Anh Châu giới thiệu: - Đây là Thành đội trưởng Thân Trọng Một. - Ông ngó mặt từng đứa. Bảy người được ông chọn làm lính trinh sát. Rất may, tôi là một trong bảy người ấy. Đêm, ông đưa cả bảy đứa chúng tôi đi thử sức. Dẫn quân vừa chạm rào thép gai đồn Am Cây Sen, không nói không rằng, ông giơ AK lên trời bắn một loạt đạn dài. Súng trong đồn bắn ra như mưa. Bẩy đứa chúng tôi rút xẻng sau ba lô, tối mắt tối mũi đào lấy một chỗ nằm. May, gặp đất pha cát nên dễ đào. Khi chúng tôi vừa đặt ba lô lên trước mặt làm bệ súng, đạn trong đồn bắn ra đã dứt, Thành đội trưởng lại xiết cò, hết cả băng đạn. Súng trong đồn lại vãi không tiếc đạn. Hoả châu treo sáng rực trời, nhìn rõ hàng dây thép gai và nhà cửa hầm hố trong đồn. Chúng tôi chúi đầu vào ba lô tránh đạn. Riêng Thân Trọng Một vẫn mỉm cười, dáng ngồi có vẻ thảnh thơi lắm. Như đang tiếp rượu bạn bè. Hoả châu tắt, ông lệnh cho chúng tôi lui hai trăm mét, đứng xếp hàng ngang. Thân Trọng Một đi sờ đũng quần từng đứa một. Vừa sờ, ông vừa nói nhỏ: “Ướt quần”, “Không ướt quần”. Xong, ông tuyên bố: - Năm người ướt quần, hai người không ướt quần. Sợ, đái ra quần là lẽ thường. Sợ đến nỗi không cả đái được nữa là sợ lắm. Năm anh đái ra quần về lính trinh sát. Hai anh không đái được ra quần trả về bộ binh. Tôi là một trong năm anh lính đái ra quần. Ông không đưa về trinh sát, mà được ông chọn đưa về giữ một chân trợ lý trong ban tham mưu thành đội Huế. Mỗi lần nhớ đến cách chọn lính của thành đội trưởng, tôi lại phì cười. Nhắc tới tên Thân Trọng Một, ai cũng khen ông hết lời. Ông nổi tiếng từ thời kháng chiến chống Pháp đến nỗi không một người nào ở Thừa Thiên không biết cái tên đầy kính trọng: Thân Trọng Một. Họ gọi ông là người “xuất quỷ, nhập thần”, đánh đâu thắng đó. Sáp trận, lính chỉ cần hô lên: “Lính Thân Trọng Một đây”, là bọn lính bên kia bỏ chạy thục mạng. Trận ông đánh đổ đoàn tàu ở Hói Mít gần Lăng Cô, thật lạ. Ông cho tháo ốc ở cái vít tà vẹt vào đường ray, thay vào đó là cái ốc được gọt bằng khoai, giống i xì, giống cả từ màu sắt rỉ. Bọn lính kiểm tu đi tua, sợ du kích, đi cho có lệ, rồi mau rút về đồn. Lúc tàu đi qua, ốc vỡ, đinh tuột, cả đoàn tàu đổ nhào xuống đầm An Cư. Thân Trọng Một hô quân ra xung phong cướp được rất nhiều súng đạn đưa vào rừng. Cái tên Thân Trọng Một, hễ được nhắc tới, thường được nhắc cùng một cụm từ “ông tướng ngang tàng”. Cụm từ ấy cũng có xuất xứ. Đó là trận chống càn ở Phú Đa, ta thắng lợi hoàn toàn. Không biết có kẻ nào ton hót, mà cấp trên tư về một công văn đòi Thân Trọng Một khai báo chiến lợi phẩm đã thu được. Thân Trọng Một trả lời bằng một