Bút ký - Tản văn
Hoa ở Huế
16:10 | 23/06/2023

NGUYỄN QUANG HÀ
                        Bút ký

Nói đến thú chơi hoa cảnh, người ta thường nhớ ngay tới những vườn đào Nhật Tân, những vườn lan Đà Lạt, chim cảnh trăm giống Sài Gòn, cá vàng ngũ sắc Hải Phòng. Ít ai nghĩ rằng Huế cũng là đất chơi hoa. Mặc dù cái tên Cố đô Huế đã rất quen, rất thân thuộc với mỗi người.

Hoa ở Huế
Lặng lẽ đêm khuya - Ảnh: Bích Ngọc

Quay lại, nhìn xa một chút, cách đây ba trăm năm chúa Nguyễn Phước Lan vào Kim Long, hoa lá trăm nơi cũng đã tụ về vào thời bấy giờ, tuy mái cung, mái điện, dinh thự, đền đài chưa rạng tỏa màu ngói hoàng lưu ly, thanh lưu ly nhưng những cây gỗ quý giá, lối chạm trổ cầu kỳ, tinh xảo, quy mô kiến trúc cũng đã làm cho du khách từ viễn xứ đổ về phải thán phục vì cái vẻ trang nhã, ngoạn mục. Các loại thảo mộc hữu danh cùng các thứ kỳ hoa trong xứ cũng gặp được vận hội tốt để quy tụ về nơi thủ phủ. Cung điện, dinh thự rợp phủ bóng mát lệ chi, long nhãn càng tôn thêm vẻ trang nghiêm, kín đáo với những hàng hoàng ngọc bích, trắc bách diệp, hòe, phượng, lê, đào chầu hầu bên cửa, trong sân, với sức khoe tươi, phô thắm của những cội hải đường ngọc lan, tường vi, nguyệt quế cùng các giống cây cúc, lan đủ loại.

Phải chăng lòng ham thú vui hoa cảnh người Huế đã bắt đầu từ ngày ấy? Hay còn sớm hơn? Tôi chưa được đọc một cuốn sách nguyên vẹn nào nói về hoa ở Huế, nên chưa hiểu rõ lịch sử chơi hoa xứ này. Nhưng khi quyển Đại Nam nhất thống chí được viết ra thì hẳn hoa ở Huế đã khoe sắc trăm màu, ít đâu sánh bằng cả về số lượng, chủng loại. Riêng lan quý có hàng chục loại, giống cúc, giống quỳ có hơn sáu mươi loại, hoa nhỏ hoa to, màu vàng, màu tím, màu trắng... đã phong lưu màu sắc từ bấy giờ.

Đặc biệt có những giống hoa rất quý, như tử vi: gõ vào vỏ cây thì suốt từ gốc đến ngọn cây đều rung động. Hoa tươi lâu, sắc đỏ tía, trắng, xanh. Khác với sự nhạy cảm kỳ lạ của tử vi, hoa tố hinh gần gũi với cuộc đời hơn. Lúc yến tiệc rượu say nên đem vòng hoa tố hinh ra hiến, khách ngửi hương thơm ngát thì dầu say cũng tỉnh. Đem treo trong trướng có thể giải khí nóng mùa hè, chiếu gối sinh mát.

Bên cạnh những giống hoa đẹp, quý, Huế còn có những giống hoa độc lạ thường. Tôi muốn kể ra đây khách chơi hoa cần cẩn trọng loại hoa độc đó là hoa lăng tiêu. Lăng tiêu có chất độc, không nên đến gần. Có người ngửa mặt nhìn hoa lăng tiêu bị giọt sương trong hoa sa vào mắt, sau bị mù. Hoa lăng tiêu có thể làm trụy thai. Trong cả trăm loài hoa, có một vài loài hoa độc đấy, biết đâu lăng tiêu sinh ra để chỉ lãnh một việc: nhắc người đời ý thức cảnh giác? Có lẽ vì vậy mà ta càng yêu hoa.

