BẠCH DIỆP
Bút ký
Như những chiếc lắc bằng bạc con thấy không?”
Người mẹ nói với con trai khi máy bay vừa hạ độ cao bay ngang qua thành phố. Mặt trời màu đồng sà xuống đường chân trời. Sông Hương như một người đàn bà đẹp từ đại ngàn hoang vu với bí mật của bóng đêm rừng già, những mạch ngầm ngậm hương hoa cỏ bền bỉ âm thầm tả hữu hòa nhập trải một dòng trôi giữa sương khói kinh thành hư hư thực thực. Như những chiếc lắc bạc vắt ngang eo thon tơ lụa, những cây cầu bắc qua sông Hương là dấu tích lịch sử chinh phục thiên nhiên, là sự kết nối mở mang không gian sinh tồn, dấu ấn giao thoa các nền văn hóa. Tôi như đang tìm một lối đi xuyên qua những lối đi để trở về. Từ cây cầu tuổi thơ nơi xóm nhỏ, những cây cầu hàng trăm năm tuổi vùng Erfurt Thüringen cho đến hình ảnh đầu tiên với Huế trong buổi chiều mùa Đông khi chuyến tàu ngang qua chiếc cầu đường sắt. Hình như những kỷ niệm sâu đậm trong đời tôi đều gắn với những chuyến tàu, dòng sông và những chiếc cầu nơi đây. Dù chẳng thể nào bắc được cây cầu đi ngược thời gian nhưng tôi biết chịu ơn đất trời và duyên phận này để chiều chiều được thả bước trên cầu đón làn gió sông Hương như một bàn tay vỗ về xoa dịu.
Tôi yêu cầu Trường Tiền màu xám bạc trong sương mù, trong mưa gió buốt lạnh và cả màu nắng mới. Yêu những đường nét mê hoặc của kiến trúc châu Âu đã chọn đúng nơi này để trưng bày sự sang trọng quý phái nhưng rất mềm mại dịu dàng. Chiếc cầu là niềm tự hào là biểu tượng và là di sản của thành phố. Chuyện vua Thành Thái và triều đình đã chọn một nhà thầu uy tín với bản thiết kế tối ưu để xây dựng nên cây cầu huyền thoại đã được ghi vào sử sách. Lâu nay nhiều nguồn tư liệu đã công bố rằng, cầu Trường Tiền được công ty Eiffel thiết kế xây dựng. “Năm 1897, cầu Trường Tiền được Khâm sứ Trung kỳ giao cho Công ty Eiffel thiết kế. Công ty này do kiến trúc sư Gustave Eiffel sáng lập và trước đó đã nổi tiếng với công trình tháp Eiffel tại Paris...”. Trung tâm lưu trữ quốc gia đã có đoạn đăng tải này. Nhưng sau đó theo nhà nghiên cứu Tim Doling dẫn theo tài liệu “Situation de l'Indochine française de 1897 à 1901” đã khẳng định: “Một cuộc thi đấu thầu, dựa trên chương trình này, được khai mạc vào tháng 5/1897 giữa các nhà xây dựng Pháp. Dự án do ông Schneider và Letellier trình bày được coi là vượt trội hơn so với các đối thủ cạnh tranh khác, và việc xây dựng cây cầu đã được trao cho công ty của hai ông vào ngày 23/11/1897”. Vua Thành Thái đặt viên đá đầu tiên và triều đình cắt cử người phối hợp với tòa Khâm sứ tập trung xây dựng cầu. Chiếc cầu với những vài cong mềm mại mặt lát gỗ lim ngay cạnh kinh thành mang lại sự thông thương cho người dân hai bờ qua lại. Năm 1936, công ty Eiffel lại được chính quyền nhờ cậy việc sửa chữa, cải tạo sau trận lụt khủng khiếp đánh sập mấy vài cầu. “Dáng vẻ nên thơ, đi vào tiềm thức nhiều người Huế của cây cầu Trường Tiền chính là nhờ việc cải tạo này mà có.” - Nhà nghiên cứu Trần Đình Hằng nói. Và cây cầu cũng đã phải chịu đựng những thăng trầm tổn thất của chiến tranh, đến ba lần sập đổ, bốn lần thay tên đổi họ...