lá thư độc đáo: Giữa trang giấy viết số 1 thật to, rồi lấy bút khoanh tròn số một ấy lại. Thư ấy có nghĩa là Một không lấy gì. Đêm về đồng bằng, nghe nhân dân kể về ông, như kể về những huyền thoại. Đó là trận ông bị bắt ở Sư Lỗ. Hôm trước được tin địch cho quân về Sư Lỗ, phối hợp với lính đồn này tổ chức một trận càn. Nhân đang ngày mùa, ông cho quân về đào hố cá nhân, mai phục. Đúng giờ, một trung đội lính địch xuất hiện. Ông hô quân “xung phong!”. Chỉ có một thành tố ngoài phương án, đó là dẫn đầu trung đội lính, có một xe bọc thép. Địch sợ, đóng chặt miệng xe. Ông cứ loay hoay tìm cách mở nắp thép để nhét lựu đạn vào. Mãi không được, đến lúc thấy xe xịch đỗ, thì ra xe đã vào đến tận sân đồn Sư Lỗ rồi, ham đánh quá, ông không để ý gì cả. Ông bị lính Sư Lỗ ập đến bắt sống. Thân Trọng Một được đưa về giam trong đồn Hộ thành phía trong cửa Thượng Tứ, gần hồ Tĩnh Tâm. Nghe nói lúc này ông gầy và xanh lắm. Bọn Tây tổ chức cho ông đi an dưỡng trong bệnh viện Huế, bồi dưỡng cho sức ông khoẻ lên. Không chỉ có các thầy thuốc lo cho ông, mà chăm lo kỹ lưỡng cho ông là hai cô gái Huế tuổi mười tám đôi mươi, rất đẹp. Hai cô bảo ông: “Quan Năm bảo chúng em đến giúp đỡ ông. Ông cần bất cứ thứ chi chúng em cũng xin “Dạ!”, miễn làm răng cho ông được vui lòng. Trò mỹ nhân kế, Thân Trọng Một lạ gì. Chúng làm sao lay nổi lòng ông. Lúc thấy Thân Trọng Một đỏ da, thắm thịt, tên quan năm Pháp gặp ông: - Lính của ông rất giỏi, chúng tôi chỉ muốn ông giúp cho chúng tôi luyện tập một đại đội, làm sao cho chúng cũng can trường, mưu trí như lính Thân Trọng Một vậy. Ông nhận lời. Chúng giao cho ông một đại đội đủ, trang bị đầy đủ. Ông dẫn quân lên tập ở khu núi Chín Hầm. Chọn một đỉnh tà âm đẹp. Trên chóp, ông đặt một khẩu trung liên. Bắt lính bò từ chân núi lên. Lính bò, còn ông cầm súng bắn lướt tà âm cách mặt đất ba mươi xăng ti mét. Đứa nào ngóc cao đầu là ăn đạn, cao mông bay mông. Mười lăm ngày lính vừa chết vừa đi viện, vừa đào ngũ mất một nửa. Quan năm Tây cắn răng xem cách Thân Trọng Một luyện quân. Xong bài một, sang bài hai ông xếp lính đứng hàng dọc, rồi chạy vã mồ hôi suốt một tiếng đồng hồ. Chạy xong, ông không cho nghỉ, bắt nhảy hết xuống hồ tắm. Mồ hôi đang tháo, gặp nước, phải cảm, ốm chết cả loạt. Quan năm bảo ông: - Luyện quân kiểu gì vậy? Ông đáp: - Kiểu Thân Trọng Một. Có thế chúng mới dũng cảm, can trường. Hết dậy lính, chúng lại đưa ông về Hộ thành. Lính gác ngục phục ông, rồi quý ông, nghe ông. Ngày ngày có hai cai ngục dẫn ông ra Thương Bạc bờ sông Hương chơi. Một hôm ra khỏi cửa Thượng tứ, bỗng một chiếc xe jép xịch