Huế trải lắm thăng trầm, hoa cũng chịu cùng lận đận. Nhưng người còn đây, đất còn đây và hoa cũng còn đây. Mai vẫn dẫn mùa xuân về đúng kỳ, đúng hạn. Mùa hè sen lại rẽ bùn đen, đâm vượt lên, hoa vẫn nở trắng trong như thuở mới sinh thời. Hoa lan thu nhỏ nhắn tươi hồng cùng một lúc nở bùng ra như sứ giả của trời đất đặt chân đến giữa dân gian báo tin mùa thu đã về. Và coi thường cái lạnh tê người của gió bấc, coi thường sương như búa bổ của mùa đông, hoa hải đường cứ nở mơn mởn đào tơ suốt cả những ngày tháng giá buốt.

Hoa thay nhau có mặt suốt bốn mùa để chia sẻ với con người những niềm vui và nỗi buồn. Chính vì vậy càng ngày hoa càng trở nên gần gũi thiết thân. Ở đâu tôi cũng thấy hoa. Hoa trên bàn thờ. Hai chữ hương hoa chỉ nén hương và bông hoa trong việc thờ cúng đã trở thành một từ ghép không thể tách rời để nói về sự trang nghiêm. Hoa trong tiệc cưới, hoa trong sinh nhật. Lay ơn trên độc bình là niềm vui chung, nhưng hoa hồng hoa đồng tiền cắm trên đĩa mới thật vừa tài hoa vừa gần gũi. Cả khi vĩnh biệt cuộc đời, những vòng hoa kính viếng theo linh cữu, rồi đắp hương thêm lên nơi an nghỉ, hoa cũng là niềm an ủi cuối cùng.

Ngẫm ra cho đến nay hoa đã đi vào muôn nẻo cuộc đời. Hoa trong ca dao, tục ngữ, trong thơ. Có loại hoa được chọn làm biểu tượng tinh khiết của một đạo pháp. Các bạn gái được cha mẹ đặt tên cho mình: Cúc, Hồng, Đào, Lựu, Lê... thì nhiều lắm và các cô cũng tâm niệm sống sao cho xứng với tên loài hoa đẹp mà mình mang. Các chàng trai lại dùng hoa theo cách của mình. Xưa trong truyện “Quê nhà”, nhà văn Thanh Tịnh kể chuyện chàng trai Huế ném hoa thơm qua khe cửa sổ, nhờ hương hoa lan tỏa nói với người yêu rằng, ngoài cổng, nép trong bóng đêm, có chàng trai đang chờ. Ngày nay trai gái yêu nhau, đã qua thời vụng trộm, các chàng trai lại dùng hoa tặng người yêu, nhờ nói hộ những lời thầm kín đang nén trong lòng.

Tôi có một cô bạn gái ở Huế, cô rất yêu hoa, thích thêu thùa và giỏi nấu ăn. Bình hoa trên bàn cô mỗi ngày được cắm một vẻ đẹp riêng. Nói về hoa, cô bảo:

- Hoa là cứu cánh của em đó.

Tôi chỉ nghĩ giản đơn: hoa làm đẹp cuộc đời và làm đẹp cho cô. Sau này một lần tới thăm, cô giở tấm áo dài vừa mới thêu điểm hoa như sao trời trên hai vạt áo. Cô nheo mắt cười hỏi:

- Đẹp không?

- Đẹp, tôi đáp.

Tôi thầm khen về cách trang trí mới. Tôi đã khen đúng. Nhưng cũng lầm. Số là trong một lần về quê ngoại dự đám cưới người bạn gái, áo dài của cô không may bị gián nhấm rách một lỗ. Bỏ thì tiếc. Vá không đành. Cô đã sáng tạo ra cách thêu hoa trang trí này để lấp những chỗ rách trên chiếc áo dài của mình.

