NGUYỄN HỮU TẤN
Bút ký
Con chim phượng hoàng bay về hòn núi bạc
(Hò giã gạo Huế)
Ở Aomori xa xôi thuộc vùng Đông Bắc của Nhật Bản, có một ngọn núi thiêng liêng tên là Osorezan mà dân bản địa xưa kia trong truyện kể dân gian đã gọi một cách tôn kính là ngọn núi linh hồn. Vì trong niềm tin của tổ tiên người Nhật bản địa cổ sơ, khi ai đó chết đi, thì linh hồn sẽ quay về trên ngọn núi này.
Một ngày tháng Tám thật bâng khuâng, nắng cao lồng lộng, bỗng nghe mình hồn nhiên như lá, lên sân ga Sendai và ngồi vào một chuyến xe bất kỳ rồi đọc sách. Tàu cứ trôi và tôi cứ chìm vào trong từng con chữ. Người ngoài sống trên đất Nhật, không ai không thử một lần làm chuyến đi vô định tạm thời kiểu ấy. Nhất là những khi cảm thấy bí bách đến ngột thở vì cuộc sống như cỏ khô trên đất lạ quê người. Rồi đúng nghĩa, ma đưa lối quỷ đưa đường, lại tìm những chốn đoạn trường mà đi, khi rời mắt khỏi cuốn sách tôi đã tới một nơi heo hút miền sơn cước của Miyagi và trước mắt tôi, chơ vơ một chuyến xe bus lên Aomori. Đường lên Aomori trập trùng mây gió, tôi đã đi qua những dãy núi trắng những con sông lam để đến được vùng đất từ trong huyền thoại của tâm hồn Nhật Bản.
Khi đứng dưới bức tượng Địa Tạng, mà tự trong đầu tôi đã vang lên tên gọi là Bồ Tát lĩnh, tự nhiên thấy có một cái gì thân thuộc đang rờn rợn chạy dọc từ châu thân rồi tụ lại ở nơi ngực nơi tim mình. Cái chi ở đây mà sao tôi quen đến như vậy? Tôi không cách chi tìm ra được lý do của cảm giác lúc đó, cho tới khi, người bạn thương mến cất tiếng:
- Răng ở đây lại nghe thấy mùi như mùi trầm hương nhang khói ở Huế mình ngày rằm ghê. Chắc đang nhớ Huế phải không?
Thì ra là vậy, mùi trầm hương mùi nhang khói, mùi khấn nguyện của chúng sinh và mùi từ bi của thánh thần đã làm cho người yêu dấu của tôi luôn nhận ra Huế đang phảng phất trong lòng tôi như một số phận đã đành. Tôi bước đi mải mê mà nghe mỗi bước chân hoàn toàn rơi vào trong một vùng không gian mù sương. Ở phía cuối vùng mù sương bỗng thấy vàng rực lụa là màu nắng trời Huế. Cuối cùng thì, đi góc biển chân trời nào rồi cả lòng mình, Huế vẫn là thế giới riêng tư, thế giới mà cả tâm hồn và thể xác đều ao ước quy cố hương.
Mùi nhang khói mùi trầm hương mà tôi nghe thấy đó, thật ra, bốc lên từ sâu thẳm dưới lòng đất, mà nơi đây vốn là miệng của một ngọn núi lửa và hơi dung nham bốc lên từ những kẽ nứt trong đất. Nhưng có lẽ do thành phần hóa học nào đó thuộc về cấu trúc địa chất nơi đây, mà hơi lưu huỳnh lại gây ra mùi hương ảo giác như mùi nhang khói cùng với địa hình cằn cỗi của vùng núi lửa đúng như trong hình dung về địa ngục của tín ngưỡng bản địa lẫn truyền thống Phật giáo sau này, người Ainu cổ xưa và tổ tiên người Nhật đã coi đây là vùng đất tiếp giáp với thế giới bên kia. Osorezan do đó, có nghĩa gốc của tiếng Nhật lẫn tiếng Ainu cổ là ngọn núi của sự sợ hãi, ngọn núi của cõi chết. Ở chừng mực nào đó, có lẽ cái mùi hương ảo giác ấy đã gây ra cho con người một cảm giác bị thôi miên trong tâm tưởng để rồi quay về miền cội nguồn từ cõi vô thức. Lần đầu tiên trong những ngày tha hương biệt xứ, tôi thấy mình có một sự đồng cảm với nỗi u buồn xa xôi của người Nhật, sự buồn thương pha lẫn nỗi lưu luyến giữa tồn tại hiện thế và hư vô vĩnh cửu. Vọng lại giữa lòng tôi là lời thơ sầu muộn tựa hồ như muôn vàn cánh hoa bay tả tơi trong gió của Ono no Komachi. Nàng là một cô gái đang độ xuân thì, một chiều mùa xuân, nhìn qua màn mưa bụi mờ mờ đã buồn bã nhận ra nhan sắc của mình cũng sẽ sớm tàn tạ như muôn xác hoa đào nọ. Không chỉ khóc thương cho nhan sắc của mình, nàng còn nhìn ra mọi hình tướng của thế gian này rồi cũng chỉ là giả tướng của hư không.
