Thấy nhà văn Nguyễn Trí Huân cặm cụi ghi chép, anh vui vẻ nói:
- Nhà văn hôm nay chắc có nhiều tư liệu tốt.
- Vâng! Nhiều điều hay quá anh ạ.
Huân lại tiếp tục ghi. Du ngã mình trên sạp giường rút thư nhà ra đọc “Anh ạ, em đã gần ngày sinh. Nếu con gái chúng ta đặt tên là Kim Cúc, còn con trai chúng ta đặt tên gì? Anh cố tìm cho một cái tên thật có ý nghĩa để con ta lớn lên tốt anh nhé!" Tìm một tên đẹp con đó là điều mà vợ chồng anh tha thiết. Mấy ngày nay anh nghĩ mãi chưa ra. Anh nhớ lời cha anh dặn:
- Tên người vô cùng quan trọng. Tục ngữ Trung Quốc đã đúc kết: "Cho con ngàn vàng chẳng bằng dạy cho con một nghề, dạy cho con một nghề chẳng bằng đặt cho con một cái tên tốt đẹp". Cha đặt tên con là Du, cha mong con trưởng thành. Du có nhiều nghĩa, có nghĩa là trêu ghẹo, là đi... nhưng chữ Du cha đặt cho con có nghĩa là vui vẻ, nhanh nhẹn, mưu kế, vượt qua... Cuộc đời dữ dội luôn đối mặt nhiều nan nguy, con phải can trường nhưng cũng phải mưu trí nhanh nhẹn vượt qua mọi thử thách, không bi quan, luôn vui vẻ mới sống tốt. Họ Nguyễn Văn ta trên đất Nghi Lâm xứ Nghệ thuộc dòng tộc Nguyễn Huệ, ông tổ con Nguyễn Văn Đởn là võ quan của triều Tây Sơn. Nhà ta cần cù, hiền lành, cha mẹ, anh chị con đều tham gia cách mạng, là cán bộ tốt của dân. Con phải sống sao khỏi tủi thẹn với ông cha.
Nhìn lại cuộc đời mình từ 1968 mới hai mươi tuổi đầu đã xung phong vào lính, đến nay đã mười tám năm chiến đấu khắp ở chiến trường miền Nam rồi sang giúp bạn Lào, giúp Cămpuchia, mình có lúc vụng dại, nóng nảy nhưng luôn làm được điều cha dặn. Mười lăm tấm huân chương trong đó có sáu huân chương chiến công (bốn huân chương hạng nhất, hai huân chương hạng nhì) đã ghi nhận thành công đó của mình. Mười tám năm qua ngày nào cũng cùng đồng đội đối mặt với cái chết, Du vẫn đứng vững. Những năm 69, 70 ở miền tây Quảng Trị đói quay đói quắt, vẫn dũng cảm đánh giặc lập công, đến khi mắt mờ còn hai phần mười phải ra Quảng Bình điều trị rồi lại vào tiếp tục chiến đấu. Những ngày đánh nhau ở Tân Tẹo dữ dội, cả tiểu đoàn chỉ còn lại 60 chiến sĩ, Du vẫn dũng cảm cùng đồng đội chiến đấu, được đề bạt làm đại đội trưởng. Những ngày đánh vào tây Thừa Thiên chiếm điểm cao 35 do đồng chí Trịnh Ngọc Ước chỉ huy, Du cùng đồng đội mưu trí mở đường máu vượt qua sông Mỹ Chánh hoàn thành nhiệm vụ. Sau trận đánh ấy Du được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Trận đánh đồi Ông Do, bị thương, bị vùi vẫn cố bươi đất mà lên trở về chiến đấu. Năm 1973 mới 25 tuổi Du đã được đề bạt làm tiểu đoàn phó Tiểu đoàn 9, Sư 304 - một trong những cán bộ tiểu đoàn trẻ nhất. Rồi những trận đánh Mai Lộc, cầu Thượng Nguyên, Đà Nẵng... bao ngày bao cuộc chiến đấu Du đã làm được những điều cha gửi gắm vào tên mình, nhanh nhẹn, mưu trí, gan góc, vui vẻ. Mười tám năm qua có nhiều thành công cũng có lúc vụng dại lỡ lầm nhưng không bao giờ Du phải ân hận hối tiếc, phải xấu hổ với cái tên cha mình đặt cho mình - kể cả lần Du bị kỷ luật vào hè 1975.