Nhưng hoa là cứu cánh của cô trong bữa ăn mới thật tài. Tết nhất nói đến bánh chưng, thịt mỡ nghe đã rùng mình, dựng cả tóc gáy, ớn đến tận tai. Chúng tôi đến thăm cô ngày Tết trong tâm trạng ấy. Cô một hai giữ bọn tôi lại. Nể bạn đầu năm sợ mất hên đành chịu trận chứ sao. Mâm cơm được bưng lên, cất lồng bàn, tôi sững sờ, không phải một mâm cơm ngồn ngộn rượu thịt mà là một mâm hoa thì đúng hơn. Sự hài hòa sắc màu cộng với cắt tỉa khéo léo đến lạ kỳ. Món lòng gà xào dứa, mất hẳn cảm giác có thịt. Gan màu vàng, mề màu tím xòe tám cánh như hoa hồi. Dứa tỉa uốn hình hoa mơ ngà trắng. Bên trên điểm mấy ngọn ngò xanh, vài tia ớt đỏ. Cả đến dĩa giò mỡ, mỡ cũng bị chìm đi trong sắc vàng của trứng, sắc đào của mộc nhĩ và năm màu của ngũ vị được sắp xếp tài tình. Mới nhìn vào là đã muốn ăn rồi, Huế hơn cả trên mâm có lẽ là dưa món. Búp nụ thon kia là hành đấy. Hoa ngọc lan mới xòe ba bốn cánh kia là đu đủ đấy. Màu hoa đỏ tươi nở bung mười cánh như hoa bại hoại là ớt. Còn cà-rốt vàng tỏa hình răng cưa. Trên cùng, cọng hành sống màu lục chẻ hai đầu xoắn tít. Tươi ngon, hấp dẫn, đặt vào đầu lưỡi là đả kích thích dịch vị liền. Các món ăn kèm nhau lại được sự hỗ trợ đắc lực của nước lèo - đặc sản Huế - món ăn tự dưng chuyển sang hương vị mới... Cơm xong, tới bánh. Hoa trong bánh Huế còn đa dạng hơn, đã đẹp, lại thơm dịu dàng sự mô phỏng hương hoa thành nghệ thuật, chúng tôi bảo nhau, nếu cứ phải chịu trận thế này, xin chịu trận suốt đời.

Từ đó tài chơi hoa của cô bạn Huế được chúng tôi khai thác triệt để. Không có cuộc tụ hội bạn bè nào mà không điện cô đến làm “cố vấn”, “chuyên viên” trong bếp núc.

Có ở Huế mới thấy hoa đi vào đời thật tinh vi. Hoa không chỉ giải trí, làm đẹp cuộc đời, mà cuộc đời còn tìm thấy nhiều thi vị trong hoa. Ấy là thi vị của ấm trà ban mai, chọn loại trà ngon, cánh nhỏ, xoăn tít, móc câu ướp với hoa ngâu, hoa sói. Song cầu kỳ nhất là trà ướp sen. Sen Tịnh Tâm búp nhỏ, hoa trắng, thơm dịu được coi là giống sen quý nhất. Chiều hè, khi mặt trời vừa lặn, đẩy thuyền trên mặt hồ. Chọn những búp sen chúm chím, nghĩa là búp sen ấy sẽ nở ngay trong đêm. Khi hoa nở là lúc hoa thơm nhất. Dùng hai ngón tay khẽ mở búp sen chúm chím ra, bỏ vào trong đó một dúm trà rồi buộc lại. Trà có đặc tính hút ẩm, hút hương rất mạnh. Sau một đêm bao nhiêu hương thơm của hoa, trà hút hết. Đó cũng là lúc trời rạng đông, hãy đẩy thuyền ra lấy trà, khi sương sớm còn đọng trên cánh hoa, trên mặt lá. Mở hoa, thấy những cánh trà giòn cứng đã hóa mềm là được.

Trà hương phải được chuyên trong ấm nhỏ và bằng nước thật sôi để trà mau chín và sự khuếch tán hương thơm mới hoàn hảo. Nâng chén trà trên tay, mới đụng vào đầu lưỡi, đã nghe rất rõ vị trà đậm và hương hoa thơm lan tỏa khắp trong cơ thể mình. Uống xong chén trà, đồng thời nghiện hương hoa luôn. Bởi thi vị ấy, ai mà không ước muốn.

Cũng đã từ lâu, các nhà y học đã dùng hoa làm thuốc. Kinh nghiệm cho thấy rằng, hoa phù dung có thể thanh phế, hoa mộc tê ôn độc, hoa điếu lan có công dụng thôi sinh. Hoa lựu chữa lỵ cho trẻ. Hoa hồng chuyên trị dâm sang, thũng độc. Hoa sơn khương chữa bệnh lãnh khí rất thần diệu. Ở Huế lưu truyền bài thuốc chữa hen bằng hoa ngọc phụng rất hay. Cây ngọc phụng sống nhờ sương gió, nở hoa rất đỏ. Cách dùng như sau: ngắt dăm bông, đặt vào chén, cho thêm một chút đường trắng. Cứ thế đặt chén vào nồi cơm vừa sôi cạn, đậy nắp lại cho thật kín. Nước đọng trên nắp nồi rơi xuống, hơi nóng của nồi cơm bốc lên, làm cho hoa chín trong nước đường. Lấy nước ấy cho trẻ đang hen uống, dứt cơn hen liền. Tính ra có hàng trăm bài thuốc chữa bệnh bằng hoa, vừa đơn giản, lại công hiệu, vừa không gây độc hại cho người lại rất dễ tìm. Hoa ở đâu cũng có. Vấn đề là thu lượm và sử dụng thế nào để tận dụng được những dược tính của hoa.