Nỗi u huyền càng lúc càng kéo bước tôi đi thêm hun hút vào cõi xa mờ để rồi cuối cùng, tôi cũng đã đặt chân tới cây cầu bắc qua sông Tam Đồ trong truyền thuyết địa phương mà tên gọi tiếng Nhật là Sanzugawa. Ở trên cây cầu này, linh hồn sẽ được đưa đi vào một trong ba con đường là Ngạ Quỷ, Súc Sinh và Địa Ngục. Tôi bâng khuâng tự hỏi: không biết ngàn năm trước, Murasaki Shikibu khi viết chương cuối cùng của thiên cổ kiệt tác là Truyện kể Genji, bà có đến chiếc cầu này không? Để rồi chương cuối cùng, Mộng Phù Kiều đã kết thúc tác phẩm như một niệm khúc vô thường, mà tôi vẫn luôn tin rằng: hẳn trong cuộc đời thâm cung và chứng kiến biết bao nhiêu biến đổi của thế sự nhân tình, bà đã ký thác nỗi buồn của hiện sinh phù du. Bây giờ ta đã đứng, bên kia Mộng Phù Kiều… câu văn đẹp quá, đẹp như ánh mắt ai đang đợi chờ ai đó để tạ từ trong đêm sau cuối trên cõi thế.
Tháng Tám ở vùng núi rừng Aomori sương khói bảng lảng như lời kinh Sám Hối vời vợi. Màu lam tro của nước sông lại càng mơ hồ hơn, từ trên đỉnh dốc tượng Địa Tạng nhìn xuống, mặt sông như ánh mắt âm dương có thể nhìn xuyên suốt qua tấm thân tứ đại vốn dĩ đã mang đầy tục lụy của khách hành hương. Một cảm giác như tiếng pha lê vỡ giòn giã thành từng mảnh vỡ sắc cạnh đâm sâu vào tâm hồn tôi quá đỗi ngọt ngào. Trong tâm trí tôi chợt hiện ra xứ Huế xanh mù ảo hoa của những hành trình đi về giữa thần linh và thân phận. Và điệu chầu văn, từ đâu đó trong âm thầm của ký ức, bỗng tưng bừng vang lên để toàn bộ máu huyết trong châu thân dường như cũng rộn rã theo. Sông Hương êm đềm như không chảy mà dưới lòng sông đố ai biết được có ngầm bao nhiêu thác sâu vực thẳm?
Điệu chầu văn trong tâm tưởng đẩy tôi lên miền không trung sáng rực, qua cung trời thương nhớ để tôi thấy mình đang trên chiếc bằng đi ngược sông Hương lên Điện Hòn Chén trong ngày tháng ấu thơ. Cho tới bây giờ, sau khi ngụp lặn qua bao nhiêu sách vở từ chương của nghiên cứu folklore, chìm đắm trong vô vàn tiếng nói cổ sơ của bao nhiêu dân tộc, đứng trước một linh tích của xứ người, tôi mới nghiệm lại được không khí mơ màng thần diệu của Huế, quê hương thần thoại của vô số hình sương bóng quế. Không, nói đúng hơn, tôi đã trở nên trong suốt như thời gian mà đi về giữa Huế ngày thực đêm mơ.
Tôi vẫn tin rằng, một ngày nào đó, tôi sẽ trở thành cây cỏ ngàn năm giữa Huế.
Còn ngay lúc này, linh hồn tôi đang về với ngọn núi Ngọc Trản phía thượng nguồn sông Hương.
