PHI TÂN
Buổi sáng sớm cuối năm, tôi chạy xe qua đường Chi Lăng - phố cổ Gia Hội và bất chợt gặp đôi triêng gióng của một mệ già đang đi ngược đường. Tôi định dừng lại bấm một chiếc ảnh, nhưng đường đang đông người nên thôi.
Tưởng rằng mình đã đánh mất đi một khoảnh khắc đẹp trên đường phố làm ấm lại lòng người. May mắn thay cho tôi là trên đường về, thấy đôi triêng gióng của mệ vẫn đang còn ngồi bên vỉa hè con đường Chi Lăng trong ngọn gió mùa hiu hiu lạnh...
Chỉ một đôi triêng gióng mây tre thôi mà mệ như gánh cả một khu vườn xứ Huế trên vai mình, nhìn thương làm sao! Là trái bầu sao vừa đủ lớn, lông tơ còn mọc trên lớp da xanh có những chấm trắng. Là mấy trái mướp đắng đã tròn khến còn đọng trên thân mấy giọt nước cũng tròn xoe, là mấy bó me chua, là mớ rau diếp cá nằm đằm đẹ bên dưới cái rổ tre... Rau xanh ở một đầu gióng, đầu gióng còn lại là một mớ dưa chuối được mệ muối khéo léo vừa chín tới với những màu trắng, xanh, cam, đỏ của thân chuối, lá kiệu, củ kiệu, cà rốt và ớt...
Chỉ cần chừng nớ thôi là như đã thấy đủ đầy một khu vườn ngoại ô thương nhớ. Khu vườn đó có thể nằm ở cuối nguồn sông Hương với những bụi chuối sứ, có giàn bầu, giàn mướp bằng những cây tre khô, những nhánh nè; có luống kiệu đang lên xanh, có đám rau diếp cá mọc xanh bên thành giếng cũ, còn me đất thì cứ thế mọc tự nhiên bên bụi chuối, dưới giàn bầu, giàn mướp hay bên thành giếng... Tinh túy của trời đất, của mưa nắng, của sông nước cũng trong cái đôi triêng gióng giản dị đó của mệ với đủ vị ngọt, đắng, chua, cay... Một đôi triêng gióng nhà quê đi qua phố mà mát lành, thơm thảo như thấy tết đang về!
Sau cái lụt “ông tha mà bà chẳng tha” ngày hai ba tháng mười âm lịch, người dân Huế bắt đầu một vụ gieo trồng chuẩn bị cho tết. Những ngày giáp tết, không cần phải vô tận các khu chợ, mà chỉ đi trên đường vào những buổi sớm mai thôi cũng gặp được những gánh rau trái xanh tươi từ những khu vườn quanh Huế gánh về phố để bán.
Rau trái xứ Huế tràn trề giữa đời thường và cũng lung linh trên thế giới ảo. Có lần tình cờ gặp trên tường Facebook của một cô giáo quen một mớ trái vả, lá lốt, lá tía tô, rau diếp cá, cây me đất... Nhà ngoại của cô giáo ở cạnh đàn Nam Giao, tôi có ghé chơi mấy lần và lần nào cũng muốn ở lại thật lâu để hít thở, ngắm nghía những sắc màu, hương vị của khu vườn. Đó là một khu vườn khá rộng và tất nhiên là luôn xanh biếc mấy tầng từ cây ăn trái trên cao đến hoa và rau dưới thấp. Khu vườn luôn mang lại cho tôi cảm giác thật nhẹ nhàng, thư thái... Thấy tấm ảnh ngon xanh như rứa nên tôi đùa: “Hái ri ơ hết vườn, nhà ngoại còn mô rau mà ăn tết hả cô giáo ơi!”. “Dạ mô!”... Tất nhiên rồi, vườn rộng như rứa, cây cứ lên xanh cho người, hái lớp ni rồi ra lớp khác, có khi hái không kịp nữa là... Lại nữa, ở Huế lâu rồi mà bây chừ qua lời kể của cô giáo, tôi mới biết trái vả cũng biết chín và khi chín trái vả cho màu hồng rất đẹp. Thiệt tình, lâu nay tôi cứ nghĩ trái vả già rồi nó sẽ rụng thôi. Nghe cô giáo nói, cũng hiếm khi cây vả vườn nhà mẹ chín ngon như thế này. Mà cây vả nhà của cô là cây vả lão gần trăm tuổi lận, mới cho trái to, chín đẹp và ngon như rứa.