Trong Mộng kinh sư kể rằng: ở thượng đô thời chúa Nguyễn, có nàng Tống Thị đã ba con, góa chồng, nàng có tài xâu chuỗi, kết bằng trăm thứ hoa. Cứ theo lời đồn đại trong dân gian, xâu chuỗi trăm hoa của nàng họ Tống quả có một thứ ma lực rất quái dị. Vì ngay đến những người chưa từng giáp mặt nàng, hay cả những người có ác cảm với nàng nhưng đã ngửi thấy hương thơm của xâu chuỗi trăm hoa do tay nàng kết thành thì tự khắc đâm ra say đắm, mê mẩn, ngày đêm tơ tưởng đến nàng, khao khát cái diễm phúc cùng nàng ân ái, hướng vọng về nàng như hoa hướng dương hướng về mặt trời.

Chuyện kể rằng: chuỗi trăm hoa của Tống Thị làm say lòng chúa Nguyễn gần gũi đã đành, còn làm say lòng cả chúa Trịnh Tráng ngoài Bắc Hà. Khi nhận được xâu chuỗi trăm hoa của Tống Thị gởi tặng, Trịnh Tráng tự dưng cảm thấy tâm thần xao xuyến, tơ tưởng đến một mỹ nhân ở một phương trời, đâm ra thương mến nhớ nhung và nôn nóng được sớm thấy dung nhan, vui vầy cá nước, bèn gấp rút chuẩn bị cuộc Nam chinh để đẹp lòng Tống Thị.

Gạt các ám ảnh ma quái đi, chuyện Tống Thị là chuyện có thật. Gạt chuyện trăng hoa ái ân say đắm đi còn lại xâu chuỗi trăm hoa. Tôi tự hỏi đó là những hoa gì? Phải chăng chính sự phối hương của trăm hoa cũng là một thứ thuốc thần diệu? Đó chẳng phải là một tiền đề lý thú nghiên cứu về sự phối hương sao? Loài hoa còn chứa bao điều bí mật mà hàng nghìn năm nay ta chưa tỏ tường hết, nhờ có khoa học tiên tiến, ngày nay ta có thể đi xa nữa, khám phá ra những diệu kỳ của loài hoa - nhất là ở chốn kinh đô vốn đã hội tụ về đây rất nhiều kỳ hoa dị thảo.

Riêng đọc phần kinh sử trong Đại Nam nhất thống chí đã thấy Huế có hàng mấy trăm giống hoa. Từ đó nghề chơi hoa được coi như những công trình, và tạo ra những phong cách riêng.

Huế khác với nhiều thành phố tôi đã đi, là nhà có vườn và vườn cây bốn mùa xanh tốt. Tôi có cảm tưởng vườn cây ở đây tràn từ trong nhà ra, hoàn toàn không có tường xây ngăn cách sân với vườn hoa, vườn cây. Trên vách tường vôi trắng điểm màu xanh nhẹ nhàng của những chậu treo vạn niên thanh, mặt bàn thêm duyên, thêm đẹp, nhờ cây kiểng loại nhỏ. Men bờ hiên trước cửa là hoa giấy, hoa tỏi, hoa lý. Tiếp đến là sự sắp xếp của các chậu kiểng đủ loại, đủ phong cách xen kẽ nhau, bổ sung cho nhau vẻ đẹp. Và tiếp đến dưới bóng râm cây quả treo phong lan bốn mùa. Từ ngôi nhà, bồn hoa, cây cảnh đến vườn quả có bố cục hài hòa, thanh thoát. Giữ cho cây cảnh và hoa không làm nham nhở, không phá bối cảnh chung, để sự phối cảnh ấy nằm chung trong một đặc thể kiến trúc, bảo đảm được quy hoạch ấy đòi hỏi người chơi hoa vừa có con mắt chọn màu của người họa sĩ, vừa có tâm hồn phối hình, phối cảnh của một công trình sư, để sự phong phú về chi tiết làm đẹp cái duyên chung của đặc thù tổng thể.