Dường như dọc theo non nước Việt, mỗi con sông mỗi ngọn núi đều là cánh cửa để mở ra cõi huyền tích mà chúng ta hôm nay còn nghe thấy muôn ức giọng nói từ thiên thu vạn đại của thần và người đất Việt. Khởi đầu cho huyền sử linh thiêng của cội nguồn Việt là núi Nùng sông Nhị từ thuở Hồng Bàng. Long mạch của nước Việt nối tiếp theo dãy Trường Sơn từ phía bắc về đất Thuận Hóa là nơi của những anh hùng hào kiệt đời sau xuất thế lập thân, mà Lê Thánh Tôn, lúc đi ngang qua cửa Tư Hiền, đã phải cảm thán về cơ trời thay đổi: “Mai hậu thế sẽ có kẻ anh hùng xuất hiện làm nên đại nghiệp ở đây”. Theo như sách Đại Nam nhất thống chí, thì núi Ngọc Trản là một ngọn có hình dạng như cái chén ở phía tây Hương giang, đột ngột xuất hiện giữa đám quần sơn lô xô như rồng cuộn từ chân núi Trường Sơn bạt ngàn hùng vĩ. Dù không phải ở thế tổ sơn cho Phú Xuân như núi Kim Phụng gần đó hay đóng vai trò là bức bình phong cho Kinh thành như núi Ngự Bình theo phong thủy, nhưng Ngọc Trản, với cái tên xưa hơn là Hương Uyển sơn vẫn là đại danh sơn của cả trời Nam đất Việt.
Chạnh lòng nhớ một ngày rất xa xôi, khi đó lão sư của tôi vẫn còn, một thầy một trò cùng nhau đi trên con đò từ bến Đông Ba ngược quá Vạn Kim Long chèo mãi lên vùng sông nước của Điện Hòn Chén. Với con mắt của người đời xưa, đã kinh qua dâu bể của thời cuộc, thấu hết cái đạo của thiên địa, lão sư nói rằng ngọn núi này cứ theo quan niệm xưa, là nơi giao nhau giữa Trời và Đất. Mà những người am hiểu Dịch học còn sót lại ở Huế vẫn truyền đời niềm tin vùng đồi núi này nằm trên một cái trục thần linh gọi là Thiên địa trục.
Nhưng như câu cổ thi của người đời trước: “Thiếu thời đông khứ phục tây lai”, tuổi trẻ ham đi về phía Đông còn tuổi già lại trở về phía Tây, ở cái thời đầu xanh tuổi trẻ, tôi chỉ ơ hờ nghe lấy những câu chuyện của lão sư và lấy làm thú vị bởi những kinh nghiệm thần bí xa xưa mà không hề biết suy xét ý tứ của cổ nhân của tổ tiên. Cho đến khi bôn ba xứ người, sắp sửa tới tuổi nhi bất hoặc, trong tâm tưởng chợt hiện lên rõ ràng bóng dáng quê hương xứ sở thì mới thấy tiếc thương cho sự vô tâm và vô ý của mình đối với lời dạy của cổ nhân. Những lời dạy, những câu chuyện quá vãng mang đầy hơi hướm của tâm hồn đất Mẹ đã theo lớp người xưa cũ như lão sư mà phai nhòa đi. Hoặc như người đời nay nghe một câu chuyện mua vui giữa muôn vàn chuyện bí hiểm ly kỳ; hoặc là như châu báu ngọc ngà bị vùi lấp dưới đáy mộ thời gian rồi cũng hóa thành mùn tro cát bụi. Đó cũng là kinh nghiệm đáng buồn trong năm tháng tiếp theo của đời tôi. Tôi vẫn cho rằng, lão sư sẽ luôn đứng sau lưng mình để nhắc nhủ, chỉ dạy thêm, người sẽ như sông dài trời rộng, chỉ cần tôi quay về sẽ gặp người. Ai ngờ rằng, người đã rũ hết buồn vui, trả lại vinh hoa lẫn đoạn trường của một kiếp nhân sinh cho mây trời rồi thong thả thoát kiếp làm người. Lão sư ra đi, tôi mới thấy như thấm thía câu thơ mà người yêu thích: “Ảo não nhân tâm bất như thạch” (Không được như đá, lòng người toàn nỗi ưu phiền). Đó, cứ như ngọn núi Ngọc Trản phía tây Kinh thành, “niên niên ba lãng bất năng thôi”, hàng trăm ngàn năm trôi qua, sóng dội gió vùi mà vẫn trường cửu xanh tươi giữa đất trời bao la dầu thế cuộc biết bao nhiêu lần lở bồi hưng phế.