đỗ. Thân Trọng Một chào hai cai ngục, lên xe. Xe vù lên Nguyệt Biều. Vùng chiến khu rồi. Ông lại trở về với đồng đội. Hoá ra ông đã vận động được lính cai ngục chuyển thư hẹn hò cho cơ sở ông trong thành Huế để có một cuộc vượt ngục thật ngoạn mục. Nhớ đêm về Quảng Điền, đang ăn cơm giữa sân trong ánh sao lờ mờ, một mẹ chiến sĩ đến ngồi trước mặt tôi: - Chú cho mạ hỏi thăm một xí được không? - Dạ được chứ ạ - Tôi đáp. Mẹ nói: - Cho mạ hỏi thăm cụ Hồ với ông Một có khoẻ không? Rồi mạ kể: - “Khi đó, hồi đang kháng chiến chống Pháp ấy, mạ ở Hương Thuỷ. Hương Thuỷ là một địa bàn hoạt động thường xuyên của đại đội Thân Trọng Một. Các mạ mua gạo, mua thực phẩm cho họ đều đều. Suốt mùa mưa thấy họ về lác đác. Đoán là họ đang đói kém. Nhân ngày 22-12, Kỷ niệm ngày thành lập quân đội, Hội mẹ chiến sĩ Hương Thuỷ mua lương thực thực phẩm lên thăm họ ở Mõ Tàu. Mấy người giao liên huyện biết đường dẫn các mẹ đi. Phụ nữ thì gồng gánh tiu tít. Các mẹ thì tay nải khoác vai. Cả đoàn người hăm hở đi tới. Chỉ mười mét nữa là tới. Bỗng từ các cửa lính của ông Một chạy túa ra ngoài mừng. Trần như nhộng. Không một mảnh vải che thân. Hoá ra qua mấy mùa mưa chiến đấu, quần áo tự trang bị của họ đã mục cả. Chưa kịp may. Chỉ còn mấy bộ. Ai đi công tác thì mặc. Ai ở nhà thì ở trần, nhường áo quần cho người về sâu. Biết chuyện các mẹ oà khóc. Gọi mấy họ cũng không về. Làm sao họ ở lổ trước các cô gái trẻ gánh gạo lên cùng Hội mẹ chiến sĩ lên thăm họ. Các mẹ ôm những thúng gạo oà khóc. Còn cách nào khác, đành tập trung gạo, thực phẩm lại một chỗ rồi ra về”. Tôi hỏi: - Vậy làm sao rồi họ có quần áo mặc hả mẹ? Mẹ đáp: - Rồi Hội mẹ chiến sĩ, nhân dân góp tiền mua vải, may quần áo gửi lên cho họ. Nhưng ngay mấy ngày sau, Thân Trọng Một dẫn quân lên điện Hòn Chén, gặp ông từ, xin hết áo quần xanh đỏ của các bà hát chầu văn lên đồng, về may cho mỗi người được một cái quần cộc,và một cái áo cộc đến tận nách. Mặc vào, xanh đỏ rực cả một góc rừng. Thân Trọng Một bắt cởi ra hết, nhấn bùn một đêm thành áo quần đen hết. Tôi chép miệng: - Thật tội. Mẹ kể tiếp: - Có quần áo. Ông nghe tin đồn An Lỗ lính vừa được phát quần áo. Thân Trọng Một tập kích, giết lính gác, lấy đồn. Bắt từ đồn trưởng trở xuống xếp một hàng dọc. Thân Trọng Một hô: “Cởi hết áo quần ra”. Chúng cởi hết. Vào đồn, ông vơ không còn một mảnh vải, đem về trang bị cho lính của mình. Khi các mẹ may được áo quần lên thì họ đã có đồng phục màu đen – Mẹ cười – Thân Trọng Một của Thừa Thiên là rứa. Hình như mỗi người dân Thừa Thiên đều có một kỷ niệm với ông như vậy. Được ở gần ông, tôi cũng là một trong