Hồi ấy ngày 28-4 quân đoàn 2 ở cửa ngõ Sài Gòn, chuẩn bị tấn công chiếm thành phố. Cấp trên phân công: Tiểu đoàn 7 đánh dinh Độc Lập, Tiểu đoàn 8 đánh chiếm đài phát thanh, còn tiểu đoàn 9 của Du: dự bị. Ngán quá! Du lên gặp sư trưởng Lê Công Phê xin được chiến đấu. Sư trưởng động viên:
- Tiểu đoàn cậu đã là tiểu đoàn anh hùng rồi. Để cho tiểu đoàn 9 lập công.
Du đành chịu.
Thế nhưng cuộc chiến đấu diễn ra rất mau lẹ của một cơn lốc lớn. Sáng 29-4-1975 Du dẫn đơn vị vượt qua sông Sài Gòn cùng hàng trăm xe tăng tiến vào thành phố. Đến Bộ Tư lệnh Hải quân đơn vị bị chặn lại. Địch ngoan cố đánh trả quyết liệt. Đánh mặt trước không được, Du quyết định đánh tập hậu. Anh đề nghị xe tăng hỗ trợ cắt đứt đường lui của địch. Không ngờ đây là cách đánh địch sợ nhất. Chúng rối loạn bỏ chạy. Chiếm xong Bộ Tư lệnh, Du dẫn anh em tràn sang chiếm Ngân hàng, rồi đánh chiếm Phủ Tình báo, cứu được đồng chí Nguyễn Văn Tài - Cục phó Cục Tình báo. Với chiến công đó Du được về dự hội nghị mừng công, có khả năng được công nhận anh hùng lực lượng vũ trang. Thế nhưng trước hôm đại hội, nghe tin em mình là Nguyễn Thị Liên cũng có mặt trong đoàn dân sự vào Sài Gòn, Du mừng quá đi tìm em. Em ở viện. Khi Du gặp được em thì trời đã tối. Hồi ấy các tay bắn tỉa còn nhiều, Du cùng một đồng chí trong tiểu đoàn phải ở lại. Đơn vị cử người đi tìm. Du bị khép vào tội vô kỷ luật, tất cả thành tích công lao trong chiến trận bị gạt hết. Có một đồng chí cán bộ hỏi Du:
- Cậu đi chơi, mất anh hùng có hối hận không?
Du ngẩng đầu cãi:
- Đồng chí nhầm rồi. Tôi đi tìm em tôi. Tôi vui vì cả hai anh em cùng có mặt ở Sài Gòn trong ngày trọng đại này. Còn vì niềm vui ấy mà mất đi các danh hiệu, tôi sẵn sàng. Tôi đem cái thân này đi đánh giặc là để nước nhà thống nhất, không phải để kiếm danh hiệu. Hôm nay Sài Gòn giải phóng, thế là tôi mãn nguyện rồi.