Nhớ mãi khi chúng tôi sống nơi ngôi nhà nhỏ góc đường Hùng Vương, mỗi ngày qua về chợ Đông Ba tôi đều qua cầu Trường Tiền. Cây cầu bị khuyết một vài, dầm thép, trụ và các nhịp lên màu sét gỉ. Tôi đi qua chiếc cầu tạm, chông chênh một cảm giác như cây cầu đang bị võng xuống. Dòng sông khi đó trông ra thật buồn. Nhưng làn nước vẫn trong xanh tận đáy. Màu rong rêu và những bầy bóng hoa bơi lội, mùi thạch xương bồ phảng phất thơm. Năm 1991 tôi sinh con đầu lòng cũng là năm chính quyền khởi công sửa chữa lại cầu. Người Huế nôn nao từng ngày mong mỏi những nhịp cầu được nối lại. Năm năm sau, một ngày tháng ba ấm áp người dân thành phố nô nức đổ ra hai bên bờ sông đón chào cây cầu thân yêu. Người ta ngỡ ngàng trước vẻ đẹp của kiến trúc Gothic tráng lệ và sự duyên dáng những đường cong của sáu nhịp cầu cốt thép sáng lên giữa bầu trời thành phố.
Tôi có một người bạn sống ở Paris. Đôi lần đến Huế, Karine đều muốn đi dạo ra cầu Trường Tiền.
- Như đang đứng trên cầu Alexandre lll qua sông Seine! Nhưng dòng sông của các bạn có vẻ đẹp rất riêng. Dịu dàng mềm mại như tính cách những người dân nơi đây.
Tôi nói, nhiều người Huế biết đến những vị kiến trúc sư tài ba như ngài Schneider ngài Letellier và công ty của người xây ngọn tháp nổi tiếng Eiffel vì sự đóng góp quan trọng của họ để làm nên công trình đặc biệt này. Bạn hãy nhìn kìa, chiếc cầu này, khách sạn Morin và những ngôi biệt thự kia cũng đã chừng hơn trăm năm tuổi, dấu ấn của người Pháp để lại. Bên kia cầu là Đại Nội cung vàng điện ngọc, các phủ đệ đã dần chuyển dịch từ trong những không gian “mang tính quyền uy” ra chan hòa với đô thị. Một sự bảo tồn và kết hợp hài hòa của nghệ thuật kiến trúc Đông Tây góp phần tạo nên nét đẹp riêng biệt cho Huế.
Người ta đặt cây cầu ở đây ngoài việc nối liền sự giao thương, làm dấu ấn cho nền kinh tế phát triển, tỏ rõ sự phồn thịnh của vùng đất Cố đô, còn là nét lãng mạn, sự duyên dáng tạo nên một kiểu không gian chứa đầy những hoài niệm. Là cái cớ cho những thương nhớ muôn năm dù xa cách ngàn trùng từng được ghi lại trong thi ca nhạc hoạ. Người Huế trong đời gần như ít nhất có đôi ba tấm hình với Trường Tiền. Áo dài lụa trắng cặp sách trên tay tuổi 15. Trong váy áo cô dâu chú rể cầm tay tung bó hoa rạng rỡ. Người đi xa trở lại, người hẹn hò nói lời tỏ tình đầu tiên. Cây cầu là nơi người ta muốn lưu giữ lại khoảnh khắc nào đó quan trọng trong đời. Dù biết trên trời mây trôi, dưới sông nước vẫn chảy. Tôi nghĩ đến những trạm nghỉ trên cầu Trường Tiền. Là phần tôi yêu nhất trên cây cầu vì những câu chuyện của nó. Người ta dành chỗ nghỉ chân cho người áo gấm hài hoa ngắm dòng trôi mơ mộng, cũng là nơi trở đòn gánh cho người bán buôn hai bữa chợ bớt nặng vai. Những chiếc xích lô sau cuốc xe vất vả, tìm lên cầu hóng làn gió dòng sông mát dịu. Nữ sinh áo trắng ríu ran; tất bật hàng rong nửa khuya hừng sáng; người đi người đến, những tiếng cười và cả lời tạ từ chia phôi... Nó vẫn ở đó. Những thanh thép lạnh, chứng kiến những câu chuyện. Nhưng một lần nào đó, tôi đã nhìn rất lâu những vệt gỉ sắt, chảy dài trên thân cầu, lặng lẽ...