Có người từng cho rằng, cái tên Ngọc Trản (chén ngọc) là cách gọi mỹ miều cho cân xứng với địa danh bên kia là Ngọc Hồ (bầu ngọc). Nghe sao thì nói vậy! Nhưng với tôi, tôi vẫn tin vào cái nhìn của người xưa hơn. Quốc sử thời còn vua chúa chép rằng trên đỉnh núi Ngọc Trản có một vết lõm địa hình nhìn giống như hình cái miệng chén, mỗi lần mưa lớn, nước đọng lại một màu xanh như ngọc. Từ đó có tên là núi Ngọc Trản. Còn dân gian, không quan cách, không màu mè chữ nghĩa, trông bóng dáng ngọn núi tròn trịa như cái chén úp ngang lưng trời thì cứ ngay tên Hòn Chén mà gọi. Cho dù chén úp hay chén ngửa, theo phong thủy xưa, đều là thế đất sống động để hun đúc nên con người thanh tú ở chốn kinh đô. Bất giác, dường như có lời của thiên thu vọng lại, tôi nghiệm ra rằng vết lõm như miệng chén trên đầu núi Ngọc Trản dường như là một tích cho ân sủng của thần linh của nước Nam dân Nam trong cách nhìn thần bí của tổ tiên. Có ngẫu nhiên không khi bà mẹ Thánh Gióng vô tình dẫm vào hay uống nước đọng trong vết lõm khổng lồ trên núi để hoài thai ra vị thánh bất tử của chí khí Việt của sức mạnh Việt? Khi tái thiết kinh đô và tạo dựng vương triều, sử quan và các vua Nguyễn đã có một hình dung về tính linh thiêng được ban phát bởi thiên mệnh và dấu lõm trên đỉnh núi Ngọc Trản là sự di truyền ký ức từ tổ tiên xưa kia, được coi là dấu chỉ của sự ban phước từ trời. Còn trong cách nghĩ của dân gian, ngọn núi có hình dạng cái chén úp được bao bọc bởi truyền thống tư duy vật linh của tín ngưỡng bản địa lẫn tín ngưỡng cộng cư, lại là nơi tiếp giáp giữa Trời - Đất - Nước. Mọi dân tộc trên cõi sống này, từ thuở sơ khai, ký ức chủng tộc đã hằn sâu sự sùng bái về núi và sông. Nếu núi là nơi mà con người có thể thông linh với vạn vật với vũ trụ thì sông là nơi con người nhìn thấy tiền kiếp cũng như hậu kiếp của mình. Có ai đó về qua những trang lịch sử đã hóa thành đá sỏi, biến thành ma trơi của một giống dân vong quốc, sẽ bắt gặp được ánh lửa thần thiêng trong đêm, từ khi người Chiêm Thành hiện diện họ đã chọn ngọn núi này để làm thành một cái đàn tế chất chứa tấm lòng sùng kính với thánh thần. Dấu tích của linh hồn Chiêm Thành rõ nhất ở Ngọc Trản là thờ cặp đôi Thần Đất và Thần Nước mà nói như sách xưa miêu tả: “Sơn bất tại cao, hữu tiên tắc danh; Thủy bất tại thâm, hữu long tắc linh”. Đại Nam nhất thống chí ghi rõ: lưng chừng núi Ngọc Trản có linh từ, tên cũ là đền Hàm Long, thờ Thiên Y A Na Diễn Phi Chủ Ngọc và Thủy Long tôn thần. Mà Thiên Y A Na với Thủy Long tôn thần là tên tôn hiệu Việt của Mẹ Đất - Mẹ Xứ Sở và Mẹ Sông Nước trong tín ngưỡng và tôn giáo của người Chiêm Thành. Theo những nghệ nhân đồ mã gia truyền truyền đời lại: ngày xưa, lễ hội Điện Hòn Chén thường tổ chức từ nửa đêm. Một vùng sông núi nước non Ngọc Trản uy nghi và thêm bội phần linh thiêng trong màn đêm dày đặc như lịch sử câm lặng ngàn vạn năm theo lời ca điệu múa chập chờn hoa lửa của tín đồ đạo Mẫu. Và truy ngược xa về thượng nguồn lịch sử nữa, có thể đó là sự tiếp thu lễ tế thần của người chủ cũ Chiêm Thành chăng?
