đang ở trời phương Tây đã nói cho tôi nghe cái lơ lớ trong giọng Huế và âm nhạc Huế là ở cái chỗ nốt “Fa” non, hơi lơ lớ. Cái tuyệt đỉnh hào hoa và diễm tình trong nhạc Huế là ở bản Lý hoài xuân này với chỉ một nốt “Fa non”, nốt “Fa lơ lớ” như tính cách thâm trầm và u nhã của lớp người quý phái cũ càng. Nhạc sĩ Trần Văn Khê từng nhận định rằng: Đàn tranh kiểu Nhật và đàn tranh kiểu Việt Nam khác nhau nhiều lắm: một bên lựa chọn tài hoa bay bướm còn một bên lựa chọn hào hoa tinh tế. Tiêu biểu cho loại sau là hệ thống bài bản Huế, mà trước hết là ở Lý con sáo Huế, và Lý hoài xuân. Cái nốt “Fa” trong nhạc Huế là một nốt “Fa” đi từ nốt “Mi” lên chỉ nửa cung cao độ, không còn là “Mi” nữa nhưng cũng chưa phải là “Fa” hoàn toàn. Trong khoảng lưng chừng cao độ vi diệu đó, người xưa - nghệ sĩ xưa, nghệ nhân xưa, không biết có ẩn ý chi không mà phối vào trúng chữ “người” trong lời bài hát. Chữ “người” này không hát rõ là dấu huyền mà nên hát giữa thanh ngang sang nửa dấu huyền. Giải thích có tính vật lý theo cái gọi là “lý thuyết độ căng” như ri thiệt là khó, chỉ là cảm nghiệm mà thôi, ai biểu tiếng Việt hiện diện các thanh điệu huyền diệu nớ làm chi? Em kể rằng, khi em đàn đúng nốt Fa non đó, em thấy mình như một giọt sương, tự thấy mình trong suốt trước khi tan ra trong không trung.
Hát đi hát lại, cái chữ “người” phơn phớt đó thiệt là hay, vừa là cái trách, vừa là cái hờn, vừa là cái tủi, mà cũng vừa là cái thương… Con người có bao nhiêu cảm xúc thì câu hát này có bấy nhiêu sắc thái. Và nó đều ẩn trong một cái buồn vừa chín trên môi, trong niềm nhớ nhung lưng chừng bất chợt, cả trong cái vùng tâm tưởng sâu kín nhất. Như nụ hoa tường vi ở trong một ngõ hun hút sâu giữa Huế đêm trăng, hoa rơi lặng lẽ mà lòng ai nghe xao động không cùng. Khi nốt Fa lờ lợ vừa thấm vào lòng người, thì như có một phù phép nào đó, ta hóa thành giọt lệ vừa rỏ xuống mặt nước sông Hương, dưới lòng sông Hương là ngọn lửa thiên thu mà trên mặt là khói sóng ngàn trùng.
Bỗng nhớ một đêm xa xăm gần tết, giữa mùa tuyết trắng, đêm trống rỗng vì linh hồn đang tìm về cố xứ, nhấp một chút rượu mơ rồi mở hò Huế lên nghe và lẩm nhẩm hát “ơi người ơi” theo Lý hoài xuân mà nhớ mẹ vô cùng. Nếu mẹ mà ở đó lúc ấy, mẹ sẽ xoa cái đầu tóc xù của thằng con, rồi thở hắt ra một cái, vừa mắng yêu mà vừa lo sợ giùm cho thằng con: “Khuya nửa hôm rồi mà còn chưa ngủ à, thằng đa đoan”. Đa đoan, trong xóm cũ của tôi hồi xưa có nghĩa là suy nghĩ ngẩn ngơ, buồn vì những chuyện mây gió nổi trôi. Đã não ruột như đêm Ba mươi, lại gặp ông già quản lý qua đấm cửa thùng thùng chỉ nói mỗi câu:
- Chú em mở nhạc gì mà “bố già” đây nghe cảm động quá, cứ tưởng như bố thấy mình trẻ lại rồi tự thấy mình già thêm đi.
Sendai, 20/7/2020 - Nishinomiya, 26/8/2022
N.H.T
(TCSH411/05-2023)