Bút ký - Tản văn
Ghi bên sông các vì vua
14:20 | 11/09/2024

VĨNH QUYỀN

           Bút ký

Ghi bên sông các vì vua
Lễ vinh danh tác phẩm đoạt giải tại Royal Ballroom

8 giờ sáng ngày 10/8/2023. Từ khách sạn Mandarin Oriental bên bờ sông Chao Phraya, hai cái tên đều là tước hiệu hoàng gia Thái Lan phong tặng, Đông trấn đại thần và Dòng sông các vì vua, chúng tôi lên đường vào hoàng cung dự lễ trao Giải văn chương Đông Nam Á/ The Southeast Asian Write Award. Hàng năm, vào dịp này, chỉ cần một ô tô 14 chỗ là đủ cho 10 nhà văn đến từ chín nước Brunei, Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar, Philippines, Singapore, Việt Nam và nước chủ nhà, cùng hướng dẫn viên. Người thân của các awardees (nhà văn nhận giải thưởng) không thể vào hoàng cung chứng kiến sự kiện này, nhưng họ có cơ hội chung vui tại Gala Dinner Royal Ballroom, nơi tổ chức trao giải bằng hiện kim, vào tối cùng ngày. Năm nay (2023) trao giải một lúc cho ba năm 2019, 2020 và 2021 bị trì hoãn do dịch Covid-19. Không khí đông vui hơn với 30 nhà văn, ba chiếc ô tô chạy nối đuôi thành đoàn, nhưng chẳng mấy chốc mất hút nhau trên những con đường Bangkok, thành phố cùng với Jakarta (Indonesia) thay nhau đứng đầu top 15 đô thị ùn tắc giao thông nhất thế giới. Nhắc đến Covid, không thể quên chi tiết này: Khi những ngày rồng rắn xếp hàng tiêm vắc xin và xét nghiệm Covid đã trở thành ký ức kinh hoàng muốn quên đi, thì các awardees để có tên cập nhật trên danh sách vào hoàng cung phải vượt ải test RT-PCR từ chiều hôm trước và test ATK ngay trước lúc lên xe. Tôi hỏi đùa lễ trao giải Nobel năm nay liệu có tiết mục này không. Cô hướng dẫn đoàn cười bằng mắt: “Giải Đông Nam Á của chúng ta bé thôi, nhưng hoàng gia Thái chủ lễ, nên quý vị sẽ chứng kiến những tiết mục không nơi nào có được. Hãy đợi đấy!”. Nhiều tiếng cười đáp lại. Rồi cuối cùng, tất cả vui vẻ khi được thông báo kết quả, “không ai bị bỏ lại phía sau” bởi nghi nhiễm Covid-19.

Trên đường đi, tôi nghĩ cô hướng dẫn đã không nói quá, ít ra trong trường hợp tôi, dẫu chuyện xảy ra ngoài không gian hoàng cung và ngoài tinh thần hoàng gia. 9 giờ sáng hôm trước, 9/8, hai tình nguyện viên là nghiên cứu sinh ngành Đông Phương học của ngôi trường danh tiếng và lâu đời nhất tại thủ đô Bangkok, Đại học Chulalongkorn, đón tôi tại sân bay Suvarnabhumi. Trong khi chờ hai chuyến bay khác đến từ Philippines và Indonesia, chúng tôi bắt chuyện. Nam tình nguyện viên lịch thiệp giới thiệu cô bạn cùng nhóm, người từ Malaysia sang Thái Lan du học, mà tôi ấn tượng ngay từ đầu với bộ trang phục Hồi giáo cùng khăn trùm tuyền một màu trắng tôn vinh đôi mắt đen nhánh bí ẩn và thôi miên. Anh ta khiến tôi bất ngờ: “Hai tuần trước, sau khi được chọn tham gia sự kiện, cô ấy tìm thông tin các nhà văn và đã mua tiểu thuyết của ông”. Khẽ gật đầu xác nhận, cô gái mở túi xách lấy ra cuốn sách đặt vào tay tôi, Debris of Debris bản in 2014 tại London, nói nhỏ nhẹ sau tấm mạng: “Là lần đầu em đọc một tác phẩm Việt Nam, sẽ rất vui nếu nhận được chữ ký từ tác giả”. Tôi cảm kích: “Cũng là lần đầu tôi vinh dự ký sách theo mong muốn của một bạn đọc nước ngoài. Thật hạnh phúc cho tôi, cảm ơn em”. Đúng vậy, ngoài lần ký tặng 30 cuốn trong tiết mục sắp sẵn của buổi ra mắt Debris of Debris do Đại học Saint Benedict tổ chức tại thành phố Minneapolis (Mỹ) vào cuối năm 2009, thì đây là lần đầu tôi mặt đối mặt và trò chuyện văn chương với một người trẻ nước ngoài đã mua và đã đọc Debris of Debris. Vậy là, dọc đường thiên lý văn chương, tôi đã nhận được chén rượu thơm “không nơi nào có được” trên đất Thái.