“Không ai tắm hai lần trên một dòng sông”. Triết gia cổ đại Heraclitus từng nói. Núi tím sương mờ, kinh thành in bóng nước, những tàng cây trăm năm. Nhắm mắt, nghe nước dưới chân cầu vẫn chảy. Eiffel không để lại mối hàn, những người thợ nguội đốt lò than cốc tán 15 vạn chiếc đinh rive trên chiếc cầu này giờ ở đâu. Và nhớ tôi, lần đầu hồn nhiên chạm tay vào cái chóp trụ lan can ấy... Những tưởng dấu tích kia mãi cất giữ, nhưng thời gian như vô cùng vô tận... Mới thấy cũng chỉ là trò chơi ảo ảnh của thị giác.
Nhiều người Huế có thói quen đi bộ. Gọi là để tập thể dục hay là cái thú nhẩn nha thì bốn mùa người ta vẫn thích đi về phía bờ sông và những cây cầu. Từ Trường Tiền đi lên phía Tây chừng một cây số đã gặp ngay cầu Mới. Người Huế thường gọi cầu Phú Xuân là cầu Mới.
Cầu được xây dựng từ những năm 1970 nằm gần tuyến đò ngang Thừa Phủ nối qua phía Cửa Ngăn đường vô Đại Nội. Chiếc cầu kiên cố bằng bê tông cốt thép hiện đại. Hai bên cầu có lề dành cho người đi bộ, lan can chạy dọc thành cầu và hệ thống chiếu sáng rất ấn tượng. Người ta thường đi một vòng cầu Trường Tiền lên cầu Mới chạy vài cây số lên nhà ga tàu hỏa rồi ngược vòng về bờ Bắc sông Hương. Mấy năm trở lại đây diện mạo phố thay đổi đến ngỡ ngàng. Chỉ vài tuần không đi bộ ra cầu, một sáng mùa hè đón bình minh từ giữa cầu Mới bỗng thấy phố lạ như nụ cười rạng rỡ của người con gái đang yêu. Hoa nở rất nhiều trên các lối đi. Những hàng cây sồi cây muối đang mùa lá non xanh mướt gọi thúc đám ve rộn rã. Chợt nghĩ năm xưa những chuyến đò ngang từ bến Tòa Khâm qua chợ Đông Ba hay bến Thừa Phủ qua Phu Văn Lâu trong buổi chiều mưa giăng nào đó cho sông một nét đẹp mơ mộng của thứ màu nước lênh loang hư thực. Sáng mai này, đứng trên cầu Phú Xuân phố bỗng hiện ra như một bức tranh sơn dầu người hoạ sĩ tài hoa đã kết hợp thật ảo diệu cảm xúc và sự khéo léo của trường phái ấn tượng. Với tone màu hoàng thổ, vàng kim, xanh lục ngọc, lam bạc, nâu xám trên nền mùi hương trăm hoa của dòng nước xuôi về, một vẻ đẹp như ân huệ của cuộc sống lặng lẽ trao tặng làm người ta xúc động.