Chuyện của cô giáo làm tôi nhớ khu vườn nhà tôi những ngày cuối năm. Cứ qua hai ba tháng Chạp, mệ nội kêu ba tôi bắc thang hạ buồng chuối mốc trong vườn đã tròn khến, rồi thêm mấy trái đu đủ, vú sữa, trứng gà (lêkima). Cùng lúc ba hạ buồng chuối, thì tôi cũng nhảy tót lên cây sầu đâu, bẻ những cành lá xanh xuống để mệ nội dú mấy thứ trái cây. Tất cả những trái cây đưa vào cái lu sành, ủ rơm khô và lá sầu đâu vô để dú. Mệ dặn: “Mấy đứa cháu không được mở lu ra để nhìn chúng nghe, trái cây nó ốt dột không chịu chín kịp tết mô đó!”. Nghe mệ dặn rứa, nhưng thỉnh thoảng tôi vẫn tò mò mở nắp lu coi thử trái cây đã chín chưa. Mùi lá sầu đâu quyện với mùi rơm khô và mùi mấy loài trái cây đương chín tỏa ra từ cái lu sành thơm sực nức cả một góc nhà. Những ngày giáp tết, anh em chúng tôi còn “đảm trách” một công việc nữa là đi gom lá chuối. Ba rọc lá chuối ngoài vườn, mấy anh em tôi đi gom lại đem vô sân phơi chuẩn bị gói bánh. Phơi cho lá chuối vừa đủ mềm là đem vô rọc từng đoạn lá vuông vức. Lúc đó, tôi có nhiệm vụ lau lớp phấn còn vương trên từng mảnh lá. Nếu trời mưa thì đưa lá chuối luộc sơ qua cho mềm mới gói được bánh. Mùi lá chuối cũng thơm thơm thiệt hiền, có lẽ bởi cái háo hức về nồi bánh chưng, bánh tét sắp đỏ lửa trong ngày cuối năm đang tới…
Chiều cuối năm, mạ tôi gom nhặt các loại lá thơm trong vườn như sả, bưởi, chanh, bỏ thêm mấy lát gừng tươi rồi nấu một nồi nước lá thơm thiệt to. Nồi nước lá thơm một phần để dành cho mạ và mệ nội gội đầu; một phần để tắm gội cho mấy anh em tôi. Cái mùi thơm thảo hiền từ của cây cỏ vườn nhà mà mạ nấu làm sao tôi quên được! Nhớ lắm câu nói dỗ dành của mạ khi tắm lá thơm cho mấy anh em: “Tắm cho thiệt thơm tho mà đón giao thừa, đón tuổi mới nghe mấy đứa!”. Sau một ngày bộn bề với bao công việc cúng kiếng ngày tất niên, tối 30 tết mạ mới rảnh rang ngồi gội đầu cho mình. Bên bếp lửa bập bùng ngày cuối năm, mùi bánh chưng, bánh tét đang chín quyện cùng mùi nước lá thơm trên tóc của mạ mãi mãi là mùi thơm êm dịu và thân thương nhất trong ký ức tuổi thơ và ngày tết của tôi.
Cuối năm rồi, trên một chuyến đò ngược dòng Hương giang với mấy người bạn, một người bạn của tôi nhìn sông Hương mà nói rằng: “Khói lam chiều không phải là khói từ những bếp lửa mô mà là khói từ sông. Là “trên sông khói sóng cho buồn lòng ai”. Đúng lúc đó, tôi nhìn ra sông Hương đoạn ngã ba Tuần và thấy mặt sông đang được phủ huyền hoặc một màu xanh lam cùng những làn khói sóng mơ màng và chợt nhớ một câu hát trong bài “Tâm tình gửi Huế” của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ: “Thương Đông Ba giọng nói/ thương khói trên sông chiều...”. Huế đó, vẫn luôn bình yên và đầy bất ngờ cho người trú xứ và cho cả những ai đến Huế, ở Huế rồi xa. Và có lẽ sẽ còn nhiều điều bí mật về xứ sở này còn giấu kín đâu đó trên từng cành cây, con nước để khi nhận biết được thì thấy càng thêm yêu Huế hơn như đôi triêng gióng cuối năm của mệ, như những trái vả cũng biết chín, cho hương vị riêng và cả như ngọn khói lam chiều trên sông Hương nữa.
Tết Huế luôn mang lại những cảm xúc thật ấm áp, thân thương cho tôi. Nói cách khác, tôi luôn chờ đón tết như một đứa con xa mong ngày về nhà. Đó cũng là lúc Huế đẹp nhất, đáng yêu nhất trong năm. Không chỉ gói gọn trong 3 ngày tết, mà với người Huế, tết đã bắt đầu từ những ngày tháng Chạp, khi mà các làng, các họ tộc bước vào công việc chạp mộ, chăm sóc hương khói cho “ngôi nhà” của người đã khuất. Cũng từ những ngày đầu tháng Chạp, các phường thợ, phường nghề tổ chức lễ cúng tổ. Đó là về mặt thời gian, còn về không gian, thì những làng quê ngoại ô cuối nguồn Hương giang khởi nguyên cho những mùa tết Huế. Khi những cánh đồng hoa cúc và sau này là nhiều loài hoa khác của làng Tiên Nộn trổ hoa, cũng là lúc người làng Thanh Tiên nhuộm giấy kết hoa, và người làng Lại Ân hong giấy trong nắng cuối đông mà in tranh. Hoa giấy Thanh Tiên sẽ qua chuyến đò Tiên Nộn - Bao Vinh để lên phố báo tết đang về. Những chuyến đò chở tết qua sông rất gợi và rất Huế. Ai đã một lần được thấy, có lẽ cũng nao lòng.
Không xôn xao sắc màu như hoa giấy Thanh Tiên, tranh làng Sình - Lại Ân âm thầm hơn nhưng không thể thiếu trong lễ cúng của người Huế những ngày đầu năm. Tết Huế đã được thắp lên như thế, từ những làng quê ven sông Hương bền bỉ với nghề truyền thống ông cha mỗi năm chỉ khởi sắc khi tết đến xuân về. Tháng Chạp về và những chuyến đò đã chở sắc tết qua sông...
P.T
(TCSH432/02-2024)