Trước ngày trao giải, trong những thông báo gửi các awardees, ban tổ chức tỏ ra chú trọng đến quy định về trang phục. Với nam, khuyến khích mặc quốc phục, nếu Âu phục phải là bộ vest một loại vải cùng màu, cà-vạt đen và giày bít. Cũng khuyến khích nhà văn nữ mặc quốc phục, nếu chọn khác phải là trang phục thanh lịch có tay áo và váy dài đến gối, cùng giày kín. Hai tiếng quốc phục khiến tôi nhớ một người, Mitsuko phóng viên báo Asahi Shimbun. Năm 2000 tôi nhận lời hướng dẫn Mitsuko thực hiện chuyến xuyên Việt viết thiên du khảo nhiều kỳ. Quan sát thấy đàn ông toàn mặc Âu phục trong một tiệc cưới, cô tỏ ra băn khoăn. “Ông có bộ quốc phục nào không?”, Mitsuko đột ngột hỏi tôi. Tôi lắc đầu. Sau một lát im lặng, cô nói: “Người Việt có bề dày văn hóa hàng ngàn năm, lịch sử đã chứng minh sức đề kháng mãnh liệt của dân tộc Việt trước hiểm họa đồng hóa, nên tôi đã ngạc nhiên khi biết trong khu vực Đông Á chỉ có người Việt dùng mẫu tự la-tinh làm quốc ngữ, cắt đứt hoàn toàn với văn tự biểu ý Hán và Nôm mà tổ tiên đã dùng để trước tác trong quá khứ. Cũng như ngạc nhiên về sự thiếu vắng hình ảnh bộ quốc phục hiện nay. Có thể đó là do tính cách tân mạnh mẽ của người Việt chăng?”. Trước ngày về, Mitsuko muốn đến Hội An thăm một số kiến trúc Nhật. Cô kéo tôi vào tiệm may tốc hành nổi tiếng, nơi có thể giao hàng sau một giờ, đặt may cho cô bộ áo dài Việt kỷ niệm chuyến đi, và cho tôi bộ quốc phục, bất chấp lời từ chối ngượng nghịu của tôi.

Với thủ pháp liên văn bản tôi đã đưa mẩu ghi chép trên vào Trong vô tận. Giờ, tôi lại được nhắc nhở từ phía hoàng gia Thái, rằng nên cân nhắc giữa quốc phục và Âu phục trong lễ trao giải. Cuối cùng, tôi mặc Âu phục chỉ với lý do giản tiện. Không hẹn mà nhà thơ Trần Quang Đạo (Giải 2019) và tôi cùng comple đen, cà-vạt đen. Nhà văn Võ Khắc Nghiêm (Giải 2020) mất từ năm trước, ái nữ của ông là người đại diện. Tà áo dài Việt của cô xuất hiện trên thảm đỏ dẫn vào Cung điện Dusit lập tức nhận được ánh mắt ngưỡng mộ của nhiều người, kể cả đội ngự lâm quân trong tư thế nghiêm chào. Túi xách, điện thoại, máy ảnh tất tật phải để lại điểm kiểm tra an ninh. Mọi hình ảnh về buổi lễ chỉ được thực hiện bởi hai nhà nhiếp ảnh cung đình, và ban tổ chức sẽ gửi ảnh đến từng awardees.