Những tòa nhà cao tầng lùi lại một khoảng xa, nắng chấp chới trên những ngôi biệt thự có cả trăm tuổi bên sông. Những vòm cây tựa vào nhau rù rì. Từng dòng người xe cộ qua lại trong trật tự bình yên. Sự mềm mại sang trọng cổ kính của Trường Tiền bên cạnh nét mạnh mẽ tươi mới đầy sức sống của cầu Phú Xuân làm nên không gian hài hòa của một thành phố di sản đang được bảo vệ và phát triển.
Huế có cây cầu sắt tuổi đời hơn một thế kỷ cạnh tháp nước uy nghi bên cồn đất sa bồi Dã Viên - gọi tên là cầu Bạch Hổ. Cồn Dã Viên là một hòn đảo nhỏ, nằm trên sông Hương, phía trước, bên phải Kinh thành Huế. Khi xây dựng Kinh Đô Phú Xuân vào đầu thế kỷ 19, vua Gia Long và các nhà quy hoạch, phong thủy đã chọn cồn đất đẹp như một khu vườn thượng uyển làm “Bạch Hổ” cho Kinh thành, cùng với cồn Hến là yếu tố “Thanh Long”.
Năm 1908 người ta đã xây chiếc cầu sắt này cùng tuyến đường sắt Huế - Quảng Trị. Sau này, chừng năm 2009 thành phố đã xây thêm một chiếc cầu mới song song với cầu Bạch Hổ. Cầu Dã Viên dài hơn 500m với bốn làn xe và đường đi bộ, cả những vọng lâu cho người ngắm cảnh. Nhiều người Huế vẫn cho rằng, cầu Bạch Hổ là nơi ngắm hoàng hôn sông Hương đẹp nhất. Từ nơi đây nhìn lên phía Tây, dòng sông uốn vài nhịp rồi trải tận chân trời. Mặt sông tím nhạt hòa với màu núi màu mây tha thiết. Những ngôi làng nép dưới những lùm cây xanh bình yên trong màn sương nhạt. Mặt trời hắt những tia hồng tím lên mặt sông mờ bóng nước. Tiếng chuông từ chùa Thiên Mụ vọng về, giọng chuông ngân trong ráng chiều xa hút. Người xa quê đôi khi quặn thắt nỗi nhớ cố hương vì mãi lưu giữ trong ký ức một khoảng trời sông nước này.
Mỗi lần qua đây, tôi đều muốn đi bộ trên lối đi hẹp của cây cầu cũ. Màu sắt đen gỉ ngày trước được sơn thành màu xám bạc nhưng sự cũ kỹ của nó làm tôi nhớ. Mỗi lần chuyến tàu hỏa qua đây rồi chầm chậm vào ga, tiếng còi tàu u u, mùi hăng hắc của toa xe trong làn sương chiều xanh nhạt và từng nhịp rần rật quen thuộc, tôi lại bần thần như đi ngược thời gian trở về ngôi làng nhỏ bên cái ga Xép.
Tuổi thơ tôi cũng có một cây cầu.
Nó chỉ là hai súc ván khá dày có một trụ gỗ bắc qua con mương rộng chừng ba mét, là biên giới của “đội Ba” và “đội Bốn”. Cây cầu là nơi tụ tập của bọn con nít, cũng là cái trạm nghỉ chân các o các mợ gánh gióng đi chợ hay quẩy phân tro ra ruộng. Tôi không thể vẽ lại cái không khí thơ ngây đầy màu sắc ấy. Những gợn nước dưới ánh trăng, bầy con nít tụ tập nghe kể chuyện và tập hát. Đôi khi chúng tôi bị ba mẹ gọi về đi ngủ thì có vài cặp thanh niên hẹn hò tìm đến...