Khi nhớ lại những mẩu chuyện cũ càng này, tôi bất chợt có một suy nghĩ khác về tên gọi bất tử của sông Hương. Truyền thuyết trong dân gian kể lại rằng: (cho đến bây giờ tôi vẫn chưa khảo được từ sách vở nào dân gian kể lại) vì yêu mến con sông, người dân hai bên bờ đã nấu nước của muôn vàn loại cỏ thơm rồi đổ xuống dòng sông để nước sông luôn ngào ngạt hương. Thì chắc hẳn, tổ tiên chúng ta, vốn là lưu dân xứ Bắc vào đây đã kịp ghi nhớ lấy một tập tục thiêng liêng của nền văn minh chịu ảnh hưởng của Ấn Độ. Tập tục thiêng liêng ấy là nghi lễ thanh tẩy con sông thánh trong niềm tin tôn giáo mang tính chất Ấn Độ của người Chiêm Thành. Rất có thể, ở thời đại xa xưa, sông Hương được người Chiêm Thành linh hóa như con sông Hằng ở Ấn Độ. Bởi tắm nước sông thiêng và tôn thờ thần Shiva là hai hoạt động cốt yếu ở những sắc dân theo Ấn giáo.
Do vậy, sông Hương, trong ký ức cổ sơ, là dòng sông thần thánh mang đậm nhãn quan tâm linh, ẩn chứa trong lòng sông là vô vàn huyền thoại cùng với truyền thuyết tôn giáo của lớp người bản địa cũng như lớp người cộng cư nên nó không còn là con sông của thực tại nữa. Sông Hương là dòng sông của linh hồn, con sông hứng lấy hồn phách của số phận một dân tộc vong quốc mà lời sầu hận thiên thu không chịu tan biến với hư không cứ vang vọng triền miên qua mưa sầu gió thảm của thời gian. Và sông Hương cũng là nơi ký thác những nỗi niềm của non nước Việt qua trầm luân lịch sử. Hết cuộc tang điền này rồi qua cơn thương hải nọ, lòng người Huế có quên được câu hò mái nhì ai sầu, ai thảm, ai thương, ai cảm, ai nhớ, ai trông chứa chất tình tự quê hương trước bến Văn Lâu bao giờ? Tiếng hò Huế bây chừ gần như đã vắng xa trên sông Hương, nhưng vẫn còn thổn thức trong máu huyết lẫn trong tâm tình của người Huế, tựa hồ như tiếng hát Thiên Thai còn vương theo dấu hài người về cõi tục mà trọn tâm hồn vẫn ở với non tiên. Cũng như tôi. Ở nơi xứ người, một hôm nào đó chợt buồn như chim nhớ núi thương non, chân vô tình đi ra một con sông rồi đứng bâng quơ nhìn trời nhìn mây mà nghe câu hò mái nhì của mẹ tự thuở ấu thơ đang nỉ non trong lòng. Nỗi muộn phiền cũng theo sóng nước mà vơi đi dẫu rằng: sông quê người không ngọt ngào như dòng sông tuổi nhỏ ở quê nhà.
Nước sông Hương xanh màu xanh lục hồ suốt bốn mùa của đất trời, xanh như màu áo giai nhân muôn đời trước. Có đi qua trăm ngàn con sông, mới thấy được màu xanh sông Hương là màu xanh tuyệt vời đến nỗi ngôn ngữ thi ca cũng trở nên phù phiếm. Cứ như ta yêu một ai đó nhưng để diễn tả được tại sao ta yêu người thì biết nói sao đây? Tôi từng đi qua con sông Hirose ở Sendai mà thương cho một đôi tình nhân đời xưa, sau cuộc chia ly của họ, nước sông bàng bạc màu trắng như niềm yêu đã nhạt phai. Rồi những buổi chiều lang thang ở cố đô Kyoto, tôi soi bóng mình dưới lòng sông Kamo mà thấy mình còn mãi vô định trong đời. Nên chi màu nước sông Kamo tựa màu rêu biếc, đến cả thời gian cũng úa màu theo. Còn con sông Yodo ở miền Osaka mà ngày xưa dọc hai bên bờ sông mọc lên những xóm bình khang nổi danh suốt thời trung thế ở Nhật, là con sông yên hoa của nền văn hóa diễm tình mà những ai yêu thơ ca Nhật Bản đều biết đến. Cũng ở đây, ngay trên con sông nguyệt hoa này, Phổ Hiền Bồ Tát đã từng hiện lên để giải mê cho chúng sinh đang ngụp lặn trong dục lạc bằng luận về nhân quả và lẽ vô thường. Nhiều lần đi qua con sông này, nhìn thấy ảo ảnh trôi trên mênh mang sóng nước, lòng tôi bất giác chùng xuống như cánh chuồn chuồn mắc phải tơ nhện vương, thấy đời ôi sao là hư vô. Con sông màu lam bích chảy vào trong đáy mắt tôi dập dồn, cũng dập dồn như đời người hối hả chạy theo hòng bắt cho được một cánh phù du. Chỉ có nước sông Hương mới xanh cái màu của ngọc bích, một thứ ngọc bích huyền diệu như nước Cam Lộ của Quan Âm Bồ Tát, để soi vào đó, người ta bắt gặp được cái chân như hiện tiền. Màu xanh của sông Hương không gây nên cảm giác vàng kim ố cổ như những con sông tôi đã qua. Màu xanh của sông Hương là màu xanh gợi lên trong lòng người, nhất là người Huế xa Huế đã lâu, một niềm an ủi, một niềm chở che, một niềm hân hoan dầu mơ hồ thôi nhưng thấm sâu vào từng tế bào.