Sau ngày Hội Nhà văn Việt Nam thông báo tiểu thuyết Trong vô tận sẽ nhận Giải văn chương Đông Nam Á 2021, tôi vào Google tìm thông tin cần biết trước khi lên đường. Đây là giải thường niên, thành lập năm 1979, do hoàng gia Thái Lan chủ xướng và chủ trì, các nước tự đề cử nhà văn có tác phẩm xuất sắc hàng năm. Giải thưởng gồm biểu chương chứng nhận (token) của hoàng gia và 70.000 bath, tương đương 2.000 USD. Việt Nam tham gia từ 1996, mở đầu với nhà thơ Tố Hữu. So với báo chí tiếng Anh, thông tin về giải này trên báo tiếng Việt quá sơ lược. Ngoài tên nhà văn Việt Nam, cùng đôi dòng khen ngợi khái lược tác phẩm được trao giải, thì tịnh không thông tin nào, điểm nhấn nào về một năm văn chương của Đông Nam Á, phần còn lại. Tầm nhìn ra chung quanh bị hạn chế đến tối đa, để chỉ còn mỗi ta với ta. Ở lĩnh vực nghiên cứu cũng vắng vẻ, chỉ tìm thấy một cuốn duy nhất và đã cũ: Văn học các nước Đông Nam Á do Nguyễn Thế Đắc chủ biên, xuất bản năm 1983. Nhưng đó cũng là tình trạng chung của cả khu vực này. Trong công trình được cho là “quý hiếm” của giới nghiên cứu, Self and Society in Southeast Asian Fiction (i tôi và xã hội trong tiểu thuyết Đông Nam Á, của Thelma B. Kintanar, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á xuất bản, Singapore, 1988) không có chữ nào về tiểu thuyết Việt Nam. Tôi đã đặt câu hỏi, và nhận được câu trả lời phản tinh thần nghiên cứu khoa học: Công trình này được thực hiện trước thời điểm Việt Nam trở thành thành viên ASEAN. Nếu bình chọn một dẫn chứng điển hình cho “vùng lõm” văn chương Đông Nam Á thì tôi đề cử mẩu thông báo sau đây, đã đăng trên tạp chí Archiv Orientalni/ Lưu trữ Phương Đông (của Viện Phương Đông thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Cộng hòa Czech, được xếp vào top 100 Viện uy tín nhất thế giới), số 81, năm 2021: “Như đã thông báo, Ban biên tập quyết định mở chuyên mục mới: Văn học Đông Nam Á trong không gian văn học thế giới. Tuy nhiên, sau một thời gian gửi lời mời viết bài khắp nơi, đến nay chúng tôi chỉ nhận được duy nhất một bài viết từ học giả người Australia về văn học Malaysia”.

Trong bầu khí nghèo nhạt ấy, tôi chợt giật mình, lòng quặn thắt khi bắt gặp mẩu báo cũ: “Năm 2008, Nguyễn Ngọc Tư được Giải thưởng Văn học ASEAN với tác phẩm Cánh đồng bất tận. Nguyễn Ngọc Tư sang Thái Lan nhận giải khi đang mang thai đứa con trai thứ hai. Bài thơ Nhật ký mang thai tháng thứ năm đã ghi lại chân thực cảm xúc của Nguyễn Ngọc Tư lúc ấy: Con bỏ lỗi cho mẹ vừa làm lễ trước vua xứ khác/ Chỉ mẹ thôi, con chớ có quỳ/ Áo mẹ tối màu, làm mắt con u uẩn?/ Một chút rượu nhấm môi, con trong ấy nghe cay/ Bài ca buồn mẹ để vẳng vào tai/ Ấy chết, con đừng sớm thở dài/ Mẹ lỡ giẫm gai, con không cần nhói/ Hãy cựa quậy/ Hãy trở mình/ Nhắc nhớ mẹ thở cho hai người/ Mẹ nuôi men ủ nụ cười/ Và đứng thẳng. (Lê Thiếu Nhơn, báo Người Lao Động ngày 24/7/2018). Thế này thì nhận giải để làm gì? Đó là phản ứng tức thời của “trái tim nóng” có sẵn trong tôi. Nhưng với 30 năm nghề báo, tôi được rèn “cái đầu lạnh”. Rằng phải đến tận nơi, xem tận mắt, chạm và ngẫm các thứ trước khi lên tiếng. Vậy chỉ còn một cách, lên đường nhận giải.

Công chúa Thái Lan Sirivannavari Nariratana trao Giải văn chương Đông Nam Á tại hoàng cung Dusit