Khó nhất là giữ được phong độ của các chậu kiểng quanh hòn non bộ. Cây sung, cây bồ đề, cây sanh, cây nguyệt quế... nếu đầy đủ yêu cầu đất, nước, ánh sáng để sinh trưởng, cây có thể cao tới mươi mười lăm mét và gốc to vài ba người ôm không xuể là chuyện thường. Nhưng một khi được trồng trong chậu, làm thế nào trong năm, bảy chục năm, cây chỉ cao năm sáu mươi phân là cùng mà vẫn có dáng cổ thụ, rườm rà rễ cành, gồ ghề rêu phong cổ kính. Yêu cầu khắc nghiệt của một chậu kiểng đẹp là: lâu năm, gốc to, cây thấp, cành lá phong lưu nhưng có dáng bề thế. Chính yêu cầu đó đã giữ được hài hòa trong kiến trúc nhà, vườn.

Một đặc điểm của người Huế là trầm lặng, kín đáo, giàu nội tâm và cũng ưa lý sự. Tính cách ấy hợp với phong cách chơi hoa của các nhà nho: chơi hoa để ký thác tâm trạng mình trong chậu cảnh, mượn cảnh thay lời. Người Huế thích trồng cây mộc, cây sói, cây ngâu. Vì các loài cây này kín tiếng ở màu hoa nhưng đài các nơi hương thơm. Khóm trúc trước nhà nói với khách đến thăm rằng ông chủ là người quân tử đó. Nếu gặp khóm mẫu đơn trồng trên lối vào, xin hãy nhớ truyền thuyết lục mẫu đơn xưa. Võ Hậu* là người kiêu căng, quyền thế. Một buổi sáng bà ra thăm vườn hoa trong cung cấm, không hiểu sao tất cả các loài hoa không chịu nở. Bà ra lệnh cho các loài hoa một giờ sau phải nở hết cho bà thưởng ngoạn. Một giờ sau Võ Hậu quay lại. Các loài hoa khác đã nở hết, duy chỉ lục mẫu đơn vẫn đứng trơ trơ. Tức giận, Võ Hậu bắt lục mẫu đơn đi đày. Mẫu đơn thà giữ khí tiết chịu đi đày chứ không chịu nở làm vui lòng Võ Hậu. Phải biết cái hàm ý ấy mà xử sự với người mình sắp gặp. Và người trồng hoa hàm tiếu ngậm nửa miệng cười kia hẳn là người đang bất mãn sự đời, có được tiếp đón bằng nụ cười ruồi cũng đừng lấy làm lạ...

Nhưng nói tới hoa ở Huế mà không kể đến hoa mai là sai lầm đó. Cây thông với Noel của người phương Tây, cây đào với mùa xuân của người Hà Nội thế nào thì cây mai với người Huế thế ấy.

Không phải tôi dễ dàng nhận ra điều đó đâu, cách đây hơn mười năm. Bấy giờ là mùa xuân 1971. Tôi và Hoàng Phủ Ngọc Tường đi công tác đang bực bội vì bị lạc trong rừng lúng túng như gà mắc tóc chưa tìm ra được đường đi. Bỗng nghe Hoàng Phủ bất giác kêu lên:

- Hoàng mai đây này!

Rồi anh thầm thì, không rõ nói với tôi, với hoa mai hay độc thoại với chính nỗi niềm đang rung động trong anh.

- Cây mai phong vận, đẹp mà cốt cách, cho nên cây nào có cành ngang thưa gầy và cành già kỳ quái là quý hơn cả. Đến Tết hoa nở thì hoa mai nở trước tiên. “Tuyết trung vị luận điều canh sự. Tiên hướng bách hoa đầu thượng khai”.

Vừa nói anh vừa ngửa mặt tìm quanh quẩn một dáng mai rừng. Còn tôi thì ngắm gương mặt anh hốc hác vì những năm tháng gian lao. Phải sau này, về Huế, tôi mới chấp nhận nỗi si mê của anh là có lý.