Nước sông Hương xanh nhất, màu xanh ngọt ngào tựa hồ nhan sắc Thiên nữ trong kinh Pháp Hoa là ngay đoạn chảy qua núi Ngọc Trản mà Điện Hòn Chén soi gương tự thuở nào. Mặt sông xanh và tĩnh lặng như tấm gương trong phiến cổ thi, nơi Lưu Nguyễn lần tìm trở lại, nhưng động tiên đã khép chỉ còn mỗi giấc mơ ơ hờ trên đám rêu lục của kẻ hành nhân trong cõi phù thế. Đò trôi trên sông, đến trước đền Ngọc Trản đò bỗng bồng bềnh như đang trôi trong mây khi mà khí núi về chiều tỏa ra sương khói, đang trời tháng Bảy tháng Tám nắng oi nồng đá chảy vàng phai mà cũng nghe được cái mát lạnh trùm lên vai. Vì linh uy của đền miếu hay là vì sự dịu ngọt của không gian nơi đây? Không làm sao phân chất được, nhưng trí óc ta, tâm hồn ta bỗng trở nên thành kính với thiên nhiên, thành kính với bản thân mình và thành kính với cả sự sống. Những nỗi ưu phiền được gột rửa, những sân si được thanh lọc, những đớn đau được xoa dịu và lòng biết ơn được nhen nhóm lên để hy vọng cứ như lá non mùa xuân đang mọc xanh trong thân thể.
Ngẫm lại sử sách hay mấy lời truyền tụng nơi thảo dã dân gian cũng là một cái thú để tự thấy mình tự do tự tại khỏi mọi suy tính mỏi mệt của cuộc đời trước mắt. Có một lần, ngồi trên thuyền rồng trước mặt Điện Hòn Chén, tôi im lặng nghe người chủ thuyền thao thao nói về con cố trạnh, tức con rùa thần mà người dân xung quanh ngọn núi kể lại. Quốc sử triều đình còn ghi lại dưới khúc sông này có con rùa thần, được tôn là sứ giả của Hà Bá. Trong dân gian vẫn nhắc chuyện rùa thần ngậm chén ngọc nổi lên từ dưới đáy sông sâu để trả lại cho vua Minh Mạng. Niên kỷ lùi xa, người ta không còn nhớ tới tháng ngày nhưng giai thoại kia vẫn còn lưu truyền để làm chứng tích cho quyền uy của Thiên tử cũng như lòng tin về giang san được thần linh bao bọc. Nhà nghề thợ mã chính gốc vẫn còn ghi nhớ tục thờ rùa và lễ cúng Long vương ở một số làng ven sông hay dọc biển ngày trước. Lời truyền khẩu nơi dân gian càng làm cho đất trời của Huế thêm muôn phần lung linh kỳ ảo, khiến cho ai đó suốt một đời khát khao đi tìm Huế đến tận cùng. Càng đi tìm Huế, càng lạc sâu vào thế giới vô tận đến mịt mù của ký ức hoang đường thâm u. Tựa cái thuở ông nội tôi vẫn còn, tuổi già ít ngủ, nhiều đêm mưa lâm thâm, một mình một bóng ngồi trước bàn thờ bên ấm trà nóng trên nhà trên đọc mấy cuốn sách xưa. Thằng cháu hiếu sự, cũng nhỏm dậy, mắt nhắm mắt mở rồi lọt vào lòng ông nội. Giọng ông nội thâm trầm ngâm những câu thơ cũ kỹ, từng chữ từng chữ rã rời ra rồi tan biến đi trong đêm mù mưa bay ở Huế. Nhiều năm về sau, có những ngày chạnh lòng quan hà, tôi có Huế để nhớ về. Huế xưa của lòng tôi cũng như vậy, là những tiếng nói thâm trầm trong vô hình, đang kể lại cho tôi nghe bao nhiêu câu chuyện của chiêm bao.