Trở lại Cung điện Dusit. Ban nghi lễ hoàng gia xếp 30 awardees thành ba hàng, lần lượt theo năm: 2019, 2020 và 2021. Cạnh đấy, hàng thứ tư dành cho đại diện của hơn mười đơn vị tài trợ được ghi công, tất cả đều thuộc Thái Lan. Mở đầu, vị trưởng ban nghi lễ ở tuổi 80 đọc bài phát biểu ngắn bằng tiếng Thái, một nữ tùy viên đọc bản dịch tiếng Anh. Đại ý, việc yết kiến hoàng gia sẽ được thực hiện như sau: thần dân Thái tuân thủ nghi thức truyền thống, và khách quốc tế theo thông lệ ngoại giao. Sau 30 phút diễn tập, mọi người dự tiệc trà giải lao trước khi chính thức vào lễ. Như một lẽ tự nhiên và đầy cảm xúc chân thành, thần dân Thái cung kính quỳ phục trước Công chúa Sirivannavari Nariratana của họ, đón biểu chương bằng hai tay. “Quốc khách”, nam cũng như nữ, chỉ cần đứng, cúi đầu đón biểu chương bằng hai tay. Trong lúc, Công chúa khiêm cung nghiêng mình khi trao biểu chương, cũng bằng hai tay và với nụ cười… Tôi, và hẳn các nhà văn đến từ tám quốc gia khác cũng vậy, cảm thấy nhẹ nhàng, thậm chí thú vị, khi dự và chứng kiến một lễ trao giải đậm sắc truyền thống hoàng gia Thái đồng thời tôn trọng tinh thần quốc tế. Giá như không khí cởi mở này cũng diễn ra vào năm 2008, nhà văn Nguyễn Ngọc Tư của chúng ta đã không phải viết những dòng xót xa?

Gala Dinner ở Royal Ballroom là không gian thưởng thức các tiết mục đọc thơ quốc tế và vũ nhạc, ẩm thực cung đình, và cũng là thời gian tuyệt vời dành cho cơ hội gặp gỡ, kết giao giữa các nhà văn Đông Nam Á. Qua hai ngày tiếp xúc, tôi có thể biết người này đến từ Indonesia, người kia từ Malaysia và người kia nữa từ Singapore…, nên tôi lấy làm lạ khi họ trò chuyện với nhau không cần tiếng Anh. Rosli, nhà thơ Malaysia, giải thích: “Bạn đang chứng kiến hiện tượng địa-ngôn ngữ/ geolinguistics. Chúng tôi đến từ các quốc gia thuộc nhóm ngôn ngữ Mã Lai, có những điểm khác, nhưng hiểu nhau khá dễ dàng. Đấy là nói về ngôn ngữ, chứ nguồn gốc văn minh Mã Lai có mặt hầu khắp Đông Nam Á, tới cả Nhật Bản”. Rosli khiến tôi nhớ Nguồn gốc Mã Lai của dân tộc Việt Nam của Bình Nguyên Lộc, là cuốn tôi đọc khi vừa đặt chân vào giảng đường đại học, 1970. Rosli tiếp: “Người Thái và người Lào cũng có thể hiểu nhau trong giao tiếp, là do mối quan hệ trong quá khứ. Trong khi đó, dù người Việt trải qua nghìn năm bắc thuộc, dùng chữ Hán cho đến đầu thế kỷ 20, nhưng rồi tiếng Việt của bạn và tiếng Hoa của anh Simon Tay đây vẫn là hai ngoại ngữ”.

Simon Tay, nhà thơ Singapore, M.A luật khoa đại học Harvard, đã du lịch Việt Nam ba lần, chia sẻ: “Đặc trưng ngôn ngữ quyết định sắc thái văn học của mỗi quốc gia. Tất nhiên Việt Nam của bạn cũng là một cộng đồng nhiều dân tộc, nhưng văn học Việt Nam đương đại gần như chỉ có một dòng tiếng Việt. Trong khi Singapore, do đặc điểm hình thành đất nước, chúng tôi có đến bốn ngôn ngữ chính thức: tiếng Anh, tiếng Hoa, tiếng Mã Lai và tiếng Tamil. Kết quả là văn học Singapore được viết bằng cả bốn ngôn ngữ ấy như một phương sách vừa bảo tồn truyền thống vừa mở cửa. Do đó, dịch thuật đóng vai trò quan trọng trong việc thu hẹp sự phân chia ngôn ngữ và văn học. Những tác phẩm quan trọng đều có bản tiếng Anh. Thực tế là, nhà văn Singapore sáng tác bằng tiếng Anh ngày càng đông, số lượng nhà xuất bản Anh ngữ cũng tăng theo”.

Một giáo sư người Úc, giảng dạy tại Đại học Chulalongkorn, ngồi chung bàn với chúng tôi, tham gia câu chuyện: “Văn học Philippines cũng thuộc dạng đa ngữ, viết bằng tiếng bản địa Philipino, còn gọi là tiếng Tagalog và tiếng Anh. Vài thập niên gần đây, theo xu hướng mở rộng không gian văn học, cũng như Singapore, các nhà văn Philippines viết tiếng Anh chiếm ưu thế về số lượng. Hiến pháp Philippines và Singapore công nhận tiếng Anh là ngôn ngữ chính thức, nhờ vậy, văn học của hai nước Đông Nam Á này gần như được đặt sẵn trên giao lộ thế giới nói tiếng Anh”.