Sau đó, Du vẫn là Tiểu đoàn trưởng lên chống Phun rô ở Lâm Đồng rồi sang giúp nước bạn Lào, về học ở Học viện Đà Lạt 3 năm, học trường chuyên gia Quân sự của Bộ Quốc phòng 1 năm và giờ đây đang vui vẻ công tác với các bạn ở Cămpuchia. Ở đâu Du vẫn không đánh mất mình. Du đã có vợ có con. Vợ Du là Thái Thị Dung - giáo viên Sử Phổ thông trung học đang say mê dạy các thế hệ học sinh lịch sử vẻ vang của dân tộc trong đó có một phần đóng góp rất nhỏ của Du. Con trai đầu của Du là Nguyễn Thái Bình, chứa đựng khát vọng hòa bình muôn đời của dân tộc. Giờ đây sắp có đứa thứ hai, nếu là gái vợ sẽ đặt tên là Kim Cúc còn nếu con trai ta sẽ đặt tên là gì đây? Có người khát khao làm giàu đặt tên con là Phú, Quý, có người muốn con thông minh, thắng lợi đặt tên con là Tuấn, Thành..., người chuộng đạo đức đặt tên con là Hiếu, Nghĩa... người khát vọng sức mạnh đặt tên còn là Dũng, Hùng....; người thích các loại cây đặt tên là Tùng, Trúc, Mai, Quế..., người yêu các thứ ngọc đặt tên là Châu, Quỳnh, Dao... Còn mình một người lính, một sĩ quan sẽ đặt tên con là gì cho thích hợp? Bao nhiêu năm qua mình đã chứng kiến bao đau thương mất mát của các làng quê, của đồng đội, đã gặp bao nhiêu vẻ đẹp cao cả anh hùng, mình đã sống những ngày đáng sống, đặt tên con là gì để ghi nhớ được những năm tháng đã qua mà vững vàng đi tới? Mình muốn tên con mình chứa đựng những gì tinh hoa nhất của cha mẹ nhưng đồng thời cũng phải chứa đựng những gì cao quý nhất của dân tộc. Có kết tinh cả hai nguồn ấy nó mới vững bước tới tương lai. Nhiều người thường lấy địa danh gắn với những kỷ niệm đặt tên cho con. Đó là một ý tưởng hay. Trong óc Du lướt qua những: Ông Do, Mỹ Chánh, Tân Tẹo, Thượng Nguyên, Hải Lăng, Sài Gòn... đó là những tên đầy ý nghĩa nhưng chưa phải là nơi Du bằng lòng với mình nhất. 1062 đó là địa danh đáng nhớ. Cả một khu rừng già sau 60 ngày bám trụ chống chọi với ngàn lần đánh phá của địch, rừng già đã biến thành đồi trọc, đất đá bị đào tung lên, mưa xuống thành ao bùn, đồng đội và Du đã bám trụ vững vàng. Tự hào và đáng nhớ vô cùng. Nhưng không thể đặt tên con là Sáu Hai. Chỉ còn tên Thượng Đức.
Phải - nơi ấy là vị trí xung yếu tiền đồn phía tây của Đà Nẵng mà Nguyễn Văn Thiệu gọi là "mắt ngọc của đầu rồng", tỉnh trưởng Quảng Nam - Đà Nẵng khẳng định là "cánh cửa thép bất khả xâm phạm", có hệ thống phòng thủ hiện đại nhất Việt Nam cộng hòa: 35 lô cốt nửa chìm nửa nổi bằng xi măng cốt thép với hai lớp bao cát bao bọc cùng hệ thống giao thông hào hầm ngầm kiên cố với nhiều kho đạn lớn có thể cố thủ hàng tháng, nằm trong một vùng có hàng trăm mét hàng rào đủ các kiểu bảo vệ. Nơi ấy có tiểu đoàn 79 biệt động quân cực kỳ thiện chiến và tàn bạo, hai đại đội bảo an tinh nhuệ, một đại đội cảnh sát, 16 đội vũ trang quyết tử bảo vệ Thượng Đức. Thiếu tá quận trưởng Nguyễn Quốc Hùng tuyên bố "Khi nào nước sông Vu Gia chảy ngược, cộng sản mới chiếm được Thượng Đức".