những người có nhiều kỷ niệm đối với ông. Kỷ niệm có ý nghĩa nhất là cuộc thoát vây ở 815. Bấy giờ, sau chiến dịch Mậu Thân, cơ quan thành đội rời hậu cứ ở địa đạo Hương Thuỷ sang ở 815. Một nếp núi cao có khe chảy ở giữa. Một ngực núi cơ quan tham mưu đóng. Một ngực núi của ban chính trị. Cơ quan hậu cần đóng phía dưới. Dọc con suối chảy ngang chân núi là các đội kinh tế của hậu cần. Đó là thời kỳ địch dùng chiến thuật ngăn chặn từ xa, nên đời sống lính giải phóng Huế cực kỳ gian khổ. Một lon gạo chia ba bữa trong ngày. Lương thực chủ yếu là mon vót, môn thục, rau tàu bay, hoa chuối rừng, củ móng trâu, lá tai nai, hạt sót...Gặp gì ăn nấy cho qua ngày để đợi chờ. Tư tưởng lính chao đảo nhất cũng là lúc này. Truyền đơn địch thả trắng rừng. Lính ta chiêu hồi như sốt cách nhật. Đêm trước vừa nhận được tin Quản Thế Lĩnh, lính trinh sát chiêu hồi, thì ngay sáng hôm sau ngập trời 815 là tiếng trực thăng. Trực thăng chở ba trung đoàn liên quân Mỹ nguỵ đổ xuống, vây kín bốn xung quanh 815. Đổ quân xong chiếc OV10 lượn vòng trên chóp 815 bắt đầu sa sả: “Hỡi tướng Thân Trọng Một! Hỡi các cán binh Việt cộng. Các người đã bị vây chặt rồi. Một con chuột cũng không ra thoát đâu. Ba trung đoàn liên quân Việt Mỹ đã chốt chặt mỗi gốc cây rừng. Hãy ra hàng liên quân đi. Sẽ cho tướng Thân Trọng Một giữ nguyên chức, sẽ trả các cán binh về quê. Cha mẹ,vợ con các anh ở ngoài Bắc trong
đang chờ. Đó là con đường duy nhất của các anh lúc này!”. Thân Trọng Một lững thững trong địa đạo đi ra. Hay tay chắp sau đít. Lừ đừ mắt nhìn theo chiếc OV10. Dáng ông cao. Mặt khắc khổ. Da bánh mật. Tóc cắt ngắn, xơ xác, chiếc đứng, chiếc nằm. Vết sẹo dài phía đỉnh trán bên thái dương trái như láng thêm, nhìn rõ tĩnh mạch chạy qua đấy giật giật. Ông nói như sự dồn nén bên trong bật ra: - Hàng cái con cặc! Nói xong, mặt ông lầm lầm đi vào địa đạo, điện thoại gọi trưởng ban tác chiến lên. Lập tức chúng tôi được lệnh triển khai chống càn. Bom pháo bắt đầu dội xuống. Súng đối họng bắn vào nhau. Hai ngày sau rừng nguyên sinh ở 815 tơi bời. Cây đổ ngổn ngang. Không khí núi rừng trong sạch là thế, bây giờ sực lên mùi thuốc đạn, và mùi hắc của lá cây dập nát. Địch tăng cường quân, tăng cường bom đạn. Rõ ràng, chúng không chỉ muốn tiêu diệt cơ quan thành đội, mà muốn bắt sống cả thành đội này. Nhất là chúng muốn được bắt sống thành đội trưởng Thân Trọng Một. Chẳng vậy mà cứ sau mỗi đợt bom đạn rầm trời, chúng lại a lô từ trên máy bay: “Hỡi tướng Thân Trọng Một, ông không thể thoát khỏi vòng vây đâu. Một con chuột không thể lòn qua, huống gì ông. Ông hãy trở về với Chính