Vùng núi Tứ Tây, Ngũ Tây ngoại vi Huế đất sỏi đá cằn. Nơi đây vốn là những rừng mai có dáng đẹp. Nhưng quý nhất ở Huế là mai uốn thế, trồng trong chậu. Phải trồng trong chậu mới xoay cho gốc cây mai đều được hưởng nắng trời, tránh sự phát triển tự nhiên, lệch lạc, cành nào có dáng đẹp thì để, cành nào phá thế thì cắt tỉa ngay đi. Người chơi hoa có ý là phải biết tìm ngay trong hình của cây mà tạo dáng cho cây từ nhỏ. Chọn khi cây đúng độ mềm là phải uốn ngay, không vội, từ từ, kiên nhẫn, mỗi ngày một tí chút thì mười, mười lăm năm sau mới được dáng cây đẹp mình thích. Chế độ chăm sóc cũng hết sức công phu, hơn cả các chậu kiểng khác, để dáng mai cũng hòa nhập trong kiến trúc chung của nhà và vườn. Sao cho đúng lúc xuân về cả hàng trăm bông mai cùng nở bung ra một lúc, rực rỡ mà gọn gàng, khuôn phép, chậu hoa này tạo thế cho chậu hoa khác mà vẫn giữ được cốt cách riêng của từng loài góp vào vườn cây cảnh những dáng xuân riêng.

Nói đến mai, người Huế hay nhắc tới hai chậu mai uốn thế trên trăm tuổi, rất đẹp của chùa Bảo Quốc đã nhận hai huy chương vàng trong hội hoa xuân toàn quốc. Nhưng người chơi hoa Huế rất tự hào về cây mai uốn thế nhà ông Đường ở Long Thọ. Cây mai này đã được giữ gìn, truyền qua nhiều đời mà vẫn cứ đẹp, cốt cách càng nhìn càng ưa. Thời Ngô Đình Diệm chấp chính, Ngô Đình Cẩn quyền thế nhất miền Trung. Cây cảnh hoa đẹp thiếu gì, cần gì có nấy. Vậy mà Cẩn vẫn mê say cây mai nhà ông Đường. Cẩn gạ mua, rồi đòi đổi cả những tòa nhà tùy ý chủ nhân chọn, miễn là Cẩn có cây mai. Nhưng ông Đường không chịu, phải vin đến cớ mê tín dị đoan, cây mai mới thoát được tay Cẩn. Thế mới biết mai uốn thế ở Huế nổi tiếng là phải, nhất là dưới mắt những người biết chơi hoa.

Chơi hoa mai, phải nói đó là phong cách của người Huế. Chẳng vậy mà, dù nhà nào cũng đã trồng mai rồi, có nhà năm bảy cây, vậy mà phiên chợ hoa mùa Tết Nguyên đán hàng năm mở giữa đường Trần Hưng Đạo, có hàng ngàn cành mai đem bán, năm nào mai cũng hết trơn. Hầu như đòi hỏi ấy mỗi ngày một cao, một nhiều. Nhất là những cành mai đẹp đúng với phong cách chơi hoa của người Huế.

Nghề chơi cũng lắm công phu. Đọc câu ngạn ngữ “Nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa” đủ biết hoa đòi sự nuông chiều biết bao, chơi hoa công phu biết bao. Nhưng hễ việc gì ta đổ sức vào nhiều thì ta cũng sẽ tìm thấy ở đó nhiều niềm vui lý thú lắm khi bất ngờ.

Anh Hòa kỹ sư có lần tâm sự với tôi:

- Tài thật, mình chẳng để ý, nhưng đúng thế! Mỗi khi trong người mệt mỏi, rã rời, sợ nằm bẹp mất, mình đạp xe quanh quanh mấy vườn hoa, tự dưng cơn mệt mỏi tan biến đi lúc nào không biết. E mình đã bước vào tuổi già, tuổi chơi hoa, chơi kiểng.