Quân và dân Quảng Nam - Đà Nẵng cùng sư 304 được sự hỗ trợ của Quân đoàn âm thầm hàng tháng trời chuẩn bị quyết chiếm được Thượng Đức. Trước hết phải chiếm cho được 3 tiền đồn A, B, C ở hướng tây. Ban chỉ huy sư đoàn đã quyết định hướng tiến công chính là tiền đồn A do Tiểu đoàn 7 đảm nhận. Tiểu đoàn 9 của Du được giao chiếm tiền đồn B. 5 giờ 1 phút ngày 28-7-1974 pháo ta dội bão lửa xuống đầu thù, các mũi nhất loạt tiến công. Thế nhưng căn cứ địch quá kiên cố, sự chống trả rất quyết liệt, cả 3 mũi tiến công vẫn chưa tiến lên được. Ở cửa tiền đồn B tiểu đoàn trưởng Lê Thanh Tư bị thương, rồi chính trị viên trưởng Hoàng Trọng Tình cũng bị thương phải chuyển ra tuyến sau. Du là tiểu đoàn phó, đồng chí Nguyễn Quang Sáng chính trị viên phó phải đảm nhận trách nhiệm chỉ huy. 4 ngày chiến đấu mà đoạn rào 200 mét chỉ mới phá được một nửa. Bộ chỉ huy Sư 304 ra lệnh cho Trung đoàn 66 ngừng tiến công chuyển sang phòng ngự giữ bàn đạp đã chiếm được để tổ chức cuộc tấn công mới. Tiểu đoàn 9 của Du 52 đồng chí bị thương, 55 đồng chí hy sinh trong đó 13 chiến sĩ bộc phá đều không còn nữa. Có thi hài đồng chí còn nằm phơi trên dây thép gai. Lòng Du như lửa đốt. Hồi ở động Ông Do xác đồng chí của mình bị giặc phong tỏa gần một tuần, thối rữa, trong đêm tối nhờ anh em yểm trợ Du đã vào tìm cách cõng được đồng chí ra và chôn cất tử tế. Còn ở đây chỉ có chiến thắng mới lấy được thi hài đồng đội của mình. Nhiệm vụ chiếm tiền đồn thật nặng nề nhưng không thể không hoàn thành. Phải nghĩ cách gì chiếm cho bằng được. Du lại nhớ lời của cha mình: Du là mưu kế, phải nghĩ cách gì đây?
Đến ngày mồng 5 tháng 8 có nghị quyết của Hội nghị Đảng ủy Sư đoàn, Trung đoàn 66 được lệnh tiến công. Nghĩ được một cách, Du nói với chính trị viên Nguyễn Quang Sáng:
- Đồng chí tập hợp anh em lại động viên quyết tâm chiến đấu. Khi pháo ta nã đạn dồn dập vào các lô cốt, chúng ta phải tiến vào rất nhanh. Tất cả anh em cởi quần áo dài ra vất thành một đường dài để vượt. Tôi sẽ nằm ở mỏm đầu, dẫm lên tôi mà tiến.
Nguyễn Quang Sáng băn khoăn:
- Có cần như vậy không? Nằm cố định nơi cửa mở, trước họng súng quân thù...?
- Không việc gì đâu. Cần làm như vậy để anh em vững tin hơn. Mình cũng cần quan sát. Cậu cùng đồng chí Phùng, đồng chí Ngô Vinh dẫn đại đội 11 xung kích trước.