phủ Việt Nam Cộng hoà chúng tôi sẽ phong chức cho ông ngay”. Phải nói tình hình hết sức nguy nan. Lực lượng hai bên hoàn toàn mất cân đối. Mỹ nguỵ ba trung đoàn tăng cường. Thành đội, vét cả lính các đội kinh tế từ chân núi chạy lên cùng cán bộ, chiến sĩ ba cơ quan chưa đầy hai trăm người. Ây là chưa nói về sự chênh lệch súng đạn, sự chênh lệch tình thế. Trước tình hình căng thẳng ấy, chính uỷ thành đội vào địa đạo gặp thành đội trưởng: - Tôi đã chuẩn bị một tiểu đội trinh sát cự phách rồi. Họ sẽ đưa tôi với ông ra khỏi khu vực bom đạn này. Chứ không, ở đây chết hết. Thân Trọng Một ngước mắt, trả lời như không cần nghĩ ngợi gì. Giọng ông đanh lại như quả lựu đạn: - Ông sợ chết, ông hèn thì ông đi đi. Tôi ở lại chết cùng với lính của tôi. Chính uỷ đã đi. Thân Trọng Một đã ở lại. Đánh nhau thêm hai ngày nữa. Ông gọi tham mưu trưởng tới: - Tình hình thế nào? Tham mưu trưởng báo cáo: - Chúng đã đốt kho thuộc hậu cần. Khoảng cách cuối cùng anh cho phép chúng cách chúng ta chỉ còn đúng một trăm mét. - Được. Đúng bẩy giờ tối, chúng tôi được lệnh nai nịt ba lô súng đạn gọn gàng. Cán bộ chỉ huy kiểm tra từng người một bằng cách đeo ba lô súng đạn trên mình rồi đứng tại chỗ nhảy thật cao xem đã chặt chẽ chưa. Chỗ nào xộc xệch phải sửa ngay. Chín giờ, trời tối như mực, đội hình được lệnh xuất phát. Thân Trọng Một với tổ trinh sát đi đầu. Rồi cứ thế lần lượt đi tiếp theo. Đi theo kiểu bò cao của đặc công. Hai tay trước chọn điểm đặt chân trước mặt, chụm năm ngón tay lại, ấn nhẹ trên mặt đất rồi xoè ra nhè nhẹ gạt lá khô theo kiểu hoa nở. Đặt hai chân vào chỗ lá đã được dọn ấy, tay lại tiếp tục dọn chỗ phía trước. Người đi sau, bám chặt người đi trước, hai tay sờ đúng chỗ đặt của năm ngón chân của người trước, nhẹ nhàng đặt chân mình vào. Cứ thế, gần hai trăm con người ngậm tăm bò đi, không hề gây một tiếng động nhỏ. Người trinh sát đi cuối cùng, khi nhấc chân, phải gạt lá khô, che kín vết chân mình. Đi kiểu ấy, rất bí mật, nhưng rất chậm. đoạn đường từ đỉnh 815 ra đến ngã ba trạm xá
thường ngày, chúng tôi chỉ đi chưa đầy một giờ đồng hồ. Vậy mà đêm ấy, chúng tôi lọt qua vòng vây địch mất đúng từ chín giờ tối tới năm giờ sáng. Địch ngủ im, không hề hay biết gì. Song đi kiểu bò cao, lại có đầy ba lô, súng đạn trên vai, rất mệt. Đến ngã ba trạm xá