Năm ấy có đoàn công nhân xây dựng về làng để chuẩn bị xây lại nhà ga và cầu tàu hỏa. Dì tôi nháy mắt: “có anh kỹ sư trẻ thổi sáo hay quá chừng”. Tưởng ai, tôi đã gặp anh Quân vào một buổi chiều khi anh cùng một nhóm người đang đo đạc ghi chép bên chiếc cầu vào ga. Tôi chăm chú sợ bị trượt chân vì thứ dầu trên tà vẹt. Ngẩng đầu đã bắt gặp ánh mắt chăm chú hơi giễu cười. Khéo ngã cô bé ơi, cầu chúng tôi đã đo xong rồi, khỏi đo lại nhé. Anh hỏi nhà em gần cầu không, em học lớp mấy, tối rủ bạn ra cầu chơi nghe anh thổi sáo. Không hiểu sao chân tôi ríu lại mặt đỏ rần. Dì nghe chuyện ấy chỉ cười bẹo mũi tôi. Tôi bắt dì thề không bao giờ kể với mẹ vì tôi thấy xấu hổ. Tôi vừa 16 tuổi. Rằm tháng Giêng năm đó trăng rất sáng. Nhà chúng tôi mời anh Quân và vài người bạn công nhân của anh ăn chè đậu đỏ. Sườn đồi bàng bạc, làn nước dưới cây cầu gợn sóng lăn tăn. Và chúng tôi đã có một mùa trăng thật vui với tiếng sáo của anh Quân bên chiếc cầu giữa đội Ba và đội Bốn.
Mùa thu năm đó tôi vào thành phố.
Tôi không bao giờ gặp lại những người công nhân làm cầu nơi xóm nhỏ. Nghe nói họ đã di chuyển theo những cây cầu đường sắt vô Nam. Nhưng mỗi lần chạm vào những tay vịn hay chiếc đinh tán thật khéo trên chiếc cầu sắt này tôi lại nhớ về mùa trăng xa xôi.
Mấy chục năm với Huế, tôi đi về qua những cây cầu sông Hương biết bao nhiêu bận. Con phà bến Tuần thắc thỏm mùa lụt đã được thay thế bằng cây cầu hiện đại mấy làn xe. Cầu Chợ Dinh, Bao Vinh, cầu Vỹ Dạ, cầu qua Đập Đá rồi cầu Kim Long nay mai, thông thương phố chợ phố nhà. Những cây cầu trăm năm tuổi, những cây cầu mới xây nhiều vài nhiều nhịp... Chuyện những cây cầu cũng là chuyện đời chuyện người, dâu bể.
Người dân kinh thành gắn bó với những nhịp cầu này từ bao đời. Mạ tôi áo the 70 năm xách làn qua cầu đi chợ Đông Ba. Chồng tôi từng trốn học cùng lũ bạn kéo nhau ra gầm cầu ăn quà vặt. Những người đạp xích lô ngủ trên cầu như đang ngủ giữa sân nhà mình. Những đứa trẻ nghịch ngợm trượt patin; đôi gánh hàng rong về dừng chân hóng gió. Mùa mưa lũ sóng gió cuồn cuộn chân cầu. Mùa nắng hạ dưới trăng thanh đôi lứa tựa lan can hẹn hò ngắm sóng. Đôi khi đi bộ ra cầu tôi vẫn gặp người đàn bà ấy. Trong mắt một nỗi nhớ mong chờ đợi xa xăm, bà đứng đó nhìn mặt nước lặng. Như chỉ dòng sông và những thanh thép lạnh sương đêm mới biết, câu chuyện mà bà chẳng hé môi kể cùng ai.
Mặt nước êm gợn chút lao xao của vài và nhịp. Tiếng chuông chiều vọng trên mặt sóng rồi lan xa xuôi vòng mandala chuyển động.
Chẳng phải sắt thép vô tình, con người đã gửi gắm biết bao yêu thương nơi đây để được kết nối đón nhận, mở mang và hy vọng chữa lành.
Tôi nghe người đàn bà nói với đứa trẻ. “Con nhìn kìa, những chiếc cầu trên sông Hương! Như những chiếc lắc bạc...
Chúng ta đang về nhà!”
B.D
(TCSH55SDB/12-2024)