Toàn tiểu đoàn hừng hực quyết tâm. Đại đội trưởng Ngô Vinh dẫn anh em xông lên chiếm được lô cốt bên phải và anh dũng hy sinh. Nguyễn Khắc Kình cùng tiểu đội xông lên chiếm lô cốt bên phải. Du quay lại dẫn Đại đội 10 xông lên. Tiểu đoàn đã chiếm được một phần cửa mở. Máy bay địch quần trên đầu thả pháo sáng, bắn xối xả vào trận địa. Bọn địch trong các lô cốt nhả đạn dữ dội. Du và các cán bộ chiến sĩ của Tiểu đoàn vẫn xông lên. Hoàng Văn Nam con hổ của núi rừng Tân Kỳ xứ Nghệ dũng mãnh chiếm lô cốt bên phải thọc sâu vào khu bảo an. Pháo DKZ của Sư đoàn hỗ trợ. Tiểu đoàn của Du đã chiếm được tiền đồn B, chiếm được một phần khu bảo an. Thế nhưng địch ào lên phản công, chiếm lại phần lớn đất đã bị mất. Tình thế hết sức khó khăn. Nhanh chóng quan sát, Du tìm được một vị trí thích hợp giữa khu bảo an và tiền đồn cho đơn vị chiếm giữ. Cuộc chiến đấu quyết liệt, nhiều đồng chí bị hy sinh nhưng đơn vị vẫn trụ lại được ở đó. Đêm ấy tham mưu trưởng Sư đoàn Trung tá Lê Đắc Long, cùng tham mưu trưởng Trung đoàn Thiếu tá Phạm Cải vào thẳng trận địa kiểm tra tình hình. Sau đó cán bộ chỉ huy Sư đoàn quyết định: chuyển hướng tấn công, lấy hướng tiến công của Tiểu đoàn 9 làm hướng chủ yếu. 8 giờ 30 phút ngày 7-8-1974 ta toàn thắng. Nước sông Vu Gia không bao giờ chảy ngược nhưng Sư 304 và quân dân Quảng Nam - Đà Nẵng đã chiếm được Thượng Đức. Thiếu tá Nguyễn Quốc Hùng tự sát. Du vẫn quần đùi áo cộc, khẩu AK báng gập trên vai ngẩng đầu nhìn trời xanh lồng lộng thầm nói "Mẹ ơi, con còn sống! Cha ơi, ta thắng rồi. Con đã làm đúng lời cha".
Đó là trận đánh Du bằng lòng với mình nhất. Ở một thời điểm gay go nhất anh đã tìm được một cách đánh đơn giản mà hiệu quả, mở được đường vào, tạo nên một bước phát triển cho toàn cục của trận đánh.
- Ta sẽ chọn tên Thượng Đức đặt tên cho con trai của mình!
Lát sau anh lại nghĩ: Như vậy có nên không nhỉ? Nếu đặt tên ấy ta sẽ đặt lên vai con ta bao tình cảm của quân dân Quảng Nam - Đà Nẵng, đặt trên vai con ta bao mất mát hy sinh của đồng đội, đặt lên vai con ta bao hy sinh cao cả của mọi người. Ta đặt vào đó cả cuộc đời ta, cả tình yêu và nỗi đau của ta, cả chiến công dù rất nhỏ của ta lên đôi vai của con mình. Rất nặng nề. Nhưng cũng rất vinh quang. Đó là một sự thật mà con ta cũng như mọi người phải gánh vác. Đó cũng là niềm tự hào của con ta về người cha, về những người lính. Mình không có ngàn vàng, chỉ có danh dự với chiến công, chỉ có tình yêu. Đó là báu vật vô giá để lại cho con mình.
Thế nhưng, Thượng Đức trong mạch tư tưởng của dân tộc là gì? Điều này ta chưa rõ. Hỏi ai bây giờ đây? À, đúng rồi, giờ đây chỉ có Nguyễn Trí Huân mới giải nổi điều này. Sáng qua cậu ấy cứ đòi lên mặt trận. Mình hơi ngại: Nhỡ cậu ta gặp chuyện gì không may thì tiếc quá. Mình nói "Cứ ở nhà, đánh xong mình kể cho nghe, tha hồ viết". Cậu ấy quyết tâm đi mình đành phải chấp nhận. Bây giờ có cậu ta ở đây lại đâm hay:
- Này, Trí Huân ơi, Cậu chỉ giúp mình điều này.
- Điều gì vậy, thủ trưởng?
- Cậu giải nghĩa dùm mình: Thượng Đức nghĩa là gì? Tại sao dân Quảng Nam - Đà Nẵng lại gọi vùng đó là Thượng Đức.