Trong những chuyện kể đường rừng theo dấu chân của những người sơn tràng mà tôi nghe lóm được ở cái thời lên năm lên ba luôn bám lấy chân ông nội tôi để hóng chuyện đời xưa, người ta kể rằng từ vùng đồi núi Ngọc Trản ngược lên nữa có một loài chim trĩ muôn sắc tuyệt đẹp. Loài chim này sống thành đôi trong núi sâu, chỉ uống nước suối ngọt ở nơi sơn khê và ăn quả thông non. Rồi mệ Hàn, mệ Diệu - hai chưn hầu đồng nổi tiếng nhất Huế một thời, bạn đồng niên với mệ nội tôi, còn kể rằng: hồi nhỏ, khi còn đang theo thầy đi lễ Vía, ai cũng thấy có đôi chim trĩ to lớn và rực rỡ khác thường từ trên núi bay về trong lễ nghinh thần. Kể từ đó, tôi đâm ra mê mẩn với chim chóc. Ba tôi, nói theo lời của bạn bè ông, là một “dân chơi” thứ thiệt của Huế tao nhã ngày xưa. Chơi gà, chơi chim, chơi cá, chơi diều, chơi hoa… không thứ chi không sành. Cả tuổi thơ tôi đã mỏi mòn chờ ba tôi về để hỏi tỉ mỉ cho bằng được con chim phượng hoàng, con chim bích linh có hay không có? Ông nội tôi, tuổi trời thái thượng thọ, không biết nói cho đứa cháu nhỏ hay nói cho chính mình:
- Có hay không có, cũng ở trong lòng người mà ra!
Lời nói này, tới bây giờ khi đi qua nhiều cay đắng buồn vui nơi xứ người, tôi nghe thật nhiều xót xa.
Ngày còn nhỏ, nghe kể về các loài chim, nhất là chim phượng hoàng chỉ ăn mỗi quả trúc còn chim bích linh rất thích ăn trái đào. Chim bích linh ăn đào giọng hót sẽ vang khắp tầng trời có thể gọi các loại chim khác hót theo. Nên mỗi ngày, tôi đều dành một quả đào treo lên cây và ngồi đợi chim về. Dẫu là chim sẻ chim sâu cũng vui. Huống hồ chi là chim phượng hoàng với chim bích linh. Có phải vì những câu chuyện tuổi nhỏ này không, mà trong tâm tưởng của tôi, dãy Trường Sơn xa xa trập trùng kia tôi thấy là một bầy chim phượng hoàng, còn ngọn núi Ngọc Trản đây lại là một đóa hoa sen. Một đàn chim phượng hoàng từ biển Đông bay ngang trời Việt rồi thả xuống một đóa sen Tây phương. Ngọn núi Ngọc Trản như một bông sen nở ra giữa vô lượng đất trời, tuy bé nhỏ thôi, nhưng chứa đựng cả ba ngàn thế giới. Và đóa hoa linh sơn ấy bằng sự tĩnh mịch tự hằng hà niên kỷ rũ bóng xuống khiến mặt sông mang thêm linh lực nhiệm màu có thể soi thấu đến căn nguyên tiền kiếp của loài người.
Tiếng chuông triêu mộ từ chùa Thiên Mụ vọng lên trong ánh vàng hoàng hôn càng làm cho người ta ngỡ ngàng thêm mãi, choáng hết tâm hồn là lòng lưu luyến sự tiêu diêu nơi tiên cảnh.
Tự nhiên chỉ trong khoảnh khắc lưng chừng, bằng một sự siêu nghiệm vô hình tôi bỗng nghiệm ra: Huế muôn đời vẫn là không gian của hoài cảm, và Huế quyến dụ người ta đi vào một bức tranh trong gương. Dù người ta đã bước ra khỏi bức tranh hư ảo để về với cuộc đời phù thế, nhưng linh hồn vẫn còn ở lại trong bức tranh trường cửu u huyền kia. Ở đó, bao nhiêu khổ lụy cũng tiêu tán với nhang khói hương trầm, với tiếng đại hồng chung Thiên Mụ đẹp não nùng vang vọng khắp ba cõi trong áng cổ thi của vua Thiệu Trị. Cũng ở đó, thanh xuân cứ mãi là thanh xuân nguyên vẹn được kéo dài với đất trời vô lượng bởi điệu Chầu Văn lảnh lót như thanh âm thiên đình đang chúc tụng ân phước rộng khắp.
