HOÀNG ĐĂNG KHOA
Tùy bút
1.
Đồi Thiên An một khoảng trời chiều, những rặng thông vi vu gió, mơn man nắng và Kha đến, ngày lớp tôi dã ngoại cuối tuần.
Từ cuối năm nhất đại học, tôi đã nghe lớp kháo chuyện cô bạn Mắt Nâu lên chùa học ôn thi thì phải lòng một thầy tu.
Và hôm đó, tôi được mục sở thị Kha.
Một ngày, tôi thủ vai “đi chơi chùa cùng mấy đứa bạn, tranh thủ ghé Kha”. Trai phòng với bộ phản mát lạnh, “tịnh vô trần”, kệ sách lớn. Kha là sinh viên khoa tiếng Trung.
Mùa tốt nghiệp, gặp lại Kha. Bất ngờ khi Kha không còn trong trang phục nhà chùa.
Những ngày cuối cùng tháng năm đại học, tôi và Kha đã kịp là bạn. Và là bạn như thể không còn kịp.
Thì ra, từ lâu Kha đã thầm đáp lại tình yêu của Mắt Nâu. Nhưng, oái oăm thay, không hiểu lý do gì mà khi Kha quyết định hoàn tục thì Mắt Nâu lại từ chối Kha.
Ngày chia tay tôi, khóe mắt Kha rơm rớm nước. Kha cứ bất an, rằng Mắt Nâu rồi sẽ khó hạnh phúc. Tháng tới, Kha sẽ sang Đài Loan làm cho công ty liên doanh gốm sứ. Kha sẽ thường xuyên liên lạc cho tôi.
Chín năm sau, tôi bay vào Sài Gòn thăm Kha. Lúc này Kha đã về đây làm việc và yên bề gia thất với một cô gái người Bắc cùng làm việc tại Đài Loan trước đó.
Sau chuyến gặp nhau tại Sài Gòn ít lâu, tôi gọi cho Kha mấy lần đều không được. Tôi hơi buồn vì đã dặn Kha là nếu có thay số thì nhớ báo để giữ liên lạc.
Tôi cứ ám ảnh bởi Kha, lùng sục khắp Facebook, Zalo, Google mà không thấy Kha đâu.
Một hôm, tôi khấp khởi mừng khi có được Facebook, số điện thoại của người bạn cùng lớp đại học với Kha ngày trước. Nhưng, người bạn đó cho hay, Kha đã mất vì tai nạn gần chục năm rồi.
Nỗi ám ảnh về Kha trong tôi từ dạo ấy mới là chính thức.
2.
Tôi ám ảnh về nỗi cô đơn của Kha. Nỗi cô đơn như cái bóng Kha liêu xiêu lều nghều ngày tôi lên chùa tìm gặp Kha. Kha đã thoát tục để dầm mình trong cõi tịch lặng thâm u này bao nhiêu lâu? Nỗi cô đơn giăng ngập đôi mắt Kha ngày tôi vào Sài Gòn thăm Kha. Nhà trọ của Kha bé tin hin, vào đó phải đi qua một cái ngách cũng bé tin hin, không có cơ hội để hai con dê húc nhau, vì chỉ đi lọt được một con, còn một con thì phải dừng xe tắt máy chờ ở ngoài cửa lỗ. Mẹ vợ Kha từ Bắc vào chăm cháu. Vợ Kha đang lúi húi làm gì đó, không mấy mặn mà khi khách đến nhà. Kha và vợ lấy nhau vì yêu nhau, hay vì không chịu nổi nỗi bơ vơ nơi xứ người mà quáng quàng tấp dạt vào nhau, hay vì lý do gì khác? Trước khi nhắm mắt xuôi tay mang theo khối cô đơn câm nín xuống tuyền đài, trong tia hồi quang của Kha là ảnh hình của vợ, của Mắt Nâu, hay của ai?
3.