Trí Huân suy nghĩ một tí rồi nói:
- Trong chữ Hán có hai chữ thượng: một chữ thượng là trên, một chữ thượng nữa là chuộng. Thượng Đức là chuộng đức. Dân tộc Việt Nam ở đâu cũng chuộng đạo đức.
- Nhưng Đức là gì? Có phải chỉ đức hạnh không?
- Đức: chính là đạo đức, đức hạnh, là tính tốt của con người đối với con người.
Huân viết chữ đức lên giấy rồi giải thích:
- Chữ sách bên trái là bước ngắn chỉ người đi. Đi và nhìn mười phương trời bốn phương đất học hỏi cùng một tấm lòng tạo nên chữ đức.
Du gật gù:
Hay quá. Như vậy chữ đức có nghĩa là con người phải hành động, phải quan sát học hỏi, phải cùng nhất tâm đoàn kết thương yêu nhau. Hay quá! Thượng Đức! Xong rồi!
Huân ngạc nhiên: Sao thủ trưởng bảo xong rồi?
Du tủm tỉm cười. Anh ngồi vào bàn rút bút viết thư ngay cho vợ:
"Em thân yêu! Nếu sinh con trai em hãy đặt tên con là Thượng Đức. Nguyễn Thượng Đức...".
Du nhìn vào trang giấy bằng lòng với tên đặt của mình. Con mình sẽ mang trong lòng nó nguồn mạch đạo lý cao đẹp muôn đời của dân tộc và sự hy sinh lớn lao của lớp lớp chiến sĩ trong đó có một phần xứng đáng của cha nó. Mình đã trao vào nó những giá trị tinh thần vô cùng to lớn của dân tộc. Tinh thần có vững, có đúng đắn, con mình mới vững bước được. Đó là báu vật của muôn đời mà mình chuyển giao cho nó. Mình tin nó sẽ lớn lên cứng cáp. Sau này nó có làm nên được gì cũng phải bắt đầu từ điều đó. Du sung sướng bằng lòng với mình. Anh bước ra ngoài trời; bầu trời xanh lồng lộng. Một màu xanh vĩnh hằng trong trẻo tràn đầy sức sống.
Tôi về Nghi Lộc (Nghệ An) vào một sáng hè. Đến trước trường THPT Nghi Lộc 2 tôi ghé thăm nhà Du. Giữa khu vườn rộng xanh tốt cam, na là ngôi nhà gạch bình dị của anh. Anh vẫn như xưa: quần cộc, áo cộc, ngồi hút thuốc lào cạnh chiếc bàn nhỏ giữa sân, vui vẻ đứng dậy bắt tay tôi. Chị Dung và cháu Thái Bình vừa đi họp hội đồng giáo viên về. Trong nhà một thanh niên cao to với khuôn mặt tuấn tú ra chào tôi. Tôi bị cuốn hút vào vẻ chững chạc ấy. Tôi nhìn cháu, nhìn anh. Hiểu ý tôi, anh nói:
- Cháu Thượng Đức đó. Vừa kết thúc năm thứ hai khoa Công nghệ thông tin Đại học Quốc gia. Sinh viên xuất sắc được cấp học bổng đấy.
Tôi gật gù mừng cho anh, cho cháu. Tôi hỏi:
- Anh bây giờ sống thế nào?
- Bình thường và vui vẻ. Thỉnh thoảng đi tìm hài cốt của đồng đội. Nhờ có bộ nhớ tốt, mình đã đưa được một số anh em về với quê nhà.
- Điều mong muốn nhất của anh bây giờ là gì?
- Mong con hơn cha. Mong các con sống như những khát vọng mà vợ chồng mình gửi gắm qua những cái tên: làm việc hết mình để có sự Thái Bình cho muôn nhà, muôn người, làm nên những Thượng Đức mới trong thời kỳ đổi mới của dân tộc.
Tôi lặng lẽ cúi đầu trước cốt cách của người lính.
N.T.Q (187/09-04)
|