thành đội trưởng cho nghỉ năm phút. Hết giờ nghỉ, lệnh đi, hầu như chín chục phần trăm đã ngủ. - Anh em mệt quá, ngủ hết thủ trưởng? – Tham mưu trưởng báo cáo. Suy nghĩ, tính toán một lát, ông quyết: - Cho tụi nó ngủ thêm mười lăm phút nữa, lấy sức - Ông chép miệng -Tội cái tụi đang sức ăn sức ngủ. Hết mười lăm phút. Chúng tôi phải dậy, tụt dốc Thanh Niên. Đến ngã ba khe Vịt thì đã sáu giờ rưỡi sáng, sáng bạch, không đi được nữa. Ông cho dưng lại. Mỗi người bám một gốc cây đào hố cá nhân. Thân Trọng Một cho gọi A-Lơn, trung đội trưởng người KaTu, đánh rừng nổi tiếng trên đường 14, lúc ấy đang được điều về học tập thêm chiến thuật ở thành đội. Ông bảo A Lơn: - Lấy một tiểu đội của ông về ngay lại 815, kìm địch kéo dài thời gian chúng tới địa đạo của tôi càng lâu càng tốt. Tám giờ sáng súng nổ chát chúa từ 815 vọng lại, nghe rất rõ tiếng AK, tiếng AR15. Quân A Lơn bám chặt từng gốc cây, đánh rất khá. Mười hai gìơ trưa, tiếng súng tạnh hẳn. Địch đã chiếm được địa đạo ông Một. Máy bay địch lồng lộn trên đầu. Tuột khỏi tay mất con mồi lớn, chúng tức. Cố vè vè tìm dấu vết. Là tay quân sự sẽ biết những người thoát vây đi chưa xa. Quanh quẩn đâu đó. Nhá nhem tối, lệnh hành quân vào khe Cối Xay. Khe cũ của lính kinh tế xay lúa lấy gạo nuôi quân. Vừa đến nơi, đã nghe bom B57 thả ở khe Vịt. Thằng địch cũng không đến nỗi mù. Đến khe Cối Xay, thành đội trưởng nhận được thư mật của cơ sở từ vùng sâu đưa lên. Không nghỉ, ông điều ngay đại đội Hai của tiểu đoàn đặc công Chị Thừa Một cùng ông hành quân gấp. Đêm ấy đại đội Hai mật đánh vào căn cứ Tân Ba. Ngày hôm sau ba trung đoàn liên quân Việt Mỹ đang triển khai càn chiến khu rút lui không kèn không trống. Hoá ra được tin chỉ huy trận càn đóng ở Tân Ba, ông đánh ngay. Rắn mất đầu, quân phải lui. Sau trận Tân Ba, ngồi thân mật, ông hỏi tôi: - Tau đố thằng Mai Yên biết vì sao không điều nghiên mà đại đội Hai đánh vẫn thắng. Tôi đáp: - Cháu tưởng quân ta đang chạy vãi đái, còn hơi sức đâu mà đánh đấm nữa, nên chúng chủ quan, bỏ trống thành ạ. Ông vỗ đùi: - Thằng ni khá. Tau lấy mi về không uổng. Chợt ngứa, ông lấy hai tay cào đầu, tóc rối tung lên, lúc ấy ông mới chợt nhớ: -
Chu
cha vậy là mấy ngày mình không tắm rồi. Ông rủ tôi xuống suối tắm. Ông vỗ nước ùm ùm như con nít, suối không rộng, ông nằm xoài người ra bơi. Tắm xong, ông lấy áo quần mặc. Đã vài tháng mới lại thấy ông mặc chiếc áo trên ngực có thêu con thuyền một buồm đang trôi trên biển mênh mông. Nhìn tấm áo ấy, nhớ lại đã có lần tôi hỏi ông: - Họ nói anh không biết chữ, nên ký con số 1? Ông đáp: - Tau đã qua Ân Độ, lấy được hai cái bằng cử nhân. Một cử nhân nuôi cá. Một cử nhân làm muối. Chuyện số một, rồi có lúc mi sẽ hiểu. Rồi những ngày đánh Mậu Thân vào Huế, khi tiếng súng đã tạm yên, thành đội bộ rút về đóng ở chùa Từ Đàm, một buổi ông dẫn tôi và chú liên lạc Dương Văn Chiến của ông cùng đi. Tới Dương Xuân