"Có phải chúng ta đang bị tự nhiên lừa/ để kéo dài sự sống". Đây là hai câu thơ của thi sĩ Trương Đăng Dung, dựa trên ý của triết gia vĩ đại người Đức Arthur Schopenhauer. Theo đó, cái gọi là tình yêu đã bị đặt vào tình thế giải thiêng, hoài nghi, chất vấn. Con tạo khéo bày trò lừa mị con người, để rồi giống đực và giống cái ngộ tưởng yêu nhau mà đến với nhau, phối trộn cùng nhau, để lại tạo sinh ra những con người, để nhân loại được trì bồi miên viễn.
Nếu bảo tình yêu chỉ là một thứ bánh vẽ thì có phần bi quan cực đoan. Thực tế vẫn nổ ra những tiếng sét ái tình và hai mảnh rời ghép vào nhau tương hợp một cách kỳ lạ, cùng nhau trọn đời, bốn mùa một mùa yêu. Tuy nhiên, vật lạ của thiêng thì không nhiều. Đa phần là những cuộc ghép gán ghép gượng trục trặc khấp khểnh. Nguy cơ bung toang luôn chực chờ. Ấy là khi người ta cưới nhau chẳng phải vì yêu nhau. Mà có cưới nhau vì yêu nhau đi chăng nữa thì tình yêu cũng sẽ bị ăn mòn bởi thứ a xít cực mạnh có tên là hôn nhân. Yêu nhau lắm thì sống với nhau dễ cắn xé nhau, niềm đau vỡ, tình ơi là tình. Mà không cần gói buộc vào hôn nhân thì tình yêu cũng phôi pha bão hòa dần bởi quy luật vô thường, ít nhất là vơi “một nửa”. Chung thủy, trước sau như một, là không tưởng. Tình cảm chứ có phải đá tảng đâu mà kiên định vững vàng. Đời trôi chảy lòng ta không vĩnh viễn (thơ Xuân Diệu). Người đổi thay năm tháng cũng qua đi/ giữa thế giới mong manh nhiều biến đổi (thơ Lưu Quang Vũ). Chúng ta cô đơn trong khu rừng đời mình/ chúng ta cô đơn trong vòng ôm của mình (thơ Bạch Diệp). Còn vốn dĩ đã không yêu nhau thì hôn nhân là biểu hiện sinh động của oán tắng hội khổ, của đồng sàng dị mộng, của đi bên cạnh đời nhau với ái ân lạt lẽo. Đã đành là không tình thì nghĩa. Nhưng nhiều trường hợp, tình không mà nghĩa cũng không, thế mà người ta vẫn ru lòng, thôi thì vì con mà tiếp tục chung sống.
Tiểu thuyết Trong một đêm tối trời tôi ra khỏi ngôi nhà tịch mịch của mình của nhà văn người Áo Peter Handke (Nobel văn chương 2019) có nhân vật chính là một dược sĩ sống ở Taxham ghẻ lạnh với vợ con và với chính ngôi nhà nhỏ của mình. "Họ sống tách biệt, mỗi người có khu vực riêng; khi sang khu vực kia phải gõ cửa; ngay cả ở những không gian chung - như lối vào, hầm, vườn vẫn có những vách ngăn hữu hình và vô hình, và ở những nơi mà điều đó khó thực hiện - như trong bếp - họ sống lệch pha nhau".
Lệch pha nhau như là một trạng huống hiển nhiên tất yếu của nhiều cặp vợ chồng. Làm sao không lệch pha cho được khi hai con người vốn hoàn toàn xa lạ lại về chung một nhà. Anh em cùng chia giọt máu cùng liền khúc ruột mà còn mỗi người một tính thường khi bất hòa, nữa là… Mà một khi đã lệch pha thì người ta phải cố kê so cho bằng. Họ nghĩ ra đủ muôn nghìn kế để đối phó nhau, để có thể duy trì cái sự chung sống trong hòa bình, cơm gồng mình lên mà lành canh nêm bồ hòn mà ngọt, thân cơm cơm lo hồn canh canh giữ.