Gala Dinner cũng là nơi truyền thông gặp awardees. Câu chuyện ngôn ngữ - văn chương tạm dừng khi đến lượt chúng tôi được ban tổ chức mời sang phòng thông tin đặt cạnh Royal Ballroom. Những câu hỏi về tác phẩm đoạt giải lặp lại đơn điệu, từ tác giả này đến tác giả khác. Tôi đề nghị được phép phát biểu điều suy nghĩ sau khi dự Giải văn chương Đông Nam Á. Thoáng bối rối, nhưng người phụ trách đồng ý. Ban tổ chức chu đáo bố trí phiên dịch tiếng Việt. Cô nói trong khi tôi chỉnh cà-vạt, giọng ái ngại: “Anh à, đây không phải báo chí ngoài xã hội, mà là kênh truyền hình hoàng gia…”. Tôi trấn an: “Anh dùng tiếng Anh, em không phải phiên dịch”. Thời lượng phát biểu của tôi đúng một phút: “…Tôi tin rằng đức Vua và hoàng gia Thái Lan, những nhà sáng lập đáng kính của giải văn chương quốc tế hàng năm này không dừng lại ở khích lệ những thành tựu cụ thể trong quá trình sáng tạo cá nhân, mà mục đích chính là xây dựng mối quan tâm, sự hiểu biết lẫn nhau giữa các quốc gia trong khu vực. Bởi văn học là phương tiện giao lưu văn hóa tuyệt vời. Điều này nhằm góp phần làm thay đổi một thực trạng đã tồn tại hàng thế kỷ: Người Đông Nam Á am hiểu lịch sử, văn hóa và thời sự của các nước phương Tây, cũng như Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, hơn là các nước láng giềng gần gũi nhất của họ trong khu vực. Vì vậy, nhân kỷ niệm 45 năm ngày thành lập The S.E.A. Write Award, tôi hy vọng các nhà sáng lập sẽ tiếp tục phát huy sáng kiến khởi đầu quý giá này. Nhà văn Đông Nam Á đã ngồi lại bên nhau, tại đây. Nhưng hầu hết họ chưa có điều kiện đọc tác phẩm của nhau, thậm chí chưa từng nghe đến tên nhau. Ngoại trừ Philippines và Singapore đã có truyền thống sáng tác và xuất bản bằng tiếng Anh, ở các nước còn lại, số lượng tác phẩm được chuyển ngữ rất khiêm tốn. Các dịch giả, nhà xuất bản Đông Nam Á cho rằng văn học các nước trong khu vực của họ chưa đáng để dịch và giới thiệu, lại thêm thực tế thị phần này còn rất nhỏ trong thị trường sách. Điều đó khiến các nhà văn, nhà nghiên cứu văn học, và những bạn đọc Đông Nam Á nếu muốn tìm hiểu văn học của nhau cũng không dễ. Từ đó, tôi ao ước tác phẩm được trao giải từ 1979 đến nay sẽ được tổ chức thành một Tủ sách Văn chương Đông Nam Á, tuyển dịch sang Anh ngữ, xuất bản và giới thiệu trong cũng như ngoài khu vực.”

Nhóm bạn văn Đông Nam Á mới kết giao, cùng hai tình nguyện viên từ Đại học Chulalongkorn, rủ nhau xuống du thuyền tiếp tục cuộc rượu trên Dòng sông các vì vua đang dẫy ánh trăng thu. Ở đó, tôi đã gặp một Bangkok khác thư thoáng với những thuyền gỗ truyền thống cổ phong trên dòng chảy thung dung tải phù sa vàng nâu ra cửa vịnh.

Cô nghiên cứu sinh Đông Phương học trong trang phục Hồi giáo trắng tuyền, lần này không che mạng, nói với tôi: “Em vừa đọc trích đoạn tiểu thuyết của ông trong tập kỷ yếu”. Tôi mở ba lô lấy cuốn Trong vô tận bản tiếng Anh (Inside Infinity) đặt lên bàn, khẽ đẩy về phía cô: “Của em đó, đã ký”. Cô gái cúi đầu, hai tay che mặt, ngăn niềm phấn khích bất chợt. Sẽ không bao giờ em biết bản sách ấy vốn để tặng Công chúa Sirivannavari Nariratana, và tôi đã đổi ý vào phút cuối.

V.Q
(TCSH426/08-2024)

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Lập công (24/07/2023)
Hoa ở Huế (23/06/2023)