Tôi đồng ý với anh, mỗi tuổi đều tìm thấy ở hoa những lý thú riêng. Riêng xem hoa quỳnh nở cung bậc lý thú có khác nhau, song hầu như ai cũng đều náo nức, vừa thấy mầm nụ nhú ra nơi mắt lá là đã hồ hởi đi thông báo khắp bạn bè. Đêm xem hoa quỳnh nở là một đêm đầy kỷ niệm. Bạn bè đem bia, đem rượu theo, chủ nhà đốt một tràng pháo báo cho láng giềng biết niềm vui ở nhà mình. Thắp đèn sáng lên. Quạt hương trầm lên. Ai nấy đều nín thở để nghe rõ từng cánh hoa trắng muốt tách nở, tròn mắt nhìn cho tường tận từng nét nhụy uyển chuyển như dáng người chèo đò với con thuyền mảnh mai đang từ trong huyền thoại đi vào đời. Xin hãy nhè nhẹ thở để tận hưởng trọn vẹn hương thơm dịu dàng rất hiếm thấy của hoa quỳnh. Rồi bạn bè nâng chén rượu chúc nhau, rồi làm thơ vịnh hoa và làm thơ thù tạc tặng nhau mãi cho đến khi những cánh hoa quỳnh trắng trong kia từ từ khép lại.

Ở Huế có lẽ chỉ hoa quỳnh là có cách chơi chung, còn các loài hoa khác mỗi người đều theo một cách riêng của mình. Tôi có đi thăm nhiều người chơi hoa ở Huế, đúng là không ai giống ai, không ai bắt chước ai, mỗi tính cách, một dáng riêng, một vẻ riêng, tùy hứng.

Bác Duẩn kiên nhẫn đến cầu kỳ, tìm bằng được những giống hoa quý và lạ. Trong số rất ít người ở Huế, bác giữ được cây trà my. Và đứng trước vườn hồng rực rỡ của bác, các họa sĩ cũng phải ngẩn ngơ về sự nhuộm màu tuyệt vời của tạo hóa. Bác Tùng có một đặc tài trồng cúc. Bí quyết của bác là đất trồng và thời gian ươm cây. Cúc của bác có dáng thanh tao, lá không hề rụng một chiếc nào và khi nở thì nở rộ đúng trong một ngày định trước. Xin giống cúc mới ở Hà Nội về, nhưng người giành huy chương vàng về hoa cúc trong hội hoa xuân Hà Nội lại chính là bác. Nhà bác An không có tấc đất, nhưng trên sân thượng lầu hai của bác có cả một rừng cây thụ nho. Mỗi cây được chia một phần đất trong chậu sành. Ngay cả những ngày nam hạn, rừng cây của bác vẫn xanh tươi. Tôi nhận ra ở đây một sự giao cảm lạ lùng. Không hiểu bác An yêu rừng cây của bác hơn, hay chính rừng cây ấy yêu bác hơn? Bác Thiện cũng trồng cây kiểng nhưng bác thích chơi bộ rễ xù xì. Gây được giống rồi, mỗi năm bác khoét đất trên mặt gốc sâu xuống một chút lùa rễ cắm xuống sâu hơn. Cứ thế, chọn lọc, cắt tỉa, uốn rễ theo ý mình. Mười năm sau mới có một bộ rễ hoàn chỉnh, mỗi bộ rễ trong vườn của bác mang một hình tượng phơi trần trên mặt đất, độc đáo, lạ kỳ được rất nhiều bạn bè chiêm ngưỡng, tấm tắc ngợi khen. Bác Tâm năm nay bảy mươi sáu tuổi mới thật đích thực là nghệ nhân trong nghề chơi cây cảnh. Mỗi chậu kiểng của bác xứng đáng là một tác phẩm nghệ thuật. Bác đi tận Gò Công để kiếm bằng được giống mai chiếu thủy mang về cho vườn cây kiểng của mình. Cách chăm sóc cây của bác cũng khác. “Có người thay đất cho chậu kiểng. Tôi không làm vậy. Một năm vài lần tôi cắm lỗ trong chậu kiểng rồi bắt giun nhỏ bỏ vào. Giun sẽ giúp tôi xoi những lỗ hổng trong đó. Nhưng để giun lâu, lớn lên bám ăn sẽ làm hỏng bộ rễ cây của mình. Lúc ấy tôi pha nước vôi trong đổ vào. Giun sẽ ngạt, ngoi lên hết. Bắt giun xong, phải rửa kỹ nước vôi trong chậu, không cây sẽ chết mất, làm cách ấy, tôi đã xới đất được cho cây, đưa không khí vào đất”.