Chừng nào con người ta chưa đi hết số mệnh của mình, chưa đi hết duyên nợ với nhau thì chừng đó họ còn phải sống chung. Sống chung là một nghệ thuật, đặc biệt là sống chung với… địch. Nghệ thuật của sự cương quyết khôn khéo. Nghệ thuật của vào vai và diễn. Nghệ thuật của sự kiên nhẫn. Một lần tôi cùng ông bạn vong niên vào Huế, bạn của ông là một nữ hiệu trưởng cấp ba tài sắc tuổi ngũ tuần mời cơm tối. Đang ăn thì cô con gái của chị gọi tới. Chị ngồi tại chỗ nghe máy, bảo mẹ đang đi tiếp khách, nếu ba có gọi cho con thì con nói là mẹ đang ở nhà con nhé. Đấy, ngay cả khi người ta không làm điều gì khuất lấp thì họ cũng buộc lòng phải nói dối. Đó là lời nói dối vô hại, là nói dối để toại lòng nhau, cũng là một cách ngấm ngầm dằn mặt nhau, rằng nghe rõ chưa, cứ nghi ngờ cho lắm vào. Còn những khi người ta làm điều khuất lấp ngoài chồng ngoài vợ thì sao? Thì khi về nhà người ta sẽ tỏ ra tử tế chu toàn với chồng, vợ của họ hơn, như là một sự chuộc lỗi, một sự đền bù, và một sự ngụy trang nghi binh đánh lừa. Đêm ôm vợ thấy lòng giật thót/ thương con thuyền đầu bãi đứng chơ vơ (thơ Trần Anh Trang).
Nhà văn Hồ Anh Thái có một tiểu luận mang tên Sống là gây hại. Phải, mỗi ngày sống là một ngày làm đau người khác, khi vô tình, lúc cố ý. Xâm hại là một trong những bản năng người. Vậy nên, sống chung là chịu đựng, là chấp nhận, là thỏa hiệp. Sống chung rất cần sự bao dung.
4.
Một hôm giữa mùa Covid, tôi đi bộ ra hồ Tây. Trên những chiếc ghế dài đặt ven hồ phía Cổ Ngư xưa là các cặp cụ ông cụ bà. Xe máy 81, 86 dựng sát bên, cụ ông nhiều người sơ vin thắt lưng bộ đội, cụ bà ai nấy tóc phi dê, họ hoặc chụm vào nhau thủ thỉ hoặc ngồi im lặng bên nhau ngắm hồ, yên lành như dịch sắp qua, như không hề tồn tại cái gọi là dịch.
Còn gì đẹp trên đời hơn thế, khi mà con người ta đã đi sắp trọn kiếp mình, với tất cả đắng ngọt đàn bà đàn ông phận mình. Ai mà biết được mỗi người trong từng cặp người kia tựa ghế đá nhìn xa nghĩ ngợi gì. Chỉ biết là tầm tuổi này mà các cụ vẫn ngồi đây cùng nhau, thì hẳn nhiên là họ chẳng thoắt gãy cành thiên hương, bởi trọng bệnh, bởi tai nạn tai ương, hay có khi chẳng bởi gì, chỉ là ngủ rồi không dậy nữa. Họ cũng chẳng giữa đường đứt gánh tương tư, về già vẫn có nhau bên đời, cùng nhau bầu bạn, cùng nhau vui hưởng những khoảnh khắc ngoài cháu ngoài con.
Trời thường nghĩ đủ trò hành người, người thường nghĩ đủ trò hành nhau. Đời người vừa ngắn ngủn vừa dài dặc. Mấy đôi chồng vợ được như các cặp cụ ông cụ bà nói trên, cuối đời an nhiên. Happy ending.
H.Đ.K
(TCSH51SDB/12-2023)