Chiều về bát ngát trên đỉnh núi Osore, hơi nước nóng ẩm tỏa bay suốt cả dặm dài. Tán rừng xanh ngắt chập chùng ẩn hiện, nhìn từ xa, trông giống dải lụa xanh đang vắt vẻo lưng chừng núi mà nàng công chúa Kaguya thả xuống trần gian để từ biệt cha mẹ trần gian trở về thượng giới trong truyện cổ tích xưa. Từ chùa Bồ Đề, chữ địa phương là Bodaiji, tiếng kinh chiều âm u lẫn trong tiếng trống rền rĩ lan xa theo gió đưa xuống tận chân núi làm cho cả một vùng núi rừng càng thêm cô tịch. Mới hai giờ chiều, nắng còn vàng, trời còn xanh mà mắt người thấy như đã sắp hoàng hôn. Mùi lưu huỳnh trong đất xám dung nham vẫn phảng phất nhè nhẹ làm cho ảo giác khuôn mặt của sáu vị Địa Tạng dường như là sáu pho tượng sống xuất hiện. Có vị đang nước mắt lưng mi, có vị nét mặt chảy dài như nén tiếng than van, có vị mím môi như đang niệm kinh, có vị đang nở nụ cười tịnh độ, có vị đang nhìn vào cõi a tỳ, có vị nét mày đang nhíu lại trầm uất. Đứng trước sáu pho tượng Địa Tạng, cứ cảm giác như con người ta đang bị soi qua lục kiếp luân hồi.
Nỗi đau buồn dần dần nuốt lấy linh hồn tôi, không, đúng hơn đó là một nỗi lo sợ vô hình. Những cảm giác này, tôi đã từng gặp ở tuổi nhỏ. Ngày đó, mẹ hay dắt hai anh em tôi qua sông mỗi mồng hai Tết để thăm ngoại. Khi đò cập bến trước sân đình Phú Hiệp, mẹ thường kể chuyện ngày xưa của mẹ: chuyện mẹ đi mua nước mắm cho ngoại bị ma hời chọc ghẹo, chuyện cậu Dũng chơi năm mười trong sân đình rồi bị con lân đá đá ngã lăn quay ra… Những câu chuyện ám ảnh anh em tôi một thuở, nên mỗi lần theo mẹ qua ngoại, cứ đi ngang đình làng Phú Hiệp thì hai anh em tôi đều níu áo mẹ chặt cứng. Mẹ bây chừ, lưng lửng đời người, không biết còn nhớ không chuyện của ấu thơ năm nào.
Ở đâu đó từ trong núi rừng hoang dại, có tiếng hú lanh lảnh kéo dài nghe sắc lạnh như lưỡi dao xuyên qua muôn trùng mây gió ra ngoài cõi trời vô tận. Là tiếng cáo. Aomori là vùng có nhiều cáo nên có vô vàn câu chuyện hoang đường về loài cáo tôi bắt gặp dọc đường: khi thì nghe người ta kể trên xe, khi thì ở những tờ quảng cáo, khi thì ở bảng ghi lại sự tích của một đền thờ thần Inari nào đó đã dừng chân. Tiếng cáo hú sắc nhọn làm cho dãy núi phút chốc như cũng thét lên để vọng vào vũ trụ một lời bí mật muôn đời. Bốn bề núi rừng mây sà xuống mịt mù, tôi bây chừ đúng là người đang đi trong mây. Đang bâng khuâng không biết mình đang tỉnh hay mơ, bỗng trong trí óc vang lên tiếng nghẹn lời ngào của Hồ Nguyệt Cô khi sắp phải hiện nguyên hình là con hồ ly ngàn năm: “Sểnh một khắc, sểnh một khắc đã tan tành trường phong nguyệt”. Câu hát uất ức này phải hát bằng giọng của hát bội xưa mới thấm hết cái đau đớn, cái xót xa, cái thê thảm, cái thống thiết của cuộc nhân sinh.
Aomori, 8/2021 - Huế, 6/2023
N.H.T
(TCSH419/01-2024)