Bác cười rất tươi, chòm râu bạc rung rung, hiền từ. Trước nhà, bác xây hiên Lãm Thúy, hay còn gọi là Tri Âm Các để bạn bè ngồi ngắm trăng, thưởng thức hoa và làm thơ ngâm vịnh.

Đây hiên Lãm Thúy cỏ cây nhà
Rèm lục quanh thềm rũ thướt tha
Hoa là sương mai ngời sắc thắm
Mai tùng nắng sớm rọi phên ngà.

Đó là đoạn thơ bác viết về Tri Âm Các của mình. Ngồi nói chuyện hoa, bác như quên tuổi già, tâm hồn bác như sinh ra để dành cho cây cỏ vậy.

Như bác Tâm, bác Duẩn, bác Thiện, mỗi người Huế đều yêu hoa vì vậy mỗi mảnh vườn nhà là một vườn hoa nhỏ, nhà nào không có vườn cũng tạo cho mình một gốc hoa leo: hoa lý, hoa pháo, hoa ti gôn vừa trang trí bài sắc cảnh nhà vừa che nắng. Hàng trăm ngôi chùa ở Huế, mỗi ngôi chùa một vẻ đẹp riêng và cũng có những vườn hoa riêng. Vườn trúc bên bờ suối Trà Am, Hoàng Mai trong chùa Hồng Ân, hoa súng trên hồ bán nguyệt chùa Từ Hiếu, giàn phong lan chùa Huyền Không bổ sung những vẻ đẹp đáng kể cho những vườn hoa ở Huế. Lớn hơn là những vườn hoa trong cung điện, lăng tẩm rồi đến những vùng trồng hoa truyền thống cung cấp hoa bốn mùa cho thành phố như Tiên Nộn, Bãi Dâu, Vĩ Dạ, Kim Long. Và bây giờ lớn nhất, bề thế nhất là vườn cây hoa, chậu cảnh, chuyên ươm giống trồng hoa thuộc cơ quan công trình công cộng thành phố với những kỹ sư phụ trách chuyên ngành.

Có hoa chắc chắn Huế sẽ tăng thêm vẻ đẹp hơn nhiều. Thiên nhiên đã ưu đãi cho ta một địa thế hiếm có. Trường Sơn xoải chân vào tận trong thành phố. Một dòng sông duyên dáng vắt qua. Những đêm yên tĩnh nghe rõ cả tiếng sóng biển ầm ì. Nhiều đêm tôi lang thang trên đường phố một mình. Trời cao. Bóng cây mờ ảo. Ánh điện lung linh. Tất cả soi vào mặt nước sông Hương phẳng lặng. Hương long não thoang thoảng dọc đường Lê Lợi, đường Nguyễn Huệ thơm nức hương ngọc lan. Thành Nội thì hầu như cả bốn mùa không bao giờ cạn hương lá, hương hoa. Mùa sứ Thái Hòa, mùa sen trắng Tịnh Tâm thì khỏi nói. Những lúc ấy đi giữa thành phố mà tôi cảm giác như mình đang đi trong huyền thoại.

Rồi đây thành quách, lăng tẩm, điện đài sẽ được sửa sang, vườn thượng uyển sẽ được phục hồi. Tịnh Tâm sẽ được tu bổ. Các loài hoa quý ở Huế sẽ được tìm giống cây trồng lại cho đúng vị trí của chúng với truyền thống và ước mơ của thành phố mình. Kiến trúc lịch sử sẽ đứng bên kiến trúc hiện đại hài hòa với nhau vẻ hài hòa trong cả thế sông, thế núi, biển trời, tôn thêm vẻ đẹp của nhau lên. Sông Hương sẽ không chỉ thơm từ thượng lưu cây cỏ trên rừng mà thơm ngay từ hương thơm ngàn hoa đua sắc trên công viên đôi bờ tràn xuống. Cây và hoa, cá và chim không chỉ mang dáng dấp Việt Nam mà đầy phong cách Huế, đủ để tự say lòng mình và đủ để say lòng cả những khách viễn du.

N.Q.H
(TCSH412/06-2023)

-----------------------------
* Võ Tắc Thiên, nữ hoàng duy nhất của thời Đường, Trung Quốc.

 

 

Các bài mới
Lập công (24/07/2023)
Các bài đã đăng
Thư cuối năm (31/03/2023)