Thượng, ông đưa chúng tôi vào một nhà. Vừa tới cổng, hai đưa nhỏ từ trong nhà chạy ra nói như reo: - Cậu Một! Cậu Một – Rồi nó kể – Ngày mô mạ con cũng sắp một mâm cơm đợi cậu. Không thấy cậu về chiều, mạ cho chúng con ăn, mai lại sắp mâm khác. - Bữa ni có sắp cơm cho cậu không? Ông hỏi. - Dạ có. Mỗi đứa cầm một tay ông, đi hai bên, dẫn ông vào nhà. Đúng là có một mâm cơm đậy lồng đặt giữa bàn. Một người đàn bà từ trong buồng bước ra. Trông dáng bà mảnh mai, mắt sáng, tóc hoa râm, miệng cười rất tươi. Chắc thời thanh xuân bà xinh lắm. Ông Một quay lại. Bốn con mắt họ như hút vào nhau. Ông cười, nụ cười chưa bao giờ tôi thấy rạng rỡ thế. Ông thốt lên: - Yến! Bà đáp: - Tưởng không về. - Sao không? - Ai biết. Họ đối đáp mới trẻ trung làm sao. Sau tôi mới biết, hai người đã có một thời yêu nhau da diết. Nhưng ông ham “đi tìm lẽ đời”, lang thang làm Năm Huế đứng đầu một băng anh chị ở Sài Gòn. Lúc quay về quá muộn, bà đã lấy chồng. Sinh được hai con, chồng chết, ở vậy. Nhưng trái tim bà vẫn mãi mãi thuộc về ông, cứ nghe cuộc đối đáp này thì biết. Bà Yến ra kéo ghế cho chúng tôi ngồi. Hai đứa nhỏ cũng đòi được ngồi ăn cơm với “cậu Một”. Sau chiếc ghế, hai bên bàn. Bà mở lồng bàn, bừng cơm lên. Một bữa cơm thời chiến mà rất thịnh soạn. Có thịt gà bóp, có canh măng, có rau sống, một đĩa ớt đỏ ngời. Bà ngồi đầu nồi, không ăn, chỉ sới cơm cho chúng tôi. Thật ra bà chỉ sới cơm cho ông Một và ngồi ngắm nhìn ông ăn. Cơm xong, nước nôi xong, bà Yến mở tủ lấy ra một xếp ba cái áo ba màu, bắt ông mặc thử. Cái nào cũng vừa in. Đặc biệt nhất là trên ngực áo nào cũng thêu trên ngực con thuyền một cánh buồm đang lướt trên biển rộng. Bà giải thích với tôi: - Đời anh mi giang hồ lắm à. Thân Trọng Một chỉ một ngón tay vào con thuyền trên ngực áo mình, hỏi tôi: - Mai Yên, mi có biết cái chi không? Tôi chợt nhận ra: - Dạ, con số 1 ạ. - Giỏi. Con số 1. Chữ ký của tau đó. - A! Ngờ đâu ông lại lãng mạn đến thế. Bây giờ, bên bờ suối giữa chiến khu đại ngàn này, ông đang mặc một trong ba chiếc áo ấy, trên ngực áo thêu con thuyền một buồm trôi trên biển. Thân Trọng Một bắt gặp cái nhìn tủm tỉm cười của tôi, ông như hiểu tôi đang nghĩ gì. Ông nói: - Mụ Yến là mối tình đầu của tau đó. Ông nhìn lại tôi, cười: - Mai Yên ạ, mần chi thì mần, dù làm tướng hay làm một ông tổng thống đi nữa, thì trước tiên phải là một thằng đàn ông đã. Chiếc sẹo trên thái dương ông láng tương giống như một con mắt láu lỉnh nhìn xéo, tinh nghịch lạ lùng. Rừng mênh mông. Suối trong vắt. Tiếng chim khiếu véo von đâu đó. Rất gần.
NGUYỄN QUANG HÀ (nguồn: TCSH số 154 - 12 - 2001) |